Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/08/2018-16:32:00 PM
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2018 tỉnh Hải Dương

I. Kinh tế

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp tháng 7 là thu hoạch rau mầu vụ chiêm xuân, làm đất, gieo cấy lúa vụ mùa và rau mầu vụ hè thu.

Vụ chiêm xuân năm nay, thời tiết thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển. Năng suất lúa vụ chiêm xuân năm 2018 đạt 67,0 tạ/ha, tăng 2,9% (+1,89 tạ/ha) so với vụ chiêm xuân 2017; sản lượng đạt 391.597 tấn, tăng 1,3% (+ 5.084 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất rau các loại đạt 239,1 tạ/ha, tăng 4,7% (+10,85 tạ/ha); sản lượng đạt 156.441 tấn, tăng 10,3% (+14.653 tấn) so với vụ chiêm xuân năm 2017 (sản lượng rau các loại vụ chiêm xuân tăng nhiều chủ yếu là do diện tích và năng suất tăng hơn so với cùng kỳ 2017).

Đến ngày 15/7/2018, toàn tỉnh gieo cấy được 55.045 ha lúa mùa, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích cấy bằng máy đạt 8.000 ha, diện tích gieo thẳng đạt trên 30.000 ha; gieo trồng được trên 6.000 ha rau màu hè thu, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Công tác gieo trồng cây vụ mùa năm nay được các địa phương chủ động triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch. Để có đất gieo trồng cây rau mầu vụ đông các địa phương đã chủ động bố trí gieo cấy giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ở trà mùa sớm. Đến nay việc gieo cấy lúa mùa cơ bản đảm bảo cơ cấu giống, khung thời vụ theo kế hoạch.

1.2. Chăn nuôi

Trong tháng 7, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi; thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại, kết hợp tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Chăn nuôi trang trại và gia trại phát triển nhanh, chăn nuôi nhỏ lẻ trong hộ dân cư có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá thịt hơi xuất chuồng giảm mạnh, người chăn nuôi thua lỗ, thu hẹp qui mô sản xuất hoặc không tái đàn nên đàn lợn có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn trâu của toàn tỉnh ước đạt 4.152 con, giảm 2,5%; đàn bò ước đạt 21.546 con, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn lợn thịt tại thời điểm tháng 7 ước đạt 475,3 nghìn con, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng đàn gia cầm các loại (gà, vịt, ngan, ngỗng, gia cầm khác) của toàn tỉnh ước đạt 11.886 nghìn con, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, đàn gà ước đạt 8.934 nghìn con, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

1.3. Thuỷ sản

Trong tháng 7, sản xuất thủy sản tương đối ổn định và đạt kết quả khá. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên; chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện đặc điểm mặt nước nuôi trồng trên địa bàn tỉnh; phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao vẫn được duy trì và phát triển như Trắm giòn, Chép giòn, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính... Tuy nhiên, do diễn biến của thời tiết làm dịch bệnh phát sinh gây hại nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2017. Một số diện tích ao nuôi cá trắm cỏ bị nhiễm bệnh làm cá chết.

2. Sản xuất công nghiệp

Trước những chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong nước và thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương tiếp tục giữ vững đà phục hồi và phát triển.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 giảm nhẹ, giảm 0,3%; trong đó, các nhóm ngành đều giảm: khai khoáng giảm 4,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng giảm 0,9%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải giảm 0,9%.

So với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 9,0%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,9%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 5,3%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 24,8% ; riêng khai khoáng giảm 37,0%.

Nhiều sản phẩm có lượng sản xuất tăng như: bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, váy dài, váy, chân váy, quần dài, quần yếm, quần sooc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 49,2%; áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 19,0%; áo phông (T- shirt), áo may ô và các loại áo khác tăng 27,9%; bao bì đóng gói khác bằng plastic tăng 35,3%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 15,6%; sắt thép không hợp kim cán phẳng không gia công tăng 10,2%; thép hợp kim cán mỏng có chiều rộng < 600mm đã được dát, phủ, mạ hoặc tráng tăng 19,6%; mạch điện tử tích hợp tăng 20,1%; bộ phận của các linh kiện điện tử khác chưa được phân vào đâu tăng 34,6%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, coppy... tăng 16,4%; nước uống được tăng 18,8%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,2%. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,4%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 10,4%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 14,4%; khai khoáng giảm 25,0%.

Đa số các ngành chiếm tỷ trọng lớn đều duy trì được mức tăng cao, điển hình là: sản xuất trang phục tăng 24,9%; sản xuất giầy dép tăng 11,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactic tăng 27,6%; sản xuất kim loại tăng 7,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 14,9%; sản xuất sản phẩm điện tử tăng 24,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 20,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 4,8%; sửa chữa bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 22,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 22,4%.

Các sản phẩm có lượng sản xuất tăng như: mỳ, phở, bún, miến, cháo ăn liền tăng 22,3%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần sooc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 36,7%; áo phông (T- shirt), áo may ô và các loại áo khác tăng 25,9%; giày dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài tăng 11,7%; giấy và bìa nhăn tăng 19,6%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 27,4%; sắt thép không hợp kim cán phẳng không gia công tăng 6,5%; mạch điện tử tích hợp tăng 23,6%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, coppy... tăng 18,2%; bộ đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 9,4%.

Bên cạnh đó cũng còn một số sản phẩm có lượng sản xuất giảm đó là: thức ăn cho gia súc giảm 10,4%; clanke xi măng giảm 5,5%; xi măng portland giảm 6,2%; máy khâu loại dùng cho gia đình giảm 13,3%; xe có động cơ chở được 05 người trở lên chưa được phân vào đâu giảm 9,7%.

2.2. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 tăng 4,7% so với cùng kỳ, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 8,2%. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng đó là: sản xuất đồ uống tăng 12,5%; sản xuất trang phục tăng 21,9%; sản xuất da và các sản phẩm da có liên quan tăng 15,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactic tăng 29,9%; sản xuất kim loại tăng 7,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 15,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 20,0%; sản xuất thiết bị điện tăng 23,0%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 29,7%.

2.3. Chỉ số tồn kho

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại thời điểm 01/7 tăng 6,3% so với cùng kỳ; trong đó, các ngành có chỉ số tồn kho giảm là: sản xuất đồ uống giảm 51,1%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm 27,6%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 47,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) giảm 45,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 24,2%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 29,0%.

Các ngành có chỉ số tồn kho tăng là: sản xuất trang phục tăng 44,6%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 80,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactic tăng 41,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 31,2%; sản xuất kim loại tăng 35,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 16,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,1%.

2.4. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7 tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng đầu năm tăng 3,6% so với cùng kỳ.

Một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng như: sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactic tăng 10,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 26,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,1%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 20,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 16,6%.

3. Hoạt động đầu tư

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 6 năm 2018 đạt 155,6 tỷ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 77,7 tỷ đồng, đạt 11,9% so với kế hoạch năm, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện, đạt 68,2 tỷ đồng, đạt 7,6% kế hoạch năm; vốn ngân sách cấp xã đạt 9,7 tỷ đồng, đạt 10,2% kế hoạch năm.

Ước tháng 7, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 158,9 tỷ đồng, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 74,5 tỷ đồng, chiếm 11,4% kế hoạch năm, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện, xã đạt 84,4 tỷ đồng, chiếm 8,5% kế hoạch năm, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ước 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 678,2 tỷ đồng, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 358,1 tỷ đồng, giảm 35,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 267,1 tỷ đồng, tăng 14,3%, vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 53,0 tỷ đồng, tăng 4,4%.

4. Thương mại, giá cả, dịch vụ

4.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 7 năm 2018 ước đạt 3.638,4 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1,5%; tính chung 7 tháng đầu năm ước đạt 24.657,2 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo loại hình kinh tế, 7 tháng đầu năm kinh tế cá thể đạt 15.484,1 tỷ đồng, chiếm 62,8% và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế tư nhân đạt 8.694,6 tỷ đồng, chiếm 35,3% và tăng 13,8%; các khu vực kinh tế còn lại (nhà nước, tập thể và FDI) đạt 478,5 tỷ đồng, chiếm 1,9%, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 7 ước đạt 762 tỷ đồng, giảm 0,4% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng đầu năm ước đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo loại hình kinh tế; kinh tế cá thể đạt 3.301 tỷ đồng, chiếm 67,4% và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế tư nhân đạt 1.253 tỷ đồng, chiếm 25,6% và tăng 8,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 246 tỷ đồng, chiếm 5,0% và tăng 5,6% so với cùng kỳ.

Phân theo ngành kinh tế; dịch vụ lưu trú đạt 171 tỷ đồng, chiếm 3,5% trong tổng số và tăng 8,6% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 1.917 tỷ đồng, chiếm 39,1% và tăng 7,6%; dịch vụ khác đạt 2.787 tỷ đồng, chiếm 56,9%, tăng 7,6% so với cùng kỳ.

4.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 7 ước đạt 679,7 tỷ đồng; so với tháng trước tăng 1,5%; trong đó, vận tải hành khách đạt 120,8 tỷ đồng, tăng 0,8%; vận tải hàng hoá đạt 511,2 tỷ đồng tăng 1,7%.

Doanh thu 7 tháng đầu năm đạt 4.533,1 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vận tải hành khách đạt 830,4 tỷ đồng, tăng 11,6%; vận tải hàng hoá đạt 3.410,5 tỷ đồng, tăng 10,6%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 312,3 tỷ đồng, tăng 9,2%.

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 7 năm 2018 ước đạt 2,2 triệu hành khách, so với tháng trước tăng 1,1%; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 127,3 triệu hành khách.km, tăng 2,0% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng đầu năm khối lượng hành khách vận chuyển đạt 15,3 triệu hành khách, so với cùng kỳ tăng 11,5%; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 893,9 triệu hành khách.km, tăng 10,7% so với cùng kỳ.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 7 ước đạt 6,1 triệu tấn, so với tháng trước giảm 0,1%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 422,6 triệu tấn.km. Tính chung 7 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 42,1 triệu tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 2.918,3 triệu tấn.km, tăng 9,2% so với cùng kỳ.

4.4. Giá cả thị trường

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,03% so với tháng trước; tăng 2,38% so với tháng 12 năm trước; bình quân 7 tháng đầu năm tăng 2,62% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Các nguyên nhân làm tăng giá (so với tháng trước) là thịt gia súc tươi sống, lương cơ sở tăng nên mức đóng bảo hiểm xã hội tăng theo; nguồn cung các loại rau, củ giảm do một số diện tích bị ngập.

Một số nguyên nhân làm giảm giá là giá gạo giảm, do vụ chiêm này được mùa; một số dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm theo Thông tư 15/2018/TT-BYT ngày 30/5/2018 như giá ngày giường bệnh, giá dịch vụ khám bệnh, siêu âm, châm cứu...; giá xăng, dầu giảm nhẹ do được điều chỉnh theo lộ trình.

II. Một số vấn đề xã hội

1. Văn hóa, thể thao

Văn hóa; Sáng 19/7, Ban Chỉ đạo hoạt động hè và chiến dịch thanh niên tình nguyện TP Hải Dương tổ chức tư vấn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 100 người thuộc gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở xã Tân Hưng (TP Hải Dương). Mỗi người đến khám được nhận một suất quà trị giá 200.000 đồng.

Dịp này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hải Dương đã trao 120 suất quà cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam tiêu biểu, nạn nhân đang điều trị các bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền gần 50 triệu đồng. Hội phối hợp tổ chức khám và cấp thuốc trị giá 15,6 triệu đồng cho 52 nạn nhân. Ngoài ra, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các xã, phường cũng tổ chức gặp mặt, tặng quà cho 195 hội viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 40 triệu đồng.

Thể thao; Trong hai ngày đầu tháng 7, tại Nhà Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh đã diễn ra Giải Võ cổ truyền trong chương trình Đại hội TDTT tỉnh Hải Dương lần thứ VIII năm 2018. Giải thu hút trên 100 vận động viên nam, nữ đến từ 8 đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia: Ninh Giang, Kim Thành, Kinh Môn, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Nam Sách, thị xã Chí Linh và TP Hải Dương. Các vận động viên thi đấu 2 nội dung là quyền biểu diễn và đối kháng.

Sáng ngày 07/7, tại Khu du lịch sinh thái Hà Hải (TP. Hải Dương), Ban chỉ đạo Đại hội Thể dục thể thao lần thứ VIII năm 2018 đã tổ chức khai mạc Giải Quần vợt. Đây là môn thi đấu thứ 14 trong chương trình thi đấu tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII năm nay. Tham dự giải có 50 VĐV nam, nữ đến từ các đơn vị: Nam Sách, Kinh Môn, thị xã Chí Linh, TP Hải Dương và Công an tỉnh. Các VĐV sẽ tranh tài ở 6 nội dung, gồm: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ phối hợp và đồng đội nam.

2. Y tế

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, nhiều bệnh truyền nhiễm trong tỉnh có xu hướng tăng nhanh và diễn biến khó lường. Toàn tỉnh ghi nhận 8 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B, tập trung ở huyện Kinh Môn (4 ca), Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Miện và Gia Lộc (mỗi nơi 1 ca). Trẻ mắc bệnh này tuổi thấp nhất là 8 tháng và cao nhất 14 tuổi. Trong số trẻ mắc bệnh có 4 trẻ đã được tiêm chủng đủ 3 mũi vaccine, 2 trẻ không rõ lịch sử tiêm chủng và 2 trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Có 135 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng, tăng 112 trường hợp so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ở nhóm 13 - 24 tháng tuổi. Nhiều trẻ mắc chủng EV 71, là chủng độc lực cao có thể gây biến chứng nặng. Ngoài những bệnh điển hình trên, nhiều bệnh truyền nhiễm lẻ tẻ khác cũng xuất hiện như bệnh cúm (trên 6.600 ca), tiêu chảy (1.820 ca), quai bị (36 ca), sởi (5 ca), ho gà (1 ca).

Mùa hè là thời điểm nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, dễ lây lan thông qua đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc bằng tay. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh mùa hè rất cao do điều kiện khí hậu, nhiệt độ thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus, muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều tra, lấy mẫu xác định nguyên nhân, xử lý và báo cáo kết quả điều tra theo quy định.

3. Giáo dục

Theo đúng kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 11/7/2018, tất cả các Hội đồng thi trong cả nước nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng đã hoàn thành việc chấm thi, công bố kết quả thi. Do chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm cũng như chuẩn hóa cơ sở dữ liệu điểm thi nên công tác công bố kết quả thi diễn ra thuận lợi, an toàn, chính xác.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ tốt nghiệp sơ bộ của tỉnh năm 2018 đạt 98,89% (tăng 0,37 điểm% so năm 2017); cao hơn so với tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2018 là 1,32 điểm%.

4. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Trong tháng 7, cơ quan chức năng đã phát hiện 11 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 11 vụ với tổng số tiền phạt 93 triệu đồng. Tính chung 7 tháng đầu năm đã phát hiện 203 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 203 vụ với tổng số tiền phạt 1.966 triệu đồng.

5. Trật tự an toàn xã hội

Về tai nạn cháy, nổ; trong tháng Bảy, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Tính chung 7 tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ cháy, nổ thiệt hại ước tính 2.497 triệu đồng./.


UBND tỉnh Hải Dương

    Tổng số lượt xem: 1057
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)