Báo cáo Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 01 tháng 10 năm 2012.
1. Tình hình chung:
Tính chung 9 tháng đầu năm 2012, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,8% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng tuy thấp so với cùng kỳ (năm 2011 so với năm 2010 tăng 7,8%) nhưng đã có sự chuyển biến theo chiều hướng cải thiện dần qua từng tháng (so với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP 3 tháng đầu năm 2012 tăng 4,1%; 6 tháng tăng 4,5%, 9 tháng tăng 4,8%). Kết quả này cho thấy cácbiện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như: giảm thuế (giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; miễn thuế môn bài đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối); giảm tiền thuê đất và hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực,... đã bắt đầu có tác dụng.
9 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành như sau: công nghiệp khai khoáng tăng 4% (tăng chủ yếu là do ngành khai thác dầu thô tăng 13,4%, trong khi khai thác than và thu gom than cứng giảm 6%; ngành khai thác đá, cát, sỏi, đất sét và cao lanh giảm 21,8%); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 12,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2011 như: khai thác dầu thô tăng 13,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 8,7%; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 15,4%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 11,1%; sản xuất bia tăng 10,5%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 11,3%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15,4%, sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 8,7%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 22,3%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 57,3%;...
Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất xi măng giảm 7,2%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao giảm 12,4%; sản xuất xe có động cơ giảm 14,3%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 14,6%; sản xuất hàng may sẵn giảm 13,1%;…
2. Tình hình sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng đầu năm 2012:
- Một số sản phẩm có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2011 như sau:
Sản lượng Dầu mỏ thô khai thác ước đạt 12,4 triệu tấn, tăng 13,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 6,9 tỷ m3,tăng 6,6%; khí hóa lỏng đạt 452,5 nghìn tấn, tăng 12,7%; thủy hải sản chế biến đạt 1,4 triệu tấn tăng 10,5%; sữa bột đạt 57,5 nghìn tấn tăng 17,7%; vải dệt từ sợi bông tăng 6,7%; giày, dép, ủng bằng da giả cho người lớn đạt 41,6 triệu đôi, tăng 17,9%; phân hóa học đạt 1,67 triệu tấn tăng 5,3%; máy giặt tăng 31,1%; điện sản xuất đạt 85,4 tỷ KWh tăng 13,7%; nước máy thương phẩm tăng 8,3%; bia các loại tăng 6,3%; phân hỗn hợp NPK đạt 2,1 triệu tấn tăng 1,2%.
- Một số sản phẩm có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2011 như sau:
Sản lượng than sạch ước đạt 31,1 triệu tấn, giảm 5,9%; giấy, bìa các loại giảm 2,3%; lốp ô tô, máy kéo giảm 14,7%; kính thủy tinh giảm 16,3%; sản xuất ô tô ước đạt 50,8 nghìn chiếc, giảm 11,6% (trong đó: xe chở khách giảm 14,4%; xe máy giảm 5%; xe tải giảm 5,9%).
3. Tình hình tiêu thụ và tồn kho một số ngành công nghiệp:
a. Tình hình tiêu thụ một số ngành công nghiệp
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tính đến ngày 01/9/2012) tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó:
- Một số ngành công nghiệp có mức tiêu thụ tăng so với cùng kỳ như sau: chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 34,5%; sản xuất đường tăng 42,8%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 15%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 9,2%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 3,1%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 58,5%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 6,2%; may trang phục tăng 14,5%;…
- Một số ngành công nghiệp có mức tiêu thụ giảm so với cùng kỳ năm 2011 như sau: chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa giảm 6,2%;sản xuất hàng may sẵn giảm 6,1; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 9,1%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 1,6%; sản xuất xi măng giảm 19,3%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 9,7%; sản xuất dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác giảm 57,2%; …
b. Tình hình tồn kho của một số ngành công nghiệp
- Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 01/9/2012, Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2011, chỉ số tồn kho vẫn ở mức cao, cụ thể như sau: ngành sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 30,9%; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 25,7%; sản xuất xi măng tăng 50,2%; sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 50,6%; sản xuất bia tăng 15,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 26,6%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 40,6%. Như vậy, dù chỉ số tiêu thụ của một số ngành công nghiệp có tăng hơn so với cùng kỳ nhưng do năng lực sản xuất trong nước lớn hơn nhu cầu thực rất nhiều, điều này dẫn đến chỉ số tồn kho vẫn ở mức cao hơn so với cùng kỳ.
4. Xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2012:
a. Tình hình xuất khẩu
Ước tính 9 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 83,78 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 46,1 tỷ USD, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 9 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 7,1 triệu tấn, tăng 14,3% về lượng; than đá ước đạt 10,67 triệu tấn, giảm 16,5% về lượng; hàng dệt may đạt gần 11,2 tỷ USD, tăng 8,4%; hàng giày dépđạt 5,2 tỷ USD, tăng 12,9%; gỗ và sản phẩm gỗ hơn 3,4 tỷ USD, tăng 19,7%; điện thoại các loại và linh kiện gần 8,5 tỷ USD, tăng 120,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,3 tỷ USD, tăng 77,4%; cao su tăng 37,5% về lượng; sản phẩm nhựa tăng 18,8% về kim ngạch;...
b. Tình hình nhập khẩu
Ước kim ngạch nhập khẩu 9 tháng năm 2012 đạt 83,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2011 (kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước đạt 43,8 tỷ USD).
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 9 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu đạt 7,2 triệu tấn, giảm 13,9% về lượng; sắt thép các loại đạt 5,6 triệu tấn, tăng 3,71% về lượng; phân bón các loại đạt 2,6 triệu tấn, giảm 13,6% về lượng; giấy các loại đạt 876 nghìn tấn, tăng 14,1% về lượng; máy móc thiết bị, phụ tùng đạt hơn 12 tỷ USD, tăng 4,8%; máy tính và linh kiện đạt 9,2 tỷ USD, tăng 80,9%; nguyên phụ liệu dệt may đạt 2,2 tỷ USD, tăng 3%;...
5. Về các giải pháp, kiến nghị:
- Tiếp tục triển khai một cách quyết liệt hơn các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/ NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Bộ Công Thương đã có công văn số 7557/BCT-KH ngày 17/8/2012 gửi Văn phòng Chính phủ về báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, theo đó, đã đề xuất những cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang xin ý kiến các Bộ, ngành về vấn đề này.
- Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước:
Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các Tập đoàn/Tổng công ty khối sản xuất kinh doanh đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu, theo đó, cơ cấu lại ngành, nghề kinh doanh tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính và nhiệm vụ được giao; chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2015 có tính đến năm 2020; xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; kế hoạch đầu tư phát triển; tái cơ cấu các đơn vị thành viên và nguồn nhân lực; kế hoạch thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính theo các hình thức bán vốn, chuyển vốn, chuyển giao doanh nghiệp.
Sau khi được phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, đề nghị các Tập đoàn/Tổng công ty đẩy mạnh việc triển khai theo phương án đã xây dựng, cân đối nguồn vốn đầu tư phù hợp với Kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm, giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Về chính sách vĩ mô:
Tiếp tục theo dõi và dự báo kịp thời diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước; Kiên trì nhất quán trong điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu của thị trường trên cơ sở mối quan hệ với lãi suất giữa tiền Việt Nam và ngoại tệ, chỉ số giá tiêu dùng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cần thiết cho các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị và vật tư sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội đối với người thu nhập thấp.
- Về đầu tư:
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc cắt, giảm và điều chuyển vốn đầu tư sử dụng nguồn NSNN, Trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, vốn vay nước ngoài do nhà nước bảo lãnh, kiên quyết cắt giảm nguồn vốn đầu tư vào những dự án không hiệu quả, chưa thực sự cần thiết, chậm tiến độ, kéo dài; ưu tiên và tập trung vốn cho các công trình cấp thiết và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2012 và năm 2013.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và địa phương thực hiện rà soát lại các dự án đầu tư đã được cấp phép nhưng không triển khai hoặc triển khai quá chậm so với tiến độ đăng ký trong giấy phép đầu tư để có biện pháp thúc đẩy tiến độ/ hoặc thu hồi giấy phép đầu tư dành quỹ đất cho dự án khác có tính khả thi cao hơn nhưng chưa có mặt bằng. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để hoàn thành các dự án trọng điểm nhà nước, áp dụng linh hoạt các phương án quản lý để tập trung các nguồn vốn nhàn rỗi trong doanh nghiệp phục vụ công tác đầu tư.
Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư và mang ngoại tệ ra nước ngoài nhằm cải thiện cán cân thanh toán, chủ động điều hành tỷ giá và thị trường.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngành công nghiệp như: ngành điện; ngành chế biến dầu khí, chế biến sâu khoáng sản,…Các doanh nghiệp sản xuất cần tập trung cân đối nguồn vốn đầu tư, thu xếp các nguồn vốn cho phù hợp với tiến độ thực hiện dự án.
- Về kiểm soát thị trường:
Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường,...Tăng cường quản lý thị trường xăng dầu, lương thực, thực phẩm,... Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng để giảm lượng hàng hóa tồn kho.
- Về thị trường xuất khẩu:
Chỉ đạo điều hành xuất khẩu đảm bảo hiệu quả, gắn với ổn định giá cả trong nước. Tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp tục giữ mức thuế cao đối với việc xuất khẩu khoáng sản thô chưa qua chế biến (bao gồm cả tinh quặng) để tăng thu ngân sách và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn chế biến sâu khoáng sản.
Chủ động rà soát những mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu do việc cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO và AFTA mà trong nước có khả năng sản xuất để có biện pháp hạn chế nhập khẩu, khuyến khích sản xuất trong nước.
- Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ có sản phẩm đầu ra có chất lượng và giá trị gia tăng cao để tạo đà phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại./.
File đính kèm: BCCongnghiepT9.12.docx
Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư