Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/03/2013-14:34:00 PM
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các ngành thương mại – dịch vụ tháng 3 và quý I năm 2013
Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24 tháng 3 năm 2013.
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tình hình thế giới
Bước sang năm 2013, triển vọng khôi phục tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn rất hết sức ảm đạm, do suy thoái vẫn tiếp diễn tại các nền kinh tế lớn. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong vòng 13 năm, trong khi tại Mỹ, dấu hiệu phục hồi vẫn còn yếu khi mà các số liệu về việc làm vẫn còn chưa khả quan và nhu cầu về dầu lại đang sụt giảm. Tại Châu Âu, khủng hoảng nợ vẫn đang diễn biến phức tạp: Tín hiệu đáng mừng từ Hy Lạp khi Quỹ Tiền tệ quốc tế đã thông qua khoản giải ngân 3.2 tỷ Euro cho Hy Lạp sau khi nước này thực hiện đợt cắt giảm ngân sách mới; tuy nhiên ngay sau đó, thị trường tài chính thế giới lại bị dúng động bởi kế hoạch đánh thuế vào tiền gửi ngân hàng, khiến người dân ồ ạt rút tiền tại các ngân hàng của Cộng Hòa Sip – một quốc gia thuộc liên minh Châu Âu khác, như là một biện pháp để đổi lại gói cứu trợ của EU và IMF. Tuy nhiên, trước sự rối loạn trên thị trường tài chính, Chính phủ Sip đã hủy bỏ kế hoạch nêu trên, đẩy Sip vào khả năng vỡ nợ, khiến cho tình hình khủng hoảng nợ công tại Châu Âu ngày càng diễn biến phức tạp.
Sự suy giảm về nhu cầu hàng hóa thế giới, tình hình chính trị phức tạp tại Trung Đông và Syria tạo ra những lo ngại về các cú sốc giá dầu, sự trì trệ của các nền kinh tế lớn, cũng như khả năng gia tăng chính sách bảo hộ hàng hóa của các này đã và sẽ là những yếu tố chính gây trở ngại cho sự phục hồi của kinh tế thế giới trong năm 2013.
2. Tình hình trong nước và tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và số 02/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ
Trong 3 tháng đầu năm, tình hình kinh tế trong nước vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Tết Nguyên Đán là được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sức mua của người dân, do nguồn hàng dồi dào, nhiều ưu đãi khuyến mại, tuy nhiên dịp Tết năm nay, lượng hàng tiêu thụ không đạt như kỳ vọng. Cụ thể Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 2/2013 giảm 1,03% so với tháng 1/2013.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, các Bộ, ban ngành, tỉnh, thành phố đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, do độ trễ chính sách, phải cần một thời gian nhất định các doanh nghiệp mới thực sự được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 3 VÀ QUÝ I NĂM 2013
1. Tình hình phát triển ngành dịch vụ
1.1. Tình hình chung
Trong 3 tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế trong nước vẫn còn nhiều dấu hiệu bất ổn: một số mặt hàng có xu hướng tăng giá như xăng dầu, lãi suất tiền gửi ngân hàng có chiều hướng giảm, giá điện, giá vàng liên tục biến động, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, sự kém hiệu quả của đầu tư công và một số khu vực tư doanh thiếu vốn nghiêm trọng vẫn chưa được giải quyết triệt để,v.v... Tuy nhiên, khu vực dịch vụ Việt Nam tiếp tục phát triển, toàn ngành dịch vụ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân; các doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã chủ động các phương án chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, lượng khách du lịch quốc tế và tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ trong quý I/2013 ước đạt trên XX% so với cùng kỳ năm 2012. Với tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ thấp trong Quý I, dự kiến khó có thể đạt kế hoạch về tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã đề ra trong năm 2013 (dự kiến kế hoạch là 6-7%) nguyên nhân là do:
Các lĩnh vực dịch vụ có tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng thấp như:
+ Dịch vụ thương mại bán buôn, bán lẻ XX%, do tình hình kinh tế khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt tiêu dùng, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã được kiểm soát về giá, không tạo ra những cú “sốc” về giá tuy nhiên vẫn chưa kích thích được người dân tăng chi tiêu dùng.
+ Dịch vụ vận tải và kho bãi và thông tin liên lạc, trong đó chỉ có dịch vụ vận tải đường bộ và đường không tăng XX%), trong quý I/2013, do có dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán dài ngày, nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa phục vụ cho ngày lễ tăng cao do đó các dịch vụ vận tải đường bộ và hàng không vẫn tăng đáng kể.
+ Dịch vụ tài chính, ngân hàng XX%, tình hình nợ xấu của các ngân hàng thương mại vẫn chưa có những giải pháp triệt để, lãi suất huy động có xu hướng giảm tuy nhiên lãi suất cho vay vẫn chưa có động thái giảm rõ rệt, mặt khác thu từ dịch vụ nhận gửi và cho vay của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng lớn, các dịch vụ khác như chuyển tiền, bảo lãnh, thẻ,v.v... phát triển chưa tương xứng.
+ Dịch vụ bất động sản XX%, Thị trường bất động sản trong Quý I/2013 không có nhiều chuyển biến. Nguồn vốn huy động cho cả phía cung (chủ đầu tư) lẫn phía cầu (khách hàng) vẫn còn khó khăn. Các giải pháp về cơ chế chính sách giải cứu thị trường bất động sản vẫn chưa phát huy tác dụng.
Các lĩnh vực dịch vụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012 như: vận tải biển, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Vinashin, Vinalines, đội tàu vận chuyển của ta hầu như hoạt động cầm chừng, một số tàu bị đối tác bắt nợ.
Xuất khẩu dịch vụ quý I/2013 ước đạt khoảng 2,7 tỷ USD, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó một số dịch vụ có giá trị xuất khẩu lớn như: du lịch, viễn thông, vận tải hàng không, ngân hàng,...
(Số liệu ước tính của Vụ Kinh tế dịch vụ)
Tuy nhiên, trong cuối tháng 3/2013, trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô chưa ổn định: giá vàng trên thị trường thế giới và trong nước biến động khó lường, đặc biệt thiệt hại do tai nạn giao thông tăng đáng kể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
1.2. Tình hình phát triển một số lĩnh vực dịch vụ chủ yếu
a. Du lịch.
Trong tháng 3: có 587,4 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam (tăng 3 % so với tháng trước, và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2012), trong đó có trên 360 nghìn lượt khách đi du lịch, nghỉ ngơi (giảm chút ít so với cùng kỳ); trên 99 nghìn lượt đi vì mục đích công việc (tăng 3,7%); trên 97 nghìn lượt khách đi thăm thân nhân (giảm 3,2%); và 30,8 nghìn lượt khách đến với mục đích khác (giảm 3,9%). Trong tháng 3, có một số thị trường vẫn duy trì sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2012 như Nga (tăng 80,3%), Trung Quốc tăng (28,1%), Thái Lan (tăng 21,9%), Inđonesia (tăng 19,7%), Nhật Bản (tăng 13,6%)... , nhiều thị trường có sự sụt giảm, trong đó có khách đến từ EU.
Như vậy, ước cả Quý I/2013: số lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 1.800 nghìn lượt, giảm 6,2% so Quý I/2012, trong đó khách đi theo mục đích du lịch và nghỉ ngơi chiếm 61,3%, theo công việc chiếm 16,9%, thăm thân nhân 16,5% và theo mục đích khác 5,2%. Ước tính chung, trong cả Quý I năm nay, chỉ có 7 thị trường có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái gồm khách Nga tăng 50,8%, khách Inddoneessia tăng 21,1 %,khách Thái Lan tăng khoảng 20%, khách Niudilantăng 15,4%, khách Hàn Quốc tăng khoảng 8,7%, khách Úc tăng 4,7%, khách Trung Quốc chỉ tăng nhẹ (0,7%), trong khi nhiều thị trường khác có sự giảm sâu, như kahsch Đức (giảm 51,7%), khách Hồng Kông (giảm 48,2%), khách Đan Mạch (giảm 27,5%) ...
Về du lịch nội địa: ước tính Quý I/ 2013, khách du lịch nội địa đạt khoảng 10 triệu lượt và tăng khoảng 11,3% so với cùng kỳ.
Thu nhập của Quý I của ngành du lịch ước đạt khoảng 52.000 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân:
Ngoài những nguyên nhân thường được đề cập đến như chính sách chưa đồng bộ; công tác quản lý ở các cấp còn nhiều bât cập; ngân sách dành cho quảng bá, xúc tiến du lịch; ... thì nguyên nhân có tác động nhiều đến việc sự tăng trưởng chậm của khách du lịch quốc tế phải kể đến ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới cũng như các khó khăn của kinh tế trong nước vẫn đang tác động không nhỏ đến đà phát triển du lịch của Việt Nam trong các tháng đầu năm 2013. Bên cạnh đó, việc tăng lệ phí visa từ ngày 01/01/2013 cũng đã ảnh hưởng nhất định đến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Một số tồn tại:
- Công tác thống kê, báo cáo không đầy đủ, kịp thời của các địa phương cũng như của các cơ quan chuyên môn liên quan gây ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, quản lý, phối hợp.
- Tình trạng lừa đảo, cướp giật, ép giá, chèo kéo khách du lịch tuy đã được quan tâm giải quyết nhưng chưa triệt để, còn tiếp diễn. Đặc biệt, tại thành phố Hồ Chí Minh, nạn cướp giật đồ của khách du lịch đang trở thành vấn đề gây bức xúc lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch của địa phương.
- Việc quản lý và thanh, kiểm tra các điểm đến, điểm tham quan du lịch chưa được triển khai triệt để và hiệu quả. Việc kiểm soát chất lượng dịch vụ, quản lý môi trường du lịch cả về tự nhiên và xã hội chưa được thắt chặt.
- Công tác quản lý vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh nơi công cộng của người Việt Nam… còn nhiều bất cập, chưa có bước đột phá lớn, nhất là tại các điểm du lịch lễ hội lớn tại một số địa phương như Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội... Nhiều địa phương và điểm đến du lịch còn chưa có hoặc thiếu nhà vệ sinh du lịch đạt chuẩn.
- Trong ba tháng đầu năm, đặc biệt là trong dịp tết âm lịch, hoạt động kinh doanh du lịch trong cả nước tuy khá sôi động nhưng nhìn chung, hoạt động kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa hết khó khăn do suy thoái kinh tế trên thế giới và trong nước.
b. Công nghệ thông tin và truyền thông.
Số thuê bao điện thoại phát triển mới ba tháng đầu năm ước tính đạt 2,8 triệu thuê bao, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: 7 nghìn thuê bao cố định, bằng 92,1% cùng kỳ và 2,7 triệu thuê bao di động, tăng 8%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 03 năm 2013 ước tính đạt 138,8 triệu thuê bao, tăng 3% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm: 14,5 triệu thuê bao cố định, giảm 5,3 % và 124,3 triệu thuê bao di động, tăng 4,8%.
Tính đến cuối tháng Ba năm nay, số thuê bao internet trên cả nước ước tính đạt 4,3 triệu thuê bao, tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm trước; số người sử dụng internet đạt 32,2 triệu người, tăng 1%.
(Số liệu ước tính của Vụ Kinh tế dịch vụ.)
(Vụ Kinh tế dịch vụ đã trao đổi với Bộ Thông tin và Truyền thông tuy nhiên hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông mới có số ước của năm 2012, chưa có số liệu của Quý I năm 2013. Số liệu ngành bưu chính viễn thông năm 2012 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổng cục Thống kê còn chưa thống nhất, do đó Vụ Kinh tế dịch vụ ước tính số thực hiện Quý I/2013 trên cơ sở số liệu của Tổng cục Thống kê)
c. Dịch vụ vận tải.
Trong 3 tháng đầu năm 2013:
- Khối lượng vận chuyển hàng hoá: 226,24 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2012. Khối lượng luân chuyển hàng hoá: 38,84 tỷ tấn.km, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó: Vận tải trong nước đạt 218,077 triệu tấn, tăng 5,8% và 14,33 tỷ tấn.km, tăng 4,2%; vận tải ngoài nước đạt 8,162 triệu tấn, giảm 8,4% và 24,512 tỷ tấn.km, giảm 9,3%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 172,223 triệu tấn, tăng 7,1% và 8,56 tỷ tấn.km, tăng 5,5%; đường sông đạt 42,714 triệu tấn, giảm 0,4% và 3,677 tỷ tấn.km, giảm 2,8%; đường biển đạt 9,35 triệu tấn, giảm 9,8% và 25,638 tỷ tấn.km, giảm 10,4%; đường sắt đạt 1,909 triệu tấn, giảm 5,1% và 847,3 triệu tấn.km, giảm 7,4%; đường hàng không đạt 43,3 nghìn tấn, tăng 6% và 119,2 triệu tấn.km.
- Khối lượng vận chuyển hành khách: 771,334 triệu hành khách, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2012. Khối lượng luân chuyển hành khách: 33,9 tỷ hành khách.km, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó: Vận tải hành khách đường bộ ước tính đạt 712,995 triệu lượt khách, tăng 7% và 25,316 tỷ lượt khách.km, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 50,44 triệu lượt khách, tăng 5,3% và 1,106 tỷ lượt khách.km, tăng 10,7%; đường hàng không đạt 4,026 triệu lượt khách, giảm 2,2% và 6,449 tỷ lượt khách.km, tăng 3,4%; đường biển đạt 1,534 triệu lượt khách, tăng 1,7% và 90 lượt khách.km, tăng 1,4%; đường sắt đạt 2,338 triệu lượt khách, giảm 4,4% và 938 triệu lượt khách.km, giảm 4,7%.
Đánh giá: trong Quý I/2013, khối lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa đều tăng khá, đặc biệt do nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, khối lượng hàng hóa và hành khách vận chuyển bằng đường bộ và đường hàng không tăng mạnh. Riêng đối với vận tải đường biển, trong Quý I/2013 ngành vận tải biển vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, nguyên nhân là do đội tàu hoạt động cầm chừng, một số tàu biển bị đối tác siết nợ, thiếu kinh phí để bảo dưỡng nâng cấp tàu, một số tàu dự kiến sẽ phải đem bán trả nợ.
(Số liệu ước tính của Vụ KTDV)
1.3. DỰ BÁO TÌNH HÌNH KTXH ĐẾN CUỐI NĂM 2013
Trong kế hoạch năm 2013, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tình hình chính trị bất ổn tại khu vực Trung Đông, tiềm ẩn nhiều nhân tố đe dọa sự ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặt khác, tình hình căng thẳng trong tranh chấp tại khu vực Biển Đông ngày càng gia tăng, các lệnh trừng phạt- trả đũa kinh tế-thương mại „ngầm“ giữa các quốc gia trong khu vực sẽ còn nhiều phức tạp. Tình hình này sẽ tác động tiêu cực vào nền kinh tế nước ta, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại – du lịch.
Ở trong nước, tình hình giá cả một số mặt hàng cho sản xuất như xăng, dầu, gas,.. có xu hướng tăng kéo theo các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng theo, dịch bệnh diễn biến phức tạp xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, các thông tin gây tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng như thịt lợn siêu nạc, chất độc trong cá, chim, rau củ quả,v.v. . Đây là những khó khăn, thách thức rất lớn đối phát triển dịch vụ bán buôn bán lẻ, dịch vụ du lịch của nước ta.
Do lãi suất cho vay của các NHTM vẫn còn cao, điều kiện cho vay ngặt nghèo, đa số các doanh nghiệp tư doanh nhỏ không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Đặc thù của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ là nhỏ và vừa, như vậy các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đặc biệt là doanh nghiệp vận tải lữ hành, doanh nghiệp thương mại,v.v... dự báo vẫn tiếp tục gặp khó khăn cho đến hết năm 2013.
Sản xuất trong nước chưa có biến chuyển tích cực, dẫn tới các ngành dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh như: dịch vụ kinh doanh, dịch vụ logistics,v.v... khó có khả năng phát triển mạnh đến cuối năm 2013.
Đối với dịch vụ du lịch, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam dự báo giảm nguyên nhân là do tình hình chanh chấp trên biển Đông với Trung Quốc, khách du lịch Trung Quốc có xu hướng giảm xuống. Mặt khác do tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, khách du lịch từ các thị trường trọng điểm của Việt Nam như EU, Đông Bắc Á cũng có xu hướng giảm.
2. Về xuất, nhập khẩu
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 3 năm 2013 đạt 11 tỷ USD, tăng 53,9%so với tháng 2 năm 2013 (do Tết nguyên đán năm nay rơi vào tháng 2); trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 6,4 tỷ USD.
3 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu ước đạt gần 29,7 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 17,36 tỷ USD, tăng 27,1% và chiếm 58,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 19,26 tỷ USD, tăng 25,6%. Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 10,43 tỷ USD, tăng 10,1%.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 3 tháng năm 2013 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 2117 ngàn tấn, tăng 22,5% về lượng và tăng 13,1% về kim ngạch; than đá ước đạt 4276 ngàn tấn, tăng 33,4% về lượng và tăng 0,6% về kim ngạch; dệt may đạt 3,8 tỷ USD, tăng 18,5%; da giày đạt 1,7 tỷ USD, tăng 14,6%; gỗ và sản phẩm gỗ gần 1,2 tỷ USD, tăng 15,7%; điện thoại các loại và linh kiện 4,5 tỷ USD, tăng 89,8%; linh kiện điện tử đạt 2,4 tỷ USD, tăng 49,1%; thuỷ sản 1,3 tỷ USD, giảm 2,3%; gạo 1459 ngàn tấn, tăng 9,8% về lượng và giảm 1,4% về kim ngạch; cà phê 509 ngàn tấn, giảm 4,6% về lượng và giảm 1,5% về kim ngạch; cao su 194 ngàn tấn, giảm 9,3% về lượng và giảm 16,7% về kim ngạch...
Về thị trường xuất khẩu 3 tháng năm 2013, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 16,9% và chiếm tỷ trọng 16,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 32,2% và chiếm tỷ trọng 19,3%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 29,5% và chiếm tỷ trọng 15,9%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 1,6% và chiếm tỷ trọng 10,8%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 8,2% và chiếm tỷ trọng 10,1%.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 năm 2013 ước đạt 11,3 tỷ USD, tăng 56,1%so với tháng 2 năm 2013, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 6,25 tỷ USD;
3 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 29,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,14 tỷ USD, tăng 25,5% và chiếm 55,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 13,07 tỷ USD, tăng 7,9%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 3 tháng năm 2013 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 1577 nghìn tấn, giảm 25,1% về lượng và giảm 27,8% về kim ngạch; sắt thép các loại 2114 nghìn tấn, tăng 16,5% về lượng và tăng 3,8% về kim ngạch; phân bón 764 nghìn tấn, tăng 21,9% về lượng và tăng 18,3% về kim ngạch; giấy các loại 322 nghìn tấn, tăng 20,2% về lượng và tăng 14,8% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 750 nghìn tấn, tăng 15,6% về lượng và tăng 17,7% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt 3,9 tỷ USD, tăng 8,1%; máy tính và linh kiện 4 tỷ USD, tăng 51,5%; vải đạt 1,6 tỷ USD, tăng 11,5%; nguyên phụ liệu dệt may 736 triệu USD, tăng 10,6%...
3 tháng năm 2013, nhập khẩu từ Châu Á chiếm 80,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 27,5%, tỷ trọng ước đạt 25,2%), ASEAN (tăng 4,7%, tỷ trọng 17,6%), Hàn Quốc (tăng 41,2%, chiếm tỷ trọng 16,1%), Nhật Bản (tăng 7,4%, chiếm tỷ trọng 9,7%) và EU (tăng 19,7%, chiếm tỷ trọng 7,5%).
2.3. Một số nhận xét về tình hình xuất nhập khẩu Quý I
- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu Quý I năm 2013 tiếp tục duy trì ở mức khá cao (19,7%) và cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (17%). Tổng kim ngạch Quý I ước đạt 24,5% kế hoạch năm và cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% đã được Quốc hội thông qua.
- Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ, trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm nhẹ 0,3% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản tăng nhẹ 1,2%.
- Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 4 năm liên tục (kể từ năm 2010) và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu Quý I năm 2013 của cả nước tăng 4,9 tỷ USD, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng 3,7 tỷ USD (đóng góp 75% kim ngạch tăng thêm); nếu tính cả dầu thô tăng 3,9 tỷ USD. Các mặt hàng chủ yếu của khối này là điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 97,8% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); hàng dệt may (chiếm 59%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 96,6%); giày dép các loại (chiếm 74,8%); phương tiện vận tải và phụ tùng (chiếm 92,8%).
- Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu Quý I năm 2013 của khu vực FDI là 25,5% cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung (17%) của cả nước, do các mặt hàng chủ lực của khu vực này chủ yếu là gia công, lắp ráp, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhập khẩu của cả nước tăng gần 4,2 tỷ USD, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI tăng 3,3 tỷ USD.
- Hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước có dấu hiệu phục hồi (xuất khẩu tăng 10,1% và nhập khẩu tăng 7,9%; cùng kỳ năm 2012, xuất khẩu tăng 6,2% và nhập khẩu giảm 7,9%).
- Quý I năm 2013, cả nước xuất siêu 481 triệu USD. Trong đó, xuất siêu của khu vực FDI (không kể dầu thô) ước đạt 1221 triệu USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu 3116 triệu USD. Như vậy, xuất siêu của cả nước là do sự đóng góp của khu vực FDI. Nếu xét theo thị trường, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn với các nước/khối nước như Trung Quốc (4,3 tỷ USD), Hàn Quốc (2,9 tỷ USD), Đài Loan (1,4 tỷ USD), ASEAN (0,4 tỷ USD).
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Trong 2 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt 422.224 tỷ đồng, tăng 10,02% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các nhóm thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ đều tăng từ 10-14%, riêng nhóm du lịch giảm 4,35% do nhu cầu du lịch Tết năm nay giảm so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Do tình hình kinh tế trong nước khó khăn, mặt khác trong tháng 3 không có dịp Lễ, Tết đặc biệt, theo Tổng Cục thống kê, dự báo tổng mức bán lẻ tháng 3/2012 đạt khoảng 211.301 tỷ đồng, giảm khoảng 0,64% so với tháng 2/2013. Trong số 4 ngành kinh tế, du lịch tăng 4.37%, các ngành khách sạn, nhà hàng và dịch vụ chỉ tăng nhẹ, còn lại ngành thương nghiệp giảm ở mức 1,04%. Ước cả Quý I/2013, tổng mức bán lẻ của cả nước chỉ tăng 11,66% so với cùng kỳ năm 2012.
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng Cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI 2 tháng đầu năm 2013 tăng 2,59% so với tháng 12 năm 2012.
Một số yếu tố tác động tới CPI tháng 3 như: (1) dịp Tết Nguyên đán đã qua, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm dồi dào (do thời tiết tốt và các địa phương đã chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân); (2) các thành phố lớn chưa thực hiện điều chỉnh tăng lệ phí giáo dục và dịch vụ y tế; (3) thực tế theo báo cáo của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy CPI của 2 thành phố này (chiếm tỷ trọng lớn trong CPI cả nước) giảm lần lượt là 0,29% và 0,21% so với tháng trước. Do vậy, dự báo CPI tháng 3/2013 của cả nước có thể giảm từ 0,1-0,3%, đưa CPI cả Quý I năm 2013 tăng khoảng 2,29-2,49% so với tháng 12 năm 2012.
(Dự báo của Vụ Kinh tế dịch vụ)
3.3. Tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọngyếu
a. Lương thực
- Thế giới: Giao dịch gạo trong tháng 3/2013 tiếp tục ổn định, giá chào gạo xuất khẩu của Thái Lan loại 5% tấm hiện phổ biến ở mức 555-565 USD/tấn; Việt Nam, giá chào gạo tăng nhẹ, dao động quanh mức: 400 – 410 USD/tấn, FOB (đối với gạo 5% tấm); Ấn độ 445-450 USD/tấn; Pakistan 430-440 USD/tấn.
- Trong nước: Là tháng sau tết Nguyên Đán Quý Tỵ nên sức mua của người dân đã giảm đáng kể so với tháng 2/2013. Các doanh nghiệp và địa phương đang tiếp tục thực hiện mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2012-2013 theo Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 07/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách này đã bước đầu giúp nông dân ổn định sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn thực hiện kinh doanh, nhà nước tạm trữ được lượng gạo khá lớn, tạo nguồn cung gạo dồi dào.
đ/v: đồng/kg
Miền Bắc
Miền Nam
Gạo tẻ thường
11.000 – 13.000
7.400 – 8.200
Gạo tẻ chất lượng cao
16.000 – 20.000
14.000 – 19.000
Gạo nếp
23.000 – 28.000
21.000 – 27.000
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến 14/3/2013 đã đạt khoảng 906.173 tấn, tăng khoảng 15% so với 787.179 tấn xuất khẩu trong cùng kỳ. Về giá trị, xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay đứng ở 403,533 triệu USD (FOB). Lúa bình quân giá xuất khẩu FOB từ đầu năm đến 14/3/2013 vào khoảng 445USD/tấn.
Dự báo trong tháng tới, giá lúa gạo có xu hướng tăng nhẹ và tiếp tục ổn định, không có tình trạng găm hàng sốt giá.
b. Thực phẩm
+ Giá các loại thực phẩm: Trong tháng 3/2013 giá thực phẩm tươi sống có chiều hướng giảm và ổn định. So với tháng 2/2013, thịt gà ta giảm 10 – 20%, giá thịt bò, hải sản ổn định, riêng giá thịt lợn giảm nhẹ từ 5- 10% (khoảng 5.000 – 10.000đ/kg).
+ Giá rau, củ, trái cây: Tiếp tụcổn định do thời tiết thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao so với tháng 2. Nguồn cung dồi dào nên các loại rau củ quả ổn định và có xu hướng giảm, xu hào giảm còn 2.000đ/củ, bắp cải trắng 8.000đ/kg, rau cần, rau ngót các loại giảm từ 1.000-2.000đ/mớ, cà chua, bí xanh giảm còn 10.000đ/kg..
c. Xăng dầu
- Thế giới: Với sự tác động của tình hình khủng hoảng nợ khu vực và sự suy giảm sản lượng sản xuất ở Đức, nền kinh tế các nước khu vực chung Châu Âu cũng rơi vào tình trạng bất ổn. Hãng Markit hôm 21/3 cho biết, chỉ số quản lý thu mua (PMI) khu vực đồng euro (eurozone) trong tháng 3 đã giảm từ 47,9 điểm xuống 46,5 điểm. Số điểm dưới 50 cho thấy các ngành kinh tế eurozone đang giảm thay vì tăng trưởng.Đồng USD tăng 0,4% so với euro đã làm giảm nhu cầu đầu tư hàng hóa và tạo áp lực lên giá. Bên cạnh đó, tình hình đảo Síp tiếp tục gây lo ngại khi châu Âu vừa đưa ra một tối hậu thư đối với Síp, buộc quốc gia này phải gây được một quỹ hàng tỷ euro như một điều kiện để đổi lấy gói cứu trợ, hoặc phải đối mặt với việc rời khỏi eurozone.
Những thông tin trên đã tác động đến giá dầu thô trên thị trường thế giới khiến cho mặt hàng này tiếp tục có xu hướng giảm giá. Ngay từ đầu tháng 3, giá dầu thô ngọt nhẹ giao dịch tại New York đã giảm xuống mức 90,12 USD/ thùng, mức giá thấp nhất kể từ phiên 24/12/2012. Đến 20/3, kết thúc hợp đồng dầu thô giao tháng 4 trên sàn Nymex chốt ở mức giá 92,16 USD/thùng. Giá dầu thô giao tháng 5 hiện nay đang được giao dịch xung quanh mức giá 92,45 USD/thùng, giá dầu Brent cuối phiên 21/3 giảm xuống còn 107,47 USD/thùng.
- Trong nước:Mặt hàng xăng vẫn giữ nguyên giá hiện hành ở mức là 23.650 đống/lít (xăng Ron 95) và 23.150 đồng/lít (xăng Ron 92). Ngày 26/2, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được tăng mức sử dụng quỹ bình ổn thêm 1000 đồng/lít xăng, lên 2.000 đồng/lít xăng; dầu diezel được tăng mức quỹ bình ổn thêm 400 đồng/lít lên 800 đồng/lít. Dầu hỏa được tăng mức sử dụng quỹ 450 đồng/lít lên 1.150 đồng/lít; dầu mazut được tăng mức sử dụng quỹ bình ổn thêm 50 đồng/kg dầu mazut lên 650 đồng/kg (thời điểm thực hiện là từ 21h ngày 26/2/2013).
Trong tháng 2/2013, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã kiến nghị tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước do giá dầu thế giới thời gian trước có chiều hướng tăng khiến cho giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện hành thấp hơn giá cơ sở và thấp hơn giá bán lẻ xăng dầu của một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chưa tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước mà tiếp tục sử dụng quỹ Bình ổn giá và các biện pháp tài chính khác để ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Ước lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 3/2013 đạt 600 nghìn tấn, tương đương 584 triệu USD, tăng 23% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu quý cho cả 3 tháng năm 2013 đạt 1.577 nghìn tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2012. Lượng dầu thô xuất khẩu tháng 3 ước đạt 780 nghìn tấn, tương đương 670 triệu USD, tăng 22,5% so với tháng trước. Quý I/2013 xuất khẩu dầu thô đạt 2.117 nghìn tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2012.
d. Thép xây dựng
Tháng 3/2013:
+ Sản xuất: Theo Bộ Xây dựng, ước sản xuất thép toàn ngành tháng 3 đạt270.000 tấn, tăng 13.000 tấn (+5%) so với tháng 2/2013, nhưng giảm 80.000 tấn (20%) som với cùng kỳ. Ước sản xuất 3 tháng (Quý I/2013) đạt 867.000 tấn, giảm 30.000 tấn (-5%) so với cùng kỳ.
+ Tiêu thụ: Ước lượng thép tiêu thụ tháng 3 đạt 260.000 tấn, tăng 10.000 tấn ( +10,4%) so với tháng trước, nhưng giảm 135.000 tấn (-30%) so với cùng kỳ năm trước. Ước tiêu thụ thép quý I/2013 đạt 910.000 tấn, tăng 30.000 tấn (+5%) so với cùng kỳ.
+ Tồn kho:Ước thép tồn kho tính đến 15/3/2013 khoảng 330.000 tấn, tăng 50.000 tấn (+15%) so với cùng kỳ.
+ Nhập khẩu: Theo số liệu Tổng cục Hải quan, thép nhập khẩu đến tháng 3 đạt 800.000 tấn với giá trị 574 .000 USD và giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước ( 3 tháng 2012 nhập khẩu thép 1.814. 00 tấn, giá trị 1.460.000 USD).
+ Giá bán: Tại thị trường trong nước, giá bán niêm yết (chưa VAT, chưa trừ chiết khấu) của các đơn vị sản xuất thép ổn định ở mức: tại miền Bắc:Thép cây phổ biến từ 13,55 – 14,65 triệu đồng/tấn; Thép cuộn phổ biến từ 13,7 – 14,65 triệu đồng/tấn; tại miền Nam: Thép cây ở mức từ 16,32 – 16,97 triệu đồng/tấn; Thép cuộn ở mức từ 16,32 – 16,61 triệu đồng/tấn.Giá bán thực tế tại nguồn (chưa VAT) hiện ở mức:tại miền Bắc từ 13,1 – 14,3triệu đồng/tấnđối với thép cây và thép cuộn, tại miền Namhiện phổ biến từ 13,5 – 14,2 triệu đồng/tấn.
Giá bán lẻ tại một số địa phương tăng từ 100.000 - 300.000 đồng/tấn và hiện dao động ở mức: tại miền Bắc giá từ 16 – 18 triệu đồng/tấn, tại miền Nam giá từ 16,5 – 18,2 triệu đồng/tấn.
e. Xi măng
- Sản xuất và tiêu thụ:Theo Bộ Xây dựng ước sản suất và tiêu thụ xi măng tháng 3/2013 và quý I/2013 như sau:
+ Sản xuất: Ước lượng xi măng sản xuất tháng 3/2013 đạt 2,20 triệu tấn, bằng tháng tháng 2 và giảm 0,70 triệu tấn (-25%) so với cùng kỳ. Ước sản xuất quý I/2013 đạt 8,14 triệu tấn, tăng 0,80 triệu tấn (+15%) so với cùng kỳ 2012.
+ Tiêu thụ: Ước lượng xi măng tiêu thụ tháng 3/2013 đạt 2 triệu tấn, giảm 0,8 triệu tấn (-30%) so với cùng kỳ năm trước. Ước tiêu thụ xi măng quý I/2013 đạt 7,55 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ 2012.
+ Tồn kho: Xi măng: 0,87 triệu tấn, tăng 17.000 tấn (+25%) so với cùng kỳ; Clinker: 2,3 triệu tấn, tăng 10.000 tấn (+5%) so với cùng kỳ.
f. Phân bón
Tháng 3/2013:
- Thế giới: Nhu cầu yếu trong khi nguồn cung được đánh giá là đang gia tăng đã khiến giá phân bón trên thị trường thế giới có xu hướng giảm. Giá chào phân Urê tuần từ 14-21/3 ở mức: tại Yuzhnyy là 385-392 USD/tấn, FOB (giảm 3-18 USD/tấn); tại Trung Đông là 410-415 USD/tấn, FOB (ổn định); tại Trung Quốc 405-410 USD/tấn, FOB (ổn định so với tuần trước).
- Trong nước: Nhu cầu phân bón cho vụ Đông Xuân tại các tỉnh phía Bắc bắt đầu giảm dần trong khi nhu cầu vụ Hè Thu tại các tỉnh phía Nam chưa cao nên giá phân bón trong nước có xu hướng giảm nhẹ. Giá phân bón bán lẻ tại các địa phương hiện phổ biến ở mức: Urê là 9.700- 10.200 đ/kg (giảm 100đ/kg so với tuần trước); Kali 11.500-12.500 đ/kg (ổn định); DAP là 14.200-15.000 đ/kg (ổn định); NPK từ 11.300-12.000 đ/kg (ổn định).
