Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/09/2020-14:36:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2020 tỉnh Bình Thuận

Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2020 của tỉnh diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn và thích thức, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi nắng hạn; đặc biệt là dịch Covid-19 đã bùng phát trên địa bàn tỉnh và cả nước ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả mọi mặt của nền kinh tế tỉnh nhà. Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính đều đồng loạt nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy thoái sâu trong năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm giữa tháng 9, khi các nền kinh tế tái khởi động sau phong tỏa do dịch Covid-19, dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng kinh tế toàn cầu có xu hướng phục hồi sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Theo đó, tổ chức này dự báo GDP thế giới giảm 4,5% năm 2020, điều chỉnh tăng 1,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 6 năm 2020. Một số tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế đều điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng toàn thế giới trong năm 2020 so với các dự báo trước đây.

Trong điều kiện đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2020, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã sớm ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Kết luận của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với tình hình dịch bệnh; kịp thời ban hành các kế hoạch và nhiều văn bản triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2020 đạt được những kết quả như sau:

I. Nông - Lâm - Thuỷ sản

Sản xuất nông nghiệp trong 9 tháng năm 2020 chịu tác động bởi thời tiết nắng hạn kéo dài, mùa mưa đến muộn, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa không đủ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh (theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 trên địa bàn tỉnh), dẫn đến sản xuất vụ đông xuân kết thúc muộn, kéo theo thời vụ sản xuất vụ hè thu và vụ mùa trễ hơn so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định; bệnh dịch tả lợn Châu Phi cơ bản đã được khống chế, đến nay 47/47 xã đã có quyết định công bố hết dịch; tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn, chuyển từ nuôi nhỏ lẻ sang hình thức nuôi trang trại, gia trại; chăn nuôi gia cầm phát triển khá,môi trường nuôi của các cơ sở được tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch, giá bán các loại gia cầm nhìn chung ổn định.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến sản xuất và xuất khẩu, tiêu thụ hàng nông, lâm, thuỷ sản. Triển khai trồng rừng mới tập trung được thuận lợi. Nuôi trồng thuỷ sản, do thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều một số khu vực nuôi tôm xảy ra bệnh; trong khai thác thuỷ sản, thời tiết ngư trường 2 tháng đầu năm không thuận, hoạt động đánh bắt ít hiệu quả; từ đầu tháng 3 trở đi thời tiết thuận lợi hơn, hoạt động đánh bắt có hiệu quả cùng với giá xăng dầu giảm, góp phần giảm chi phí, khuyến khích ngư dân bám biển; tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản và các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu thủy sản cũng hạn chế thu mua do hàng tồn kho nhiều nên tiêu thụ chậm, giá bán và hiệu quả kinh tế thấp. Trong 9 tháng năm 2020 không có tàu cá nào của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài (IUU). Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng trên các loại cây trồng, vật nuôi không xảy ra.

1. Trồng trọt

* Cây hàng năm: Luỹ kế 9 tháng (tính đến ngày 15/9/2020), tổng diện tích gieo trồng đạt 101.400,4 ha, giảm 25,22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích gieo trồng cây lương thực ước đạt 79.999,3 ha, giảm 27,86% (lúa đạt 69.514,5 ha, giảm 29,02%; bắp đạt 10.484,8 ha, giảm 19,09%).

Dự ước sản lượng lương thực 9 tháng năm 2020 đạt 459.877,6 tấn, so với kế hoạch năm đạt 56,71% và giảm 12,44% so với cùng kỳ năm trước (lúa đạt 391.545 tấn, giảm 13,86%; bắp đạt 68.332,2 tấn, giảm 3,36%). Năng suất lương thực bình quân ước đạt 60,57 tạ/ha, giảm 0,19% so với cùng kỳ năm trước (lúa đạt 59,52 tạ/ha, giảm 0,32%; bắp đạt 67,41 tạ/ha, giảm 0,6%).

Trong cơ cấu đất trồng, sự chuyển đổi diện tích cây lúa kém hiệu quả sang các loại cây ngắn ngày khác như bắp, đậu phộng, rau các loại và cây lâu năm nhằm mục đích phát huy hiệu quả sử dụng đất và tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới, hạn chế sâu bệnh hại; đã thực hiện chuyển đổi 8.109 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn. Chương trình xã hội hóa giống lúa 9 tháng đạt 670 ha, nông dân ngày càng quan tâm đến việc sử dụng giống lúa xác nhận đưa vào sản xuất lúa, từ đó đã làm tăng tỷ lệ giống lúa xác nhận trên địa bàn tỉnh.

Tiến độ sản xuất vụ Mùa: Cùng với việc thu hoạch vụ Hè thu các địa phương tiến hành xuống giống vụ Mùa, nhìn chung vụ Mùa năm nay gặp thuận lợi về thời tiết, mưa nhiều, nguồn nước tưới tiêu được đảm bảo. Hiện nay các địa phương chưa triển khai xuống giống đồng loạt, do ảnh hưởng bởi khung thời vụ Hè thu bị trễ, nên vụ Mùa cũng bắt đầu muộn hơn so với các năm; cụ thể khung thời vụ chung trên địa bàn tỉnh từ 01/9-30/10 kết thúc xuống giống gieo trồng vụ Mùa; riêng cây lúa, đối với vùng không chủ động nước tập trung xuống giống đến hết ngày 30/9, đối với vùng chủ động nước, do vụ Hè thu gieo trồng muộn nên vụ Mùa tập trung xuống giống từ 15/9-30/10, riêng huyện Tuy Phong vụ Mùa tập trung xuống giống từ 01/10. Theo dự báo, tình hình thời tiết, thủy văn những tháng còn lại của năm 2020 diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão,…

Tính đến ngày 15/9/2020 xuống giống vụ Mùa đạt 5.301,3 ha bằng 18,3% so với vụ cùng kỳ năm trước. Trong đó, lúa đạt 3.727 ha, bằng 17,1%; bắp đạt 348,5 ha, bằng 13,8%; rau các loại đạt 414,5 ha, bằng 24,7%; đậu các loại đạt 137 ha, bằng 11,8%.

* Cây lâu năm: Trong 9 tháng năm 2020, thị trường xuất khẩu nông sản gặp khó khăn, giá sản phẩm đầu ra như: Thanh long, cao su, tiêu,... thấp đã ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển diện tích các loại cây lâu năm trên địa bàn tỉnh.

Tổng diện tích trồng cây lâu năm 9 tháng năm 2020 đạt 108.370,1 ha, tăng 0,72% so với cùng kỳ năm trước (tăng 775,6 ha). Trong đó, diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt 64.307,4 ha, giảm 1,5%; cây ăn quả đạt 43.154,5 ha, tăng 4,0%; cây lâu năm khác đạt 908,2 ha, tăng 8,1%. Diện tích và sản lượng một số cây lâu năm chủ lực của tỉnh như sau:

- Thanh long: Diện tích ước đạt 32.959 ha, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước (tăng 3.219 ha). Sản lượng thu hoạch 9 tháng ước đạt 521.610 tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước (tăng 38.140 tấn), sản lượng dự ước tăng chủ yếu là do tăng diện tích đến kỳ thu hoạch sản phẩm. Đến thời điểm 15/9/2020 toàn tỉnh có 10.161,1 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap; trong đó, Hàm Thuận Nam 6.485,3 ha, Hàm Thuận Bắc 2.899,8 ha, Bắc Bình 482,7 ha, Phan Thiết 69,3 ha, Hàm Tân 41,4 ha, La Gi 147,1 ha, Tuy Phong 35,4 ha.

- Cây điều: Diện tích ước đạt 17.472 ha, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (giảm 328 ha). Hiện đã kết thúc vụ thu hoạch, năng suất thu hoạch và giá điều năm nay nhìn chung ổn định. Sản lượng thu hoạch 9 tháng ước đạt 11.200 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước (tăng 170 tấn).

- Cao su: Diện tích ước đạt 42.383,2 ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước (giảm 616,8 ha); nguyên nhân giảm do trong những năm gần đây giá mủ cao su liên tục ở mức thấp, thị trường xuất khẩu không có chuyển biến tích cực, một số vườn già, kém hiệu quả đã chuyển sang trồng các loại cây lâu năm khác, dự ước việc phát triển diện tích trồng mới trong thời gian tới sẽ không tăng.

- Cây tiêu: Diện tích ước đạt 1.355,8 ha, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước (giảm 194 ha). Sản lượng thu hoạch ước đạt 1.610 tấn giảm 11,3% so với cùng kỳ. Do giá tiêu ở mức thấp, trên cây tiêu thường xuyên xuất hiện nhiều sâu bệnh (chết nhanh hoặc chết chậm), năng suất thu hoạch thấp nên việc phát triển thêm diện tích mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới dự tính sẽ khó khăn hơn.

- Cà phê: Diện tích ước đạt 2.337,5 ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước (tăng 37,5 ha). Sản lượng ước đạt 990 tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể,…

* Tình hình dịch bệnh: Công tác ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng được triển khai thường xuyên, tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng không diễn biến phức tạp, chỉ xảy ra dưới dạng cục bộ và ảnh hưởng không đáng kể đến cây trồng.

- Cây lúa: Tình hình sâu bệnh có giảm hơn so với cùng kỳ năm trước do diện tích cây lúa giảm; cụ thể: Diện tích nhiễm rầy nâu 865 ha, giảm 2.337 ha, phân bố tại huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh; sâu cuốn lá diện tích nhiễm 2.933 ha, tăng 1.884 ha; bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 2.075 ha, tăng 584 ha, bệnh gây hại chủ yếu tại các huyện Đức Linh,Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình; bệnh bạc lá 530 ha, giảm 1.451 ha, bệnh gây hại nặng trên những ruộng lúa sạ dày, bón nhiều phân đạm; bọ trĩ tập trung ở lúa vụ đông xuân, diện tích nhiễm 2.411 ha, tăng 1.243 ha, gây hại phổ biến tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Thuận Nam; chuột phá hoại 434 ha. Các đối tượng gây hại khác như sâu đục thân, bệnh đốm vằn, bệnh lem lép hạt, đạo ôn cổ bông,… xuất hiện và gây hại rải rác với tỉ lệ hại thấp, không đáng kể.

- Cây bắp: Sâu keo mùa thu vẫn là đối tượng gây hại chính với 1.398 ha, giảm 792 ha so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu phân bố ở huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và Đức Linh.

- Cây mỳ: Bệnh khảm lá virus là đối tượng gây hại chính, nguyên nhân do chưa chủ động và kiểm soát được nguồn giống sạch bệnh; diện tích nhiễm bệnh 2.389 ha, tăng 1.891,5 ha so với cùng kỳ năm trước, phân bố chủ yếu tại huyện Đức Linh, Hàm Tân và Bắc Bình.

- Cây thanh long: Do thanh long mất giá, người dân không tích cực phòng trừ; so với cùng kỳ năm trước diện tích nhiễm bệnh đốm nâu 5.757 ha, tăng 1.334 ha; vàng cành diện tích nhiễm 5.873 ha, tăng 3.977,5 ha; bệnh thán thư cành, quả có diện tích nhiễm 1.307 ha, tăng 734 ha; thối rễ 2.141 ha, tăng 1.736,5 ha; bọ trĩ, bọ xít, bọ xoè 657 ha, giảm 103 ha.

- Cây điều: Bệnh thán thư 238 ha, giảm 942 ha so với cùng kỳ; bọ xít muỗi 1.494 ha, tăng 677 ha so với cùng kỳ.

- Cây tiêu: Bệnh chết nhanh 60 ha, tăng 35 ha so cùng kỳ; bệnh chết chậm 40 ha, tăng 10 ha so với cùng kỳ.

* Tình hình tưới tiêu 9 tháng: Kết quả cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt 9 tháng năm 2020 cụ thể như sau:

- Cấp nước sinh hoạt và công nghiệp: Lượng nước thô từ công trình thủy lợi cung cấp phục vụ sinh hoạt và hoạt động công nghiệp từ đầu năm đến nay đạt 12.459.300 m3, đạt 101,86% kế hoạch.

- Cấp nước tưới nông nghiệp: Vụ Đông xuân được tưới từ nguồn nước thủy lợi, thủy điện đạt 38.042 ha, so với kế hoạch đạt 102,05%; trong đó, cây lúa+màu 18.251 ha, so với kế hoạch đạt 104,37%; thanh long 19.791 ha, so với kế hoạch đạt 100%. Vụ hè thu được cấp nước tưới 51.515 ha, so với kế hoạch đạt 99,28%; trong đó, cây lúa+màu 31.577 ha, so với kế hoạch đạt 98,39%; thanh long 19.938 ha, so với kế hoạch đạt 100,74%. Cấp nước nuôi trồng thủy sản, diện tích cấp nước để nuôi trồng 442 ha, so với kế hoạch đạt 100%.

2. Chăn nuôi

Ước thời điểm 15/9/2020, đàn trâu bò có 180.210 con, tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn 280.400, tăng 28,33% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm 3.740 ngàn con, tăng 11,98%, trong đó, đàn gà 2.620 ngàn con tăng 12,45% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 70,1% trong tổng đàn gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 9 tháng ước đạt 47.415,6 tấn, tăng 10,63% so với cùng kỳ năm trước.

* Công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật:

Trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch ở động vật như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc, bệnh tai xanh trên lợn, dịch tả lợn Châu Phi; một số bệnh truyền nhiễm có xảy ra trên gia súc, gia cầm nhưng chỉ dừng lại ở mức độ lẻ tẻ không lây lan thành dịch. Tuy nhiên, trước điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi như hiện nay sẽ tác động trực tiếp đến đàn gia súc, gia cầm.

- Công tác tiêm phòng: Đã tiêm phòng 1.739.325 liều vắc xin, trong đó, đàn trâu bò 15.035 liều, đàn lợn 45.556 liều, đàn gia cầm 1.677.370 liều; luỹ kế 9 tháng (tính đến ngày 15/9/2020) đã tiêm phòng 20.573.681 liều vắc xin, trong đó, đàn trâu bò 95.643 liều, đàn lợn 434.273 liều, đàn gia cầm 20.043.765 liều.

- Kiểm dịch động vật: Kết quả kiểm dịch đàn lợn 58.321 con, 524 con trâu bò, 51.515 con gia cầm, 5.640 kg thịt dê, 2,45 triệu quả trứng; luỹ kế 9 tháng (tính đến ngày 15/9/2020) đã kiểm dịch 814.094 con lợn, 6.566 con trâu bò, 2.153.200 con gia cầm, 208 con dê, 35.611 kg thịt dê, 22,96 triệu quả trứng.

- Kiểm soát giết mổ: Đã kiểm soát giết mổ 933 con trâu bò, 2.700 con lợn, 5.145 con gia cầm, 282 con dê; luỹ kế 9 tháng (tính đến ngày 15/9/2020) đã kiểm soát 1.812 con trâu bò, 21.437 con lợn, 52.617 con gia cầm, 1.651 con dê.

3. Lâm nghiệp

- Công tác trồng rừng: Trong tháng, diện tích rừng trồng mới đạt 1.259 ha, lũy kế 9 tháng đạt 1.700 ha, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng trồng được chăm sóc 4.151 ha, trong đó, rừng trồng phòng hộ 25 ha và rừng trồng sản xuất 4.126 ha. Diện tích trồng cây phân tán 210 ha.

- Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ: Lũy kế 9 tháng 132.792 ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giao khoán cho đồng bào dân tộc thiểu số 86.179,4 ha. Tiếp tục chủ động triển khai thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng (điều chỉnh) giai đoạn 2011 - 2020, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020 và các nội dung tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

- Công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR): Đã triển khai công tác PCCCR mùa khô 2019 -2020; tập trung theo dõi và thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Luỹ kế 9 tháng, toàn tỉnh xảy ra 41 trường hợp cháy thực bì dưới tán rừng với diện tích 67,02 ha, các trường hợp cháy được phát hiện sớm và tổ chức chữa cháy kịp thời nên không gây thiệt hại cây rừng. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát thông qua hệ thống vệ tinh cảnh báo cháy rừng của địa phương, để có phương án chữa cháy rừng cụ thể cho từng khu vực có nguy cơ cháy cao. Huy động các lực lượng, phương tiện tại chỗ xử lý ngay khi mới phát hiện cháy rừng xảy ra, không để xảy ra cháy lan trên diện rộng.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Các đơn vị các cấp ở địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp PCCCR trong mùa nắng nóng, hạn chế thấp nhất cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp; theo dõi diễn biến rừng; sử dụng công nghệ thông tin lâm nghiệp; tập huấn công tác quản lý bảo vệ rừng tại gốc các đơn vị liên quan, bảo vệ rừng ở cơ sở. Tăng cường kiểm tra, truy quét chống phá rừng tại các điểm nóng và vùng giáp ranh với các tỉnh, trong tháng đã phát hiện 30 vụ vi phạm lâm luật, lũy kế 9 tháng có 210 vụ (trong đó, phá rừng trái phép 9 vụ, khai thác gỗ và lâm sản khác 51 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 76 vụ và vi phạm khác 74 vụ). Đã lập hồ sơ xử lý 208 vụ vi phạm hành chính, khởi tố hình sự 05 vụ; phương tiện bị tịch thu gồm 2 xe trâu bò kéo, 75 xe máy, 45 phương tiện khác, 185,1 m3 gỗ các loại,...

4. Thuỷ sản

- Diện tích nuôi trồng thủy sản: Ước trong tháng đạt 294,6 ha, tăng 6,1% so tháng cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng ước đạt 2.146,6 ha, giảm 2,0% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, diện tích nuôi cá 1.440 ha, giảm 1,6%; diện tích nuôi tôm ước đạt 685,2 ha giảm 3%). Nguyên nhân giảm, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng những tháng trước, nên nhiều khu vực tôm có bị bệnh đường ruột, gan,... Bên cạnh đó ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tôm thương phẩm tiêu thụ chậm, đồng thời giá tôm thương phẩm thấp nên các hộ nuôi giảm công suất nuôi, hạn chế thả giống.

- Sản lượng nuôi trồng: Ước trong tháng đạt 1.280 tấn, tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng ước đạt 10.371 tấn, giảm 1,3% so cùng kỳ năm trước (trong đó, cá các loại ước đạt 4.243 tấn, giảm 0,2%; tôm nuôi nước lợ ước đạt 6.082 tấn, giảm 2% cùng kỳ). Nguyên nhân giảm, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hộ nuôi hạn chế thả giống.

- Sản lượng khai thác: Những tháng đầu năm, nhìn chung thời tiết ngư trường không thuận lợi, hoạt động đánh bắt ít hiệu quả, tàu thuyền nghỉ bờ dài ngày. Từ đầu vụ cá Nam trở đi, thời tiết và ngư trường thuận lợi hơn, năng suất khai thác ổn định, giá xăng dầu giảm góp phần giảm chi phí sản xuất, khuyến khích ngư dân bám biển dài ngày. Nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, tập trung khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm thủy sản trong và sau thu hoạch.

Sản lượng thuỷ sản khai thác trong tháng ước đạt 20.248,6 tấn, tăng 4,4% so tháng cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng ước đạt 163.452,1 tấn, tăng 1,91% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khai thác biển ước đạt 162.997,1 tấn, tăng 1,93%.

- Sản xuất giống thuỷ sản: Sản lượng giống sản xuất chủ yếu là tôm giống, ước trong tháng sản xuất 2 tỷ post, tăng 9,7% so với tháng cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng ước đạt 17,6 tỷ post, giảm 6,26% so với cùng kỳ năm trước; tình hình sản xuất tôm giống trong những tháng cuối năm có dấu hiệu phục hồi ổn định trở lại. Công tác kiểm tra chất lượng tôm giống xuất tỉnh và nhập tỉnh, cũng như các đối tượng giống tôm thủy sản bố mẹ được tăng cường.

- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tăng cường, luỹ kế 9 tháng (tính đến ngày 08/9/2020), đã phát hiện và xử lý 296 trường hợp vi phạm, không có trường hợp tàu thuyền hoạt động giã cào bay vi phạm vùng khai thác. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của UBND tỉnh về quản lý chặt chẽ nghề giã cào bay, ngăn chặn sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại để đánh bắt hải sản; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện Quyết định số 61/2015/QĐ-UBND, ngày 11/11/2015 của UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề giã cào trên vùng biển tỉnh Bình Thuận. Công tác tổ chức sản xuất trong khai thác theo hình thức tổ đội sản xuất được quan tâm; đã kiện toàn và duy trì hoạt động 129 tổ đoàn kết/982 thuyền và 05 nghiệp đoàn nghề cá. Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và Văn bản hướng dẫn thi hành Luật; các văn bản chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Tập trung thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chống khai thác IUU và khắc phục tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU theo ý kiến kết luận của Đoàn Thanh tra Ủy ban Châu Âu; trong 9 tháng năm 2020 không có tàu cá nào của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đã thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá, tính đến ngày 09/9/2020 đã lắp đặt 1.704 tàu/1.917 tàu, đạt 88,9%; trong đó, lắp đặt được 35 tàu/35 tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên, đạt 100% và 1.669 tàu/1.882 tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét thuộc diện lắp đặt thiết bị VMS, đạt 88,68%. Công tác đăng kiểm tàu cá được thực hiện thường xuyên, tính đến ngày 08/9/2020, đăng kiểm 1.999 chiếc/3.865 chiếc, đạt 51,72%.

II. Công nghiệp; đầu tư phát triển; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư

1. Công nghiệp:

Sản xuất công nghiệp9 tháng năm 2020gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch Covid-19 đã xảy ra trên địa bàn tỉnh trong tháng 3/2020 và trên cả nước ở cả hai đợt bùng phát dịch. Chỉ số sản xuấttoàn ngành công nghiệp tháng9 ước tăng 18,25% so với cùng kỳ năm trước (tháng 9 năm 2019 tăng 32,59%).

Chỉ số sản xuấttoàn ngành công nghiệp 9 thángước tăng 14,49% so với cùng năm trước (9 tháng năm 2019 tăng 22,6%); trong đó, ngành khai khoáng tăng 12,75%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,12%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 18,62%; ngành cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,97%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 9 tháng năm 2020 ước đạt 26.745,4 tỷ đồng, đạt 73,44% kế hoạch, tăng 9,22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp khai khoáng 560,2 tỷ đồng, tăng 11,64%; công nghiệp chế biến chế tạo 12.478,3 tỷ đồng, tăng 0,81%; sản xuất và phân phối điện 13.494,1 tỷ đồng, tăng 18,35%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải 212,8 tỷ đồng, tăng 3,64%.

Các sản phẩm sản xuất trong 9 tháng tăng so với cùng kỳ gồm: Cát sỏi các loại tăng 3,56%, đá khai thác tăng 8,76%, muối hạt tăng 75,95%, thủy sản đông lạnh tăng 9,04%, nước mắm tăng 0,18%, hạt điều nhân tăng 26,01%, nước khoáng tăng 5,59%, gạch các loại tăng 9,99%, nước máy sản xuất tăng 2,21%, điện sản xuất tăng 18,19%, đồ gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 10,11%, thức ăn gia súc tăng 11,63%. Sản phẩm giảm gồm: Thủy sản khô giảm 10,90%, quần áo may sẵn giảm 6,70%, sơ chế mủ cao su giảm 25,74%, giày dép các loại giảm 40,96%.

* Xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp:

Sản xuất kinh doanh quý III/2020 so quý II/2020: Qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo cho thấy có 35,21% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước và 33,8% số doanh nghiệp cho rằng ổn định; tuy nhiên có 30,99% số doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động sản xuất gặp khó khăn.

+ Có 34,92% doanh nghiệp ngoài quốc doanh đánh giá tình hình sản xuất có chiều hướng tốt lên; có 36,51% doanh nghiệp ngoài quốc doanh cho rằng có chiều hướng giữ nguyên; tuy nhiên có 28,57% số doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động sản xuất gặp khó khăn.

+ Có 28,57% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh có chiều hướng tốt lên; có 14,29% doanh nghiệp vốn FDI cho rằng có chiều hướng giữ nguyên; tuy nhiên có 57,14% doanh nghiệp vốn FDI đánh giá tình hình hoạt động sản xuất gặp khó khăn.

+ Về số lượng đơn đặt hàng mới, có 30,43% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng quý III/2020 cao hơn quý trước; có 37,68% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng giảm và có 31,88% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng ổn định.

+ Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2020 so với quý III/2020: Có 78,87% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn, trong đó, có 54,93% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn; có 23,94% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và có 21,13% dự báo khó khăn hơn.

+ Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III/2020 so với quý II/2020, có 47,89% doanh nghiệp đánh giá do thiếu nguyên nhiên vật liệu; có 30,99% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp; có 18,31% doanh nghiệp đánh giá do nhu cầu thị trường quốc tế thấp; có 25,35% doanh nghiệp cho rằng do không tuyển được lao động theo yêu cầu; có 39,44% doanh nghiệp cho rằng do gặp khó khăn về tài chính; có 8,45% doanh nghiệp đánh giá do chính sách pháp luật nhà nước và có 26,76% doanh nghiệp đánh giá lý do khác.

Tình hình hoạt động của các khu công nghiệp: Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dù có nhiều nỗ lực, cố gắng, song gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; một số doanh nghiệp đã cắt giảm lao động và gián đoạn trong sản xuất do nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ khó khăn, dẫn đến, một số chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh có giảm so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 9 tháng ước đạt 3.050 tỷ đồng, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 57,5% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 70 triệu USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 60,9% kế hoạch năm. Nộp ngân sách ước đạt 53 tỷ đồng, giảm 11,1% so với cùng kỳ, đạt 56,3% kế hoạch năm. Nhìn chung, tình hình dịch Covid-19 đã tác động đến các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các đơn hàng bị cắt giảm mạnh, dự báo từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, vì vậy, các chỉ tiêu về doanh thu, kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách dự kiến năm 2020 sẽ giảm khoảng 20-30%.

2. Đầu tư phát triển:

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2020 tiếp tục được triển khai theo kế hoạch. Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh đã tập trung, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các dự án đầu tư công; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.

Trong tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước đạt 537,1 tỷ đồng, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đạt 3.015 tỷ đồng, đạt 75,14% so với kế hoạch năm 2020 và tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 2.434,2 tỷ đồng, tăng 57,7%, đạt 75,3% kế hoạch năm; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 519,6 tỷ đồng, tăng 35,37%, đạt 74,76% kế hoạch năm; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 61,2 tỷ đồng, tăng 10,78%, đạt 72,04% kế hoạch năm.

Tiếp tục thực hiện hiện các dự án trọng điểm của tỉnh (theo Nghị quyết số 93/NQ-HĐND, ngày 02/12/2019 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công và danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh năm 2020); trong đó, đã quy định danh mục các công trình trọng điểm năm 2020 gồm có 6 công trình. Luỹ kế 9 tháng, các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh đã được quan tâm triển khai thực hiện; được ưu tiên bố trí vốn; định kỳ hàng tháng, rà soát đánh giá tiến độ thực hiện của từng dự án, giải quyết kịp thời các vướng mắc khó khăn,…

3. Đăng ký kinh doanh:

Trong tháng (từ ngày 15/8 đến ngày 15/9/2020), có 156 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 39,29% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký mới 617,55 tỷ đồng, giảm 23,22% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đã giải thể 17 doanh nghiệp, tăng 54,55% so với cùng kỳ năm trước; tạm ngừng hoạt động 18 doanh nghiệp, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước; đăng ký chuyển đổi loại hình 10 doanh nghiệp, giảm 23,08% so với cùng kỳ năm trươc; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 7 doanh nghiệp, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng (đến ngày 10/9/2020), có 1.001 doanh nghiệp thành lập mới (có 314 đơn vị trực thuộc), tăng 7,63% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký 7.262,98 tỷ đồng, giảm 6,44% so với cùng kỳ năm trước; tạm ngừng hoạt động 227 doanh nghiệp (có 47 đơn vị trực thuộc), tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước; đăng ký thay đổi loại hình 843 doanh nghiệp (có 169 đơn vị trực thuộc), tăng 3,82% so cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 97 doanh nghiệp (có 24 đơn vị trực thuộc), tăng 7,78% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đã giải thể 173 doanh nghiệp (có 90 đơn vị trực thuộc), giảm 7,98% so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy môi trường kinh doanh được cải thiện và những tín hiệu tích cực của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và kế hoạch phục hồi nền kinh tế nước ta sau dịch Covid-19.

4. Đăng ký đầu tư:

Luỹ kế 9 tháng (tính đến ngày 10/9/2020), có 32 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư, giảm 37 dự án so với cùng kỳ; với tổng diện tích đất 514 ha, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký 6.589 tỷ đồng, tăng 66,6% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay (đến ngày 10/9/2020), trên địa bàn tỉnh có 1.579 dự án được cấp, với tổng diện tích đất 49.982 ha và tổng vốn đăng ký 320.563 tỷ đồng.

Trong tháng không có dự án khởi công, có 01 dự án đi vào hoạt động và thu hồi 01 dự án. Lũy kế 9 tháng (tính đến ngày 10/9/2020), có 08 dự án khởi công, có 01 dự án đi vào hoạt động và 07 dự án bị thu hồi.

Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng. Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn.

III. Thương mại, giá cả; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

1. Thương mại, giá cả:

Hoạt động thương mại và dịch vụ 9 tháng năm 2020 bị ảnh hưởng khá nặng do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đã xảy ra trên địa bàn tỉnh và cả nước. Tuy nhiên, hoạt động thương mại nội địa vẫn ổn định, hàng hoá vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá cả không tăng đột biến; các mặt hàng như khẩu trang, nước diệt khuẩn vẫn bảo đảm dủ về số lượng phục vụ cho nhu cầu của người dân trong phòng, chống dịch Covid-19; các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, hệ thống chợ trong toàn tỉnh vẫn duy trì phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và có sự kiểm soát của chính quyền địa phương.

Cùng với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chung tay phối hợp để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, trên phạm vi cả nước đã giúp các doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các chương trình khuyến mãi tập trung nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng nhu cầu mua sắm của người dân. Ngoài ra, các cửa hàng tiện ích được phát triển nhanh trên địa bàn tỉnh như cửa hàng Bách hoá xanh, cửa hàng Vinmart, tạo thuận tiện cho người dân đi lại, mua sắm, kết hợp mua hàng online giao hàng tận nhà đang là xu hướng trong mùa dịch bệnh Covid-19.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 9 ước đạt 5.475,3 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 2,25% và tăng 7,64% so với tháng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 42.767,1 tỷ đồng, chỉ tăng 0,24% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 30.170,6 tỷ đồng, tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ước đạt 4.479,6 tỷ đồng, ngành dịch vụ bị ảnh hưởng giảm 3,33% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu lưu trú, ăn uống ước đạt 8.116,9 tỷ đồng, giảm 16,76% so với cùng kỳ năm trước.

- Công tác quản lý thị trường được tăng cường; công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn, nắm tình hình giá cả, biến động của thị trường qua đó phát hiện nhanh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về buôn bán hàng cấm vẫn còn diễn ra. Trong tháng 8 năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 141 vụ, phát hiện và xử lý 55 vụ vi phạm (trong đó, 03 vụ vi phạm hàng cấm, 14 vụ hàng nhập lậu, 01 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và sở hữu trí tuệ; 08 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá, 12 vụ vi phạm trong kinh doanh và 17 vụ vi phạm khác...), đã xử phạt và thu nộp ngân sách 341,8 triệu đồng. Luỹ kế 9 tháng năm 2020, đã kiểm tra 1.327 vụ, phát hiện và xử lý 271 vụ vi phạm (trong đó, có 40 vụ vi phạm hàng cấm, 39 vụ vi phạm hàng nhập lậu, 11 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và sở hữu trí tuệ; 18 vụ vi phạm đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá, 69 vụ vi phạm trong kinh doanh, 28 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, 66 vụ vi phạm trên các lĩnh vực khác...) đã xử phạt và thu nộp ngân sách 2.232,7 triệu đồng.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 so với tháng trước tăng 0,12%; so với tháng cùng kỳ năm trước tăng 2,9%; so với tháng 12/2019 giảm 0,33%. Bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 4,27% so bình quân 9 tháng năm 2019.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm hàng tăng giá: Giáo dục 3,18%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,37%; Hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,22%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,1%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%. Có 4 nhóm hàng giảm giá: Giao thông giảm 0,27%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,22%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,2%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,07%. Riêng 2 nhóm hàng Thuốc và dịch vụ y tế, Bưu chính viễn thông không tăng, không giảm so với tháng trước.

2. Du lịch:

Đây là ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi dịch Covid-19 gây ra, làm cho các chính sách kích cầu du lịch nội địa không thể thực hiện, nhiều khách du lịch hủy tour và nhiều sự kiện lễ hội văn hoá hủy bỏ, một số địa điểm tham quan phải đóng cửa do dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên cả nước; đồng thời do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế, nên lượng du khách nội địa và quốc tế đến tỉnh bị sụt giảm rất lớn, đặc biệt là khách quốc tế.

Dự ước trong tháng 9, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đón và phục vụ 212,6 ngàn lượt khách, tăng 15,84% so với tháng trước và giảm 63,04% so với tháng cùng kỳ năm trước; số ngày khách phục vụ đạt 392,9 ngàn ngày khách, tăng 17,08% so với tháng trước và giảm 59,29% so với tháng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng, ước đạt 2.066,5 ngàn lượt khách, giảm 55,01% so với cùng kỳ năm trước; số ngày khách ước đạt 3.601,9 ngàn ngày khách, giảm 52,72% so với cùng kỳ năm trước.

Do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế, do đó, lượng khách quốc tế đến tỉnh trong tháng 9 tiếp tục đạt thấp, chỉ đạt 2,97 ngàn lượt khách, giảm 1,92% so với tháng trước và giảm tới 95,34% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng, khách quốc tế đến tỉnh đạt 172,5 ngàn lượt khách, giảm tới 69,32% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ đạt 596,9 ngàn ngày khách, giảm tới 65,13% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng 9 ước đạt 838,5 tỷ đồng, tăng 15,07% so với tháng trước và giảm 33,89% so với cùng kỳ năm trước; luỹ kế 9 tháng, ước đạt 6.714,6 tỷ đồng, giảm 40,12% so với cùng kỳ năm trước.

3. Xuất, nhập khẩu:

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 9 ước đạt 36,3 triệu USD, giảm 14,94% so với tháng trước và giảm 11,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng thủy sản ước đạt 13,1 triệu USD, giảm 15,91% so với tháng trước và tăng 13,93% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản ước đạt 1,2 triệu USD, giảm 25,3% so với tháng trước và giảm 29,68% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hoá khác ước đạt 22,1 triệu USD, giảm 13,72% so với tháng trước và giảm 20,71% so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 9 tháng,ước đạt411,1triệu USD,giảm24,51% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu hàng hoá đạt 335,9 triệu tỷ USD, giảm 0,97%; xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 75,2 triệu USD, giảm 63,4%. Khu vực kinh tế tư nhânvẫn tiếp tụclà điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu, khikim ngạchxuất khẩu 9 tháng năm 2020 đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt273,9 triệu USD, tăng 6,52% so với cùng kỳ năm trước.

+ Xuất khẩu trực tiếp 9 tháng, đạt 321,54 triệu USD (giảm 0,81% so với cùng kỳ năm trước). Thị trường xuất khẩu: Thị trường Châu Á ước đạt 215,93 triệu USD, tăng 0,63% so với cùng kỳ năm trước (tăng chủ yếu ở thị trường Hong Kong các mặt hàng quả tươi, thanh long, mực tươi; Nhật Bản các mặt hàng cá tươi, giấy và các sản phẩm giấy, tôm thẻ, bạch tuộc; Hàn Quốc các mặt hàng mực, bạch tuộc). Thị trường Châu Âu đạt 46,36 triệu USD, tăng 17,15% so với cùng kỳ năm trước (tăng chủ yếu ở thị trường Anh các mặt hàng giày dép, tôm thẻ; Đức các mặt hàng tôm thẻ, sản phẩm từ sắt thép; Hà Lan các mặt hàng tôm thẻ; Bỉ các mặt hàng đồ gỗ nội thất). Thị trường Châu Mỹ đạt 55,87 triệu USD, giảm 14,68% so với cùng kỳ năm trước (giảm chủ yếu ở thị trường Belizơ các mặt hàng đế giày và gót giày; Mỹ các mặt hàng giày dép, cá hộp).

+ Ủy thác xuất khẩu 9 tháng ước đạt 14,36 triệu USD, giảm 4,54% so với cùng kỳ (chủ yếu giảm ở mặt hàng áo sơ mi, áo khác, quần dài, bộ quần áo).

- Nhập khẩu hàng hoá 9 tháng ước đạt 575,30 triệu USD, giảm 23,65% so với cùng kỳ (giảm ở các mặt hàng như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, nguyên liệu dệt may, da giày, vải các loại).

4. Hoạt động vận tải

Hoạt động giao thông vận tải 9 tháng năm 2020 không được thuận lợi do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Hiện đang có dấu hiệu phục hồi sau khi cả nước khống chế được dịch, tuy nhiên vẫn còn giảm sâu so với cùng kỳ. Đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 quy định về mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia.

- Vận tải hành khách:

+ Ước tháng 9 đã vận chuyển 980,6 nghìn hành khách và luân chuyển 49,1 triệu hk.km. Lũy kế 9 tháng, vận chuyển 11.330,5 nghìn hành khách, giảm 41,59% so với cùng kỳ và luân chuyển 561,4 triệu hk.km, giảm 41,99% so cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 9 vận chuyển hành khách đường bộ đạt 971,5 nghìn hành khách; lũy kế 9 tháng đạt 11.248,1 nghìn hành khách, giảm 41,54% so với cùng kỳ. Vận chuyển hành khách đường thủy đạt 9 nghìn hành khách; lũy kế 9 tháng đạt 82,36 nghìn hành khách, giảm 47,36% so với cùng kỳ. Luân chuyển hành khách đường bộ đạt 48,1 triệu hk.km, lũy kế 9 tháng đạt 552,3 triệu hk.km, giảm 41,86% so với cùng kỳ; luân chuyển hành khách đường thủy đạt 1,0 triệu hk.km, lũy kế 9 tháng đạt 8,96 triệu hk.km, giảm 48,84% so với cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hàng hoá:

+ Ước tháng 9 vận chuyển hàng hoá đạt 515,4 nghìn tấn và luân chuyển hàng hoá đạt 28,1 triệu tấn.km. Lũy kế 9 tháng, toàn tỉnh đã vận chuyển 5.365,6 nghìn tấn hàng hoá, giảm 29,3% so với cùng kỳ và luân chuyển hàng hoá đạt 290,9 triệu tấn.km, giảm 32,24% so với cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 9 vận chuyển hàng hoá đường bộ đạt 514,9 nghìn tấn, lũy kế 9 tháng đạt 5.361,1 nghìn tấn, giảm 29,13% so với cùng kỳ; vận chuyển hàng hoá đường thủy đạt 0,44 nghìn tấn, lũy kế 9 tháng đạt 4,4 nghìn tấn, giảm 36,42% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hoá đường bộ đạt 28,0 triệu tấn.km, lũy kế 9 tháng đạt 290,3 triệu tấn.km, giảm 31,16% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 50,2 nghìn tấn.km, lũy kế 9 tháng đạt 514,4 nghìn tấn.km, giảm 36,39% so với cùng kỳ năm trước.

- Cảng quốc tế Vĩnh Tân: Khối lượng bốc xếp hàng hoá tháng 9 ước đạt 50.000 tấn; lũy kế 9 tháng, đạt 494.487 tấn (trong đó, khối lượng bốc xếp ngoài nước đạt 1.102 tấn); các mặt hàng chủ yếu thông qua cảng gồm quặng Ilmenite, cát, tro bay, xi măng,... Ước doanh thu 9 tháng đạt 22,4 tỷ đồng.

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi ước tháng 9 đạt 126,2 tỷ đồng, tăng 4,97% so với tháng trước và giảm 38,12% so với cùng kỳ năm trước; luỹ kế 9 tháng ước đạt 1.227,6 tỷ đồng, giảm 31,06% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 470,4 tỷ đồng, giảm 38,56% so với cùng kỳ; Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 729,4 tỷ đồng, giảm 25,35% so với cùng kỳ; Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 27,7 tỷ đồng, giảm 26,86% so với cùng kỳ.

V. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách:

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2020 của tỉnh giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19, đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đồng thời bị ảnh hưởng một phần do điều chỉnh chính sách thu theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ước thu ngân sách tháng 9 đạt 630 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đạt 7.596,6 tỷ đồng, đạt 70,67% dự toán năm, giảm 25,56% so cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa (trừ dầu) đạt 5.792,9 tỷ đồng, đạt 75,72% dự toán năm, giảm 18,83%. Trong tổng thu ngân sách gồm: Thu thuế, phí 4.760,3 tỷ đồng, đạt 71,08% dự toán năm, giảm 18,34%; thu tiền nhà, đất 1.032,5 tỷ đồng, đạt 108,35% dự toán năm, giảm 21,02% (trong đó, thu tiền sử dụng đất 706,4 tỷ đồng, đạt 100,93% dự toán năm, giảm 30,08%); thu dầu thô 882 tỷ đồng, đạt 67,85% dự toán năm, giảm 38,64% và thu thuế xuất nhập khẩu 921,6 tỷ đồng, đạt 51,2% dự toán năm, giảm 43,45% so cùng kỳ năm trước.

Dự ước các khoản thu 9 tháng đầu năm 2020 tăng (giảm) so cùng kỳ năm trước như sau: Thu từ doanh nghiệp nhà nước 785,5 tỷ đồng (giảm 33,54%), thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 726,6 tỷ đồng (giảm 15,87%), thu ngoài quốc doanh 894,1 tỷ đồng (giảm 21,36%), thuế thu nhập cá nhân 471 tỷ đồng (giảm 8,88%), thuế bảo vệ môi trường 386,4 tỷ đồng (giảm 14,92%); lệ phí trước bạ 195,6 tỷ đồng (giảm 41,45%); thu từ các loại phí, lệ phí 125,8 tỷ đồng (giảm 1,49%); thu khác ngân sách 157,3 tỷ đồng (giảm 47,15%); thu xổ số kiến thiết 936,5 tỷ đồng (tăng 16,99%); thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 65,5 tỷ đồng (giảm 37,86%); thu tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 7,4 tỷ đồng (giảm 25,02%), thu tiền thuê mặt đất, mặt nước 318,2 tỷ đồng (tăng 12,85%); thu tiền sử dụng đất 706,4 tỷ đồng (giảm 30,08%); thu từ dầu thô 882 tỷ đồng (giảm 38,64%) và thu thuế xuất nhập khẩu đạt 921,6 tỷ đồng (giảm 43,45%).

Tổng chi ngân sách trong tháng 9 ước thực hiện 400 tỷ đồng (chi ngân sách nhà nước 350 tỷ đồng); lũy kế 9 tháng 10.537 tỷ đồng (chi ngân sách nhà nước 7.414,2 tỷ đồng); trong đó, chi đầu tư phát triển 3.204,1 tỷ đồng, chi thường xuyên 4.210,1 tỷ đồng.

