(MPI) – Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, diễn ra chiều ngày 02/10/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã làm rõ vấn đề được nhà báo quan tâm liên quan đến tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp; xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, trong đó có sự dịch chuyển trụ sở sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn lớn.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Họp báo. Ảnh: Chinhphu.vn |
Liên quan đến tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đây là vấn đề quan trọng và được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao ngay từ đầu năm đến nay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Tổng cục Thống kê xây dựng các công cụ để khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp kể từ khi bị tác động của dịch Covid-19. Kết quả của cuộc khảo sát đã được thể hiện trong các báo cáo của Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đối với tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong 9 tháng năm 2020, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, vẫn còn khó khăn nhưng đến nay đã cải thiện hơn nhiều so với hồi đầu năm. Kết quả được thể hiện rõ ở mức tăng trưởng xuất khẩu trong 9 tháng năm 2020. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu và các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành du lịch. Đây là các lĩnh vực bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, đối với lĩnh vực dệt may, da dày là ngành bị tác động trực tiếp và giảm sâu nhất nhưng đến nay đã có các hợp đồng mặc dù phạm vi, quy mô chưa lớn nhưng cũng là tín hiệu tốt để các doanh nghiệp có thể quay trở lại hoạt động. Điều này dự báo những triển vọng khá hơn từ nay đến cuối năm nếu không có điều gì đặc biệt xảy ra.
Đối với doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là du lịch quốc tế gần như đóng băng, do vậy, các doanh nghiệp liên quan đến tiếp đón khách quốc tế gặp rất nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động cũng như duy trì bộ máy, giữ người lao động và được thể hiện cụ thể ở dòng tiền cho các doanh nghiệp này để duy trì hoạt động. “Chúng tôi cũng kỳ vọng đối với lĩnh vực du lịch khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 3 tháng cuối năm phải làm sao để đưa ngành du lịch hoạt động ở góc độ tập trung trở lại thị trường trong nước, bảo đảm thật sự an toàn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Các khía cạnh về chính sách tài khóa và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đã có đánh giá sơ bộ, thể hiện ở ba khía cạnh: Nguồn vốn tín dụng, chính sách tài khoá và hỗ trợ trực tiếp trên ngân sách. Tất cả đều có con số, kết quả cụ thể. Trong đó có phần giải ngân gói hỗ trợ cho đối tượng xã hội và người lao động bị giảm sâu thu nhập…
Các bộ, ngành cũng đang rà soát, báo cáo với Chính phủ, có kiến nghị cụ thể đối với tình hình sắp tới, nếu cần sẽ kiến nghị thêm những chính sách mới. Tuy nhiên, có một điều chúng ta hết sức lưu ý là nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Vừa qua các ngân hàng nhà nước đã có nhiều giải pháp quyết liệt, giảm rất sâu về lãi suất, chi phí… Tuy nhiên, cũng phải xác định nguồn vốn ngân hàng không phải nguồn vốn cho không, mà là nguồn vốn hoàn trả thị trường, có giá vốn và nhu cầu… Trong 9 tháng vừa qua, mức tăng trưởng tín dụng là 5%. Đây cũng là mức tăng tích cực so với tương quan giữa tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải có thị trường, có nguyên liệu thì mới vay vốn được. Đây cũng là điều kiện đầu ra, đầu vào và mấu chốt của doanh nghiệp là vấn đề đầu ra. Vấn đề này Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bám sát và phối hợp với các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về thông tin các nhà đầu tư là các tập đoàn lớn trên thế giới có mong muốn chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong sự dịch chuyển trụ sở sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn lớn đang diễn ra, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, trong đó có nhiều lý do được các nhà đầu tư quan tâm như sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện thuận lợi liên quan đến đất đai, môi trường đầu tư kinh doanh, nhân lực…
Từ đầu năm đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác của khu vực châu Á như Nhật Bản, Xinh-ga-po hay của châu Âu như Pháp. Qua các cuộc xúc tiến đầu tư này, thông tin cho thấy có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt họ đều bày tỏ sự quan tâm tới các định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, thể hiện trong Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; về việc thu hút các dự án quy mô lớn, thân thiện môi trường, có tác động lan tỏa, công nghệ hiện đại, có kết nối với doanh nghiệp Việt Nam…
Cùng với chính sách cho phép mở lại một số đường bay quốc tế để đón các chuyên gia, nhà đầu tư tới Việt Nam trong bối cảnh Covid-19, chúng tôi rất kỳ vọng cuối năm 2020, đặc biệt là năm 2021 sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam và hiện thực hóa việc dịch chuyển của mình, Thứ trưởng nhấn mạnh.
|
Ảnh: Chinhphu.vn |
Tại Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin về các nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 và cho biết, Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9/2002 có rất nhiều điểm sáng, công tác chống dịch đã qua 30 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, chúng ta đã khống chế thành công 2 đợt dịch. Nông nghiệp nhiều khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 41 tỷ USD trong năm 2020; công nghiệp tăng 2,69%; xuất khẩu đạt kỷ lục tuy không cao như năm 2019 và trong bối cảnh dịch bệnh, Việt Nam vẫn xuất siêu tới 17 tỷ USD; đồng loạt khởi công 3 dự án lớn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và giúp giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ cao nhất so với các năm từ 2016 tới nay…
Chính phủ đã dành thời lượng thích đáng để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2020; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01, 02; tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cho 3 tháng cuối năm để phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư