Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 gặp nhiều khó khăn Thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, xâm nhập mặn, thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, giá xuống thấp đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nông dân. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2015 theo giá so sánh 2010 ước đạt 489 nghìn tỷ đồng, tăng 2,41% so cùng kỳ năm trước. GTSX toàn ngành 6 tháng năm 2015 có mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua[1]. Các ngành sản xuất chủ yếu bị ảnh hưởng nhiều là ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,95% (cùng kỳ năm 2014 tăng 2,5%), thủy sản chỉ tăng 3,4% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6%). Riêng ngành lâm nghiệp đạt mức tăng cao nhất là 8,27% (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,9%).
1. Nông nghiệp
Sáu tháng đầu năm sản xuất nông nghiệp cả nước tập chung chủ yếu vào nhiệm vụ sản xuất vụ Đông xuân, bên cạnh đó là công tác chuẩn bị vụ Mùa ở phía Bắc và gieo trồng vụ Hè thu ở phía Nam. Hiện nay các địa phương phía Bắc đang vào mùa thu hoạch các cây trồng vụ Đông xuân, chuẩn bị công tác gieo cấy cho vụ Mùa. Các địa phương phía Nam cơ bản đã thu hoạch xong lúa Đông xuân và tiến hành xuống giống các loại cây trồng vụ Hè thu.
Sản xuất vụ Đông Xuân năm nay chịu ảnh hưởng tình hình hạn hán diễn ra khốc liệt tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trong năm 2015 ghi nhận nắng nóng gay gắt với nền nhiệt tháng 5 cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ với chuẩn sai nhiệt độ phổ biến từ 3-4 độ C. Từ đầu năm 2015 đến trung tuần tháng 6, lượng mưa trong khu vực rất thấp, trong đo một số điểm không mưa như Phan Rang, Phan Thiết, Phú Quý.
Ngay từ đầu năm nay, tình hình khô hạn ở các tỉnh Nam Trung Bộ đã hết sức căng thẳng, 20 hồ chứa nước- nguồn sống của bà con Ninh Thuận bị cạn, đất nông nghiệp buộc phải bỏ hoang, nông dân mất dần sinh kế, đời sống đảo lộn. Đến đầu tháng 6/2015, dung tích hữu ích của các hồ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt khoảng 16% so với thiết kế; tỉnh Ninh Thuận hầu như không còn; tỉnh Bình Thuận còn khoảng 21%. Trong vụ Đông xuân, hạn hán, thiếu nước đã xảy ra gay gắt ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa: Ninh Thuận có 6.100 ha đất lúa không có nước để sản xuất, 2.079 ha bị hạn (mất trắng 501 ha, giảm năng suất 1.578 ha), khoảng 23.000 người (7 xã thuộc các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Nam, Ninh Hải) không đủ nước sinh hoạt. Tỉnh Khánh Hòa có 571 ha dừng sản xuất, 600ha chuyển đổi sang cây trồng cạn, 2.998ha cây trồng.
Tây Nguyên và Đông Nam Bộ: Tổng diện tích thiếu nước, hạn hán cao nhất là 95.053ha (Đắc Lắc 61.466 ha, mất trắng 4.364 ha; Đắc Nông 16.760 ha, Gia Lai 8.956ha; Bình Phước 7.800ha… Ngoài ra, tại Đắc Lắc có 19.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Khu vực Đồng bằng sông cửu Long, nhiều diện tích bị thiếu nước tưới:Tiền Giang 1.049ha; Trà Vinh 10.000ha; Sóc Trăng 7.159ha; Bạc Liêu 1.700ha..
Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh gây hại cho cây trồng, đặc biệt là bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột,... đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng các loại cây trồng. Kết quả sản xuất lúa vụ Đông xuân năm nay kém cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa Đông xuân năm nay ước tính đạt 66,5 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha so với vụ Đông xuân năm trước; sản lượng ước đạt 20,7 triệu tấn, giảm 153 nghìn tấn (-0,7%).
Cây ngô: Diện tích đạt 579,7 nghìn ha, giảm 29,6 nghìn ha (-4,9%) so cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 2474,2 nghìn tấn, giảm 43,3 nghìn tấn (- 1,7%). Khoai lang đạt 856,9 nghìn tấn, tăng 14,7 nghìn tấn (+1,7%); Đậu tương đạt 77,6 nghìn tấn, giảm 4,7 nghìn tấn (-5,7%); Lạc đạt 354,6 nghìn tấn, tăng 4,6 nghìn tấn (+1,3%); Rau các loại đạt 8628 nghìn tấn, tăng 244 nghìn tấn (+2,9%) so cùng kỳ năm trước.
Các cây ăn quả, cây công nghiệp có tăng nhưng cũng chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ: Sản lượng chè ước đạt 442 nghìn tấn, tăng 2,4%; Sản lượng cao su ước đạt 315 nghìn tấn tăng 0,6%; Sản lượng hồ tiêu ước đạt 126 nghìn tấn tăng 5,4%; Sản lượng điều ước đạt 336 nghìn tấn, tăng 1%; Sản lượng cam ước đạt 249 nghìn tấn, tăng 1,4%; Sản lượng vải đạt 350,7 nghìn tấn, tăng 14%; Sản lượng chuối, dứa tăng nhẹ.
