I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 11/2020
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
1.1. Doanh nghiệp thành lập mới
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 11/2020 là 13.092 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 284.722 tỷ đồng, tăng 7,3% về số doanh nghiệp và tăng 72,0% về vốn đăng ký so với tháng 10/2020, tăng 6,7% về số doanh nghiệp và tăng 103,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2020 là 119.668 người, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 65,3% so với tháng 10/2020.
Doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2020 chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (4.382 doanh nghiệp, chiếm 33,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (1.613 doanh nghiệp, chiếm 12,3%); Xây dựng (1.600 doanh nghiệp, chiếm 12,2%)… Số vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu ở các ngành, lĩnh vực: Kinh doanh bất động sản (153.344 tỷ đồng, chiếm 53,8%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (28.805 tỷ đồng, chiếm 10,1%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (27.352 tỷ đồng, chiếm 9,6%); Xây dựng (20.059 tỷ đồng, chiếm 7%)…
STT
|
NGÀNH NGHỀ
|
SỐ LƯỢNG
|
VỐN
|
LAO ĐỘNG
|
1
|
Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy
|
4.382
|
27.352
|
18.980
|
2
|
Công nghiệp chế biến, chế tạo
|
1.613
|
28.805
|
62.351
|
3
|
Dịch vụ lưu trú và ăn uống
|
493
|
3.812
|
2.655
|
4
|
Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác
|
602
|
3.783
|
3.207
|
5
|
Giáo dục và đào tạo
|
397
|
3.050
|
1.902
|
6
|
Hoạt động dịch vụ khác
|
141
|
234
|
546
|
7
|
Khai khoáng
|
55
|
1.114
|
501
|
8
|
Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác
|
1.141
|
16.977
|
5.204
|
9
|
Kinh doanh bất động sản
|
613
|
153.344
|
3.327
|
10
|
Nghệ thuật, vui chơi và giải trí
|
94
|
742
|
511
|
11
|
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
|
254
|
3.132
|
1.650
|
12
|
Sản xuất phân phối, điện, nước, gas
|
600
|
13.541
|
3.571
|
13
|
Thông tin và truyền thông
|
314
|
1.498
|
1.712
|
14
|
Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
|
140
|
3.103
|
610
|
15
|
Vận tải kho bãi
|
573
|
3.247
|
3.701
|
16
|
Xây dựng
|
1.600
|
20.059
|
8.808
|
17
|
Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội
|
80
|
979
|
432
|
Bảng 1 - Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11/2020 phân theo ngành, lĩnh vực
1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Tháng 11/2020 ghi nhận 5.315 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 5,4% so với tháng 10/2020, tăng 39,5% so với tháng 4/2020 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội ở nước ta) và tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2019.
STT
|
NGÀNH NGHỀ
|
SỐ LƯỢNG
|
1
|
Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy
|
1.837
|
2
|
Công nghiệp chế biến, chế tạo
|
653
|
3
|
Dịch vụ lưu trú và ăn uống
|
305
|
4
|
Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác
|
288
|
5
|
Giáo dục và đào tạo
|
117
|
6
|
Hoạt động dịch vụ khác
|
78
|
7
|
Khai khoáng
|
42
|
8
|
Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác
|
365
|
9
|
Kinh doanh bất động sản
|
162
|
10
|
Nghệ thuật, vui chơi và giải trí
|
56
|
11
|
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
|
85
|
12
|
Sản xuất phân phối, điện, nước, gas
|
48
|
13
|
Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
|
40
|
14
|
Thông tin và truyền thông
|
125
|
15
|
Vận tải kho bãi
|
292
|
16
|
Xây dựng
|
795
|
17
|
Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội
|
27
|
Bảng 2 - Tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 11/2020
phân theo ngành, lĩnh vực
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 11/2020 tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (1.837 doanh nghiệp, chiếm 34,6%); Xây dựng (795 doanh nghiệp, chiếm 15%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (653 doanh nghiệp, chiếm 12,3%)…
2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong tháng 11/2020, có 9.183 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 10,8% so với tháng 10/2020), trong đó: 2.771 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 4.471 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể và 1.941 doanh nghiệp giải thể.
STT
|
NGÀNH NGHỀ
|
Tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
|
Tạm ngừng hoạt động không đăng ký chờ giải thể
|
Giải thể
|
1
|
Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy
|
1.071
|
1.651
|
785
|
2
|
Công nghiệp chế biến, chế tạo
|
345
|
489
|
193
|
3
|
Dịch vụ lưu trú và ăn uống
|
176
|
286
|
117
|
4
|
Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác
|
166
|
224
|
120
|
5
|
Giáo dục và đào tạo
|
39
|
113
|
74
|
6
|
Hoạt động dịch vụ khác
|
35
|
66
|
27
|
7
|
Khai khoáng
|
20
|
31
|
17
|
8
|
Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác
|
152
|
248
|
97
|
9
|
Kinh doanh bất động sản
|
78
|
216
|
100
|
10
|
Nghệ thuật, vui chơi và giải trí
|
22
|
57
|
22
|
11
|
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
|
30
|
90
|
26
|
12
|
Sản xuất phân phối, điện, nước, gas
|
27
|
74
|
25
|
13
|
Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
|
16
|
62
|
17
|
14
|
Thông tin và truyền thông
|
62
|
131
|
53
|
15
|
Vận tải kho bãi
|
165
|
222
|
71
|
16
|
Xây dựng
|
360
|
475
|
186
|
17
|
Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội
|
7
|
36
|
11
|
Bảng 3 - Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tháng 11/2020
phân theo ngành, lĩnh vực
2.1. Tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
Tháng 11, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 2.771, là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, giảm 15,9% so với tháng 10/2020, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong ngắn hạn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này đã thấp hơn so với các tháng trước đó, cụ thể: Tháng 11/2020 có số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn thấp nhất kể từ tháng 3/2020, giảm 32,8% so với tháng 4/2020 (thời điểm thực hiện giãn cách xã hội) và giảm 10,7% so với tháng 8/2020 (thời điểm dịch bệnh bùng phát lần 2). Đây là một trong những phản hồi tích cực đến từ cộng đồng doanh nghiệp sau những tác động của dịch bệnh trong thời gian vừa qua.
Trong số 2.771 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Bán buôn, bán lẻ là các doanh nghiệp có tỷ lệ tạm ngừng cao nhất, chiếm 38,7%. Điều này có thể hiểu được, do tác động tác động của đại dịch Covid, ngành bán buôn, bán lẻ gặp nhiều khó khăn như sức mua giảm, thay đổi trong hành vi tiêu dùng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đồng thời, đây cũng là lĩnh vực doanh nghiệp có thể dễ dàng gia nhập và rút lui khỏi thị trường.
2.2. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong tháng 11/2020 là 4.471 doanh nghiệp, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 24,9% so với tháng 10/2020; Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 1.941 doanh nghiệp, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 37,4% so với tháng 10/2020.
Số liệu về doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và giải thể tăng thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 11 tháng đầu năm 2020
Tình hình đăng ký doanh nghiệp 11 tháng đầu năm 2020 đã chịu ảnh hưởng từ những tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế: Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới khiến các quốc gia tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế, phòng ngừa dịch bệnh (chính phủ nhiều nước tại Châu Âu đã áp đặt lại các lệnh phong tỏa từ đầu tháng 11/2020 đến đầu tháng 12/2020); xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại mà đỉnh điểm là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong năm qua đã dẫn tới tăng trưởng toàn cầu chậm lại; Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với những diễn biến căng thẳng, kịch tính đã tác động tới thị trường tài chính thế giới. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, vì vậy khó tránh khỏi việc chịu sự tác động của tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới. Trong nước, đợt lũ lụt lịch sử vừa qua cũng đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhân dân các tỉnh miền Trung.
Mặc dù vậy, với việc cơ bản khống chế được dịch bệnh Covid-19 (hơn 80 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng), Việt Nam là một trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp, qua đó, nhận được sự đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế, được coi là điểm sáng của khu vực và thế giới trong phát triển kinh tế. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong nhóm các nước Đông Nam Á năm 2020. Báo cáo “Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15/9/2020 cũng nhận định triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn rất tích cực.
Bên cạnh đó, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thể hiện và phát huy tốt vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN, đóng vai trò quan trọng góp phần duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Việt Nam cũng chuyển tải thành công chủ đề của năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng” với việc cùng nhau ứng phó dịch Covid-19, tập trung phục hồi kinh tế. Năm 2020, Việt Nam tham gia một số hiệp định thương mại quan trọng, trong đó mới nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho kinh tế nước ta.
Cùng với việc khẳng định vai trò và vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam trên trường quốc tế thì việc tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cũng là cơ sở để nước ta tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: “vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần chống dịch như chống giặc, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân”.
Có thể nói, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, song các thông tin, nhận định tích cực đã mang lại niềm tin về triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới, thể hiện qua số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2020.
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
1.1. Doanh nghiệp thành lập mới
Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2020 có sự giảm sút nhẹ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Mặc dù vậy, đà giảm đã được hãm lại trong những tháng gần đây. Trong 11 tháng đầu năm 2020, cả nước có 124.252 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 (doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2020 giảm 5,1%; 8 tháng giảm 2%; 9 tháng giảm 3,2% và 10 tháng giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019).
Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt 15,1 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục có xu hướng tăng lên.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng đầu năm 2020 là 4.965.808 tỷ đồng (tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2019), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.878.855 tỷ đồng (tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2019) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 3.086.953 tỷ đồng (tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2019) với 36.178 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn. Số vốn đăng ký tăng thêm đã cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp đang hoạt động về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đầu năm 2020 là 969.983 lao động, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2019.
- Phân theo lĩnh vực hoạt động:
Có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong đó chủ yếu vẫn là các ngành chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 là: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 34,4%); Hoạt động dịch vụ khác (giảm 31,8%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 22,2%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 17,6%); Kinh doanh bất động sản (giảm 16,7%) và Giáo dục và đào tạo (giảm 9,8%).
Ở xu hướng ngược lại, 04 ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký trong 11 tháng tăng so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh 02 lĩnh vực có xu hướng gia tăng thời gian qua là Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 5.477 doanh nghiệp (tăng 263,4%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 2.441 doanh nghiệp (tăng 31,2%) thì 02 ngành: Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác và Khai khoáng đã có sự gia tăng nhẹ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, lần lượt là 10.661 doanh nghiệp và 619 doanh nghiệp (tăng 0,9% và 0,5% so với cùng kỳ năm 2019).
- Phân theo địa bàn:
Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 51.487 doanh nghiệp (chiếm 41,4% cả nước) và số vốn đăng ký là 1.088.100 tỷ đồng (chiếm 57,9% cả nước). Tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng với 36.667 doanh nghiệp (chiếm 29,5% cả nước) và số vốn đăng ký là 423.360 tỷ đồng (chiếm 22,5% cả nước). Tây Nguyên là khu vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước với 4.517 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 3,6% cả nước) và số vốn đăng ký là 55.261 tỷ đồng (chiếm 2,9% cả nước).
- Phân theo quy mô vốn:
Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 110.780 doanh nghiệp (chiếm 89,2%, giảm 1,5% so với cùng kỳ 2019). Số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở tất cả quy mô vốn đều giảm. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng là 6.813 doanh nghiệp (chiếm 5,5%, giảm 5,5% so với cùng kỳ 2019); ở quy mô từ 20 – 50 là 3.560 doanh nghiệp (chiếm 2,9%, giảm 1% so với cùng kỳ 2019); quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng là 1.587 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, giảm 6,9% so với cùng kỳ 2019) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 1.512 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019).
1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm nay là 40.820 doanh nghiệp, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm 2020 tăng trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (14.682 doanh nghiệp, chiếm 36%, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019); Xây dựng (6.003 doanh nghiệp, chiếm 14,7%, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019); Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.991 doanh nghiệp, chiếm 12,2%, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2019); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (2.678 doanh nghiệp, chiếm 6,6%, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2019); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.383 doanh nghiệp, chiếm 5,8%, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2019); Vận tải kho bãi (2.245 doanh nghiệp, chiếm 5,5%, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2019); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2.197 doanh nghiệp, chiếm 5,4%, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2019); Kinh doanh bất động sản (1.104 doanh nghiệp, chiếm 2,7%, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2019); Giáo dục và đào tạo (882 doanh nghiệp, chiếm 2,2%, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2019); Hoạt động dịch vụ khác (512 doanh nghiệp, chiếm 1,3%, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2019).
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy những lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh đã có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác. Trong thời gian tới, cần có những chính sách để tiếp tục kích cầu du lịch trong nước, thu hút khách nội địa, từ đó giúp các doanh nghiệp du lịch và các ngành, lĩnh vực có liên quan sớm khôi phục (vận tải, khách sạn, ăn uống và bán lẻ).
2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong 11 tháng đầu năm 2020, có 93.490 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm: 44.440 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2019; 33.607 doanh nghiệp chờ giải thể, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019; 15.443 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.
2.1. Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 11 tháng đầu năm 2020 là 44.440 doanh nghiệp, tăng 59,7% với cùng kỳ năm 2019. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 cho thấy sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động dưới 1 năm là 1.166 doanh nghiệp (chiếm 2,6%); từ 1 đến dưới 5 năm là 21.360 doanh nghiệp (chiếm 48,1%); số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 5 đến dưới 10 năm là 12.127 doanh nghiệp (chiếm 27,3%) và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên là 9.787 doanh nghiệp (chiếm 22%).
