Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/08/2021-13:39:00 PM
Tình hình kinh tế xã hội tháng 8 năm 2021 tỉnh Bình Thuận

Trong tháng, thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi; bà con nông dân tập trung vào chăm sóc các loại cây trồng, đặc biệt là chăm sóc lúa hè thu và các cây hoa màu. Cây lâu năm phát triển ổn định (một số cây trồng chính như thanh long, cao su đang vào vụ thu hoạch chính). Ngành chăn nuôi của tỉnh đang gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi đó giá thịt lợn hơi giảm; đã xuất hiện bệnh nổi cục trên đàn bò. Thời tiết thuận lợi cho trồng rừng tập trung. Sản lượng khai thác thuỷ sản trong tháng giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

1. Trồng trọt

* Cây hàng năm: Sản xuất vụ hè thu năm 2021 đúng khung thời vụ, thời tiết thuận lợi, nguồn nước thuỷ lợi đầy đủ phục vụ cho sản xuất. Tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng không diễn biến phức tạp, chỉ xảy ra dưới dạng cục bộ ảnh hưởng không đáng kể đến cây trồng. Tính đến ngày 15/8/2021, toàn tỉnh gieo cấy đạt 66.988,2 ha, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2020; diện tích tăng tập trung vào các loại cây như lúa, đậu phụng và đậu các loại.

- Cây lương thực: Diện tích xuống giống đạt 51.409,3 ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó lúa đạt 44.532 ha, tăng 2,2%; bắp đạt 6.877,3 ha, tăng 2,9%.

- Nhóm cây chất bột: Chủ yếu là khoai lang, diện tích xuống giống đạt 216 ha, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2020.

- Nhóm cây công nghiêp ngắn ngày: So với cùng kỳ năm 2020, diện tích đậu phộng xuống giống đạt 2.002,5 ha, tăng 13,7%; diện tích mè đạt 4.187 ha, giảm 1,6%.

- Cây rau, đậu các loại và hoa: Diện tích xuống giống đạt 8.126,5 ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó rau các loại đạt 3.552 ha, giảm 3,5%; đậu đạt 4.574,5 ha, tăng 8,7%.

- Nhóm cây hàng năm khác: Diện tích xuống giống đạt 906,9 ha, tăng 39,5% so cùng kỳ năm 2020; tăng mạnh ở các cây như ớt, gừng, sả, cỏ voi được người dân tích cực gieo trồng; năng suất ở nhóm cây gia vị và cây dược liệu giảm so với cùng kỳ năm 2020 do mưa nhiều gây thiệt hại ở giai đoạn cuối thu hoạch.

* Cây lâu năm: Trong tháng tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, giá đầu ra một số loại cây chủ lực thấp (cao su, thanh long,...) đã ảnh hưởng đến việc trồng mới diện tích các loại cây lâu năm ở các huyện trong tỉnh. Tình hình sản xuất một số cây chủ lực của tỉnh:

+ Thanh long: Hiện đang là thời điểm thu hoạch chính vụ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hàng hóa lưu thông khó khăn, giá thanh long thấp, một số vườn thanh long già người dân không chăm sóc, hoặc chuyển sang các loại cây trồng khác, nhiều nhất là ở các xã thuộc Hàm Thuận Bắc. Đến thời điểm 15/8/2021 toàn tỉnh có 11.411,6 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap (trong đó Hàm Thuận Nam 6.897,6 ha; Hàm Thuận Bắc 3.531,4 ha; Bắc Bình 602,5 ha; Phan Thiết 89,8 ha; Hàm Tân 86,8 ha; La Gi 147,1 ha; Tuy Phong 56,4 ha).

+ Cây điều: Hiện một số nơi đang tiến hành trồng mới, chủ yếu phát triển diện tích ở một số huyện phía nam như: Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh; các địa phương phía bắc như Tuy Phong, Bắc Bình phát triển chậm do phần lớn diện tích đất cát kém màu mở, năng suất thấp, hiệu quả cây điều kém.

+ Cao su: Đang vào vụ thu hoạch chính, giá bán vẫn đang ở mức thấp, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhu cầu nhập khẩu cao su của các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc không cao, dự ước trong thời gian đến diện tích trồng mới trên địa bàn tỉnh không tăng.

+ Cây tiêu: Hiện đã kết thúc vụ thu hoạch, so với năm trước giá tiêu đã tăng trở lại, tuy nhiên vẫn chưa cao, dự kiến trong những tháng cuối năm diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh sẽ tăng nhẹ.

+ Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể.

* Tình hình dịch bệnh: Công tác dự báo và ngăn ngừa dịch bệnh trên cây trồng được theo dõi, triển khai thường xuyên.

- Cây lúa: Diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá 1.256 ha, giảm 44 ha so cùng kỳ năm 2020; sâu đục thân 675 ha, tăng 287 ha so cùng kỳ năm 2020.

- Cây thanh long: Diện tích nhiễm bệnh đốm nâu 3.328 ha, tăng 147 ha so cùng kỳ năm 2020.

- Cây mì: Diện tích nhiễm bệnh khảm lá virus 1.133 ha, giảm 782 ha so cùng kỳ năm 2020.

* Tình hình tưới vụ hè thu 2021: Tính đến ngày 05/8/2021, diện tích cấp nước sản xuất vụ hè thu đạt 52.740/52.165 ha, đạt 101,1% so với kế hoạch; trong đó, diện tích tưới lúa, hoa màu thuộc hệ thống công trình thủy lợi toàn tỉnh đạt 32.117/31.542 ha, đạt 101,8%; diện tích tưới cây thanh long và cây công nghiệp dài ngày đạt 20.623/20.623 ha, đạt 100%. Tình hình nguồn nước, tính đến ngày 09/8/2021 lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa trong tỉnh được 98,11 triệu m3, đạt 27,1% thiết kế, thấp hơn 14,5 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2020.

2. Chăn nuôi (tại thời điểm 15/8/2021)

Trong tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến việc lưu thông vận chuyển hàng hóa; giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá thịt lợn hơi giảm, bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện trên đàn bò của tỉnh đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất chăn nuôi. Tuy nhiên, đàn gia súc, gia cầm vẫn đang tiếp tục duy trì; đàn trâu giảm nhẹ; đàn bò phát triển ổn định; đàn lợn phát triển khá, nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi mở rộng tái đàn; chăn nuôi gia cầm phát triển thuận lợi, tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, số doanh nghiệp, trang trại nuôi gà công nghiệp CP được thành lập mới ngày càng có khuynh hướng tăng.