Các yếu tố bất lợi trên là nguyên nhân chính làm cho GTSX ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,95% so với cùng kỳ.
Về chăn nuôi, ước tính hiện tại cả nước có khoảng 2,6 triệu con trâu, bằng 99,6%; 5,3 triệu con bò, bằng 102,7%; 253,7 nghìn con bò sữa, bằng 126,5% so với cùng kỳ năm trước. Đàn trâu, bò của các tỉnh phía Bắc đặc biệt là các tỉnh miền núi chịu ảnh hưởng tương đối lớn do rét đậm, rét hại xảy ra vào thời điểm tháng một; từ tháng hai đến tháng sáu chăn nuôi trâu, bò phát triển khá tốt do thiên tai và dịch bệnh lớn không xảy ra. Đàn trâu có xu hướng giảm do diện tích chăn thả thu hẹp và hiệu quả chăn nuôi thấp trong khi đàn bò đặc biệt là bò sữa tăng mạnh do một số doanh nghiệp tăng cường đầu tư và mở rộng quy mô chăn nuôi; Tại thời điểm 1/4/2015 tổng số lợn của cả nước có 27,2 triệu con, bằng 102,9%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 2,05 triệu tấn, bằng 103,9% so với cùng kỳ năm 2014. Chăn nuôi lợn sáu tháng đầu năm 2015 phát triển khá thuận lợi do dịch lợn tai xanh không xảy ra và giá bán lợn hơi vẫn ở mức có lợi cho người chăn nuôi; Tại thời điểm 1/4/2015 tổng số gia cầm của cả nước có 327,1 triệu con, bằng 104,0%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 515,9 nghìn tấn, bằng 104,5%; sản lượng trứng gia cầm 6 tháng đạt 4,9 tỷ quả, bằng 106,3% so với cùng kỳ năm 2014. Chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn, đảm bảo an toàn dịch bệnh ngày càng được các địa phương chú trọng trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ có xu hướng giảm dần.
Sáu tháng đầu năm 2015 dịch cúm gia cầm tuy không bùng phát mạnh nhưng vẫn xảy ra ở một vài tỉnh kết hợp với thời tiết ẩm thấp trong quý một, nắng nóng trong quý hai đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của đàn gia cầm trên cả nước. Hiện tại thời tiết vẫn đang diễn biến thất thường là điều kiện tốt cho mầm bệnh tồn tại, phát triển do vậy để chăn nuôi gia cầm đạt hiệu quả cao người chăn nuôi cần tích cực chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh bằng cách tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời nếu ổ dịch xuất hiện.
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng, trong đó sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tiếp tục tăng trưởng cao, từng bước đảm bảo cung cấp nguyên liệu ngày càng tăng cho chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, khi tạm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trong nước để quản lý bền vững.
Diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 85 nghìn ha, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, diện tích tăng chủ yếu là rừng sản xuất chiếm 80%. Một số tỉnh có diện tích rừng trồng mới tập trung tăng cao là: Hà Tĩnh (+97,2%); Thái Nguyên (+77,4%); Lạng Sơn (+29,3%); Quảng Bình (+12,1%); Bắc Cạn (+10,2%)... Diện tích rừng trồng tập trung tăng khá chủ yếu do nhu cầu về gỗ cho sản xuất và tiêu dùng tăng cao nên đã khuyến khích người dân trồng rừng, tăng cường đầu tư mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lâm nghiệp chủ động hỗ trợ dịch vụ cây giống, kỹ thuật trồng rừng cho các hộ gia đình, cá nhân thực hiện liên doanh, liên kết thông qua các hợp đồng kinh tế, bao tiêu sản phẩm cho các hộ. Diện tích rừng trồng chăm sóc đạt 360 nghìn ha, tăng 16,2%; Diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh đạt 604,7 nghìn ha, giảm 0,5%; Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đạt 4805,2 nghìn ha, giảm 2,7%; Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước tính đạt 111 triệu cây, tăng 0,3%.
Khai thác lâm sản tăng khá, sản lượng gỗ khai thác trong sáu tháng đầu năm ước đạt 3470 nghìn m3, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, gỗ khai thác chủ yếu gỗ rừng trồng chiếm 98%.
Xuất khẩu sản phẩm gỗvà lâm sản là điểm sáng của toàn ngành nông nghiệp và PTNT. Trong 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 2,579 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2014; sản phẩm lâm sản ngoài gỗ đạt 113 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2014. Kết quả tích cực của ngành chế biến gỗ và lâm sản đã giúp GTSX ngành Lâm nghiệp đạt mức cao kỷ lục so với nhiều năm trước (8,11%). Có được những kết quả như trên là do ngành lâm nghiệp đang thay đổi cách tiếp cận tổng hợp theo chuỗi hành trình của sản phẩm từ khâu tạo nguyên liệu cho tới khai thác chế biến, và tiêu thụ sản phẩm. Các chính sách trong thời gian gần đây đang được phát huy có hiệu quả. Cơ cấu vốn đầu tư hợp lý, huy động được các thành phần kinh tế tham gia.