So với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 là: Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (16.573 doanh nghiệp, tăng 53,1%); Xây dựng (6.099 doanh nghiệp, tăng 53,7%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.764 doanh nghiệp, tăng 86,1%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (2.743 doanh nghiệp, tăng 65,3%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2.689 doanh nghiệp, tăng 84,9%); Kinh doanh bất động sản (1.272 doanh nghiệp, tăng 117,1%); Giáo dục và đào tạo (850 doanh nghiệp, tăng 90,2%); Hoạt động dịch vụ khác (586 doanh nghiệp, tăng 74,4%) và Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (340 doanh nghiệp, tăng 75,3%). Đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19.
Có thể thấy, sau ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi các chính sách hỗ trợ sắp tới từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này. Trong giai đoạn này, một số lĩnh vực diễn ra sự thanh lọc mạnh mẽ, thể hiện ở số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong ngắn hạn và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm gần tương đương như: số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của lĩnh vực Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy là 16.573 doanh nghiệp trong khi số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của lĩnh vực này là 14.682 doanh nghiệp; tương tự với lĩnh vực Xây dựng, có 6.099 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 6.003 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động...
Phân theo địa bàn, tất cả các vùng lãnh thổ đều tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất với 15.801 doanh nghiệp (chiếm 35,6%, tăng 69,6%); tiếp đến là Đồng bằng Sông Hồng với 15.372 doanh nghiệp (chiếm 34,6% cả nước, tăng 55,7%).
Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 40.478 doanh nghiệp (chiếm 91,1%, tăng 57,8% so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng ở mọi quy mô vốn, cụ thể: Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 2.189 doanh nghiệp (chiếm 4,9%, tăng 75,3% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 20 - 50 tỷ đồng có 1.141 doanh nghiệp (chiếm 2,6%, tăng 96,4% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng có 386 doanh nghiệp (chiếm 0,9%, tăng 79,5% so với cùng kỳ 2019) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 246 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 98,4% so với cùng kỳ năm 2019).
2.2. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể
Trong 11 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 33.607 doanh nghiệp, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Các ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (12.466 doanh nghiệp, chiếm 37,1%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (3.829 doanh nghiệp, chiếm 11,4%); Xây dựng (3.669 doanh nghiệp, chiếm 10,9%).
Đông Nam Bộ là khu vực có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất (13.758 doanh nghiệp, chiếm 40,9%); tiếp đến là khu vực Đồng bằng sông Hồng (7.038 doanh nghiệp, chiếm 20,9%) và khu vực Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung (6.072 doanh nghiệp, chiếm 18,1%).
Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động chờ giải thể giảm ở 4/5 quy mô vốn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 30.213 doanh nghiệp (chiếm 89,9%, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2019). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 1.687 doanh nghiệp (chiếm 5,0%, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2019); từ 20 - 50 tỷ đồng có 918 doanh nghiệp (chiếm 2,7%, giảm 7,3% so với cùng kỳ 2019); từ 50 - 100 tỷ đồng có 396 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, giảm 2% so với cùng kỳ 2019) và trên 100 tỷ đồng có 393 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019).
2.3. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng đầu năm 2020 là 15.443 doanh nghiệp, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 11 tháng đầu năm 2020, đa số doanh nghiệp giải thể có thời gian hoạt động ngắn, cụ thể: Số doanh nghiệp đã giải thể có thời gian hoạt động dưới 1 năm là 770 doanh nghiệp (chiếm 5%); từ 1 đến dưới 5 năm là 9.604 doanh nghiệp (chiếm 62,2%), số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể có thời gian hoạt động từ 5 năm đến dưới 10 năm là 2.913 doanh nghiệp (chiếm 18,9%) và số doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên là 2.156 doanh nghiệp (chiếm 14%).
10/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 là Sản xuất phân phối, điện, nước, gas; Kinh doanh bất động sản và Giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 50%; 46,8% và 34,3%.
Phân theo vùng lãnh thổ, 03 vùng có số lượng doanh nghiệp giải thể trong 11 tháng đầu năm 2020 tăng so cùng kỳ năm 2019 là: Đông Nam Bộ (6.646 doanh nghiệp, tăng 16,2%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2.536 doanh nghiệp, tăng 18,2%) và Đồng bằng sông Hồng (3.473 doanh nghiệp, tăng 15,2%).
Phân theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể đều ghi nhận tăng ở tất cả các quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 13.710 doanh nghiệp (chiếm 88,8%, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 829 doanh nghiệp (chiếm 5,4%, tăng 24,7% so với cùng kỳ 2019); từ 20 - 50 tỷ đồng có 439 doanh nghiệp (chiếm 2,8%, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2019); Ở quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng có 218 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2019) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 247 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2019).
Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài. Do vậy, trong thời gian tới, để có thể giảm số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần hoạch định và thực thi có hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các đối tượng này./.