1. Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
1.1. Nông nghiệp
Sản xuất lúa vụ đông xuân 2020-2021 gặp nhiều thuận lợi, nước tưới được đảm bảo; tính đến cuối tháng 3/2021, toàn tỉnh gieo trồng được 26,5 ngàn ha, tăng 0,1%. Trà sớm đã thu hoạch 104 ha, tăng 4%, năng suất ước tính 67,5 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so vụ đông xuân năm trước.
Cây trồng khác, gieo trồng tương đối thuận lợi, tuy nhiên từ đầu năm đến nay lượng mưa ít, một số cây trồng cạn ở một số vùng đang thiếu nước, chậm phát triển như cây sắn, đậu phụng, cỏ voi dùng cho chăn nuôi... Tính đến 15/3 diện tích gieo trồng một số loại cây như sau: Ngô 2.050 ha, tăng 4,1%; rau các loại 3.950 ha, tăng 3,3%; đậu các loại 1.190 ha, giảm 0,2%; lạc 430 ha, tăng 4,9%; đậu tương 41 ha, tăng 2,5%,.... so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2021, sản lượng thu hoạch một số cây công nghiệp lâu năm như: Điều 60 tấn, giảm 4,2%; hồ tiêu 350 tấn, giảm 2,2%; cao su 1.200 tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng một số loại cây ăn quả chủ yếu: Chuối 5.400 tấn, tăng 5,9%; dứa 3.930 tấn, tăng 4%; xoài 130 tấn, tăng 4,8%... so với cùng kỳ năm trước.
Một số đối tượng sâu bệnh gây hại: Trên cây lúa, chuột cắn phá 49,2 ha, bệnh đạo ôn 35,1 ha, bệnh đốm sọc vi khuẩn 32 ha, bệnh bạc lá 2 ha trên những diện tích lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - đòng; cây hành lá, bệnh thối nhũn 0,7 ha tại xã Bình Kiến; rau cải, sâu xanh bướm trắng 3 ha tại huyện Tuy An; cây ngô, sâu keo mùa thu 11,1 ha; cây sắn, bệnh khảm lá virus gây hại 6.020 ha (Sông Hinh 2.600 ha, Đồng Xuân 1.800 ha, Sơn Hòa 1.060 ha, Tây Hòa 550 ha); cây mía, bệnh cháy lá gây hại 130 ha; cây tiêu, bệnh đốm đen mặt dưới lá, chết nhanh, thán thư, đốm tảo đang gây hại rải rác ở hầu hết các vườn tiêu (chủ yếu ở cây tiêu già và chế độ chăm sóc kém).
Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Đàn trâu, bò 174.483 con, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước, do diện tích chăn thả ngày càng bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa. Chăn nuôi lợn có xu hướng hồi phục trở lại, đàn lợn 122.308 con, tăng 12,8%; đàn gia cầm 3.883 ngàn con, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong quý I/2021: Thịt trâu hơi xuất chuồng trong đạt 85 tấn, tăng 3,7%; đàn bò phát triển khá do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán thịt bò hơi ở mức cao nên người nuôi có lãi, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 5.400 tấn, tăng 4,4%, thịt lợn hơi 5.500 tấn, tăng 8,2%; sản lượng thịt gia cầm hơi 4.650 tấn, tăng 4,1% (trong đó, thịt gà 4.000 tấn, tăng 5,1%); trứng gia cầm đạt hơn 41,3 triệu quả, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về công tác tiêm phòng vaccine đợt I năm 2021 cho gia súc, gia cầm từ ngày 01/3/2021, vaccine LMLM trâu, bò lũy kế 7.825 con, tụ huyết trùng trâu, bò lũy kế 2.664 con, dại chó lũy kế 578 con, vaccine cúm gia cầm (do người dân tự mua) lũy kế 36.500 con, tiêm phòng bổ sung cúm gia cầm (do ngân sách hỗ trợ) đối với 2 huyện nguy cơ cao Phú Hòa và thị xã Đông Hòa lũy kế 407.700 con.
1.2. Lâm nghiệp
Ngành lâm nghiệp chỉ đạo các tổ chức, hộ gia đình chăm sóc diện tích rừng sản xuất trồng tập trung đợt 1 khoảng 7.100 ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước; trong quý I/2021 khai thác rừng trồng tập trung với sản lượng 22,1 ngàn m3 gỗ, tăng 5,4%; củi khai thác 2,5 ngàn ster, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2021, công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và lập biên bản xử lý kịp thời 29 vụ vi phạm giảm 39,6% (-19 vụ), trong đó: 02 vụ phá rừng trái phép làm diện tích rừng giảm 1,46 ha. Xử lý 44 vụ vi phạm, phạt tiền 960 triệu đồng; lâm sản tịch thu 28,5 m3.
1.3. Thuỷ sản
Diện tích thả nuôi thủy sản các loại quý I/2021 đạt 1.019 ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Tôm 735 ha[1], tăng 0,3% (tôm sú 155 ha, tăng 1,3%; tôm thẻ 580 ha, bằng 100%), cá các loại 143 ha, bằng 100%; thủy sản các loại 141 ha, bằng 100%.
Sản lượng tôm Post sản xuất đạt 15 triệu con tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu xuất bán phục vụ nuôi trồng trong tỉnh.
Tình hình dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng có 7,05 ha bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp, tôm nuôi khoảng 20 đến 42 ngày tuổi (TX. Sông Cầu 2,05 ha, TX. Đông Hòa 5 ha). Các ngành chức năng đã hướng dẫn các biện pháp phòng và chữa bệnh, cấp thuốc sát trùng Sodium Chlorite 20% để xử lý hồ nuôi, tiếp tục theo dõi không để dịch bệnh lây lan sang diện rộng.
Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản quý I/2021 ước tính 16.935 tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá các loại 14.615 tấn, giảm 0,2%; tôm 460 tấn, tăng 7,2%; thủy sản các loại 1.860 tấn, tăng 0,1%.
+ Sản lượng thủy sản khai thác 16.585 tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước (giảm ở sản lượng khai thác thủy sản nội địa 85 tấn, giảm 7,6%, do nước thải sinh hoạt đổ ra sông, kênh, mương gây ô nhiễm nguồn nước, nguồn lợi thủy sản nội địa không sinh sản, phát triển kịp thời cho việc khai thác, một số ao hồ bị san lấp mặt bằng để xây dựng các công trình), trong tổng sản lượng thủy sản khai thác: Khai thác thủy sản biển 16.500 tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: Cá các loại 14.500 tấn, giảm 0,2%; tôm 150 tấn, tăng 2,7%; thủy sản khác 1.850 tấn, tăng 0,1%.
+ Sản lượng thủy sản nuôi trồng 350 tấn, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Tôm 310 tấn, tăng 9,5%[2], (tôm thẻ chân trắng150 tấn, tăng 12,8%; tôm hùm 160 tấn, tăng 6,7%); cá nuôi lồng các loại 40 tấn, tăng 21,2%.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2021 dự tính tăng 5,6%. Tính chung quý I/2021 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5%[3]; sản xuất, phân phối điện, hơi nước tăng 7,8%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 3%.
Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) quý I/2021 dự tính 7.644,4 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, chia theo các ngành: Công nghiệp khai khoáng 72,6 tỷ đồng, tăng 0,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo 6.985,5 tỷ đồng, tăng 6,5%; sản xuất và phân phối điện, hơi nước 542,4 tỷ đồng, tăng 7,9%; cung cấp nước và quản lý, xử lý rác thải 43,9 tỷ đồng, tăng 3,2%.
Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh) quý I/2021 dự tính 5.242,2 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, chia theo các ngành: Công nghiệp khai khoáng 49,5 tỷ đồng, tăng 0,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo 4.655,5 tỷ đồng, tăng 4,2%; sản xuất và phân phối điện, hơi nước 509 tỷ đồng, tăng 7,9%; cung cấp nước và quản lý, xử lý rác thải 28,2 tỷ đồng, tăng 3%.
Chỉ số tiêu thụ dự tính quý I/2021 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có một số ngành cấp II có chỉ số tiêu thụ tăng như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 39,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 9,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 4,4%; sản xuất trang phục tăng 12,9%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,6%; sản xuất sản phẩm cao su và plastic tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu sản xuất dự tính quý I/2021 tăng so với cùng kỳ năm trước như: Chip điện tử tăng 14,2%; viên nén tăng 14,7%; gỗ thông ván tăng 14,4%; dăm gỗ các loại tăng 7,6%; điện sản xuất tăng 10%; thuốc viên các loại tăng 10,5%; tinh bột sắn các loại tăng 2,9%; hải sản các loại tăng 5,3%; xi măng các loại tăng 2,1%; nhân hạt điều các loại tăng 10,4%; nước uống được tăng 5,9%; điện thương phẩm tăng 6,3%; phân bón các loại tăng 2,9%.
3. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
Hoạt động của doanh nghiệp: Tính từ đầu năm đến ngày 01/3/2021 trên địa bàn tỉnh Phú Yên: Có 73 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký là 409,2 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước, vốn đăng ký bình quân 01 doanh nghiệp thành lập mới đạt 5,6 tỷ đồng/01 doanh nghiệp tăng 36,4% so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 01 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 32 doanh nghiệp giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước; Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 07 doanh nghiệp, giảm 46,2% so với cùng kỳ năm trước.
4. Xây dựng, đầu tư
4.1. Xây dựng
Hoạt động xây dựng quý I/2021 giảm so với cùng kỳ năm trước do nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước giảm mạnh; mặt khác, do tác động của dịch Covid-19 trong năm 2020 và quý I/2021 đã ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn và hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, nhất là khu vực doanh nghiệp, hộ dân cư.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành quý I/2021 ước tính 2.194,8 tỷ đồng, bằng 74% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Doanh nghiệp ngoài Nhà nước 1.780,8 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 81,1%, bằng 76,5%; loại hình xã/phường/thị trấn 25 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 1,1%, tăng 20,2%; hộ dân cư 389 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 17,8%, bằng 63%. Chia theo loại công trình: Công trình nhà ở 340,5 tỷ đồng, bằng 55,4%; công trình nhà không để ở 653,9 tỷ đồng, tăng 50,7%; công trình kỹ thuật dân dụng 777,1 tỷ đồng, bằng 41,1%; hoạt động xây dựng chuyên dụng 423,3 tỷ đồng, gấp 2,7 lần.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo (giá so sánh năm 2010) đạt 1.410,1 tỷ đồng, bằng 71,6% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo loại công trình: Công trình nhà ở 219 tỷ đồng, bằng 53,6%; công trình nhà không để ở 420,5 tỷ đồng, tăng 46%; công trình kỹ thuật dân dụng 499,7 tỷ đồng, bằng 42,7%; hoạt động xây dựng chuyên dụng 270,9 tỷ đồng, gấp gần 2,7 lần.
4.2. Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý theo giá hiện hành tháng 3/2021 dự tính 298 tỷ đồng, tăng 29,1% so tháng trước và giảm 22,3% so với cùng kỳ với năm trước. Tính chung quý I/2021 là 805,2 tỷ đồng đạt 14,7% so kế hoạch năm và giảm 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 432,3 tỷ đồng, giảm 41,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 371,7 tỷ đồng, giảm 8,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 1,2 tỷ đồng, giảm 19,2%.
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn theo giá hiện hành quý I/2021 dự tính 3.097,9 tỷ đồng, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước 810,7 tỷ đồng, giảm 29,7%; vốn trái phiếu Chính phủ 83,5 tỷ đồng, giảm 47,8%, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 2.161,6 tỷ đồng, 15,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 41,7 tỷ đồng, giảm 70%.
Vì đầu năm kế hoạch vốn phân bổ cho các dự án chưa đầy đủ, nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn đang thiếu vốn và vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên rất khó để tiếp tục triển khai thi công như: Dự án Hồ điều hòa Hồ Sơn và hạ tầng xung quanh; kè chống sạt lở, bồi lấp cửa biển Đà Diễn; kè chống sạt lở bờ sông Ba kết hợp với phát triển hạ tầng đô thị đoạn từ cầu Đà Rằng mới tới cầu Đà Rằng cũ; nút giao thông khác mức đường Hùng Vương - Quốc lộ 1A;… nên chủ yếu thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước sang.
5. Thương mại, giá cả, dịch vụ
Quý I/2021, tình hình lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo, các đơn vị chủ động cung ứng hàng hóa cho thị trường nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Ưu tiên dùng hàng Việt Nam để phục vụ Nhân dân, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu với giá cả hợp lý và chất lượng tốt. Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; bình ổn thị trường, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại chợ, phục vụ tốt nhu cầu của Nhân dân nhất là dịp Tết Nguyên đán. Tuy tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát trong cộng đồng tại một số tỉnh trên đất nước Việt Nam, nhưng đến nay cơ bản đã được kiểm soát. Hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ vẫn duy trì và phát triển; một số ngành dịch vụ bị tác động giảm mạnh; hoạt động lữ hành ngừng tour. Tháng 3/2021 lượng khách du lịch về tỉnh đã nhộn nhịp trở lại làm cho doanh thu lưu trú, ăn uống tăng khá so với tháng trước.
5.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2021 ước tính 3.009,9 tỷ đồng, giảm 1,3% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính 9.441 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2021 là 2.573,7 tỷ đồng, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số nhóm ngành hàng tăng khá đó là: Hàng may mặc tăng 20,4%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 15,4%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 46,3% là nhóm tăng cao nhất, do ảnh hưởng giá vàng thế giới tăng, kéo theo giá vàng trong nước tăng cao; nhiên liệu khác tăng 38% do tình hình dịch bệnh được kiểm soát nên nhu cầu tiêu dùng tăng và giá tăng;....
Tính chung quý I/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tính 8.039 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong 12 nhóm ngành hàng chủ yếu, chỉ có nhóm xăng, dầu các loại là giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng giá dầu thế giới giảm, giá bán trong nước giảm và sức tiêu thụ chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh thu đạt mức thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước; các nhóm còn lại đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một nhóm ngành hàng tăng khá đó là: Hàng may mặc tăng 16,5%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 13%; ô tô con (loại dưới 9 chỗ ngồi trở xuống) tăng 77,1% do vào dịp Tết Nguyên đán nên sức mua tăng mạnh; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 39,9%; nhiên liệu khác tăng 21,6%.....
- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Tháng 3/2021 tình hình dịch bệnh được kiểm soát không còn nguy cơ lây lan ra cộng đồng nên lượng khách du lịch về tỉnh nhộn nhịp hơn và doanh thu ước tính 320,3 tỷ đồng, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú 14,3 tỷ đồng, tăng 20%; doanh thu dịch vụ ăn uống 305,9 tỷ đồng, tăng 21,6%).
Tính chung quý I/2021, Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành là 1.030,2 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú 39 tỷ đồng, giảm 17%; doanh thu dịch vụ ăn uống 990,7 tỷ đồng, tăng 5,5%.
Lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ trong quý ước tính 127,4 ngàn lượt khách gảm 38,5% so với cùng kỳ năm trước (lượt khách ngủ qua đêm 100,5 ngàn lượt khách giảm 23,2%, trong đó lượt khách quốc tế gần 1 ngàn lượt khách, giảm 76,2%).
Lượt khách tham quan tại 02 thắng cảnh Gành Đá Đĩa và Bãi Môn -Mũi Đại Lãnh, tính từ đầu năm đến ngày 14/3/2021 là 103,5 ngàn lượt khách, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước (trong đó có 131 lượt khách quốc tế, giảm 91%). Doanh thu bán vé 1,2 tỷ đồng, giảm 45,5%.
Đến nay, toàn tỉnh có 385 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, tăng 175 cơ sở, tăng 83,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 03 khách sạn 5 sao, 02 khách sạn 4 sao, 03 khách sạn 3 sao, 06 khách sạn 2 sao, 42 khách sạn 1 sao, 72 khách sạn, 87 nhà nghỉ và 26 homestay đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu kinh doanh lưu trú du lịch. Tổng số buồng lưu trú du lịch hiện có khoảng 6.250 buồng, tăng 2.020 buồng và tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có trên 900 buồng đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao.
- Dịch vụ khác: Tháng 3/2021 ước tính 115,9 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2021 là 371,8 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.
5.2. Giá cả
5.2.1. Chỉ số giá tiêu dùng
Tình hình thị trường giá cả trong quý I nhìn chung đảm bảo cung - cầu hàng hóa; công tác điều hành, kiểm tra, kiểm soát và bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán thực hiện tốt, nhất là tại thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đã có nhiều chuyến hàng phục vụ bà con trong dịp Tết đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, hàng hóa phục vụ về cơ bản phong phú, đa dạng.
Cục quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phòng chống buôn bán hàng lậu và gian lận thương mại, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm ngăn chặn những hành vi gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng tăng giá. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/3/2021: Tổng số vụ kiểm tra quản lý thị trường 136 vụ, số vụ vi phạm là 128 vụ, số vụ xử lý 158 vụ với 185 hành vi vi phạm. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 762 triệu đồng của phạt hành chính.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2021 giảm 0,62% so tháng trước, do chịu tác động chính từ 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ là: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,48% (tác động làm CPI chung giảm 0,83%); nhóm giao thông tăng 2,45% (tác động làm CPI chung tăng 0,23%). Tháng 3/2021 giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm đã giảm trở về với mặt bằng trước Tết, mùa xuân thời tiết thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi và khai thác thủy hải sản; nhiều mặt hàng thực phẩm đang vào chính vụ thu hoạch, nguồn cung đa dạng, phong phú, giá cả giảm. Trong chỉ số giá nhóm giao thông tăng 2,45%, chủ yếu mặt hàng xăng tăng 6,78%; dầu diezel tăng 8,01% đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay do giá xăng dầu thế giới tăng; tuy nhiên chỉ số nhóm dịch vụ giao thông giảm 1,91% do đã qua dịp Tết Nguyên đán (trong đó: Vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 12,34%, vận tải hành khách bằng đường hàng không giảm 4,1%, dịch vụ giao nhận hành lý và hành lý gửi giảm 1,79%)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2021 so cùng tháng năm trước tăng 1,73%, do chịu tác động tăng từ nhóm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,65% (lương thực tăng 17,66%, ăn uống ngoài gia đình tăng 10,25%); đồ uống và thuốc lá tăng 1,65%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 1,72%; giáo dục tăng 5,14% (dịch vụ giáo dục tăng 5,88%). Các nhóm còn lại tăng giảm trong khoảng giảm 1,14% đến tăng 1,07%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2021 tăng 1,06% so tháng 12 năm trước, tăng cao nhất là nhóm hàng lương thực tăng 7,4%; giao thông tăng 6,6%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,73%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,13%; các nhóm còn lại tăng trên, dưới 1%. Riêng nhóm thực phẩm giảm 3,08% do nhiều mặt hàng thực phẩm đang vào chính vụ thu hoạch, nguồn cung nhiều, đa dạng, phong phú, giá cả giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2021 so bình quân cùng kỳ năm 2020 tăng 1,2%. Một số yếu tố tác động mạnh đến CPI chung tăng đó là giá hàng lương thực tăng 15,67% do lúa vụ đông xuân chưa vào chính vụ thu hoạch và nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực ở Mỹ và một số các quốc gia được kỳ vọng vẫn ở mức cao, theo dự báo trong năm 2021, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu ước đạt 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 12,24% do giá nguyên liệu và chi phí nhân công tăng; đồ uống, thuốc lá 1,59%; may mặc, mũ nón giày dép tăng 2,12%; giá dịch vụ giáo dục tăng 5,88% do tăng theo lộ trình hàng năm.
5.2.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá vàng trên địa bàn chịu tác động chính của giá vàng thế giới, biến động tăng giảm theo giá vàng trong nước. Trong tháng 3/2021, giá vàng 99,99 bình quân là 5.362.000 đồng/chỉ; so tháng trước giảm 3,72%, so cùng tháng năm trước tăng 17,46%, so tháng 12 năm trước giảm 1,29%. Giá Đô la Mỹ bình quân là 23.130 VND/USD; so tháng trước tăng 0,07%, so cùng tháng năm trước giảm 0,81%, so tháng 12 năm trước giảm 0,43%.
Quý I/2021, giá vàng 99,99 bình quân 5.496.000 đồng/chỉ; so cùng kỳ năm trước tăng 23,55%. Giá 1 Đô la Mỹ tại NHNN Việt nam bình quân 23.143 đồngVN/USD, so với cùng kỳ năm trước giảm 0,58%.
5.2.3. Chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản
Chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2021 tăng 4,25% so với quý trước, so cùng quý năm trước tăng 12,7%.
So quý trước chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,25% do tác động từ các nhóm mặt hàng như:
Sản phẩm từ cây hàng năm tăng 7,02%[4] so quý trước; sản phẩm từ cây lâu năm giảm 0,04%[5]; sản phẩm từ chăn nuôi tăng 2,01% do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán tăng (tăng chủ yếu ở sản phẩm chăn nuôi trâu, bò tăng 8,48%; dê, cừu, hươu, nai tăng 5,5%; gia cầm tăng 2,76%; riêng sản phẩm chăn nuôi lợn giảm 5,35% do nhập khẩu lợn thịt và lượng lợn tái đàn cũng tăng lên nên giá lợn con giống và lợn hơi giảm;
Sản phẩm lâm sản khác trừ gỗ tăng 3,99%; sản phẩm thu nhặt tăng 4,54%;
Thủy sản khai thác tăng 3,14%, thủy sản nuôi trồng tăng 3,63% trong đó, nhóm sản phẩm thủy sản biển nuôi trồng tăng 4,34% cụ thể như: Sản phẩm cá nuôi biển tăng 2,57%; tôm nuôi biển tăng 4,68%; cá nuôi nước lợ tăng 2,37%; tôm nuôi nước lợ tăng 2,71%; sản phẩm khác nuôi nước lợ tăng 7,07%, do ngư trường khai thác không thuận lợi, thời tiết biển động, sản lượng đánh bắt giảm cộng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết tăng đã đẩy giá nhiều sản phẩm thủy sản tăng cao
5.3. Vận tải hành khách, hàng hóa
Hoạt động vận tải trong quý I/2021 giảm so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu đi lại du lịch giảm vì đề phòng dịch bệnh; dịch vụ vận chuyển hành khách, cho thuê xe du lịch, dịch vụ taxi,… đều giảm; hoạt động vận chuyển hàng hóa tăng lên đáng kể do là thời điểm thu hoạch hàng nông sản sắn, mía và mùa xây dựng cũng đã bắt đầu. Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên phương tiện vận tải hành khách; chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải tiếp tục được cải thiện.
Tổng doanh thu ngành vận tải tháng 3/2021 ước tính 235,3 tỷ đồng, tăng 11,5%so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách 32,1 tỷ đồng, tăng 10,8%; vận tải hàng hóa 197,2 tỷ đồng, tăng 10,4%; kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 6 tỷ đồng, tăng 74,4%;
Tính chung quý I/2021 là 770 tỷ đồng, tăng 8,4%, trong đó: Vận tải hành khách 105,6 tỷ đồng, giảm 15,5%; vận tải hàng hóa 644,3 tỷ đồng, tăng 12,7%; kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 20,1 tỷ đồng, tăng 47,4%.
Tháng 3/2021, khối lượng hành khách vận chuyển đường bộ ước tính 625,9 ngàn lượt khách, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển 43.238,9 ngàn lượt khách.km, tăng 5%; khối lượng hàng hóa vận chuyển đường bộ là 827,2 ngàn tấn, tăng 7,3%; khối lượng hàng hoá luân chuyển 45.120,7 ngàn tấn.km, tăng 9,9%;
Quý I/2021, khối lượng hành khách vận chuyển đường bộ là 2.223,7 ngàn lượt khách, giảm 24,2%; khối lượng hành khách luân chuyển 142.059,6 ngàn lượt khách.km, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa vận chuyển đường bộ 2.608,9 ngàn tấn, tăng 2,6%; khối lượng hàng hóa luân chuyển 169.527 ngàn tấn.km, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Luồng tuyến vận tải: Đến nay đã có 35 tuyến vận tải khách liên tỉnh, 07 tuyến nội tỉnh, 05 tuyến vận tải khách công cộng bằng xe buýt; tổng số phương tiện vận tải hành khách 1.192 xe/16.860 ghế (trong đó: số lượng xe hoạt động tuyến cố định 162 xe/4.964 ghế, hợp đồng 382 xe/6.759 ghế, xe buýt 37 xe/1.850 ghế, xe taxi 595 xe/3.231 ghế (5 đơn vị), 16 xe trung chuyển/256 ghế); tổng số phương tiện vận tải hàng hóa (đầu kéo, container, xe tải) đã cấp phép vận tải 3.947 xe/33.280 tấn
Vận tải đường sắt: Lượng hành khách lên tàu tại các ga trên địa bàn tỉnh trong quý đạt 19.626 lượt khách, giảm 32,54% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hàng không: Lượng hành khách qua Cảng Hàng không Tuy Hòa trong quý đạt 71.105 lượt khách[6], giảm 21,46% so với cùng kỳ năm trước.
Khai thác cảng biển: Lượng hàng hóa thông qua cảng Vũng Rô trong quý đạt 34.000 tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
6. Tài chính, ngân hàng
6.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước
- Tổng thu ngân sách Nhà nước NSNN trên địa bàn tính đến ngày 17/3/2021 là 911 tỷ đồng, đạt 17,2% DTTW; đạt 10,6% dự toán tỉnh giao.
- Tổng chi NSĐP 2.752 tỷ đồng, đạt 29,5% DTTW; đạt 21,7% dự toán tỉnh giao; trong đó chi thường xuyên là 1.063 tỷ đồng. Nhìn chung, ở các lĩnh vực chi NSĐP cơ bản đều đảm bảo theo tiến độ dự toán được giao, đáp ứng được nhiệm vụ đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
- Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh, tổng thu NSNN trên địa bàn ước tính tháng 3/2021 là 409 tỷ đồng.
Quý I/2021 là 1.170 tỷ đồng, đạt 22,1% dự toán Trung ương (DTTW) và đạt 13,5% dự toán tỉnh giao, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Thu nội địa 1.160 tỷ đồng, đạt 22,3% so DTTW và đạt 13,5% so dự toán tỉnh giao, tăng 1,1% so cùng kỳ năm trước; thu thuế xuất nhập khẩu 10 tỷ đồng đạt 14,3% so DTTW và dự toán tỉnh giao;
So dự toán tỉnh giao có 9 khoản thu đạt và vượt so bình quân một quý như: Thu từ khu vực DNNN Trung ương 28,7%, địa phương 30,9%; thuế công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 26,6%; phí và lệ phí 32,4%; thu xổ số kiến thiết 47,5%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 31,3%; thu khác ngân sách 25,9%; trước bạ 25,9%.
Các khoản thu chưa đạt tiến độ dự toán tỉnh giao như: Thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài 22%; thuế bảo vệ môi trường 23%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 17%; tiền thuê đất 8,3%; thu tiền sử dụng đất 6%; thu từ quỹ đất công và hoa lợi khác 19,8%.
So cùng kỳ năm trước có 11 khoản thu đạt cao hơn đó là: Thu từ khu vực DNNN trung ương tăng 27%, địa phương tăng 1%; DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20%; thuế ngoài quốc doanh tăng 2,4%; thuế thu nhập cá nhân tăng 14%; lệ phí trước bạ tăng 32%; phí lệ phí tăng 22%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tăng 157%; thu tiền sử dụng đất tăng 32%; thu xổ số kiến thiết tăng 0,8%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tăng 15%. Các khoản thu thấp hơn so cùng kỳ năm trước: Thuế xuất nhập khẩu giảm 50%; thuế bảo vệ môi trường giảm 3%; thu từ quỹ đất công và hoa lợi khác giảm 32%; tiền thuê đất giảm 68%; thu khác giảm 3%;
6.2. Hoạt động ngân hàng
- Mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng; 2,8%-4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng; 3,5%-6,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 06 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 4,4%-7,4%/năm. Lãi suất huy động USD là 0%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm đối với ngắn hạn, ở mức 7%-10,6%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường và cho vay tiêu dùng ở mức 5%-15%/năm đối với ngắn hạn; 6,5%-16%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,0%-9,1%/năm, trong đó lãi suất ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0%-7,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2%-9,1%/năm.
Hiện nay, các NHTM áp dụng lãi suất cho vay VNĐ ≤ 6,5%/năm dư nợ là 3.048 tỷ đồng, chiếm 9,29% dư nợ cho vay của các NHTM; lãi suất trên 6,5%/năm đến ≤ 9%/năm, dư nợ 12.960 tỷ đồng, chiếm 39,5% dư nợ cho vay của các NHTM; cho vay với lãi suất trên 9%/năm (chủ yếu là các khoản vay trung dài hạn, cho vay tiêu dùng) đạt dư nợ 16.788 tỷ đồng, chiếm 51,2% dư nợ cho vay của các NHTM...
- Về tỷ giá, ngoại hối và thị trường vàng: Đến ngày 10/3/2020 tỷ giá mua, bán USD của các NHTM trên địa bàn phổ biến ở mức 22.930 - 23.140 VND/USD; ước tính trong quý I/2021 giá trị giao dịch ngoại tệ quy VND đạt 1.298,52 tỷ đồng, trong đó doanh số mua vào là 691,21 tỷ đồng, doanh số bán ra là 607,31 tỷ đồng; tổng số kiều hối chuyển về địa phương thông qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn ước tính 6,3 triệu USD (tương đương 146 tỷ đồng). Đây là dòng vốn ròng tạo điều kiện hỗ trợ cho các NHTM cung ứng ngoại tệ cho khách hàng, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.
- Ước tính đến cuối tháng 03/2021, vốn huy động đạt 30.057 tỷ đồng[7], tăng 4,4% so với cuối năm 2020, nhìn chung, vốn huy động tại chỗ đáp ứng được nhu cầu vốn của các TCTD trên địa bàn. Chia ra: Tiền gửi VND 29.656 tỷ đồng, chiếm 98,7%/tổng nguồn vốn huy động; tăng 4,5% so với cuối năm 2020; tiền gửi ngoại tệ quy VND là 285 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cuối năm 2020; phát hành giấy tờ có giá bằng VND 116 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2020.
- Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 03/2021 đạt mức 36.377 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cuối năm 2020. Trong đó: Cho vay bằng VND 35.834 tỷ đồng, chiếm 98,5%/tổng dư nợ cho vay, tăng 0,5% so với cuối năm 2020; cho vay ngoại tệ quy VND 543 tỷ đồng, tăng 0,6%.
Đến cuối tháng 02/2021, nợ xấu là 276,2 tỷ đồng, chiếm 0,76% trên tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, Nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 là 143,7 tỷ đồng, tăng 10,5 tỷ đồng so với cuối năm 2020 do chuyển nhóm nợ, chiếm 52%/tổng nợ xấu toàn địa bàn. Hiện nay, các ngân hàng đã triển khai các giải pháp xử lý tài sản để thu hồi nợ.
- Công tác tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp và hộ dân vay vốn ngân hàng: Đã cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất cho các khoản vay cũ. Tính đến 28/02/2021, các NHTM đã cơ cấu lại nợ cho 2.190 khách hàng với tổng số nợ gốc là 1.560 tỷ đồng và nợ lãi là 94 tỷ đồng trên toàn địa bàn.
- Kết quả chi trả tiền lãi được ngân sách địa phương cấp bù do thực hiện khoanh nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi cơn bão số 12 năm 2017 là 9.299 tỷ đồng như sau: Tổng số tiền lãi đã thực hiện chi trả cho khách hàng là 2.880,4 tỷ đồng, với 68 khách hàng; số chưa thực hiện chi trả là 6.418,6 tỷ đồng với 325 khách hàng. Agribank Phú Yên dự kiến sẽ hoàn thành việc chi trả đầy đủ cho các khách hàng trong quý 2/2021.
7. Các vấn đề xã hội
7.1. Tình hình dân số, lao động và việc làm
- Ước tính dân số trung bình năm 2021 là 875.564 người, tăng 1.269 người so năm 2020, trong đó nữ là 435.323 người. Dân số khu vực thành thị là 286.267 người, tương ứng chiếm 32,7% và khu vực nông thôn là 589.297 người, chiếm 67,3%.
- Hiện nay, lực lượng lao động toàn tỉnh là 512.916 người, chiếm 58,58% so tổng dân số; trong đó nữ là 238.557 người. Lực lượng lao động khu vực thành thị là 156.849 người và khu vực nông thôn là 356.067 người. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 505.296 người, chiếm 57,71% trên tổng số dân. Trong đó, lao động đang làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 221.367 người, chiếm 43,8%; ngành công nghiệp và xây dựng là 113.527 người, chiếm 22,5%; ngành dịch vụ là 170.402 người, chiếm 33,7%.
- Đến quý I/2021, toàn tỉnh Phú Yên có khoảng 13 nghìn người thiếu việc làm, chiếm 3,2% trong tổng số người có việc làm, đa phần thiếu việc làm rơi vào khu vực nông thôn; toàn tỉnh khoảng 7.620 người thất nghiệp chiếm 1,5% trong lực lượng lao động (tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,2%, khu vực nông thôn là 1,2%).
7.2. Tình hình thực hiện chính sách đối với người có công cách mạng
Thực hiện chi trả trợ cấp tháng 2 và 3/2021 cho gần 11.300 đối tượng hưởng chính sách kịp thời, đầy đủ trước Tết Nguyên đán; phát động phong trào, vận động 01 ngày lương đóng góp “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công. Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Đền thờ liệt sĩ tỉnh Phú Yên.
Tặng quà Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngoài phần quà của Chủ tịch Nước 19.076 suất, số tiền gần 5,8 tỷ đồng; các cấp đã trích ngân sách tổ chức thăm hỏi, tặng quà 36.097 suất, với số tiền gần 17,5 triệu đồng cho các đối tượng gồm người có công, đối tượng tiêu biểu, cán bộ hưu trí, chúc thọ mừng thọ, người nghèo tiêu biểu; các huyện, thị xã, thành phố tặng quà cho 20.598 đối tượng chính sách với tổng số tiền hơn 3,9 tỷ đồng.
7.3. Công tác bảo trợ xã hội
Chi trả trợ cấp xã hội tháng 2 và 3/2021 cho 50.866 đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí hơn 37 tỷ đồng.Tổ chức thăm, tặng quà mừng thọ 1.724 cụ tròn 100 tuổi, tròn 90 tuổi và trên 100 tuổi, với tổng số tiền gần 1,25 tỷ đồng. Trợ cấp thiếu ăn trong dịp Tết cho 9.130 hộ/20.725 khẩu với 328,53 tấn gạo. Tặng 80.143 suất quà cho hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng số tiền hơn 37 tỷ đồng.
7.4. Giáo dục
Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Nhà xuất bản tổ chức các hội thảo tập huấn Sách giáo khoa lớp 2; tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 năm học 2021-2022; tổ chức các tiết dạy thử nghiệm của tài liệu Giáo dục địa phương lớp 2 tại TP. Tuy Hòa, huyện Phú Hòa, Đồng Xuân, Tuy An. Hội thảo giới thiệu các bộ sách giáo khoa lớp 6, bộ sách tiếng Anh lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tổ chức cho trẻ em, học sinh, học viên trở lại trường để học kể từ ngày 01/3/2021 nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
7.5. Y tế
Tính đến ngày 19/3/2021, bệnh sốt xuất huyết phát hiện 09 ổ dịch, 343 ca mắc, tử vong 02 ca. So với cùng kỳ năm trước: Giảm 8 ổ dịch, giảm 38,8% số ca mắc, tăng 2 ca tử vong. Bệnh tay chân miệng 15 ca mắc, tăng 66,7% so với cùng kỳ năm trước. Bệnh sốt rét có 15 trường hợp mắc, sốt rét ác tính (SRAT) 0, tử vong 0; so với cùng kỳ năm trước giảm 77,6% số ca mắc.
Trong tháng phát hiện mới 2 trường hợp nhiễm HIV(+), luỹ kế toàn tỉnh có 814 ca nhiễm HIV (trong đó 301 bệnh nhân AIDS, 201 bệnh nhân tử vong). Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone cho 73 bệnh nhân.
Chương trình tiêm chủng mở rộng, đến cuối tháng 03/2021 đạt 16,5% số cháu dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại Vaccine phòng bệnh; số bà mẹ mang thai được tiêm phòng uốn ván 2 mũi đạt tỷ lệ 16,1%.
Tính đến ngày 19/3/2021, Trạm chuyên khoa Tâm thần đã khám 919 lượt, trong đó tham gia khám giám định y khoa 56 lượt, khám giám định pháp y là 34 lượt. Trạm chuyên khoa Lao khám 1.240 lượt, phát hiện mới 162 trường hợp mắc, trong đó có 104 trường hợp xét nghiệm có trực khuẩn lao(+). Trung tâm Giám định y khoa đã khám cho 2.998 lượt người, trong đó có 1.524 người khám sức khoẻ tuyển dụng, theo yêu cầu và 288 người khám giám định.
Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19
Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 124/BYT-KCB ngày 07/01/2021 của Bộ Y tế; Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân thực hiện đánh giá phòng khám theo Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại cơ sở; Đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp danh sách khách sạn thực hiện cách ly y tế để hoàn thiện cập nhật trên bản đồ; Ban hành Kế hoạch số 304/KH-SYT ngày 04/02/2021 về dự phòng đáp ứng khẩn cấp PC dịch Covid-19 tại cảng vũng Rô; Cung cấp số điện thoại đường dây nóng (0963.391414) để tiếp nhận thông tin về phòng, chống dịch Covid-19; Triển khai Quyết định số 1053/QĐ-BYT ngày 06/02/2021 về hướng dẫn đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19 tại nơi công cộng gửi đến các sở, ban, ngành, các địa phương, Ủy ban mặt trận TQVN tỉnh, các hội, đoàn thể, các trường đại học, cao đẳng, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện khai báo y tế bằng mã QR-Code; Xây dựng Dự thảo kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên năm 2021 trình UBND tỉnh phê duyệt ban hành.
Tính đến 17h ngày 20/3/2021 Sở Y tế công bố đã thực hiện giám sát y tế 76.618 trường hợp. Hiện tại, còn 95 người đang trong thời gian giám sát, cụ thể: Cách ly tại cơ sở y tế: 0/lũy kế 111 người; Cách ly tại cơ sở cách ly tập trung: 0/lũy kế 1.816 người; Cách ly tại nhà /nơi lưu trú: 4/lũy kế 4.538 người; Đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày: 91/lũy kế 70.153 người. Đã lấy mẫu làm xét nghiệm: 5.270 trường hợp, kết quả: âm tính 5.142, dương tính 27. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp bệnh xác định (lũy kế có 27 trường hợp bệnh xác định) và không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
7.6. Hoạt động văn hóa
Tổ chức đêm Thơ - Nhạc “Trăng Tháp Nhạn” vào các ngày rằm hàng tháng. Tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây”, năm an toàn giao thông năm 2021. Kiểm tra, rà soát về thẩm quyền chấp thuận xây dựng tượng đài danh nhân Lương Văn Chánh.
Tổ chức sưu tầm Văn hóa dân gian - Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên; sưu tầm hình ảnh phục vụ xuất bản tập sách “Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Phú Yên”. Thông qua Hội đồng khoa học và hoàn thành thủ tục sưu tầm 11 hiện vật (10 hiện vật gốm Quảng Đức và 01 hiện vật khác).
Thư viện tỉnh tổ chức trưng bày 260 bản sách nhân ngày Quốc tế phụ nữ (08/3), ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3); luân chuyển 200 bản sách đến cơ sở; phục vụ 6.657 lượt bạn đọc với 11.763 lượt tài liệu; cấp mới và gia hạn 58 thẻ bạn đọc.
7.7. Thể dục - Thể thao
Tổ chức giải vô địch cờ vua, cờ tướng tỉnh Phú Yên có 09 đội với 37 vận động viên tham gia (trong đó có 05 nữ).
7.8. Về du lịch
Sở Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện ứng dụng tờ khai y tế điện tử QR code; đăng ký cơ sở lưu trú phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 . Hỗ trợ các đoàn làm phim nhằm phối hợp tuyên truyền, quảng bá du lịch Phú Yên; tiếp tục sản xuất ấn phẩm phục vụ xúc tiến, quảng bá du lịch.
7.9. Tai nạn giao thông
Theo số liệu thống kê, tai nạn giao thông trong tháng 3/2021 tăng số vụ, số người chết và giảm số người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
Từ ngày 15/2/2021 - 14/3/2021, toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông, tăng 02 vụ; làm chết 08 người, tăng 04 người; bị thương 09 người, giảm 03 người so với cùng kỳ năm trước; thiệt hại tài sản 58,2 triệu đồng. Trong tháng chỉ xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.
Lũy kế từ 15/12/2020 - 14/3/2021, toàn tỉnh đã xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông, giảm 05 vụ; làm chết 26 người, giảm 01 người; bị thương 28 người, giảm 10 người so với cùng kỳ năm trước; thiệt hại tài sản 496,6 triệu đồng. Trong quý chỉ xảy ra tai nạn giao thông đường bộ 41 vụ, giảm 03 vụ so với cùng kỳ năm trước; làm chết 26 người, tăng 01 người; bị thương 28 người, giảm 10 người và thiệt hại tài sản 496,6 triệu đồng.
7.10. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Từ ngày 15/2/2021 - 14/3/2021 toàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy, ước thiệt hại tài sản 1.000 triệu đồng. Lũy kế đến 14/3/2020, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy, ước thiệt hại tài sản 1.048,2 triệu đồng.
Các lực lượng chức năng đã phát hiện 7 vụ vi phạm môi trường, lập biên bản xử lý vi phạm 6 vụ, phạt tiền 2,5 triệu đồng. Lũy kế đến 15/3/2021, toàn tỉnh phát hiện 15 vụ vi phạm môi trường, lập biên bản xử lý vi phạm 12 vụ, phạt tiền 2,5 triệu đồng.
Tóm lại, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021 tỉnh Phú Yên cơ bản ổn định, trong sản xuất nông nghiệp công tác gieo trồng tương đối thuận lợi, tuy nhiên từ đầu năm đến nay lượng mưa ít, một số cây trồng cạn ở một số vùng đang thiếu nước, chậm phát triển; trong chăn nuôi, đàn lợn tăng 12,8%; đàn gia cầm tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,1%; thu NSNN tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; công tác hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp được chú trọng; công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sản lượng hoa Tết cung ứng ra thị trường giảm, giá bán giảm từ 10-20% so Tết năm trước; hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ vẫn duy trì và phát triển; một số ngành dịch vụ bị tác động giảm mạnh; hoạt động lữ hành ngừng tour; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, các cấp, các ngành tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
- Triển khai thực hiện các Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Phối hợp tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã giao theo các Chương trình hành động số 01/CTr-UBND, 02/CTr-UBND ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh.
- Thực hiện nghiêm túc các giải pháp về phòng chống dịch Covid-19 và tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển hợp lý nuôi trồng thủy sản, ưu tiên đầu tư theo hướng thâm canh, công nghệ cao, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng; phát triển rừng. Thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.
- Tập trung nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu đảm bảo đạt kế hoạch đề ra. Tập trung triển khai các giải pháp để kích cầu du lịch, nhất là thu hút khách du lịch nội địa; phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh.
- Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước; sớm triển khai khởi công các dự án, nhất là các dự án năng lượng; xử lý, thu hồi các dự án vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, chậm tiến độ cam kết… Tổ chức Hội nghị gặp mặt đối thoại Doanh nghiệp, Nhà đầu tư năm 2021 theo định kỳ để kịp thời nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp, Nhà đầu tư. Tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tập thể, phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đạt kế hoạch số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2021 trên 500 doanh nghiệp.
- Chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách; khai thác hiệu quả các nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư phát triển. Triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, ưu tiên chi đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
- Triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Chú trọng công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo bền vững. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học đã đề ra. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân và phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh xã hội hóa y tế để từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở khám chữa bệnh theo hướng hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ có kết quả tốt vào thực tiễn sản xuất và đời sống...
- Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; phấn đấu giảm sâu cả 03 tiêu chí về an toàn giao thông. Làm tốt công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào, công tác lãnh sự, tư pháp có yếu tố nước ngoài; tăng cường quảng bá tiềm năng, lợi thế của Phú Yên ra nước ngoài để thu hút đầu tư.
- Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; xây dựng Chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, góp phần cắt giảm thời gian, giấy tờ và minh bạch trong việc giải quyết các công việc hành chính./.
________________________________________
[1] Diện tích nuôi tôm tập trung ở các địa phương như: Thị xã Sông Cầu 161 ha giảm 8,5%, huyện Tuy An 358 ha bằng 100%, thị xã Đông Hòa 210 ha tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
[2] Sản lượng tôm tăng mạnh chủ yếu thu hoạch 25 ha tôm thẻ chân trắng của thành phố Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa, năng suất bình quân 6 tấn/ha. Sản lượng tôm hùm tăng nhờ hùm xanh thương phẩm của thị xã Sông Cầu và Đông Hòa đã đến thời kỳ thu hoạch.
[3] Trong quý I/2021 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có một số ngành cấp II có chỉ số sản xuất tăng như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 16,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 10,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 10,1%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 6,1%; sản xuất trang phục tăng 7%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2%; sản xuất sản phẩm cao su và plastic tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
[4] Tăng chủ yếu sản phẩm thóc tăng 12,02% nguyên nhân do không phải mùa vụ thu hoạch chính, nguồn cung giảm cũng như sản lượng lương thực dự trữ trong dân ít mà nhu cầu tăng và thương lái thu mua với giá cao nên giá thóc tăng so với quý trước; sản phẩm ngô tăng 7,1%; sản phẩm củ có chất bột tăng 6,1%; sản phẩm đậu hạt chứa dầu tăng 3,85% do chưa vào mùa vụ thu hoạch lượng cung không đủ nên đẩy giá các sản phẩm này tăng; nhóm sản phẩm rau, đậu, hoa cây cảnh tăng 1,33%, trong đó: sản phẩm rau lấy quả tăng 6,89%, sản phẩm các loại rau khác tăng 8,05%, sản phẩm hoa các loại tăng 1,54%, cây cảnh tăng 5,88% nguyên nhân do nhu cầu tăng dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, sản phẩm có chỉ số giảm như: Lạc giảm 10,75%; vừng/mè giảm 0,67%; rau lấy lá giảm 6,64%; rau lấy củ, rễ hoặc lấy thân giảm 2,45% nguyên nhân do đang vào chính vụ, mặt khác thời tiết nắng ấm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại rau, đỗ, hoa sinh trưởng và phát triển tốt, nguồn cung dồi dào làm cho giá giảm mạnh.
[5] Sản phẩm hồ tiêu giảm 7,04%; cam, quýt và các loại quả có múi khác giảm 7,92% do đang vào mùa thu hoạch chính nguồn cung dồi dào nên thương lái mua ở mức giá thấp. Bên cạnh đó, sản phẩm có chỉ số tăng như: Xoài, sản phẩm cây ăn quả vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới tăng 9,57% , do nhu cầu tăng dịp Tết Nguyên đán nên một số quả tươi tăng giá như chuối, dứa, xoài… làm cho nhóm sản phẩm cây ăn quả tăng 8,41%; lá chè tươi tăng 28,09%; chỉ số sản phẩm quả chứa dầu tăng 2,4% do dừa quả khô tăng. Nhóm sản phẩm cây lâu năm khác và sản phẩm phụ cây hàng năm tăng 11,58%.
[6] Tuyến TP. HCM – Tuy Hòa: Trong quý I/2021 thực hiện 470 chuyến bay (cả đến và đi), vận chuyển 51.614 HK, hệ số sử dụng ghế 52,8%, giảm 9,5% số khách và tăng 22,4% số chuyến so với cùng kỳ năm trước; trong đó: VietJet Air thực hiện 144 chuyến bay, vận chuyển 14.970HK, hệ số sử dụng ghế 47,2%; Vietnam Airlines 146 chuyến bay, vận chuyển 16.474HK, hệ số sử dụng ghế 54,7%; Jetstar Pacific Airlines 130 chuyến bay, vận chuyển 16.1816HK, hệ số sử dụng 64,8%; Bamboo Airways 50 chuyến bay, vận chuyển 3.989HK, hệ số sử dụng ghế 44,6%;
Tuyến Hà Nội – Tuy Hòa: Thực hiện 204 chuyến bay (cả đến và đi), vận chuyển 19.491 HK, hệ số sử dụng ghế đạt 47,6%, giảm 41,8% số khách và giảm 22,7% số chuyến so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Vietnam Airline 80 chuyến bay, với 10.255HK, hệ số sử dụng ghế đạt 63%; VietJet Air 56 chuyến bay, 4.464HK, hệ số sử dụng ghế 38,7%; Bamboo Airways 68 chuyến bay, 4.772HK, hệ số sử dụng ghế 41% . Các Hãng hàng không đã thực hiện bay theo kế hoạch; tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19, lượng hành khách đi lại giảm nên đã cắt giảm chuyến bay vì lý do thương mại: Vietnam Airline bay bình quân 8 chuyến/tuần; VietJet Air bay bình quân 6 chuyến/tuần; Bamboo Airways bay bình quân 7 chuyến/tuần (cả đến và đi).
[7] Trong đó: Tiền gửi tiết kiệm 26.161 tỷ đồng, chiếm 87%/tổng nguồn vốn huy động, tăng 5,7% so với cuối năm 2020.
Website Cục thống kê tỉnh Phú Yên