Theo tài liệu số 1265/BC-BKHĐT ngày 27 tháng 02 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tài liệu phục vụ họp báo của Chính phủ ngày 28/02/2013)
1. Về thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô
- Về giá cả và lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2013 tăng 1,32% so với tháng trước và là mức tăng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây[1]; trong đó: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,28% (riêng thực phẩm tăng 3%); đồ uống và thuốc lá tăng 1,5%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 1,08%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,07%. Các nhóm hàng khác chỉ tăng nhẹ khoảng 0,02-0,8%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,03%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tết Nguyên đán Quý Tỵ tăng không cao là nhờ các cấp các ngành đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp, chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như: tăng cường quản lý giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng nhái,... Việc chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã cùng với việc sức mua tăng không cao (20-25% so với ngày thường), tập trung vào những ngày sát Tết cũng góp phần ổn định giá cả thị trường.
Nguyên nhân làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 02/2013 chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng cũng như đi lại trong dịp Tết Nguyên đán của người dân tăng làm tăng giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm đồ uống và thuốc lá và giá cước vận tải hành khách (vé xe khách tăng trên 11%; vé vận chuyển hành khách đường sắt tăng gần 3%). Ngoài ra, nhu cầu về mua sắm quần áo, giầy dép trong dịp Tết cũng làm tăng giá các mặt hàng này, góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu dùng.
CPI tháng 2/2013 tăng 2,59% so với tháng 12/2012 và tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức tăng thấp trong nhiều năm qua[2]; bình quân 2 tháng đầu năm tăng 7,04% so với cùng kỳ năm 2012.
- Về xuất, nhập khẩu: Tính chung hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 18,97 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2012; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 17,3 tỷ USD, tăng 10,2%. Xuất siêu khoảng 1,68 tỷ USD.
- Về đầu tư phát triển:Trong hai tháng đầu năm, Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 1.050 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012; Vốn ODA giải ngân ước đạt 120 triệu USD, đạt khoảng 2,6% kế hoạch (trong đó: vốn vay khoảng 105 triệu USD; viện trợ không hoàn lại khoảng 15 triệu USD).
2. Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
- Sản xuất công nghiệp:Tính chung hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 1,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 11,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,9%.
Tốc độ tăng IIP hai tháng đầu năm của một số ngành chủ yếu: sản xuất hàng may sẵn tăng 18,9%; sản xuất giầy dép tăng 35,9%; sản xuất xi măng tăng 19,4%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 26,4%;...
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Trong 15 ngày đầu tháng 02/2013, cả nước gieo cấy đạt 2.649,6 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Thu hoạch lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt 281 nghìn ha, tăng 32,6%. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Tính chung hai tháng đầu năm, diện tích trồng rừng tập trung ước đạt hơn 1,2 nghìn ha, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2012. Do thời tiết hanh khô nên nguy cơ cháy rừng tại một số địa bàn là rất cao[3]. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trong hai tháng đầu năm ước đạt 722,5 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: nuôi trồng ước giảm 1,7%; khai thác ước tăng 2%.
- Khu vực dịch vụ:Trong 2 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 422,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2012; vận tải hàng hóa tăng 5,7%; luân chuyển hàng hóa giảm 4,1%; vận chuyển hành khách tăng 7,6%; luân chuyển hành khách tăng 6,2%; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 1,21 triệu lượt khách, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2012.
3. Về an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác
- Về lao động, việc làm: Lũy kế hai tháng đầu năm ước tạo việc làm khoảng 200 nghìn lao động, đạt 12,5% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 12 nghìn người.
- Về trật tự an toàn giao thông: Theo số liệu thống kê sơ bộ, từ ngày 16/01/2013 đến 15/02/2013, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 1.117 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.035 người, làm bị thương 721 người; so với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 14,92%; số người chết tăng 16,29%; số người bị thương tăng 24,31%.
- Công tác bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèotiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Trong dịp Tết nguyên đán, các cấp các ngành đã thực hiện nghiêm túc các Quyết định của Chủ tịch nước và của Thủ tướng Chính phủ[4] về thăm hỏi, tặng quà đến các đối tượng người có công với cách mạng với gần 1,9 triệu người nhận quà, tổng giá trị là hơn 393,5 tỷ đồng, cũng như hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2013 cho 18 tỉnh với 29.092 tấn gạo. Các địa phương cũng đã trích ngân sách địa phương, huy động nguồn xã hội hoá, tổ chức thăm hỏi, tặng quà hơn 800 tỷ đồng. Các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực tổ chức Tết cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Tổ chức đưa sinh viên nghèo về quê ăn Tết; tổ chức đón Tết cổ truyền đầm ấm, đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt Nam ở nước ngoài.
Đánh giá chung, trong tháng, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 tăng 1,32% so với tháng trước là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước. Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, có xuất siêu. Sản xuất công nghiệp tăng khá cao so với cùng kỳ; tồn kho giảm. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; sản xuất và cung ứng điện, cung ứng nguồn nước tưới tiêu được bảo đảm. Vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ phát triển khá; nguồn cung hàng hóa, dịch vụ được bảo đảm, góp phần ổn định giá cả thị trường, không gây tăng đột biến giá, nhất là trong dịp Tết; hoạt động du lịch, du Xuân diễn ra sôi nổi. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần; bảo đảm mọi người dân đều được đón Tết, vui Xuân đầm ấm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy;...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong tháng 01/2013 và quy luật sau Tết Nguyên đán, giá cả một số hàng hóa thiết yếu như rau quả, thực phẩm có tăng, nhưng mức độ tăng thấp hơn nhiều so với các năm trước. Tình hình tai nạn giao thông trong dịp Tết diễn biến phức tạp và khá nghiêm trọng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn ./.
[1] So với tháng trước, CPI tháng 2 các năm 2010-2013 lần lượt là: 1,96%; 2,09%; 1,37% và 1,32%.
[2] Tháng 02 so với tháng cùng kỳ năm trước các năm 2008-2013 lần lượt là: 15,67%; 14,77%; 8,46%; 12,31%; 16,44% và 7,02%.
[3] Trọng điểm là Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
[4] Quyết định số 71/QĐ-CTN ngày 10/01/2013 của Chủ tịch nước; các Quyết định: số 111/QĐ-TTg ngày 9/01/2013, số 189/QĐ-TTg ngày 18/01/2013, số 273/QĐ-TTg ngày 02/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
File đính kèm: BCCP.HOPBAO.T.2.final.pdf
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư