Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 4 năm 2013.
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tình hình thế giới
Bước sang Quý II năm 2013, triển vọng khôi phục tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn rất hết sức ảm đạm, do suy thoái vẫn tiếp diễn tại các nền kinh tế lớn. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong vòng 13 năm qua: Theo công bố của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, quý I vừa qua, nền kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 7,7%, thấp hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích kinh tế; sản lượng công nghiệp trong quý tăng trưởng 9,5%, cũng thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, tại Mỹ, mới tuần đầu tháng 4/2013, lượng đơn xin trong khi tại Mỹ, dấu hiệu phục hồi vẫn còn yếu khi mà các số liệu về việc làm vẫn còn chưa khả quan. Tại Châu Âu, khủng hoảng nợ vẫn đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên theo công bố lạm phát tại 17 nước khu vực đồng euro (Eurozone) đã giảm xuống còn 1,7% trong tháng 3/2013, thấp hơn so với mục tiêu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt cho khu vực này là gần 2%.
Diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên nguyên liệu vẫn còn rất phức tạp, trong bối cảnh bị chi phối bởi tình hình chính trị tại các nước Trung Đông, các thông tin tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế lớn, cũng như do sự sụt giảm nhu cầu từ các nước này.
2. Tình hình trong nước và tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và số 02/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ
Trong 4 tháng đầu năm, tình hình kinh tế trong nước vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Tết Nguyên Đán là được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sức mua của người dân, do nguồn hàng dồi dào, nhiều ưu đãi khuyến mại, tuy nhiên dịp Tết năm nay, lượng hàng tiêu thụ không đạt như kỳ vọng. Bên cạnh đó, từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát, đặc biệt là dịch cúm H5N1, khiến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này giảm.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, các Bộ, ban ngành, tỉnh, thành phố đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, do độ trễ chính sách, phải cần một thời gian nhất định các doanh nghiệp mới thực sự được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 4 VÀ 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2013
1. Tình hình phát triển ngành dịch vụ
Tháng 4/2013 hoạt động du lịchđã sội động ngay từ ngày đầu tháng do thời gian này là tháng khởi động chuẩn bị bước vào mùa nghỉ hè trên cả nước. Nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đã được tổ chức ở nhiều nơi như: Lễ hội Đền Hùng, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2013-VITM 2013, Festival Nghề truyền thống Huế 2013, Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư 2013,v.v…
Tháng Tư năm nay đang được xem là "tháng vàng" để các doanh nghiệp lữ hành tung ra những sản phẩm mới hút khách du lịch với thời gian 3 ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương và 5 ngày nghỉ liên tiếp trong dịp lễ 30/4 và 1/5.
Với chương trình kích cầu du lịch năm 2013 do Bộ VHTTDL phát động, một số chính chính sách tích cực nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như: giá phòng khách sạn cao cấp tại các khu nghỉ dưỡng đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Một số chặng bay nội địa đã được các hãng hàng không Việt Nam áp dụng chương trình khuyến mại giảm giá vé,….Những hoạt động này góp phần thu hút một lượng du khách lớn trong và ngoài nước đến tham quan.
Với dịp nghỉ lễ Giổ tổ Hùng Vương và 30/4-1/5 kéo dài, góp phần làm sôi động thị trường Tour du lịch trong và ngoài nước ngay từ đầu tháng 4. Một số Tour du lịch có giá giảm so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 5%-10%). Đối với các Tour du lịch đi Hạ Long, Sapa, Cửa Lò, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết,….số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đăng ký tăng gấp đôi ngày thường, cụ thể vé máy bay đi các nước trên hầu như đã kín hết chỗ trong dịp này. Theo thống kê sơ bộ tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2013-VITM 2013 cho thấy, các công ty lữ hành đã bán được hơn 6.000 tour cho du khách; các hãng hàng không đã bán ra khoản 8.000 vé máy bay giá rẻ..
