Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/02/2013-13:56:00 PM
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các ngành thương mại – dịch vụ tháng 02 năm 2013
Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đâu tư ngày 24 tháng 02 năm 2013.
Tổng quan
Những số liệu kinh tế thế giới dự kiến trong quý I/2013 cho thấy kinh tế khu vực Eurozone đang có dấu hiệu phục hồi trong quý I và dần hồi phục vào cuối năm nay, đây là dấu hiệu tích cực có tầm ảnh hưởng đến sự phục hồi của kinh tế thế giới trong năm 2013. Cổ phiếu Mỹ đạt gần mức cao nhất 5 tháng qua do triển vọng kinh tế hồi phục nhanh, thu nhập của các công ty Mỹ cao và nhiều công ty lớn hợp nhất thành công. Giá hầu hết các hàng hóa thiết yếu (dầu thô, bột giấy, sữa bột, thức ăn chăn nuôi...) có xu hướng tăng nhẹ do dự báo nhu cầu tăng trong năm 2013.
Trên thị trường New York, Giá dầu thô ngọt nhẹ tăng 80 US cent lên 96,66 USD/thùng (20/2). Dầu thô Brent tại London tăng 14 US cent lên 117,52 USD/thùng (20/2), nguyên nhân do IEA đã nâng dự báo triển vọng tiêu thụ dầu thô toàn cầu trong năm 2013 thêm 240.000 thùng/ngày, lên mức 90,8 triệu thùng/ngày, với lý do nhu cầu tại Trung Quốc tăng cao. Gạo 5% tấm của Thái lan hiện giá chào 570 USD/tấn, không thay đổi so với tháng trước; Gạo 5% tấm của Việt Nam giá chào 410 USD/tấn, tăng so với 400 USD/tấn một tuần trước đây. Giá phân bón Ure tại thị trường Yuzhnyy tăng nhẹ do các nước sản xuất nông nghiệp bắt đầu bước vào mùa vụ, dao động 395-405 USD/tấn, FOB (tăng 20-25 USD/tấn so với tháng 1); Giá đường trắng kỳ hạn tháng 5 trên sàn Liffe tăng 5,60 USD bằng 1,1% lên mức 501,20 USD/tấn. Vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò tại Anh đã ảnh hưởng hầu hết đến các nước Châu Âu và lan sang Châu Á, gây tâm lý lo ngại về chất lượng thực phẩm đối với hầu hết người tiêu dùng tại khu vực, hiện nhiều siêu thị đã phải thu hồi toàn bộ sản phẩm này trên các kệ hàng của các siêu thị.
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGÀNH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ THÁNG 02 NĂM 2013
1. Tình hình phát triển ngành dịch vụ du lịch:
Trong dịp tết Quý Tỵ và tháng 2 năm 2013 mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tuy nhiên hoạt động du lịch đã sôi động ngay từ ngày đầu tháng do trong thời gian này có kỳ nghỉ Tết dài ngày và cũng là mùa lễ hội chung của cả nước.
Toàn ngành du lịch tích cực triển khai mở rộng khai thác thị trường du lịch trong nước và quốc tế, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, thu hút khách trên cơ sở nâng cấp hoàn thiện, bổ sung các chương trình du lịch như: các lễ hội du lịch đặc sắc như hội Chùa Hương, Hội Đền Trần, vv…
Theo đánh giá của các công ty lữ hành, thời gian nghỉ Tết năm nay khá dài đã tạo điều kiện để du khách lựa chọn những tour vừa phù hợp cho những chuyến du Xuân, vừa có thời gian chăm lo lễ Tết tại gia đình.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2013 ước tính đạt khoảng 570.000 lượt khách, tăng khoảng 5% so với tháng 1/2013 và đưa tổng lượng khách trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 1 triệu lượt khách, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2013 chủ yếu từ một số thị trường truyền thống và đều có mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái: Thái Lan (tăng 45%), Hàn Quốc (tăng 30%), Nga (tăng 20%), Nhật Bản (tăng 20%), Úc (tăng 15%), Pháp (tăng 10%).
Xét về phương tiện giao thông, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2013 chủ yếu vẫn bằng đường hàng không; đường biển qua các cảng Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế,… và bằng đường bộ từ Thái Lan, Lào, Campuchia.
Về khách du lịch nội địa Tại Hà Nội, theo đánh giá của các doanh nghiệp du lịch, Tết Nguyên đán năm nay thu hút rất đông du khách đặt tour xuất hành đầu năm, ước tính tăng tới 35%.
Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông trong dịp Tết gia tăng mạnh, gây tác động tiêu cực đến ngành du lịch của Việt Nam, ảnh hưởng đến tâm lý chung của du khách trong nước và quốc tế.
2. Về xuất, nhập khẩu
a. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 02 năm 2013 đạt 7,5 tỷ USD, tăng 12%so với tháng 02 năm 2012; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 66,8%.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 2 năm 2013 so với tháng 2 năm trước: dầu thô ước đạt 844 ngàn tấn, tăng 45,8% về lượng và tăng 35,8% về kim ngạch; than đá ước đạt gần 800 ngàn tấn, tăng 17,1% về lượng và giảm 22,9% về kim ngạch; dệt may đạt 1,35 tỷ USD, tăng 28,4%; da giày đạt 730 triệu USD, tăng 35,8%; gỗ và sản phẩm gỗ 420 triệu USD, tăng 50,3%; điện thoại các loại và linh kiện 1,5 tỷ USD, tăng 105,5%; linh kiện điện tử đạt 820 triệu USD, tăng 94,9%; thuỷ sản 420 triệu USD, tăng 20,6%; cao su 100 ngàn tấn, tăng 43% về lượng và tăng 39,3% về kim ngạch; gạo 400 ngàn tấn, tăng 57,2% về lượng và tăng 24,8% về kim ngạch; cà phê 200 ngàn tấn, tăng 70% về lượng và tăng 68,8% về kim ngạch...
Về thị trường xuất khẩu tháng 1 năm 2013, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 41% và chiếm tỷ trọng 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 51,8% và chiếm tỷ trọng 19,9%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 44,7% và chiếm tỷ trọng 14%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 20% và chiếm tỷ trọng 10,4%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 54% và chiếm tỷ trọng 10,5%.
b. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 năm 2013 ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 42,3%so với tháng 1 năm 2012, trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,55 tỷ USD, tăng 52,7%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 1 năm 2013 so với tháng 1 năm trước như sau: xăng dầu 450 nghìn tấn, giảm 21,9% về lượng và giảm 25% về kim ngạch; sắt thép các loại 600 nghìn tấn, tăng 19,6% về lượng và tăng 11,1% về kim ngạch; phân bón 280 nghìn tấn, tăng 72% về lượng và tăng 55,8% về kim ngạch; giấy các loại 120 nghìn tấn, tăng 94,5% về lượng và tăng 63,5% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 250 nghìn tấn, tăng 54,2% về lượng và tăng 51,8% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt 1,4 tỷ USD, tăng 41,7%; máy tính và linh kiện 1,4 tỷ USD, tăng 76,7%; vải đạt 600 triệu USD, tăng 52,5%; nguyên phụ liệu dệt may 250 triệu USD, tăng 49,7%...
Tháng 1 năm 2013, nhập khẩu từ Châu Á chiếm 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 59%, tỷ trọng ước đạt 26,6%), ASEAN (tăng 24,1%, tỷ trọng 16,5%), Hàn Quốc (tăng 42,8%, chiếm tỷ trọng 14,6%), Nhật Bản (tăng 45,2%, chiếm tỷ trọng 9,6%) và EU (tăng 56,6%, chiếm tỷ trọng 8,6%).
