Báo cáo của Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 22 tháng 10 năm 2012.
1. Tình hình chung:
Tính chung 10 tháng đầu năm 2012, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,5% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ (năm 2011 so với năm 2010 tăng 7%) và thấp hơn so với tốc độ tăng IIP của 9 tháng năm 2012 (9 tháng năm 2012 tăng 4,8%).
Tính chung 10 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành như sau:
Chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,9% (giảm 0,1% so với quý III/2012), chủ yếu là do ngành khai thác dầu thô tăng 12,1% (giảm 1,3% so với 9 tháng/2012), Ngành khai thác than và thu gom than cứng giảm 5,7%; ngành khai thác đá, cát, sỏi, đất sét và cao lanh giảm 21,2%; khai thác khí đốt tự nhiên tăng 4,1%.
Chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8% (giảm 0,4% so với 9 tháng năm 2012), một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với 9 tháng năm 2012 như sau: sản xuất thiết bị truyền thông giảm 5,7%; đóng tàu và cấu kiện nổi giảm 6,5%; sản xuất thiết bị dây dẫn điện các loại giảm 3,5%; sản phẩm điện tử dân dụng giảm 3,1%,…
Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 12,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,7% so với cùng kỳ. Các ngành này hoạt động tương đối ổn định nên không có nhiều biến động về tình hình sản xuất.
2. Tình hình sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng đầu năm 2012:
- Ngành điện:
Trong quý III,hệ thống điện quốc gia vận hành, cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, không xảy ra mất điện trên diện rộng trong thời gian dài.
Từ ngày 01 tháng 7 năm 2012, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức được đưa vào vận hành đầy đủ, có 29 nhà máy điện tham gia trực tiếp thị trường phát điện cạnh tranh, 26 nhà máy điện tham gia gián tiếp, 18 nhà máy tham gia tạm thời gián tiếp và 20 nhà máy điện dự kiến tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Do thời điểm quý III là thời điểm mực nước tại các hồ thủy điện ở mức cao nên khi chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh, giá điện của nguồn thủy điện tốt hơn so với các nguồn phát khác.
Sản lượng điện sản xuất và mua tháng 10 ước đạt gần 10,1 tỷ kWh tăng 10,03% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và mua ước đạt 97,8 tỷ kWh, tăng 10,67% so với cùng kỳ.
- TĐ Sơn La: đang khẩn trương thi công hoàn thiện kiến trúc cảnh quan nhà máy, tiếp tục thực hiện công tác nghiệm thu hoàn thành công trình và triển khai các công việc phục vụ lễ khánh thành nhà máy vào cuối năm 2012.
- TĐ Lai Châu: Đang tập trung thi công bám sát tiến độ thi công đề ra. Về gói thầu thiết bị cơ điện (TB7): HĐTV EVN đã trình Chính phủ phê duyệt kết quả xét thầu; Gói thầu thiết bị quan trắc (TB6): Đang trình HĐTV phê duyệt kết quả xét thầu.
- Các công trình lưới điện trọng điểm: ĐD 220kV Đăk Nông - Phước Long - Bình Long, ĐD 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, ĐD 220kV Sóc Sơn - Vân Trì đang triển khai theo tiến độ.
- Ngành dầu khí:
Trong 10 tháng đầu năm, hoạt động thăm dò dầu khí, phát triển mỏ được triển khai tích cực theo tiến độ kế hoạch đã đề ra.
Sản lượng một số sản phẩm chính ngành dầu khí tăng trưởng so với cùng kỳ: tính chung 10 tháng dầu mỏ thô khai thác ước đạt 13,86 triệu tấn, tăng 12,2% so cùng kỳ; sản lượng khí đốt thiên nhiên ước đạt 7,6 tỷ m3, tăng 6,9% so với cùng kỳ; sản lượng khí hóa lỏng (LPG) ước đạt 510,5 nghìn tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Giá dầu thô trên thị trường thế giới trong thời gian qua biến động liên tục, quý Igiá dầu thô liên tục tăng và giữ ở mức cao. Đến quý II, giá dầu thô có xu hướng giảm sâu do ảnh hưởng từ việc tăng trưởng yếu kém của Mỹ và Trung Quốc (là những nước sử dụng dầu thô hàng đầu thế giới) cũng như đà phục hồi kinh tế chậm chạp của một số nước châu Âu dẫn đến nhu cầu dầu thô sụt giảm.
- Ngành than
Trong 10 tháng đầu năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưngtình hình sản xuất của ngành than về cơ bản là ổn định, các công ty than đều khai thác theo kế hoạch cũng như tiếp tục triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí đã đề ra từ đầu năm.
Tính chung 10 tháng đầu năm, than sạch khai thác đạt 35 triệu tấn, bằng 94,3% so với cùng kỳ.
Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, sản xuất công nghiệp trong nước gặp khó khăn, tiêu thụ than của các hộ mua than lớn của Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam thấp hơn so với khối lượng hai bên đã ký hợp đồng.
- Ngành thép:
Sản xuất thép tròn các loại 10 tháng ước đạt 2,67 triệu tấn, giảm 9,8% so với cùng kỳ.
Sự suy giảm của kinh tế thế giới tiếp tục tác động xấu tới thị trường thép. Giá thép và các loại nguyên liệu luyện kim liên quan liên tục đi xuống kể từ quý II năm 2012 cho tới nay do nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu giảm sút. Tính chung 10 tháng đầu năm 2012 giá bình quân của hầu hết các mặt hàng trên thị trường thép thế giới đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giá thép xây dựng giảm 9,4%, giá thép dài các loại tại khu vực Đông Nam á giảm 10,3% so với cùng kỳ.
Trong tình hình khó khăn chung, thị trường thép nội địa liên tục bị thu hẹp do suy giảm cả về nhu cầu lẫn giá cả. Tiêu thụ thép của các doanh nghiệp trong ngành đang gặp rất nhiều khó khăn, quý III năm 2012 tình hình tiêu thụ của toàn ngành thép đạt thấp, trong đó khó khăn nhất là khu vực sản xuất kinh doanh thép xây dựng. Hiện nay, đã bước vào mùa xây dựng nhưng tình hình thị trường cũng không mấy khả quan do thị trường bất động sản vẫn đóng băng khiến cho thép không tiêu thụ được. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi thép nhập khẩu (đặc biệt là thép Trung Quốc) đang nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều. Thép cuộn Trung Quốc hiện được các doanh nghiệp nhập về dưới dạng thép hợp kim có thuế nhập khẩu 0% tạo thêm nhiều áp lực cho ngành thép nội địa.
Tính đến thời điểm 01 tháng 10 năm 2012 chỉ số tồn kho của sản xuất sắt, thép và gang tăng 38,8% so với cùng kỳ.
Để đẩy mạnh tiêu thụ, các doanh nghiệp thép phải cạnh tranh bằng giá bán thông qua việc đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng như tăng chiết khấu công trình, hỗ trợ vận chuyển, giảm giá theo lô…Do vậy giá bán thép tại nguồn thời gian qua đã tiệm cận với giá thành sản xuất nhưng sức mua vẫn ở mức rất thấp. Nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng với công suất từ 30-45%.
- Ngành phân bón, hóa chất
Sản xuất phân bón và hoá chất trong 10 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng mạnh. So với cùng kỳ năm 2011, 10 tháng đầu năm 2012 giá của nhiều mặt hàng có sự biến động như giá kali tăng 17%, giá đạm clorua amol tăng 40%, muối công nghiệp tăng 21%, Las tăng 8%, giá điện tăng 10%. Bên cạnh đó, giá than cho sản xuất phân bón tăng từ ngày 01 tháng 4 năm 2012, trong đó than cục cho sản xuất phân lân nung chảy và than cám tăng 10%, than cục cho sản xuất phân đạm tăng 4,62% và 3,63% (tùy loại) so với giá trước đó... đã ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ của ngành.
10 tháng đầu năm 2012, sản xuất phân hóa học đạt 1,83 triệu tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ; phân NPK ước đạt 2,34 triệu tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ;
Hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón vẫn đang trong giai đoạn thấp nên khối lượng giao dịch không nhiều. Trước đây, thường giá dầu trên thị trường thế giới tăng thì giá phân urê sẽ tăng theo, nhưng nay giá dầu tăng song giá phân bón thế giới không tăng mà còn giảm. Giá phân urê trong nước giảm nhẹ trong thời gian qua nguyên nhân đầu tháng 7, thế giới vào mùa thấp điểm về nhu cầu phân bón, Trung Quốc xuất khẩu trở lại và bắt đầu từ tháng 9, nhiều nhà máy mới tại Algeria và Quatar đưa sản phẩm ra thị trường làm giá urê giảm mạnh, lượng urê của các nhà máy trong nước sản xuất ổn định và cao hơn nhu cầu. Lượng phân urê Trung Quốc nhập tiểu ngạch khá nhiều, góp phần kéo giảm giá phân bón trong nước.
Dự báo từ nay đến cuối năm, giá urê trong nướctiếp tụcổnđịnh do hai vụ chính trong nămđã qua, trong khi nguồn cung dồi dàonhờ hai nhà máy đạm Ninh Bình và Cà Mau đưa hàng ra thị trường, hai nhà máy Đạm Phú Mỹ và đạm Hà Bắc duy trì công suất 100%.