- Chăn nuôi trâu, bò: Ước đàn trâu có 8.650 con, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2020 do khả năng sinh trưởng và tăng đàn chậm, thời gian đầu tư đến khi thu hồi vốn lâu hơn các loại vật nuôi khác; đàn bò có 171.800 con, tăng 0,94% so với cùng kỳ năm 2020.

- Chăn nuôi lợn: Ước đàn lợn có 301.200 con, tăng 7,46% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống có xu hướng tăng.

- Chăn nuôi gia cầm: Ước đàn gia cầm có 4.280 ngàn con, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó đàn gà 3.130 ngàn con, tăng 24,7%, đàn gà có khuynh hướng tăng mạnh do nhiều trang trại chăn nuôi gà công nghiệp theo mô hình CP thành lập.

* Công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật

Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh tai xanh trên lợn, bệnh dịch tả lợn Châu Phi; một số bệnh truyền nhiễm khác có xảy ra trên gia súc, gia cầm nhưng ở mức độ lẻ tẻ không lây lan thành dịch; riêng trên đàn bò xuất hiện bệnh viêm da nổi cục xảy ra ở huyện Hàm Tân và huyện Bắc Bình.

- Công tác tiêm phòng: Đã tổ chức tiêm phòng 2.203,9 ngàn liều vắc xin. Luỹ kế 8 tháng đã tiêm phòng 180.040,3 ngàn liều vắc xin, trong đó đàn trâu bò 124,3 ngàn liều, đàn lợn 2.117,5 ngàn liều, đàn gia cầm 15.789 ngàn liều.

- Kiểm dịch động vật: Đã kiểm dịch 81,6 ngàn con lợn; 2,1 ngàn con trâu bò; 263,0 ngàn con gia cầm; 667,8 tấn thịt các loại; 3.600 ngàn quả trứng gia cầm, 44,4 tấn thịt sơ chế. Lũy kế 8 tháng đã kiểm dịch 586,6 ngàn con lợn, 18,7 ngàn con trâu bò; 2.878,8 con gia cầm; 3.231,5 tấn thịt các loại; 23.056 ngàn quả trứng gia cầm; 1.136,5 tấn thịt sơ chế.

- Kiểm soát giết mổ: Đã kiểm soát giết mổ 113 con trâu bò; 2.374 con lợn; 600 con gia cầm. Luỹ kế 8 tháng đã kiểm soát 2.657 con trâu bò; 23.061 con lợn; 20.669 con gia cầm; 1.459 con dê.

* Tình hình thiệt hại do thiên tai

Trong tháng, do ảnh hưởng mưa lũ cục bộ, mưa lớn kèm giông, sét lốc xoáy tại huyện Đức Linh, làm ngã 255 ha lúa sắp thu hoạch, giá trị thiệt hại 750 triệu đồng; tại huyện Tánh Linh làm ngã và ngập 89 ha lúa, ngã 8 ha cây cao su và cây ăn quả, sạt lở một số tuyến kênh và đê bào, gây thiệt hại 1.500 triệu đồng.

3. Lâm nghiệp

- Công tác trồng rừng: Trong tháng đã triển khai trồng 604 ha rừng sản xuất, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng đạt 814 ha, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thực hiện giao khoán bảo vệ rừng chuyển tiếp đạt 133.670 ha.

- Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng: Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong tháng không xảy ra cháy rừng, lũy kế 8 tháng đã xảy ra 26 trường hợp cháy với diện tích 35 ha, chủ yếu cháy thực bì dưới tán rừng và không gây thiệt hại đến cây rừng.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Trong tháng đã có 23 vụ vi phạm; luỹ kế 8 tháng (tính đến ngày 10/8/2021) có 190 vụ vi phạm (trong đó phá rừng trái phép 11 vụ, vi phạm về khai thác gỗ và lâm sản 60 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 72 vụ, vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản khác 2 vụ, vi phạm khác 45 vụ). Số vụ vi phạm đã xử lý trong tháng là 24 vụ; lũy kế 8 tháng (tính đến ngày 10/7/2021) là 184 vụ, tịch thu 2 ô tô máy kéo, 4 xe trâu bò kéo, 92 xe máy, 19 phương tiện khác và 193,5 m3 gỗ các loại.

4. Thuỷ sản

- Diện tích nuôi trồng thủy sản: Tình hình nuôi trồng thuận lợi, trong tháng dịch bệnh nghiêm trọng không xảy ra. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản thu hoạch trong tháng 8 ước đạt 256,1 ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó diện tích nuôi cá đạt 168 ha, tăng 2,4%; diện tích nuôi tôm đạt 86,1 ha, tăng 3,7%). Lũy kế 8 tháng ước đạt 1.760,3 ha, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó diện tích nuôi cá đạt 1.206 ha, tăng 2,6%; diện tích nuôi tôm đạt 540,5 ha, tăng 3,1%).

- Sản lượng nuôi trồng: Thủy sản nuôi trồng gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ. Sản lượng nuôi trồng trong tháng ước đạt 1.159 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó cá các loại ước đạt 495 tấn, tăng 2,1%; tôm nuôi nước lợ ước đạt 656 tấn, tăng 2,2%). Lũy kế 8 tháng ước đạt 7.560,6 tấn, tăng 2,32% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó cá các loại ước đạt 2.783 tấn, tăng 2,2%; tôm nước lợ ước đạt 4.727,5 tấn, tăng 2,3%).

- Sản lượng khai thác: Trong tháng sản lượng khai thác giảm do thời tiết ngư trường không thuận lợi, đồng thời do tác động của việc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi, dẫn đến một số tàu thuyền nghỉ hoạt động đánh bắt hải sản.

Sản lượng thuỷ sản khai thác trong tháng ước đạt 24.493,2 tấn, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó khai thác biển ước đạt 24.437 tấn, giảm 0,6%). Lũy kế 8 tháng ước đạt 147.025,9 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó khai thác biển ước đạt 146.636 tấn, tăng 1,9%). Tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần trên biển; khai thác thủy sản biển tiếp tục đầu tư theo hướng giảm dần tàu thuyền công suất nhỏ khai thác ven bờ, phát triển tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ.

- Sản xuất giống thuỷ sản: Sản lượng giống sản xuất chủ yếu là tôm giống, ước trong tháng đạt 2,2 tỷ con, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng ước đạt 16,5 tỷ con, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2020.

- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Về vi phạm nguồn lợi thủy sản, trong tháng đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 21 vụ với các hành vi khai thác thủy sản sai vùng, không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, sử dụng tàu cá không đăng ký, thuyền viên trên tàu cá không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên tàu cá; không đăng ký tàu cá theo quy định; thông báo không đầy đủ các thông tin theo quy định cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi rời, vào cảng cá theo quy định. Lũy kế 8 tháng xử phạt 233 vụ với tổng số tiền xử phạt hơn 2 tỷ đồng.

Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa. Tính đến ngày 10/8/2021 đã có 1.813/1.925 tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 94,2% kế hoạch. Công tác đăng kiểm tàu cá được thực hiện thường xuyên.

II. Công nghiệp - xây dựng; đầu tư phát triển; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư.

1. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 8 tăng 9,65% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 49,71%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,22%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,83%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,44%. Lũy kế 8 tháng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 4,35% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó ngành khai khoán tiếp tục tăng cao nhất 31,09%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,97% (do cùng kỳ ảnh hưởng dịch Covid-19 một số doanh nghiệp xuất khẩu bị hạn chế nguồn hàng); ngành sản xuất và phân phối điện tăng thấp, tăng 3,85%; ngành cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,8%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trong tháng ước đạt 3.039,36 tỷ đồng, tăng 8,13% so cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng ước đạt 23.960,26 tỷ đồng, tăng 6,01% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó công nghiệp khai khoáng 1.167,21 tỷ đồng, tăng 39,88%; công nghiệp chế biến chế tạo 11.189,34 tỷ đồng, tăng 4,91%; sản xuất và phân phối điện 11.429,39 tỷ đồng, tăng 4,65%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải 174,32 tỷ đồng, giảm 2,74%.

Các sản phẩm sản xuất 8 tháng tăng so với cùng kỳ gồm: Cát sỏi các loại tăng 4,68%; đá khai thác tăng 48,34%; gạch các loại tăng 9,67%; thủy sản khô tăng 2,39%; nước mắm tăng 12,49%; hạt điều nhân tăng 11,18%; quần áo may sẵn tăng 1,39%; điện sản xuất tăng 3,99%; sơ chế mủ cao su tăng 74,67%; đồ gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 40,84%; thức ăn gia súc tăng 9,45%; giày, dép các loại tăng 42,66%. Sản phẩm giảm gồm: Muối hạt giảm 17,07%; thủy sản đông lạnh giảm 5,66%; nước khoáng (không tính nước khoáng tinh khiết) giảm 9,76%; nước máy sản xuất giảm 2,14%.

Trong tháng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã chủ động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm”, nhìn chung không có biến động lớn. Các nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện, điện gió và điện năng lượng mặt trời hoạt động ổn định.

2. Đầu tư phát triển

Trong tháng, nhằm kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch bệnh, thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi đã thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các huyện còn lại thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các dự án trên địa bàn. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 8 ước đạt 415,7 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 8 tháng, đạt 2.260,7 tỷ đồng, đạt 54,3% so với kế hoạch và giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.858,8 tỷ đồng, giảm 6,8%, đạt 54,0% kế hoạch năm; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 358,3 tỷ đồng, giảm 17,1%, đạt 56,2% kế hoạch năm; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 43,6 tỷ đồng, giảm 14,5%, đạt 54,5% kế hoạch năm.

3. Đăng ký kinh doanh

Trong tháng (từ ngày 15/7-15/8/2021), có 43 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó có 14 đơn vị trực thuộc), giảm 72,78% so với cùng kỳ năm 2020; tổng vốn đăng ký mới 198,9 tỷ đồng, giảm 85,21%; số doanh nghiệp đã giải thể 8 doanh nghiệp (trong đó có 5 đơn vị trực thuộc), giảm 79,49%; tạm ngừng hoạt động 16 doanh nghiệp (trong đó có 6 đơn vị trực thuộc), tăng 45,45%; đăng ký thay đổi 64 doanh nghiệp (trong đó có 8 đơn vị trực thuộc), giảm 50%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 9 doanh nghiệp (trong đó có 4 đơn vị trực thuộc), giảm 10%.

Luỹ kế 8 tháng (tính đến 15/8/2021), có 693 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó có 268 đơn vị trực thuộc), giảm 21,52% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký 6580,21 tỷ đồng, giảm 2,59%; có 179 doanh nghiệp hoạt động trở lại (trong đó có 31 đơn vị trực thuộc) tăng 94,57%; tạm ngừng hoạt động 233 doanh nghiệp (trong đó có 46 đơn vị trực thuộc), tăng 7,37%; đăng ký thay đổi 829 doanh nghiệp (trong đó có 188 đơn vị trực thuộc), tăng 8,37% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp đã giải thể 159 doanh nghiệp (trong đó có 79 đơn vị trực thuộc), tăng 3,92%.

Về quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh: Thông báo cảnh báo 02 trường hợp doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Chuyển trạng thái hoạt động trở lại 02 trường hợp sau khi cơ quan Thuế chấp thuận cho hoạt động trở lại.

4. Đăng ký đầu tư

Trong tháng có 03 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Lũy kế 7 tháng (tính đến ngày 14/8/2021) có 23 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất 518 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 14.253 tỷ đồng; giảm 13 dự án so với cùng kỳ 2020 (23/36 dự án), tổng diện tích tăng 7% (518/484 ha) và tổng vốn đăng ký tăng 58,2%. Lũy kế từ trước đến nay (tính đến ngày 14/8/2021) có 1.592 dự án được cấp phép đầu tư với tổng diện tích đất 50.004 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 333.128 tỷ đồng.

Trong tháng không có dự án khởi công, không có dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh và dự án thu hồi. Luỹ kế 8 tháng không có dự án khởi công, có 05 dự án đi vào hoạt động và 09 có dự án thu hồi. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng.

III. Thương mại; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

1. Thương mại, giá cả

Trong tháng, việc tỉnh thực hiện giãn cách và cách ly xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, dẫn đến sức mua của người dân giảm so với tháng trước([1]). Để đáp ứng nhu cầu của người dân, tỉnh khuyến khích hộ kinh doanh và doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu tiếp tục kinh doanh phục vụ nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá và tăng giá đột biến. Các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của tỉnh về sản xuất kinh doanh, triển khai các chương trình bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng, điểm kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tại siêu thị Coop mart các mặt hàng thực phẩm giảm 10-15%; hàng may mặc giảm từ 20-40%, mặt hàng hóa mỹ phẩm giảm từ 25-30%. Các siêu thị điện máy cũng đưa ra nhiều chương trình giảm giá, mặt hàng điện tử giảm từ 15-50%, mặt hàng điện gia dụng cho nhà bếp giảm đến 20-70%, mặt hàng điện lạnh giảm từ 20-40% mức khuyến mãi tuỳ vào hãng sản xuất. Ngoài ra để đáp ứng nhu cầu người dân, các cơ sở bán hàng theo nhiều hình thức như: bán hàng online, các siêu thị bán hàng trực tuyến, mua hàng giúp hộ gia đình... đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân, hạn chế lây lan dịch bệnh.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 4.296,3 tỷ đồng, giảm 5,09% so với tháng trước và giảm 19,76% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.558,7 tỷ đồng, giảm 1,39% so với tháng trước và giảm 7,43% so với cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các nhóm ngành hàng đều giảm so với tháng trước; nhóm lương thực, thực phẩm dự ước đạt 1.783 tỷ đồng, giảm 0,88% so với tháng trước và giảm 7,62% so với cùng kỳ năm 2020 và nhóm hàng hoá khác dự ước 174,1 tỷ đồng, giảm 1,22% so với tháng trước và giảm 4,64% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 8 tháng ước đạt 38.311,6 tỷ đồng, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 28.122,3 tỷ đồng, tăng 7,1%; doanh thu dịch vụ ước đạt 3.646,9 tỷ đồng, giảm 7,6%; doanh thu lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành ước đạt 6.542,4 tỷ đồng, giảm 8,63%. Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng đến nhu cầu người tiêu dùng, người dân chỉ mua sắm những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu gia đình nên dẫn đến một số ngành hàng không cần thiết có mức tăng trưởng chậm.

* Công tác quản lý thị trường: Lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa lưu thông trên thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường; tuy nhiên tình trạng vi phạm về buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn còn diễn ra trên địa bàn. Trong tháng 7/2021, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 93 vụ, phát hiện và xử lý 28 vụ vi phạm, trong đó 01 vụ hàng hàng cấm, 06 vụ hàng nhập lậu, 04 vụ vi phạm trong kinh doanh và 215 vụ vi phạm khác, đã xử phạt và thu nộp ngân sách Nhà nước 274,9 triệu đồng. Luỹ kế 7 tháng đã kiểm tra 880 vụ, phát hiện và xử lý 269 vụ vi phạm, trong đó 34 vụ hàng hàng cấm, 38 vụ hàng nhập lậu, 10 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và sở hữu trí tuệ, 11 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá, 52 vụ vi phạm trong kinh doanh, 22 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và 102 vụ vi phạm khác; xử phạt và thu nộp ngân sách Nhà nước 2.607,6 triệu đồng.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2021 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,36% so với tháng 12 năm trước, CPI bình quân 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,26%.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm hàng tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,25%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,26%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; Giao thông tăng 0,54%; Giáo dục tăng 0,18%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%. Có 3 nhóm hàng giảm giá: May mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,09%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,91%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%. Có 01 nhóm hàng ổn định: Bưu chính viễn thông 100%.

2. Hoạt động du lịch

Dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh trên cả nước làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, trong đó ngành du lịch phải chịu những khó khăn thiệt hại lớn do dịch bệnh mang lại. Trong tháng ngành dịch vụ và du lịch tiếp tục giảm mạnh về doanh thu lẫn lượt khách. Các đơn vị lữ hành gặp nhiều khó khăn, các tour du lịch tạm dừng hoạt động.

Lượng khách du lịch trong tháng ước đạt 12,2 ngàn lượt khách, giảm 43,59% so tháng trước và giảm 93,37% so với cùng kỳ năm 2020; ngày khách phục vụ ước đạt 29,6 ngàn ngày khách, giảm 36,53% so với tháng trước và giảm 91,19% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng lượt khách du lịch ước đạt 1.751,2 ngàn lượt khách, giảm 5,72% so với cùng kỳ năm 2020, ngày khách du lịch ước đạt 3.042,4 ngàn ngày khách, giảm 5,65% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng ước đạt 43 tỷ đồng giảm 41,21% so với tháng trước và giảm 94,09% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng ước đạt 3.952 tỷ đồng, giảm 32,74% so với cùng kỳ năm 2020.

* Tình hình khách quốc tế: Lượng khách quốc tế tiếp tục giảm mạnh so với tháng trước, dự ước đạt 0,33 ngàn lượt khách, giảm 35,19% so với tháng trước và giảm 88,97% so với cùng kỳ năm 2020; ngày khách phục vụ dự ước đạt 1,36 ngàn ngày khách, giảm 35,94% so với tháng trước và giảm 93,04% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng ước đạt 20,7 ngàn lượt khách, giảm 87,29% so với cùng kỳ năm 2020; ngày khách phục vụ ước đạt 78,4 ngàn ngày khách giảm 85,91% so với cùng kỳ năm 2020.

3. Xuất, nhập khẩu

Trong tháng hoạt động xuất khẩu hàng hóa có giảm so với tháng trước, tuy nhiên trong 8 tháng vẫn duy trì ổn định và tăng trưởng khá cao ở tất cả các nhóm hàng chủ lực. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp nhưng các doanh nghiệp, công ty sản xuất hàng xuất khẩu áp dụng điều kiện sản xuất an toàn “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” để đảm bảo đơn hàng đã ký kết trước đó.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 8 ước đạt 41,79 triệu USD, giảm 15,78% so với tháng trước và giảm 2,22% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng ước đạt 378,51 triệu USD, tăng 26,26% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó nhóm hàng thủy sản ước đạt 106,91 triệu USD, tăng 5,72%; nhóm hàng nông sản ước đạt 12,69 triệu USD, tăng 31,26%; nhóm hàng hóa khác ước đạt 258,91 triệu USD, tăng 37%.

+ Xuất khẩu trực tiếp lũy kế 8 tháng ước đạt 373,14 triệu USD, tăng 29,96% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó xuất sang thị trường Châu Á ước đạt 231,64 triệu USD, tăng 20,85% (tăng chủ yếu ở thị trường Nhật Bản các mặt hàng thủy sản, áo, quần dài; thị trường Campuchia các mặt hàng ngô hạt; thị trường Trung Quốc các mặt hàng quặng các loại; thị trường Đài Loan các mặt hàng bộ quần áo, mực tươi, quả tươi). Xuất sang thị trường Châu Âu đạt 48,63 triệu USD, tăng 14% (tăng chủ yếu ở thị trường Nga các mặt hàng giày dép, quả tươi; thị trường Đức các mặt hàng tôm thẻ, sản phẩm từ sắt thép; thị trường Italia mặt hàng giày dép). Xuất sang thị trường Châu Mỹ đạt 89,76 triệu USD, tăng 80,17% (tăng chủ yếu ở thị trường Mỹ các mặt hàng giày dép, đồ gỗ nội thất, tôm thẻ; thị trường Belizơ mặt hàng đế giày; thị trường Canada mặt hàng giày dép).

+ Ủy thác xuất khẩu lũy kế 8 tháng ước đạt 5,37 triệu USD, giảm 57,65% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu giảm ở mặt hàng quần áo, mực tươi.

- Nhập khẩu lũy kế 8 tháng ước đạt 680,82 triệu USD tăng 31,34% so với cùng kỳ năm 2020, tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như thủy sản, thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…

4. Hoạt động vận tải

Trong tháng, hoạt động vận tải hành khách bị hạn chế do phải thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh, đã tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải khách công cộng (trừ các trường hợp vì lý do công vụ, cấp cứu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, xe chở người đi cách ly). Hoạt động vận tải hàng hoá được phép hoạt động nhưng phải thực hiện đúng các yêu cầu phòng chống dịch theo quy định([2]).

- Vận tải hành khách:

+ Ước tháng 8 đã vận chuyển 149,45 nghìn hành khách, giảm 11,54% so với tháng trước và giảm 84,68% so với cùng kỳ năm 2020; luân chuyển 5,29 triệu hk.km, giảm 14,72% so với tháng trước và giảm 89,23% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng, vận chuyển 7.266,61 nghìn hành khách, giảm 24,14% so với cùng kỳ năm 2020 và luân chuyển 339,53 triệu hk.km, giảm 23,04% so cùng kỳ năm 2020.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng vận chuyển hành khách đường bộ đạt 148,55 nghìn hành khách và giảm 84,63%; lũy kế 8 tháng, đạt 7.217,68 nghìn hành khách, giảm 24,07% so với năm cùng kỳ năm 2020. Vận chuyển hành khách đường thủy đạt 0,90 nghìn hành khách, giảm 89,93%; lũy kế 8 tháng, đạt 48,93 nghìn hành khách, giảm 33,303% so với cùng kỳ năm 2020. Luân chuyển hành khách đường bộ đạt 5,19 triệu hk.km, giảm 89,23%; lũy kế 8 tháng, đạt 334,23 triệu hk.km, giảm 22,85% so với cùng kỳ năm 2020. Luân chuyển hành khách đường thủy đạt 98,77 nghìn hk.km; lũy kế 8 tháng, đạt 5,30 triệu hk.km, giảm 33,39% so với cùng kỳ năm 2020.

- Vận tải hàng hoá:

+ Ước tháng 8 vận chuyển hàng hoá đạt 121,69 nghìn tấn, tăng 5,71% so với tháng trước và giảm 76,88% so với cùng kỳ năm 2020; luân chuyển hàng hoá đạt 8,33 triệu tấn.km, tăng 5,89% so với tháng trước và giảm 70,67% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng, đã vận chuyển 4.061,88 nghìn tấn hàng hoá, giảm 16,60% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển hàng hoá đạt 217,96 triệu tấn.km, giảm 17,49% so với cùng kỳ năm 2020.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng vận chuyển hàng hoá đường bộ đạt 121,31 nghìn tấn và giảm 76,90%; lũy kế 8 tháng, đạt 4.057,88 nghìn tấn, giảm 16,51% so với cùng kỳ năm 2020. Vận chuyển hàng hoá đường thủy đạt 0,38 nghìn tấn, giảm 5,99%; lũy kế 8 tháng, đạt 4,00 nghìn tấn, giảm 1,21% so với cùng kỳ năm 2020. Luân chuyển hàng hoá đường bộ đạt 8,29 triệu tấn.km và giảm 70,17%; lũy kế 8 tháng, đạt 217,50 triệu tấn.km, giảm 15,99% so với cùng kỳ năm 2020. Luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 43,62 nghìn tấn.km, giảm 5,18%; lũy kế 8 tháng đạt 458,77 nghìn tấn.km, giảm 1,17% so với cùng kỳ năm 2020.

- Cảng quốc tế Vĩnh Tân: Khối lượng bốc xếp hàng hoá tháng 8 ước đạt 80.000 tấn; lũy kế 8 tháng, đạt 698.030 tấn (trong đó khối lượng bốc xếp ngoài nước đạt 137.979 tấn); các mặt hàng chủ yếu thông qua cảng gồm quặng Ilmenite, cát, tro bay, xi măng, muối xá, thiết bị máy móc. Doanh thu tháng 8 ước đạt 10 tỷ đồng; lũy kế 8 tháng doanh thu ước đạt 139,47 tỷ đồng.

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi ước tháng 8 đạt 38,99 tỷ đồng, tăng 0,55% so với tháng trước và giảm 67,58% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng ước đạt 872,78 tỷ đồng, giảm 18,10% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó doanh thu vận tải hành khách ước đạt 296,95 tỷ đồng, giảm 23,46%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 553,51 tỷ đồng, giảm 15,23%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 22,32 tỷ đồng, giảm 9,87%.

5. Bưu chính, viễn thông

Trong tháng lĩnh vực bưu chính – viễn thông đã đảm bảo hoạt động thông tin liên lạc được thông suốt, tăng cường phục vụ tốt cho các Bệnh viện dã chiến và các Khu cách ly trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; triển khai hệ thống Tổng đài thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động.

Hạ tầng bưu chính, mạng viễn thông tiếp tục được phát triển mở rộng và ổn định; đảm bảo an toàn và thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Mạng lưới phục vụ bưu chính, viễn thông với 1.255 cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông, đạt bán kính phục vụ bình quân là 14 km/cơ sở. Tổng số thuê bao điện thoại các loại ước đạt 1.848.900 thuê bao (điện thoại cố định là 30.000 thuê bao, điện thoại di động trả sau là 32.030 thuê bao), mật độ điện thoại 147 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao Internet ước đạt 146.250 thuê bao, tỷ lệ người sử dụng Internet (quy đổi) là 65%.

IV. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách

Ước thu ngân sách tháng 8 năm 2021 đạt 450 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng ước đạt 9.181,13 tỷ đồng, đạt 110,35% dự toán năm và tăng 31,41% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó thu nội địa (trừ dầu) đạt 7.014,23 tỷ đồng, đạt 116,52% dự toán năm, tăng 31,53% so với cùng kỳ. Trong tổng thu ngân sách gồm: Thu thuế, phí và thu khác 5.730,01 tỷ đồng, đạt 111,70% dự toán năm, tăng 31,34%; thu tiền nhà, đất 1.284,22 tỷ đồng, đạt 144,29% dự toán năm, tăng 32,38% (trong đó thu tiền sử dụng đất 1.126,20 tỷ đồng, đạt 160,89% dự toán năm, tăng 72,86% so với cùng kỳ năm 2020); thu dầu thô 903,22 tỷ đồng, đạt 112,90% dự toán năm và tăng 15,49%; thuế xuất nhập khẩu 91.263,68 tỷ đồng, đạt 84,25% dự toán năm và tăng 44,97%.

Tổng chi ngân sách trong tháng ước thực hiện 450 tỷ đồng (chi ngân sách nhà nước 400,0 tỷ đồng); lũy kế 8 tháng, ước đạt 8.800,14 tỷ đồng (chi ngân sách nhà nước 6.363,98 tỷ đồng); trong đó chi đầu tư phát triển 2.748,41 tỷ đồng, chi thường xuyên 3.615,06 tỷ đồng.

2. Hoạt động tín dụng

Trong tháng, đã chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách, các giải pháp về tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng, thực hiện Công văn số 2657/UBND-KGVXNV, ngày 21/7/2021 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 07/7/2021… Phải thực hiện giãn cách xã hội, tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-9, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới; mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch; tăng hạn mức tồn quỹ hàng ngày, xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp đơn vị bị cách ly, phong tỏa...

Công tác thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, thanh toán chuyển tiền điện tử tiếp tục được đẩy mạnh; đảm bảo hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân nói riêng phát triển an toàn đáp ứn nhu cầu tiền mặt của người dân, bảo đảm hệ thống máy ATM hoạt động ổn địnhvà thông suốt.

Tính đến ngày 04/8/2021, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 517,39 tỷ đồng/6.342 khách hàng; giảm lãi vay cho 2.703 khách hàng với số tiền lãi được giảm 1,21 tỷ đồng; cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra, doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến ngày 04/8/2021 là 23.036 tỷ đồng/6.971 khách hàng. Tính đến ngày 30/6/2021, nợ xấu (nội bảng) trên địa bàn 818 tỷ đồng, chiếm 1,13% tổng dư nợ, tăng 0,07% so với đầu năm.

Tình hình thực hiện lãi suất: Hiện nay, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng 2,8-3,95%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng 3,5-6,7%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên 4,4-6,99%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 4,5%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân là 5,5%/năm), các lĩnh vực khác từ 7-9%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9-11,5%/năm.

Hoạt động huy động vốn (tính đến ngày 30/6/2021), nguồn vốn huy động đạt 44.489 tỷ đồng, tăng 8,58% so với đầu năm và tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2020. Ước đến ngày 31/8/2021 vốn huy động đạt 44.947 tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm.

Hoạt động tín dụng (tính đến ngày 30/6/2021), tổng dư nợ cho vay đạt 72.405 tỷ đồng, tăng 3,92% so với đầu năm và tăng 5,15% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó dư nợ cho vay bằng VND đạt 71.151 tỷ đồng, chiếm 98,3% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 39.980 tỷ đồng, chiếm 55,2% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm khoảng 4,1% tổng dư nợ, lãi suất từ 6-7%/năm chiếm khoảng 6,6% tổng dư nợ, lãi suất trong khoảng 7-9%/năm chiếm 30,3% tổng dư nợ; lãi suất từ 9-12%/năm chiếm khoảng 53,2% tổng dư nợ, lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 5,9% tổng dư nợ. Ước đến 31/8/2021 dư nợ đạt 73.508 tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm. Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 38.868 tỷ đồng, chiếm 53,7% tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu đạt 551 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng dư nợ; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 15.211 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ (nợ nội bảng) đạt 915,9 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 286,9 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 623,9 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 5,1 tỷ đồng). Nợ xấu 87,5 tỷ đồng/7 tàu; nợ cơ cấu lại thời hạn 155,2 tỷ đồng/90 tàu. Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN và Nghị quyết số 30/NQ-CP: Dư nợ cho vay đạt 353 tỷ đồng phục vụ nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi tôm giống công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa công nghệ cao; dư nợ cho vay chăn nuôi lợn, sản xuất thuốc thú y, thức ăn gia súc đạt 481 tỷ đồng. Cho các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ đạt 3.172 tỷ đồng/102.487 hộ, trong đó cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, hiện đang được triển khai tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, dư nợ đạt 63,75 tỷ đồng/182 hộ. Thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tính đến ngày 04/8/2021 đã giải ngân cho vay 549,56 triệu đồng cho 03 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 130 người lao động.

Hoạt động thanh toán, cung ứng tiền mặt: Đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ nhằm tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động thông suốt. Mạng lưới ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn. Đến ngày 30/6/2021, trên địa bàn có 187 máy ATM (tăng 03 máy so với đầu năm) và 1.527 máy POS (giảm 186 máy so với đầu năm), hầu hết máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Tình hình thị trường ngoại tệ và vàng trên địa bàn: Các Tổ chức tín dụng trên địa bàn đã bám sát điều hành tỷ giá và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt. Diễn biến thị trường vàng, ngoại hối trên địa bàn tiếp tục phát triển theo hướng ổn định. Nhìn chung, các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt. Doanh số mua bán ngoại tệ trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 291 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 50,76 triệu USD.

V. Lĩnh vực Văn hoá - Xã hội

1. Hoạt động văn hóa - Thể dục thể thao

Hoạt động tuyên truyền, cổ động: Công tác tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị tiếp tục được tăng cường, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuyên truyền kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021); 92 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt nam (28/7/1929-28/7/2021); 91 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930-01/8/2021); công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ quan và các hộ gia đình; tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2021; tích cực tuyên truyền công tác phòng chống dịch Covid-19 cho người dân trên trang fanpage và website...

Hoạt động thư viện: Cấp mới 25 thẻ (thiếu nhi 17 thẻ), phục vụ 383 lượt bạn đọc tại Thư viện, (thiếu nhi 200 lượt), lượt bạn đọc truy cập website 298.514 lượt, luân chuyển 933 lượt tại Thư viện (thiếu nhi 450 lượt). Sưu tầm 20 tin, bài cho Tập thông tin tư liệu Bình Thuận, 168 tin, bài chuyên mục Thông tin kinh tế và bổ sung 508 bản sách từ ngân sách.

Hoạt động bảo tồn, bảo tàng: Trong tháng đã đón 55 lượt khách (với 02 lượt khách quốc tế); tạm dừng khách tham quan từ ngày 20/7/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Do tình hình dịch Covid-19 bùng phát trên toàn tỉnh, nên hoạt động thể thao đều tạm dừng các hoạt động thể thao để phòng, chống dịch Covid-19 cho đến khi có thông báo mới. Lũy kế 8 tháng (đến ngày 01/8/2021), tổng số huy chương đạt 86 huy chương (20 huy chương vàng; 23 huy chương bạc; 43 huy chương đồng).

2. Giáo dục và Đào tạo

Trong tháng, theo kế hoạch tuyển sinh học sinh lớp 1 năm học 2021-2022, từ ngày 02-04/8/2021 các trường tổ chức nhận hồ sơ học sinh tuyển sinh vào trường. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh có 8 huyện thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và thành phố, thị xã thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên hướng dẫn một số trường thu nhận hồ sơ tuyển sinh lớp 1 bằng hình thức trực tuyến bắt đầu từ ngày 25/8 - 30/9/2021.

Đang tổ chức chấm phúc khảo kỳ tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021, thi tuyển sinh lớp 10 Trường THPT chuyên và các trường THPT công lập. Tập trung triển khai một số hoạt động đầu năm học 2021-2022; theo dõi, nắm tình hình tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ năm học và công tác quản lý đầu năm học của các trường học trên địa bàn tỉnh.

3. Y tế

Trong tháng tập trung triển khai thực hiện các công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến 18 giờ ngày 23/8/2021, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.766 trường hợp mắc Covid-19 (La Gi 1.263, Phan Thiết 300, Tánh Linh 56, Tuy Phong 30, Hàm Tân 28, Hàm Thuận Nam 29, , Hàm Thuận Bắc 23, Đức Linh 19, Bắc Bình 18). Trong đó có 771 ca đang được điều trị tại cơ sở y tế, 976 ca đã điều trị khỏi và xuất viện (La Gi 796, Phan Thiết 64), 20 ca tử vong (02 ca bổ sung cập nhật trong phần mềm hệ thống báo cáo Covid-19 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh). Số trường hợp cách ly 15.753, trong đó đang cách ly là 4.862 hoàn thành cách ly 10.891 (cơ sở y tế 2.345; khu cách ly tập trung của địa phương 13.241; cơ sở cách ly tập trung có thu phí 167). Có 34.377 tường hợp cách ly tại nhà (đang cách ly 2.083, hoàn thành cách ly 32.294); 513.554 mẫu đã xét nghiệm; 573.694 người được kiểm tra, giám sát tại các chốt kiểm soát; 4.244 người F1 và 7.626 người F2 của các trường hợp mắc Covid-19 đã điều tra giám sát được.

Tình hình tiêm vắc xin: Số đối tượng đã tiêm Vắc xin đợt 3 và đợt 4/2021 trên địa bàn toàn tỉnh từ 14 giờ ngày 22/8/2021 đến 14 giờ ngày 23/8/2021 là 130 người. Lũy kế 52.635 người (trong đó có 6.182 người tiêm vắc xin Pfizer; 27.282 người tiêm vắc xin Moderna và 19.171 người tiêm vắc xin Astra Zeneca).

Trong tháng (từ ngày 15/7-15/8/2021) toàn tỉnh có 273 cas mắc sốt xuất huyết, 01 cas tử vong và 03 cas mắc tay chân miệng, không có cas mắc sốt rét ác tính. Số bệnh nhân mắc bệnh phong 08 bệnh nhân, 408 bệnh nhân đang quản lý và không có bệnh nhân phong mới tàn tật độ II.

Công tác phòng chống Lao: Có 444 tổng số lượt khám, số bệnh nhân thu dung điều trị 72. Số bệnh nhân lao phổi AFB(+) mới 39.

Số nhiễm HIV mới phát hiện 07 cas (tích luỹ 1.622 cas); có 02 cas chuyển AIDS mới (tích luỹ 1.078 cas); không có cas tử vong (tích luỹ 535 cas).

Trong tháng không có xảy ra ngộ độc thực phẩm; các bệnh viện, các đơn vị điều trị chủ động thực hiện tốt công tác thường trực, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện đầy đủ các quy định chuyên môn của Bộ Y tế; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Trong tháng, số lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh 39.227 lượt, số bệnh điều trị nội trú 4.845, số bệnh nhân chuyển viện 204, số bệnh nhân tử vong 24. Công suất sử dụng giường bệnh tại các tuyến đạt từ 27,2% đến 67,7%.

4. Lao động - xã hội

Trong tháng đã giải quyết việc làm cho 1.112 lao động; lũy kế 8 tháng giải quyết việc làm cho 13.245 lao động, đạt 66,23% so kế hoạch năm; trong đó cho vay vốn giải quyết việc làm 935 lao động, đạt 66,79% so với kế hoạch năm. Không có tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp; lũy kế 8 tháng tuyển mới và đào tạo nghề 5.188 người, đạt 51,88% so với kế hoạch năm.

Tính đến ngày 05/8/2021 vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 7,14 tỷ đồng, đạt 119% so với kế hoạch năm. Vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em đạt 928,57 triệu đồng, đạt 46,43% kế hoạch năm và hỗ trợ đột xuất cho 05 trẻ (01 bị tai nạn thương tích, 04 bị đuối nước) với kinh phí là 27 triệu đồng.

Công tác chính sách người có công: Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho 72 đối tượng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công; Trợ cấp mai táng phí cho 22 trường hợp. Ban hành Quyết định chế độ ưu đãi giáo dục đối với con của người có công với cách mạng đến niên hạn hoặc khóa học cho 04 trường hợp, quyết định cấp phương tiện trợ giúp dụng cụ chỉnh hình đối với người có công và thân nhân đến niên hạn cho 32 trường hợp; Thực hiện chế độ cho các đối tượng khác, tiếp nhận 02 hồ sơ chất độc hóa học từ tỉnh ngoài chuyển đến, di chuyển 03 hồ sơ hoạt động kháng chiến đến tỉnh ngoài, tiếp nhận 01 hồ sơ đối tượng hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62.

Luỹ kế 8 tháng toàn tỉnh có có 4.358 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó đang cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy 264 người; đang quản lý trong tại tạm giam, nhà tạm giữ 363 người; tự điều trị bằng thuốc thay thế Methadone tại cơ sở y tế 634 người. Có 112/124 xã, phường, thị trấn có người sử dụng ma túy, chiếm 90,32% số xã, phường, thị trấn có người nghiện.

Kết quả thực hiện Kế hoạch số 2428/KH-UBND, ngày 05/7/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh (tính đến ngày 10/8/2021) đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định: Đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 388 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, trong đó có 121 lao động có con nhỏ và mang thai; chi tạm ứng tiền ăn cho 224 người (F0), với số tiền 250,88 triệu đồng (trong đó có 32 trẻ em là F0). Đang trình phê duyệt hỗ trợ cho 26 viên chức hoạt động nghệ thuật, với số tiền 96,46 triệu đồng.

Thực hiện Kế hoạch số 2729/KH-UBND, ngày 24/7/2021 đưa người dân Bình Thuận từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trở về tỉnh. Tính đến ngày 14/8/2021, đã tổ chức đưa 03 đợt với 768 người dân Bình Thuận từ thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh nhà (đợt 1: 151 người, đợt 2: 279 người, đợt 3: 338 người) và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian đến.

5. Hoạt động bảo hiểm (Tính đến ngày 31/7/2021)

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch.

Tính đến ngày 31/7/2021, toàn tỉnh có 88.588 người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2020; có 80.102 người tham gia BHTN, giảm 0,7%; số người tham gia BHXH tự nguyện 11.631 người, tăng 91,6%; số người tham gia BHYT 996.185 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.161 người), tăng 0,6%; số học sinh sinh viên tham gia BHYT có 231.232 em, đạt 98%, còn 4.834 em chưa tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 2%. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 87,9% dân số.

Lũy kế 7 tháng đã xét duyệt, giải quyết cho 36.035 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó hưởng các chế độ BHXH dài hạn 514 lượt người; hưởng trợ cấp BHXH một lần 8.623 lượt người; hưởng chế độ BHXH ngắn hạn 20.717 lượt người; hưởng trợ cấp BHTN 6.181 lượt người.

Tính đến ngày 31/7/2021, tổng số đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH dài hạn 16.489 người; tổng số thu 1.395,4 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2020; tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 157,3 tỷ đồng, tăng 18,72% so với cùng kỳ năm 2020.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, lan rộng, các địa phương trong tỉnh áp dụng giãn cách xã hội trên diện rộng đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp thuộc ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, giao thông, vận tải, giày da, may mặc, cơ sở giáo dục, mầm non tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng đã ảnh hưởng đến công tác thu và phát triển người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh.

6. Tai nạn giao thông (từ 15/7 - 14/8/2021)

Số vụ tai nạn giao thông 10 vụ, so với tháng trước giảm 07 vụ và so với cùng kỳ năm 2020 giảm 19 vụ. Luỹ kế 8 tháng, đã xảy ra 196 vụ (trong đó đường sắt không xảy ra), so với cùng kỳ năm 2020 giảm 08 vụ.

Số người bị thương 04 người, giảm 03 người so với tháng trước và giảm 24 người so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 8 tháng, có 108 người, giảm 28 người so với cùng kỳ năm 2020.

Số người chết 08 người, giảm 03 người so với tháng trước và giảm 13 người so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 8 tháng có 129 người chết, so với cùng kỳ năm trước tăng 06 người.

Trong tháng không có xảy ra vụ tai nạn giao thông đặt biệt nghiêm trọng. Số vụ tai nạn giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 toàn tỉnh đang thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động trên địa bàn tỉnh (kể cả phương tiện mang biển kiểm soát trong và ngoài tỉnh). Tập trung thực hiện các quy định, yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 đối với phương tiện vận tải, xử lý nghiêm theo đúng quy định. Phân công lực lượng tham gia các tổ, chốt liên ngành kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động vận tải.

7. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường

- Thiên tai: Trong tháng xảy ra 07 vụ thiên tai, ước giá trị thiệt hại gần 2,7 tỷ đồng. Trong đó huyện Tánh Linh xảy ra 04 vụ mưa lớn kèm lốc xoáy, làm tốc mái 22 căn nhà (trong đó 03 căn nhà tốc mái hoàn toàn), sụp 30 m tường rào; hư 03 cụm loa phóng thanh, ngã và ngập 89 ha lúa hè thu, ngã 03 cây điều 10 tuổi, ngã 08 ha cây cao su và cây ăn quả; sạt lở một số tuyến kênh và đê bao (thiệt hại 1,75 tỷ đồng); huyện Đức Linh xảy ra 03 vụ mưa lớn kèm lốc xoáy, gió mạnh làm sập 01 căn nhà, tốc mái 02 căn nhà, hư 01 ti vi, 01 máy giặt, 01 máy nước nóng lạnh, 01 tủ lạnh, làm ngã 255 ha lúa hè thu sắp thu hoạch bị ngã ngâm trong nước lũ (thiệt hại 950 triệu đồng). Lũy kế 8 tháng xảy ra 27 đợt thiên tai, ước tổng giá trị thiệt hại ban đầu 14,67 tỷ đồng.

- Cháy nổ: Trong tháng không xảy ra vụ cháy. Lũy kế 8 tháng có 43 vụ cháy (giảm 15 vụ so cùng kỳ), thiệt hại 4.384,7 triệu đồng và giảm 60,2% so với cùng kỳ năm 2020.

- Vi phạm môi trường: Trong tháng đã phát hiện 05 vụ (tăng 05 vụ so với cùng kỳ năm trước), đã xử phạt 601,5 triệu đồng. Lũy kế 8 tháng, đã xảy ra 24 vụ (tăng 10 vụ so với cùng kỳ); tổng tiền đã xử phạt 3.035,3 triệu đồng./.


Website Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận

    Tổng số lượt xem: 656
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)