Tháng 1 năm 2013, cả nước xuất siêu 200 triệu USD. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn với các nước/khối nước như Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Đài Loan.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1 Tình hình thị trường trong nước
Thị trường trong nước tháng 2/2013 có sức mua tăng hơn so với ngày thường đây là thời gian chính trong dịp tết Quý Tỵ, nhưng mức tăng không cao (tương đương hoặc thấp hơn chút ít so với sức mua Tết Nhâm Thìn 2012).
Về diễn biến giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, giá cả thị trường có nhích tăng nhẹ, nhưng không đồng đều giữa các nhóm hàng. Một số loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản do Nhà nước còn điều tiết giá được giữ ổn định (điện, xăng dầu, than cho sản xuất điện, các mặt hàng được trợ cước, trợ giá...), có loại giảm như LPG. Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá cơ bản bình ổn và thấp hơn giá thị trường khoảng từ 5 đến 15%. Giá nhóm hàng lương thực (gạo tẻ ngon, gạo nếp) ổn định; giá nhóm hàng thực phẩm tăng nhẹ, trong đó rau xanh tại các tỉnh phía Bắc tăng (ngày 23, 24 âm lịch) do thời tiết rét đậm, sau đó giá giảm (27, 28 âm lịch) do thời tiết chuyển ấm hơn. Sau Tết (mùng 4, 5 Tết) giá rau xanh tăng do nguồn cung thu hẹp; nhóm thịt gia cầm (gà), gia súc (bò, lợn) tăng trong những ngày cận Tết và sau Tết.
Nguyên nhân giá thị trường có tăng, nhưng mức tăng nhẹ so với mọi năm do một số nguyên nhân chủ yếu: i) kinh tế năm 2012 gặp khó khăn, tiền lương, tiền thưởng cuối năm giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu... Sức mua chỉ tập trung trong thời gian 4-5 ngày trước Tết (từ 25-26 âm lịch đến 29 âm lịch) ii) Sau Tết, hàng hóa cung ứng ra thị trường vẫn lớn. Khối lượng hàng hóa đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, hình thức đẹp, khá hấp dẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, về phía cung, lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu iii) công tác chỉ đạo điều hành được Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp thực hiện quyết liệt, có hiệu quả nhằm bình ổn thị trường.
Năm nay, hàng sản xuất trong nước tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường cho dịp Tết, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng bằng chất lượng và mẫu mã, kiểu dáng bao bì; hàng hóa nhập khẩu phục vụ Tết giảm mạnh.
Hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi phân phối hàng hóa ngày càng lớn mạnh, thu hút đông đảo khách hàng, cạnh tranh với chợ truyền thống; mẫu mã hàng hóa phong phú đa dạng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng. Đặc biệt, giá cả hàng hóa trong siêu thị ổn định, là đối trọng giữ giá chợ truyền thống không tăng.
Các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tham gia chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường đã tổ chức nhiều hoạt động kinh doanh phong phú thu hút người tiêu dùng như tổ chức các Hội chợ Xuân ở thành phố, tổ chức các phiên chợ Việt, các chuyến hàng lưu động về nông thôn và nhiều chương trình khuyến mại... Hầu hết các doanh nghiệp đều tổ chức tăng thêm mạng lưới, mở thêm điểm bán hàng đến các khu dân cư, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa.
3.2. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 2 ước đạt 210.017 tỷ đồng, giảm 1,03% so với tháng 1/2013 và tăng 10,92% so với cùng kỳ năm 2012. Trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 49,9%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 35,8 % và 9,9 %. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,1%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,3%.
Phân theo ngành kinh tế, thương nghiệp chiếm tỷ trọng 77,7%; khách sạn nhà hàng chiếm 11,6%; du lịch chiếm 0,8%; dịch vụ chiếm 9,9 %.