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2013
1. Về phát triển ngành dịch vụ
1.1. Giải pháp chung
a) Tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020, trong đó tập trung các nhiệm vụ:
- Tiếp tục triển khai Chương trình nâng cao nhận thức về khu vực dịch vụ (bao gồm các chiến dịch truyền thông, vận động xã hội, các hoạt động nâng cao nhận thức trong các cơ quan liên quan, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề);
- Xây dựng hoặc điều chỉnh Chiến lược hoặc Quy hoạch phát triển các lĩnh vực dịch vụ trọng yếu hoặc có liên quan đến các lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam như vận tải, logistics, giáo dục,v.v…
- Xác định và đề xuất các văn bản chính sách để phát triển các dịch vụ kinh doanh
- Khẩn trương sửa đổi, ban hành một số luật và nghị định hướng dẫn như: Luật Kế toán, Luật Giám định tư pháp, Luật sửa đổi Luật Luật sư,v.v…..
- Hoàn thiện, phát triển, xây dựng mới hệ thống thống kê về dịch vụ phù hợp với thông lệ quốc tế
- Rà soát, đánh giá môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 và đề xuất các giải pháp thực hiện đến năm 2020.
- Tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khu vực dịch vụ nhằm thu hút, phát huy hiệu quả nguồn vốn này,đồng thời, nghiên cứu xây dựng các mô hình mới cùng với những hướng dẫn cụ thể nhằm thu hút hơn nữa nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực dịch vụ trọng điểm, các lĩnh vực được khuyến khích phát triển, đảm bảo hiệu quả và lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và người sử dụng dịch vụ.
- Xây dựng chương trình thúc đẩy xuất khẩu một số dịch vụ chủ yếu đến năm 2020 được xác định tại Quyết số 28/2011/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2011 của thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục xuất nhập khẩu dịch vụ của Việt Nam .
- Rà soát các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.
- Trong khuôn khổ hội nhập dịch vụ của ASEAN, xây dựng phương án đàm phán tối ưu, đặc biệt là Gói cam kết dịch vụ thứ 9, đảm bảo lợi ích của Việt Nam khi mở cửa thị trường dịch vụ hướng tới mục tiêu Cộng đồng ASEAN.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương, các Hiệp hội trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng giao thông vận tải, môi trường, văn hóa...
- Triển khai quyết liệt Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 201202015 đã được phê duyệt nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Bộ Văn hoa Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương, các vùng sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch.
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo, đặc trưng của du lịch từng vùng cũng như của du lịch Việt Nam; nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch và tăng cường xuất khẩu tại chỗ.
- Phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển du ịch. Đào tạo, tăng cường nhân lực, nghiệp vụ du lịch trong các hoạt động kinh doanh để thích ứng được yêu cầu phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, đặc biệt công tác kiểm tra giám sát.
- Tăng cường đầu tư phát triển du lịch, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển cơ sở vật chât kỹ thuật phục vụ du lịch.
- Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định về lệ phí visa và tiếp tục duy trì chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của du lịch Việt Nam.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản pháp lý về đầu tư, xây dựng. Có chính sách đầu tư đồng bộ để phát huy hiệu quả đầu tư.
- Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch vận tải nói chung và quy hoạch từng lĩnh vực vận tải nói riêng, để có chính sách đầu tư, cơ chế áp dụng hợp lý.
- Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng biển, cảng hàng không theo hướng tập trung và hình thành cảng trung chuyển quốc tế. Nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải và cải thiện chất lượng dịch vụ.
- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành vận tải. Đồng thời, tăng cường nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo cho các cán bộ quản lý nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải và logistics.
- Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và logistics, sẵn sàng hội nhập dịch vụ trong khu vực ASEAN (năm 2013 là năm tự do hóa hoàn toàn dịch vụ logistics trong ASEAN).
- Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn vận tải biển phối hợp với các chủ hàng xuất khẩu của Việt Nam để tăng thị phần vận tải biển của Việt Nam.
c. Dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng thông tin. Xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan tới bưu chính, viễn thông.
- Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực TTTT (Tập đoàn VNPT và Tổng Công ty VTC)
- Khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh giá cước cho phù hợp, đa dạng hóa gói cước để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, tăng cường đầu tư phát triển mạnh dịch vụ giá trị gia tăng (thanh toán qua di động, Mobile TV ...)
Nghiên cứu hoàn thiện công tác cấp phép và các biện pháp tổ chức, quản lý đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong đời sống xã hội.
Chú trọng công tác hội nhập quốc tế, tăng cường công tác thông tin đối ngoại, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển bưu chính viễn thông.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp.
1.3. Giải pháp đột phá
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, để khu vực dịch vụ của Việt Nam phát triển mạnh luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng GDP như Chiến lược tổng thể phát triển các ngành dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra thì cần một giải pháp đột phá mang tính chất liên ngành dịch vụ, cụ thể như sau:
Chính phủ ban hành “Gói kích cầu Du lịch”,
- Đồng loạt giảm giá các Tour du lịch trong nước đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại các trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang,v.v… Để làm được việc này, Chính phủ (Bộ Văn hóa) chủ trì điều phối, kiểm soát giá Tour, phối hợp giữa các công ty Tour, khách sạn, nhà hàng, phân chia lợi ích giữa các doanh nghiệp, nhà nước.
- Tuyền truyền quảng bá Gói kích cầu du lịch đối với các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam như: EU, Đông Bắc Á, Nga,v... thông qua các kênh truyền hình CNN, Discovery,v…
- Kéo dài thời hạn visa và không thu phí visa đối với một số thị trường khách du lịch trọng điểm trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2013.
- Thời điểm để tập trung quảng bá, kích cầu: Quý II dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Quý III dịp nghỉ lễ 02/9, Quý IV dịp nghỉ lễ Noel và Tết dương lịch.
Tác động lan tỏa của giải pháp
Số lượt khách du lịch trong nước và quốc tế dự kiến tăng đạt và vượt kế hoạch đề ra (7 triệu lượt khác du lịch quốc tế, 34,5 triệu lượt khách du lịch nội địa).
Các dịch vụ dự báo sẽ tăng trưởng mạnh: dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường bộ, dịch vụ khách sạn nhà hàng, dịch vụ thương mại bán buôn, bán lẻ. Đây là những dịch vụ gắn liền với các hoạt động du lịch và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu của khu vực dịch vụ.
2. Về xuất, nhập khẩu
Đẩy mạnh xuất khẩu
- Chú trọng nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định xã hội.
- Tăng cường xúc tiến thương mại, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, không để lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường; sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
Kiểm soát nhập khẩu
- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng cường sử dụng máy móc vật tư, thiết bị sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
- Tiếp tục nhấn mạnh nhóm biện pháp thông tin tuyên truyền, nhất là chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đây là một kênh gián tiếp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam, qua đó giảm tỷ lệ hàng nhập khẩu.
Các giải pháp cụ thể mà Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện:
a) Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Quyết định số 320/QĐ-BCT ngày 17 tháng 01 năm 2013, Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 17 tháng 01 năm 2013 và Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 08 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong đó tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp: tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất khẩu, kiểm soát hợp lý nhập khẩu; đẩy mạnh phát triển thương mại, phát triển thị trường.
b) Nhiệm vụ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh:
- Làm việc với các Hiệp hội ngành hàng (Dệt may, đồ gỗ, cà phê, gạo, thủy sản) và các doanh nghiệp để thực hiện các biện pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình, kiến nghị từ các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.
c) Nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất khẩu, kiểm soát hợp lý nhập khẩu:
- Làm việc với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030 của các Bộ, ngành, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố.
-Tiếp tục triển khai thực hiện chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép trong nước đã sản xuất được để góp phần quản lý nhập khẩu, tăng cường tiêu thụ sản phẩm trong nước.
- Tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan để ngăn chặn gian lận thương mại và trốn thuế thông qua việc tiếp tục triển khai Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07 tháng 9 năm 2012 và đẩy mạnh thông tin tới doanh nghiệp vể Thông tư số 05/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 18 tháng 02 năm 2013 quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất một số mặt hàng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 04 tháng 4 năm 2013.
d. Nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển thương mại, phát triển thị trường:
- Tích cực tham gia đàm phán các Hiệp thương mại tự do để tạo thị trường cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam: Hiệp định TPP, Hiệp định Việt Nam – EU, Hiệp định Việt Nam – EFTA, Hiệp định Việt Nam – Hàn Quốc và chuẩn bị cho Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên Minh thuế quan gồm Nga, Belarus và Cazakhstan.
- Tích cực trong công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
(a) Trong ngắn hạn:
- Các Bộ, Ban, Ngành, Địa phương cần nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NĐ-CP và 02/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, nhằm hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khôi phục và thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tần suất đưa hàng Việt về nông thôn, nhằm kích cầu tại thị trường nông thôn, qua đó giảm hàng tồn kho, tăng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của cả nước.
- Các tỉnh, thành phố chưa thực hiện chính sách tăng học phí và dịch vụ y tế cần xem xét phương án giãn hoặc tăng tại các thời điểm khác nhau, nhằm giảm bớt áp lực tăng CPI tại một thời điểm, gây xáo trộn thị trường.
- Xem xét, đánh giá hiệu quả của Chương trình bình ổn giá, bởi trong tình hình hiện tại, hàng hóa hiện đang dư thừa do nguồn hàng tồn còn nhiều, do vậy cần giải quyết hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn này.
(b) Trong dài hạn:
-Nâng cao hiệu quả điều hành vĩ mô thị trường: theo dõi sát sao diễn biến thị trường thế giới, dự báo tình hình cung - cầu trong nước để có các chính sách điều hành thị trường kịp thời, bình ổn được thị trường, không để giá cả tăng cao, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, sắt thép, phân bón....
- Tham gia tích cực vào việc đảm bảo ổn định thị trường; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, đảm bảo chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khoẻ nhân dân; thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, đặc biệt tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, hàng giả.
- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đổi mới hệ thống thu mua, tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Rà soát và gia tăng các chế tài xử phạt đối với các hành vi gian lận thương mại; đầu cơ; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm quản lý và đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối bán lẻ.
- Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng Quy hoạch phát triển thương mại của các vùng kinh tế trọng điểm theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt.
- Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển hệ thống đại lý phân phối tại các tỉnh, thành phố, hỗ trợ các địa phương xây dựng các chợ dân sinh...
- Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối trong việc tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đưa hàng hóa tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Tăng cường hiệu quả và quy mô của công tác quản lý thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng sản xuất và buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
3.2. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá giá xăng dầu thế giới và trong nước để có phương án điều chỉnh linh hoạt các loại thuế, phí, lệ phí xăng dầu hay việc sử dụng, trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu một các hợp lý, tránh tình trạng mất ổn định giá để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả thị trường.
- Bảo đảm nguồn dầu nguyên liệu, đáp ứng tối đa yêu cầu về công suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010 – 2020, định hướng đến năm 2025.b) Sắt thép
- Xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép rẻ kém chất lượng thâm nhập thị trường trong nước.
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để đảm bảo cạnh tranh được với thép kém chất lượng nhập từ nước ngoài.
- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép và hạn chế nhập siêu.
c. Phân bón
- Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa vụ.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt.
d) Xi măng
-Theo dõi chặt chẽ giá phân bón thế giới để có biện pháp điều tiết nhập khẩu và sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón gây sốt giá cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

- Tăng cường công tác hải quan tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại các tỉnh có đường biên giới nhằm giảm buôn lậu phân bón qua đường tiểu ngạch và hạn chế nhập khẩu phân bón từ nước ngoài./.


File đính kèm:
BCKTDichvu T3.13.pdf

Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1600
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)