1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a) Nông nghiệp
- Trồng trọt
+ Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa 2020
Ước tính đến thời điểm ngày 15/8/2020, tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ mùa 2020 là 61.160,4 ha, tăng 1,59% (+956,6 ha) so với cùng kỳ vụ mùa năm 2019. DTGT một số loại cây trồng chủ yếu như sau: Cây lúa 15.931,3 ha, giảm 2,39% (-389,8 ha); cây ngô 4.612,8 ha, tăng 7,40% (+317,8 ha); cây sắn 38.742,0 ha, tăng 2,54% (+959,0 ha); khoai lang 135,5 ha, tăng 9,63% (+11,9 ha); cây lạc 95,0 ha, giảm 0,11% (-0,1 ha); đậu các loại 260,1 ha, tăng 1,56% (+4,0 ha); rau các loại 1.154,5 ha, tăng 1,48% (+16,8 ha); hoa các loại 64,2 ha, tăng 12,47% (+7,1 ha).
Diện tích cây lúa giảm chủ yếu do diện tích lúa rẫy giảm vì lúa rẫy cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên người dân chuyển sang trồng các cây khác. Diện tích cây ngô tăng do thời tiết thuận lợi và người dân được chính quyền khuyến khích, hỗ trợ mở rộng diện tích ngô lai.
+ Diện tích cây lâu năm
Sản lượng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh không lớn, diện tích chủ yếu trồng rải rác ở các khu vườn hộ dân, trồng xen trong vườn cây công nghiệp, sản lượng thu hoạch chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Diện tích, sản lượng cây công nghiệp lâu năm cũng không nhiều so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, chủ yếu là cao su và cà phê.
Ước tính đến thời điểm ngày 15/8/2020, tổng diện tích cây lâu năm hiện có trên địa bàn tỉnh là 102.374 ha, tăng 1,96% (+1967,1 ha) so với cùng kỳ năm trước.
Diện tích cây cà phê là 22.613 ha, tăng 4,99% (+1074,4 ha) so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích trồng mới là 1.017 ha. Diện tích cà phê tăng do giá cà phê những năm gần đây tương đối ổn định, hiệu quả kinh tế hơn hẳn các loại cây công nghiệp lâu năm khác nên người dân quan tâm đầu tư mở rộng.
Diện tích cây cao su là 74.364 ha, tăng 0,56% (+413,6 ha), trong đó diện tích trồng mới 382 ha, do năm nay giá bán mủ cao su ổn định nên được người dân đầu tư trồng mới.
- Chăn nuôi: Tình hình dịch bệnh (16/7/2020 - 15/8/2020)
Tình hình dịch lở mồm long móng (LMLM): Trong tháng, tại thành phố Kon Tum, phát sinh thêm 04 con bò mắc bệnh LMLM, chăm sóc khỏi triệu chứng lâm sàng cho 74 con bò. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và dập tắt trên đàn bò của 35 hộ chăn nuôi tại thành phố Kon Tum.
Tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP): Trong tháng, đã phát sinh và tiêu hủy 88 con lợn thịt mắc bệnh DTLCP tại 02 huyện (Ngọc Hồi, Đăk Tô) với tổng trọng lượng lợn tiêu hủy 2.724 kg.
Tình hình dịch cúm gia cầm (CGC): Vào ngày 25/7/2020 đã phát hiện ổ dịch tại huyện Ngọc Hồi có gà mắc bệnh và chết rãi rác. Đến ngày 29/7/2020, đã tiêu hủy toàn bộ số gia cầm mắc bệnh theo quy định (553 con gà). Đến nay, ổ dịch trên đã qua 20 ngày không phát sinh kể từ ngày tiêu hủy cuối cùng.
Tình hình các dịch bệnh khác: Dịch bệnh thông thường trên đàn gia súc, gia cầm được lực lượng thú y phát hiện và xử lý kịp thời.
b) Lâm nghiệp
Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 20/01/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, các ngành chức năng đã tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân địa phương về phòng cháy chữa cháy rừng được tăng cường. Tính đến 15/8/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ cháy rừng tại các huyện: Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Glei, Kon Plông gây thiệt hại 58,345 ha, tăng 8 vụ (+36,38 ha) so với cùng kỳ năm trước. Các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ nguyên nhân, xác minh, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Tính đến ngày 15/8/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 54 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 18,151 ha, giảm 2 vụ (+2,672 ha) so với cùng kỳ năm trước. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Ước tính đến thời điểm 31/8/2020, công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh thực hiện 697 ha, tăng 2,65% (+18 ha) so với cùng kỳ năm trước.
Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 31/8/2020, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 87.490 m3, tăng 4,78% (+3.990m3) so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng củi khai thác ước đạt 177.680 ster, tăng 1,55% (2.720 Ster) so với cùng kỳ năm trước.
c) Thủy sản
Tính đến 15/8/2020, ước tính diện tích nuôi trồng thủy sản là 710 ha, tăng 0,71% (+5 ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản là 3.385 tấn, tăng 6,92% (+219 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Sản lượng nuôi trồng nước ngọt là 2.185 tấn, tăng 7,69% (+156 tấn); Sản lượng khai thác nước ngọt là 1.200 tấn, tăng 5,54% (+63 tấn).
Sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước là do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng. Bên cạnh đó, việc khai thác đánh bắt của các hộ trên lòng hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối... thuận lợi nên sản lượng thủy sản trong kỳ tăng lên.
2. Công nghiệp
- Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 8 năm 2020
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 năm 2020 ước tính tăng 9,61% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 32,23%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,87%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 14,59%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 21,66%.
So với tháng trước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 năm 2020 ước tính tăng 4,35%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,77%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,16%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,50%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,87%.
Nguyên nhân chỉ số tăng là do sản lượng điện sản xuất tăng, thời điểm hiện tại lượng nước trong các hồ chứa đảm bảo cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vì trên địa bàn đã vào mùa mưa, các doanh nghiệp sản xuất điện đã chủ động điều tiết lượng nước nên sản lượng điện sản xuất tăng; so với tháng trước chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng do đến tháng 8 các nhà máy trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thu mua nguyên liệu để hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ mùa vụ, lượng tinh bột sắn sản xuất tăng đã làm chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến tăng mạnh so với tháng trước.
Ước tính một số sản phẩm sản xuất tháng 8 năm 2020 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng 39.516 m3, tăng 43,29%; Tinh bột sắn 7.100 tấn, giảm 29,92%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 25 triệu viên, tăng 17,30%; Điện sản xuất 142 triệu Kwh, tăng 14,73%.
- Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2020
Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2020 tăng 9,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 9,86%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,43%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,29%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 18,88% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính một số sản phẩm sản xuất 8 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng khác 237.919 m3, giảm 8,42%; Tinh bột sắn 151.833 tấn, tăng 5,23%; Đường RE 11.385 tấn, giảm 3,46%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 165,469 triệu viên, tăng 28,02%; Điện sản xuất 912 triệu Kwh, tăng 9,78%.
Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng năm 2020 tương đối ổn định, một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì hoạt động ổn định và phát triển, có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước. Các ngành sản xuất trang phục, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại…tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định.
3. Vốn đầu tư
- Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 8 năm 2020 là 272.863 triệu đồng. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, chia ra: Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 236.652 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 86,73% trong tổng nguồn vốn; nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện là 35.448 triệu đồng, tăng 15,40% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 12,99% trong tổng nguồn vốn; nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp xã là 763 triệu đồng, chiếm 0,28% trong tổng nguồn vốn.
- Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng của năm 2020 là 1.323.992 triệu đồng, tăng 47,76% so với cùng kỳ. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, chia ra: Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 1.071.807 triệu đồng, tăng 62,27% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 80,95% trong tổng nguồn vốn; nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện là 249.704 triệu đồng, tăng 6,35% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 18,86% trong tổng nguồn vốn; nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp xã là 2.481 triệu đồng, chiếm 0,19% trong tổng nguồn vốn.
Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới,... Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa...
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
a) Bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 8 năm 2020 đạt 2.016,084 tỷ đồng, giảm 1,54% so với tháng trước và tăng 18,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.761,221 tỷ đồng, chiếm 86,01% trong tổng số, tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 24,69% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 168,977 tỷ đồng, chiếm 8,25% trong tổng số, giảm 15,78 % so với tháng trước và giảm 11,79% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 85,887 tỷ đồng, chiếm 5,74% trong tổng số giảm 4,47% so với tháng trước và giảm 11,72% so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh 8 tháng năm 2020 ước tính đạt 13.388,22 tỷ đồng, tăng 8,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 11.506,963 tỷ đồng, chiếm 85,95% trong tổng số, tăng 12,26% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 1.192,534 tỷ đồng, chiếm 8,91% trong tổng số, giảm 12,86% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 688,723 tỷ đồng, chiếm 5,14% trong tổng số, giảm 7,23% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính 8 tháng năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước do: Trong 8 tháng năm 2020, thị trường hàng hóa vẫn ổn định, nguồn cung dồi dào, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh, không có tăng giá đột biến do thiếu hàng, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định và phù hợp với thu nhập của số đông người tiêu dùng nên sức mua tăng, trong tháng 7 một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã tăng cường triển khai các chương trình khuyến mại đối với một số mặt hàng, thay đổi mẫu mã và nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm kích thích lượng tiêu dùng cũng như sức mua của người dân. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần thứ 2, ngày 31 tháng 7 năm 2020 Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn số 2796/UBND-KGVX chỉ đạo về việc nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tác động bởi Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) cũng ảnh hưởng phần nào đến tình hình kinh doanh dịch vụ ăn uống (trong đó có kinh doanh bia rượu) trên địa bàn tỉnh.
b) Vận tải
- Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 8 năm 2020: Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 8 năm 2020 đạt 153.295,9 triệu đồng, giảm 5,54% so với tháng trước, cụ thể như sau:
Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 49.872,7 triệu đồng, giảm 17,59%; Vận chuyển ước đạt 938,3 nghìn lượt khách, giảm 14,58%; Luân chuyển ước đạt 118.483,96 nghìn lượt khách.km, giảm 13,92%.
Vận tải hàng hóa: Doanh thu ước đạt 102.730,2 triệu đồng, tăng 1,64%; Vận chuyển ước đạt 1.149,16 nghìn tấn, tăng 1,10%; Luân chuyển ước đạt 57.809,81 nghìn tấn.km, tăng 1,19%.
Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 693,0 triệu đồng, giảm 1,28%.
Doanh thu và khối lượng vận chuyển hành khách giảm so với tháng trước là do ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát ở TP Đà Nẵng và một số tỉnh thành phố khác, nên nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, mặt khác TP Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách xã hội từ 0h ngày 28/7/2020 đến nay, tất cả phương tiện giao thông đi, đến Đà Nẵng đã dừng hoạt động.
Doanh thu và khối lượng vận chuyển hàng hóa trong tháng tăng so với tháng trước là do hoạt động vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, ngành xây dựng và vận chuyển sản phẩm nông nghiệp tăng.
- Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính 8 tháng năm 2020: Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính 8 tháng năm 2020 đạt 1.154.669,2 triệu đồng, giảm 2,25% so cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:
Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 423.226,9 triệu đồng, giảm 5,30%; Vận chuyển ước đạt 7.679,88 nghìn lượt khách, giảm 7,54%; Luân chuyển ước đạt 975.403,41 nghìn lượt khách.km, giảm 7,29%.
Vận tải hàng hóa: Doanh thu ước đạt 726.054,3 triệu đồng, giảm 0,47%; Vận chuyển ước đạt 8.199,09 nghìn tấn, tăng 0,83%; Luân chuyển ước đạt 415.757,29 nghìn tấn.km, tăng 1,55%.
Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 5.388,0 triệu đồng, tăng 11,40%.
c) Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2020 tăng 0,12% so với tháng trước, giảm 0,04% so với tháng 12 năm trước; tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,17% so với kỳ gốc 2019; CPI bình quân 8 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,79%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 05 nhóm tăng: nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,3%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,73%; nhóm Giao thông tăng 0,1%; nhóm Giáo dục tăng 0,3%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,38%. Có 04 nhóm giảm là nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,03%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,21%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,64%; nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,41%. Có 02 nhóm không biến động giá là nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế.
Giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và trong nước với xu hướng tăng so với tháng trước, giá vàng 9999 trên địa bàn tỉnh tháng 8/2020 được bán với giá bình quân khoảng 5.436.000 đồng/chỉ, tăng 14,58% so với tháng trước; tỷ giá USD/VND bình quân giao dịch ở mức 23.267 đồng/USD giảm 0,12%.
5. Một số tình hình xã hội
a) Y tế tháng 7/2020
- Tình hình dịch bệnh
Tay - chân - miệng: Trong tháng, ghi nhận 03 ca mắc mới. Lũy tích đến 31/7/2020, ghi nhận 15 ca mắc, không có tử vong, giảm 69 ca so cùng kỳ năm trước.
Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 25 ca mắc mới. Lũy tích đến 31/7/2020, ghi nhận 333 ca mắc, không có tử vong, giảm 33 ca so cùng kỳ năm trước.
Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 03 ca mắc mới. Lũy tích đến 31/7/2020, ghi nhận 81 ca mắc, không có tử vong, giảm 183 ca so cùng kỳ năm trước.
Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 38 ổ dịch mới, có 319 ca mắc mới. Lũy tích đến 31/7/2020, ghi nhận 526 ca mắc, không có tử vong, giảm 82 ca so với cùng kỳ năm trước.
Sốt rét: Trong tháng, ghi nhận 04 ca mắc mới. Lũy tích đến 31/7/2020, ghi nhận 23 ca mắc, không có tử vong, không có sốt rét ác tính, giảm 31 ca so với cùng kỳ năm trước.
Bạch hầu: Trong tháng, ghi nhận 16 ổ dịch mới, có 22 ca dương tính (+) với bạch hầu (ca bệnh có triệu chứng 20 ca và người lành mang trùng 02 ca). Lũy tích đến 31/7/2020, ghi nhận 42 ca dương tính (+) với bệnh bạch hầu (ca bệnh có triệu chứng 31 ca và người lành mang trùng 11 ca), không có tử vong, tăng 41 ca so với cùng kỳ năm trước.
Bệnh dại: Trong tháng, không ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích đến 31/7/2020, ghi nhận 01 ca tử vong, bằng cùng kỳ năm trước.
Sởi: Trong tháng, không ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích đến 31/7/2020, ghi nhận 01 ca mắc, không có tử vong, giảm 42 ca so với cùng kỳ năm trước.
Phòng chống lao, phong: Tổng số bệnh nhân lao đăng ký điều trị 30 bệnh nhân, trong đó lao phổi AFB (+) 19, lao kháng thuốc 01. Trong tháng không ghi nhận bệnh nhân phong mới; tổng số bệnh nhân đang quản lý là 179.
Không ghi nhận mắc mới các bệnh: Cúm A (H5N1, H7N9...), hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV), viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19), cúm A(H1N1), bệnh do vi rút Zika, viêm não Nhật Bản, ho gà, viêm gan vi rút A.
- Phòng chống HIV/AIDS
Trong tháng, không ghi nhận người nhiễm HIV mới. Lũy tích đến ngày 31/7/2020, tổng số người nhiễm HIV/AIDS 500 người (tử vong do HIV/AIDS 192 người và số nhiễm HIV/AIDS còn sống 308 người, trong đó còn sống đang quản lý được 149 người); 118 bệnh nhân được điều trị ARV (có 07 trẻ em) và 07 bệnh nhân được điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid.
- An toàn vệ sinh thực phẩm
Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe của 58 cơ sở. Kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát trên địa bàn các huyện, trong tổng số 81 cơ sở được kiểm tra có 62 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm tỉ lệ 76,5%.
Trong tháng ghi nhận 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại thôn Đăk Nhoong, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, tổng số có 25 người bị ngộ độc, không có tử vong, căn nguyên nghi ngờ do ăn phải lòng trâu nhiễm vi sinh vật.
b) Tình hình giáo dục
Sau 2 ngày thi (từ ngày 9-10/8/2020), Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 đã khép lại thành công ở tất cả 12/12 điểm thi trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện tốt hai nhiệm vụ: vừa tổ chức thi nghiêm túc, an toàn, vừa phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là năm đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức, bên cạnh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chung về chỉ đạo chuyên môn. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu đề ra, đảm bảo an toàn, đúng quy chế và không xảy ra sai sót nghiêm trọng nào. Trong suốt những ngày diễn ra các môn thi, toàn tỉnh không có thí sinh và giám thị nào vi phạm quy chế thi hay có các tình huống khẩn cấp bất lợi khác xảy ra. Tại 12/12 điểm thi trên địa bàn tỉnh, các kịch bản dự phòng cho các tình huống khẩn cấp về thiên tai, dịch bệnh đều không cần phải kích hoạt.
Sáng 01/8/2020, tại Trường THPT Kon Tum, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thi Tin học trẻ tỉnh Kon Tum lần thứ XXI năm 2020. Tham gia Hội thi có 76 thí sinh đến từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; trong đó có 60 thí sinh khối Tiểu học, 7 thí sinh khối THCS và 9 thí sinh khối THPT. Các thí sinh tham gia hội thi trải qua 2 phần thi: lý thuyết và thực hành. Tại Hội thi, các thí sinh được đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn và xếp hàng giữ khoảng cách đúng quy định để đảm bảo an toàn phòng tránh dịch bệnh Covid-19.
c) Hoạt động văn hóa, thể thao
Sáng 22/7/2020, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Khai mạc giải bóng đá mini nam công nhân, viên chức, lao động tỉnh lần thứ II - 2020. Giải đấu thu hút 21 đội bóng đến từ 14 cơ quan công đoàn cấp trên cơ sở, các công đoàn cơ sở thuộc công đoàn ngành Trung ương, công đoàn các tổng công ty hoạt động phối hợp trên địa bàn tỉnh.
Từ ngày 01/8/2020, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trên địa bàn tỉnh tạm dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động...
d) An ninh trật tự - An toàn giao thông
- Tình hình An ninh trật tự - An toàn giao thông tháng 7/2020
Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Phát hiện 23 vụ. Hậu quả chết 02 người, bị thương 06 người, mất 03 laptop, 01 mô tô, 10 điện thoại di động, 7 triệu đồng tiền mặt và một số tài sản khác trị giá 15 triệu đồng.
Tội phạm về ma túy: phát hiện 11 vụ, trong đó: Tàng trữ trái phép chất ma túy 07 vụ, vận chuyển trái phép chất ma túy 03 vụ, trồng cây cần sa 01 vụ. Thu giữ 34,947gr Heroin, 68,774gr ma túy tổng hợp, 6,27gr Methamphetamine, 2,3 kg Ketamine.
Tội phạm kinh tế, môi trường: Phát hiện 02 vụ, trong đó: Vận chuyển hàng cấm 01 vụ, giả mạo trong công tác 01 vụ. Thu giữ 5.367,4 kg pháo.
Tai nạn giao thông: xảy ra 07 vụ. Hậu quả chết 13 người, bị thương 39 người, hư hỏng 04 ô tô, 09 mô tô.
- Tình hình An ninh trật tự - An toàn giao thông 7 tháng năm 2020
Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Phát hiện 232 vụ. Hậu quả chết 11 người, bị thương 58 người, mất 14 mô tô, 01 ti vi, 04 laptop, 31 điện thoại di động, 02 máy định vị, mất một số tài sản trị giá 162,5 triệu đồng và 1.549 triệu đồng tiền mặt.
Tội phạm về ma túy: phát hiện 66 vụ, trong đó: Tàng trữ trái phép chất ma túy 58 vụ, vận chuyển trái phép chất ma túy 04 vụ, mua bán trái phép chất ma túy 02 vụ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy 01 vụ, trồng cây cần sa 01 vụ. Thu giữ 45,335gr hêrôin, 1.390,1291gr ma túy tổng hợp, loại khác 1,7747gr, 3.029,5626gr Methamphetamine, 2,3 kg Ketamine, 103 viên ma túy tổng hợp, 04 mô tô và 47 triệu đồng tiền mặt.
Tội phạm kinh tế, môi trường: Phát hiện 22 vụ, trong đó: Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm 11 vụ, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự 02 vụ, vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản 05 vụ, sản xuất, buôn bán hàng cấm 01 vụ, vận chuyển lâm sản trái phép 01 vụ, hủy hoại rừng 01 vụ, giả mạo trong công tác 01 vụ. Thu giữ 113,381 m3 gỗ các loại, 5.607,4 kg pháo các loại.
Tai nạn giao thông: xảy ra 47 vụ. Hậu quả: chết 51 người, bị thương 60 người, hư hỏng 19 ô tô, 53 mô tô, xe gắn máy và 03 phương tiện khác.
e) Tình hình cháy, nổ
Trong tháng 7/2020, không xảy ra cháy nổ. Lũy kế từ đầu năm xảy ra 07 vụ, ước thiệt hại khoảng 2.178 triệu đồng.
g) Vi phạm môi trường
Trong tháng 7/2020, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vi phạm môi trường. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện 02 vụ vi phạm môi trường, cơ quan chức năng đã xử phạt 70 triệu đồng./.
Cục Thống kê tỉnh Kon Tum