Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/06/2022-16:05:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Quảng Trị

Tỉnh Quảng Trị thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội6 tháng đầu năm 2022 trong điều kiện: những tháng đầu năm dịch COVID-19 với biến thể mới Omicron diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng cao đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; thời tiết mưa lũ bất thường gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất cây hàng năm vụ Đông Xuân; giá nhiên liệu, giá một số nguyên vật liệu tăng cao đã tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế; dịch COVID-19 kéo dài, một bộ phận người dân gặp khó khăn…Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ; Kết luận số 175-KL/TU ngày 06/12/2021 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 149/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022…Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 tỉnh Quảng Trị đạt được những kết quả như sau:

I. KINH TẾ

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 3,50% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng đầu năm từ trước đến nay. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 4,38%, làm giảm 1,02 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,59%, đóng góp 1,63 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,50%, đóng góp 2,64 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,11%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2022: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 22,57%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 26,47%; khu vực dịch vụ chiếm 46,82%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,14% (cơ cấu tương ứng của 6 tháng đầu năm 2021 là: 24,76%; 24,50%; 46,74%; 4%).

2. Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 (giá hiện hành) ước tính đạt 11.199,04 tỷ đồng, giảm 5,12% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm: vốn khu vực nhà nước 2.402,41 tỷ đồng, chiếm 21,45% và tăng 15,73%; vốn của dân cư và tư nhân 8.786,22 tỷ đồng, chiếm 78,45% và giảm 8,75%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 10,41 tỷ đồng, chiếm 0,10% và giảm 89,39%.

Trong vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư xây dựng cơ bản 9.651,11 tỷ đồng, giảm 4,07% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư mua sắm TSCĐ không qua xây dựng cơ bản 817,44 tỷ đồng, giảm 19,37%; vốn đầu tư nâng cấp, sửa chửa lớn TSCĐ 717,64 tỷ đồng, tăng 1,71%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động 12,85 tỷ đồng, tăng 56,29%.

Trong tổng vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước 6 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tính đạt 1.310,06 tỷ đồng, bằng 38,55% kế hoạch năm 2022 và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.039,54 tỷ đồng, bằng 38,53% kế hoạch và tăng 2,52%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 240,98 tỷ đồng, bằng 39,07% kế hoạch và tăng 21,78%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 29,54 tỷ đồng, bằng 35,27% kế hoạch và tăng 22,98%.

3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Vụ Đông Xuân năm 2021-2022, toàn tỉnh gieo trồng được 40.054,3 ha cây hàng năm, giảm 0,45% so với vụ Đông Xuân năm trước; trong đó: cây lúa gieo cấy 26.051,2 ha, tăng 0,41%; cây ngô gieo trồng 3.237,7 ha, giảm 2,57%...

Do ảnh hưởng của thời tiết, năng suất hầu hết các loại cây hàng năm đều giảm mạnh so với vụ Đông Xuân năm trước. Năng suất lúa đạt 42,4 tạ/ha, giảm 18,6 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước; năng suất ngô 30,5 tạ/ha, giảm 6,8 tạ/ha…

Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ Đông Xuân 2021-2022 đạt 120.254 tấn, giảm 29,50% (-50.315,9 tấn) so với vụ Đông Xuân năm trước; trong đó: sản lượng lúa 110.385,5 tấn, giảm 30,21% (-47.783,2 tấn); sản lượng ngô 9.865,5 tấn, giảm 20,43% (-2.533,2 tấn)…

Ước tính đến 30/6/2022, đàn trâu có 20.760 con, giảm 4,57% so với cùng thời điểm năm 2021; đàn bò có 56.850 con, tăng 2,25%; đàn lợn thịt có 148.500 con, tăng 11,88%; đàn gia cầm có 3.826 nghìn con, giảm 4,14%...

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 27.450,8 tấn, tăng 16,61% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: thịt lợn 16.492 tấn, tăng 23,74%; thịt gia cầm 8.737,7 tấn, tăng 8,56%...

Diện tích rừng trồng mới tập trung 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 3.438 ha, tăng 46,86% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác 605.000 m3, tăng 9,56%; sản lượng củi khai thác 135.500 ster, tăng 32,20%...

Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 17.098,1 tấn, giảm 5,82% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm: cá 12.545,5 tấn, tăng 5,57%; tôm 2.251,5 tấn, tăng 3,69%; thủy sản khác 2.301,1 tấn, giảm 43,86%. Trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng 3.790,1 tấn, tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản khai thác 13.308 tấn, giảm 8,14%.

4. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 8,87% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: ngành khai khoáng tăng 6,02%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,31%; sản xuất và phân phối điện tăng 45,49%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,08%.

Một số sản phẩm chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng cao: điện sản xuất tăng 67,16%; săm dùng cho xe máy, xe đạp tăng 65,05%; dăm gỗ tăng 54,49%; điện thương phẩm tăng 22,10%; gỗ cưa hoặc xẻ tăng 19,07%...Ở chiều ngược lại một số sản phẩm giảm: bia lon giảm 3,02%; dầu nhựa thông giảm 7,46%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 11,23%; xi măng giảm 11,68%; đá xây dựng giảm 21,90%; gạch khối bằng bê tông giảm 26,08%; phân hóa học giảm 26,61%; tấm lợp proximăng giảm 36,66%; thủy hải sản chế biến giảm 63,47%...

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Từ đầu năm đến 15/6/2022,toàn tỉnh có 251 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 26,77% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký là 2.747 tỷ đồng, tăng 70,30%; số vốnđăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 10,94 tỷ đồng, tăng 34,23%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 190 doanh nghiệp, tăng 43,94%; số doanh nghiệp giải thể là24doanh nghiệp, tăng 14,28%; số doanh nghiệp trở lại hoạt động là 109 doanh nghiệp, tăng 18,48%.

Trong số doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2022: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có 10 doanh nghiệp, chiếm 3,98% và tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp - xây dựng có 74 doanh nghiệp, chiếm 29,48% và giảm 7,50%; khu vực dịch vụ có 167 doanh nghiệp, chiếm 66,54% và tăng 51,97%.

5. Hoạt động dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 13.126,26 tỷ đồng, tăng 11,16% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,81%. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10.726,95 tỷ đồng, chiếm 81,72% tổng mức và tăng 10,55%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống 1.662,31 tỷ đồng, chiếm 12,66% tổng mức và tăng 12,32%; doanh thu du lịch lữ hành 1,82 tỷ đồng, chiếm 0,01% tổng mức và tăng 19,64%; doanh thu dịch vụ khác 735,18 tỷ đồng, chiếm 5,61% tổng mức và tăng 17,95%.

Doanh thu vận tải 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 1.014,54 tỷ đồng, tăng 6,01% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm: doanh thu vận tải hành khách 176,05 tỷ đồng, tăng 4,33%; doanh thu vận tải hàng hóa 715,10 tỷ đồng, tăng 6,27%; doanh thu dịch vụ hổ trợ vận tải 123,39 tỷ đồng, tăng 6,95%.

Số lượt hành khách vận chuyển 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 3.699,2 nghìn HK, tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển 318.233,6 nghìn HK.km, giảm 3,06%; khối lượng hàng hoá vận chuyển 5.787,9 nghìn tấn, tăng 4,14%; khối lượng hàng hoá luân chuyển 422.424,5 nghìn tấn.km, tăng 4,33%.

Số lượt khách lưu trú 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 245.009 lượt, tăng 42,42% so với cùng kỳ năm trước; số ngày khách lưu trú 183.117 ngày khách, tăng 92,92%; số lượt khách du lịch theo tour 486 lượt, tăng 16,70%; số ngày khách du lịch theo tour 838 ngày khách, tăng 18,50%.

6.Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,10% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng 3,10% của chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2022 có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng: giao thông tăng 19,05%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,84%; đồ uống và thuốc lá tăng 4,99%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,09%; đồ dùng và dịch vụ khác tăng 1,52%; giáo dục tăng 0,64%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,62%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,33%. Có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm: bưu chính viễn thông giảm 0,07%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,25% (lương thực giảm 0,43%, thực phẩm giảm 1,08%, ăn uống ngoài gia đình tăng 2,18%). Nhóm hàng hoá thuốc và dịch vụ y tế giá ổn định.

Chỉ số giá vàng bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 18,44% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 6 tháng đầu năm 2022 giảm 0,45%.

II. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Theo chuẩn nghèo đa chiều quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, cuối năm 2021 tỉnh Quảng Trị có 10.431 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,82% và 10.367 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,78%. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo mới đa chiều giai đoạn 2022-2025. Đầu năm 2022, toàn tỉnh có 18.904 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,55% và 10.133 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,65%.

Tính đến 15/5/2022, toàn tỉnh có 44.352 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, những tháng đầu năm dịch COVID-19 với biến thể mới Omicron diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng cao đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; thời tiết mưa lũ bất thường gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất cây hàng năm vụ Đông Xuân; giá nhiên liệu, giá một số nguyên vật liệu tăng cao đã tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế; dịch COVID-19 kéo dài, một bộ phận người dân gặp khó khăn…Nhưng nhờ làm tốt công tác an sinh xã hội nên tình hình thiếu đói trong dân không xảy ra.

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, tỉnh Quảng Trị đã trao tặng 99.998 suất quà cho người có công, gia đình chính sách người có công, người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng khác với tổng kinh phí là 50.296,7 triệu đồng.

Tỉnh đã phân bổ 2.150,28 tấn gạo (Chính phủ hỗ trợ) để cứu trợ cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó: đợt 1 hỗ trợ 1.065 tấn gạo để cứu trợ cho 14.907 hộ (70.982 nhân khẩu) trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; đợt 2 hỗ trợ 1.085,28 tấn gạo để hỗ trợ cho 15.111 hộ (72.352 nhân khẩu) trong thời gian giáp hạt đầu năm 2022.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, số tiền đã hỗ trợ là 59.755,5 triệu đồng (18.862 lao động, 8.575 đơn vị sử dụng lao động và 11.130 người dân).

Triển khai thực hiện Nghị Quyết 116/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Kết quả đến ngày 15/06/2022, đã có 38.541 lao động đề nghị hỗ trợ, cơ quan BHXH đã giải quyết chi trả cho 35.867 lao động đủ điều kiện hưởng với số tiền 88.200 triệu đồng; số đơn vị được giảm đóng BHTN là 1.466 đơn vị với 31.971 lao động, số tiền giảm mức đóng BHTN là GẦN 14.000 triệu đồng.

2. Tai nạn giao thông

Trong 6 tháng đầu năm 2022 (Từ 15/12/2021 đến 14/6/2022) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 90 vụ tai nạn giao thông, giảm 15,09% so với cùng kỳ năm trước; làm chết 50 người, giảm 21,87%; bị thương 73 người, giảm 12,05%. Tất cả các vụ tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2022 đều xảy ra trên đường bộ./.


Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị

  • Tổng số lượt xem: 504
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)