Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/05/2013-10:13:00 AM
Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp tháng 5 năm 2013
Báo cáo của Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 5 năm 2013
1. Tình hình chung:
Tính chung 5 tháng năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp (tính theo năm gốc 2010) tăng 5,2% so với năm 2012, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5%; sản xuất, phân phối điện tăng 8,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải tăng 9,6%. Về xu thế tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm cho thấy có tốc độ tăng trưởng tăng dần (ngoại trừ tháng 1 và tháng 2 bị ảnh hưởng của Tết âm lịch, 3 tháng tăng 4,7%, 4 tháng tăng 4,8%, 5 tháng tăng 5,2%) đây là dấu hiệu tăng trưởng tích cực của ngành công nghiệp.
Một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 4,6%; chế biến thực phẩm tăng 5,4%; sản xuất đồ uống tăng 11,8%; dệt tăng 5,5%; sản xuất trang phục tăng 9,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 15,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 11,5%; sản xuất xi măng tăng 7,6%. Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2013 giảm so với cùng kỳ, cụ thể: khai thác than cứng và than non giảm 1,7%; khai thác đá, cát, sỏi giảm 9,8%; sản xuất kim loại giảm 3,63%.
2. Tình hình sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm 2013 như sau:
Một số sản phẩm có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2012: dầu thô khai thác ước đạt gần 7 triệu tấn, tăng 3,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 4,46 tỷ m3, tăng 9,6%; bia các loại đạt 1,08 tỷ lít, tăng 10,9%; xi măng đạt 23,5 triệu tấn, tăng 7,4%; thép cán ước đạt 1,067 triệu tấn, tăng 17,4%; thép thanh, thép góc ước đạt 1,37 triệu tấn, tăng 7,4%; điện sản xuất ước đạt 49,1 tỷ KWh, tăng 8,4%; quần áo mặc thường tăng 2,5%; phân ure 855,3 nghìn tấn, tăng 58,3%; điện thoại di động tăng 18%; xe máy tăng 17,2%;... Một số có tốc độ tăng trưởng giảm so với cùng kỳ như than đá ước đạt 14,9 triệu tấn, giảm 2,6%; khí hóa lỏng (LPG) đạt 283,6 nghìn tấn, giảm 3,3%; ô tô giảm 1,4%; sắt, thép thô ước đạt 1,2 triệu tấn, giảm 7%;...
3. Tình hình xuất nhập khẩu tháng 5 năm 2013:
a. Tình hình xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu 5 thángnăm 2013 ước đạt 49,9 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không kể dầu thô đạt 32,7 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ, doanh nghiệp trong nước (không kể dầu thô) ước đạt 17,2 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ, là nhân tố chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu cả nước như sau: dầu thô ước đạt 3 triệu tấn, tăng 13,1%; hàng dệt may đạt 6,4 tỷ USD, tăng 12,5%; hàng giày dép đạt 3,1 tỷ USD, tăng 9,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 3,1 tỷ USD, tăng 11,4%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,7 tỷ USD, tăng 103,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,15 tỷ USD, tăng 13%; sản phẩm nhựa đạt 696 triệu USD, tăng 10,3%; sắt thép đạt 864 nghìn tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xăng dầu các loại đạt 584 nghìn tấn, giảm 36,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 2,17 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ; than đá đạt 5,87 triệu tấn, giảm 4,2%.
b. Tình hình nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng năm 2013 đạt 51,8 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 28,67 tỷ USD, tăng 25,4%; kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước ước đạt 23,2 tỷ USD, tăng 7,6%.
Một số sản phẩm công nghiệp có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ như: xăng dầu các loại đạt 3,25 triệu tấn, giảm 15,5%; khí đốt hóa lỏng đạt 218 nghìn tấn, giảm 10,7%; linh kiện phụ tùng ô tô giảm 2%; xe máy nguyên chiếc giảm 22% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm, nguyên liệu ngành công nghiệp có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ như: bông các loại đạt 250 nghìn tấn, tăng 57,2%; nguyên phụ liệu dệt may da tăng 18,7%; sắt thép các loại đạt 4,1 triệu tấn, tăng 30,1%; máy tính và linh kiện điện tử đạt 7,07 tỷ USD, tăng 53,6%; phân bón các loại đạt 1,4 triệu tấn, tăng 19,3%; ô tô nguyên chiếc đạt 13.562 chiếc tăng 13%.
Như vậy, mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao tập trung chủ yếu ở nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, sắt thép các loại, máy tính và linh kiện điện tử; máy móc, thiết bị, phụ tùng.
4. Tình hình thực hiện kế hoạch nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2013.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh về việc rà soát tình hình triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn NSNN năm 2013 của các Bộ, ngành, địa phương và quy định tại Khoản 5 Điều 2 Quyết định số 1756/QĐ-BKHĐT, Vụ Kinh tế Công nghiệp đã phối hợp với các Vụ: Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường; Kết cấu Hạ tầng và Đô thị; Tổng hợp Kinh tế Quốc dân; Lao động, Văn hóa và Xã hội; Tài chính tiền tệ làm việc với Vụ Kế hoạch- Bộ Công Thương về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch NSNN Quý I năm 2013, kết quả làm việc xin gửi văn bản kèm theo.
5. Tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ
a. Bộ Công Thương
Bộ Công Thương đã có công văn số 2801/BCT-KH ngày 01/4/2013 báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ tính đến hết Quý I năm 2013 (xin gửi công văn kèm theo để Quý Vụ tham khảo), một số nội dung chính như sau:
- Về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ:
Bộ Công Thương đã có Công văn số 294/BCT-KH ngày 11 tháng 01 năm 2013 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2013. Tính từ ngày 01/01/2013 – 31/3/2013, khối lượng thực hiện của các dự án Bộ Công Thương quản lý đạt 106,35 tỷ đồng, trong đó thực hiện nguồn vốn NSNN ước đạt 99,98 tỷ đồng, đạt 36,8% KH năm.
- Về tăng cường công tác giám sát, kiểm tra dự án đầu tư của các Tập đoàn, Tổng công ty do Bộ Công Thương quản lý :
Thực hiện Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, trên cơ sở Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015 của các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 2006/BCT-KH ngày 11 tháng 3 năm 2013 đề nghị các Tập đoàn kinh tế nhà nước, các Tổng công ty, Công ty của nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ rà soát lại kế hoạch đầu tư, báo cáo Danh mục dự án đầu tư nhóm A, B. Đến nay Bộ Công Thương đang tiến hành thẩm tra, phê duyệt danh mục các dự án để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định.
- Về hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước đã sản xuất được:
Bộ Công Thương tiếp tục rà soát và cập nhật danh mục các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được để có có biện pháp kiểm soát nhập khẩu. Đồng thời, đẩy mạng hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa, xúc tiến thương mại đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới...
Ngày 25 tháng 02 năm 2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1093/QĐ-BCT về việc thành lập Tổ xây dựng Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
- Về Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu kinh tế
Về triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”, đã chỉ đạo 5 Tập đoàn kinh tế thuộc Bộ xây dựng dự thảo Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn. Hiện nay, đang xin ý kiến các Bộ, ngành thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành.
- Về bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng:
Để chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp chuẩn bị cho cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1982/BCT-ĐTĐL ngày 08 tháng 3 năm 2013 về việc thực hiện cung ứng điện từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2013.
b. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động của Tập đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ (công văn số 1096/CTr-DKVN ngày 08/02/2013).
6.Về các giải pháp, kiến nghị:
- Để đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2013, đề nghị:
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trao đổi, thống nhất trong việc phối hợp giữa vận hành, huy động tối ưu công suất các nhà máy điện với việc vận hành các đường ống dẫn khí, để có thể cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện tối ưu nhất.
EVN thực hiện các giải pháp cân đối các nguồn điện hợp lý; Thủy điện huy động tuân thủ kế hoạch điều tiết nước để đảm bảo cung cấp điện trong mùa khô năm 2013.
Mặt khác, Nhiệt điện dầu FO, DO để dự phòng, khai thác khi cần thiết ; Nhiệt điện than và tuabin khí khai thác tối đa. Đẩy mạnh tiết kiệm điện và các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển và đời sống đất nước, đồng thời ưu tiên cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Đề nghị EVN rà soát hệ thống truyền tải điện (đặc biệt là đường dây 500 KV) tránh xảy ra sự cố gây mất điện trên diện rộng như vừa qua (ngày 22/5/2013 đã xảy ra sự cố mất điện trên diện rộng tại các tỉnh miền Nam chỉ do lỗi chạm đường dây của một xe cần cẩu chở cây gây chập mạch toàn hệ thống).
- Trên cơ sở kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng như giấy các loại; thép các loại tăng cao so với cùng kỳ, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan có chính sách thuế phù hợp, tăng thuế nhập khẩu mặt hàng trong nước đã sản xuất được và áp dụng các hàng rào kỹ thuật khác phù hợp với cam kết AFTA, WTO,... để khuyến khích tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước đã sản xuất được
- Về dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn tuy nhiên tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu vẫn đạt khá, về lãi suất tín dụng đã giảm (lãi suất cho vay giảm xuống dưới 13%/năm) nhưng khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ tồn kho vẫn còn khá cao (chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến tăng 12,3% so với cùng kỳ, trong đó tỷ lệ tồn kho về sản xuất gang thép tăng 26,6%).
- Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 trong thời gian tới, đề nghị tập trung vào một số biện pháp:
+ giải quyết nợ xấu tại các ngân hàng trên cơ sở cơ cấu lại nợ, thu hồi các khoản nợ trong khả năng của ngân hàng và doanh nghiệp.
+ giải phóng được thị trường bất động sản trên cơ sở giảm giá chung trên thị trường, kích cầu tiêu dùng đối với nhà cho người có thu nhập thấp (bao gồm cả cán bộ, công chức).
+ hoàn thành đầu tư các công trình, dự án theo đúng tiến độ góp phần tăng năng lực của nền kinh tế, giải phóng sức sản xuất./.

Vụ Kinh tế Công nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 12933
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)