Báo cáo của Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 22 tháng 11 năm 2012.
1. Tình hình chung
Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6% (ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 4,0%; công nghiệp chế biến tăng 3,9%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 12,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải tăng 8,1%).
Một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao như: khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 11,0%; chế biến, bảo quản thuỷ sản và sản phẩm từ thuỷ sản tăng 8,5%; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa tăng 11,2%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tăng 10,3%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 8,7%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 10,2%; Sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 9,3%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 18,3%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 50,4%; sản xuất pin và ắc quy tăng 17,9%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe tăng 37,0%; đóng tàu và cấu kiện nổi tăng hơn 2,4 lần; sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 12,4%... Ngược lại, khai thác và thu gom than cứng giảm 9,3%; sản xuất thuốc lá giảm 0,2%; sản xuất vải dệt thoi giảm 2,3%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) giảm 8,3%; sản xuất giày, dép giảm 0,6%; sản xuất giấy nhăn, bì nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 9,7%; sản xuất xi măng, thạch cao giảm 6,2%; sản xuất điện tử dân dụng giảm 7,5%; sản xuất dây cáp, dây điện và điện tử khác giảm 3,5%; sản xuất xe có động cơ giảm 14,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 16,4%...
2. Tình hình tồn kho của một số ngành
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 01 tháng 11, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,4% so với tháng trước và tăng 20,9% so với cùng kỳ. Tuy tồn kho cao hơn tháng trước và cao hơn cùng kỳ nhưng tập trung chủ yếu ở một số ngành hàng phục vụ tiêu dùng dân cư chuẩn bị đón tết như: sản xuất bia tăng 29,3% so với tháng trước và tăng 57,6% so với cùng kỳ; sản xuất thuốc lá tăng 5,0% và tăng 45,0%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 11,7% và tăng 48,5%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 8,5% và tăng 21,7%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng gấp hơn 4 lần và tăng gấp hơn 5 lần; sản xuất pin và ắc quy tăng 16,1% và tăng 39,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 4,4% và tăng 35,7%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 38,0% và tăng 95,0%... Tuy nhiên, một số ngành tồn kho giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ như: sản xuất đường giảm 36,2% và giảm 48,2%; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 27,7% và giảm 27,1%;...
3. Tình hình xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2012
a. Tình hình xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2012 đạt 104.002 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không kể dầu thô đạt 57.848 tr USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ như sau: dầu thô đạt 8,79 triệu tấn, tăng 14,4%; hàng dệt may đạt 13,78 tỷ USD, tăng 8,2%; hàng dày dép đạt 6,46 tỷ USD, tăng 11%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 6,9 tỷ USD, tăng 67,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 5 tỷ USD, tăng 29,8%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 11,4 tỷ USD, tăng gấp 2 lần; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,1 tỷ USD, tăng 31,1%; hóa chất đạt 390 triệu USD, tăng 17,1%; sản phẩm nhựa đạt 1,4 tỷ USD, tăng 18%; cao su đạt 910 nghìn tấn, tăng 29,1%; so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ như: xăng dầu các loại đạt 1,75 triệu tấn, giảm 14,4%; than đá đạt 13,25 triệu tấn, giảm 16,1%; sắt thép đạt 1,66 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ.
b. Tình hình nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu 11 tháng năm 2012 đạt 103.988 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 54.962 triệu USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ như: xăng dầu các loại đạt 8,6 triệu tấn, giảm 14%; khí đốt hóa lỏng đạt 597 nghìn tấn, giảm 16%; phân bón các loại đạt 3,52 triệu tấn, giảm 10,7% (trong đó phân ure đạt 480 nghìn tấn, giảm 55,1%); ô tô nguyên chiếc đạt 23.817 chiếc, giảm 53,3%; linh kiện phụ tùng ô tô giảm 29,4%; xe máy nguyên chiếc giảm 45,2% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng như xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, phân bón (đặc biệt là phân ure) có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ là do sản xuất trong nước đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ.
Một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng so với cùng kỳ như: nguyên phụ liệu dược phẩm đạt 244 triệu USD, tăng 55,4%; giấy các loại đạt 1,1 triệu tấn, tăng 15,9%; bông các loại đạt 386 nghìn tấn, tăng 27,4%; nguyên phụ liệu dệt may da đạt 2,89 tỷ USD, tăng 5,5%; sắt thép các loại đạt 6,95 triệu tấn, tăng 3,3%; máy tính và linh kiện điện tử đạt 12 tỷ USD, tăng 74,4%;
4. Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ
4.1 Về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012:
Theo Báo cáo số 95/BC-BCT ngày 26/10/2012 của Bộ Công Thương về báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 10 năm 2012 thì với vai trò là Bộ quản lý ngành, Bộ Công Thương đã có thực hiện một số nội dung công việc như sau:
a. Về khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu
- Đã hoàn thành dự thảo Thông tư về các cơ chế chính sách kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu, hiện đang xin ý kiến các đơn vị liên quan.
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã chỉ định 05 đơn vị thực hiện công tác kiểm tra nhà nước đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và tiến hành giám sát chất lượng hàng hóa.
- Đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phía Hoa Kỳ ban hành quyết định cuối cùng của vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép hàn cacbon xuất khẩu của Việt Nam.
b. Về đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước
- Thực hiện Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020” trong đó giao cho 12 tỉnh (Lào Cai, Sơn La, An Giang, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp) xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp, đến nay đã có 10/12 tỉnh đã hoàn thành và tiến hành tổng kết.
- Đang tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại toàn quốc giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030.
- Tiếp tục hoàn thiện đề cương Đề án “Đổi mới phương thức tổ chức kinh doanh nông sản nhằm mục đích phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững”, đồng thời tiếp tục chuẩn bị và thu thập tài liệu liên quan nhằm triển khai Đề án một cách hiệu quả.
- Để góp phần giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp Bộ đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công Lễ ký kết thoả thuận hợp tác sử dụng sản phẩm của nhau giữa các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp trực thuộc Bộ vào ngày 09 tháng 10 năm 2012.
- Ban hành Chỉ thị số 16/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Báo cáo Văn phòng Chính phủ về tình hình thị trường, giá cả, cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu 9 tháng đầu năm 2012. Dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về hướng dẫn cơ chế thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường tại các địa phương gửi Bộ Tài chính xin ý kiến. Trước tình hình giá xăng dầu thế giới vẫn có xu hướng tăng cao, sau khi xem xét giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Bộ Tài chính đồng ý chủ trương vẫn tiếp tục cho sử dụng Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít đối với xăng, dầu.
- Chủ trì phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển sinh học bền vững ở Việt Nam” nhằm quảng bá khuyến khích dư luận trong việc tiêu thụ nhiên liệu sinh học tại Việt Nam. Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn tất Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định ban hành lộ trình nhằm bắt buộc phối trọn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.
c. Về công tác tăng cường bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên
Để đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất và phục vụ phát điện năm 2012, Cục Điều tiết điện lực đã tổ chức kiểm tra tình hình khai thác, vận hành các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam vận hành các nhà máy thủy điện đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho hạ du của các hồ chứa; các nhà máy thủy điện phối hợp với UBND các tỉnh lập và thực hiện kế hoạch điều tiết nước hồ chứa thủy điện.
4.2. Về thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012
Bộ Công Thương đã có báo cáo số 7557/BCT-KH gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các đề xuất của doanh nghiệp và các Hiệp hội, ngành hàng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Những vấn đề này chủ yếu liên quan đến cơ chế, chính sách vốn và hỗ trợ phát triển của một số ngành;
Đến nay, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7039/VPCP-KTTH ngày 10 tháng 9 năm 2012 về việc xử lý các kiến nghị của Bộ Công Thương về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, giao các Bộ căn cứ vào chức năng nhiệm vụ xử lý theo thẩm quyền đối với các kiến nghị của Bộ Công Thương (tại văn bản số 7557/BCT-KH).
5.Về các giải pháp, kiến nghị:
- Về kiểm soát thị trường:
Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường,...Tăng cường quản lý thị trường xăng dầu, lương thực, thực phẩm,... Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng để giảm lượng hàng hóa tồn kho.
- Về thị trường xuất khẩu:
Tiếp tục giữ mức thuế cao đối với việc xuất khẩu khoáng sản thô chưa qua chế biến (bao gồm cả tinh quặng) để tăng thu ngân sách và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn chế biến sâu khoáng sản.
- Đề nghị Bộ Giao Thông vận tải sớm hoàn thiện Đề án tăng cường sử dụng xi măng cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để kích cầu tiêu dùng xi măng trong nước, giảm tỷ lệ tồn kho cao hiện nay của sản phẩm xi măng.
- Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ có sản phẩm đầu ra có chất lượng và giá trị gia tăng cao để tạo đà phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại./.
Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư