Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/07/2021-14:33:00 PM
Tình hình kinh tế xã hội tháng 7 năm 2021 tỉnh Bình Thuận

Trong tháng thời tiết nông vụ thuận lợi cho sản xuất, trọng tâm là tập trung chăm sóc lúa vụ hè thu, phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng; ác loại cây trồng phát triển tốt. Trong chăn nuôi nhìn chung ổn định và có xu hướng phát triển ở nhiều loại gia súc, gia cầm; tình hình dịch bệnh nghiêm trọng trong chăn nuôi không xảy ra. Ngư trường thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thủy sản.

I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

1. Trồng trọt

* Cây hàng năm: Ước tính đến ngày 15/7/2021, toàn tỉnh xuống giống vụ hè thu đạt 66.293,5 ha, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020; nguyên nhân tăng do vụ hè thu năm 2020 diện tích gieo trồng muộn vì ảnh hưởng bởi nắng hạn của vụ đông xuân:

- Cây lương thực: Diện tích xuống giống đạt 50.309,3 ha, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó: lúa đạt 42.932 ha, tăng 7,5%; bắp đạt 7.377,3 ha, tăng 9,5%. Các giống lúa được sản xuất đại trà như ML 48, ML 202, ML214, TH 6, Đài thơm 8, các giống lúa OM của Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long được công nhận sản xuất phù hợp với vùng sinh thái tỉnh Bình Thuận.

- Cây có hạt chứa dầu: Diện tích xuống giống đạt 2.561 ha (diện tích chủ yếu là cây đậu phộng), tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020.

- Cây thực phẩm: Diện tích xuống giống đạt 8.008,1 ha; trong đó, rau các loại đạt 3.491,2 ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020; đậu các loại đạt 4.516,9 ha, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2020.

- Cây hàng năm khác: Toàn tỉnh xuống giống đạt 873,6 ha, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2020.

* Cây lâu năm: Trong tháng thời tiết mưa nhiều, là điều kiện thích hợp trồng mới các loại cây lâu năm, tuy nhiên giá đầu ra một số loại cây chủ lực thấp (cao su, thanh long,…) nên việc phát triển diện tích trồng mới các loại cây lâu năm ở các địa phương trong tỉnh chưa nhiều, chủ yếu là chăm sóc, thu hoạch diện tích hiện có:

+ Thanh long: Hiện đang là thời điểm thu hoạch chính vụ, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hàng hóa lưu thông khó khăn, giá thanh long trong tháng tuy có tăng so với tháng trước nhưng vẫn ở mức thấp. Đến thời điểm 15/7/2021 toàn tỉnh có 11.411,6 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap (trong đó: Hàm Thuận Nam 6.897,6 ha, Hàm Thuận Bắc 3.531,4 ha, Bắc Bình 602,5 ha, Phan Thiết 89,8 ha, Hàm Tân 86,8 ha, La Gi 147,1 ha, Tuy Phong 56,4 ha).

+ Cây điều: Hiện đã kết thúc vụ thu hoạch, một số nơi đang tiến hành trồng mới, chủ yếu phát triển diện tích ở một số huyện phía nam như: Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh; các địa phương phía bắc như: Tuy Phong, Bắc Bình phát triển chậm do phần lớn diện tích đất cát kém màu mở, năng suất thấp, hiệu quả cây điều kém.

+ Cao su: Đang vào vụ thu hoạch chính, giá bán vẫn đang ở mức thấp, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhu cầu nhập khẩu cao su của các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc chưa cao, dự ước trong thời gian đến diện tích trồng mới trên địa bàn tỉnh không tăng.

+ Cây tiêu: Hiện đã kết thúc vụ thu hoạch, so với năm trước giá tiêu đã tăng trở lại, tuy nhiên vẫn chưa cao, người trồng có lãi nhưng không nhiều, dự kiến trong những tháng cuối năm diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh sẽ tăng nhẹ.

Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể.

* Tình hình dịch bệnh: Công tác dự báo và ngăn ngừa dịch bệnh trên cây trồng được theo dõi, triển khai thường xuyên.

- Cây lúa: Diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá 1.100 ha, sâu đục thân 608 ha, rầy nâu 589 ha.

- Cây thanh long: diện tích nhiễm bệnh đốm nâu 2.677 ha, tăng 667 ha so với cùng kỳ năm 2020. Các đối tượng khác gây hại với mật số thấp.

* Tình hình tưới vụ hè thu 2021: Tính đến ngày 05/7/2021, diện tích cấp nước sản xuất vụ hè thu đạt 52.726/52.165 ha, đạt 101,1% so với kế hoạch; trong đó, diện tích tưới lúa, hoa màu thuộc hệ thống công trình thủy lợi toàn tỉnh đạt 32.103/31.542 ha, đạt 101,8%; diện tích tưới cây thanh long và cây công nghiệp dài ngày đạt 20.623/20.623 ha, đạt 100%. Tính đến ngày 08/7/2021 lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa trong tỉnh được 93,38 triệu m3, đạt 26% thiết kế, cao hơn 2,2 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2020.

2. Chăn nuôi (tại thời điểm 15/7/2021)

Tình hình chăn nuôi tiếp tục được duy trì; đàn trâu giảm nhẹ; đàn bò phát triển ổn định; đàn lợn phát triển khá, nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi mở rộng tái đàn; chăn nuôi gia cầm phát triển thuận lợi,tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, số doanh nghiệp, trang trại nuôi gà công nghiệp CP được thành lập mới ngày càng có khuynh hướng tăng.

- Chăn nuôi trâu, bò: Ước đàn trâu có 8.640 con, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, mặc dù giá thịt hơi khá ổn định, thị trường tiêu thụ rất tốt nhưng do khả năng sinh trưởng và tăng đàn chậm, thời gian đầu tư đến khi thu hồi vốn lâu hơn các loại vật nuôi khác nên người nuôi không mạnh dạn đầu tư tăng đàn. Ước đàn bò có 171.100 con, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020.

- Chăn nuôi lợn:Ước đàn lợn có 298.500 con, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá con giống dao động từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu đồng/con.

- Chăn nuôi gia cầm:Ước đàn gia cầm có 4.250 ngàn con, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó đàn gà 3.100 ngàn con, tăng 24,5% và có khuynh hướng tăng mạnh, do nhiều trang trại chăn nuôi gà công nghiệp theo mô hình CP thành lập.

* Công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật

Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc, bệnh tai xanh trên lợn, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò và bệnh dịch tả lợn Châu Phi; một số bệnh truyền nhiễm khác có xảy ra trên gia súc, gia cầm nhưng ở mức độ lẻ tẻ không lây lan thành dịch.

- Công tác tiêm phòng: Trong tháng đã tổ chức tiêm phòng 2.777.051 liều vắc xin, trong đó đàn trâu, bò 580 liều, đàn lợn 64.225 liều, đàn gia cầm 2.692.357 liều. Luỹ kế 7 tháng đã tiêm phòng 15.836.410 liều vắc xin, trong đó đàn trâu, bò 103.626 liều, đàn lợn 2.077.419 liều, đàn gia cầm 13.646.884 liều.

- Công tác tiêm phòng: Trong tháng đã tổ chức tiêm phòng 2,8 triệu liều vắc xin, trong đó đàn trâu, bò 580 liều, đàn lợn 64.225 liều, đàn gia cầm 2,7 triệu liều. Luỹ kế 7 tháng đã tiêm phòng 15,8 triệu liều vắc xin (trong đó: Đàn trâu, bò 103.626 liều, đàn lợn 2,1 triệu liều, đàn gia cầm 13,6 triệu liều).

- Kiểm dịch động vật: Trong tháng đã kiểm dịch 93.106 con lợn, 2.273 con trâu bò, 180.500 con gia cầm, 365,2 tấn thịt các loại, 3 triệu quả trứng gia cầm, 49,9 tấn thịt sơ chế. Lũy kế 7 tháng đã kiểm dịch 505.014 con lợn, 16.592 con trâu bò, 2.62 triệu con gia cầm, 2.580,6 tấn thịt các loại, 19.456 ngàn quả trứng gia cầm, 1.092,1 tấn thịt sơ chế.

- Kiểm soát giết mổ: Được thực hiện thường xuyên tại các quầy, sạp kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại chợ; đã kiểm soát giết mổ: 282 con trâu bò, 2.739 con lợn, 1.559 con gia cầm. Luỹ kế 7 tháng đã kiểm soát 2.544 con trâu bò, 30.687 con lợn, 20.069 con gia cầm, 1.459 con dê.

* Tình hình thiệt hại do thiên tai

Trong tháng, do ảnh hưởng mưa lũ cục bộ, mưa lớn kèm giông, sét lốc xoáy tại một số địa phương trong tỉnh đã gây thiệt hại: Huyện Tánh Linh trôi mất 01 con bò; Huyện Bắc Bình hư hại 16,5 ha cây ăn quả, và 0,7 ha lúa; Huyện Hàm Thuận Bắc hư hại 95 ha cây thanh long, 526 ha lúa, 38 ha diện tích hoa màu, rau các loại bị ngập; Huyện Hàm Thuận Nam ngập lụt 225,49 ha thanh long, 17,4 ha hoa màu; Huyện Đức Linh ngập 10 ha lúa và 55 ha sen.

3. Lâm nghiệp

- Công tác trồng rừng: Trong tháng đã triển khai trồng rừng mới tập trung 288 ha rừng sản xuất, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 12,8% kế hoạch). Thực hiện giao khoán bảo vệ rừng chuyển tiếp 132.170 ha.

- Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR): Trong tháng không xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Lũy kế 7 tháng đã xảy ra 26 trường hợp cháy với diện tích 35 ha, chủ yếu cháy thực bì dưới tán rừng và không gây thiệt hại đến cây rừng.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp. Trong tháng có 23 vụ vi phạm; trong đó phá rừng trái phép 2 vụ, khai thác gỗ và lâm sản khác 9 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 8 vụ, vi phạm khác 4 vụ. Luỹ kế 7 tháng (tính đến ngày 10/7/2021) có 167 vụ vi phạm; trong đó phá rừng trái phép 8 vụ, vi phạm về khai thác gỗ và lâm sản 49 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 64 vụ, vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản khác 2 vụ, vi phạm khác 43 vụ.

4. Thuỷ sản

- Nuôi trồng thủy sản:

Diện tích thu hoạch trong tháng ước đạt 248 ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, diện tích nuôi cá ước đạt 162 ha, tăng 1,3%; nuôi tôm ước đạt 84 ha, tăng 2,4%). Lũy kế 7 tháng ước đạt 1.504,2 ha, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, diện tích nuôi cá đạt 1.038 ha, tăng 2,7%; nuôi tôm đạt 454,4 ha, tăng 3%). Tình hình nuôi trồng thuận lợi, ổn định.

Sản lượng nuôi trồng trong tháng ước đạt 1.069 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, cá các loại ước đạt 486 tấn, tăng 1,3%; tôm nuôi nước lợ ước đạt 576 tấn, tăng 2,5%). Lũy kế 7 tháng ước đạt 6.403,6 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, cá các loại ước đạt 2.288 tấn, tăng 2,3%; tôm nước lợ ước đạt 4.073,5 tấn, tăng 2,4%).

- Khai thác thủy sản:

Trong tháng, thời tiết và ngư trường thuận lợi, một số nghề khai thác ổn định. Ngư trường khai thác chủ yếu tập trung tại các vùng lộng và ven bờ trong tỉnh, các tàu câu khơi, chụp mực, vây rút chì thường xuyên đánh bắt tại vùng biển Trường sa, nhà giàn ĐK1.

Sản lượng thuỷ sản khai thác trong tháng ước đạt 25.332,1 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng ước đạt 122.532,7 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó khai thác biển ước đạt 122.199 tấn, tăng 2,4%. Khai thác thủy sản biển tiếp tục đầu tư theo hướng giảm dần tàu thuyền công suất nhỏ khai thác ven bờ, phát triển tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ.

- Sản xuất giống thuỷ sản: Sản lượng giống sản xuất chủ yếu là tôm giống, ước trong tháng đạt 2,3 tỷ con, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng ước đạt 14,2 tỷ con, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020.

- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Về vi phạm nguồn lợi thủy sản, trong tháng đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 98 vụ với các hành vi khai thác thủy sản sai vùng, tàng trữ ngư cụ cấm, tàng trữ kích điện trên tàu cá. Lũy kế 7 tháng xử phạt 211 vụ với tổng số tiền xử phạt là 1,6 tỷ đồng.

Tính đến ngày 07/7/2021 toàn tỉnh có 1.809 tàu cá/1.924 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (đạt 94% so với kế hoạch). Công tác đăng kiểm tàu cá được thực hiện thường xuyên, đã thực hiện đăng kiểm 1.319 chiếc/3.860 chiếc, đạt 34,2% so với kế hoạch. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi các nghề khai thác có tính chất hủy diệt, tận diệt nguồn lợi thủy sản và hủy hoại môi trường sang các nghề khai thác có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa; tạo cơ chế khuyến khích người dân, các chủ phương tiện thường xuyên hoạt động trên biển chủ động báo tin, tố giác các hoạt động vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

II. Công nghiệp - xây dựng; đầu tư phát triển; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư.

1. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệptoàn ngành tháng 7 giảm 6,64% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 25,49%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,12%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 10,33%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,98%. Lũy kế 7 tháng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 5,02% so với cùng năm 2020; trong đó, ngành khai khoán tăng cao nhất 27,06%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,21% (do cùng kỳ ảnh hưởng dịch Covid-19 một số doanh nghiệp xuất khẩu hạn chế nguồn hàng sản xuất); ngành sản xuất và phân phối điện tăng thấp, tăng 4,48% (do một nhà máy Vĩnh Tân giảm sản lượng điện sản xuất theo sản lượng điện được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia phân bổ); ngành cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,44%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) tháng 7 ước đạt 3.112,80 tỷ đồng, giảm 0,04% so cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng 2021 ước đạt 21.068,45 tỷ đồng, tăng 8,62% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, công nghiệp khai khoáng 987,5 tỷ đồng, tăng 37,71%; công nghiệp chế biến chế tạo 9.726,2 tỷ đồng, tăng 5,51%; sản xuất và phân phối điện 10.199,3 tỷ đồng, tăng 4,01%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải 155,5 tỷ đồng, giảm 2,24%.

Các sản phẩm sản xuất 7 tháng tăng so với cùng kỳ gồm: Cát sỏi các loại tăng 8,45%; đá khai thác tăng 39,03%; gạch các loại tăng 7,15%; thủy sản khô tăng 2,03%; nước mắm tăng 18,28%; hạt điều nhân tăng 21,73%; quần áo may sẵn tăng 3,12%; điện sản xuất tăng 4,69%; sơ chế mũ cao su tăng 96,02%; đồ gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 51,18%; thức ăn gia súc tăng 7,16%; giày, dép các loại tăng 37,85%. Sản phẩm giảm gồm: Muối hạt giảm 21,23%; thủy sản đông lạnh giảm 8,98%; nước khoáng (không tính nước khoáng tinh khiết) giảm 12,96%; nước máy sản xuất giảm 1,86%.

Trong tháng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chịu ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 nhưng không có biến động lớn. Các doanh nghiệp đã thực hiện phương án về phòng, chống, xử lý tình huống khi phát hiện người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nhiễm/nghi nhiễm Covid-19 nhằm đảm bảo hoạt động ổn định.

2. Đầu tư phát triển

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, trong đó có nhiệm vụ “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”. Mục tiêu đặt ra đến ngày 30/9 toàn tỉnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước đạt 60,73% kế hoạch và đạt trên 90% đến cuối năm 2021.

Trong tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước đạt 470,1 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 7 tháng, đạt 1.853,5 tỷ đồng, đạt 44,5% so với kế hoạch và giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.522,4 tỷ đồng, giảm 2,1%, đạt 44,2% kế hoạch năm; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 295,6 tỷ đồng, giảm 14,5%, đạt 46,3% kế hoạch năm; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 35,5 tỷ đồng, giảm 13,8%, đạt 44,4% kế hoạch năm.

3. Đăng ký kinh doanh

Trong tháng 7 (từ ngày 15/6-15/7/2021), có 68 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó có 28 đơn vị trực thuộc), giảm 58,02% so với cùng kỳ năm 2020; tổng vốn đăng ký mới 864,55 tỷ đồng, giảm 16,95%; số doanh nghiệp đã giải thể 30 doanh nghiệp (trong đó có 16 đơn vị trực thuộc), tăng 3,45%; tạm ngừng hoạt động 29 doanh nghiệp (trong đó có 6 đơn vị trực thuộc), tăng 3,57%; đăng ký thay đổi 128 doanh nghiệp (trong đó có 35 đơn vị trực thuộc), giảm 8,57%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 25 doanh nghiệp (trong đó có 6 đơn vị trực thuộc), giảm 24,24%.

Luỹ kế 7 tháng (tính đến 15/7/2021), có 650 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó có 254 đơn vị trực thuộc), giảm 11,08% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký 6.381,31 tỷ đồng, tăng 17,59%; có 172 doanh nghiệp hoạt động trở lại (trong đó có 28 đơn vị trực thuộc) tăng gấp 2,04 lần; tạm ngừng hoạt động 218 doanh nghiệp (trong đó có 40 đơn vị trực thuộc), tăng 5,31%; đăng ký thay đổi 765 doanh nghiệp (trong đó có 180 đơn vị trực thuộc), tăng 19,16% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp đã giải thể 151 doanh nghiệp (trong đó có 74 đơn vị trực thuộc), tăng 30,17%.

Về quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh: Thông báo cảnh báo 04 trường hợp doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Chuyển trạng thái hoạt động trở lại 02 trường hợp sau khi cơ quan Thuế chấp thuận cho hoạt động trở lại.

4. Đăng ký đầu tư

Trong tháng không có dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Lũy kế 7 tháng (tính đến ngày 15/7/2021) có 19 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất 464 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 14.206 tỷ đồng; giảm 16 dự án so với cùng kỳ 2020 (19/35 dự án), tổng diện tích bằng 96% (464/483 ha) và tổng vốn đăng ký tăng 57,8%. Lũy kế từ trước đến nay (tính đến ngày 15/7/2021) có 1.588 dự án được cấp phép đầu tư với tổng diện tích đất 49.951 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 333.082 tỷ đồng.

Trong tháng không có dự án khởi công, không có dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh và dự án thu hồi. Luỹ kế 7 tháng không có dự án khởi công, có 05 dự án đi vào hoạt động và 09 có dự án thu hồi. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng.

III. Thương mại; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

1. Thương mại, giá cả

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong nước cũng như của tỉnh làm ảnh hưởng đến nhu cầu người tiêu dùng. Việc cung ứng hàng hoá đã đáp ứng kịp thời phục vụ cho nhu cầu của người dân trong tỉnh, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá và không tăng giá đột biến; người dân chủ yếu mua sắm những mặt hàng thiết yếu theo nhu cầu gia đình. Các doanh nghiệp thực hiện tốt các chỉ thị của tỉnh về sản xuất kinh doanh, triển khai các chương trình bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng, điểm kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thường xuyên có các chương trình giảm giá nhiều mặt hàng nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng nhu cầu mua sắm của người dân như các mặt hàng may mặc giảm từ 20 – 50%, mặt hàng hóa mỹ phẩm giảm từ 20 – 50%, mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm 15 – 20%.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 4.440,7 tỷ đồng, giảm 5,54% so với tháng trước và giảm 10,18% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.514,1 tỷ đồng, tăng 1,62% so với tháng trước và tăng 1,77 % so với cùng kỳ năm 2020 (Nhóm hàng lương thực, thực phẩm dự ước đạt 1.754,1 tỷ đồng, tăng 2,83% so với tháng trước và tăng 0,28% so với cùng kỳ; nhóm hàng hoá khác dự ước đạt 173,2 tỷ đồng, tăng 2,91% so với tháng trước và tăng 4,58% so với cùng kỳ. Hai nhóm hàng này tăng do chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân trong tỉnh cũng như cung cấp cho người thân tại các vùng dịch như Tp. Hồ Chí Minh). Luỹ kế 7 tháng, ước đạt 33.910,2 tỷ đồng, tăng 5,93% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 24.468,99 tỷ đồng, tăng 9,17%; doanh thu dịch vụ ước đạt 3.352,56 tỷ đồng, giảm 1,51%; doanh thu lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành ước đạt 6.088,67 tỷ đồng, giảm 1,68%.

- Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn tỉnh được tăng cường nhiều mặt; phát hiện nhanh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trong tháng 6/2021, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 162 vụ, phát hiện và xử lý 45 vụ vi phạm (trong đó, 08 vụ hàng hàng cấm, 04 vụ hàng nhập lậu, 07 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng và sở hữu trí tuệ, 05 vụ vi phạm trong kinh doanh và 21 vụ vi phạm khác); xử phạt và thu nộp ngân sách nhà nước 431,6 triệu đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021 đã kiểm tra 787 vụ, phát hiện và xử lý 241 vụ vi phạm, xử phạt và thu nộp ngân sách nhà nước 2.332,7 triệu đồng.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2021 tăng 0,95% so với tháng trước, tăng 3,68% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,07% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2021 so với bình quân cùng kỳ năm trước tăng 2,01%. So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm hàng tăng giá: Giao thông tăng 2,80%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,40%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,65%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,38%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,37%; May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,06%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%. Có 1 nhóm hàng giảm giá: Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%. Có 3 nhóm hàng ổn định: Bưu chính viễn thông 100%; Giáo dục 100%; Văn hóa, giải trí và du lịch 100%.

2. Hoạt động du lịch

Dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh trong cả nước và của địa phương, đã làm ảnh hưởng mạnh đến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong tháng, ngành dịch vụ và du lịch tiếp tục giảm mạnh về doanh thu lẫn lượt khách đến so với tháng trước; các đơn vị lữ hành gặp nhiều khó khăn; các hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ khác tạm dừng một số dịch vụ không cần thiết.

Lượng khách du lịch trong tháng ước đạt 21,2 ngàn lượt khách, giảm 79,8% so tháng trước và giảm 82,6% so với cùng kỳ năm 2020; ngày khách phục vụ ước đạt 45,7 ngàn ngày khách, giảm 78,5% so với tháng trước và giảm 80,8% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng lượt khách du lịch ước đạt 1.738,6 ngàn lượt khách, tăng 3,87% so với cùng kỳ năm 2020, ngày khách du lịch ước đạt 3.012 ngàn ngày khách, tăng 4,26% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng ước đạt 72,1 tỷ đồng, giảm 78,9% so với tháng trước và giảm 85,8% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 7 tháng ước đạt 3.907,9 tỷ đồng, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2020.

* Tình hình khách quốc tế: Lượng khách quốc tế tiếp tục giảm mạnh so với tháng trước; dự ước đạt 0,35 ngàn lượt khách, giảm 55,2% so với tháng trước và giảm 90,8% so với cùng kỳ năm 2020; ngày khách phục vụ dự ước đạt 1,4 ngàn ngày khách, giảm 54,8% so với tháng trước và giảm 94 % so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng ước đạt 20,15 ngàn lượt khách, giảm 87,4% so với cùng kỳ năm 2020; ngày khách phục vụ ước đạt 76,4 ngàn ngày khách giảm 85,8% so với cùng kỳ năm 2020.

3. Xuất, nhập khẩu

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa vẫn duy trì ổn định và tăng trưởng khá cao ở tất cả các nhóm hàng chủ lực, nhất là với sản phẩm hàng may mặc, giày dép, thủy sản, nông sản.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 7/2021 ước đạt 52 triệu USD, giảm 3,56% so với tháng trước và tăng 25,44% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng ước đạt 339,82 triệu USD, tăng 32,20% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: nhóm hàng thủy sản ước đạt 91,51 triệu USD, tăng 6,95%; nhóm hàng nông sản ước đạt 11,40 triệu USD, tăng 41,03%; nhóm hàng hóa khác ước đạt 236,91 triệu USD, tăng 44,99%.

+ Xuất khẩu trực tiếp lũy kế 7 tháng ước đạt 333,74 triệu USD, tăng 35,46% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: Xuất sang thị trường Châu Á ước đạt 213,77 triệu USD, tăng 31,24% (tăng chủ yếu ở thị trường Nhật Bản các mặt hàng thủy sản, áo, quần dài; thị trường Campuchia các mặt hàng ngô hạt; thị trường Trung Quốc các mặt hàng quặng các loại; thị trường Đài Loan các mặt hàng bộ quần áo, mực tươi, quả tươi). Xuất sang thị trường Châu Âu ước đạt 39,26 triệu USD, tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2020 (tăng chủ yếu ở thị trường Nga các mặt hàng giày dép, quả tươi; thị trường Đức các mặt hàng tôm thẻ, sản phẩm từ sắt thép; thị trường Italia mặt hàng giày dép). Xuất sang thị trường Châu Mỹ ước đạt 77,51 triệu USD, tăng 81,53% so với cùng kỳ năm 2020 (tăng chủ yếu ở thị trường Mỹ các mặt hàng giày dép, đồ gỗ nội thất, tôm thẻ; thị trường Belizơ mặt hàng đế giày; thị trường Canada mặt hàng giày dép).

+ Ủy thác xuất khẩu lũy kế 7 tháng ước đạt 6,08 triệu USD, giảm 42,99% so với cùng kỳ năm 2020; chủ yếu giảm ở mặt hàng bộ quần áo, mực tươi.

- Nhập khẩu lũy kế 7 tháng năm 2021 ước đạt 564,46 triệu USD tăng 26,15% so với cùng kỳ năm 2020. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như thủy sản, thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.

4. Hoạt động vận tải

Dịch bệnh covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước nên hoạt động vận tải qua lại, đi, đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, giao thông vận tải và các quy định khác. Nhiều tuyến đường bị phong tỏa, việc đi lại giữa các tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ngoài các quy định theo pháp luật hiện nay, kể từ ngày 13/7 phương tiện từ Bình Thuận đến các tỉnh, thành phố khác phải được khử khuẩn; lái xe, phụ xe, người bốc xếp đi theo phương tiện phải trang bị điện thoại thông minh có đặt phần mềm thông minh NCOVI, Bluezone, tokhaiyte.vn. Tất cả các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có phương tiện đăng ký kinh doanh vận chuyển hàng hóa có nhu cầu vận chuyển phải lập phương án vận chuyển gồm danh sách xe, loại xe, biển số và trọng tải, ngày giờ xe hoạt động, hành trình, dự kiến điểm dừng nghỉ, các nơi xếp dỡ hàng hoá.

- Vận tải hành khách:

+ Ước tháng 7 đã vận chuyển 252,35 nghìn hành khách, giảm 22,17% so với tháng trước và giảm 76,82% so với cùng kỳ năm 2020; luân chuyển 9,61 triệu hk.km, giảm 33,60% so với tháng trước và giảm 78,96% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng, vận chuyển 7.200,57 nghìn hành khách, giảm 16,31% so với cùng kỳ năm 2020 và luân chuyển 337,66 triệu hk.km, giảm 13,89% so cùng kỳ năm 2020.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 7 vận chuyển hành khách đường bộ đạt 250,18 nghìn hành khách; lũy kế 7 tháng, đạt 7.151,46 nghìn hành khách, giảm 16,25% so với năm cùng kỳ năm 2020. Vận chuyển hành khách đường thủy đạt 2,17 nghìn hành khách; lũy kế 7 tháng, đạt 49,11 nghìn hành khách, giảm 23,73% so với cùng kỳ năm 2020. Luân chuyển hành khách đường bộ đạt 9,37 triệu hk.km; lũy kế 7 tháng, đạt 332,33 triệu hk.km, giảm 13,70% so với cùng kỳ năm 2020. Luân chuyển hành khách đường thủy đạt 0,24 triệu hk.km; lũy kế 7 tháng, đạt 5,32 triệu hk.km, giảm 24,34% so với cùng kỳ năm 2020.

- Vận tải hàng hoá:

+ Ước tháng 7 vận chuyển hàng hoá đạt 296,71 nghìn tấn, giảm 1,56% so với tháng trước và giảm 37,88% so với cùng kỳ năm 2020; luân chuyển hàng hoá đạt 10,92 triệu tấn.km, giảm 5,48% so với tháng trước và giảm 58,51% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng, toàn tỉnh đã vận chuyển 4.121,79 nghìn tấn hàng hoá, giảm 5,12% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển hàng hoá đạt 212,68 triệu tấn.km, giảm 9,78% so với cùng kỳ năm 2020.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 7 vận chuyển hàng hoá đường bộ đạt 296,29 nghìn tấn, lũy kế 7 tháng, đạt 4.118,16 nghìn tấn, giảm 5,00% so với cùng kỳ năm 2020. Vận chuyển hàng hoá đường thủy đạt 0,42 nghìn tấn, lũy kế 7 tháng, đạt 3,63 nghìn tấn, giảm 01,44% so với cùng kỳ năm 2020. Luân chuyển hàng hoá đường bộ đạt 10,87 triệu tấn.km; lũy kế 7 tháng, đạt 212,27 triệu tấn.km, giảm 8,16% so với cùng kỳ năm 2020. Luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 49,06 nghìn tấn.km; lũy kế 7 tháng đạt 416,23 nghìn tấn.km, giảm 0,47% so với cùng kỳ năm 2020.

- Cảng quốc tế Vĩnh Tân: Khối lượng bốc xếp hàng hoá tháng 7 ước đạt 80.000 tấn; lũy kế 7 tháng, đạt 602.534 tấn (trong đó, khối lượng bốc xếp ngoài nước đạt 111.369 tấn); các mặt hàng chủ yếu thông qua cảng gồm quặng Ilmenite, cát, tro bay, xi măng, muối xá, thiết bị máy móc. Doanh thu tháng 7 ước đạt 10 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng doanh thu ước đạt 104,35 tỷ đồng.

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi ước tháng 7 đạt 50,75 tỷ đồng, giảm 9,91% so với tháng trước và giảm 57,93% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 7 tháng ước đạt 845,77 tỷ đồng, giảm 10,55% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 292,95 tỷ đồng, giảm 15,05%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 532,64 tỷ đồng, giảm 7,97%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 20,18 tỷ đồng, giảm 7,77%.

5. Bưu chính, viễn thông

Hạ tầng bưu chính, mạng viễn thông tiếp tục được phát triển mở rộng và ổn định; đảm bảo an toàn và thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Mạng lưới phục vụ bưu chính, viễn thông với 1.255 cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông, đạt bán kính phục vụ bình quân là 14 km/cơ sở. Tổng số thuê bao điện thoại các loại ước đạt 1.848.900 thuê bao (điện thoại cố định là 30.000 thuê bao, điện thoại di động trả sau là 32.020 thuê bao), mật độ điện thoại 147,25 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao Internet ước đạt 146.250 thuê bao, tỷ lệ người sử dụng Internet (quy đổi) là 64,75%.

IV. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách

Ước thu ngân sách tháng 7 năm 2021 đạt 450 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng, ước đạt 7.846,6 tỷ đồng, đạt 94,31% dự toán năm và tăng 27,22% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó thu nội địa (trừ dầu) đạt 6.117,7 tỷ đồng, đạt 101,63% dự toán năm, tăng 30,17% so với cùng kỳ. Trong tổng thu ngân sách gồm: Thu thuế, phí và thu khác 4.899,5 tỷ đồng, đạt 95,51% dự toán năm, tăng 26,91%; thu tiền nhà, đất 1.218,3 tỷ đồng, đạt 136,88% dự toán năm, tăng 45,22% (trong đó, thu tiền sử dụng đất 1.063,7 tỷ đồng, đạt 151,96% dự toán năm, tăng gấp 2,01 lần so với cùng kỳ năm 2020); thu dầu thô 781,3 tỷ đồng, đạt 97,67% dự toán năm và tăng 14,44%; thuế xuất nhập khẩu 947,5 tỷ đồng, đạt 63,17% dự toán năm và tăng 20,62%.

Tổng chi ngân sách trong tháng 7 năm 2021 ước thực hiện 450 tỷ đồng (chi ngân sách nhà nước 400,0 tỷ đồng); lũy kế 7 tháng, ước đạt 7.727,63 tỷ đồng (chi ngân sách nhà nước 5.658,87 tỷ đồng); trong đó chi đầu tư phát triển 2.538,18 tỷ đồng, chi thường xuyên 3.120,18 tỷ đồng.

2. Hoạt động tín dụng

Các hoạt động tín dụng trên địa bàn tiếp tục ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương; Vốn tín dụng mở rộng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Công tác thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, thanh toán chuyển tiền điện tử tiếp tục được đẩy mạnh; đảm bảo hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân nói riêng phát triển an toàn đáp ứn nhu cầu tiền mặt của người dân, bảo đảm hệ thống máy ATM hoạt động ổn địnhvà thông suốt.

Tính đến ngày 07/7/2021, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 517,08 tỷ đồng/6.113 khách hàng; giảm lãi vay cho 2.703 khách hàng với số tiền lãi được giảm 1,2 tỷ đồng; cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra, doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến ngày 07/7/2021 là 22.095 tỷ đồng/6.968 khách hàng. Tính đến ngày 31/5/2021, nợ xấu (nội bảng) trên địa bàn 780 tỷ đồng, chiếm 1,09% tổng dư nợ, tăng 0,03% so với đầu năm.

Tình hình thực hiện lãi suất: Hiện nay, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng 2,8-3,95%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng 3,5-6,8%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên 4,4-6,99%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 4,5%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân là 5,5%/năm), các lĩnh vực khác từ 7-9%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9-11,5%/năm.

Hoạt động huy động vốn (tính đến ngày 31/5/2021), nguồn vốn huy động đạt 43.893 tỷ đồng, tăng 7,13% so với đầu năm và giảm 1,27% so với cùng kỳ năm 2020. Ước đến ngày 31/7/2021 vốn huy động đạt 44.947 tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm.

Hoạt động tín dụng (tính đến ngày 31/5/2021), tổng dư nợ cho vay đạt 71.879 tỷ đồng, tăng 3,16% so với đầu năm và tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND đạt 70.660 tỷ đồng, chiếm 98,3% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 39.518 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm khoảng 3,8% tổng dư nợ, lãi suất từ 6-7%/năm chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ, lãi suất trong khoảng 7 - 9%/năm chiếm 28,9% tổng dư nợ; lãi suất từ 9-12%/năm chiếm khoảng 56% tổng dư nợ, lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 4,8% tổng dư nợ. Ước đến 31/7/2021 dư nợ đạt 73.160 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 38.560 tỷ đồng, chiếm 53,7% tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu đạt 522 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 15.132 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng dư nợ.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ (nợ nội bảng) đạt 915,9 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 286,9 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 623,9 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 5,1 tỷ đồng). Nợ xấu 87,5 tỷ đồng/7 tàu; nợ cơ cấu lại thời hạn 155,2 tỷ đồng/90 tàu. Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN và Nghị quyết số 30/NQ-CP: Dư nợ cho vay đạt 352 tỷ đồng phục vụ nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi tôm giống công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa công nghệ cao; dư nợ cho vay chăn nuôi lợn, sản xuất thuốc thú y, thức ăn gia súc đạt 487 tỷ đồng. Cho các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ đạt 3.125 tỷ đồng/102.077 hộ, trong đó cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, hiện đang được triển khai tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, dư nợ đạt 60 tỷ đồng/169 hộ. Hiện đang tập trung tuyên truyền và triển khai thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hoạt động thanh toán, cung ứng tiền mặt: Đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ nhằm tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động thông suốt. Mạng lưới ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn. Đến ngày 31/5/2021, trên địa bàn có 188 máy ATM (tăng 04 máy so với đầu năm) và 1.496 máy POS (giảm 217 máy so với đầu năm), hầu hết máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Tình hình thị trường ngoại tệ và vàng trên địa bàn: Các Tổ chức tín dụng trên địa bàn đã bám sát điều hành tỷ giá và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt. Diễn biến thị trường vàng, ngoại hối trên địa bàn tiếp tục phát triển theo hướng ổn định. Nhìn chung, các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt. Doanh số mua bán ngoại tệ trong 05 tháng đầu năm 2021 đạt 252 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 42 triệu USD.

V. Lĩnh vực Văn h - Xã hội

1. Hoạt động văn hóa - Thể dục thể thao

Hoạt động tuyên truyền, cổ động: Công tác tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị tiếp tục được tăng cường, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tuyên truyền kết quả bầu cử Đại biểu Quốc Hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026… Các hoạt động biểu diễn tạm dừng để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Hoạt động thư viện: Cấp mới 67 thẻ (thiếu nhi 29 thẻ), phục vụ 1.016 lượt bạn đọc tại Thư viện, (thiếu nhi 545 lượt), lượt bạn đọc truy cập website 298.514 lượt, luân chuyển 2.341 lượt tại Thư viện (thiếu nhi 1.020 lượt). Sưu tầm 20 tin, bài cho Tập thông tin tư liệu Bình Thuận, 142 tin, bài chuyên mục Thông tin kinh tế. Thu hồi 898 bản sách lưu động của Trường THCS Mương Mán và Thư viện huyện Hàm Thuận Bắc. Triển khai tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hệ thống thư viện.

Hoạt động bảo tồn, bảo tàng: Trong tháng đã đón 590 lượt khách; tiếp nhận 05 hiện vật; hoàn chỉnh hồ sơ khoa học Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận để tỉnh trình đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; kiểm tra hiện trạng đình Xuân Hội, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình và tháp Po Dam xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.

Hoạt động thể thao quần chúng: Trong tháng đã tạm dừng tổ chức các hoạt động thể thao để phòng, chống dịch Covid-19.

Hoạt động thể thao thành tích cao: Không cử đội thể thao tham gia thi đấu các giải khu vực, quốc gia, quốc tế cho đến khi có thông báo mới. Lũy kế 7 tháng (đến ngày 01/7/2021), tổng số huy chương đạt 86 huy chương (20 huy chương vàng; 23 huy chương bạc; 43 huy chương đồng).

2. Giáo dục và Đào tạo

Trong tháng, đã tổ chức chấm phúc khảo vào lớp 10 Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo và các trường THPT công lập năm học 2021-2022. Tổ chức thi và chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với tổng số thí sinh đăng kí dự thi 12.089, vắng 273 thí sinh. Đã chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học (đặc biệt lớp 2 và 6); hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào đầu cấp học và chấp hành thời gian nhập học theo đúng quy định biên chế năm học 2021-2022 tỉnh giao.

3. Y tế

Trong tháng chủ yếu tập trung triển khai thực hiện các công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến 16 giờ ngày 25/7/2021, toàn tỉnh đã ghi nhận 321 trường hợp mắc Covid-19 (La Gi: 261, Tánh Linh: 17, Tuy Phong: 09, Đức Linh: 08, Phan Thiết: 05, Bắc Bình: 04, Hàm Thuận Bắc: 04, Hàm Thuận Nam: 05, Hàm Tân: 08). Trong đó có 316 trường hợp đang được điều trị tại cơ sở y tế, 05 trường hợp đã điều trị khỏi và xuất viện. Số trường hợp cách ly tập trung 4.992, trong đó 2.847 đang cách ly, 2.145 hoàn thành cách ly (cơ sở y tế: 491; khu cách ly tập trung của địa phương: 4.486; cơ sở cách ly tập trung có thu phí: 15). Có 28.936 trường hợp cách ly tại nhà (đang cách ly: 8.806, hoàn thành cách ly: 20.130); 158.381 mẫu đã xét nghiệm; 376.723 người được kiểm tra, giám sát tại các chốt kiểm soát; 2.511 người F1 và 6.667 người F2 của các trường hợp mắc Covid-19 đã điều tra giám sát được.

Trong tháng (từ ngày 15/6-15/7/2021) toàn tỉnh có 232 cas mắc sốt xuất huyết, 01 ca mắc sốt rét và 12 cas mắc tay chân miệng, tất cả đều không có cas tử vong. Số bệnh nhân mắc bệnh phong 08 bệnh nhân, 408 bệnh nhân đang quản lý và không có bệnh nhân phong mới tàn tật độ II.

Công tác phòng chống Lao: Có 812 tổng số lượt khám, số bệnh nhân thu dung điều trị 131. Số bệnh nhân lao phổi AFB(+) mới 88.

Số nhiễm HIV mới phát hiện 07 cas (tích luỹ 1.613 cas); có 02 cas chuyển AIDS mới (tích luỹ 1.078 cas); không có cas tử vong (tích luỹ 535 cas).

Trong tháng không có xảy ra ngộ độc thực phẩm; các bệnh viện, các đơn vị điều trị chủ động thực hiện tốt công tác thường trực, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện đầy đủ các quy định chuyên môn của Bộ Y tế; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Trong tháng, số lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh 52.148 lượt, số bệnh điều trị nội trú 8.646, số bệnh nhân chuyển viện 287, số bệnh nhân tử vong 28. Công suất sử dụng giường bệnh tại các tuyến đạt từ 69% đến 124,9%.

4. Lao động - xã hội

Trong tháng đã giải quyết việc làm cho 2.079 lao động; lũy kế 7 tháng giải quyết việc làm cho 12.133 lao động, đạt 60,67% so kế hoạch năm; trong đó cho vay vốn giải quyết việc làm 825 lao động, đạt 58,93% so với kế hoạch năm. Không có tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp; lũy kế 7 tháng tuyển mới và đào tạo nghề 5.188 người, đạt 51,88% so với kế hoạch năm.

Tính đến ngày 05/7/2021 vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 6,004 tỷ đồng, đạt 100,7% so với kế hoạch năm. Vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em 167,25 triệu đồng; lũy kế 7 tháng đạt 928,57 triệu đồng, đạt 46,43% kế hoạch năm. Tặng quà cho những người có công nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021).

Luỹ kế 7 tháng toàn tỉnh có có 4.366 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó đang cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy 272 người; đang quản lý trong tại tạm giam, nhà tạm giữ 363 người; tự điều trị bằng thuốc thay thế Methadone tại cơ sở y tế 634 người. Có 112/124 xã, phường, thị trấn có người sử dụng ma túy, chiếm 90,32% số xã, phường, thị trấn có người nghiện.

Thực hiện Kế hoạch số 2428/KH-UBND ngày 05/7/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên đia bàn tỉnh (tính đến ngày 09/7/2021):

- Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương 19.822 người, kinh phí 56.247 triệu đồng.

- Hỗ trợ người lao động ngừng việc 3.425 người, kinh phí 3.425 triệu đồng.

- Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 2.283 người, kinh phí 8.470 triệu đồng.

- Hỗ trợ bổ sung và trẻ em 4.238 người, kinh phí 4.238 triệu đồng.

- Hỗ trợ tiền ăn cho 3.434 người, kinh phí 7.198 triệu đồng.

- Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch 149 người, kinh phí 553 triệu đồng.

- Hỗ trợ hộ kinh doanh 4.317 hộ, kinh phí 12.951 triệu đồng.

- Người lao động mất việc làm liên tục từ 15 ngày trở lên do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/12/2021. Mức hỗ trợ: 1,5 triệu đồng/người, phương thức chi trả 01 lần cho người lao động. Dự kiến số lượng và kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương cho 46.216 người với kinh phí hỗ trợ 69 tỷ triệu đồng.

5. Hoạt động bảo hiểm (Tính đến ngày 30/6/2021)

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch.

Tính đến ngày 30/6/2021, toàn tỉnh có 90.289 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020; có 81.721 người tham gia BHTN, tăng 3,3%; số người tham gia BHXH tự nguyện 11.541 người, tăng 132%; số người tham gia BHYT 1.019.299 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.161 người), tăng 2,8%. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 89,8% dân số.

Lũy kế 6 tháng đã xét duyệt, giải quyết cho 30.472 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó hưởng các chế độ BHXH dài hạn 408 lượt người; hưởng trợ cấp BHXH một lần 7.729 lượt người; hưởng chế độ BHXH ngắn hạn 17.857 lượt người; hưởng trợ cấp BHTN 4.478 lượt người.

Tính đến ngày 30/6/2021, tổng số đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH dài hạn 16.489 người; tổng số thu 1.226,87 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020; tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 130,84 tỷ đồng, tăng 0,18% so với cùng kỳ năm 2020.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2021 có nhiều doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động (chủ yếu doanh nghiệp ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ; giao thông, vận tải…) đã ảnh hưởng đến công tác thu và phát triển người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh.

6. Tai nạn giao thông (từ 15/6 - 14/7/2021)

Số vụ tai nạn giao thông 17 vụ, so với tháng trước giảm 18 vụ và so với cùng kỳ năm 2020 giảm 11 vụ. Luỹ kế 7 tháng, đã xảy ra 186 vụ (trong đó đường sắt không xảy ra), so với cùng kỳ năm 2020 tăng 11 vụ.

Số người bị thương 07 người, giảm 12 người so với tháng trước và giảm 08 người so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 7 tháng, có 104 người, giảm 04 người so với cùng kỳ năm 2020.

Số người chết 11 người, giảm 10 người so với tháng trước và giảm 06 người so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 7 tháng có 121 người chết, so với cùng kỳ năm trước tăng 19 người.

Trong tháng không có xảy ra vụ tai nạn giao thông đặt biệt nghiêm trọng. Số vụ tai nạn giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh (kể cả phương tiện mang biển kiểm soát trong và ngoài tỉnh). Tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động của các phương tiện kinh doanh vận tải qua thiết bị giám sát hành trình và dữ liệu của hệ thống camera tại các trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 1. Tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định, yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 đối với phương tiện vận tải. Lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý nghiêm theo đúng quy định. Phân công lực lượng tham gia các tổ, chốt liên ngành kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động vận tải.

7. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường

- Thiên tai: Trong tháng xảy ra 09 vụ thiên tai, ước giá trị thiệt hại 7,25 tỷ đồng. Trong đó: Tánh Linh xảy ra 03 vụ lũ quét cục bộ mưa lớn kèm lốc xoáy, làm trôi 01 con bò, tốc mái 02 căn nhà (thiệt hại 70 triệu); Hàm Thuận Nam xảy ra 03 vụ mưa lớn gây lũ quét, ngập lụt cục bộ, mưa giông kèm lốc xoáy làm tốc mái 68 căn nhà, 01 người chết vì điện giật trong lúc trú mưa, làm hư 7 tủ lạnh, 13 mô tơ, 2 máy giặt; làm ngập hư hại 225,49 ha thanh long, 17,4 ha hoa màu (thiệt hại 3,38 tỷ đồng); Hàm Thuận Bắc xảy ra 02 vụ mưa giông kèm lốc xoáy, làm ngập 95 ha cây thanh long, 526 ha lúa, 38 ha hoa màu, làm tốc mái hư hỏng 51 căn nhà trong đó có14 nhà hư hỏng nặng từ 50-70%, sập 40m tường rào trường học, gãy đỗ 02 trụ thu lôi (thiệt hại 2,5 tỷ đồng); La Gi xảy ra 01 vụ mưa giông kèm lốc xoáy làm tốc mái 6 căn nhà, 01 người chết vì sập ván gỗ trúng trong lúc trú mưa, 01 người bị thương, 01 hộ bị hư hỏng đồ dùng gia đình (thiệt hại 300 triệu đồng); Bắc Bình xảy ra 01 vụ mưa lớn kèm giông, sét lốc xoáy làm tốc mái 18 căn nhà trong đó có 01 nhà nuôi chim yến, 01 người bị thương, làm hư hại 16,5 ha cây ăn quả và 0,7 ha lúa, sét đánh làm hư 01 bình biến áp 75 KVA (thiệt hại 500 triệu đồng); Đức Linh xảy ra 01 vụ mưa lớn gây lũ quét, ngập lụt cục bộ, ngập 10 ha lúa, 55 ha Sen và 05 ha hoa màu các loại; ngập úng khoảng 110 giếng nước, vỡ 35m kênh (thiệt hại 500 triệu đồng).

Lũy kế 7 tháng xảy ra 21 đợt thiên tai, ước tổng giá trị thiệt hại ban đầu 12,01 tỷ đồng.

- Cháy n: Trong tháng xảy ra 06 vụ cháy, tăng 01 vụ so với cùng kỳ năm trước, không có người bị thương, thiệt hại 444 triệu đồng. Lũy kế 7 tháng có 43 vụ cháy (giảm 14 vụ so cùng kỳ), thiệt hại 4.384,7 triệu đồng.

- Vi phạm môi trường: Trong tháng đã xảy ra 03 vụ (tăng 03 vụ so với cùng kỳ năm trước), đã xử phạt 301,2 triệu đồng. Lũy kế 7 tháng, đã xảy ra 19 vụ (tăng 05 vụ so với cùng kỳ); tổng tiền đã xử phạt 2.433,8 triệu đồng./.


Website Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận

    Tổng số lượt xem: 676
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)