Trong dịp nghỉ lễ, số lượng khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài khá lớn, đặc biệt là ở hai Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Công tác tổ chức đón khách quốc tế cũng như việc đưa khách Việt Nam đi du lịch trong nước, nước ngoài được thực hiện tốt với sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan nhà nước và nhân dân.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 ước đạt khoảng 650 nghìn lượt khách, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước, lượng khách du lịch quốc tế trong 4 tháng đầu năm khoảng 2,45 triệu lượt khách, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm chủ yếu từ một số thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Nga, Đài Loan, Úc, Campuchia, Pháp.
Xét theo phương tiện đi lại, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không, đường bộ. Xét theo mục đích chuyến đi của khách du lịch, khách du lịch theo mục đích nghỉ ngơi, khách du lịch theo công việc và khách đi du lịch thăm thân nhân.
Trong dịp này công suất sử dụng phòng đạt mức cao trên 70%, nhiều khách sạn cao cấp xếp hạng 4-5 sao tại các trung tâm du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang... đạt công suất 80-90%.
(Số liệu ước tính của Vụ Kinh tế dịch vụ)
2. Về xuất, nhập khẩu
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 4 năm 2013 đạt 9,7 tỷ USD, giảm 12%so với tháng 3 năm 2013; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 5,8 tỷ USD.
4 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu ước đạt gần 39,5 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 23 tỷ USD, tăng 25,3% và chiếm 58,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 23,2%. Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 7%.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 4 tháng năm 2013 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 2780 ngàn tấn, tăng 16,6% về lượng và tăng 6,5% về kim ngạch; than đá ước đạt 5196 ngàn tấn, tăng 16,4% về lượng và giảm 8,7% về kim ngạch; dệt may đạt 5,1 tỷ USD, tăng 20,3%; da giày đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9%; gỗ và sản phẩm gỗ 1,6 tỷ USD, tăng 13%; điện thoại các loại và linh kiện 5,8 tỷ USD, tăng 92,3%; linh kiện điện tử đạt 3,2 tỷ USD, tăng 46,1%; thuỷ sản 1,7 tỷ USD, giảm 4,8%; gạo 2374 ngàn tấn, tăng 7,3% về lượng và tăng 0,8% về kim ngạch; cà phê 586 ngàn tấn, giảm 16,6% về lượng và giảm 13,7% về kim ngạch; cao su 240 ngàn tấn, giảm 10,7% về lượng và giảm 20,6% về kim ngạch...
Về thị trường xuất khẩu 4 tháng năm 2013, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 11,1% và chiếm tỷ trọng 16,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 23,8% và chiếm tỷ trọng 18,2%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 17,2% và chiếm tỷ trọng 14,7%; xuất khẩu vào Nhật Bản và Trung Quốc xấp xỉ cùng kỳ năm 2012, chiếm tỷ trọng tương ứng là 10,7% và 9,8%.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 năm 2013 ước đạt 10,7 tỷ USD, giảm 7,6%so với tháng 3 năm 2013, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,7 tỷ USD;
4 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 40,2 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,8 tỷ USD, tăng 25,2% và chiếm 54,2% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,5%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 4 tháng năm 2013 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 2297 nghìn tấn, giảm 23,4% về lượng và giảm 26,9% về kim ngạch; sắt thép các loại 2915 nghìn tấn, tăng 17,1% về lượng và tăng 5,3% về kim ngạch; phân bón 1011 nghìn tấn, tăng 14,2% về lượng và tăng 6,8% về kim ngạch; giấy các loại 428 nghìn tấn, tăng 16,6% về lượng và tăng 14,5% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 994 nghìn tấn, tăng 17,1% về lượng và tăng 15,6% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt 5,4 tỷ USD, tăng 8,9%; máy tính và linh kiện 5,6 tỷ USD, tăng 60,7%; vải đạt 2,3 tỷ USD, tăng 13,8%; nguyên phụ liệu dệt may 1082 triệu USD, tăng 13,6%...
4 tháng năm 2013, nhập khẩu từ Châu Á chiếm 79% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 23,9%, tỷ trọng ước đạt 24,6%), ASEAN (tăng 1,9%, tỷ trọng 17%), Hàn Quốc (tăng 42,5%, chiếm tỷ trọng 15,9%), Nhật Bản (tăng 0,9%, chiếm tỷ trọng 8,9%) và EU (tăng 19,9%, chiếm tỷ trọng 7,3%).
2.3. Một số nhận xét về tình hình xuất nhập khẩu 4 tháng:
- Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ, trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm nhẹ 0,3% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản tăng nhẹ 1,2%.
- Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 4 năm liên tục (kể từ năm 2010) và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng năm 2013 của cả nước tăng 5,7 tỷ USD, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng 4,7 tỷ USD (đóng góp hơn 80% kim ngạch tăng thêm); nếu tính cả dầu thô tăng 4,8 tỷ USD. Các mặt hàng chủ yếu của khối này là điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 98,2% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); hàng dệt may (chiếm 59%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 96,6%); giày dép các loại (chiếm 76,2%); phương tiện vận tải và phụ tùng (chiếm 93%).
- Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 4 tháng năm 2013 của khu vực FDI là 25,2% cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung (18%) của cả nước, do các mặt hàng chủ lực của khu vực này chủ yếu là gia công, lắp ráp, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhập khẩu của cả nước tăng gần 6,1 tỷ USD, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI tăng 4,4 tỷ USD.
- Hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước có dấu hiệu phục hồi (xuất khẩu tăng 7% và nhập khẩu tăng 10,5%).
- 4 tháng năm 2013, cả nước nhập siêu 722 triệu USD, bằng 1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất siêu của khu vực FDI (không kể dầu thô) ước đạt 1283 triệu USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu 3764 triệu USD. Nếu xét theo thị trường, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn với các nước/khối nước như Trung Quốc (6 tỷ USD), Hàn Quốc (4,2 tỷ USD), Đài Loan (2,1 tỷ USD), ASEAN (1 tỷ USD).
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Trong 3 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt 636.161 tỷ đồng, tăng 11,66% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các nhóm thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ đều tăng từ 10-15%, riêng nhóm du lịch chỉ tăng thấp ở mức 3,96%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa 3 tháng đầu năm chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Do tình hình kinh tế trong nước khó khăn, tình hình dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; bên cạnh đó tháng 4 cũng diễn ra nhiều ngày lễ, dự báo tổng mức bán lẻ tháng 4/2012 đạt khoảng 213.400 – 217.600 tỷ đồng, tăng khoảng 0,1-0,3% so với tháng 3/2013.
(Số liệu dự báo của Vụ Kinh tế dịch vụ)
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng Cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI 3 tháng đầu năm 2013 tăng 2,39% so với tháng 12 năm 2012.
Một số yếu tố tác động tới CPI tháng 4 như: (1) nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm dồi dào (do thời tiết tốt và các địa phương đã chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân); (2) một số các tỉnh, thành phố thực hiện điều chỉnh tăng lệ phí giáo dục và dịch vụ y tế; (3) nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm không tăng nhiều do thời tiết bắt đầu nắng nóng và dịch cúm gia cầm bùng phát;(4) giá xăng điều chỉnh tăng khiến cho các mặt hàng khác tăng giá theo; (5) thực tế theo báo cáo của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy CPI của 2 thành phố này (chiếm tỷ trọng lớn trong CPI cả nước) giảm lần lượt là 0,33% và 0,15% so với tháng trước. Do vậy, dự báo CPI tháng 4/2013 của cả nước tăng nhẹ khoảng 0,02%, đưa CPI cả Quý I năm 2013 tăng khoảng 2,37% so với tháng 12 năm 2012.
(Dự báo của Vụ Kinh tế dịch vụ)
3.3. Tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a. Lương thực
- Thế giới: Tình hình giá lúa gạo thế giới tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm do nguồn cung tại một số nước dồi dào và nhu cầu ở mức thấp. So với tháng trước, giá chào gạo trong tháng 4/2013 tại một số nước giảm từ 10-25 USD/tấn, Thái Lan giảm 25-26 USD/tấn, Việt Nam giảm khaongr 15 USDD/tấn, riêng Ấn Độ giá ổn định. Thái Lan loại 5% tấm hiện phổ biến ở mức 573-590USD/tấn; Việt Nam giá chào gạo giảm nhẹ, dao động quanh mức: 395-400 USD/tấn, FOB (đối với gạo 5% tấm); Ấn độ 440 USD/tấn; Pakistan 410-420 USD/tấn.
- Trong nước: Các doanh nghiệp và địa phương đã kết thúc đợt thực hiện mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2012-2013 theo Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 07/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 4 cũng là dịp các tỉnh phía nam kết thúc thu hoạch vụ Đông Xuân nên nguồn cung trong nước dồi dào, giá lúa gạo chỉ tăng nhẹ từ 100-200đồng/kg.
Hiện giá gạo tiếp tục ổn định, phổ biến ở mức:
|
Lúa tẻ thường
|
Gạo tẻ thường
|
Phía Bắc
|
7.000 - 7.500
|
12.000 - 13.400
|
Phía Nam
|
5.300 - 5.600
|
7.500 - 7.900
|
Quý I/2013:
Thế giới: Tháng 1 và tháng 2, giá lúa gạo tăng nhẹ do các hợp đồng mới được ký kết và một số nước tại Châu Á bước vào dịp tết cổ truyền nên nhu cầu có tăng, sau đó giá lúa gạo ổn định và có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào. So với đầu năm, đến cuối tháng 3 và đầu tháng 4 giá chào gạo xuất khẩu của một số nước đã giảm từ 10-25 USD/tấn dao động quanh mức 570-580 USD/tấn. So với cùng kỳ 2012 giá chào gạo hiện nay vẫn thấp hơn từ 10-15 USD/tấn(tương đương khoảng 2%).
Thị trường trong nước: Cuối tháng 1 và đầu tháng 2 là dịp bước vào đợt tết nguyên đán nên giá gạo có nhích nhẹ, đặc biệt là gạo tẻ ngon phổ biến ở mức giá 17.000 – 19.000 đồng/kg, gạo nếp ngon 18.000 – 22.000 đồng/kg. Nhưng sau tết, giá gạo tiếp tục ổn định, mặc dù Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện chương trình mua tạm trữ lúa gạo nhưng giá chỉ tăng từ 200-500đ/kg.
Về tình hình mua tạm trữ lúa gạo: Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam đến hết ngày 21/3/2013, các doanh nghiệp đã mua tam trữ lúa gạo đạt 933 tấn (quy gạo) bằng 93,3% so với kế hoạch.
Về tồn kho gạo: Tính đến 22/4/2013 tồn kho gạo cả nước khoảng 1,93 triệu tấn, chưa kể gạo tồn trong dân.
Dự báo: Giá lúa gạo thế giới và trong nước tiếp tục ổn định và giảm nhẹ.
b. Thực phẩm
+ Giá các loại thực phẩm: Tháng 4/2013 giá thực phẩm tươi sống có chiều hướng giảm và ổn định. So với tháng 3/2013, thịt gà ta giảm 10 –15%, giá thịt bò, hải sản ổn định, riêng giá thịt lợn giảm nhẹ từ 5- 10% (khoảng 5.000 – 10.000đ/kg). Tình hình dịch bệnh tai xanh và cúm gia cầm đang có nguy cơ quay trở lại do thời tiết chuyển mùa nên đã tác động đến giá thịt lợn và gia cầm trong tháng 4, tuy nhiên chưa có hiện tượng giảm giá quá sốc gây ảnh hưởng lớn đến thị trường và người chăn nuôi.
+ Giá rau, củ, trái cây: Tiếp tụcổn định do thời tiết thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao. Nguồn cung dồi dào nên các loại rau củ quả ổn định và có xu hướng giảm, xu hào giảm còn 2.000đ/củ, bắp cải trắng 8.000đ/kg, rau cần, rau ngót các loại giảm từ 1.000-2.000đ/mớ, cà chua, bí xanh giảm còn 10.000đ/kg…
+ Dự báo: Trong thời gian tới giá thực phẩm và các loại rau củ quả tiếp tục ổn định và giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào và thời tiết thuận lợi.
c. Xi măng
Tình hình sản xuất và tiêu thụ xi măng tháng 4 đã tăng trở lại theo xu hướng tăng nhẹ từ tháng 3, tuy nhiên nhưng ước mức tăng còn thấp so với cùng kỳ năm trước.
Về giá cả: Trong 15 ngày đầu tháng 4: Giá xi măng tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung trong khoảng 1.280.000 - 1.560.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam trong khoảng 1.360.000-1.640.000 đồng/tấn.
d) Phân bón
Thị trường phân bón trong nước nửa đầu tháng 4 diễn biến ổn định, nguồn cung dồi dào. Giá phân Urê tại miền Bắc dao động khoảng 9.600 - 10.200 đồng/kg, tăng 100-200 đồng/kg; tại miền Nam giá phổ biến khoảng 9.550-10.000 đồng/kg, tăng 350 đồng/kg.
Theo số liệu sơ bộ, trong tháng 4/2013, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 260 nghìn tấn với trị giá 107 triệu USD, tăng 5% so với tháng 3/2013. Tính cả 4 tháng đầu năm 2013, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 1.011 nghìn tấn với trị giá 416 triệu USD, tăng 14,2 % so với cùng kỳ năm 2012.
đ) Sắt thép
Bước sang tháng 4, sản xuất và tiêu thụ thép bắt đầu tăng trở lại theo xu hướng từ tháng 3, khi các công trình xây dựng trở lại thi công sau kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Tuy nhiên, ước lượng sản xuất và tiêu thụ thép vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2012.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 3/2013 đạt 828 nghìn tấn, ước tháng 4/2013 đạt 750 nghìn tấn, giảm 9,4% về lượng so với tháng 3/2013 và đạt trị giá 550 triệu USD; tính cả 4 tháng đầu năm ước đạt 2.915 nghìn tấn, tăng 17,1% về lượng so với cùng kỳ năm 2012.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2013
1. Về phát triển ngành dịch vụ
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương, các Hiệp hội trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng giao thông vận tải, môi trường, văn hóa...
- Triển khai quyết liệt Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 201202015 đã được phê duyệt nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương, các vùng sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch.
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo, đặc trưng của du lịch từng vùng cũng như của du lịch Việt Nam; nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch và tăng cường xuất khẩu tại chỗ.
- Phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển du ịch. Đào tạo, tăng cường nhân lực, nghiệp vụ du lịch trong các hoạt động kinh doanh để thích ứng được yêu cầu phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, đặc biệt công tác kiểm tra giám sát.
- Tăng cường đầu tư phát triển du lịch, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển cơ sở vật chât kỹ thuật phục vụ du lịch.
- Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định về lệ phí visa và tiếp tục duy trì chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của du lịch Việt Nam.
2. Về xuất, nhập khẩu
Đẩy mạnh xuất khẩu
- Chú trọng nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định xã hội.
- Tăng cường xúc tiến thương mại, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, không để lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường; sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
Kiểm soát nhập khẩu
- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng cường sử dụng máy móc vật tư, thiết bị sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
- Tiếp tục nhấn mạnh nhóm biện pháp thông tin tuyên truyền, nhất là chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đây là một kênh gián tiếp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam, qua đó giảm tỷ lệ hàng nhập khẩu.
Các giải pháp cụ thể mà Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện:
a) Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Quyết định số 320/QĐ-BCT ngày 17 tháng 01 năm 2013, Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 17 tháng 01 năm 2013 và Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 08 tháng 02 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong đó tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp: tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất khẩu, kiểm soát hợp lý nhập khẩu; đẩy mạnh phát triển thương mại, phát triển thị trường.
b) Nhiệm vụ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh:
- Làm việc với các Hiệp hội ngành hàng (Dệt may, đồ gỗ, cà phê, gạo, thủy sản) và các doanh nghiệp để thực hiện các biện pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình, kiến nghị từ các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.
c) Nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất khẩu, kiểm soát hợp lý nhập khẩu:
- Làm việc với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030 của các Bộ, ngành, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố.
