1. Tình hình chung:
Tháng 9 năm 2008 giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) ước đạt 55.720 tỷ đồng tăng 0,1% so với tháng 8 và tăng 15,2% so cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 6,4%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 19,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,5% so với cùng kỳ (trong đó dầu khí giảm 9,8%, các ngành khác tăng 20,3%).
Chín tháng đầu năm 2008 GTSXCN ước đạt 493.196 tỷ đồng tăng 16% thấp hơn mức kế hoạch đề ra cho toàn ngành điều chỉnh năm 2008 (16,3%), trong đó khu vực quốc doanh tăng 6,4% và có tỷ trọng tiếp tục giảm trong GTSXCN cả nước (chiếm 23%), khu vực ngoài quốc doanh tăng 29,5% và có tỷ trọng so toàn ngành tiếp tục tăng chiếm 35,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,9% (trong đó dầu khí giảm 5,8%, các ngành khác tăng 20,4%) chiếm tỷ trọng 41,5% toàn ngành.
Về cơ cấu ngành cấp I: công nghiệp khai thác giảm 3,5% (do dầu thô giảm, than đá và khí thiên nhiên đều có mức tăng thấp) chiếm tỷ trọng 5,3%, công nghiệp chế biến tăng 17,5% chiếm tỷ trọng 89,2%, công nghiệp điện, ga, nước tăng 14% chiếm tỷ trọng 5,5% toàn ngành.
Chín tháng đầu năm các sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra cho toàn ngành điều chỉnh năm 2008 (16,3%) gồm: thuỷ hải sản chế biến tăng 24,6%; thức ăn cho gia súc, gia cầm tăng 17,2%, thức ăn cho thuỷ sản tăng 19,1%, sữa bột tăng 29,4%; quần áo các loại tăng 22,8%; xà phòng giặt các loại tăng 20,3%; sứ vệ sinh các loại tăng 27,6%; đá ốp lát thường tăng 48,7%; nhôm thanh, hình tăng 31,5%; bình ắc quy tăng 51%; bóng đèn compact tăng 102,9%; tủ lạnh, tủ đá tăng 26,7%; máy giặt tăng 38,2%; bình đun nước nóng tăng 25,1%; biến thế điện tăng 19,8%; tivi các loại tăng 23,9%; ô tô tăng 69,1% (trong đó: xe chở khách tăng 67,4%; xe tải tăng 72,2%) so cùng kỳ;
Một số sản phẩm có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhưng tăng trưởng thấp hơn kế hoạch toàn ngành như: than đá tăng 1,6%; khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 7,6%; dầu thực vật tinh luyện tăng 9,9%; đường kính tăng 5,5%; bia các loại tăng 15,8%; thuốc lá điếu tăng 2,9%; vải dệt từ sợi bông tăng 2,9%; giày thể thao tăng 14%; sơn hoá học các loại tăng 3,4%; lốp mô tô, xe máy, xích lô tăng 11,7%; gạch xây bằng đất nung các loại tăng 13,3%; gạch lát ceramic tăng 11,4%; xi măng tăng 10,9%; xe máy tăng 7,8%; tàu chở hàng bằng thép tăng 9,6%, điện sản xuất tăng 12,3%; điện thương phẩm tăng 14,3%; nước máy thương phẩm tăng 12,4% so cùng kỳ.
Một số sản phẩm giảm so cùng kỳ như: dầu mỏ thô khai thác đạt 92,4%; khí hoá lỏng (LPG) đạt 81,7%; vải dệt từ sợi tổng hợp đạt 94,3%; giày, dép các loại tăng 8,6%; phân hoá học đạt 98,2%; lốp mô tô, xe máy, xích lô đạt 96,9%; săm các loại đạt 93,6%; kính thuỷ tinh các loại đạt 97%; thép tròn các loại đạt 99%; que hàn đạt 99,3%; điều hoà nhiệt độ đạt 96,4%.
Theo vùng lãnh thổ chín tháng đầu năm các tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng GTSXCN so cùng kỳ bằng hoặc cao hơn kế hoạch đề ra cho toàn ngành điều chỉnh (16,3%) gồm: Hải phòng tăng 18%, Vĩnh Phúc tăng 32,6%, Hà Tây tăng 22,2%, Hải Dương tăng 16,3%, Bình Dương tăng 23,8%, Đồng Nai tăng 18,6%.
Một số tỉnh, thành phố chiếm tỷ trọng lớn đạt tỷ lệ tăng trưởng thấp so với kế hoạch toàn ngành hoặc giảm so cùng kỳ gồm: Hà Nội tăng 14%, Phú Thọ tăng 16,1%, Quảng Ninh tăng 13,7%, Thanh Hoá tăng 15,1%, Đà Nẵng tăng 13,6%, Khánh Hoà tăng 13,5%, Tp. Hồ Chí Minh tăng 12,8%, Cần Thơ tăng 15,1%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,6%;
Một số nhận xét về tình hình sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm:
- Trong tháng 9 giá một số nguyên liệu giảm như dầu thô giảm xuống dưới 100 USD/thùng (tuy nhiên đến thời điểm hiện nay giá dầu thô đã tăng lên 106 USD/thùng và có dấu hiệu tăng trở lại mức 130 USD thùng sau khi Chính phủ Mỹ hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tài chính hoạt động yếu kém nhằm tránh cuộc khủng hoảng kinh tế), phôi thép giảm xuống mức 850 USD/tấn,... dẫn đến việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước xuống (xăng A92 giảm xuống 17.000 đ/lít) và chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 có mức tăng rất ít 0,18% so với tháng 8, tuy nhiên cộng dồn 9 tháng chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 22,76% so với tháng 12/2007 gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Như vậy, tình hình giá cả từ bây giờ đến cuối năm vẫn có thể có những biến động khi giá dầu lại tăng cao trở lại.
- Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp có dấu hiệu chậm lại so với các tháng trước chỉ đạt 16% (các tháng trước ở mức 16,5%) do tác động của một số nguyên nhân như: giá nguyên vật liệu tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ, lãi suất ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cao (lãi suất cho vay ở mức 20-21%) và các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư, sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu tiếp tục gia tăng sau khi mức thuế nhập khẩu các mặt hàng (điện tử, thực phẩm chế biến,...) giảm xuống theo lộ trình hội nhập WTO.
- Theo loại hình kinh tế: khu vực kinh tế nhà nước tiếp tục có mức tăng trưởng thấp thể hiện khả năng cạnh tranh không cao của khu vực này, trong khi khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục có mức tăng trưởng cao.
- Theo cơ cấu ngành công nghiệp: công nghiệp khai thác có tốc độ tăng trưởng thấp do việc hạn chế về trữ lượng của các mỏ dầu đang khai thác, trong khi các mỏ dầu mới phát hiện có trữ lượng không lớn, than khai thác tăng trưởng chậm do chủ trương không khuyến khích xuất khẩu mặt hàng này (để tài nguyên cho công nghiệp điện vào những năm sắp tới).
- Về vùng lãnh thổ: một số địa phương có tỷ trọng cao trong GTSXCN cả nước như Hà nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bà rịa - Vũng Tàu có mức tăng trưởng không cao hoặc giảm so cùng kỳ.
2. Tình hình cụ thể các ngành:
- Điện: chín tháng đầu năm 2008 điện sản xuất đạt 55,6 tỷ kwh tăng 12,3%, điện thương phẩm đạt 49,5 tỷ kwh tăng 14,3% so cùng kỳ.
- Dầu thô: Dầu thô khai thác đạt 10,7 triệu tấn giảm 7,6% so cùng kỳ. Khí thiên nhiên đạt 5,58 tỷ m3 tăng 7,6% so cùng kỳ.
- Than sạch khai thác: đạt 31,2 triệu tấn tăng 1,6% so cùng kỳ.
- Thép tròn các loại: đạt 2,81 triệu tấn giảm 1% so cùng kỳ.
- Xi măng: đạt 26,5 triệu tấn tăng 10,9% so cùng kỳ.
- Bia: đạt 1,4 tỷ lít tăng 15,8% so cùng kỳ.
- Vải dệt từ sợi bông: đạt 187 triệu m2 tăng 2,9%, vải dệt từ sợi tổng hợp đạt 525,8 triệu m2 giảm 5,7% so cùng kỳ.
3. Về xuất nhập khẩu:
a. Xuất khẩu:
Chín tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 48,5 tỷ USD tăng 39% so cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ yếu gồm: dầu thô đạt 10,1 triệu tấn giảm 9,3%; than đá đạt 17 triệu tấn giảm 27,7%; hàng dệt may đạt 6,8 tỷ USD tăng 20,2%; hàng giày dép đạt 3,4 tỷ USD tăng 18,2%; sản phẩm gỗ đạt 2 tỷ USD tăng 19,5%; hàng điện tử, vi tính và linh kiện đạt 1,9 tỷ USD tăng 25,5%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 595 triệu USD tăng 29,6%; dây và cáp điện đạt 733 triệu USD tăng 18%; sản phẩm nhựa đạt 674 triệu USD tăng 34,3%; xe đạp và phụ tùng đạt 66 triệu USD tăng 9,5% so cùng kỳ.
b. Nhập khẩu:
Chín tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt 64,4 tỷ USD tăng 48,3% so cùng kỳ. Nhập siêu 9 tháng ước đạt 15,8 tỷ USD bằng 32,2% kim ngạch xuất khẩu. Một trong những nguyên nhân nhập siêu cao là do việc tăng nhập khẩu các nguyên vật liệu cho sản xuất trong nước như: linh kiện ôtô, thép các loại, bông các loại, hoá chất các loại, linh kiện máy tinh và điện tử; thiết bị và phụ tùng cho các dự án công nghiệp lớn.
Một số mặt hàng công nghiệp nhập khẩu chủ yếu gồm: ôtô nguyên chiếc đạt trên 45,8 nghìn chiếc tăng 180,1%; linh kiện ôtô đạt gần 1,2 tỷ USD tăng 110,9%; linh kiện xe máy đạt 469 triệu USD tăng 14,1%; xăng dầu các loại đạt 10,4 triệu tấn tăng 10,2%; phân bón đạt 2,6 triệu tấn tăng 0,4% (trong đó phân urê đạt 634 nghìn tấn tăng 37,8%); thép các loại đạt 7 triệu tấn tăng 27,9% (trong đó phôi thép đạt trên 2 triệu tấn tăng 31,9%); giấy các loại đạt 698 nghìn tấn tăng 14,1%; bông các loại đạt 221 nghìn tấn tăng 33,9%; sợi các loại đạt 313 nghìn tấn tăng 2%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 10,5 tỷ USD tăng 35,4%; tân dược đạt 614 triệu USD tăng 21,6%; hóa chất các loại đạt hơn 1,4 tỷ USD tăng 41,9%; chất dẻo nguyên liệu đạt hơn 1,3 triệu tấn tăng 13,9%; vải các loại đạt 3,3 tỷ USD tăng 15,1%; nguyên liệu dệt may da đạt 1,8 tỷ USD tăng 15,2%; máy tính và linh kiện điện tử đạt 2,6 tỷ USD tăng 31% so cùng kỳ.