Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/03/2022-15:16:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022 của tỉnh Đồng Nai

Những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, mặt khác tình hìnhdịch Covid-19 mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp,làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội của cả nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng. Bước vào Quý I/2022tỉnh Đồng Nai đã triển khai thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội,các hoạt động thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí, vận tải đã hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp đang từng bước phục hồi;Cùng với đó việc tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế...Trên cơ sở kết quả thực hiện 2 tháng đầu năm và ước tính tháng 3/2022, Cục Thống kêdự ước tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn quý I năm 2022 như sau:

I. LĨNH VỰC KINH TẾ

1. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh quý I/2022phục hồi rõ nét, hầu hết các ngành sản xuất ổn định, xu hướng phát triển tích cực; các doanh nghiệp trở lại làm việc 100%, hợp đồng xuất khẩu sản phẩm thuận lợi; mặc dùnền kinh tế Thế giớicó nhiều diễn biến phức tạp,đang gặp phải khó khăn khi giá cả hàng hóa biến động mạnh trên thế giới như: giá xăng dầu, nguyên vật liệu liên tiếp tăng, tác động không nhỏ đến mặt bằng giá cả trong nướcnói chung và Đồng Nai nói riêng.​

Qua điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quý I/2022, có52,63% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quýIV/2021và64,29% doanh nghiệp đánh giá quý 2/2022 sẽ tốt hơn so với quý I/2022.

Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 03/2022 tăng9,83% so với cùng kỳ vàtăng 9,69% so tháng trước, trong đó ngành khai khoángtăng 10,17%;Công nghiệp chế biến, chế tạotăng 9,72%; sản xuấtvà phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nướctăng 11,43%;cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nướctăng 0,18%và có 26/27 ngành sản xuấttăng, donhiều doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất cho cả năm 2022, đặc biệt ở ngành: Sản xuất giày da xuất khẩu, may mặc, hoá chất, sản xuất kim loại… làm cho chỉ số sản xuất chung toàn ngành công nghiệp tăng khá.

Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệpquý I/2022tăng6,01% so so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng2,02%;Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng6,08%; sản xuấtvà phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nướctăng4,72%;cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nướctăng6,93%...

Có thể nói nền kinh tế trên địa bàn tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi và phát triển sản xuất ngành công nghiệpkhá nhanh, nhất là một số ngành sản xuất chủ lựcgiữ vai trò quan trọng, tiếp tục là “lực kéo” cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn những tháng đầu năm, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo như: Dệt; Sản xuất trang phục; Sản xuất da và các sản phẩm liên quan; Sản phẩm điện tử; Sản phẩm giường tủ bàn, ghế v.v…đơn đặt hàng tăng mạnh,dẫn đếngiá trị xuất khẩu tăng.Tuy nhiên hiện nay việc phục hồi kinh tế đang gặp khó khăn khi giá cả hàng hóa biến động mạnh trên thế giới như: giá xăng dầu, nguyên vật liệu phục vụ cho tiêu dùng, sản xuất liên tiếp tăng do chuỗi cung ứng chưa được phục hồi hoàn toàn; đặc biệt là ảnh hưởng của chiến tranh giữa Nga và Ukraine, chi phí vận chuyển tăng kéo theo nhiều hệ luỵkhó khăn cho các doanh nghiệp, đây là bài toán khó đối với các doanh nghiệp, cụ thể như các DN chế biến, xuất khẩu đồ gỗ trên địa bàn tỉnh nhận được nhiều đơn hàng, việc sản xuất lại gặp trở ngại khi giá gỗ nguyên liệu, phụ kiện phục vụ sản xuất cũng liên tục tăng. Đối với ngành chế biến thức ăn gia súc, gia cầm nguyên liệu nhập khẩu tăng cao làm cho giá thành sản phẩm tăng dẫn đến giá tiêu thụ sản phẩm tăng đã gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; các mặt hàng sắt, thép giá vẫn liên tục ở mức cao cũng đang là khó khăn cho các ngành sản xuất liên quan.

Dự ước quý I/2022 các ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất đạt mức tăng khá như: Chế biến thực phẩm tăng 4,6%, Dệt tăng 5,9%; May mặc tăng 5,65%; giày da tăng 6,7%; sản xuất hóa chất tăng 7,65%.v.v… một số ngành sản xuất khác như: sản xuất đồ uống tăng 7,25%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,48%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 8,36%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 6,94%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 8,85%; nguyên nhân tăng là do thị trường thế giới được cải thiện, dần trở về trạng thái bình thường, dẫn đến sự gia tăng đáng kể với số lượng đơn đặt hàng lớn, hầu hết các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 đã đẩy mạnh sản xuất để giao hàng theo hợp đồng đã ký, tuy nhiên Quý I/2022 một số ngành sản xuất dự ước chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ như: Sản xuất điện tử, máy tính (-4,21%); Sản xuất xe có động cơ (-1,89%); Sản xuất phương tiện vận tải (-8,66%); Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (-3,29%); … nguyên nhân giảm do ảnh hưởng nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm tiêu thụ khó khăn.​

-Chỉ số sản phẩm công nghiệp:Dựước tháng 3 năm 2022 có 20/24 sản phẩm chủ yếu tăng so với tháng cùng kỳ năm trước như: Đá xây dựng các loại 1.151,8 nghìn m3, tăng 1,39%; Cà phê các loại đạt 44,2 ngàn tấn, tăng 9,4%; bột ngọt 31,9 nghìn tấn, tăng 11,4%; nước ngọt các loại 55,3 triệu lít, tăng 15,12%; sợi các loại 110 nghìn tấn, tăng 18,53%; quần áo may sẵn đạt 19,7 triệu cái, tăng 15,23%; giầy dép các loại đạt 52,7 triệu đôi, tăng 4,54%, nguyên nhân tăng là do có thị trường tiêu thụ sản phẩm khá ổn định, số đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và các nước EU, hợp đồng xuất khẩu liên tục tăng.