Trong kỳ, do nắng nóng kéo dài nên nguy cơ cháy rừng ở mức rất cao. Tuy nhiên, do chuẩn bị kỹ, thực hiện công tác tuyên truyền và bảo vệ rừng nên diện tích rừng bị cháy có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Sơ bộ trong sáu tháng đầu năm, diện tích rừng thiệt hại trên cả nước là 842 ha, giảm 30,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 556 ha, giảm 38,1%; diện tích rừng bị chặt phá là 286 ha, giảm 11%.
3.Thủy sản
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2014. Hai thị trường chính là Mỹ và Nhật Bản đều giảm mạnh, lần lượt 30,13% và 11,31%. Xuất khẩu tôm từ đầu năm đến nay khó khăn, kim ngạch giảm tới 32% so cùng kỳ, bởi thị trường EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… giảm nhập khẩu. Do đó các doanh nghiệp ồ ạt đưa hàng sang thị trường Hoa Kỳ dẫn tới giá tôm tại thị trường này liên tục giảm. Có thể nói, những thị trường lớn của nước ta như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đều giảm nhu cầu nhập khẩu, trong khi một số thị trường mới, thị trường tiềm năng thì chưa phát huy.
Do xuất khẩu chậm đã kéo giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, làm cho hàng loạt hộ nuôi gặp khó khăn. Nguồn cung thế giới tăng cao, áp lực cạnh tranh lớn: Bước sang năm 2015, nguồn cung thủy sản từ các nước xuất khẩu khác nhiều hơn. Ấn Độ, Malaysia và Indonesia tăng khối lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ, giá tôm Ấn Độ giảm mạnh và thấp hơn tôm Việt Nam. Cá tra của Việt Nam dù được xem là mặt hàng “một mình một chợ” trên thế giới nhưng xuất khẩu luôn gặp khó, đơn hàng từ đầu năm đến nay giảm nhiều. Nguyên nhân chính là do thị trường châu Âu giảm nhập khẩu, đồng euro mất giá, nên cá tra không bứt lên được. Thị trường sụt giảm nên người nuôi hạn chế mở rộng sản xuất.
Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 921 nghìn ha, giảm 0,8% so với cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi cá đạt 262 nghìn ha, tăng 1%; diện tích nuôi tôm đạt 602,3 nghìn ha, tăng 0,5%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong kỳ ước đạt 1574,8 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ, trong đó cá đạt 1178,4 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ; tôm đạt 236 nghìn tấn, giảm 2,5%.
Diện tích nuôi thả cá tra công nghiệp tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 6.040 ha, tăng 1,1%, trong khi diện tích cá nuôi tra chung cả nước đạt 12000 ha, giảm 5,9%.
4. Một số giải pháp
- Thực hiện các biện pháp trước mắt để chống hạn: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích không đảm bảo nước tưới; hỗ trợ vận chuyển nước uống cho gia súc và nước sinh hoạt cho người dân; sửa chửa và nâng cấp các hệ thống thủy lợi, hồ chứa nhằm tăng cường năng lực sản xuất trong và bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão sắp tới.
- Đánh giá lại hiệu quả chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu (như Quyết định số 580/QĐ-TTg) để tìm các giải pháp tích cực, hiệu quả hơn (trong 6 tháng năm 2015, sản lượng lúa giảm nhưng các cây được chuyển đổi như ngô, đậu tương… đều giảm).
- Phục đàn gia súc gia cầm với số lượng hợp lý, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng vẫn giữ được giá có lợi cho người chăn nuôi: tăng số lượng trâu bò và gia súc ăn cỏ...; tăng cường các biện pháp chống dịch; Kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu các sản phẩm chăn nuôi.
- Nghiên cứu chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, hợp lý đểthúc đẩy xuất khẩu. Khôi phục thị trường truyền thống, xúc tiến thương mại thị trường mới, đặc biệt là thị trường các nước Liên Xô cũ. Việc Việt Nam vừa ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu thì hàng hóa Việt Nam, nhất là thủy sản sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường này. Những năm qua Nga cho thấy là thị trường quan trọng của thủy sản Việt Nam. Việc ký hiệp định lần này sẽ giúp thuế suất hàng thủy sản Việt Nam vào Nga giảm từ 10% xuống 0%.
- Các doanh nghiệp cần tái cấu trúc về quản trị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để chế biến nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, giảm xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm sơ chế hoặc phi lê đông lạnh như hiện nay.
- Tăng cường hoạt động của lực lượng kiểm ngư và các lực lượng chấp pháp trên biển để bảo vệ ngư trường, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển. Đối với nuôi trồng thủy sản: Cần nghiên cứu, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân khắc phục dịch bệnh trên các loại thủy hải sản, để chuyển sang những loại có giá trị cao hơn (như tôm sú có giá cao gấp 3 lần tôm thẻ chân trắng nhưng lại rất khó nuôi, dễ mắc dịch bệnh)./.
[1] 6 tháng năm 2014 tăng 3,4%, năm 2013 tăng 2,53%; năm 2012 tăng 2,81%; năm 2011: 2,08%
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư