Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/06/2021-09:11:00 AM
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2021

Nửa đầu năm 2021, triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện rõ rệt sau khi các quốc gia triển khai vắc-xin hiệu quả và đối phó tốt hơn với dịch Covid-19. Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu đều dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 đạt 5,6%, tốc độ tăng mạnh nhất sau suy thoái. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU dự báo đạt mức tăng trưởng khá nhờ nỗ lực tiêm vắc-xin và ban hành những gói cứu trợ nền kinh tế, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới GDP của Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro, Nhật Bản và Trung Quốc trong năm 2021 tăng lần lượt là 6,8%, 4,2%, 2,9% và 8,5%. Giá cả hàng hóa trên thế giới có xu hướng tăng, giá cổ phiếu tăng mạnh ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi.

Trong nước, đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 đã làm số ca nhiễm tăng mạnh, đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhờ có các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh quyết liệt, hiệu quả, mở rộng chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 trên diện rộng thì Việt Nam có đủ điều kiện để đạt được mục tiêu kép là kiềm chế đại dịch Covid-19 và đảm bảo tăng trưởng kinh tế vào năm 2021.

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 duy trì ổn định, ngay từ đầu năm Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm nay như sau:

I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Trong 6 tháng đầu năm 2021 bùng phát 2 đợt dịch Covid-19 mới tại một số địa phương theo chiều hướng phức tạp, tốc độ lây nhiễm nhanh làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Trước những tác động và khó khăn do dịch Covid-19 gây ra nền kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng là một thành công lớn các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 4,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,82%, đóng góp 0,62 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,75%, đóng góp 0,93 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 4,48%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,09%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 23,62%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,11% (riêng công nghiệp chiếm 7,5%); khu vực dịch vụ chiếm 54,34%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,93%.

II. TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG

1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2021 đạt được nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách tăng khá so với cùng kỳ năm trước; chi ngân sách tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo hoạt động chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/6/2021 ước tính đạt 693.965 triệu đồng, đạt 115,2% hay tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 593.100 triệu đồng, tăng 13,33%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 99.865 triệu đồng, tăng 26,32%. Trong thu nội địa, một số khoản thu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Thu khác ngân sách tăng 154,02%; thu từ doanh nghiệp nhà nước tăng 75,68%; thu cấp quyền khai thác khoáng sản tăng 20,22%; thu phí, lệ phí tăng 13,92%; thuế thu nhập cá nhân tăng 10,72%; thu thuế bảo vệ môi trường tăng 8,98%; thu từ công, thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 7,99%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/6/2021 ước tính đạt 3.675.675 triệu đồng, đạt 94,07% hay giảm 5,93% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chi thường xuyên đạt 2.546.763 triệu đồng, tăng 5,82%; chi đầu tư phát triển 1.126.710 triệu đồng, giảm 24,85%; chi trả nợ lãi 893 triệu đồng, tăng 483,66%.

2. Hoạt động tín dụng ngân hàng

Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ ngân hàng và nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền… cho các đối tượng khách hàng theo quy định. Tổng nguồn vốn huy động có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng từ tháng 5/2021; nguồn vốn huy động dồi dào sẵn sàng phục vụ hoạt động cho vay phát triển sản xuất kinh doanh.

Mặt bằng lãi suất huy động cho vay giảm và tiếp tục ổn định, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi biến động từ 0,1%-6,99% trên 1 năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên biến động từ 4,5%-11%; lãi suất cho vay kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7,5%-13% trên 1 năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói.

Tổng vốn quản lý và huy động trên địa bàn ước tính đến 30/6/2021 đạt 23.920 tỷ đồng, tăng 0,5 % hay tăng 119 tỷ đồng so đầu năm, trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 20.930 tỷ đồng, chiếm 87,5% tổng nguồn vốn và tăng 0,5% hay tăng 58 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 2.990 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng nguồn vốn, tăng 2,1% so với đầu năm.

Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 30/6/2021 ước đạt 12.260 tỷ đồng, giảm 248 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ xấu 95 tỷ đồng, chiếm 0,77% tổng dư nợ và tăng 18,2 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2020. Nợ xấu tăng so với đầu năm do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế xã hội, nhiều khách hàng chưa hồi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính gặp khó khăn, bên cạnh đó công tác thu hồi nợ xấu đạt kết quả chưa cao do gặp khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng.

Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực, thanh khoản tốt, tỷ giá ngoại tệ diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng.

III. CHỈ SỐ GIÁ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm 2021 giảm 0,74% so với tháng trước, giảm 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng năm 2021 chỉ số giá tiêu dùng giảm 1,05% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 giảm nhiều nhất ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,88% chủ yếu do nhóm thực phẩm giảm 4,31% do giá mặt hàng thịt lợn giảm. Tiếp theo là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,9% và nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,34%. Bên cạnh đó, các nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng: nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,83% do giá điện, giá mặt hàng sắt, thép tăng; nhóm giao thông tăng 1,09% do giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại chỉ số giá ổn định hoặc tăng, giảm không đáng kể.

Chỉ số giá vàng tháng 6 năm 2021 tăng 0,85% so với tháng trước, tăng 10,71% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng năm 2021 tăng 17,44% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 6 năm 2021 giảm 0,19% so với tháng trước, giảm 0,99% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng năm 2021 giảm 0,96% so với cùng kỳ năm 2020.

IV. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng năm 2021 tăng 2,26% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư 6 tháng tăng cao ở khu vực vốn ngoài nhà nước tăng 24,0% do chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, thu hút được nhiều nhà đầu tư, dự án mới và bổ sung vốn lưu động. Đồng thời, hoạt động xây dựng của hộ dân cư tăng do triển khai các dự án, chương trình đô thị, hình thành các khu tái định cư làm tăng đầu tư xây dựng hộ dân cư.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 2.742,29 tỷ đồng, tăng 2,26% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực nhà nước 1.619,01 tỷ đồng, giảm 8,81%; khu vực ngoài nhà nước 1.123,24 tỷ đồng, tăng 24,0% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 0,04 tỷ đồng, giảm 93,09%, chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng vốn đầu tư. Tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP là 30,25%.

Trong vốn đầu tư khu vực nhà nước, vốn thuộc nguồn ngân sách nhà nước ước thực hiện 737,8 tỷ đồng, giảm 29,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 718,34 tỷ đồng, giảm 21,8%.

Vốn đầu tư khu vực nhà nước trong 6 tháng đầu năm giảm do các nguyên nhân như: dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây khó khăn cho các nhà thầu; giá cả vật liệu xây dựng trong quý II tăng cao, đặc biệt là mặt hàng sắt thép các loại; quy trình giải ngân các dự án ODA phức tạp; khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu…

Các công trình, dự án thực hiện trong kỳ báo cáo thuộc nguồn vốn nhà nước có khối lượng thực hiện cao như: Hỗ trợ kinh doanh nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng; Dự án kè sạt lở, ổn định dân cư bờ trái Sông Bằng – Thành phố Cao Bằng; Cầu và đường dẫn Tà Lùng – Nà Thắm xã Mỹ Hưng huyện Phục Hòa và tuyến đường tỉnh 210 đoạn nối Đức Long (Thạch An) – Tà Lùng (Phục Hòa); Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc; Đường 208 từ Thị trấn Đông Khê (Thạch An) – xã Cách Linh, Triệu Ẩu (Phục Hòa) – Thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang) – xã Chí Viễn (Trùng Khánh); Kè chống sạt lở ổn định dân cư Cao Bình, xã Hưng Đạo, Thành phố Cao Bằng.

Trong năm 2021, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 14/6/2021 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

V. HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

Sau một năm chống chịu với những tác động dai dẳng của dịch Covid-19 khu vực doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn (nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thị trường) do việc thực hiện Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thương mại nội địa và quốc tế chưa thông suốt (Trung Quốc), chi phí sản xuất đầu vào tăng. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2021 khó khăn hơn quý II/2021.

1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Tính từ ngày 19/5 đến ngày 13/6/2021 có 12 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 62,15 tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp; giảm 41% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020 và đăng ký hoạt động cho 7 đơn vị trực thuộc (1 văn phòng đại điện, 6 địa điểm kinh doanh). Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp là 5,1 tỷ đồng, giảm 51,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng, có 4 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; có 3 doanh nghiệp và 1 đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng kinh doanh; có 6 doanh nghiệp giải thể.

2. Xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Về tình hình sản xuất kinh doanh, có 16,67% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2021 khó khăn hơn quý I/2021; 83,33% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định. Dự kiến quý III/2021 so với quý II/2021, có 66,67% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng ổn định và tốt lên; 33,33% dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn

Về khối lượng sản xuất, có 16,67% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý II/2021 giảm so với quý I/2021; 83,33% số doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất tăng lên và ổn định. Xu hướng quý III/2021 so với quý II/2021, có 33,33% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 33,33% số doanh nghiệp dự báo ổn định.

Về đơn đặt hàng, có 16,67% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý II/2021 giảm so với quý I/2021; 83,33% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và tăng. Xu hướng quý III/2021 so với quý II/2021, có 33,33% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 33,33% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.

Về giá bán bình quân, có 16,67% số doanh nghiệp có giá bán bình quân quý II/2021 tăng so với quý I/2021; 83,33% số doanh nghiệp có giá bán bình quân ổn định. Xu hướng này các doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục ở quý tiếp theo.

VI. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi; dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò có chiều hướng bùng phát trở lại từ đầu tháng 6. Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả nên kết quả sản xuất nông nghiệp đạt khá, sản lượng lương thực có hạt, sản lượng cây lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi phát triển tốt, tăng cả về số lượng đầu con và sản lượng thịt hơi xuất chuồng; sản xuất lâm nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước; sản xuất thủy sản phát triển ổn định.

1. Nông nghiệp

Cây hàng năm

Trong tháng, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là chăm sóc và thu hoạch một số cây trồng chính vụ Đông xuân, đồng thời làm đất gieo mạ cấy lúa vụ mùa. Nhìn chung, thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho cây trồng phát triển và công tác phơi khô, bảo quản các sản phẩm vừa mới thu hoạch. Ước tính đến ngày 15/6 toàn tỉnh thu hoạch được như sau: Lúa đông xuân thu hoạch được 25 ha, giảm 3,36% hay giảm 0,87 ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 106,08 tấn, giảm 2,28%. Ngô thu hoạch được 6.541,1 ha, tăng 3,42% hay tăng 216,3 ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 24.470,04 tấn, tăng 3,91%. Thuốc lá thu hoạch được 3.039,06 ha, tăng 0,97% hay tăng 29,06 ha; sản lượng ước đạt 7.621,59 tấn. Khoai lang thu hoạch được 191,17 ha, tăng 0,72% hay tăng 1,37 ha; sản lượng ước đạt 1.255,52 tấn. Đỗ tương thu hoạch được 319,3 ha, giảm 0,41% hay giảm 1,3 ha; sản lượng ước đạt 261,21 tấn. Lạc thu hoạch được 57,71 ha, giảm 2,68% hay giảm 1,59 ha; sản lượng ước đạt 60,01 tấn. Rau các loại thu hoạch được 1.457,69 ha, tăng 3,11% hay tăng 43,98 ha; sản lượng ước đạt 13.422,72 tấn.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, đầu năm rét đậm, rét hại kéo dài, một số địa phương xuất hiện băng giá, đến vụ gieo cấy gặp thời tiết khô hạn, thiếu nước sản xuất làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và các ban ngành liên quan, cùng với sự nỗ lực của nhân dân khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành kế hoạch sản xuất đã đề ra, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh lương thực - thực phẩm.

Kết quả sơ bộ vụ đông xuân

Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 37.667,32 ha, tăng 1,26% hay tăng 470,04 ha so chính thức vụ đông xuân năm 2020. Diện tích tăng chủ yếu ở cây ngô, rau các loại và cây hàng năm khác (cỏ voi)... Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho các cửa khẩu hạn chế xuất nhập khẩu hàng hóa nên người dân đi làm bốc vác và sang Trung Quốc làm thuê giảm vì vậy người dân quay trở lại đầu tư sản xuất nông nghiệp nhằm ổn định kinh tế gia đình.

Diện tích lúa đông xuân gieo trồng được 3.632,57 ha, giảm 0,17% hay giảm 6,04 ha so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,3% so với kế hoạch; diện tích giảm do đầu vụ thời thiết khô hạn, thiếu nước sản xuất nhiều diện tích lúa ruộng xa nguồn nước người dân không chủ động khâu làm đất gieo cấy; một số chuyển sang trồng các loại cây khác như đào, nho,… và xây dựng công trình cơ sở hạ tầng như khu du lịch sinh thái.

Cây ngô trồng được 25.862,46 ha, tăng 0,26% hay tăng 66,51 ha so cùng vụ năm trước và tăng 2,81% so với kế hoạch; ngô được coi là cây trồng chính vụ đông xuân, dễ trồng, sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh vì vậy bà con nông dân gieo trồng hết diện tích và tận dụng một số diện tích lúa, đỗ tương, lạc… không gieo trồng được chuyển sang trồng ngô.

Cây thuốc lá là cây trồng trọng điểm của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân vì vậy mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm là yêu cầu cấp bách đảm bảo cho việc phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững. Vụ đông xuân năm 2021 cây thuốc lá trồng được 3.054 ha, tăng 0,93% hay tăng 28,23 ha so với cùng kỳ; diện tích tăng chủ yếu ở Hà Quảng (+26,4 ha) do năm nay việc cam kết thu mua sản phẩm cũng như việc đầu tư, hỗ trợ bà con nông dân được cải thiện, tạo tâm lý an tâm sản xuất cho bà con nông dân vùng trồng nguyên liệu.

Cây lạc trồng được 301,81 ha, giảm 5,48% hay giảm 17,49 ha, diện tích giảm là do đầu vụ khô hạn làm tiến độ gieo trồng muộn hơn so với thời vụ nên chuyển sang trồng cây hàng năm khác. Cây đỗ tương trồng được 547,96 ha, giảm 9,93% hay giảm 60,43 ha do đỗ tương hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều hộ có hướng giảm diện tích để tăng diện tích các loại cây khác. Các loại cây khác như khoai lang trồng được 183,85 ha, tăng 11,7% so với cùng kỳ; rau các loại diện tích gieo trồng được 2.178,95 ha, tăng 3,8% hay tăng 79,76 ha.

Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân năm 2021 ước đạt 123.126,77 tấn, tăng 1,6% hay tăng 1.940,34 tấn so cùng vụ năm trước, so kế hoạch tăng 3,54% hay tăng 4.110,07 tấn. Năng suất và sản lượng một số cây trồng chính vụ đông xuân như sau: Cây lúa, năng suất bình quân ước đạt 51,54 tạ/ha, tăng 0,29% hay tăng 0,15 tạ/ha so với cùng vụ năm trước; sản lượng ước đạt 18.722,45 tấn, tăng 0,13% hay tăng 24,38 tấn. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm nhưng năng suất, sản lượng tăng hơn so với năm trước do bà con nông dân lựa chọn các giống lúa chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, kết hợp nhiều đợt bón phân cân đối, phun thuốc diệt trừ sâu bệnh gây hại đúng thời điểm vì vậy cây lúa phát triển tốt. Cây ngô, năng suất ước đạt 40,36 tạ/ha, tăng 1,61% so với cùng kỳ và đạt 101,87% so với kế hoạch; sản lượng ước đạt 104.385,85 tấn, tăng 1,87% so cùng kỳ và đạt 103,97% so với kế hoạch. Thuốc lá, năng suất ước đạt 25,34 tạ/ha, tăng 4,37% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 7.740,29 tấn, tăng 5,36% hay tăng 394,11 tấn. Cây đỗ tương, năng suất ước tính đạt 8,40 tạ/ha, tăng 2,94% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 460,46 tấn, giảm 7,28% hay giảm 36,14 tấn do diện tích gieo trồng giảm. Cây lạc, năng suất ước đạt 13,2 tạ/ha, giảm 3,01% so cùng vụ năm trước; sản lượng ước đạt 398,49 tấn, giảm 8,3% hay giảm 36,09 tấn.

Cây lâu năm

Trong tháng 6 chủ yếu tập trung thu hoạch một số cây ăn quả phục vụ thị trường và hộ gia đình như: Dứa, chuối, xoài, vải, mận, mít... đồng thời tiếp tục chăm sóc các loại cây trồng vừa thu hoạch xong và trồng mới một số diện tích cây ăn quả thay thế phần diện tích các cây già cỗi, năng suất thấp.

Diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh chủ yếu được bà con trồng phân tán mang tính chất tự cung tự cấp, chưa hình thành vùng nguyên liệu trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay các huyện đã lựa chọn ra những cây trồng phù hợp với với điều kiện tự nhiên của từng vùng để trồng tập trung như: Cam, quýt trồng nhiều ở Trùng Khánh, Hạ Lang, Hòa An, Thạch An…; thanh long tập trung ở Nguyên Bình, Hòa An, Thành phố Cao Bằng…; lê được trồng chủ yếu ở Thạch An, Trùng Khánh… và một số loại cây có giá trị kinh tế cao đang được đưa vào trồng thử nghiệm nhưng chưa có sản phẩm thu hoạch như: Mác ca, hồ đào, hà thủ ô…

Ước tính tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có là 8.016,9 ha, tăng 1,6% hay tăng 125,97 ha so cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu ở nhóm cây dược liệu và cây lâu năm khác, đặc biệt là cây hồi tăng 272,12 ha; cây dâu tằm tăng 7,74 ha. Trong đó, cây gia vị, cây dược liệu lâu năm diện tích hiện có 4.817,71 ha, tăng 5,98% hay tăng 272,02 ha; cây ăn quả hiện có 2.581,47 ha, giảm 3,91% hay giảm 104,91 ha so với cùng kỳ; cây lâu năm khác diện tích hiện có 401,2 ha, giảm 2,13% hay giảm 8,75 ha so với cùng kỳ; chè búp và cây lấy quả chứa dầu diện tích hiện có 216,52 ha, giảm 14% hay giảm 32,39 ha. Sản lượng thu hoạch một số cây trồng chính 6 tháng đầu năm như sau: Cây chuối thu hoạch đạt 1.786,68 tấn, tăng 334,08 tấn so với cùng kỳ năm trước; cây dứa thu hoạch đạt 196,68 tấn, tăng 30,04 tấn; cây xoài sản lượng đạt 142,71 tấn, tăng 32,8 tấn…

Tình hình dịch bệnh

Tính đến ngày 15/6 thời tiết mưa nắng xen kẽ, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại đối với cây trồng ở tất các huyện, thành phố như: Cây lúa bị bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, ốc bươu vàng, sâu đục thân. Cây ngô bị bệnh sâu keo, sâu gai, bệnh khô vằn, châu chấu tre gây hại. Cây ăn quả bị nhiễm bệnh rệp muội, rệp sáp, ruồi đục quả, bọ xít, ngoài ra còn bệnh chảy gôm, bệnh greening, bệnh sẹo, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng... gây hại nhẹ. Ngành chức năng theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại trên cây trồng và kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng.

Chăn nuôi

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tốt, tăng cả về số lượng đầu con hiện có và sản lượng thịt hơi xuất chuồng. Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đang nằm trong tầm kiểm soát, công tác giám sát dịch bệnh được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh từ cơ sở, đặc biệt là các địa phương có ổ dịch cũ, nguy cơ tái bùng phát cao. Đối với đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện có ổ dịch cúm nào.

Tổng đàn trâu hiện có 102.043 con, tăng 0,31% hay tăng 319 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò hiện có 110.031 con, tăng 0,41% hay tăng 454 con; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 969,16 tấn, tăng 8,59% so với cùng kỳ năm 2020 (quý II ước đạt 534,12 tấn, tăng 10,37%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 1.070,86 tấn, tăng 4,67% (quý II ước đạt 590,34 tấn, tăng 2,56%). Đàn trâu, bò phát triển khá do được hỗ trợ kĩ thuật chăn nuôi, vay vốn với lãi suất ưu đãi và có thị trường tiêu thụ tốt, tạo thu nhập cho người chăn nuôi.

Tổng số lợn hiện có 290.015 con, tăng 8,64% hay tăng 23.074 con so với cùng thời điểm năm 2020; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước tính đạt 13.425,32 tấn, tăng 4,66% so với cùng kỳ năm trước (quý II ước đạt 6.286,96 tấn, tăng 5,64%).

Ước tính tổng đàn và sản lượng thịt gia cầm tiếp tục tăng, tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch, định hướng, người chăn nuôi cần theo dõi sát diễn biến thị trường để có kế hoạch mở rộng quy mô phù hợp tránh tình trạng dư thừa nguồn cung, giá bán giảm gây thua lỗ. Tổng số gia cầm hiện có 2.979,34 nghìn con, tăng 1,16% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 3.100,05 tấn, tăng 3,77% (quý II ước đạt 1.470,4 tấn, tăng 3,65%); sản lượng trứng gia cầm đạt 19.233,22 nghìn quả, tăng 2% (quý II ước đạt 9.054,82 nghìn quả, giảm 0,7%).

Từ đầu năm đến ngày 13/6/2021, trên toàn tỉnh có 2.855 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục, chết 143 con tại 122 xã, phường của 10 huyện (tháng 6 chết 115 con); dịch tả lợn Châu Phi làm mắc và tiêu hủy 1.147 con của 208 hộ chăn nuôi với trên 51 tấn (tháng 6 làm mắc và tiêu hủy 642 con) các ngành chức năng phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật. Các dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại một số địa phương, lũy kế từ đầu năm làm chết 54 con trâu, bò (tháng 6 chết 5 con); 78 con lợn (tháng 6 chết 8 con); 1.989 con gia cầm các loại (tháng 6 chết 180 con).

2. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp tháng 6 tập trung kiểm tra, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các dự án trồng cây lâm nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện và đẩy nhanh tiến độ.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành chức năng tăng cường chỉ đạo và đôn đốc thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản và chặt phá rừng trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng trong mùa khô được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình. Công tác phát triển rừng luôn được chú trọng, công tác thẩm định hiện trường và hồ sơ thiết kế dự toán các công trình lâm sinh của Dự án bảo vệ và phát triển rừng được đẩy nhanh tiến độ. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 1.667,69 ha, giảm 6,03% hay giảm 107 ha so với cùng kỳ năm trước (quý II ước tính đạt 1.539,86 ha, giảm 1,82%); sản lượng gỗ khai thác ước đạt 11.542 m3, giảm 1,63% (quý II ước đạt 5.206,45 m3, tăng 10,17%); sản lượng củi khai thác ước đạt 356.769 ste, tăng 0,29% (quý II ước đạt 141.335 ste, giảm 20,66%).

Trong 6 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh có 41,32 ha diện tích rừng bị thiệt hại (quý II thiệt hại 4,47 ha), bao gồm: Diện tích rừng bị cháy 34,02 ha (với 12 vụ cháy, tăng 9 vụ so cùng kỳ năm trước); diện tích rừng bị chặt, phá 7,3 ha ( với 34 vụ, giảm 7 vụ so cùng kỳ năm trước)

3. Thuỷ sản

Sản xuất thủy sản trong tháng 6 phát triển ổn định, hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản tập trung vào chăm sóc diện tích nuôi trồng hiện có và thu hoạch các loại thủy sản thả gối vụ từ cuối năm 2020. Việc đánh bắt các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt còn thấp, chủ yếu phục vụ gia đình, sản lượng trao đổi trên thì trường không nhiều.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh ít chịu tác động của thời tiết; mực nước trên các ao, hồ, sông, suối tương đối ổn định tạo điều kiện cho các loại thủy sản phát triển, bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng các loại thủy sản ngày càng lớn, giá bán ổn định. Vì vậy, đã khuyến khích các hộ nuôi trồng mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô nuôi thủy sản bằng lồng bè, bể, bồn, tận dụng mọi khả năng sẵn có địa phương như sông, suối, ao, hồ để đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, tận thu thêm nguồn thủy sản khai thác ở các sông, suối góp phần tăng thêm thu nhập và cải thiện bữa ăn cho gia đình.

Tổng diện tích nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 397,9 ha, tăng 12% so cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 266,11 tấn, tăng 15,69% so với cùng kỳ năm trước (quý II ước đạt 125,95 tấn, tăng 16,84%) trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 208,27 tấn, tăng 13,29% (quý II ước đạt 87,97 tấn, tăng 15,95%); sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 57,84 tấn, tăng 25,25% (quý II ước đạt 37,98 tấn, tăng 18,95%) so với cùng kỳ năm trước.

VII. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng so với cùng kỳ năm trước và dần lấy lại tốc độ phát triển cao từ quý II trong đó: ngành khai khoáng; ngành sản xuất và phân phối điện tăng khá; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; ngành chế biến, chế tạo hoạt động ổn định.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 6/2021 ước tính tăng 43,65% so với tháng trước và tăng 8,69% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,83%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,95%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,53%; ngành khai khoáng giảm 11,15% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,36% so với cùng kỳ năm trước, số tăng chủ yếu là ngành khai khoáng và ngành sản xuất phân phối điện. Ngành khai khoáng tăng 5,05%, chỉ số tăng ở ngành khai thác quặng kim loại, tăng 21,39% do một số đơn vị khai thác mỏ tăng sản lượng khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào để sản xuất phôi thép; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7% do các nhà máy thủy điện đi vào sản xuất ổn định, sản lượng tăng so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,26%; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,54%.

Các sản phẩm sản xuất 6 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020: Quặng manggan và tinh quặng manggan tăng 22,09%; đường tăng 19,94%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt thép tăng 15,39%; điện thương phẩm tăng 5,16%; điện sản xuất tăng 3,26%; manggan và các sản phẩm của manggan tăng 2,52%; nước uống được tăng 1,79%; sắt thép không hợp kim (phôi thép) tăng 1,66%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Xi măng giảm 49,1%; cát tự nhiên giảm 48,1%; chiếu trúc, tre giảm 20,98%; gạch xây giảm 8,75%; sản phẩm in khác giảm 8,39%; đá xây dựng giảm 7,23%; nước tinh khiết giảm 2,25%.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 năm 2021 giảm 0,66% so với cùng kỳ năm trước và giảm 25,49% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,64% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ 6 tháng tăng: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 15,39%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 15,27%; sản xuất kim loại tăng 14,52%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 4,99%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ 6 tháng giảm: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 20,68%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 7,11%; in, sao bản chép các loại giảm 5,28%; sản xuất đồ uống giảm 2,25%.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 6 năm 2021 tăng 10,90% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng so với cùng thời điểm năm trước: In, sao bản chép các loại tăng 195,24%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 157,55%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 14,24%. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm: Sản xuất kim loại giảm 61,95%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,76%.

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 6 năm 2021 giảm 6,28% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,34%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 11,34%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 giảm 7,66%, số giảm chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 13,25%.

VIII. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ

Hoạt động thương mại, dịch vụ 6 tháng năm 2021 duy trì kinh doanh tương đối ổn định. Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng khá. Các cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú và du lịch lữ hành tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng không cao.

1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 năm 2021 ước đạt 718,55 tỷ đồng, tăng 3,67% so với tháng trước, giảm 0,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 593,5 tỷ đồng, tăng 2,33%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 85,83 tỷ đồng, giảm 13,5%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 0,45 tỷ đồng, giảm 32,99%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 38,77 tỷ đồng, giảm 2,51% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.290,46 tỷ đồng, tăng 10,81% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.506,21 tỷ đồng, tăng 12,02% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng hóa doanh thu tăng cao so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 16,58%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 11,73%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 19,52%; xăng, dầu các loại tăng 19,51%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 28,89%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 17,12%; hàng hóa khác tăng 11,09%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 542,62 tỷ đồng, tăng 4,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: dịch vụ lưu trú tăng 1,05%; dịch vụ ăn uống tăng 4,86%.

Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 2,44 tỷ đồng, tăng 0,87% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 239,19 tỷ đồng, tăng 8,46% so với cùng kỳ năm trước.

Do dịch Covid-19 nên các hoạt động ăn uống, liên hoan, giải trí, du lịch bị hạn chế đã ảnh hưởng đến doanh thu của các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

2. Hoạt động xuất, nhập khẩu

Hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn 6 tháng đầu năm 2021 đạt được nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của 2 làn sóng dịch Covid-19 mới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn quản lý tháng 6 ước tính đạt 55,2 triệu USD, lũy kế từ đầu năm đạt 334 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 55 triệu USD, tăng 154%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 166 triệu USD, tăng 65%; trị giá hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan đạt 113 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hàng thủy sản ước đạt 22,5 triệu USD, tăng 1.190,2%; hàng rau quả ước đạt 16,4 triệu USD, tăng 2,7% ; nhân hạt điều ước đạt 13,7 triệu USD, tăng 313%; cà phê ước đạt 0,362 triệu USD, tăng 100%; hạt tiêu 2,5 triệu USD, tăng 772%.

Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Than các loại 5,2 triệu USD, tăng 271,4%; gỗ và các sản phẩm từ gỗ 2 triệu USD, tăng 356,6%; vải các loại 2,3 triệu USD, tăng 292,7%.

3. Hoạt động vận tải

Doanh thu hoạt động vận tải

Doanh thu hoạt động vận tải tháng 6/2021 ước đạt 23,51 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,77%, so với cùng kỳ năm trước tăng 11,75%.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 153,25 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 18,08%. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 38,43 tỷ đồng, tăng 6,66%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 111,75 tỷ đồng, tăng 28,35%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 3,07 tỷ đồng, giảm 54,06% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách

Dự ước tháng 6 năm 2021 số lượt hành khách vận chuyển đạt 87,77 nghìn hành khách, tăng 9,23% so với tháng trước, giảm 22,95% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển đạt 5,05 triệu HK.Km tăng 2,56% so với tháng trước, giảm 18,06% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, vận tải hành khách ước đạt 744,91 nghìn hành khách và 43,74 triệu HK.Km, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,54% số hành khách vận chuyển và tăng 11,02% số hành khách luân chuyển.

Vận tải hàng hóa

Ước tính khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 6 năm 2021 đạt 139,72 nghìn tấn hàng hóa, tăng 7,73% so với tháng trước và tăng 39,69% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 3,52 triệu tấn.km, tăng 45,44% so với tháng trước, tăng 24,51% so với cùng kỳ năm trước.

Vận chuyển hàng hoá 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.075,97 nghìn tấn, tăng 15,70%; hàng hóa luân chuyển ước đạt 21,44 triệu tấn.km, tăng 17,23% so với cùng kỳ năm trước.

IX. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Giải quyết việc làm

Ngành chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường giải quyết việc làm, kết nối thông tin thị trường lao động trong tỉnh và với các tỉnh trong cả nước giúp cho người lao động truy cập tìm kiếm việc làm, thông tin thị trường lao động và các chế độ liên quan đến chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp; thông báo nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp đến thôn xóm để người lao động lựa chọn việc làm phù hợp khả năng và nguyện vọng. Tư vấn việc làm, học nghề, chính sách, pháp luật lao động cho 6.008 lượt người; cung ứng, giới thiệu việc làm được 198 lao động; khai thác thông tin thị trường lao động của 187 doanh nghiệp; cung ứng thông tin thị trường lao động cho 151 doanh nghiệp; giới thiệu 10 doanh nghiệp được Bộ Lao động - TBXH cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Công tác đào tạo nghề và tuyển mới trong 6 tháng đầu năm 2021: Tuyển mới được 1.700 người đào tạo hệ sơ cấp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục duy trì các lớp đào tạo nghề.

2. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội

Đời sống dân cư

Trong 6 tháng đầu năm 2021 đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cơ bản được ổn định, nhân dân tích cực tăng gia, sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, đời sống dân cư vẫn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 xảy ra trong nước và trên thế giới. Đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhìn chung chưa được cải thiện do chưa có điều chỉnh mới về mức lương cơ bản. Đời sống dân cư ở khu vực nông thôn ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng do một số nông sản mất giá như: cà chua, cải bắp... gây ảnh hưởng đến một số hộ ở vùng sản xuất với số lượng lớn. Bên cạnh đó, rét đậm, rét hại, hạn hán, gió lốc, dịch bệnh trên vật nuôi đã làm ảnh hưởng đến đời sống của dân cư nông thôn.

Đảm bảo an sinh xã hội

Chính quyền địa phương và các đoàn thể thành lập các đoàn đi thăm, chúc Tết và tặng quà cho hộ nghèo, các trung tâm đang nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ của tỉnh và tặng quà cho các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,... sống tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh là 20.776 suất quà với tổng giá trị 9.633 triệu đồng. Cũng trong dịp Tết Nguyên đán, thăm và tặng quà của Chủ tịch nước cho các đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng là 17.568 người; với tổng số tiền là 5.721 triệu đồng.

Trợ cấp đột xuất cho những hộ bị cháy nhà, thiên tai, dịch bệnh... trong 6 tháng đầu năm 2021 với tổng số tiền trên 113,7 triệu đồng.

Cấp phát 1.440,06 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán và cứu đói giáp hạt năm 2021 cho 10/10 huyện, thành phố với 23.141 hộ, 96.004 khẩu;

Số BHYT/sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh cấp miễn phí cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sống tại các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội là: 357.100 thẻ.

* Kết quả hỗ trợ các đối tượng theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tính đến ngày 01/6/2021, số đối tượng đã thực hiện hỗ trợ 244.823 đối tượng với tổng kinh phí thực hiện 198.181,7 triệu đồng. Các đối tượng đã được hỗ trợ: Hộ kinh doanh: 174 hộ; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 17 người; Người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm: 3.473 người; Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương: 51 người; Người có công và đối tượng là vợ hoặc chồng liệt sĩ đã đi lấy chồng hoặc lấy vợ khác: 4.200 người; Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng 14.718 người; Người thuộc hộ nghèo: 143.498 người; Người thuộc hộ cận nghèo: 78.962 người.

3. Tình hình giáo dục đào tạo

Toàn ngành đã tổ chức tốt các hoạt động giáo dục. Tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm 2021 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, có 48 thí sinh dự thi, kết quả đạt 05 giải bao gồm: 02 giải Nhì môn Lịch sử, 02 giải Ba môn Ngữ văn và 01 giải Khuyến khích môn Lịch sử.

Tổ chức Kỳ thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh phổ thông năm 2021, có 74 dự án tham gia; kết quả có 01 giải nhất, 09 giải nhì, 11 giải ba, 17 giải tư; có 02 dự án được chọn đi dự thi vòng thi Quốc gia.

Hoàn thành Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2020 – 2021. Hiện nay, ngành Giáo dục đang chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 – 2021.

4. Tình hình dịch bệnh

Dịch Covid-19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã tập trung toàn lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Đến ngày 12/6/2021, tỉnh Cao Bằng chưa ghi nhận, phát hiện trường hợp nào nghi ngờ mắc Covid-19, các trường hợp nghi nhiễm được cách ly, giám sát y tế chặt chẽ theo đúng hướng dẫn và quy định.

Từ ngày 16/4/2021 đến ngày 13/5/2021, ngành Y tế tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca (đợt 1) do Bộ Y tế cấp cho 8.084 người, tất cả các trường hợp tiêm chủng đều an toàn. Ngày 04/6/2021, tỉnh Cao Bằng tiếp nhận 8.370 liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế phân bổ, đây là lô vắc xin phòng Covid-19 đợt 2 được phân bổ. Theo kế hoạch, đợt 2 bắt đầu tiêm từ ngày 12/6/2021, hiện nay tỉnh đang tổ chức tiêm mũi 2 cho các trường hợp đã tiêm mũi 1 và tiếp tục rà soát, tổng hợp danh sách để tiêm mũi 1 cho các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ.

Các bệnh truyền nhiễm khác: Ghi nhận 4.546 ca mắc hội chứng cúm thông thường, 225 ca mắc thủy đậu, 2.419 ca mắc tiêu chảy, 10 ca mắc tay chân miệng, 31 ca mắc quai bị, 172 ca mắc Adeno virus... Các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện, điều trị và xử lý kịp thời, không có ca tử vong.

Trong tháng 6, phát hiện 06 trường hợp nhiễm mới HIV, 01 người nhiễm HIV/AIDS tử vong, không có trường hợp mới chuyển AIDS. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 12/6/2021, phát hiện 23 trường hợp nhiễm mới HIV, 03 người nhiễm HIV/AIDS tử vong, không có trường hợp mới chuyển AIDS.

Số trường hợp đang điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tính đến tháng 6/2021 là 1.442 người.

Trong 6 tháng năm 2021 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm làm 31 người mắc, 02 người tử vong. Nguyên nhân cả 02 vụ đều do ăn thức ăn thừa bị hư hỏng biến chất.

5. Hoạt động văn hóa, thể thao

Trong 6 tháng đầu năm, tại tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương như: các hoạt động Kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/01/1941-28/01/2021), gắn với Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Cao Bằng (21/02/1961-21/02/2021); Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/02/1930-3/02/2021) và mừng Xuân Tân Sửu 2021. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 các hoạt động cơ bản bị tạm dừng, hoãn, giảm quy mô tổ chức.

Tổ chức Lễ phát động cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 – 2030 và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2021. Tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Cao Bằng lần thứ X năm 2021. Công tác đào tạo thể thao được tổ chức tốt theo kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm, tổ chức giải thể thao cấp tỉnh được 06 giải, tham gia 03 giải khu vực và toàn quốc.

6. Tình hình trật tự, an toàn xã hội

Tình hình an toàn giao thông

Từ ngày 15 tháng 5 đến ngày 14 tháng 6 năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 03 người chết, 04 người bị thương, giá trị tài sản thiệt hại 33 triệu đồng.

Tính lũy kế từ đầu năm, tai nạn giao thông xảy ra 26 vụ, làm 13 người chết, 32 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2020 tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí: giảm 14 vụ, giảm 06 người chết, giảm 15 người bị thương. Tài sản thiệt hại 1.818 triệu đồng.

Tình hình an toàn cháy, nổ

Tháng 6/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ cháy nhà tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng và Thành phố Cao Bằng, giá trị tài sản thiệt hại 434 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ cháy, tổng giá trị thiệt hại ước tính 1.919 triệu đồng.

Vi phạm môi trường

Trong tháng 6/2021 ngành chức năng đã phát hiện 13 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 04 vụ với số tiền xử phạt là 64 triệu đồng. Trong đó, vi phạm về quy định bảo vệ môi trường 04 vụ, sử dụng kích điện khai thác thủy sản 05 vụ, vi phạm quy định về bảo vệ rừng 04 vụ.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, số vụ vi phạm môi trường là 73 vụ, đã xử lý 41 vụ với số tiền xử phạt là 308,8 triệu đồng.

7. Thiệt hại do thiên tai

Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 10 vụ thiên tai do rét đậm, rét hại, gió lốc, sét. Thiên tai đã làm bị thương 01 người, 401 ngôi nhà bị tốc mái và hư hại; 338,03 lúa và hoa màu bị thiệt hại; làm chết 60 con gia súc, 600kg cá thương phẩm bị cuốn trôi và các thiệt hại khác như đường giao thông bị sạt lở... Ước tính giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 5.523 triệu đồng. Sau khi thiên tai xảy ra chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ và có hướng khắc phục hậu quả đối với những gia đình bị thiệt hại.

Đánh giá chung

Với sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân, 6 tháng đầu năm 2021 tình hình kinh tế - xã hội đạt được những kết quả nhất định: diện tích và sản lượng một số cây trồng vụ đông xuân tăng so với cùng kỳ năm 2020; một số nhà máy sản xuất công nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định; hàng hóa, dịch vụ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân; công tác phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn, tính đến ngày 12/6/2021 tỉnh Cao Bằng chưa ghi nhận, phát hiện trường hợp nào mắc Covid-19; công tác chăm lo các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thực hiện kịp thời và góp phần đảm bảo an ninh xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng ảnh hưởng đến an sinh xã hội; dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn xảy ra rải rác tại nhiều địa phương; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm. Trong thời gian tới, cần tập trung một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các cây trồng vụ đông xuân. Đối với chăn nuôi, ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi, tiếp tục đưa ra các chính sách, gói hỗ trợ, xây dựng kế hoạch, quy hoạch ngành chăn nuôi và hướng dẫn kỹ thuật để người nông dân tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường; chăn nuôi gia cầm cần kiểm soát tốt về mặt tăng đàn, theo dõi sát nhu cầu của thị trường tránh tăng đàn ồ ạt.

Hai là, tiếp tục tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa,... Thực hiện vốn đầu tư công là giải pháp hiệu quả giúp tăng trưởng kinh tế.

Ba là, các tổ chức tín dụng đáp ứng đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng có tính mùa vụ, gặp khó khăn và chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; các phương án kinh doanh có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.

Bốn là, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế; duy trì ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ khu vực dễ bị tác động bởi dịch bệnh.

Năm là, thực hiện rà soát, xây dựng kịch bản, phương án ứng phó cụ thể cho từng tình huống của dịch Covid-19 để chủ động ứng phó theo nguyên tắc chống dịch “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” và thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ” trong các tình huống thực tế của dịch.

Sáu là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.



Website Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng

    Tổng số lượt xem: 575
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)