Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/04/2013-08:55:00 AM
Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu ngành công nghiệp Quý I, tháng 4 và dự kiến Quý II năm 2013
Báo cáo của Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24 tháng 3 năm 2013
I. Tình hình chung ngành công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Quý I/2013 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2012 (Quý 1/2012 tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2011); trong đó: chỉ số sản xuất công nghiệp ngành khai khoáng tăng 2,1% (Quý I/2012 tăng 3,6%); ngành chế biến chế tạo tăng 5,4% (Quý I/2012 tăng 5,9%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,5% (Quý I/2012 tăng 12,5%); cung cấp nước tăng 9,5% (Quý I/2012 tăng 8,4%).
II. Tình hình sản xuất của một số ngành công nghiệp Quý I năm
1. Ngành khai khoáng
Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành khai khoáng tăng 2,1% so với cùng kỳ, trong khi Quý I năm 2012 tăng 3,6%. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ là do chỉ số sản xuất khai thác dầu thô chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ (Quý I năm 2012 tăng 9,7%); khai thác than cứng và than non giảm 5,9% (Quý I năm 2012 giảm 0,3%); khai thác đá, cát, sỏi, đất sét giảm 8,7% (Quý I năm 2012 giảm 9,2%).
Nhận xét:
Việc Chỉ số sản xuất ngành khai thác than và khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng giảm là do nhu cầu sản xuất, đầu tư xây dựng trong nước giảm mạnh, chưa có dấu hiệu phục hồi. Riêng đối với ngành khai thác than có dấu hiệu giảm sâu hơn so với Quý I năm 2012 là do giá bán thị trường quý I còn thấp hơn dự kiến giá bán cả năm 2013; theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) thì giá than cho điện mới bằng 63-66% giá thành năm 2013, trong khi các loại thuế, phí của Ngành than Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực nên trong quý I, VINACOMIN đã phải tạm thời điều hành theo hướng: các đơn vị giá thành cao chỉ sản xuất từ 70-80% sản lượng bình quân 1 quý (để duy trì công ăn việc làm cho người lao động), tập trung huy động sản lượng than của các đơn vị giá thành thấp với mức tối đa (có đơn vị huy động đến 150% sản lượng quý) để giảm giá thành toàn Tập đoàn để có thể bán được than.
Ước tính lượng than tồn kho cuối quý I-2013 ước đạt 6,4 triệu tấn, trong đó than sạch 5 triệu tấn, nguyên khai và bán thành phẩm 1,4 triệu tấn.
2. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Chỉ số sản xuất ngành chế biến chế tạo tăng 5,4%, trong khi Quý I/2012 tăng 5,9%. Nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút tốc độ tăng trưởng là do chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến thực phẩm; ngành cơ khí, lắp ráp, chế tạo giảm so với cùng kỳ, cụ thể như sau:
- Ngành cơ khí, lắp ráp, chế tạo:
Chỉ số sản xuất Quý I năm 2013 giảm so với cùng kỳ tập trung chủ yếu ở một số sản phẩm như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,3% (Quý I năm 2012 tăng 33%); sản xuất linh kiện điện tử giảm 6,3% (Quý I năm 2012 tăng 34%); sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 8,9% (Quý I năm 2012 giảm 2,2%); sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện giảm 13,5% (Quý I năm 2012 giảm 5,5%).
Mặt khác, sản xuất mô tô, xe máy tăng 11,5% so với cùng kỳ (Quý I năm 2012 tăng 18%), đồng thời, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng như xe máy nguyên chiếc giảm 49%; linh kiện xe máy CKD,IKD giảm 23,8% so với cùng kỳ, điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng sản xuất của ngành đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ.
- Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm:
Đây là ngành lớn nhất của công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 12,8% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp. Chỉ số sản xuất ngành chế biến thực phẩm tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2012, trong khi Quý I/2012 tăng 11,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do khô hạn kéo dài và diện tích đất ngập mặn tăng lên đã làm ảnh hưởng đến năng suất lúa, thủy sản, cao su, cà phê;...
3. Ngành sản xuất và phân phối điện
Trong 3 tháng đầu năm 2013, hệ thống điện quốc gia vận hành, cung cấp điện ổn định, không có các sự cố lớn. Do tình hình thủy văn các hồ thủy điện các tháng đầu năm 2013 xấu hơn dự kiến đầu năm, tình trạng thiếu nước, hạn hán xẩy ra ở một số khu vực nên tình hình cung ứng điện mùa khô 2013 có khó khăn.
- Tính chung 3 tháng đầu năm 2013, Điện sản xuất và mua ước đạt 28.935 triệu kWh, tăng 9,4% so cùng kỳ (Quý I năm 2012 tăng 9,7% so với cùng kỳ). Quý I năm 2013, điện mua Trung Quốc ước đạt 1 tỷ KWh, tăng 61% so với cùng kỳ.
- Tính chung 3 tháng đầu năm 2013, Điện thương phẩm ước đạt 25.866 triệu kWh, tăng 10,81% so cùng kỳ. Trong đó: điện cung cấp cho công nghiệp và xây dựng ước tăng 8,91%, chiếm tỷ trọng 51,35% (Quý I năm 2012 tăng 9,36%, chiếm tỷ trọng 52,2%); điện dùng cho khu vực thương nghiệp, khách sạn nhà hàng tăng 14%, chiếm tỷ trọng 4,7% (Quý I năm 2012 tăng16,1, chiếm tỷ trọng 4,5%); điện cho tiêu dùng dân cư tăng 11,6%, chiếm tỷ trọng 37% (Quý I năm 2012 tăng 10,6% chiếm tỷ trọng 36,8%); điện dùng cho nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 13,85%, chiếm 1,4% (Quý I năm 2012 tăng 10,6%, chiếm tỷ trọng 1,38%); điện cho các hoạt động khác (bán cho các nhà máy điện và bán cho Campuchia)giảm 4,2%, chiếm tỷ trọng 4,4% (Quý I năm 2012 tăng 12,4%, chiếm tỷ trọng 5%).
4. Tình hình xuất nhập khẩu Quý I năm 2013
a. Tình hình xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng năm 2013 ước đạt 29.687 triệu USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không kể dầu thô đạt 17,36 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ như sau: dầu thô ước đạt 2,1 triệu tấn, tăng 22,5% (Quý I năm 2012 đạt 1,7 triệu tấn, giảm 10,4% so với cùng kỳ); than đá ước đạt 4,2 triệu tấn, tăng 33,4% (Quý I năm 2012 đạt 3,2 triệu tấn, tăng 38,4% so với cùng kỳ); hàng dệt may đạt 3,8 tỷ USD, tăng 18,5% (Quý I năm 2012 đạt 3,27 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ); hàng giày dép đạt 1,7 tỷ USD, tăng 14,7% (Quý I năm 2012 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 2,4 tỷ USD, tăng 49,1% (Quý I năm 2012 đạt 1,6 tỷ USD, tăng 99% so với cùng kỳ); điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,48 tỷ USD, tăng 89,9% (Quý I năm 2012 đạt 2,36 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ); phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,3 tỷ USD, tăng 21,4%; sắt thép đạt 529 nghìn tấn, tăng 25,2% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ như: xăng dầu các loại đạt 425 nghìn tấn, giảm 27,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 1,2 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ.
b. Tình hình nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu 3 tháng năm 2013 ước đạt 29.206 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 16.140 triệu USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ như: xăng dầu các loại đạt 1,5 triệu tấn, giảm 25,1% so với cùng kỳ; khí đốt hóa lỏng đạt 110 nghìn tấn, giảm 20,7%; ô tô nguyên chiếc đạt 6.525 chiếc, giảm 10,6%; xe máy nguyên chiếc giảm 49%; linh kiện xe máy CKD,IKD giảm 23,8% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng như xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ là do sản xuất trong nước đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ; mặt hàng ô tô, xe máy nguyên chiếc giảm là do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm, các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy trong nước có những chính sách khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu so với cùng kỳ như: nguyên phụ liệu dược phẩm tăng 5%; giấy các loại đạt 322 nghìn tấn, tăng 20,2%; bông các loại đạt 148 nghìn tấn, tăng 65,6%; nguyên phụ liệu dệt may da đạt 736 triệu USD, tăng 10,6%; sợi các loại tăng 2,4%; vải các loại tăng 11,5%; (Quý I/2012 so với cùng kỳ năm 2011, các sản phẩm như: bông các loại; sợi các loại; vải các loại đều giảm tương ứng 13,6%; 2%; 11,1%); sắt thép các loại đạt 2,4 triệu tấn, tăng 16,5%; máy tính và linh kiện điện tử đạt 3,9 tỷ USD, tăng 51,5%; phân bón các loại đạt 764 triệu tấn, tăng 21,9%; linh kiện phụ tùng ô tô tăng 2,8%; chất dẻo nguyên liệu tăng 15,6%;
Như vậy, trên cơ sở kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng như bông các loại; sợi các loại; vải các loại tăng so với cùng kỳ, cho thấy những dấu hiệu lạc quan của ngành dệt may.
III. Về tình hình thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ:
Tính đến thời điểm hiện nay, Vụ KTCN đã nhận được báo cáo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện NQ 01 và 02 của Chính phủ; cụ thể như sau:
- Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 320/QĐ-BCT ngày 17/01/2013 về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, theo đó: đề nghị Các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động và tích cực góp phần vào sự nghiệp chung của toàn ngành nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2013.
- Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 17/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương, các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, Công ty, các Sở Công Thương khẩn trương tổ chức thực hiện.
Một số nội dung Bộ Công Thương đã và đang triển khai thực hiện Nghị quyết:
4.1. Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát
a.Về tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả
- Bộ Công Thương đã có văn bản số 295/BCT-KH gửi Bộ kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính báo cáo kế hoạch vốn đầu tư năm 2013, tiếp đó Bộ đã khẩn trương tiến hành các thủ tục giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư cho các đơn vị có dự án theo đúng đối tượng, khoản mục và cơ cấu được duyệt.
b. Đẩy mạnh phát triển thương mại, tăng cường thu hút đầu tư
- Bộ Công Thương đã ban hành các Quyết định giao Kế hoạch và chỉ tiêu xuất khẩu năm 2013 cho các Thương vụ và Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài, yêu cầu các Thương vụ triển khai các hoạt động và thường xuyên báo về nước trước ngày 30 hàng tháng.
- Bộ Công Thương đang chỉ trì xây dựng Đề án “Ưu tiên phát triển các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2013-2020”.
c. Tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường
Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương đang chủ trì rà soát chi phí thực hiện năm 2012 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để xây dựng lộ trình điều chỉnh giá giai đoạn 2013 - 2015. Dự kiến trong Quý I năm 2013 sẽ hoàn thành báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.
Việc điều chỉnh giá điện trong năm 2013 sẽ được thực hiện theo lộ trình, theo sát với tình hình thực tế và giảm thiểu ảnh hưởng đến chỉ số CPI. Ngoài ra, trong trường hợp giá than cho điện trong năm 2013 tăng (do Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam đề xuất) thì giá điện cũng sẽ được điều chỉnh tăng tương ứng.
Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục xin ý kiến lần 2 đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Tiếp tục xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện (thay thế Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện theo cơ chế thị trường), dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5 năm 2013.
4.2. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh
- Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, xử lý hiệu quả nợ xấu
Ngày 25 tháng 02 năm 2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1093/QĐ-BCT về việc thành lập Tổ xây dựng Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào quý IV năm 2013.
- Tập trung hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho
Về Chương trình Xúc tiến thương mại biên giới, miền núi và hải đảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 478/QĐ-BCT phê duyệt đợt 1 Chương trình XTTM quốc gia năm 2013 gồm 51 đề án của 41 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí là 39,07 tỷ đồng.
Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng Đề cương “Quy hoạch phát triển hệ thống bến bãi vận tải, kho hàng tập kết hàng hóa, kết cấu hạ tầng phục vụ thương mại tại khu vực cửa khẩu biên giới của 7 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc”.
4.3. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng
- Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 7642/QĐ-BCT ngày 12 tháng 12 năm 2012 về việc tiếp tục các chương trình đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn và triển khai phân giao kế hoạch năm 2013.
- Bộ Công Thương đang chỉ đạo 5 Tập đoàn kinh tế xây dựng dự thảo Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn để trình Chính phủ ban hành.
- Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 113/QĐ-BCT về việc ban hành kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, Bộ đã tổ chức buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về xây dựng chương trình truyền thông về nhiên liệu sinh học; Tiến hành họp thẩm định Quy hoạch sản xuất cồn nhiên liệu phục vụ cho ngành sản xuất nhiên liệu sinh học đến năm 2020 có xét đến 2025.
- Để chuẩn bị cho cung ứng điện năm 2013, Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 7969/QĐ-BCT ngày 26 tháng 12 năm 2012 về Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2013.
4.4 Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống tham nhũng lãng phí, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hoá
Nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí theo kết luận của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, đồng thời triển khai công tác kiểm tra việc chấp hành Luật thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí đối với một số đơn vị thuộc Bộ. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tiến hành xây dựng các quy định để hoàn thiện quy chế dân chủ của cơ quan và doanh nghiệp thuộc Bộ.
4.5 Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại
Bộ Công Thương tiếp tục triển khai nội dung Biên bản khóa họp 6 về thương mại và đầu tư và lộ trình hợp tác trung hạn về thương mại và đầu tư đến 2015 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga lần thứ 15; làm đầu mối Nhóm hỗ trợ đàm phán Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam với Khối thương mại tự do châu Âu - EFTA.Chuẩn bị nội dung, chương trình nghị sự và công tác hậu cần cho các khóa họp Ủy ban liên Chính phủ và Ủy ban Hỗn hợp giữa Việt Nam và các nước châu Âu. Đôn đốc, thực hiện các cam kết trong Biên bản khóa họp Ủy ban liên Chính phủ và Ủy ban Hỗn hợp với các nước Anh, Cộng hòa Séc, Hungary, Nga, Belarus...
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động của Tập đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ (công văn số 1096/CTr-DKVN ngày 08/02/2013).
IV. Kiến nghị:
- Để đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2013, đề nghị:
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trao đổi, thống nhất trong việc phối hợp giữa vận hành, huy động tối ưu công suất các nhà máy điện với việc vận hành các đường ống dẫn khí, để có thể cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện tối ưu nhất.
EVN thực hiện các giải pháp cân đối các nguồn điện hợp lý; Thủy điện huy động tuân thủ kế hoạch điều tiết nước để đảm bảo cung cấp điện trong mùa khô năm 2013.
Mặt khác, Nhiệt điện dầu FO, DO để dự phòng, khai thác khi cần thiết; Nhiệt điện than và tuabin khí khai thác tối đa. Đẩy mạnh tiết kiệm điện và các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển và đời sống đất nước, đồng thời ưu tiên cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
- Trên cơ sở kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng như giấy các loại; thép các loại tăng cao so với cùng kỳ, đề nghị Vụ KTDV xem xét, bóc tách riêng biệt từng chủng loại giấy, thép, trên cơ sở đó, các Bộ, ngành có chính sách thuế phù hợp để khuyến khích tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước đã sản xuất được.
- Đề nghị Ngân hàng nhà nước có báo cáo về khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp, xem xét tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.
- Đề nghị tập trung giải quyết vấn đề nợ xấu với quan điểm không cứu trợ bằng nguồn ngân sách nhà nước./.

File đính kèm:
BC KTCongnghiep T3.13.pdf

Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 13200
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)