-Tiếp tục triển khai thực hiện chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép trong nước đã sản xuất được để góp phần quản lý nhập khẩu, tăng cường tiêu thụ sản phẩm trong nước.
- Tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan để ngăn chặn gian lận thương mại và trốn thuế thông qua việc tiếp tục triển khai Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07 tháng 9 năm 2012 và đẩy mạnh thông tin tới doanh nghiệp vể Thông tư số 05/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 18 tháng 02 năm 2013 quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất một số mặt hàng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 04 tháng 4 năm 2013.
d. Nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển thương mại, phát triển thị trường:
- Tích cực tham gia đàm phán các Hiệp thương mại tự do để tạo thị trường cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam: Hiệp định TPP, Hiệp định Việt Nam – EU, Hiệp định Việt Nam – EFTA, Hiệp định Việt Nam – Hàn Quốc và chuẩn bị cho Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên Minh thuế quan gồm Nga, Belarus và Cazakhstan.
- Tích cực trong công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
(a) Trong ngắn hạn:
- Các Bộ, Ban, Ngành, Địa phương cần nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NĐ-CP và 02/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, nhằm hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khôi phục và thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tần suất đưa hàng Việt về nông thôn, nhằm kích cầu tại thị trường nông thôn, qua đó giảm hàng tồn kho, tăng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của cả nước.
- Các tỉnh, thành phố chưa thực hiện chính sách tăng học phí và dịch vụ y tế cần xem xét phương án giãn hoặc tăng tại các thời điểm khác nhau, nhằm giảm bớt áp lực tăng CPI tại một thời điểm, gây xáo trộn thị trường.
(b) Trong dài hạn:
-Nâng cao hiệu quả điều hành vĩ mô thị trường: theo dõi sát sao diễn biến thị trường thế giới, dự báo tình hình cung - cầu trong nước để có các chính sách điều hành thị trường kịp thời, bình ổn được thị trường, không để giá cả tăng cao, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, sắt thép, phân bón....
- Tham gia tích cực vào việc đảm bảo ổn định thị trường; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, đảm bảo chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khoẻ nhân dân; thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, đặc biệt tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, hàng giả.
- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đổi mới hệ thống thu mua, tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Rà soát và gia tăng các chế tài xử phạt đối với các hành vi gian lận thương mại; đầu cơ; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm quản lý và đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối bán lẻ.
- Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng Quy hoạch phát triển thương mại của các vùng kinh tế trọng điểm theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt.
- Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển hệ thống đại lý phân phối tại các tỉnh, thành phố, hỗ trợ các địa phương xây dựng các chợ dân sinh...
- Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối trong việc tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đưa hàng hóa tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Tăng cường hiệu quả và quy mô của công tác quản lý thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng sản xuất và buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
3.2. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá giá xăng dầu thế giới và trong nước để có phương án điều chỉnh linh hoạt các loại thuế, phí, lệ phí xăng dầu hay việc sử dụng, trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu một các hợp lý, tránh tình trạng mất ổn định giá để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả thị trường.
- Bảo đảm nguồn dầu nguyên liệu, đáp ứng tối đa yêu cầu về công suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010 – 2020, định hướng đến năm 2025.
b) Sắt thép
- Xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép rẻ kém chất lượng thâm nhập thị trường trong nước.
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để đảm bảo cạnh tranh được với thép kém chất lượng nhập từ nước ngoài.
- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép và hạn chế nhập siêu.
c. Phân bón
- Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa vụ.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt.
d) Xi măng
-Theo dõi chặt chẽ giá phân bón thế giới để có biện pháp điều tiết nhập khẩu và sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón gây sốt giá cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
- Tăng cường công tác hải quan tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại các tỉnh có đường biên giới nhằm giảm buôn lậu phân bón qua đường tiểu ngạch và hạn chế nhập khẩu phân bón từ nước ngoài./.
File đính kèm: BC KTDichvu T4.13.pdf
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư