Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/05/2013-08:00:00 AM
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các ngành thương mại – dịch vụ tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2013
Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 5 năm 2013.
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tình hình thế giới
Bước sang nửa cuối Quý II/2013, tình hình kinh tế thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi với tốc độ chậm và không đồng đều giữa các khu vực. Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới có những dấu hiệu tăng trưởng vững nhờ các chương trình kích thích kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp mới nhất được công bố vào tháng 4/2013 giảm còn 7,5% so với mức cao kỷ lục vào tháng 10/2009 là 10%. Kinh tế Nhật sau thời gian dài trì trệ cũng đã có những bước chuyển biến, đặc biệt là chính sách nới lỏng tiền tệ của Chính phủ vào đầu năm 2013 đã bất đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển lại đang đối mặt với tăng trưởng chậm, do nhu cầu sụt giảm từ các thị trường lớn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thị trường châu Âu khi các nước này vẫn đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công.
2. Tình hình trong nước và tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và số 02/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ
Trong 5 tháng đầu năm, tình hình kinh tế trong nước vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Tết Nguyên Đán là được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sức mua của người dân, do nguồn hàng dồi dào, nhiều ưu đãi khuyến mại, tuy nhiên dịp Tết năm nay, lượng hàng tiêu thụ không đạt như kỳ vọng. Các tháng sau Tết, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng giảm hoặc tăng thấp. Có thể nói, ngành thương mại đang gặp phải nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân mà đặc biệt là do sự suy giảm sức mua của người tiêu dùng, khiến lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp lớn, sản xuất thu hẹp hơn.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, các Bộ, ban ngành, tỉnh, thành phố đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với ngành thương mại, dịch vụ: các Bộ ngành đã thực hiện các chương trình đẩy mạnh phát triển thương mại như tham gia và tổ chức các hội chợ thương mại ở nước ngoài và trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ đối tác, khách hàng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường: nâng cao hiệu quả chương trình bình ổn giá, ngăn chặn và xử lý các trường hợp buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tập trung hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho: tiếp tục thực thiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt về nông thôn…
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2013
1. Phát triển các ngành dịch vụ
Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ trong quý I/2013 tăng trưởng khá ước đạt 5,65% so với cùng kỳ năm 2012 (5,31%), thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010 (6,64%) và 2011 (6,28%). Xu hướng này tiếp tục được duy trì trong 2 tháng tiếp theo của Quý II/2013.
Xuất khẩu dịch vụ 5 tháng đầu năm 2012 ước đạt khoảng 4 - 4,2 tỷ USD.
(Số liệu ước tính của Vụ Kinh tế dịch vụ)
1.2. Tình hình phát triển một số lĩnh vực dịch vụ.
a. Du lịch:
Trong tháng 5 năm 2013, tình hình bệnh cúm gà bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước đã gây tác động không nhỏ đến ngành du lịch. Mặc dù có những khó khăn nhất định, hoạt động du lịch đã sôi động ngay từ ngày đầu tháng do thời gian này bắt đầu mùa hè và thời điểm thuận lợi để đi du lịch.
Toàn ngành du lịch triển khai mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, thu hút khách trên cơ sở nâng cấp hoàn thiện, bổ sung các chương trình du lịch như: Lễ hội làng Sen năm 2013 tại Nghệ An, triển lãm ảnh với chủ đề “Vẻ đẹp của cuộc sống, con người và đất nước Việt Nam - Nhật Bản”, lễ hội đền Suối Mỡ tại Khu du lịch Suối Mỡ tỉnh Bắc Giang, Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng.
Với chương trình kích cầu du lịch năm 2013 do Bộ VHTTDL phát động, một số chính chính sách tích cực nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như: giá phòng khách sạn cao cấp tại các khu nghỉ dưỡng đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Một số chặng bay nội địa đã được các hãng hàng không Việt Nam áp dụng chương trình khuyến mại giảm giá vé…Những hoạt động này góp phần thu hút một lượng du khách lớn trong và ngoài nước đến tham quan.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 ước đạt 558.751 lượt khách, giảm 9% so với tháng trước, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng số khách du lịch quốc tế trong 5 tháng ước đạt trên 2,97 triệu lượt khách, giảm 1,4% so cùng kỳ năm ngoái. Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm chủ yếu từ một số thị trường như: Trung Quốc (tăng 15%), Hàn Quốc (tăng 2,5%), Nga (tăng 57,8%), Thái Lan (tăng 23,9%), Indonesia (tăng 21,2%), Niu-zi-lân (tăng 19,6%), Malaysia (tăng 9,4%), Úc (tăng 7,5%).
(Số liệu ước tính của Vụ Kinh tế dịch vụ)
Trong tháng 5 năm 2013 với dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài, góp phần làm sôi động thị trường Tour du lịch trong và ngoài nước. Trung bình giá Tour tăng từ 20 - 30% một phần do giá xăng dầu, phương tiện vận chuyển và một số dịch vụ liên quan tăng. Đối với các Tour du lịch đi Hạ Long, Sapa, Cửa Lò, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết,….số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đăng ký tăng gấp đôi ngày thường. Nhiều Tour chất lượng cao đi Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Malaysia cũng đã bị "cháy", vé máy bay đi các nước trên hầu như đã kín hết chỗ trong dịp này.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, do có đợt nghỉ kéo dài nên số lượng khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài và các địa danh du lịch nổi tiếng trong nước khá lớn, đặc biệt là ở hai Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Công tác tổ chức đón khách quốc tế cũng như việc đưa khách Việt Nam đi du lịch được thực hiện tốt với sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan nhà nước và nhân dân.
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng chủ yếu vẫn bằng đường hàng không, tăng 3% so với tháng trước, khách du lịch đi bằng đường bộ giảm 10%, khách du lịch đi bằng đường biển giảm 20%.
Xét theo phương tiện đi lại, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không, đường bộ. Xét theo mục đích chuyến đi của khách du lịch, khách du lịch theo mục đích nghỉ ngơi chiếm tỷ trọng cao, tiếp theo là khách du lịch theo công việc và khách đi du lịch thăm thân nhân.
Trong dịp này công suất sử dụng phòng đạt mức cao trên 70%, nhiều khách sạn cao cấp xếp hạng 4-5 sao tại các trung tâm du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang... đạt công suất 80-90%.
Dự kiến tình hình đến hết năm 2013
Đến hết năm 2013 phấn đấu đạt 41,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 6,8-7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7,7% so với năm 2012, khách du lịch nội địa đạt khoảng 34,5 triệu lượt, tăng 7,81% so với năm 2012; thu nhập của nhập du lịch đạt khoảng 170-175 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2012.
b. Dịch vụ viễn thông:
Số thuê bao điện thoải phát triển mới 03 tháng đầu năm ước tính đạt 2,8 triệu thuê bao, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: 7 nghìn thuê bao cố định, bằng 92,1% cùng kỳ và 2,7 triệu thuê bao di động, tăng 8%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 3 năm 2013 ước tính đạt 139,4 triệu thuê bao, tăng 3% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm: 15 triệu thuê bao cố định, giảm 1,5% và 124,4 triệu thuê bao di động, tăng 3,2%.
(Chưa có số liệu thống kê 5 tháng của ngành)
c. Dịch vụ vận tải:
Vận tải hành khách 5 tháng đầu năm nay ước tính đạt 1,149 triệu lượt khách, tăng 3,7% và 50,242 tỷ lượt khách.km, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 17,887 triệu lượt khách, tăng 1,3% và 13,476 tỷ lượt khách.km, tăng 2,2%; vận tải địa phương đạt 1131,178 triệu lượt khách, tăng 3,7% và 36,765 tỷ lượt khách.km, tăng 3,7%. Vận tải hành khách đường bộ 5 tháng ước tính đạt 1048,936 triệu lượt khách, tăng 3,9% và 35,614 tỷ lượt khách.km, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 85,925 triệu lượt khách, tăng 1,7% và 1,889 tỷ lượt khách.km, tăng 5,6%; đường hàng không đạt 6,79 triệu lượt khách, tăng 2,7% và 10,888 tỷ lượt khách.km, tăng 6%; đường biển đạt 2,61 triệu lượt khách, tăng 2,2% và 151 triệu lượt khách.km, tăng 2%; đường sắt đạt 4,8 triệu lượt khách, giảm 0,2% và 1,697 tỷ lượt khách.km, giảm 1,9%.
