Theo tài liệu số 8681/BC-BKHĐT ngày 26 tháng 10 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tài liệu phục vụ họp báo của Chính phủ ngày 28/10/2012)
1. Về thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô
- Về giá cả và lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,85% so với tháng trước[1]; trong đó: nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,94% (riêng dịch vụ y tế tăng 7,78%); giáo dục tăng 1,88%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,09%. Các nhóm hàng khác đều có mức tăng CPI dưới 1%. Riêng bưu chính viễn thông giảm 0,02%.
CPI tháng 10tăng 6,02%so với tháng 12/2011 và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước[2]. Bình quân 10 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,66% so với cùng kỳ năm 2011.
-Về thu chi NSNN: Lũy kế đến 15/10/2012, tổng thu NSNN ước đạt gần 523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 70,7% dự toán;tổng chi NSNN ước đạt gần 678,6 nghìn tỷ đồng, bằng 75,1% dự toán.
-Về xuất, nhập khẩu: Trong tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng 9; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng trên 11,7%; nhập siêu 500 triệu USD.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 93,45 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 93,8 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu 10 tháng đầu năm khoảng 357 triệu USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Vốn đầu tư phát triển từ NSNN lũy kế từ đầu năm đến 15/10/2012 ước đạt 134,39 nghìn tỷ đồng, bằng 74,7% kế hoạch năm.Trong 10 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 9 tỷ USD, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2011; vốn ODA giải ngân ước đạt 3.220triệu USD, bằng 102,5% kế hoạch; trong đó, vốn vay ước đạt 3.017 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại ước đạt203triệu USD.
2. Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
- Sản xuất công nghiệp: So với tháng trước, sản xuất công nghiệp đã có chuyển biến, nhưng tính chung 10 tháng đầu năm vẫn còn nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2011; lũy kế 10 tháng đầu năm tăng 4,5%, chỉ bằng 64,3% mức tăng cùng kỳ năm trước (7%), trong đó:công nghiệp khai khoáng tăng 3,9%; công nghiệp chế biến, chế tạotăng3,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,8%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,7%.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định, đạt kết quả tốt: Tính đến ngày 15/10/2012, các tỉnh miền Bắc đã thu hoạch 699,1 nghìn halúa mùa, tăng 60,9% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa mùa miền Bắc ước tăng khoảng 0,2-0,4 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Cả nước thu hoạch được 2.212,6 nghìn ha lúa hè thu và thu đông, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong lúa hè thu, đạt 1.655 nghìn ha, năng suất đạt 52,8 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.
- Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá: Trong 10 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 1.917,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2011; khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 5,34 triệu lượt khách, tăng 11,2%. Các lĩnh vực dịch vụ khác phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
3. Về an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác
- Về lao động, việc làm: Trong 10 tháng đầu năm 2012, cả nước ước tạo việc làm khoảng 1.195 nghìn lao động, đạt trên 78,7% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 64,8 nghìn người, đạt 72% kế hoạch năm.
- Về trật tự an toàn giao thông: Trong 10 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 8.589 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.683 người và làm bị thương 6.174 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 22,1%, số người chết giảm 17% và số người bị thương giảm 26,5%.
- Công tác bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục được quan tâm: Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai tích cực và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, như: triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão, lũ, hạn hán, khẩn trương phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; hỗ trợ cứu đói và trợ cấp xã hội; đào tạo, dạy nghề và giới thiệu việc làm; triển khai chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm bắt buộc cho người lao động... Mạng lưới khám chữa bệnh các tuyến tiếp tục được tập trung đầu tư; chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh được cải thiện đáng kể. Nguồn thu viện phí đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm kinh phí hoạt động của các bệnh viện, tạo điều kiện để Nhà nước có nguồn kinh phí mua và hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng chính sách xã hội.
Đánh giá chung, tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra và cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu, tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, đạt kết quả tốt. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi; chỉ số tồn kho giảm dần; khó khăn trong sản xuất, kinh doanh từng bước được tháo gỡ; số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động có xu hướng giảm. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN và trái phiếu Chính phủ được đẩy nhanh; vốn ODA giải ngân tăng cao hơn so với cùng kỳ. Công tác quản lý thu - chi NSNN được tăng cường, bảo đảm các khoản chi theo kế hạch và các khoản chi phát sinh. An sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm; tai nạn giao thông giảm mạnh. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định; còn tiềm ẩn lạm phát cao trở lại. Tăng trưởng kinh tế chậm hơn mục tiêu đề ra. Nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất giảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn lớn, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động cũng như tăng trưởng kinh tế; sản xuất công nghiệp tăng chậm; tồn kho giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là người lao động mất việc làm, người dân tộc thiểu số vẫn gặp nhiều khó khăn; nạn chặt phá rừng và các tệ nạn xã hội, tội phạm còn diễn biến phức tạp./.
[1] CPI so với tháng trước từ tháng 01-9/2012 lần lượt: 1%; 1,37%; 0,1%; 0,05%; 0,18%; -0,26%; -0,29%; 0,63% và 2,2%.
[2] Tháng 10 so với tháng cùng kỳ năm trước các năm 2010, 2011 lần lượt là: 9,66% và 21,59%.
File đính kèm: BCChinhphu T10.12.doc
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư