1/ Tình hình chung:
Tháng 4 năm 2009 giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) ước đạt 55.469 tỷ đồng tăng 3,1% so với tháng 3 năm 2009 và tăng 5,4% so cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 4%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 9,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,1% so với cùng kỳ (trong đó dầu khí tăng 22,1%, các ngành khác tăng 0,7%).
Tính chung bốn tháng đầu năm 2009 GTSXCN ước đạt 208.991 tỷ đồng tăng 3,3% so với cùng kỳ (thấp hơn nhiều so với mức kế hoạch đề ra của cả năm là 16,5%), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,1%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 6,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3% (trong đó dầu khí tăng 15,8%, các ngành khác tăng 1,7%). Tính theo cấp quản lý: công nghiệp trung ương tăng 0,4%, công nghiệp địa phương tăng 4,5%.
Phân theo ngành kinh tế cấp I: công nghiệp khai thác tăng 8,8%, công nghiệp chế biến tăng 1%, công nghiệp điện, ga, nước tăng 5,9%.
Bốn tháng đầu năm 2009 các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có tăng trưởng gồm: dầu thô khai thác tăng 19,1%, khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 5,4%, khí hóa lỏng (LPG) tăng 4,6%, điện sản xuất tăng 5%, xi măng tăng 10,2%, thép tròn các loại tăng 2,5%, bia tăng 9,2%, thuốc lá điếu tăng 9,5%, vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 1,5%, giày dép ủng bằng giả da cho người lớn tăng 5,5%, xà phòng giặt tăng 12,2%, điều hoà nhiệt độ tăng 1,1%, tủ lạnh, tủ đá tăng 3,1%, tivi tăng 4,6%, nước máy thương phẩm tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước.
Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ có than sạch đạt 92,1%, thuỷ hải sản chế biến đạt 95,1%, sữa bột đạt 95,3%, đường kính đạt 87,3%,phân hóa học đạt 87,8%, dầu thực vật tinh luyện đạt 88,1%, vải dệt từ sợi bông đạt 76,3%, giày thể thao đạt 98,8%, quần áo mặc thường cho người lớn đạt 81,7%, sơn hoá học đạt 93,3%, lốp ô tô, máy kéo đạt 67,6%, lốp mô tô, xe máy, xích lô đạt 90,2%, săm đạt 78%, kính thuỷ tinh đạt 86,4%, gạch xây bằng đất nung đạt 96,8%, gạch lát ceramic đạt 71,9%, que hàn đạt 93,7%, máy giặt đạt 96,7%, bình đun nước nóng đạt 83,2%, biến thế điện đạt 73,5%, ô tô đạt 79,7% (riêng xe tải tăng 0,1%), xe máy đạt 94,8% so cùng kỳ.
Theo vùng lãnh thổ bốn tháng đầu năm 2009 nhiều tỉnh, thành phố chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có tăng trưởng gồm: Tp. Hà Nội tăng 3,9%; Hải Phòng tăng 7,1%; Quảng Ninh tăng 9%; Thanh Hóa tăng 4,2%; Khánh Hoà tăng 7,3%; Tp. Hồ Chí Minh tăng 2,8%; Bình Dương tăng 4,1%; Đồng Nai tăng 6,9%; Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 10,1%; Cần Thơ tăng 6,9%. Một số tỉnh, thành phố giảm so cùng kỳ gồm: Vĩnh Phúc đạt 84,8%; Hải Dương đạt 93,2%; Phú Thọ đạt 86,9%; Đà Nẵng đạt 89,3% so cùng kỳ.
Một số nhận xét về tình hình sản xuất kinh doanh công nghiệp:
- Trong bốn tháng đầu năm 2009, khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp tục tác động tiêu cực lên sản xuất công nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm nên đã cắt giảm sản xuất, cắt giảm số lượng người lao động ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người lao động và tình hình ổn định về kinh tế – xã hội nói chung.
- Về giá cả các sản phẩm công nghiệp như xi măng, sắt thép, xăng dầu đã giảm so với mức cao của năm 2008 nhưng do nhu cầu tiêu thụ thấp nên chỉ tăng trưởng thấp hoặc giảm so cùng kỳ. Việc tăng giá điện vào tháng 3/2009 với mức tăng từ 6,5-7% đối với điện sản xuất và 13% đối với điện sinh hoạt một mặt sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất điện, đồng thời tạo động lực để các hộ tiêu dùng điện áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện và tăng cường sản xuất trong giờ thấp điểm.