3.3. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng Cục Thống kê, CPI tháng 2/2013 tăng khoảng 1,32% so với tháng 1/2013 và tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy,chỉ số giá tháng 2 năm 2013 có mức tăng thấp hơn so với dự báo ban đầu bởi thông thường, vào dịp Tết Nguyên đán, CPI sẽ có biến động với chiều hướng tăng cao so với các tháng trong năm. Tính chung trong những tháng gần đây, CPI tháng 2 năm 2013 đứng thứ hai về mức tăng thấp, chỉ cao hơn tháng 2/2009 (1,2%). Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (bao gồm lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình(chiếm quyền số lớn 40% trong rổ hàng hóa tính CPI) dẫn đầu về mức tăng 2,28% so với tháng trước, nhưng chỉ tăng 1,51% so với cùng kỳ. Một số nhóm liên quan tới nhu cầu dịp Tết, như nhóm may mặc, mũ nón, giầy dẹp tăng khoảng 1,08%; Nhóm giao thông tăng 0,81% so với tháng trước; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,5%. Các nhóm khác chỉ tăng trong khoảng từ 0,03% đến 0,6%. Riêng nhóm bưu chính viễn thống tiếp tục giữ ổn định ở mức giảm 0,03% so với tháng trước.
3.4. Tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a. Lương thực
- Thế giới: Giao dịch gạo trong tháng 2/2013 trầm lắng do nhu cầu yếu và tồn kho ở mức cao ( tại Thái Lan khoảng 17 triệu tấn, Ấn Độ 35,4 triệu tấn). Giá chào gạo xuất khẩu của Thái Lan loại 5% tấm hiện phổ biến ở mức 570-575 USD/tấn; Việt Nam, giá chào gạo tăng nhẹ, dao động quanh mức: 400 – 410 USD/tấn, FOB (đối với gạo 5% tấm); Ấn độ 445-450 USD/tấn; Pakistan 425-435 USD/tấn.
- Trong nước: Là tháng tết Nguyên Đán Quý Tỵ nên sức mua của người dân đã tăng đáng kể trong tháng 2/2013 so với cùng kỳ năm trước, nhu cầu tiêu dùng gạo tẻ chất lượng cao và nếp năm nay tăng nhẹ khoảng 5-7%, nhưng do nguồn cung khá dồi dào và giá các loại này vẫn ổn định từ trước Tết cùng với tác động từ thị trường gạo tẻ thường đang có xu hướng xuống giá nên giá các loại gạo chất lượng cao chỉ tăng khoảng 500-1.000 đ/kg so với tháng trước tùy từng địa phương nhưng mặt bằng giá gạo thấp hơn năm trước.
Hiện giá gạo tiếp tục ổn định, phổ biến ở mức:
đ/v: đồng/kg
Miền Bắc
Miền Nam
Gạo tẻ thường
11.000 – 13.000
7.400 – 8.200
Gạo tẻ chất lượng cao
16.000 – 20.000
14.000 – 19.000
Gạo nếp
23.000 – 28.000
21.000 – 27.000
Kể từ ngày 20/2 bắt đầu thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2012-2013 theo Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 07/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó các thương nhân thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường và được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong thời hạn 03 tháng. Chính sách này sẽ giúp nông dân ổn định sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn thực hiện kinh doanh, nhà nước tạm trữ được lượng gạo khá lớn, tạo nguồn cung gạo dồi dào.
Dự báo trong tháng tới, giá lúa gạo có xu hướng tăng nhẹ và tiếp tục ổn định, không có tình trạng găm hàng sốt giá.
b. Thực phẩm
- Thực phẩm tươi sống:
Trong tháng 2/2013 giá thực phẩm tươi sống có chiều hướng tăng nhưng theo quy luật thông thường, mức tăng từ 8 – 12% so với ngày sát Tết. So với Tết năm trước, thịt gà ta lại tăng mạnh 20 – 25%, giá thịt bò, hải sản tăng 15 - 20%, riêng giá thịt lợn lại giảm nhẹ từ 5- 10% (khoảng 5.000 – 10.000đ/kg).
+ Giá thịt lợn: Sau khi tăng nhẹ vào những ngày cận Tết và ổn định đến ngày mùng 2 Tết thì đến mùng 5 Tết giá thịt lợn đã tăng nhẹ 2.000 – 5.000đ/kg so với những ngày sát Tết, tuy nhiên mức giá hiện nay vẫn thấp hơn 10 – 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá thịt lợn phổ biến tại các địa phương trong ngày mùng 5 Tết:
Đơn vị: (đồng/kg)
Phía Bắc
Phía Nam
Lợn hơi
45.000-51.000
41.000-45.000
Thịt lợn mông sấn
95.000-105.000
80.000-95.000
Thịt nạc thăn
100.000-120.000
90.000-105.000
+ Giá thịt bò, gia cầm, thủy hải sản: Đây là các mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh trong những ngày trước trong và sát sau Tết. Mặc dù đã được các đầu mối chuẩn bị nguồn cung khá lớn nhưng do ảnh hưởng của việc kiểm soát chặt chẽ gia cầm nhập lậu và sức mua tăng dồn vào dịp Tết nên giá bán trong những ngày cận Tết tăng khoảng 10-20% so với trước Tết và tăng 15 – 25% so với Tết năm trước. Đến ngày mùng 5 Tết, mặc dù nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này không quá cao nhưng do số lượng người bán còn hạn chế nên giá các loại thịt bò, thủy hải sản tăng so với những ngày cận Tết và phổ biến ở mức:
Thịt bò thăn: 240.000 - 310.000 đồng/kg, tăng 30.000đ/kg
Gà ta lông: 140.000 - 170.000 đồng/kg, tăng 10.000đ/kg
Tôm sú (30 con/kg): 390.000 - 470.000 đồng/kg, tăng 20.000đ/kg
+ Giá rau, củ, trái cây: Sau khi ổn định vào thời điểm trước Tết giá rau củ trái cây những ngày từ mùng 2 Tết đến nay tăng từ 20 – 30% do thời tiết không thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng tăng trong khi lượng hàng cung cấp ra thị trường giảm hơn.
c. Xăng dầu
- Thế giới: Trên thị trường New York, Giá dầu thô ngọt nhẹ tăng 80 US cent lên 96,66 USD/thùng (20/2). Dầu thô Brent tại London tăng 14 US cent lên 117,52 USD/thùng (20/2), nguyên nhân do IEA đã nâng dự báo triển vọng tiêu thụ dầu thô toàn cầu trong năm 2013 thêm 240.000 thùng/ngày, lên mức 90,8 triệu thùng/ngày, với lý do nhu cầu tại Trung Quốc tăng cao.
Tại thị trường trong nước:Trên cơ sở diễn biến giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây và căn cứ đăng ký giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối; sau khi thống nhất với Bộ Công Thương; Bộ Tài chính có công văn số 2152/BTC-QLG ngày 08/02/2013 gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối về điều hành giá xăng dầu tháng 02/2013 không tăng giá; giữ ổn định giá bán, mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các chủng loại xăng dầu như hiện hành. Hiện giá các mặt hàng xăng dầu như sau:
Đơn vị tính: VNĐ/lít,kg.
Mặt hàng
Giá bán hiện hành
Giá cơ sở
Mức sử dụng Quỹ BOG hiện hành
Chênh lệch giữa giá bán hiện hành với giá cơ sở sau khi sử dụng Quỹ BOG
(1)
(2)
(3)
(4) =(1)-(2)+(3)
1. Xăng RON 92
23.150
24.125
500
-475
2. Dầu điêzen 0,05 S
21.550
22.007
200
-257
3. Dầu hoả
21.600
22.373
400
-373
4. Dầu madút
17.650
18.310
400
-260
Sử dụng Quỹ Bình ổn xăng, dầu cụ thể như sau:
- Xăng: tăng thêm 500 đồng/lít (từ 500 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít);
- Dầu điêzen: tăng thêm 200 đồng/lít (từ 200 đồng/lít lên 400 đồng/lít);
- Dầu hỏa: tăng thêm 300 đồng/lít (từ 400 đồng/lít lên 700 đồng/lít);
- Dầu madut: tăng thêm 200 đồng/kg (Từ 400 đồng/kg lên 600 đồng/kg).
+ Về thời điểm thực hiện:
Thời điểm thực hiện đối với mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Áp dụng từ 11giờ 00 phút ngày 08 tháng 02 năm 2013.
+ Mặt hàng khí hóa lỏng (LPG)
Giá CP thế giới công bố là 910 USD/tấn, giảm 45 USD/tấn so với tháng 01/2013 nên kể từ 7h30 sáng ngày 01/02/2013 Saigon Petro đã công bố giá bán gas SP giảm 1.083 đồng/kg (đã bao gồm thuế VAT), tương đương 13.000 đồng/bình 12kg so với giáđầu tháng 1/2013.Đây là tháng thứ 3 liên tiếp giá gas giảm, với mức giảm này thì giá bán lẻ bình gas 12kg của SP đến tay người tiêu dùng khu vực TPHCM trong tháng 2/2013 sẽ là 409.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, đây là tháng thứ 3 giá gas giảm liên tiếp. Trước đó, giá gas tháng 1/2013 cũng đã giảm 7.000 đồng/bình 12kg so với giá đầu tháng 12/2012; giá gas tháng 12/2012 cũng đã giảm 12.000 đồng/bình 12kg so với giá đầu tháng 11/2012.Tuy nhiên, tổng mức giảm trong 3 tháng vừa qua (32.000 đồng/bình 12kg) vẫn còn khá nhẹ so với mức tăng tổng cộng 126.000 đồng cho mỗi bình 12kg trong 4 tháng trước đó (tháng 8/2012 – 11/2012). Như vậy, trái ngược với tình trạng tăng giá khủng khiếp trong thời gian đầu năm 2012, giá gas đầu năm 2013 lại liên tục giảm. Nếu so với cùng kỳ năm 2012, giá gas tháng 2/2013 còn thấp hơn giá gas tháng 2/2012 khoảng 15.000 đồng/bình 12kg
d. Thép xây dựng
Tháng 2/2013:Theo Hiệp hội Thép (VSA), giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như quặng sắt , thép phế liệu, phôi thép hiện tăng khá cao, chủ yếu do thị trường Trung Quốc hút hàng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất thép trong nước. Hiện giá phôi thép nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nga, Malaysia,Nhật đều tăng 20-30 USD/tấn so với tháng trước, giữ mức trung bình 600-620 USD/tấn. Theo dự báo của VSA, với giá nguyên liệu đầu vào đồng loạt tăng như vậy, giá thép trong nước sẽ tăng trong thời gian tới.
- Nhập khẩu: ước nhập khẩu thép các loại trong tháng 2/2013 đạt 500.000 tấn, giá trị đạt khoảng 380 triệu USD.
- Về giá bán: Hiện giá chào thép phế hàng cont loại HMS 1/2 80:20 ở mức 370 – 390 USD/tấn CFR Đông Nam Á, và giá chào phôi thép hiện ở mức 570 – 575 USD/tấn CFR Đông Nam Á.
+ Giá bán tại các tỉnh phía nam thép phi 6: 15.400đ/kg; phi 8: 15.300đ/kg
+ Tại các tỉnh phía bắc thép phi 6: 14.850đ/kg; phi 8: 14.850đ/kg; thép trơn phi 10-13: 15.150đ/kg; thép tròn trơn phi 16-20: 15.250đ/kg.
Tính đến cuối tháng 1/2013 lượng thép thành phẩm và phôi thép còn tồn kho tại các doanh nghiệp ước khoảng 780.000 tấn, đủ cung ứng cho thị trường trong hơn một tháng tới.
e. Xi măng
- Sản xuất và tiêu thụ:Dự kiến sản xuất và tiêu thụ xi măng trong tháng 2 giảm so với tháng trước do trùng vào thời gian nghỉ tết kéo dài 10 ngày, nhiều Nhà máy, công trình xây dựng cho công nhân nghỉ dẫn đến sản xuất và tiêu thụ ngành xi măng giảm. Theo Bộ Xây dựng:
+ Sản xuất: Ước lượng xi măng sản xuất tháng 2/2013 đạt 3,5 triệu tấn, giảm 880.000 tấn (khoảng 20%) so với tháng 1/2013.
+ Tiêu thụ: Ước lượng xi măng tiêu thụ tháng 2/2013 đạt trên 3 triệu tấn
+ Tồn kho cuối tháng 2: Xi măng: 0,75 triệu tấn, Clinker: 2,20 triệu tấn, tương đương so với tháng trước.
f. Phân bón
Tháng 2/2013:
- Thế giới: Nhu cầu phân bón tại các nước khu vực Châu Á bắt đầu tăng nên giá phân bón xuất khẩu tăng nhẹ tại hầu hết các thị trường Châu Á, tuy nhiên tại các thị trường khu vực Châu Âu và Trung Đông giá tương đối ổn định. Giá chào phân Urê ở mức: tại Yuzhnyy (Ucraina) là 425-435 USD/tấn, FOB; tại Đông Âu là 440-445USD/tấn, FOB; tại Trung Quốc 410-420 USD/tấn, FOB; Đống Nam Á 410-415USD/tấn, FOB.
- Trong nước: Tháng 2 trùng với dịp nghỉ tết Nguyên Đán Quý Tỵ, phần lớn bà con nông dân có nghỉ trong khoảng 5 ngày từ 28 tháng chạp đến hết mông 3 tết, ngay sau ít ngày nghỉ tết bà con tiếp tục xuống đồng chuẩn bị vụ xuân 2013. Nhu cầu phân bón tại các tỉnh phía Bắc cũng bắt đầu tăng, nhu cầu tại các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên đang tiếp tục trong thời kỳ cao điểm.Tuy nhiên, nguồn cung phân bón trong nước dồi dào nên giá tiếp tục ổn định.
Giá bán lẻ phân bón hiện phổ biến ở mức: Urê là 9.600-10.000 đ/kg (giảm 100đ/kg so với tháng trước); Kali 11.400-12.000 đ/kg (tăng 100đ/kg); DAP là 14.000-14.300 đ/kg (ổn định); NPK từ 11.300-11.700 đ/kg (ổn định).
II. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NGÀNH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ NĂM 2013
1. Về phát triển ngành du lịch
- Chú trọng việc xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam đối với du khách.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các đơn vị kinh doanh du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trong và ngoài nước.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư bảo vệ tôn tạo di tích văn hoá lịch sử, môi trường sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch,... trong các vùng, khu, điểm du lịch nhằm phát huy cao độ nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch nước ngoài.
- Thực hiện các chương trình kích cầu du lịch như giảm giá đối với các Tour du lịch, vấn đề này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan như: vận tải hàng không, hàng hải, khách sạn nhà hàng,....
- Cải cách các chính sách về xuất nhập cảnh, thủ tục xe ô tô du lịch qua biên giới cần thông thoáng hơn nữa để thúc đẩy phát triển mạnh khách du lịch thông qua con đường này.
2. Một số giải pháp điều hành xuất nhập khẩu năm 2013
Đẩy mạnh xuất khẩu
- Chú trọng nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định xã hội.
- Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng không hạn chế về khả năng sản xuất, dùng nhiều nguyên liệu trong nước. Tăng nguồn kinh phí cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
- Khai thác chiều sâu, chiều rộng thị trường truyền thống cùng với thị trường có chung biên giới. Ðẩy mạnh công tác thông tin, dự báo với thị trường ngoài nước, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
Kiểm soát nhập khẩu
- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng cường sử dụng máy móc vật tư, thiết bị sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
- Tiếp tục nhấn mạnh nhóm biện pháp thông tin tuyên truyền, nhất là chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đây là một kênh gián tiếp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam, qua đó giảm tỷ lệ hàng nhập khẩu.
3. Một số giải pháp điều hành và phát triển thị trường trong nước năm 2013
3.1. Giải pháp chung
- Các Bộ, cơ quan, địa phương tính toán thời điểm và việc điều chỉnh các loại giá, dịch vụ do nhà nước quản lý như điện, than, dịch vụ y tế… nhằm tránh gây ra các cú “sốc” cho thị trường và sức ép về tăng CPI.
- Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định về quản lý giá. Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá; thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý giá, lợi dụng tăng giá tùy tiện, trái pháp luật.
- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng có chất lượng, giá cả hợp lý, đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
3.2. Các giải pháp nhằm bảo đảm cung – cầu hàng hóa
- Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, khí gas, sắt thép, phân bón, lương thực, thực phẩm...
- Cập nhật các thông tin, nắm bắt kịp thời các diễn biến của thị trường đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, dự báo đúng và sớm các tình huống có thể xảy ra để kiến nghị Chính phủ có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
-Tăng cườngcông tác quản lý, kiểm tra thị trường và có chế tài xử lý kịp thời và nghiêm minh các trường hợp vi phạm trong hoạt động thương mại.
3.3. Các giải pháp nhằm bình ổn giá
- Tiếp tục thực hiện các chương trình bình ổn giá, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hai thành phố có quyền số tính chỉ số giá lớn nhất trong cả nước, vì vậy, công tác bình ổn của hai thành phố này sẽ góp phần quyết định trong việc bình ổn giá trong phạm vi cả nước.
- Quản lý chặt chẽ việc cung cấp thông tin, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp tung tin thất thiệt, gây hoang mang trong tâm lý nhân dân, tạo biến động giá xấu, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
3.4. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Bộ Công thương chủ trì, với Bộ Tài chính, các cơ quan, đơn vị liên quan chỉnh sửa, bổ sung Nghị định số 84/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về quản lý kinh doanh xăng dầu trong thời gian tới.
- Liên Bộ Tài chính - Công Thương cần phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trong nước, đảm bảo cung ứng đầy đủ cho nhu cầu xăng dầu cho sản xuất của các thành phần kinh tế cũng như đảm bảo nhu cầu cần sử dụng xăng dầu của các tầng lớp dân cư.
- Các cơ quan Quản lý thị trường các cấp, các cửa khẩu biên giới, đất liền tăng cường kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu tràn lan tại các cửa khẩu nhằm hạn chế tối đa hoạt động kinh doanh xăng dầu trái phép tại các cửa khẩu cũng như trong cả nước. Đặc biệt là các hành vi vi phạm như buôn lậu trái phép, găm hàng chờ tăng giá, sai số đo lường của các cây xăng...
b) Sắt thép
- Xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép rẻ kém chất lượng thâm nhập thị trường trong nước.
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để đảm bảo cạnh tranh được với thép kém chất lượng nhập từ nước ngoài.
- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép và hạn chế nhập siêu.
c. Phân bón
- Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa vụ.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt.
d) Xi măng
-Theo dõi chặt chẽ giá phân bón thế giới để có biện pháp điều tiết nhập khẩu và sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón gây sốt giá cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
- Tăng cường công tác hải quan tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại các tỉnh có đường biên giới nhằm giảm buôn lậu phân bón qua đường tiểu ngạch và hạn chế nhập khẩu phân bón từ nước ngoài./.

File đính kèm:
BCKTDichvuT2.13.pdf

Nguồn: Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1497
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)