Dự ước quý I/2022 thángcó 17/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ đó là: Đá xây dựng các loại 3.658,2 nghìn m3, tăng 2,02%; bột ngọt 93,5 nghìn tấn, tăng 15,85%; nước ngọt các loại 158 triệu lít, tăng 16,71%; sợi các loại đạt 327,3 ngàn tấn, tăng 7,89%; giầy dép các loại đạt 150 triệu đôi, tăng 7,8%, bê tông tươi trộn sẵn đạt 476,6 nghìn m3, tăng 6,45%, sản phẩm kim loại đạt 142,1 ngàn tấn, tăng 19,55%; mạch điện tử đạt 661,7 triệu chiếc, tăng 9,5%, nguyên nhân tăng sau những tác động của dịch bệnh Covid-19 các doanh nghiệp có qui mô lớn, tin tưởng vào triển vọng phục hồi kinh tế, tiếp tục đầu tư mở rộng công suất sản xuất, cụ thể như là: Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã và đang đầu tư thêm 132 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao; Tập đoàn Framas, nhà sản xuất máy ép phun hàng đầu của Đức đã thuê đất mở rộng sản xuất tại H. Nhơn Trạch; Công ty CP Sản xuất bao bì công nghiệp Toàn Cầu (Glopaco) sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Hố Nai (H. Trảng Bom). Tuy nhiên có một số sản phẩm giảm do tình hình sản xuất phục hồi chậm, mặt khác do thị trường tiêu thụ chậm, nên sản lượng sản xuất giảm so tháng cùng kỳ như: Vải các loại (-4,69%); Sơn các loại (-8,72%); máy giặt (-19,03%); gường, tủ, bàn ghế (-9,16%).v.v…

- Chỉ số tiêu thụ:Chỉ số tiêu thụtoàn ngành công nghiệp trong tháng 3/2022 tăng 4,01%so với tháng 02/2022 và giảm 0,14% so với tháng cùng kỳ.

Lũy kế 3 tháng đầu năm chỉ số tiêu thụ tăng 6,35% so cùng kỳ, trong đó một số ngành chỉ số tiêu thụ tăng đó là: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 15,22%;sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 6,94%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứatăng 21,75%; Sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy tăng 8,59%; sản phẩm cao su và plastic tăng 5,64%; sản xuất xe có động cơ tăng 17,39%.... Một số ngành sản xuất chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ như:Sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 45,01% do sản phẩm tiêu thụ chậm; dệt giảm 6,72%, sản phẩm từ khoáng kim loại giảm 2,5%, Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 15,14% so cùng kỳ do khó khăn trong việc xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm nội địa giảm.

- Chỉ số tồn kho:toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạotháng 3/2022dự ước tăng 3,72% so với tháng 2/2022 và tăng 20,1% so tháng cùng kỳ năm trước.Một số ngành chỉ số tồn kho tăng so tháng trước như:Sản xuất chế biến thực phẩm (+31,94%); sản xuất sản phẩm thuốc lá (+29,62%); ngành dệt (+1,23%); sản xuất da và các sản phẩm liên quan (+3,53%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (+9,64%); Nguyên nhân chỉ số tồn kho tăng là do thị trường tiêu thụ chậm, nhưng các doanh nghiệp vẫn đẩy nhanh tiến độ sản lượng sản xuất để đảm bảo lượng hàng tiêu thụ trong thời gian tới.

- Chỉ số sử dụng lao động:Bước sang năm 2022 tình hình lao động việc làm đã có những chuyển biến tích cực khi các doanh nghiệp dần hoạt động ổn định trở lại. Ở một số ngành nghề, lĩnh vực nhu cầu tuyển dụng lao động đã tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh trong điều kiện thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp sau thời gian dài, công nhân về quê chưa thể quay trở lại làm việc đủ 100%, một số doanh nghiệp vẫn thiếu lao động. Ngoài ra, Chính phủ đang tiếp tục thực hiện các gói an sinh xã hội cho người lao động để các dây chuyền chạy lại, kết nối chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu.

Nhu cầu nhân lực của Đồng Nai nói riêng và các tỉnh thành phía Nam nói chung không ngừng tăng cao ngay sau Tết nguyên đán và có thể kéo dài đến cuối năm 2022. Khi dịch bệnh được kiểm soát và với tốc độ phục hồi kinh tế, Đồng Nai cần lượng nhân lực đủ lớn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có nhu cầu lao động như: chế biến, chế tạo, lương thực thực phẩm, dệt may, da giày, vận tải, thương mại…

Chỉ số lao động trong các doanh nghiệp tháng 3 năm 2022 tăng 1,36% so với tháng trước và tăng 0,79% so tháng cùng kỳ, trong đó: doanh nghiệp nhà nước bằng 99,97% so tháng trước và giảm 20,72% so tháng cùng kỳ; doanh nghiệp ngoài nhà nước tương ứng tăng 0,99% và tăng 12,2%; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng 1,42% và tăng 0,29% so tháng cùng kỳ.

­2. Hoạt động xây dựng trên địa bàn

Bước vào quý 1/2022, chịu sự ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, giá xăng dầu tăng cao, kéo theo hàng loạt các loại hàng hóa khác đều tăng như: chi phí vận chuyển, sắt, thép, xi măng, gạch, đá và các vật liệu khác trong xây dựng tăng cao liên tục trong thời gian qua. Bên cạnh đó, giá nhân công tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhân công trong ngành xây dựng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước phần nhiều là lao động tự do, người dân về quê tránh dịch, ăn tết chưa quay trở lại làm việc dẫn đến thiếu nguồn nhân lực, lao động phổ thông. Tuy nhiên các nhà thầu và đơn vị thi công khắc phục khó khăn tập trung đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp, đồng thời triển khai một số công trình khởi công mới.

Dự ước giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hànhtrên toàn địa bàn quý I/2022 đạt 12.271,16 tỷ đồng, giảm 21,29% so với quý IV/2021 và tăng 8,72% so cùng kỳ năm trước, cụ thể:

3. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệpquý I/2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho gieo trồng, chăm sóc cây trồng sinh trưởng, phát triển. Năng suất lúa và sản lượng cây lâu năm đạt khá,tình hình chăn nuôi trên địa bàn tương đối ổn định,công táctái đànheođạt kết quả tốt…Sản xuất lâm nghiệpphát triển, thị trường xuất khẩucác mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng;sản xuất thủy sảntăngvới cùng kỳ năm trước.Tuy nhiên giá vật tư nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi, giá cước vận chuyển tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất nông nghiệp; giá tiêu dùng trong nước tăng cao nhưng nông sản xuất khẩu giảm mạnh… đây là khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2022(theo giá so sánh 2010)đạt 11.044,37tỷ đồng, tăng4,02% so cùng kỳ. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt9.984,11tỷ đồng, tăng4,12%(trồng trọt tăng 1,82%; chăn nuôi tăng5,29%;dịch vụ tăng 2,25%); giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt411,06tỷ đồng,tăng 1,51%; giá trị sản xuất thủy sản đạt 649,19tỷ đồng, tăng4,03% so cùng kỳ.

3.1) Nông nghiệp

Tính đến ngày 15/3/2022tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân ước đạt 37.993ha, giảm70ha, giảm 0,18% so cùng kỳ. Trong đó: Cây lúa đạt 15.336ha, giảm66ha (-0,43%); cây bắp 9.629ha giảm121ha (-1,24%);rau các loại 5.523ha, tăng4,37% (+231ha);đậu các loại 998ha, (+0,13%) …

- Dự ước năng suất lúa vụ Đông Xuân đạt69,95tạ/ha, tăng0,05%; Bắp là 87,24tạ/ha, tăng 0,14%; Khoai lang là 111,15tạ/ha, tăng 0,1%; Mía là 694,25tạ/ha,giảm 0,48%; Đậu tương là 18,97tạ/ha, tăng 0,11%; Đậu phộng là 23,79tạ/ha, giảm 0,13% so cùng kỳ.

- Sản lượng thu hoạch so cùng kỳ như sau: Lúa đạt6.115tấn,tăng110,3tấn (+1,84%); bắp đạt 5.339,1tấn,tăng 43 tấn (+0,8%); khoai lang đạt79,47tấn,tăng 0,52tấn (+0,66%); Mía đạt2.534tấn, giảm18tấn (-0,71%); rau các loại đạt50.242,3tấn, tăng2.642,5tấn (+2,33%); đậu các loại225,5 tấn, tăng 0,58%...

Cây lâu năm

Tổng diện tích hiện có là 169.582,57ha, giảm 0,02% (-25,78ha) so cùng kỳ. Trong đó:Diện tích cây ăn quả đạt 73.431,75 ha, giảm 0,02% (-11,51 ha) và chiếm 43,3%;Cây công nghiệp lâu năm là 94.778,61 ha, chiếm 55,89% so với tổng diện tích. Diện tíchmột số cây trồng có xu hướng giảm như:Điều giảm 10,9 ha (-0,04%); Hồ tiêu giảm 4,2 ha (-0,04%),Cao su giảm 2,6 ha (-0,01%)...do một số diện tích cây trồng già cỗi, năng suất sản phẩm sản lượng đạt thấp, giá bán không ổn định, nên người dân tự chuyển đổi sang trồng cây lâu năm khác hoặc trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao.

Sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm quý I/2022 so cùng kỳ: Xoài đạt 25.700 tấn, tăng 5,49% (+1.336 tấn); Chuối đạt 30.887 tấn, tăng 8,96% (+2.541 tấn); Thanh long đạt 3.393 tấn, giảm 2,28% (-79 tấn); Cam 2.767 tấn, tăng 9,6% (+243 tấn); Bưởi 10.274 tấn, tăng 13,66% (+1.235 tấn) so cùng kỳ. Sản lượng một số cây tăng khá so cùng kỳ do các trang trại, hộ sản xuất nông nghiệp thực hiện hiệu quả khoa học kỹ thuật cho cây trồng và xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất nâng cao giá trị, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản làm cho sản lượng cây trồng tăng khá so cùng kỳ. Tuy nhiên hiện nay một số sản phẩm nông sản xuất khẩu như mít, chuối, xoài, thanh long, tiêu, điều... đang khó khăn trong việc tiêu thụ, giá giảm sâu do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang thực hiện nhiều chính sách như: Truy xuất nguồn gốc, Zero Covid... việc tạm ngừng thông quan kéo dài khiến nguy cơ tồn hàng, rớt giá.Ngườinông dânđangchịu cảnhlỗ nặng vì giá bánsản phẩmthấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất, trong khi đónhiều nhà vườnnông sản đếnkỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa tiêu thụ được do mặt hàng này chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Tình hình xuất khẩu nông sản trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn do sức tiêu thụ trên thị trường vẫn chậm do ảnh hưởng bởi hiệu ứng hậu Covid-19. Mặt khác, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, nhất là xăng dầu tăng cao làm cho giá cước vận chuyển tăng đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.

Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tiếp tục phát triển, công tác tái đàn heo tiếp tục được duy trì phát triển, giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học và phòng chống dịch bệnh góp phần tái đàn hiệu quả; công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được quan tâm kịp thời, giám sát chặt chẽ, không để phát sinh thành dịch. Tuy nhiên do tình hình giá thức ăn gia súc tăng, giá thành sản xuất một kg heo hơi ở mức 55 ngàn đồng/kg nếu đàn heo phát triển tốt, ngược lại nếu dịch bệnh thì giá thành sẽ đội lên tới 60 ngàn đồng/kg dẫn tới việc tái đàn gặp khó khăn nhất định.

Dự ước tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 3/2022là 2.234.292con, tăng100.222con(+4,7%) so cùng kỳ. Trong đó: Trâu 3.876con tăng1,07%; bò87.216con tăng0,11%; Heo(không tính heo con chưa tách mẹ)đạt2.143.200con, tăng 4,9%.

Tổng đàn gia cầmhiện cólà26.038ngàn con, tăng2,25% so cùng kỳ. Trong đó số lượng đàn gà đạt 24,27triệu con, tăng2,36% và chiếm 93,2% tổng đàn gia cầm.

Sản lượng thịt quý I/2022ước đạt159.336tấn, tăng5,38% so cùng kỳ. Trong đó:Sản lượng thịt trâu đạt70,4tấn, tăng2,06%; Thịt bò đạt 1.248tấn, tăng3,64%, Thịt heo đạt110.210,8tấn, tăng5,46%; thịt gia cầm đạt47.806tấn, tăng5,22%; sản lượng trứng đạt297,3triệu quả, tăng5,16%.

3.2) Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong quý I/2022chủ yếu tập trung khâu chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng hiện có và chuẩn bị cây giống cho công tác trồng rừng khi mùa mưa tới.Trong tháng 3/2022 đã có những cơn mưa trái mùa nặng hạt sau nhiều ngày nắng hạn, các đơn vị lâm nghiệp bắt đầu tiến hành trồng lại diện tích rừng đã thu hoạch.Dự ước diện tích rừng trồng mới trongquý Iđạt 177 ha, tăng 3 ha (+1,72%) so với cùng kỳ.

Sản lượng gỗ khai thácquý Iước đạt58.899m3,tăng 2,33%;sản lượng củi khai thác ước đạt596ste,tăng 3,74% so cùng kỳ.

3.3) Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng 3/2022ước đạt6.178,37 tấn, tăng 155,66 tấn (+2,59%) so với tháng cùng kỳ. Dự ước sản lượng quý I đạt18.571,27 tấn, tăng 752,49 tấn (+4,22%) so cùng kỳ.Trong đó cá đạt 16.421,59 tấn, tăng 694,2 tấn (+4,41%) so với cùng kỳ và chiếm 88,42% so với tổng sản lượng.

+Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý Iướcđạt17.091,71 tấn, tăng 759,93 tấntăng4,65%so cùng kỳ,nguyên nhân sản lượng nuôi trồng tăng là do thị trường tiêu thụ xã hội ổn định, sản phẩm thủy sản đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Mặt khác, việc nuôi trồng thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao chính vì vậy các hộ nuôi trồng tận dụng hiệu quả mặt nước để nuôi trồng.

+Sản lượng thủy sản khai thácquý I ướcđạt 1.479,56 tấn, giảm 7,44 tấngiảm0,5% so với cùng kỳ, nguyên nhân giảm do nguồn thủy sản tự nhiên giảm dần.

4. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải

Quý I/2022 hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ đang từng bước phục hồi và có nhiều khởi sắc, tuy nhiên do ảnh hưởng của tình hình chính trị bất ổn ở Nga và Ukraine làm cho giá các mặt hàng xăng, dầu, gas trong nước tăng cao, giá các mặt hàng nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng, tác động đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp ngành vận tải bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá xăng, dầu tăng mạnh. Bên cạnh đó từ ngày 15 tháng 3 ngành du lịch cả nước đã được phép mở cửa hoạt động trở lại, góp phần thúc đẩy doanh thu các ngành thương mại, dịch vụ tăng khá so cùng kỳ.

4.1. Thương mại dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3/2022 ước đạt 18.288,15 tỷ đồng, tăng 2,19% so với tháng trước và tăng 15,27% so tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính đạt 55.007,15 tỷ đồng, tăng 12,79% so với cùng kỳ. Trong đó kinh tế nhà nước đạt 2.736,46 tỷ đồng, giảm 6,9%, kinh tế ngoài nhà nước đạt 51.129,69 tỷ đồng, tăng 14,38%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.141 tỷ đồng, tăng 1,06%. Cụ thể ở các lĩnh vực:

Bán lẻ hàng hóa:Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2022 ước đạt 14.030,65 tỷ đồng, tăng 2,55% so với tháng trước, doanh thu ở hầu hết các nhóm hàng đều tăng do nhu cầu tiêu dùng và ảnh hưởng của biến động giá cả thị trường, đặc biệt là nhóm hàng xăng, dầu; gỗ và vật liệu xây dựng; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu); doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, …

Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 42.577,7 tỷ đồng, tăng 11,99% so với cùng kỳ.Trong đó, nhóm hàng xăng, dầu các loại ước đạt 7.520,6 tỷ đồng tăng 53,2% đây là nhóm hàng có mức tăng cao nhất do ảnh hưởng của thị trường xăng dầu thế giới làm cho giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian qua; nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 11.620,17 tỷ đồng tăng 21,2%; nhóm nhiên liệu khác ước đạt 635,37 tỷ đồng tăng 20,78%. Bên cạnh những nhóm hàng có tốc độ tăng cao thì cũng có nhóm hàng có mức giảm mạnh như nhóm hàng may mặc ước đạt 1.153,81 tỷ đồng giảm 23,61%; nhóm hàng ô tô con ước đạt 1.712,89 tỷ đồng giảm 29,02%; nhóm vật phẩm, văn hoá giáo dục ước đạt 288,01 tỷ đồng, giảm 11,68% do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng này giảm.

Lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành:Trong tháng 3 ngành du lịch đã mở cửa đối với cả khách quốc tế, nên nhu cầu đi lại và du lịch tăng hơn so với trước đây làm cho dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng khá so với cùng kỳ.

Dự ước doanh thu ngành lưu trú, ăn uống trong tháng 3/2022 đạt 1.593,87 tỷ đồng, tăng 1,05% so với tháng trước, tính chung quý I/2022 ước đạt 4.707,4 tỷ đồng, tăng 15,78% so cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu hoạt động lưu trú dự ước đạt 37,54 tỷ đồng, giảm 34,01%; Doanh thu dịch vụ ăn uống dự ước đạt 4.669,86 tỷ đồng tăng 16,49% so cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành tháng 3/2022 ước đạt 686 triệu đồng, tăng 45,96% so với tháng trước, dự ước quý I/2022 đạt 1,6 tỷ đồng, giảm 86,03% so cùng kỳ. Lượt khách du lịch theo tour trong tháng đạt 756 lượt khách, tăng 44,27% so với tháng trước, dự tính quý I/2022 đạt 1.763 lượt khách, giảm 85,58% so cùng kỳ.

Hoạt động dịch vụ khác:Doanh thu dịch vụ tháng 3/2022 ước đạt2.662,96 tỷ đồng, tăng 1,01% so với tháng trước và tăng 32,32% so với tháng cùng kỳ. Dự ước quý I/2022, doanh thu dịch vụ đạt 7.720,39 tỷ đồng, tăng 15,69% so với cùng kỳ. Trong đó:Dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 26,72%;Dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 9,22%; Dịch vụ giáo dục và đào tạo đạt giảm 43,68%; Dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 71,45%; Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 0,74% so với cùng kỳ.

4.2. Giá cả thị trường

Tháng 3 do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm cho giá nhiều mặt hàng tăng cao như xăng, dầu, gas, sắt, thép, phân bón, hàng tiêu dùng, vật liệu phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của đời sống nhân dân, nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng cao so với tháng trước và so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2022 so với tháng trước tăng 1,57%, đây là tháng có chỉ số giá tăng cao nhất trong quý I năm nay. Trong 11 nhóm hàng thì có 9 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước như:nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,24%;nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,1%;nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 3,23%; nhóm thiết bị đồ dùng và gia đình tăng 0,47%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; nhóm giao thông tăng 5,52%; nhóm giáo dụctăng 3,89%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,69%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,29%; có 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so tháng trước là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14% và 01 nhóm hàng ổn định là nhóm bưu chính viễn thông.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2022 so với tháng 12/2021 tăng 3,03%(tức là chỉ số giá 3 tháng đầu năm tăng 3,03%)đây là quý I có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với các năm gần đây. Các nhóm hàng đều có chỉ số giá tăng như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,64%;nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,78%;nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,17%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 3,81%; nhóm thiết bị đồ dùng và gia đình tăng 0,91%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; nhóm giao thông tăng 9,49%; nhóm giáo dục tăng 8,45%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,48%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,59%. Có 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,31% so với tháng 12/2021.

Chỉ số giá bình quân quý I/2022, tăng 2,47% so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục do vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng này còn hạn chế. Các nhóm hàng còn lại đều có mức tăng khá, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất (+18,25%) do ảnh hưởng của tình hình chính trị bất ổn trên thế giới làm cho giá các mặt hàng xăng, dầu trong nước tiếp tục tăng cao (Chỉ số giá nhiên liệu tăng 12,11%, trong đó: xăng tăng 13,41%; dầu tăng 18,25%) đây cũng là mức tăng cao kỷ lục trong những năm gần đây. Hiện giá xăng A95 bình quân là 28.538 đồng/lít; dầu DO là 23.316 đồng/lít. Với việc tăng giá xăng, dầu đã kéo theo nhiều dịch vụ khác cũng tăng giá như vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 8,99%; Vận tải hành khách bằng xe buýt tăng 12,62%; vận tải hành khách bằng xe taxi tăng 10,71%...; nhóm nhà ở điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 3,1% do nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng, đặc biệt cố một số dự án lớn đi vào hoạt động, nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ tăng.

- Giá vàng trong tháng tiếp tục biến động, giá vàng bình quân tăng 2,85% so với tháng trước; so với cùng tháng năm trước tăng 6,83%; so với tháng 12 năm trước tăng 3,5%. Bình quân quý I/2022 tăng 1,45% so với cùng kỳ.

- Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng này tăng 1,88% so tháng trước; so với cùng tháng năm trước giảm 0,36%; so với tháng 12 năm trước tăng 1,9%. Bình quân quý I/2022 giảm 1,06% so cùng kỳ.

4.3.Xuất,nhập khẩuhàng hóa

Bước vào quý I/2022 tình hình xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu khả quan, đáng chú ý có một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao như: cà phê, cao su, hàng dệt may, giày dép, linh kiện điện tử, … điều này cho thấy các doanh nghiệp đã khai thác tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm kiếm thị trường và tháo gỡ rào cản để tiếp cận thị trường mới. Do đó kim ngạch xuất, nhập khẩu đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 3 năm 2022 trên địa bàn đạt 2.234,12 triệu USD, tăng 29,84% so với tháng trước và tăng 6,28% so tháng cùng kỳ; Tính chung quý I/2022 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6.221,79 triệu USD tăng 13,86% so với cùng kỳ.

Các mặt hàng xuất khẩu trong quý I/2022 tăng cao so với cùng kỳ như: Cà phê tăng 23,97%; Cao su tăng 23,73%; Hàng dệt may tăng 4,21%; Giày dép các loại tăng 7,15%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 42,08%; Máy móc thiết bị và phụ tùng tăng 13,07%; Xơ, sợi dệt các loại tăng 25,26%; Sản phẩm từ chất dẻo tăng 40,42%; Sản phẩm từ sắt thép tăng 37,97% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó trong quý I/2022 một số mặt hàng giảm so cùng kỳ như: Sản phẩm gỗ giảm 15,11%; Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 2,9%, do giá cước vận chuyển cao và container rỗng thiếu hụt.

Thị trường xuất khẩu trong quý I/2022 tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ đạt 1.882,53 triệu USD, chiếm 30,26%; Trung Quốc đạt 560,1 triệu USD, chiếm 9%; Nhật Bản đạt 574,39 triệu USD, chiếm 9,23%; Hàn Quốc đạt 339,06 triệu USD, chiếm 5,45% tổng kim ngạch xuất khẩu; Các thị trường khác cũng có kim ngạch xuất khẩu khá cao như: Đài Loan, Bỉ, Đức, Nga… chiếm tỷ trọng 46,06% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 năm 2022 ước đạt 1.845,23 triệu USD, tăng 34,09% so tháng trước và tăng 1,95% so tháng cùng kỳ; Tính chung quý I/2022 ước đạt 4.694,45 triệu USD, tăng 5,08% so cùng kỳ. Một số mặt hàng nhâp khẩu chủ yếu trong quý I/2022 tăng cao so với cùng kỳ như: Hóa chất tăng 30,77%; Thuốc trừ sâu và nguyên liệu tăng 75,78%; Chất dẻo nguyên liệu tăng 11,86%; Bông các loại tăng 26,63%; Xơ, sợi dệt các loại tăng 9,24%; Sắt thép các loại tăng 52,49%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 16,1% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó một số mặt hàng giảm như: Thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 37,21%; Cao su giảm 8,9%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 38,55% so với cùng kỳ.

Thị trường nhập khẩu trong quý I/2022 chủ yếu ở các nước: Trung Quốc ước đạt 1.101,56 triệu USD, chiếm 23,47%; Hàn Quốc ước đạt 709,58 triệu USD, chiếm 15,12%; Nhật Bản ước đạt 373,9 triệu USD, chiếm 7,96%; Hoa Kỳ đạt 311,02 triệu USD, chiếm 6,63%; Các thị trường còn lại chiếm tỷ trọng 46,83% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Dự ước quý I/2022 giá trị xuất siêu trên địa bàn tỉnh đạt 1.527,34 triệu USD, đây là mức xuất siêu khá lớn.

4.4. Giao thông vận tải

Ngành vận tải tiếp tục gặp khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao, đã ảnhhưởng đáng kể đến sự nỗ lực phục hồi của ngành sau khi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động dịch vụ vận tải, kho bãi cố gắng để thích ứng linh hoạt trong tình hình mới trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát. Dựướcdoanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tháng 3/2022 đạt 1.719,84 tỷ đồng,tăng 1,22% so tháng trước và tăng 7,65% so cùng tháng năm trước; Tính chung quý I/2022 doanh thu đạt 5.306,05 tỷ đồng, tăng 10,46% so cùng kỳ.

5. Vốn đầu tư thực hiện

Có thể nói vồn đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, cơ sở hạ tầng giao thông v.v... tạo “sức hút” cho nền kinh tế tăng trưởng. Một số dự án lớn như: Cảng Hàng không quốc tế Long Thành cùng các đoạn, tuyến đường cao tốc như: Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Cát Lái, đường vành đai 3...tác động lớn đến mức tăng của vốn đầu tư trên địa bàn.

Dự ước vốn đầu tư phát triển thực hiện trên địa bàn tỉnh quý I năm 2022 thực hiện 26.616,9 tỷ đồng, giảm 14,75% so với quý 4/2021 và tăng 16,9% so cùng kỳ, trong đó vốn ngân sách nhà nước giảm 23,04%; vốn ngoài nhà nước tăng 7,45%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 37,32% so cùng kỳ.

- Công tác giải ngân vốn:Theo kế hoạch được giao là 22.850.035 triệu đồng trong giai đoạn 2018-2021 để triển khai thực hiện dự án; UBND tỉnh đã giao chi tiết kế hoạch vốn cho 04 đơn vị được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư. Số tiền lũy kế giải ngân tiền bồi thường, hỗ trợ xây dựng tái định cư là 14.408.640 triệu đồng.

6. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp

Tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đến ngày 25/3/2022 đạt 141,89 triệu USD, bằng 44,43% so cùng kỳ. Trong đó: Cấp mới 6 dự án với vốn đăng ký 76,05 triệu USD, bằng 34,5% so cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn 15 dự án với vốn bổ sung 65,84 triệu USD, bằng 66,57% so cùng kỳ.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/3/2022, tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn là: 10.264,33 tỷ đồng, bằng 33,22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 971 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 5.833,3 tỷ đồng, tăng 40,8% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và bằng 52,69% về số vốn; có 150 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung 4.431 tỷ đồng, bằng 22,35% so cùng kỳ.

7. Ngân hàng

Quý I năm 2022, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Naitriển khai các chủ trương, chính sách mới về tiền tệ, ngân hàng đến các TCTD. Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các TCTD trên địa bàn đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và thị trường vàng. Công tác thanh toán, đáp ứng kịp thời phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa. Kết quả hoạt động ngân hàng như sau:

Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 31/3/2022 đạt277.916 tỷ đồng, tăng 2,46% so với 31/12/2021. Trong đó:Tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 265.379 tỷ đồng, tăng 3,09% so với 31/12/2021; Tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 12.537 tỷ đồng, giảm 10,62% sovới đầu năm.

Tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn đến31/3/2022ước đạt296.508tỷ đồng, tăng5.98% so với 31/12/2021(trong đó nợ xấu ước chiếm1,17% trên tổng dư nợ cho vay). Trong đó: Dư nợ ngắn hạn ước đạt 164.932 tỷ đồng, tăng 7,74% so31/12/2021. Dư nợ trung, dài hạn ước đạt 131.576 tỷ đồng, tăng 3,87% sovới đầu năm.

II. VĂN HÓA – XÃ HỘI

1.Văn hóa thông tin

Quý I năm 2022 toàn ngành Văn hóa – thể thao và du lịch tập trung tuyên truyềnkỷ niệm các ngày lễ, phục vụ các nhiệm vụ chính trị như: Kỷ niệm 76 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2022); Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2022) và mừng Xuân Nhâm Dần 2022;Kỷ niệm 49 năm Ngày ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973-27/01/2022); Lễ ra quân An toàn giao thông năm 2022; Lễ tuyển quân năm 2022 và tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19...

Các đơn vị nghệ thuật tăng cường biểu diễn chương trìnhvăn nghệ chủ đề về phòng chống dịch bệnh Covid-19;... lồng ghéptuyên truyền kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944-22/12/2021);Luật nghĩa vụ quân sự;tuyên truyền phòng, chống Covid-19 thực hiện 5k của Bộ Y tế; An toàn giao thông; phòng, chống tội phạm, phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm, tác hại rượu bia, An toàn giao thông,chống buôn lậu,vệ sinh an toàn thực phẩm, ... Phục vụ thiếu nhi, đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã nông thôn mới và công nhân tại các khu công nghiệp trong tỉnh.Số buổi chiếu phim và lồng ghép tuyên truyền:441 buổi.

2. Thể dục, thể thao

Trong quý I xây dựng và phối hợp tổ chức Lễ phát động Ngày Chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc tỉnh Đồng Nai 2022. Ban hành Kế hoạch phục vụ Lễ khai mạc Đại hội Thể dục, thể thao tỉnh Đồng Nai lần thứ IX năm 2022.

Tham gia 01 giải quốc tế (Giải vô địch Cầu Lông thế giới tại Huelva, Tây Ban Nha); tham gia 12 giải quốc gia, đạt 14 huy chương các loại. Trong đó Giải vô địch các CLB Bắn súng quốc gia năm 2022 tại TP. Hồ Chí Minh, đạt 02 HCV, 02 HCĐ; Giải Vô địch Wushu quốc gia tại Hải Phòng, đạt 3 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ…

Các đội tuyển thể thao của tỉnh tiếp tục tập huấn theo kế hoạch, chuẩn bị tốt lực lượng để tham gia các giải quốc gia năm 2022 vàtham dự Đại hội Thể thao toàn quốc Lần thứ IX năm 2022, SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai.

3. Giáo dục - Đào tạo

Trong quý I hoàn thành việc tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2021-2022. Tổng số dự án dự thi là 184 (trong đó cấp THCS: 75, THPT: 106; GDTX: 03); số đơn vị dự thi: 48 đơn vị. Kết quả có 74 dự án đạt giải. Ban Tổ chức đã chọn được 02 dự án tham dự Cuộc thi cấp quốc gia.

Hoàn thành tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2022. Tổ chức Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh năm học 2021-2022; Tổ chức thi và chấm thi nghề phổ thông (đợt 1) với tổng số học sinh tham gia là 24.234; kết quả: Tỉ lệ đỗ đạt 97,75%.

Hoàn thiện quy chế tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 vào các trường THPT công lập trình lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt trước khi ban hành. Thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 6 với 3 môn thi: Toán, Văn và Ngoại ngữ. Riêng học sinh thi vào các lớp chuyên của Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh sẽ thi thêm môn chuyên tương ứng. Đối với những trường không tổ chức thi tuyển sẽ tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.

Tình hình dịch bệnh trong trường học:Theo Sở GD-ĐT, việc trẻ em và học sinh toàn tỉnh đồng loạt trở lại trường học trực tiếp là một trong những nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới Covid-19 tăng trở lại. Theo ngành Y tế nhận định, số lượng ca nhiễm mới trong các cơ sở giáo dục có xu hướng tăng ở bậc mầm non và tiểu học hơn các bậc học còn lại, do ở 2 bậc học này trẻ em và học sinh chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên hầu hết các ca nhiễm chỉ ở thể nhẹ, có các biểu hiện thông thường như: ho, sốt, nhức đầu. Trong số trên 20 ngàn ca nhiễm trong học sinh thì chỉ có 5 trường hợp phải nhập viện, không có ca chuyển nặng và tử vong.

Hiện nay việc quyết định cho học sinh chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến tùy vào cấp độ dịch của mỗi phường, xã và do chủ tịch UBND phường, xã quy định. Theo đó, những phường có dịch ở cấp độ 3 (màu cam), trường học ở địa bàn đó sẽ chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Việc cho học sinh đi học trực tiếp trở lại vào thời điểm nào cũng do các địa phương quyết định khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.

4. Y tế

Thông tin từ Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong ngày 17/3/2022, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3,2 ngàn ca mắc Covid-19 mới, giảm 19,6% so với ngày trước đó. Trên thực tế số ca bệnh có thể cao hơn, do nhiều người dân mắc Covid-19 nhưng không khai báo với cơ quan chức năng, tuy nhiên số trường hợp phải nhập viện điều trị không nhiều. Trong tổng số hơn 22 ngàn bệnh nhân Covid-19 của tỉnh, hiện chỉ có 694 trường hợp phải nhập viện điều trị, còn lại là điều trị tại nhà. Số ca bệnh nặng là 114 ca. Mặt khác, biến chủng đang lưu hành trên địa bàn tỉnh là biến chủng Omicron có khả năng gây bệnh với mức độ nhẹ hơn so với biến chủng Delta; số ca mắc phần lớn dưới 18 tuổi nên số ca bệnh nặng không nhiều. Mặc dù vậy, người dân vẫn cần tuân thủ quy định 5K, tham gia tiêm vaccine mũi 3 phòng Covid-19 khi đủ thời gian; sử dụng thuốc điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Luỹ kế từ lúc dịch xuất hiện đến nay,ghi nhận 374.477 trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó qua Realtime RT-PCR là 104.358 ca, qua test nhanh kháng nguyên là 270.119 ca 8,86% trường hợp đang điều trị; 90,64% trường hợp đã điều trị khỏi bệnh; 0,5% trường hợp tử vong.

Một số dịch bệnh khác phát sinh trong tháng quý I như sau:

- Sốt xuất huyết:Sốtrường hợpmắc sốt xuất huyết cộng dồnđếntháng3/2022 là 638, giảm 49,1% so với cùng kỳ. Trong đó, sốtrường hợpmắc SXHD ≤ 15 tuổi là 476, chiếm tỷ lệ 74,6%, chưa ghi nhậntrường hợptử vong.

Tính từ đầu năm đến nay tổng số ổ dịch được phát hiện 56 ổ dịch, giảm 85,02% so với cùng kỳ. Tỷ lệ ổ dịch xử lý trong toàn tỉnh đạt 80,4%.

- Hội chứng tay chân miệng:Số trường hợp mắc cộng dồn đến tháng 3/2022 là 25 trường hợp, giảm 97,7% so với cùng kỳ. Không ghi nhận trường hợp tử vong.

Trong tháng 3 phát hiện và xử lý 43/43 ổ dịch, số ổ dịch phát hiện giảm 52,2% so với tháng trước (90 ổ dịch). Cộng dồn xử lý 133/133 ổ dịch phát hiện, đạt tỷ lệ 100%.

- Tình hình nhiễm HIV/AIDS:Tính đến nay, toàn tỉnh có 5.823 (số liệu điều chỉnh sau thống kê lại số bệnh nhân chuyển đi các địa phương khác) trường hợp mắc HIV/AIDS (tỷ lệ/dân số: 0,17%),duy trì tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư trên địa bàn toàn tỉnhđược khống chế <0,3% (đạt chỉ tiêu).

- Tình hình vệ sinh thực phẩm:Trong 3 tháng năm 2022 thực hiện công tác kiểm tra, giám sát (02 đoàn kiểm tra liên ngành) cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm 1.388/15.419 tổng số cơ sở, trong đó: 1.281/1.388 cơ sở đạt (chiếm 92,29%), số cơ sở vi phạm là 107, phạt tiền 1 cơ sở với số tiền 4 triệu đồng.

* Các chương trình mục tiêu

- Tiêm chủng mở rộng:3 tháng đầu năm 2022 số trẻ em tiêm chủng đầy đủ 6 loại vaccin có 4.616 cháu giảm 5.381 cháu đạt 9,3% kế hoạch và giảm 53,8%so cùng kỳ.

- Khám chữa bệnh:Tổng số lượt khám bệnh trong quý I năm 2022 đạt 1.770.000 lượt, cấp cứu: 109.200 trường hợp, nhập viện: 98.415 trường hợp.

5. Giải quyết việc làm

Trong quý I/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 20.299 lượt người, đạt 25,37% kế hoạch năm.

Trong quý I, số người lao động nộp hồ sơ hưởng là 11.520 người và đã quyết định cho hưởng trợ cấp thất nghiệp 9.625 người với tổng số tiền chi trả cấp thất nghiệp là 257.863,65 triệu đồng. Tư vấn và giới thiệu việc làm cho số lao động thất nghiệp 11.901 lượt người, hỗ trợ học nghề cho 142 người.

6. Đào tạo nghề

Trong quí I các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 15.398 người, đạt 21,69% kế hoạch, tăng 3,9% so cùng kỳ. Trong đó: Trình độ Sơ cấp và đào tạo thường xuyên 15.398 người.

Có 15.344 người tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề, đạt 21,31% kế hoạch, tăng 7,25% so cùng kỳ. Trong đó: Cao đẳng là 252 người, Trung cấp 335 người, Sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 14.757 người.


Cục Thống kê Đồng Nai

  • Tổng số lượt xem: 733
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)