- Trong các tháng đầu năm các biện pháp kích cầu của Chính phủ, đặc biệt là chính sách bù lãi suất cho vay (giảm 4% so với lãi suất thị trường) đã giúp các doanh nghiệp trong nước vượt qua được khó khăn về huy động vốn và giảm áp lực về trả lãi vay hiện nay.
2. Về xuất nhập khẩu:
- Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu cả nước bốn tháng đầu năm 2009 ước đạt 18,6 tỷ USD xấp xỉ mức cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất khẩu đạt 6,42 tỷ USD giảm 8,5% so cùng kỳ.
Một số mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu gồm: dầu thô đạt 5,5 triệu tấn tăng 20,2%; than đá đạt 8,75 triệu tấn giảm 11%; hàng dệt may đạt gần 2,6 tỷ USD tăng 1,8%; hàng giày dép đạt 1,2 tỷ USD giảm 11%; hàng điện tử, vi tính và linh kiện đạt 707 triệu USD giảm 7%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 233 triệu USD giảm 7%; dây và cáp điện đạt 183 triệu USD giảm 43%; sản phẩm nhựa đạt 238 triệu USD giảm 11% so cùng kỳ; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 524 triệu USD; sắt thép và sản phẩm thép đạt 287 triệu USD; riêng đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt trên 2,5 tỷ USD (chiếm 13,6% kim ngạch xuất khẩu) tăng hơn 41 lần so với cùng kỳ.
- Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu cả nước 4 tháng đầu năm 2009 ước đạt 17,8 tỷ USD giảm 41% so cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhập khẩu đạt 6,3 tỷ USD giảm 30% so cùng kỳ.
Một số mặt hàng công nghiệp nhập khẩu chủ yếu gồm: xăng dầu các loại đạt gần 4,2 triệu tấn giảm 12%; phân bón đạt 1,5 triệu tấn giảm 9,5%; thép các loại đạt 2 triệu tấn giảm 77%; bông các loại đạt 54 nghìn tấn giảm 48%; sợi các loại đạt 140 nghìn tấn giảm 3%; ôtô nguyên chiếc đạt hơn 12,3 nghìn chiếc giảm 44%; linh kiện ôtô đạt 263 triệu USD giảm 50%; xe máy nguyên chiếc đạt hơn 43,5 nghìn chiếc giảm 30%; linh kiện xe máy đạt 127 triệu USD giảm 39%; chất dẻo nguyên liệu đạt 643 nghìn tấn tăng 6%; giấy các loại đạt 268 nghìn tấn giảm 32%, máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 3,36 tỷ USD giảm 27%.
Kim ngạch nhập khẩu cả nước trong quý I/2009 giảm chủ yếu là do giảm nhu cầu trong nước giảm cả về nguyên, nhiên liệu sản xuất (xăng dầu, phân bón, thép, bông, sợi, giấy các loại), máy móc thiết bị và phụ tùng, hàng tiêu dùng (ôtô, xe máy nguyên chiếc). Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến xuất khẩu, sản xuất và tiêu dùng của thị trường trong nước.
Trong 4 tháng đầu năm 2009, cán cân thương mại có xuất siêu với lượng xuất siêu đạt 802 triệu USD bằng 4% kim ngạch xuất khẩu (trong đó kim ngạch xuất khẩu kim loại quý, đá quý và sản phẩm đạt trên 2,5 tỷ USD vượt so với lượng xuất siêu).
3. Tình hình cụ thể một số ngành công nghiệp chủ yếu:
- Tháng 4/2009 sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 1,41 triệu tấn giảm 5% so với tháng 3/2009 nhưng tăng 22% so với cùng kỳ, tích lũy bốn tháng đầu năm dầu thô khai thác ước đạt 5,86 triệu tấn tăng 19,1% so với cùng kỳ. Lượng dầu thô xuất khẩu 4 tháng đạt 5,54 triệu tấn tăng 20,2% so cùng kỳ, tuy nhiên do giá xuất khẩu giảm (hiện chỉ khoảng 40-50 USD/thùng so với mức trên 100 USD vào năm trước) nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1,97 tỷ USD bằng 55% so với mức cùng kỳ. Về khí đốt thiên nhiên khai thác 4 tháng ước đạt 2,72 tỷ m3 tăng 5,4% so với cùng kỳ.
- Than đá sản xuất 4 tháng đầu năm ước đạt 13,4 triệu tấn giảm 8% so với cùng kỳ, lượng than xuất khẩu 4 tháng đạt 7,8 triệu tấn (bằng 58% lượng than sản xuất) giảm 11% so với cùng kỳ (điều này một phần do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tuy nhiên phù hợp với chủ trương hạn chế xuất khẩu than đá để dành cho các dự án nhiệt điện trong nước), về kim ngạch xuất khẩu đạt 389 triệu USD bằng 90% cùng kỳ.
- Điện sản xuất bốn tháng đầu năm đạt 24,6 tỷ kwh tăng 5% so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp so với các năm trước (thường ở mức 12-15%) chủ yếu do nhu cầu không tăng nhiều vì ảnh hưởng của việc cắt giảm đơn hàng và sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện như: luyện thép, hóa chất, dệt may, cơ khí. Trong các tháng đầu năm đã có một số nhà máy đầu tư nguồn điện đi vào sản xuất nâng công suất lên thêm 700 MW gồm: tổ máy số 1 thủy điện Buôn Kướp công suất 140 MW, nhiệt điện Ômôn công suất 300 MW, đuôi hơi nhiệt điện Nhơn Trạch 1 công suất 150 MW, tổ máy số 1 thủy điện sông Ba Hạ công suất 110 MW, tuy nhiên các dự án này mới ở giai đoạn chạy thử nghiệm nên tính ổn định chưa cao. Trong các tháng tới khả năng thiếu điện vẫn có thể xảy ra (ở mức 3-5%) nếu nhu cầu phụ tải tăng cao ở mức 13-14% so với cùng kỳ, nguyên nhân do đầu tháng 5/2009 cụm điện Cà Mau với công suất 1500 MW (chiếm khoảng 10% công suất khả dụng) có thể phải tạm dừng do nguồn cấp khí Tây Nam phải tạm dừng để bảo dưỡng, sửa chữa đường ống), đồng thời do lượng nước về các nhà máy thủy điện đạt mức thấp nên lượng điện cung cấp của các nhà máy thủy điện chỉ chiếm 22-23% tổng nhu cầu của hệ thống.
- Phân hóa học bốn tháng đầu năm sản xuất ước đạt 789 nghìn tấn giảm 12% so cùng kỳ. Lượng phân bón nhập khẩu đạt gần 1,5 triệu tấn giảm 9,5% so với cùng kỳ, về kim ngạch nhập khẩu ước đạt 466 triệu USD giảm 34% so cùng kỳ do giá nhập khẩu phân bón đã giảm đáng kể so với năm trước (hiện ở mức khoảng 400 USD/tấn so với mức 700-800 USD/tấn vào năm trước). Trong tháng 4/2009 đã khánh thành nhà máy sản xuất phân DAP đầu tiên tại Việt nam (Hải phòng) với công suất 330.000 tấn/năm góp phần chủ động được 50% loại phân bón này ở trong nước trong thời gian tới.
- Thép tròn các loại bốn tháng đầu năm sản xuất đạt 1,35 triệu tấn tăng 2,5% so cùng kỳ. Giá thép xây dựng trong nước hiện ở mức 10-11 triệu đồng/tấn, tiếp tục cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung quốc và các nước ASEANcó giá nhập khoảng 520-530 USD/tấn (lượng nhập khẩu tính từ đầu năm đến năm khoảng 150.000 tấn).
- Xi măng sản xuất trong nước tăng khá, bốn tháng đầu năm ước đạt 12,8 triệu tấn tăng 10,2% so cùng kỳ, giá xi măng trong nước ổn định ở mức 12 triệu đồng/tấn. Do lượng xi măng sản xuất tăng (với nhiều nhà máy tiếp tục hoàn thành đầu tư và đi vào sản xuất), trong khi nhu cầu trong nước chưa tăng tương ứng, vì vậy các nhà máy xi măng trong nước bắt đầu tìm kiếm thị trường xuất khẩu xi măng sang Châu Phi, Trung Đông và một số nước khác.
4. Về các giải pháp, kiến nghị:
- Chính phủ tiếp tục các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng đối với thị trường trong nước (như bù lãi suất cho vay đối với các dự án đầu tư có hiệu quả; tiếp tục triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng như đường bộ,đường bộ cao tốc, đường sắt nội đô, đường sắt cao tốc), tiếp tục hỗ trợ đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế.
- Các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế tiếp tục đầu tư các dự án công nghiệp trong điểm để đón đầu cho giai đoạn phục hồi của nền kinh tế thế giới như: điện, sắt thép, xi măng, phân bón, hóa chất, cơ khí.
- Doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm: đưa hàng về khu vực nông thôn, miền núi đối với thị trường trong nước với chính sách khuyến mại hợp lý; mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới như Châu Phi, Trung Đông, Nga và Đông Âu, ...
File đính kèm: CongnghiepT4.2009.pdf
Vụ Kinh tế công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư