Báo cáo số 56/BC-KHĐT-TH ngày 03/02/2009 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình về tình hình kinh tế xã hội tháng 1 năm 2009.
1. Về triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2009:
Xác định năm 2009 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 đã đề ra. Ngay từ đầu năm (ngày 06/01/2009), UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách năm 2009 đã được HĐND tỉnh kỳ họp thứ 14 thông qua. Ngoài việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán thu chi ngân sách, phân bổ vốn đầu tư XDCB năm 2009 của tỉnh, các ngành, các địa phương đã cơ bản triển khai giao kế hoạch đến các đơn vị trực thuộc; UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các địa phương; đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2009 đã đề ra.
2. Sản xuất nông nghiệp:
Trồng trọt: Sản xuất vụ Đông Xuân: do thời tiết rét đậm và mưa phùn kéo dài đầu tháng nªn tiến độ gieo cấy vụ Đông Xuân có chậm, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị hư hại nặng, nhất là cây lúa, nhiều địa phương phải gieo cấy lại lần 3. Các địa phương trong tỉnh vừa phải gieo trồng các loại cây hàng năm, vừa phải gieo cấy lại những diện tích bị thiệt hại nên diện tích gieo trồng tháng 1/2009 thực hiện thấp so cùng kỳ. Dự ước diện tích gieo trồng đạt 41.322 ha, bằng 97,6% so cùng kỳ; trong đó: cây lương thực bằng 99,2%; cây chất bột có củ bằng 90,4%; cây rau đậu các loại bằng 104,3%; cây công nghiệp bằng 87,6% so cùng kỳ...
- Cây lúa: diện tích gieo cấy 26.014 ha, bằng 99,3% so cùng kỳ; trong đó: diện tích được gieo cấy giống mới đạt 99,5%; diện tích gieo thẳng 24.766 ha, bằng 99,2% so cùng kỳ.
- Một số loại cây trồng khác: diện tích ngô gieo trồng 4.277 ha, bằng 98,7% so cùng kỳ; diện tích khoai lang 2.582 ha, bằng 89,9%; diện tích sắn 3.051 ha, bằng 90,5%; diện tích rau các loại 2.585 ha, tăng 7,8%; diện tích đậu 68 ha, bằng 56,9%; diện tích lạc 2.531 ha, bằng 77,3% so cùng kỳ.
Sau Tết Nguyên đán, công tác gieo cấy vụ Đông Xuân của các địa phương tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch đề ra.
- Cây cao su: sản lượng cao su mủ khô khai thác trong tháng 1 là 215 tấn, tăng 20,8 % so cùng kỳ.
Tình hình thiệt hại do rét đậm và mưa phùn kéo dài: Sơ bộ tổng hợp báo cáo từ các địa phương, diện tích lúa bị ngập 6.567 ha; trong đó 3.593 ha bị chết do ngập úng kéo dài phải gieo cấy lại. Một số diện tích ngô, lạc và các loại cây hàng năm khác đã gieo trồng nhưng do ảnh hưởng thời tiết nên phát triển kém.
Chăn nuôi: Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp lễ Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp đã tích cực chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, kiểm soát giết mổ tập trung, tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm nên tình hình dịch bệnh trong tỉnh được kiểm soát. Nguồn hàng thực phẩm như thịt bò, lợn, gia cầm đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết. Dự ước trong tháng 1, sản lượng thịt hơi xuất chuồng là: 2.350 tấn, trong đó phục vụ Tết Nguyên đán: 912 tấn.
3. Lâm nghiệp:
Tháng 1/2009, sản xuất lâm nghiệp tập trung chủ yếu vào công tác chăm sóc rừng trồng, trồng cây phân tán và triển khai công tác điều chế, vệ sinh rừng để chuẩn bị cho kế hoạch khai thác năm 2009. Dự ước trong tháng 1, diện tích rừng trồng được chăm sóc 1.360 ha, tăng 2,2% cùng kỳ.
Thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh về công tác trồng cây trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, các địa phương, các ngành triển khai tổ chức trên diện rộng, được nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực. Dự ước số cây trồng phân tán đạt: 1,12 triệu cây, bằng cùng kỳ năm trước.
4. Thuỷ sản:
- Đánh bắt: đầu tháng 1, do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi nên khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn, sản lượng đánh bắt thuỷ sản đạt thấp so với cùng kỳ. Dự ước sản lượng đánh bắt 1.314 tấn, bằng 99,4% cùng kỳ; trong đó: khai thác biển 1.182 tấn, khai thác sông, hồ 132 tấn.
- Nuôi trồng: dự ước trong tháng 1, sản lượng thuỷ sản thu hoạch 427,2 tấn, tăng 41,3% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng cá 410,5 tấn, tăng 52,8%; tôm các loại 5,1 tấn, bằng 21,7%; thuỷ sản khác 11,6 tấn, tăng 12,6% so cùng kỳ.
5. Sản xuất công nghiệp:
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 1/2009 ước đạt 197,8 tỷ đồng, tăng 19,0% so cùng kỳ; trong đó: công nghiệp nhà nước 114,7 tỷ đồng, tăng 18,5% so cùng kỳ; công nghiệp ngoài nhà nước 78,8 tỷ đồng, tăng 23,3% so cùng kỳ; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 4,3 tỷ, giảm 21,5% so cùng kỳ.
Một số sản phẩm có sản lượng sản xuất đạt tốc độ tăng trưởng khá so cùng kỳ: bia chai 1.930 nghìn lít, tăng 2,3 lần; nước khoáng 1.457 nghìn lít, tăng 18,4%; xi măng 83.000 tấn, tăng 20,3%; clinke 41.000 tấn, tăng 24,2%, đá hộc 138.000 m3, tăng 25,2%; gạo ngô xay xát tăng 6,1% so cùng kỳ… Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ: thuỷ sản đông lạnh 75 tấn, giảm 34,8%; tinh bột sắn 1.100 tấn, giảm 26,3%, gạch ceramic giảm 35,7% so cùng kỳ.
6. Đầu tư xây dựng cơ bản:
Công tác đầu tư XDCB trong tháng 1 tập trung vào việc giải ngân thanh toán các nguồn vốn đã được bố trí trong kế hoạch năm 2008. Nhờ tích cực triển khai các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư nên tỷ lệ vốn giải ngân đầu tư XDCB năm 2008 đến hết tháng 1/2009 đạt khá, ước đạt 82% kế hoạch.
Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, đặc biệt là các công trình trọng điểm: Cầu Quảng Hải, Bảo tàng tỉnh, Quốc lộ 12A… nên mặc dù là tháng đầu năm, song tiến độ thi công các công trình vẫn được đẩy mạnh. Tổng vốn đầu tư XDCB của nhà nước quản lý ước đạt 59,1 tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn do Trung ương quản lý 13,5 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương quản lý 45,6 tỷ đồng.
7. Thương mại - dịch vụ:
- Nội thương:
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trong tháng đạt 622,7 tỷ đồng, tăng 14,3% so với tháng 12/2008, trong đó dịch vụ tăng 11,9%, khách sạn - nhà hàng tăng 2,5%, kinh doanh thương nghiệp tăng 15,9%.
Tháng 1/2009, trùng với dịp Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu thụ hàng hoá tăng cao. Để chủ động nguồn hàng hoá cung cấp cho thị trường trong dịp lễ tết, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã có kế hoạch dự trữ hàng, tổ chức bán buôn, phát luồng, tổ chức các điểm bán lẻ phù hợp tiếp cận với người tiêu dùng, đặc biệt trong các ngày giáp Tết đa số các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tự chọn phục vụ cả ngày lẫn đêm. Hàng hoá phong phú, đa dạng với mẫu mã và chất lượng tốt, trong đó: hàng nội địa chiếm trên 80% thị phần, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định; các mặt hàng trọng yếu phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiệt hại do thiên tai cũng được cung ứng đầy đủ với giá cả hợp lý. Ngành công thương có sự phối hợp với các ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh ATTP, hàng kém chất lượng, vi phạm nhãn mác, chất nổ, chất cháy, góp phần bình ổn giá cả, chất lượng hàng hoá trên thị trường.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của việc suy giảm kinh tế, nên mặc dù vào thời điểm các ngày giáp Tết (28-30 tết) người tiêu dùng mua sắm mạnh, nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống và hoa, quả tươi…, nhưng sức tiêu thụ hàng hoá ước tính chỉ tăng so Tết trước từ 5-10%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân chung tháng 1 tăng 6-7% so với tháng 12/2008 (cùng kỳ năm trước tăng 20,3%).
- Xuất nhập khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu 2,5 triệu USD, bằng 79,1% so cùng kỳ. Một số mặt hàng chủ yếu: cao su 1.460 tăng 1,4% so cùng kỳ; mực đông 10 tấn, bằng 98,9% cùng kỳ; quặng ti tan 500 tấn... Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,109 triệu USD, giảm 4,8% so cùng kỳ. Mét sè mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn: gỗ các loại 600m3, bằng 37,9% so cùng kỳ; nhôm thanh nguyên liệu 200 tấn...
- Du lịch:
Lượng khách đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 30,6 ngàn lượt, tăng 6,2% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp du lịch lưu trú và lữ hành phục vụ 6.000 lượt khách với doanh thu 0,33 tỷ đồng; so với cùng kỳ doanh thu tăng 28%, lượt khách tăng 7,0%.
- Giao thông vận tải:
Vận chuyển hàng hoá: khối lượng vận chuyển hàng hoá tháng 1 đạt 627,6 ngàn tấn, tăng 15,2% so cùng kỳ. Khối lượng hàng hoá luân chuyển 42,3 triệu tấn.km, tăng 39,1% so cùng kỳ. Trong đó: vận tải bằng đường bộ 35,7 triệu tấn/km, vận tải đường sông 366,1 ngàn tấn/km, vận tải đường biển 6,0 triệu tấn/km.
Vận chuyển hành khách: khối lượng vận chuyển hành khách 824,6 nghìn người, tăng 10,3% so tháng trước; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 27,7 triệu h.km, tăng 4,1%. Tổng doanh thu vận tải ước 65,5 tỷ đồng, tăng 26,6% so cùng kỳ. Các tuyến xe buýt, taxi tiếp tục hoạt động tốt phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.
- Đăng ký kinh doanh: trong tháng 1 cấp giấy ĐKKD cho 35 DN (5 DN tư nhân, 18 công ty TNHH 2 thành viên trở lên, 6 công ty TNHH 1 thành viên, 6 công ty cổ phần) với số vốn đăng ký trên 248 tỷ đồng. Có 7 DN tạm dừng hoạt động do sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.
8. Tài chính, tín dụng:
Tổng thu ngân sách trên địa bàn trong tháng 1 ước đạt 55 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 82 tỷ đồng; trong đó chi đầu tư xây dựng 27 tỷ, chi thường xuyên 55 tỷ. Công tác chi trong dịp Tết được thực hiện chu đáo, đảm bảo đủ chi cho các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ Tết cho cán bộ công nhân viên, các gia đình chính sách, có công với cách mạng...
Hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh. Tính đến ngày 20/01/2009, tổng số dư vốn huy động tại chỗ đạt 849 tỷ đồng, tăng 14,2% so cùng kỳ; tổng dư nợ 5.911 tỷ đồng, tăng 16%, trong đó dư nợ trung hạn chiếm 28%, nợ quá hạn chiếm 2,8%.
9. Giáo dục - Đào tạo:
Trong tháng 1, hoạt động giáo dục - đào tạo chủ yếu tập trung cho công tác thi và sơ kết học kỳ 1 năm học 2008 - 2009. Hiện nay, ngành đang triển khai chương trình kế hoạch học kỳ 2 và tập trung bồi dưỡng học sinh giỏi ở các huyện, thành phố, bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 12 để dự thi học sinh giỏi toàn quốc.
10. Y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân :
Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, ngành y tế đã chủ động triển khai công tác phòng chống các loại dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trong dịp Tết; các bệnh viện, trạm xá bố trí đầy đủ y, bác sỹ trực 24/24 giờ và đầy đủ cơ số thuốc để phục vụ kịp thời các tình huống. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết, ngành Y tế phối hợp các Sở, ngành liên quan và địa phương đã tổ chức kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống, các điểm mua bán thịt tại các chợ... và đã thực hiện xử lý 09 cơ sở vi phạm.
11. Văn hoá thông tin và Thể dục thể thao:
Trong tháng 1, các ngành, địa phương đã tập trung cho việc tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Chào năm mới 2009”, triển lãm báo chí và các ấn phẩm văn hoá, các cuộc thi đấu thể thao truyền thống đầu xuân, các trò chơi dân gian, các hoạt động hướng về cội nguồn, thể thao, nghệ thuật quần chúng… diễn ra rộng khắp, sôi nổi từ cấp cơ sở; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần trong nhân dân lành mạnh, tiến bộ. Đồng thời, ngành văn hoá thông tin đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử ký vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá, tổ chức lễ hội sai quy định. Tiếp tục vận động xây dựng đời sống văn hoá ở các thôn làng, khu phố.
12. Lao động, thương binh và xã hội:
Trong tháng, các hoạt động thăm hỏi, trợ cấp, giúp đỡ trong dịp Tết được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Ngày 20/01/2009, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến thăm và chúc Tết cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Bình, đến thăm và tặng quà cho các gia đình thương binh, các mẹ già không nơi nương tựa và trẻ em mồ côi, tàn tật, trao tặng 25 triệu đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Thực hiện Quyết định số: 81/QĐ-TTg ngày 15/1/2009, Công điện số: 90/CĐ-TTg ngày 17/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo và Công văn số 300/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 14/1/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đề nghị chăm lo cho các thầy cô giáo nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu. Ngày 19/1/2009, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công điện chỉ đạo UBND các huyện, thành phố khẩn trương trích tạm ứng ngân sách địa phương để hỗ trợ kinh phí cho các hộ nghèo với mức 200.000 đồng/người (không vượt 1 triệu đồng/hộ); hỗ trợ cho các giáo viên mầm non ngoài biên chế với mức chung 200.000 đồng/người, trích từ ngân sách địa phương để hỗ trợ cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tại 10 xã vùng rẻo cao, biên giới là 100,2 triệu đồng. Đồng thời, UBND tỉnh đã trích từ ngân sách Trung ương hỗ trợ cho người nghèo với số tiền 30,092 tỷ đồng; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức trao 1.769 suất quà trị giá 397 triệu đồng cho các hộ nghèo, gia đình chính sách. Số tiền hỗ trợ được thực hiện đúng đối tượng và hoàn thành trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu năm 2009.
Được sự quan tâm của các tổ chức và cá nhân hảo tâm, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Bình phối hợp với tất cả bệnh viện trong toàn tỉnh tổ chức hỗ trợ bữa ăn miễn phí từ ngày 20/1/2009 đến 30/1/2009 (25/12 năm Mậu Tý đến 5/1 năm Kỷ Sửu) cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn đang điều trị tại các bệnh viện công lập trong toàn tỉnh với mức ăn 14.000 đồng/ngày.
Tỉnh đã xuất 2.000 tấn gạo trong số 3.000 tấn được Chính phủ hỗ trợ cho các huyện, thành phố để cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán (còn 1.000 tấn dự kiến sẽ phân bổ sau Tết), bình quân mỗi khẩu được cứu trợ 15 kg. Nhờ đó đã kịp thời ổn định đời sống dân cư, không để hộ, nhân khẩu thiếu đói, tạo điều kiện cho nhân dân đón Tết yên vui, đầm ấm.
13. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội:
- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới tiếp tục được giữ vững, ổn định. Các ngành chức năng đã tổ chức lực lượng, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm: ma tuý, mại dâm, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng… duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt ở vùng biên giới, đảm bảo cho nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, trong các ngày Tết vẫn xảy ra 05 vụ phạm pháp hình sự (giảm 6 vụ so với Tết năm trước), làm bị thương 08 người, thiệt hại tài sản 12 triệu đồng; một số ít trường hợp đốt pháo nổ vẫn xảy ra, đã xử lý 06 đối tượng mua bán và đốt pháo.
- An toàn giao thông: Do thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, nên số vụ tai nạn giao thông, nhất là dịp Tết giảm mạnh. Trong 5 ngày Tết, toàn tỉnh xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 24 người bị thương nhẹ, không có người chết (so cùng kỳ giảm 7 vụ và 9 người bị thương).
Tuy nhiên, trong dịp Tết đã xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa đặc biệt nghiêm trọng tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch làm 42 người chết và xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh làm 03 người chết. Nguyên nhân ban đầu được xác định là các chủ đò chở quá tải, không tuân thủ các nguyên tắc an toàn giao thông đường thuỷ. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực tìm kiếm, cứu nạn và thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cho các gia đình có thân nhân bị tai nạn. Đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục hỗ trợ các gia đình. Đến nay, số tiền quyên góp, hỗ trợ cho các gia đình có thân nhân bị tai nạn được trên 1,2 tỷ đồng./.
Website UBND tỉnh Quảng Bình