Vận tải hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính đạt 410,254 triệu tấn, tăng 1,5% và 79,122 tỷ tấn.km, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải trong nước đạt 396,56 triệu tấn, tăng 1,9% và 34,67 tỷ tấn.km, tăng 1,1%; vận tải ngoài nước đạt 13,694 triệu tấn, giảm 8,9% và 44,452 tỷ tấn.km, giảm 6,2%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 317,961 triệu tấn, tăng 3% và 22,449 tỷ tấn.km, tăng 1,2%; đường sông đạt 72,821 triệu tấn, giảm 1,6% và 5,945 tỷ tấn.km, giảm 2,4%; đường biển đạt 16,681 triệu tấn, giảm 9,7% và 48,961 tỷ tấn.km, giảm 5%; đường sắt đạt 2,711 triệu tấn, giảm 5,5% và 1,553 tỷ tấn.km, giảm 7%.
Dự kiến thực hiện kế hoạch năm 2013
Trong kế hoạch năm 2013, ngành vận tải phấu đấu thực hiện.
- Khối lượng vận chuyển hàng hoá: 999,6 triệu tấn, bằng 102% so với thực hiện năm 2012.
- Khối lượng luân chuyển hàng hoá: 209,5 tỷ tấn.km, bằng 103,2% so với thực hiện năm 2012.
- Khối lượng vận chuyển hành khách: 3052,8 triệu hành khách, bằng 106% so với thực hiện năm 2012.
- Khối lượng luân chuyển hành khách: 133,2 tỷ hành khách.km, bằng 107,4% so với thực hiện năm 2012.
- Doanh thu ngành vận tải đạt 160.230 tỷ đồng, tăng 2,7% so với ước thực hiện kế hoạch năm 2012.
2. Về xuất, nhập khẩu tháng 5 và 5 tháng năm 2013:
a. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 5 năm 2013 đạt 10,8 tỷ USD, tăng 7,6%so với tháng 4 năm 2013; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 6,5 tỷ USD.
5 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu ước đạt 49,9 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 25,8% và chiếm 59,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 32,7 tỷ USD, tăng 23,3%. Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 17,2 tỷ USD, tăng 2,1%.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 5 tháng năm 2013 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 3458 ngàn tấn, tăng 13,1% về lượng và tăng 2,6% về kim ngạch; than đá ước đạt 5876 ngàn tấn, giảm 4,2% về lượng và giảm 20,7% về kim ngạch; dệt may đạt 6,4 tỷ USD, tăng 16,7%; da giày đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11,4%; gỗ và sản phẩm gỗ 2 tỷ USD, tăng 12%; điện thoại các loại và linh kiện 7,7 tỷ USD, tăng 103,2%; linh kiện điện tử đạt 3,9 tỷ USD, tăng 41,6%; thuỷ sản 2,3 tỷ USD, giảm 2,5%; gạo 2969 ngàn tấn, tăng 0,5% về lượng và giảm 5,3% về kim ngạch; cà phê 698 ngàn tấn, giảm 23,1% về lượng và giảm 20,9% về kim ngạch; cao su 292 ngàn tấn, giảm 14,7% về lượng và giảm 26,7% về kim ngạch...
Về thị trường xuất khẩu 5 tháng năm 2013, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 13,9% và chiếm tỷ trọng 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 24,8% và chiếm tỷ trọng 18,6%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 17,3% và chiếm tỷ trọng 14,9%; xuất khẩu vào Nhật Bản và Trung Quốc xấp xỉ cùng kỳ năm 2012, chiếm tỷ trọng tương ứng là 10,5% và 9,8%.
b. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 năm 2013 ước đạt 12 tỷ USD, tăng 9,4%so với tháng 4 năm 2013, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 6,6 tỷ USD;
5 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 51,9 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 28,7 tỷ USD, tăng 25,4% và chiếm 55,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 23,2 tỷ USD, tăng 7,6%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 5 tháng năm 2013 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 3249 nghìn tấn, giảm 15,5% về lượng và giảm 21,4% về kim ngạch; sắt thép các loại 4108 nghìn tấn, tăng 30,1% về lượng và tăng 16,3% về kim ngạch; phân bón 1432 nghìn tấn, tăng 19,4% về lượng và tăng 10,2% về kim ngạch; giấy các loại 572 nghìn tấn, tăng 19,1% về lượng và tăng 159% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 1249 nghìn tấn, tăng 16,7% về lượng và tăng 16,1% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt 7 tỷ USD, tăng 8,5%; máy tính và linh kiện 7,1 tỷ USD, tăng 53,6%; vải đạt 3,3 tỷ USD, tăng 17,8%; nguyên phụ liệu dệt may 1481 triệu USD, tăng 18,7%...
5 tháng năm 2013, nhập khẩu từ Châu Á chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 28,7%, tỷ trọng ước đạt 26,5%), ASEAN (tăng 3%, tỷ trọng 17%), Hàn Quốc (tăng 37,8%, chiếm tỷ trọng 15,7%), Nhật Bản (tăng 3,1%, chiếm tỷ trọng 9%) và EU (tăng 34,8%, chiếm tỷ trọng 8,2%).
c. Một số nhận xét về tình hình xuất nhập khẩu 5 tháng:
- Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 25,7% so với cùng kỳ, trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm 8,5% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 9,3%.
- Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 4 năm liên tục (kể từ năm 2010) và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng năm 2013 của cả nước tăng 6,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng 6,1 tỷ USD (đóng góp hơn 93% kim ngạch tăng thêm); nếu tính cả dầu thô tăng 6,18 tỷ USD. Các mặt hàng chủ yếu của khối này là điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 97,5% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); hàng dệt may (chiếm 59%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 96%); giày dép các loại (chiếm 72%); phương tiện vận tải và phụ tùng (chiếm 91%).
- Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 5 tháng năm 2013 của khu vực FDI là 25,4% cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung (16,8%) của cả nước, do các mặt hàng chủ lực của khu vực này chủ yếu là gia công, lắp ráp, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhập khẩu của cả nước tăng gần 7,5 tỷ USD, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI tăng 5,8 tỷ USD.
- Hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước có dấu hiệu phục hồi (xuất khẩu tăng 2,1% và nhập khẩu tăng 7,6%).
- 5 tháng năm 2013, cả nước nhập siêu 1,9 tỷ USD, bằng 3,85% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu gần 1,1 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu gần 4,1 tỷ USD. Nếu xét theo thị trường, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn với các nước/khối nước như Trung Quốc (8,8 tỷ USD), Hàn Quốc (5,3 tỷ USD), Đài Loan (2,7 tỷ USD), ASEAN (1,4 tỷ USD).
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 5/2013 ước đạt khoảng 215.057 tỷ đồng, tăng 0,75% so với tháng 4/2013. Tính cả 5 tháng đầu năm 2013, tổng mức bán lẻ cả nước ước đạt 1.065.888 tỷ đồng, tăng 11,94% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính cả 5 tháng đầu năm 2013, trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 50,5%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 35,1% và 10%. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,3%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,1%. (Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê)
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng Cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI 4 tháng đầu năm 2013 tăng 2,41% so với tháng 12 năm 2012.
Một số yếu tố tác động tới CPI tháng 5 như: (1) nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm dồi dào (do thời tiết tốt); (2) một số các tỉnh, thành phố thực hiện điều chỉnh tăng lệ phí giáo dục và dịch vụ y tế; (3) nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng trong dịp nghỉ Lễ;(4) thực tế theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy CPI của 2 thành phố này (chiếm tỷ trọng lớn trong CPI cả nước) giảm lần lượt là 0,22% và 0,16% so với tháng trước. Do vậy, dự báo CPI tháng 5/2013 của cả nước tăng nhẹ khoảng 0,01 – 0,03%.
(Dự báo của Vụ Kinh tế dịch vụ)
3.3. Tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a. Lương thực
- Thế giới: Giá lúa gạo thế giới tháng 5 và 5 tháng 2013 tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào. Tại Thái Lan, giá 454 USD/tấn, giảm so với 555 USD/tấn so với tuần đầu tháng 5, nguyên nhân do đồng Baht tăng ở mức 29,68/USD, gạo Ấn Độ và Pakistan chào giá lần lượt 450-455 USD/tấn. Tấn Việt Nam ở mức 375 đến 380 USD/tấn, FOB so với 380-383 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 8/2010
- Trong nước:Hiện giá gạo tiếp tục ổn định, phổ biến ở mức:
Đơn vị: đồng/kg
Lúa tẻ thường
Gạo tẻ thường
Phía Bắc
7.000 - 7.500
12.000 - 14.000
Phía Nam
5.300 - 5.600
7.500 - 8.000
- Về xuất khẩu gạo: Theo Tổng Cục Hải quan, ước xuất khẩu gạo cả nước 5 tháng 2013 đạt 2,969 triệu tấn, giá trị khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ về lượng giảm 0,9% về giá trị.
- Về tồn kho gạo: Tính đến 20/5/2013 tồn kho gạo cả nước khoảng 1,95 triệu tấn, chưa kể gạo tồn trong dân.
- Dự báo: Giá lúa gạo thế giới và trong nước tiếp tục ổn định và giảm nhẹ.
b. Thực phẩm
- Giá các loại thực phẩm: Tháng 5/2013 giá thực phẩm tiếp tục ổn định, 5 tháng 2013 giá các loại thực phẩm không có hiện tượng tăng đột biến, do thực hiện tốt việc kiểm soát giá của các cơ quan chức năng và chương trình bình ổn giá được các cơ quan, doanh nghiệp tham gia tích cực và hiệu quả.
- Giá rau, củ, trái cây: Tháng 5/2013, do thời tiết nắng nóng trở lại nên sức mua các mặt hàng rau củ tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao hơn so với Hà Nội. Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng từ 5.000-10.000 đồng/mớ các loại rau xanh, cà rốt tăng 6.000 đồng, lên 24.000 đồng/kg, đặc biệt mặt hàng chanh tươi có nơi bán với giá lên đến 45.000-50.000 đồng/kg. Tại Hà Nội giá các loại rau củ quả ổn định, riêng dưa hấu, dưa lê và mướp đắng tại một số chợ đầu mối giảm từ 5.000-10.000đ/kg do nguồn cung lớn.
- Dự báo: Trong thời gian tới giá thực phẩm và các loại rau củ quả tiếp tục ổn định và giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào.
c. Xăng dầu
- Thế giới: 4 tháng đầu năm 2013 nền kinh tế các nước rơi vào tình trạng bất ổn, tình hình sản xuất tăng trưởng chậm chạp ở Mỹ và khu vực châu Âu đã ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu thế giới khiến cho giá dầu thô hợp đồng kỳ hạn có nhiều diễn biến không ổn định. Trong tháng 5/2013, các nước Ả rập Xê út và các nước ngoài OPEC đã tăng sản lượng sản xuất dầu thô lên khiến cho giá dầu thế giới có xu hướng giảm nhẹ. Theo EIA dự báo, giá dầu thô WTI trung bình năm nay vào khoảng 93,17 USD/thùng, thấp hơn 75 cent so với dự báo tháng 4. Giá dầu Brent sẽ là 105,89 USD/thùng cũng thấp hơn con số dự báo hồi tháng 4 là 107,96 USD/thùng.
Tính đến thời điểm hiện nay, giá dầu thô thế giới đã tăng khoảng 5,1% so với hồi đầu năm hiện đang giao dịch ở mức 96,2 USD/thùng. Thời điểm giá dầu thô xuống mức thấp nhất đạt 86,68 USD/thùng (ngày 18/4) và lên cao nhất ở mức 98,2 USD (ngày 30/1).
- Trong nước:Trong tháng 5/2013, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo về sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu trong đó nổi bật lên là đề xuất xóa bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, giữ ổn định các loại thuế xăng dầu và các doanh nghiệp được điều chỉnh giá bán lẻ theo giá thị trường. Tuy nhiên, hiện nay còn có nhiều ý kiến trái chiều về những đề xuất này.
Trong 5 tháng đầu năm, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng có những sự điều chỉnh (tăng 1 lần, giảm 1 lần) và hiện nay giá bán lẻ xăng dầu trong nước ở mức 24.050 đồng/lít đối với xăng A92 (tăng 900 đồng/lít so với hồi đầu năm), dầu Diesel là 21.450 đồng/lít (tăng 100 đồng/lít so với tháng 1) và dầu hỏa là 21.600 đồng/lít (bằng tháng 1/2013).
Ước lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 5/2013 đạt 800 nghìn tấn, tương đương 687 triệu USD, tăng 6,2% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2013 ước đạt 3.249 nghìn tấn, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2012. Lượng dầu thô xuất khẩu tháng 5 ước đạt 742 nghìn tấn, tương đương 620triệu USD, tăng 14,2% so với tháng trước. 5 tháng 2013 xuất khẩu dầu thô đạt 3.458 nghìn tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2012.
d. Thép xây dựng
Bước sang tháng 5,mặc dù đã bước vào mùa xây dựng, xu hướng giảm về cả sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến mạnh mẽ do tồn kho của các đơn vị thương mại vẫn chưa tiêu thụ hết. Giá cả các mặt hàng sắt thép có xu hướng ổn định.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 4/2013 đạt 947 nghìn tấn, ước tháng 5/2013 đạt 1.000 nghìn tấn, tăng 5,6% về lượng so với tháng 4/2013 và đạt trị giá 720 triệu USD; tính cả 5 tháng đầu năm ước đạt 4.108 nghìn tấn, tăng 30,1% về lượng so với cùng kỳ năm 2012.
e. Xi măng
Đối với mặt hàng xi măng, lượng tồn kho cuối tháng 4 là 0,69 triệu tấn thành phẩm và 2,12 triệu tấn clinker, ở mức tương đương so với cùng kỳ năm 2012. Lượng tồn kho không lớn so với ngành thép, do vậy bước vào mùa xây dựng, sản xuất và tiêu thụ xi măng trong tháng 5 tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước. Trong khi đó, giá bán tiếp tục được duy trì ổn định: tại các tỉnh miền Bắc, giá xi măng PCB 40 trong khoảng 1.200.000 - 1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam trong khoảng 1.60.000-1.800.000 đồng/tấn.
f. Phân bón
Thị trường phân bón trong nước nửa đầu tháng 5 vẫn diễn ra ổn định, không có biến động lớn. Nhu cầu phân bón tại các địa phương gia tăng do đang vào mùa vụ, trong khi nguồn cung trong nước không tăng mạnh do nhà máy đạm Ninh Bình vẫn tiếp tục sửa chữa, tuy nhiên giá phân bón trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng giảm nên giá phân bón trong nước vẫn ổn định, chỉ tăng nhẹ. Cụ thể, ngày 22/5/2013: tại Bạc Liêu, giá Ure Phú Mỹ là 10.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg), phân DAP Trung Quốc giá 14.000 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg); tại Bình Dương, giá giá Ure Phú Mỹ là 10.500 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg), phân DAP Trung Quốc giá 14.200 đồng/kg (tăng 700 đồng/kg).
Theo số liệu sơ bộ, trong tháng 5/2013, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 350 nghìn tấn với trị giá 142 triệu USD, tăng 5,4% so với tháng 4/2013. Tính cả 5 tháng đầu năm 2013, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 1.432 nghìn tấn với trị giá 583 triệu USD, tăng 19,3 % so với cùng kỳ năm 2012.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2013
1. Bối cảnh thực hiện kế hoạch 2013
Trong năm 2013, kinh tế thế giới vẫn bế tắc trong việc tìm ra lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng tăng trưởng toàn cầu. Các báo cáo mới nhất của IMF, WB tiếp tục hạ thấp dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, cũng như Việt Nam trong năm 2013. Một khi các nền kinh tế có kim ngạch thương mại cao với ta như EU, Nhật Bản, ASEAN... còn đứng trước nhiều khó khăn thì áp lựcđối với sản xuất trong nước cho xuất khẩu còn cao. Trong khi đó, thị trường trong nước vẫn chưa tạo được mức cầu cần thiết để thúc đẩy sản xuất, thương mại. Đối với đầu tư khu vực tư nhân và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp như hạ lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm) xuống 1% kể từ ngày 13/5/2013 nhằm khơi thông tăng trưởng tín dụng cho doanh nghiệp; đưa ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay mua bất động sản cho người thu nhập thấp; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống 20% nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các chính sách trên vẫn chưa tạo được những chuyển biến tích cực rõ nét trong tăng trưởng kinh tế. Do Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tài chính nên đầu tư công chưa thể là một trong những nhân tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế như những năm trước đây.
2. Giải pháp về phát triển ngành dịch vụ
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế trong 05 tháng đầu năm 2013, khả năng tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu như đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP gặp nhiều khó khăn. Trong những tháng tiếp theo, Chính phủ cần cân nhắc đến những giải pháp nhằm tăng sức mua của xã hội song song với việc đẩy nhanh hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất.
2.1 Các giải pháp phát triển du lịch trong năm 2013.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương, các Hiệp hội trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng giao thông vận tải, môi trường, văn hóa...
- Triển khai quyết liệt Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt; Triển khai Chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 201202015 đã được phê duyệt nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương, các vùng sớm điều chỉnh hoặc xây dựng quy hoạch các khu, điểm du lịch quốc gia, các đô thị quốc gia và quy hoạch phát triển du lịch phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch, tăng cường đầu tư phát triển du lịch, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo, đặc trưng của du lịch từng vùng cũng như của du lịch Việt Nam; nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch và tăng cường xuất khẩu tại chỗ.
- Phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển du ịch. Đào tạo, tăng cường nhân lực, nghiệp vụ du lịch trong các hoạt động kinh doanh để thích ứng được yêu cầu phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, đặc biệt công tác kiểm tra giám sát.
- Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định về lệ phí visa và tiếp tục duy trì chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của du lịch Việt Nam.
- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2013 cho các doanh nghiệp du lịch và thương mại dịch vụ tham gia Chương trình kích cầu du lịch năm 2013,
- Áp dụng thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng cho khác hdu lịch, đồng thời tiếp tục đề xuất chính sách ưu đãi, khích lệ khách du lịch tăng cường mua sắm tại Việt Nam.
- Các địa phương chủ động đưa ra chính sách biện pháp kích cầu như bãi bỏ quy định cấm hoặc cấp giấ phép con đối với xe vận chuyển khách du lịch, tạo điều kiện cho xe vận chuyển khách du lịch lưu thông trong và ngoài đô thị; đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, đặc biệt giảm tối thiểu tình trạng cướp giật, lừa đảo khách du lịch ở các trung tâm du lịch, điểm du lịch.
2.2 Các giải pháp phát triển ngành dịch vụ vận tải:
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản pháp lý về đầu tư, xây dựng. Có chính sách đầu tư đồng bộ để phát huy hiệu quả đầu tư.
- Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch vận tải nói chung và quy hoạch từng lĩnh vực vận tải nói riêng, để có chính sách đầu tư, cơ chế áp dụng hợp lý.
- Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng biển, cảng hàng không theo hướng tập trung và hình thành cảng trung chuyển quốc tế. Nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải và cải thiện chất lượng dịch vụ.
- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành vận tải. Đồng thời, tăng cường nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo cho các cán bộ quản lý nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải và logistics.
- Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và logistics, sẵn sàng hội nhập dịch vụ trong khu vực ASEAN (năm 2013 là năm tự do hóa hoàn toàn dịch vụ logistics trong ASEAN).
- Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn vận tải biển phối hợp với các chủ hàng xuất khẩu của Việt Nam để tăng thị phần vận tải biển của Việt Nam.
3. Về xuất, nhập khẩu
a) Đẩy mạnh xuất khẩu
- Chú trọng nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định xã hội.
- Tăng cường xúc tiến thương mại, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, không để lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường; sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
b) Kiểm soát nhập khẩu
- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng cường sử dụng máy móc vật tư, thiết bị sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
- Tiếp tục nhấn mạnh nhóm biện pháp thông tin tuyên truyền, nhất là chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đây là một kênh gián tiếp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam, qua đó giảm tỷ lệ hàng nhập khẩu.
4. Về phát triển thị trường trong nước
4.1. Giải pháp chung
a) Trongngắn hạn:
- Các Bộ, Ban, Ngành, Địa phương cần nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NĐ-CP và 02/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, nhằm hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khôi phục và thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tần suất đưa hàng Việt về nông thôn, nhằm kích cầu tại thị trường nông thôn, qua đó giảm hàng tồn kho, tăng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của cả nước.
- Các tỉnh, thành phố chưa thực hiện chính sách tăng học phí và dịch vụ y tế cần xem xét phương án giãn hoặc tăng tại các thời điểm khác nhau, nhằm giảm bớt áp lực tăng CPI tại một thời điểm, gây xáo trộn thị trường.
- Xem xét, đánh giá hiệu quả của Chương trình bình ổn giá, bởi trong tình hình hiện tại, hàng hóa hiện đang dư thừa do nguồn hàng tồn còn nhiều, do vậy cần giải quyết hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn này.
b) Trong dài hạn:
-Nâng cao hiệu quả điều hành vĩ mô thị trường: theo dõi sát sao diễn biến thị trường thế giới, dự báo tình hình cung - cầu trong nước để có các chính sách điều hành thị trường kịp thời, bình ổn được thị trường, không để giá cả tăng cao, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, sắt thép, phân bón....
- Tham gia tích cực vào việc đảm bảo ổn định thị trường; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, đảm bảo chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khoẻ nhân dân; thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, đặc biệt tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, hàng giả.
- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đổi mới hệ thống thu mua, tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Rà soát và gia tăng các chế tài xử phạt đối với các hành vi gian lận thương mại; đầu cơ; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm quản lý và đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối bán lẻ.
- Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng Quy hoạch phát triển thương mại của các vùng kinh tế trọng điểm theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt.
- Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển hệ thống đại lý phân phối tại các tỉnh, thành phố, hỗ trợ các địa phương xây dựng các chợ dân sinh...
- Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối trong việc tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đưa hàng hóa tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Tăng cường hiệu quả và quy mô của công tác quản lý thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng sản xuất và buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
4.2. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ ban hành để có cơ chế về giá bán phù hợp trong thời gian tới.
- Tăng cường công tác nghiệp vụ, chuyên môn về dự báo và phân tích, đánh giá, nhận định thị trường về giá dầu thô thế giới.
- Ưu tiên bảo đảm nguồn cung theo nhu cầu của các nhà mày lọc dầu trong nước phục vụ cho sản xuất.
- Tiếp tục nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ được giao trong các Quy hoạch về hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối xăng, hệ thống dự trữ xăng dầu giai đoạn 2010 – 2020, định hướng đến năm 2025 cho phù hợp với tình hình mới.
b) Sắt thép
- Xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép rẻ kém chất lượng thâm nhập thị trường trong nước.
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để đảm bảo cạnh tranh được với thép kém chất lượng nhập từ nước ngoài.
- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép và hạn chế nhập siêu.
c. Phân bón
- Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa vụ.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt.
d) Xi măng
-Theo dõi chặt chẽ giá phân bón thế giới để có biện pháp điều tiết nhập khẩu và sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón gây sốt giá cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
- Tăng cường công tác hải quan tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại các tỉnh có đường biên giới nhằm giảm buôn lậu phân bón qua đường tiểu ngạch và hạn chế nhập khẩu phân bón từ nước ngoài.
e) Lương thực, thực phẩm
- Các Bộ ngành liên quan và các địa phương… cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đời sống cho nông dân cũng như ổn định thị trường lương thực, thực phẩm, đặc biệt là các chính sách về thuế VAT và mức lãi suất vay ngân hàng cho ngành chăn nuôi và trồng trọt.
- Thực hiện tốt chương trình bình ổn một số mặt hàng thiết yếu trong đó bao gồm lương thực, thực phẩm, tăng cường công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tránh tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng xấu đến thị trường lương thực và thực phẩm.
- Ngành Nông nghiệp cần chủ động, quyết liệt phòng chống, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thiệt hại cho nông dân./.

File đính kèm:
BCKT Dichvu T5.13.pdf

Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1395
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)