2. Hoạt động tín dụng:

Trong 9 tháng năm 2020, hoạt động tín dụng trên địa bàn tiếp tục ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương; các tổ chức tín dụng đã chủ động rà soát, hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch; triển khai cho vay đối với các dự án nông nghiệp ứng dụng cao công nghệ cao theo Quyết định số 34/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen; quan tâm dành nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

- Tính đến ngày 31/8/2020, nợ xấu (nội bảng) trên địa bàn 671 tỷ đồng, chiếm 1,07% tổng dư nợ, tăng 0,5% so với đầu năm. Đến ngày 10/9/2020, đã giảm lãi vay cho 2.703 khách hàng với số tiền lãi được giảm là 1,09 tỷ đồng. Cùng với việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi vay, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, triển khai thực hiện các chương trình cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra, doanh số cho vay mới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ ngày 23/01/2020 là 8.912 tỷ đồng/4.240 khách hàng.

- Tình hình thực hiện lãi suất: Hiện nay, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng là 3,5 - 4,05%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng là 4,4 - 7,5%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên là 5,8 - 7,7%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 5%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân là 6%/năm), các lĩnh vực khác từ 7 - 9%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9 - 12%/năm.

- Hoạt động huy động vốn (tính đến ngày 31/8/2020), nguồn vốn huy động đạt 39.522 tỷ đồng, tăng 1,33% so với đầu năm. Ước đến 30/9/2020, vốn huy động đạt 40.955 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm.

- Hoạt động tín dụng: Các Tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng cho vay đi đôi với an toàn và hiệu quả, gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương. Tính đến 31/8/2020, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 62.860 tỷ đồng, tăng 6,57% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND đạt 61.846 tỷ đồng, chiếm 98,4% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 34.052 tỷ đồng, chiếm 54,2% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm 4% tổng dư nợ; lãi suất từ 6-7%/năm chiếm 9,4% tổng dư nợ; lãi suất trong khoảng 7-9%/năm chiếm 22% tổng dư nợ; lãi suất từ 9-12%/năm chiếm khoảng 56,1% tổng dư nợ; lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 8,5% tổng dư nợ. Ước đến tính đến ngày 30/9/2020, dư nợ đạt 63.703 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm.

- Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương và Địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 35.192 tỷ đồng, chiếm 56% tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu đạt 575 tỷ đồng, chiếm 1% tổng dư nợ; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 13.633 tỷ đồng, chiếm 21,7% tổng dư nợ; cho vay các đối tượng chính sách xã hội đạt 2.883 tỷ đồng.

- Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ đạt 955 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 295,5 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 651,5 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 8 tỷ đồng), trong đó nợ xấu 25,55 tỷ đồng/6 tàu; nợ cơ cấu lại thời hạn 103,84 tỷ đồng/90 tàu.

- Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN và Nghị quyết số 30/NQ-CP: Dư nợ cho vay đạt 321 tỷ đồng phục vụ nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi tôm giống công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa công nghệ cao; dư nợ cho vay chăn nuôi lợn, sản xuất thuốc thú y, thức ăn gia súc đạt 489 tỷ đồng.

- Cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP: Hiện đang được triển khai tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh với dư nợ đạt 49,5 tỷ đồng/126 hộ.

- Hoạt động thanh toán, cung ứng tiền mặt: Tăng cường đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển lương qua tài khoản, thanh toán qua POS. Mạng lưới ATM, POS tiếp tục được mở rộng, hoạt động thông suốt và an toàn. Đến 31/8/2020, trên địa bàn có 187 máy ATM (tăng 12 máy so với đầu năm) và 1.660 máy POS (tăng 40 máy so với đầu năm), hầu hết máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

- Tình hình thị trường ngoại tệ và vàng trên địa bàn: Các Tổ chức tín dụng trên địa bàn đã bám sát điều hành tỷ giá và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Nhìn chung, các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt. Diễn biến thị trường vàng, ngoại hối trên địa bàn tiếp tục phát triển theo hướng ổn định. Doanh số mua bán ngoại tệ trong 08 tháng đầu năm đạt 399 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 70,9 triệu USD.

VI. Lĩnh vực Văn h - Xã hội

1. Hoạt động văn hóa:

- Hoạt động tuyên truyền, cổ động: Tập trung tuyên truyền hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý 2020; kỷ niệm 90 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2020); 89 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2020); 61 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959-03/3/2020); 31 năm Ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989-03/3/2020); 74 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946-27/3/2020); Ngày quốc tế phụ nữ (8/3), 45 năm Ngày giải phóng Bình Thuận (19/4/1975-19/4/2020), 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), ngày Quốc tế lao động 01/5, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9, Tuần lễ Biển và Hải đảo, Ngày Du lịch Việt Nam, Ngày môi trường thế giới; tăng cường thực hiện tuyên truyền xe loa, lắp đặt pa nô, bảng khuyến cáo về phòng, chống dịch Covid-19,...

- Hoạt động Thư viện: Cấp mới 616 thẻ (thiếu nhi 168 thẻ), phục vụ 2.231.301 lượt (thiếu nhi 543.705 lượt), trong đó, lượt bạn đọc tại Thư viện 19.239 lượt (thiếu nhi 4.688 lượt), lượt bạn đọc qua website 2.212.062 lượt; luân chuyển 2.251.565 lượt (thiếu nhi 492.001 lượt). Bổ sung 5.815 bản sách. Sưu tầm 948 tin, bài cho tập Thông tin tư liệu Bình Thuận; 193 tin, bài Chuyên mục Thông tin kinh tế. Tổ chức Hội Báo Xuân Canh Tý năm 2020 tại 02 điểm (Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận và Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Bắc Bình), với 160 loại báo Xuân của Trung ương, các tỉnh và ấn phẩm địa phương, thu hút 975 lượt bạn đọc. Tổ chức Ngày sách Việt Nam lần thứ 7 năm 2020 (hình thức trực tuyến), thu hút hơn 1.930 lượt truy cập. Luân chuyển 7.701 bản sách cho các địa bàn cơ sở. Phục vụ 61.002 bản sách sách lưu động.

- Hoạt động bảo tồn, bảo tàng: Trong tháng đã đón 6.965 lượt khách; trong đó, 58 lượt khách nước ngoài. Lũy kế 9 tháng (tính đến 20/9/2020), đã đón 117.446 lượt khách, trong đó 12.165 lượt khách nước ngoài. Trưng bày, triển lãm 297 ảnh tư liệu, ảnh nghệ thuật, chủ đề “Phan Thiết xưa”, “sắc màu Bình Thuận”, “Hành trình vươn tới những ước mơ - 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”, “Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Kỷ vật Bác Hồ”, “Những tấm gương bình dị mà cao quý” giai đoạn 2018 - 2020, ảnh tư liệu các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam từ lần thứ I đến lần thứ XII (năm 1930-2016) tại Khu di tích Dục Thanh.

2. Thể dục thể thao:

Thể dục, thể thao quần chúng: Đăng cai tổ chức thành công giải vô địch Bóng ném bãi biển toàn quốc; giải Bóng chuyền bãi biển toàn quốc 2x2 và giải Bóng đá hạng Nhì năm 2020. Tổ chức các hoạt động thể thao phục vụ tết Nguyên đán 2020: Hội thi Đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty; giải Windsurf mở rộng lần thứ 21; Hội thi leo núi Tà Cú huyện Hàm Thuận Nam mở rộng lần thứ XXIII năm 2020; giải Chạy vượt đồi cát tại Hòn Rơm, Mũi Né. Tổ chức các giải cấp tỉnh: Giải vô địch Vovinam tỉnh Bình Thuận năm 2020 (huyện Hàm Tân), giải Bóng chuyền bãi biển Nam, Nữ tỉnh Bình Thuận năm 2020 (huyện Tuy Phong). Phối hợp tổ chức giải Xe đạp Nữ quốc tế Bình Dương mở rộng lần thứ X năm 2020 - Cúp Biwase.

Hoạt động thể thao thành tích cao: Lũy kế 9 tháng, tổng số huy chương đã đạt 58 huy chương đạt 52,7% kế hoạch (09 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 36 huy chương đồng); 09 kiện tướng (đạt 20% so với chỉ tiêu 45); 46 vận động viên Cấp 1 (đạt 70,8% so với chỉ tiêu 65).

3. Giáo dục và Đào tạo:

Ngành giáo dục và đào tạo đã thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của năm học, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Tăng cường việc ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch bệnh Covid-19 trong năm học mới 2020-2021. Đã tổ chức tốt lễ khai giảng năm học mới năm 2020-2021, một số trường đã đầu tư mua sắm trang thiết bị và xây mới phòng học đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện phục vụ dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Kết quả kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2019-2020: Tổng số học sinh đạt giải 355 học sinh (đạt tỷ lệ 43,71%), so với năm học trước tăng 52 giải; trong đó, giải nhất 15 (giảm 06 giải); giải nhì 63 (tăng 29 giải); giải ba 277 (tăng 29 giải).

Kết quả Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia: có 10 học sinh đạt giải (giải nhì 01 học sinh; giải ba 02 học sinh; giải giải khuyến khích 07 học sinh), so với năm học 2018-2019, tăng 01 giải khuyến khích.

Kết quả Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học với 38 dự án tham gia dự thi. Kết quả có 14 dự án đạt giải chính thức (giải nhất 01; giải nhì 01; giải Ba 04; giải khuyến khích 08); 01 đơn vị đạt giải tập thể thuộc về trường THPT Đức Linh, ngoài ra có 06 dự án đạt giải chuyên biệt.

Luỹ kế 9 tháng (tính đến ngày 08/9/2020), số trường đạt chuẩn quốc gia được công nhận mới 12 trường (01 trường mầm non, 07 trường tiểu học, 04 trường trung học cơ sở). Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia 251/547 trường (44 trường mầm non, 121 trường tiểu học, 72 trường trung học cơ sở, 14 trường trung học phổ thông). Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia so với số trường công lập đạt 45,88%.

4. Y tế

Qua 9 tháng năm 2020, đã tổ chức thực hiện tốt các hoạt động phục vụ y tế trước, trong và sau Tết Nguyên đán; công tác khám chữa bệnh tiếp tục đáp ứng được nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, các đơn vị điều trị chủ động thực hiện tốt công tác thường trực, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; các đơn vị chuyên môn đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xảy ra đặc biệt đã khống chế, kiểm soát thành công dịch Covid-19 gây ra. Triển khai có hiệu quả các hoạt của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số.

Tính đến ngày 25/9/2020, tỉnh liên tiếp 196 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nào nhiễm Covid-19. Hiện nay, số trường hợp đang cách ly tập trung tại cơ sở điều trị và cơ sở cách ly tập trung là 05 trường hợp, sức khỏe ổn định.

Trong 9 tháng (tính đến ngày 09/9) có 1.344 bệnh nhân thu dung điều trị lao, 656 bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai tích cực; trong tháng xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm (01 vụ xảy ra tại thị xã La Gi với tổng số người nhập viện và tử vong là 01 người, xác định nguyên nhân nghi ngờ ngộ độc do ăn thịt cóc sống; và 01 vụ xảy ra tại thành phố Phan Thiết với tổng số người mắc, nhập viện 08 người và không có tử vong, xác định nguyên nhân nghi ngờ ngộ độc do ăn thịt cá nóc). Luỹ kế 9 tháng, xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số người mắc là 11 người; trong đó, có 02 người tử vong, xác định nguyên nhân do độc tố tự nhiên từ cá nóc mú, thịt cóc sống.

5. Thông tin-Truyền thông; Khoa học-Công nghệ; Bưu chính, viễn thông

- Thông tin và Truyền thông: Trong 9 tháng năm 2020, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời, đa dạng. Đáng chú ý các báo tập trung đăng tin, bài về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và những nỗ lực ngăn chặn dịch của tỉnh. Thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhân dân; hạ tầng mạng lưới bưu chính, viễn thông được đầu tư theo hướng hiện đại, chất lượng các dịch vụ ngày càng được nâng lên. Hạ tầng mạng viễn thông 3G, 4G được phát triển mở rộng; đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Các sở, ngành, địa phương đã tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn. Các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy cải cách hành chính, minh bạch hóa thông tin, phục vụ chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và phòng chống mã độc trong các cơ quan nhà nước được quan tâm thực hiện.

- Khoa học - Công nghệ: Hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được chú trọng. Đã nghiệm thu và bàn giao đưa vào ứng dụng 04 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Đã nghiệm thu 08 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2019, phê duyệt triển khai thực hiện 14 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2020. Tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hoạt động hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp được quan tâm, đã thông báo doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2020; đăng ký tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020.

- Bưu chính, viễn thông: Hạ tầng bưu chính, mạng viễn thông tiếp tục được phát triển mở rộng; đảm bảo an toàn và thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Mạng lưới phục vụ bưu chính, viễn thông với 1.190 cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông, đạt bán kính phục vụ bình quân 1,45 km/cơ sở. Tổng số thuê bao điện thoại các loại ước đạt 1.841.970 thuê bao (điện thoại cố định là 32.480 thuê bao); mật độ điện thoại 146,45 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao Internet ước đạt 136.600 thuê bao, tỷ lệ người sử dụng Internet (quy đổi) 61,25%.

6. Tài nguyên môi trường

Tăng cường công tác quản lý đất đai, triển khai lập kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, tính đến ngày 04/9/2020 đã thẩm định kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 3.374,76 ha, đạt 100,4% kế hoạch (Trong đó tổ chức là 632,9 ha, đạt tỷ lệ 126,6% kế hoạch; hộ gia đình cá nhân 2.741,86 ha đạt 95,86%).

Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được tăng cường. Kiểm tra, xử lý kịp thời, có chuyển biến tích cực đối với các điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép, các khu vực mỏ thực hiện khai thác không đúng quy định. Trong 09 tháng đã cấp giấy phép cho 17 khu vực mỏ và phê duyệt 02 đề án đóng cửa mỏ; 06 Quyết định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; 02 Quyết định tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Các điểm nóng về môi trường luôn được giám sát chặt chẽ, từ đầu năm đến nay (04/9/2020), đã tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 7 trang trại chăn nuôi heo, 6 cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xử lý vi phạm hành chính 6 cơ sở với tổng số tiền 790 triệu đồng. Tình hình môi trường tại Cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài, khu vực sông Giêng giáp ranh giữa Bình Thuận và Đồng Nai, cơ bản đã tương đối ổn định. Đối với Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân thường xuyên giám sát, yêu cầu các nhà máy thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động; đang phối hợp giải quyết việc phát sinh, bụi than, tiếng ồn từ Trung tâm điện lực Vĩnh Tân ảnh hưởng đến khu dân cư thôn Vĩnh Phúc, việc tiêu thụ tro, xỉ phát sinh tại các nhà máy tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân.

7. Lao động, việc làm; chính sách vùng đồng bào dân tộc; đời sống dân cư

- Lao động, việc làm: Trong 9 tháng năm 2020, chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh. Trong tháng tạo việc làm cho 2.000 lao động. Lũy kế 9 tháng (đến ngày 08/9/2020) số lao động được giải quyết việc làm đạt 15.029 lao động, đạt 62,62% so với kế hoạch năm và giảm 21,76% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cho vay vốn giải quyết việc làm 775 lao động, đạt 64,6% so với kế hoạch.

Tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 1.189 người, luỹ kế 9 tháng (đến ngày 08/9/2020) số người tuyển mới đào tạo nghề nghiệp 9.088 người, đạt 82,62% so với kế hoạch năm; trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 2.200 người, đạt 55% so với kế hoạch năm và giảm 26,12% so với cùng kỳ năm trước.

- Vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa (tính đến ngày 08/9/2020): Được 7,565 tỷ đồng, đạt 126% so với kế hoạch năm. Vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh được 1.843 triệu đồng, đạt 92,15% kế hoạch năm.

- Công tác chính sách người có công: Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho 43 đối tượng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công. Trợ cấp mai táng phí cho 40 trường hợp. Quyết định trợ cấp ưu đãi giáo dục cho 01 trường hợp; 07 trường hợp giới thiệu giám định y khoa nhiễm chất độc hóa học. Ngoài ra, tiếp nhận 08 hồ sơ liệt sĩ, 01 hồ sơ bệnh binh, 02 hồ sơ Người HĐKC giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, 01 hồ sơ Người có công giúp đỡ cách mạng; 03 Quyết định điều chỉnh thông tin (02 hồ sơ liệt sĩ, 01 hồ sơ thương binh).

Thực hiện hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, trong tháng (tính từ 07/8 đến 08/9/2020) hỗ trợ nhóm đối tượng là Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo cho 1.297 đối tượng, với 1,195 tỷ đồng. Hỗ trợ nhóm đối tượng là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và hộ kinh doanh là 8.893 đối tượng với số tiền 8,946 tỷ đồng. Tính từ ngày 29/4 đến ngày 08/9/2020 chi trả cho 115.166 đối tượng với số tiền 117,6 tỷ đồng. Chi hỗ trợ cho 24.038 hồ sơ (23.462 hồ sơ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; 15 hồ sơ lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 344 hồ sơ lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương và 217 Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm) với số tiền 24,3 tỷ đồng.

- Chính sách vùng đồng bào dân tộc: Trong 9 tháng năm 2020, đã thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn chung, đời sống trong vùng đồng bào cơ bản ổn định; công tác giáo dục có nhiều chuyển biến, hệ thống trường lớp được đầu tư nâng cấp; đội ngũ giáo viên được chuẩn hoá, chất lượng dạy và học được nâng lên; việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc được quan tâm, mạng lưới y tế các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố, tăng cường. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định. Cung ứng kịp thời vật tư hàng hoá các loại phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào dân tộc. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, môi trường xã hội cải thiện rõ nét; khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố và lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước tiếp tục được giữ vững.

- Tình hình đời sống dân cư: 9 tháng năm 2020 đời sống của các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn hơn so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài tác động đến hầu hết mọi mặt của nền kinh tế. Xây dựng nông thôn mới của tỉnh tiếp tục đạt được những tiến bộ nhất định, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như kết quả thực hiện các tiêu chí chưa thật sự bền vững (tiêu chí môi trường, an ninh trật tự, nâng cao thu nhập của người dân,...). Tính đến cuối tháng 7/2020, toàn tỉnh có 61/93 xã (trước đây là 63/96 xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 65,6% số xã); dự kiến năm 2020, có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 65 xã (đạt 69,89% số xã).

Tuy dịch Covid-19, thời tiết nắng hạn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhưng trong 9 tháng qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình hình thiếu đói trong dân.

- Kết quả đạt được về công tác giảm nghèo: Bằng nhiều biện pháp hỗ trợ cho người nghèo phát triển sản xuất như hỗ trợ vốn và các chương trình lồng ghép khác của dự án xóa đói giảm nghèo và sự nỗ lực vươn lên từ các hộ nghèo, đến nay số hộ nghèo đã giảm đáng kể. “Quỹ vì người nghèo” được triển khai từ đầu năm, đến nay tổng số tiền huy động được 7.890,6 triệu đồng. Đã xây dựng, sữa chữa xong và đưa vào sử dụng 20 căn nhà với số tiền 1.384 triệu đồng cho hộ nghèo.

8. Hoạt động bảo hiểm

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng. Công tác thu vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Luỹ kế 8 tháng (đến ngày 31/8/2020), toàn tỉnh có 87.070 người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 7,4% so với cùng kỳ; có 77.865 người tham gia BHTN, giảm 5,3% so với cùng kỳ; số người tham gia BHXH tự nguyện 6.561 người, tăng 167% so với cùng kỳ; Số người tham gia BHYT 993.177 người, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Đã xét duyệt, giải quyết cho 41.621 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, giảm 6,8% so với cùng kỳ. Trong đó, hưởng các chế độ BHXH dài hạn 821 lượt người; hưởng trợ cấp BHXH một lần 8.495 lượt người; hưởng chế độ BHXH ngắn hạn 23.283 lượt người; hưởng trợ cấp BHTN 9.022 lượt người. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 85,8% dân số.

Tổng số đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH dài hạn, đến đầu tháng 9/2020, BHXH tỉnh quản lý 15.756 người. Trong tháng, thu được 196,4 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; luỹ kế 8 tháng (đến ngày 31/8/2020), toàn tỉnh thu được 1.530,4 tỷ đồng, đạt 59,7% kế hoạch, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 155,3 tỷ đồng, tăng 17,18% so với cùng kỳ năm trước.

9. Tai nạn giao thông (từ 15/8-14/9/2020):

Số vụ tai nạn giao thông 42 vụ, so với tháng trước tăng 13 vụ và so với cùng kỳ năm trước tăng 5 vụ. Luỹ kế 9 tháng 246 vụ (trong đó đường sắt 01 vụ), so với cùng kỳ năm trước giảm 74 vụ.

Số người bị thương 34 người, tăng 6 người so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 6 người. Luỹ kế 9 tháng 169 người, giảm 64 người so với cùng kỳ năm trước.

Số người chết 17 người, giảm 4 người so với tháng trước và bằng so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng 140 người (trong đó đường sắt 01), so với cùng kỳ giảm 42 người.

Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra và tập trung trên tuyến quốc lộ 1A, nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, đi không đúng phần đường, làn đường, chuyển hướng sai quy định, không nhường đường, lái xe đã uống rượu bia,... ngoài ra còn có các nguyên nhân khác và do người đi bộ gây ra. Tập trung thực hiện, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, lập lại trật tự an toàn giao thông; xử lý xe chở học sinh, xe chở công nhân, xe chở khách du lịch trên địa bàn tỉnh và các xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định.

10. Thiên tai, cháy nổ:

- Thiên tai: Trong tháng (tính đến ngày 22/9/2020) xảy ra 05 vụ thiên tai, do mưa dông, lốc, khô hạn và mưa lớn xảy ra bất ngờ tại huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Phan Thiết làm tốc mái, hư hỏng 13 căn nhà, bị tốc mái 10 căn nhà, đổ ngã 560 ha lúa, hư hại 224,7 ha bắp; 01 người chết do sét đánh ở Tánh Linh. Ước tổng giá trị thiệt trên 3,9 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng 21 vụ thiên tai, 02 người chết, ước tổng giá trị thiệt ban đầu 28,48 tỷ đồng.

- Cháy nổ: Trong tháng xảy ra 04 vụ cháy (giảm 3 vụ so cùng kỳ), không thiệt hại về người, không xảy ra nổ; ước thiệt hại ban đầu khoảng 329 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng có 62 vụ cháy, tăng gấp 1,7 lần số vụ so với cùng kỳ; tổng thiệt hại 11,33 tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với cùng kỳ.

- Vi phạm môi trường: Trong tháng xảy ra 02 vụ (giảm 04 vụ so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng có 16 vụ (giảm 19 vụ so với cùng kỳ), đã xử phạt 1.114 triệu đồng.

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng năm 2020 vẫn tăng trưởng, đạt được kết quả trên một số mặt, cụ thể là:

- Sản xuất nông nghiệp có nhiều cố gắng, diện tích gieo trồng cây lâu năm, sản lượng thanh long, sản lượng khai thác hải sản tăng so với cùng kỳ năm trước; đàn gia súc, gia cầm được phục hồi, phát triển ổn định. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi cơ bản được khống chế; tình trạng cháy rừng gây thiệt hạn về tài nguyên rừng không xảy ra. Các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa, chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt. Sản lượng khai thác thủy sản được duy trì ổn định. Công tác xây dựng nông thôn mới, các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa, chính sách hỗ trợ phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện tốt.

- Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, các công trình, dự án điện được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó sản lượng điện sản xuất tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư xây dựng.

- Xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản, thanh long và nông sản khác tăng so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại nội địa vẫn ổn định, hàng hoá vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian bị dịch Covid-19; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện tốt, giá cả không tăng đột biến.

- Hoạt động tín dụng trên địa bàn ổn định. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước cơ bản đạt tiến độ đề ra. Việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, các công trình trọng điểm, bức xúc được tập trung chỉ đạo.

- Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì. Đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống và điều trị các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19.

- Công tác khám chữa bệnh tiếp tục đáp ứng được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm, kịp thời chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo; công tác giải quyết việc làm có nhiều cố gắng. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh căn bản được bảo đảm.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội ở một số lĩnh vực trong 9 tháng năm 2020 vẫn còn khó khăn, hạn chế, đó là:

- Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do nắng hạn kéo dài, nguồn nước cạn kiệt ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp diện tích gieo trồng cây ngắn ngày, sản lượng lương thực giảm so với năm trước; việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn nhiều khó khăn, bất cập; vi phạm lâm luật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa ngăn chặn triệt để. Một số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chất lượng tiêu chí chưa cao, chưa bền vững.

- Các hoạt động của các doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của tỉnh bị đình trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địan bàn tỉnh đã cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ không hưởng lương hoặc giải thể, tạm dừng kinh doanh làm cho tình trạng lao động mất việc làm và giải quyết trợ cấp thất nghiệp tăng cao.

- Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu đầu vào. Hoạt động dịch vụ du lịch, tiêu thụ sản phẩm, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Nhiều khoản thu đạt tương đối thấp so với dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó thu nội địa đạt 75,7% dự toán năm và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

- Hoạt động giáo dục và đào tạo bị gián đoạn, kéo dài, ảnh hưởng đến việc dạy học của giáo viên, việc học tập của học sinh, sinh viên, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đều chậm tiến độ. Việc triển khai một số hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, thể thao bị gián đoạn, nhiều hoạt động tạm dừng hoặc không thể tổ chức như kế hoạch đề ra. Dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, nhất là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

- Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, nhất là vấn đề liên quan đến khiếu kiện, ô nhiễm môi trường,..../.


Cục Thống kê Bình Thuận

    Tổng số lượt xem: 1386
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)