- Ngành cơ khí, điện, điện tử:
10 tháng đầu năm tình hình kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục gặp khó khăn mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012) của các doanh nghiệp nhưng với chính sách cắt giảm đầu tư, hạn chế đầu tư công và việc tiếp cận vốn vay khó khăn dẫn đến ngành công nghiệp cơ khí, điện, điện tử bị giảm đáng kể về sản lượng.
Sản xuất xe máy giảm 4,8%, ô tô giảm 13,6% so với cùng kỳ (trong đó: xe chở khách giảm 16,8%, xe tải giảm 7,2%), do không tiêu thụ được nên chỉ số tồn kho tính đến 01/10/2012 của sản phẩm mô tô, xe máy tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2011.
- Ngành sản xuất xi măng:
Tính chung 10 tháng đầu năm 2012, sản lượng xi măng sản xuất đạt 46,5 triệu tấn, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2011.
Tính đến thời điểm 01 tháng 10 năm 2012 chỉ số tồn kho của sản xuất xi măng tăng 53,1%% so với cùng kỳ, trong khi đó, chỉ số tiêu thụ giảm 19,4% so với cùng kỳ. Do vậy, để kích cầu tiêu dùng xi măng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thiện Đề án tăng cường sử dụng xi măng cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
- Ngành Dệt may.
10 tháng đầu năm 2012, mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn, đơn hàng không ổn định nhưng ngành dệt may vẫn có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, những tháng đầu năm nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, với nỗ lực của ngành, việc tìm kiếm đơn hàng để ổn định sản xuất đang dần được cải thiện vào những tháng cuối năm.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2012, sản phẩm vải dệt từ sợi bông tăng 8,3%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo giame 12,5%; quần áo mặc thường cho người lớn tăng 6,5%; giày thể thao tăng 1,1%.
Hiện nay các doanh nghiệp ngành dệt may đang phải đối diện với một số khó khăn, đó là:
- Từ nay đến cuối năm, kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, một số doanh nghiệp nhỏ vẫn thiếu đơn hàng, việc làm cho người lao động.
- Thiếu vốn trung và hài hạn để phục vụ sản xuất,nếu không đầu tư để giải quyết những điểm yếu của ngành về nguyên liệu, phụ liệu, cũng như đầu tư chiều sâu của doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động, năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu thì về lâu dài sẽ bị giảm sức cạnh tranh.
- Chính sách ân hạn thuế 275 ngày đối với nguyên liệu nhập khẩu có thể bị thay đổi sẽ làm cho việc duy trì sản xuất càng trở nên khó khăn hơn.
- Sự chuyển hướng kinh doanh hàng may mặc của Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam do chi phí lao động Trung Quốc hiện vượt xa các quốc gia lân cận.
Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang kiến nghị Chính phủ cho ngành dệt may được miễn giảm hẳn thuế giá trị gia tăng trong vòng từ 3 - 6 tháng, đồng thời, tăng tỷ lệ được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu từ 10% hiện tại lên 15% nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm cả xuất khẩu lẫn nội địa.
3.Về các giải pháp, kiến nghị:
- Tiếp tục triển khai một cách quyết liệt hơn các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/ NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Bộ Công Thương đã có công văn số 7557/BCT-KH ngày 17/8/2012 gửi Văn phòng Chính phủ về báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, theo đó, đã đề xuất những cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang xin ý kiến các Bộ, ngành về vấn đề này.
- Về kiểm soát thị trường:
Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường,...Tăng cường quản lý thị trường xăng dầu, lương thực, thực phẩm,... Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng để giảm lượng hàng hóa tồn kho.
Kiểm soát nhập khẩu thép Trung Quốc có hàm lượng nguyên tố Bo
- Về thị trường xuất khẩu:
Chỉ đạo điều hành xuất khẩu đảm bảo hiệu quả, gắn với ổn định giá cả trong nước. Tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp tục giữ mức thuế cao đối với việc xuất khẩu khoáng sản thô chưa qua chế biến (bao gồm cả tinh quặng) để tăng thu ngân sách và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn chế biến sâu khoáng sản.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư cho phép giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10% nhằm giảm tồn kho mặt hàng than.
- Đề nghị Bộ Giao Thông vận tải sớm hoàn thiện Đề án tăng cường sử dụng xi măng cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để kích cầu tiêu dùng xi măng trong nước, giảm tỷ lệ tồn kho cao hiện nay của sản phẩm xi măng.
- Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ có sản phẩm đầu ra có chất lượng và giá trị gia tăng cao để tạo đà phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại.
- Đề nghị xây dựng cơ chế hợp tác nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ sản phẩm của nhau, nhằm hợp tác sản xuất kinh doanh cùng có lợi, giảm kim ngạch nhập khẩu mặt hàng trong nước đã sản xuất được./.
File đính kèm: BC KTCongnghiep T10.12.pdf
Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư