Báo cáo của Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 4 năm 2013
1. Tình hình chung:
Tính chung 4 tháng năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp (tính theo năm gốc 2010) tăng 5% so với năm 2012, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5%; sản xuất, phân phối điện tăng 9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải tăng 8,8%.
Một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 3,9%; chế biến thực phẩm tăng 4,6%; sản xuất đồ uống tăng 13,7%; sản xuất trang phục tăng 6,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 17,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 15,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 14,1%. Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2013 giảm so với cùng kỳ, cụ thể: khai thác than cứng và than non giảm 2,5%; khai thác đá, cát, sỏi giảm 9,7%; sản xuất kim loại giảm 4,3%.
2. Tình hình sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 4 tháng đầu năm 2013 như sau:
Một số sản phẩm có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2012: dầu thô khai thác ước đạt 5,5 triệu tấn, tăng 3,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 3,4 tỷ m3, tăng 6,8%; bia các loại đạt 827,5 triệu lít, tăng 14,9%; xi măng đạt 17,9 triệu tấn, tăng 4,6%; thép cán ước đạt 848,6 nghìn tấn, tăng 21,7%; thép thanh, thép góc ước đạt 1,1 triệu tấn, tăng 9,3%; điện sản xuất ước đạt 38,2 tỷ KWh, tăng 8,8%; quần áo mặc thường tăng 5,6%; giày, dép, ủng bằng da giả cho người lớn tăng 2,9%; phân ure tăng 83,3%; điện thoại di động tăng 22,7%; xe máy tăng 16,6%;... Một số có tốc độ tăng trưởng giảm so với cùng kỳ như than đá ước đạt 14,9 triệu tấn, giảm 2,6%; khí hóa lỏng (LPG) đạt 234,3 nghìn tấn, giảm 7,9%; ô tô giảm 4,7%; sắt, thép thô ước đạt 907,5 nghìn tấn, giảm 11,5%;...
3. Tình hình xuất nhập khẩu tháng 4 năm 2013
a. Tình hình xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu 4 thángnăm 2013 ước đạt 39,46 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ (4 tháng 2012 tăng 22,1% so với cùng kỳ). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không kể dầu thô đạt 23,0 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đang giảm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 (4 tháng đầu nằm 2012 tăng 44% so với cùng kỳ năm 2011).
Tính chung 4 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước (không kể dầu thô) ước đạt 13,93 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này trong tháng 4 chỉ bằng 79,9% so với tháng 3 năm 2013.
Một số sản phẩm công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ, là nhân tố chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu cả nước như sau: dầu thô ước đạt 2,78 triệu tấn, tăng 16,7%; than đá đạt 5,2 triệu tấn, tăng 16,4%; hàng dệt may đạt 5,0 tỷ USD, tăng 20,3%; hàng dày dép đạt 2,25 tỷ USD, tăng 9,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 3,1 tỷ USD, tăng 46,1%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,8 tỷ USD, tăng 92,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11%; sản phẩm nhựa đạt 559 tr USD, tăng 13,2%; sắt thép đạt 713 nghìn tấn, tăng 22,7% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xăng dầu các loại đạt 507 nghìn tấn, giảm 34,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 1,7 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ.
b. Tình hình nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng năm 2013 đạt 40,18 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ (4 tháng năm 2012 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2011). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 21,76 tỷ USD, tăng 25,2%; kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước ước đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,5%.
Một số sản phẩm công nghiệp có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ như: xăng dầu các loại đạt 2,3 triệu tấn, giảm 23,4%; khí đốt hóa lỏng đạt 152 nghìn tấn, giảm 16,9%; ô tô nguyên chiếc đạt 9.503 chiếc giảm 0,5%; linh kiện phụ tùng ô tô giảm 2,4%; xe máy nguyên chiếc giảm 33,6% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng so với cùng kỳ như: giấy các loại đạt 428 nghìn tấn, tăng 16,6%; bông các loại đạt 205 nghìn tấn, tăng 69%; nguyên phụ liệu dệt may da tăng 13,5%; sắt thép các loại đạt 2,9 triệu tấn, tăng 17,1%; máy tính và linh kiện điện tử đạt 5,5 tỷ USD, tăng 60,7%; phân bón các loại đạt 1 triệu tấn, tăng 14,2%.
Như vậy, mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao tập trung chủ yếu ở nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, máy tính và linh kiện điện tử; máy móc, thiết bị, phụ tùng, đây là các nhân tố góp phần giúp tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2013 cao hơn so với cùng kỳ năm 2012.
4. Tình hình thực hiện kế hoạch nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2013.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh về việc rà soát tình hình triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn NSNN năm 2013 của các Bộ, ngành, địa phương và quy định tại Khoản 5 Điều 2 Quyết định số 1756/QĐ-BKHĐT, Vụ Kinh tế Công nghiệp đã phối hợp với các Vụ: Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường; Kết cấu Hạ tầng và Đô thị; Tổng hợp Kinh tế Quốc dân; Lao động, Văn hóa và Xã hội; Tài chính tiền tệ làm việc với Vụ Kế hoạch- Bộ Công Thương về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch NSNN Quý I năm 2013, kết quả làm việc xin gửi văn bản kèm theo.
5. Tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ
a. Bộ Công Thương
Bộ Công Thương đã có công văn số 2801/BCT-KH ngày 01/4/2013 báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ tính đến hết Quý I năm 2013 (xin gửi công văn kèm theo để Quý Vụ tham khảo), một số nội dung chính như sau:
- Về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ:
Bộ Công Thương đã có Công văn số 294/BCT-KH ngày 11 tháng 01 năm 2013 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2013. Tính từ ngày 01/01/2013 – 31/3/2013, khối lượng thực hiện của các dự án Bộ Công Thương quản lý đạt 106,35 tỷ đồng, trong đó thực hiện nguồn vốn NSNN ước đạt 99,98 tỷ đồng, đạt 36,8% KH năm.
- Về tăng cường công tác giám sát, kiểm tra dự án đầu tư của các Tập đoàn, Tổng công ty do Bộ Công Thương quản lý:
Thực hiện Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, trên cơ sở Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015 của các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 2006/BCT-KH ngày 11 tháng 3 năm 2013 đề nghị các Tập đoàn kinh tế nhà nước, các Tổng công ty, Công ty của nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ rà soát lại kế hoạch đầu tư, báo cáo Danh mục dự án đầu tư nhóm A, B. Đến nay Bộ Công Thương đang tiến hành thẩm tra, phê duyệt danh mục các dự án để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định.
- Về hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước đã sản xuất được:
Bộ Công Thương tiếp tục rà soát và cập nhật danh mục các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được để có có biện pháp kiểm soát nhập khẩu. Đồng thời, đẩy mạng hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa, xúc tiến thương mại đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới...
Ngày 25 tháng 02 năm 2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1093/QĐ-BCT về việc thành lập Tổ xây dựng Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
- Về Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu kinh tế
Về triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”, đã chỉ đạo 5 Tập đoàn kinh tế thuộc Bộ xây dựng dự thảo Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn. Hiện nay, đang xin ý kiến các Bộ, ngành thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành.
- Về bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng:
Để chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp chuẩn bị cho cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1982/BCT-ĐTĐL ngày 08 tháng 3 năm 2013 về việc thực hiện cung ứng điện từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2013.
b. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động của Tập đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ (công văn số 1096/CTr-DKVN ngày 08/02/2013).
6.Về các giải pháp, kiến nghị:
- Để đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2013, đề nghị:
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trao đổi, thống nhất trong việc phối hợp giữa vận hành, huy động tối ưu công suất các nhà máy điện với việc vận hành các đường ống dẫn khí, để có thể cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện tối ưu nhất.
EVN thực hiện các giải pháp cân đối các nguồn điện hợp lý; Thủy điện huy động tuân thủ kế hoạch điều tiết nước để đảm bảo cung cấp điện trong mùa khô năm 2013.
Mặt khác, Nhiệt điện dầu FO, DO để dự phòng, khai thác khi cần thiết; Nhiệt điện than và tuabin khí khai thác tối đa. Đẩy mạnh tiết kiệm điện và các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển và đời sống đất nước, đồng thời ưu tiên cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
- Trên cơ sở kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng như giấy các loại; thép các loại tăng cao so với cùng kỳ, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan có chính sách thuế phù hợp, tăng thuế nhập khẩu mặt hàng trong nước đã sản xuất được và áp dụng các hàng rào kỹ thuật khác phù hợp với cam kết AFTA, WTO,... để khuyến khích tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước đã sản xuất được./.
File đính kèm: BC KTCongnghiep T4.13.pdf
Vụ Kinh tế Công nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư