I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 11 VÀ 11 THÁNG ĐẦU NĂM 2010
1. Tình hình phát triển ngành du lịch
Trong tháng 11 tình hình du lịch trong nước có phần trầm lắng hơn so với tháng 10 do Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã kết thúc. Tuy nhiên chúng ta lại có một số tin vui cho ngành du lịch nói riêng và Việt Nam nói chung như: UNESCO đã chính thức công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn là di sản văn hoá phi thể đại diện của nhân loại; công ty Visa International đã tổ chức họp báo công bố khảo sát xu hướng du lịch châu Á – Thái Bình Dương trong đó Việt Nam được công nhận là điểm du lịch hàng đầu trong khu vực;tạp chí New York Times cũng ghi tên Côn Đảo vào danh sách những điểm đến ấn tượng nhất Đông Nam Á.
Ngoài ra trên khắp các địa phương cả nước cũng diễn ra một số hoạt động nhằm kích cầu du lịch như: tại Hà Nội đã tổ chức Festival cầu Long Biên diễn ra vào ngày 21/11 hay Dấu ấn Thăng Long – Hà Nội và Tuổi trẻ với Di sản văn hoá Việt Nam; tại ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh diễn ra những ngày văn hoá Nga tại Việt Nam từ ngày 15 – 22/11; tại Sóc Trăng đồng bào Khmer tổ chức lễ Kathina...
Bên cạnh đó để thu hút khách du lịch quốc tế Việt Nam, hãng hàng không Việt Nam Airlines cũng khai trương rất nhiều đường bay mới như: khai thác tuyến bay mùa đông Nhật Bản – Đà Nẵng – thành phố Hồ Chí Minh; tuyến bay Hà Nội – Warsaw; tuyến bay Việt Nam – Domodedovo…
Tiếp đến chúng ta cũng tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch ở trong và ngoài nước như: quảng bá du lịch Việt Nam trên các tạp chí Traveller + Leisure Southeast Asia, tạp chí CNN traveller, quảng bá vẻ đẹp đất nước Việt Nam ở Morocco; tham dự liên hoan ẩm thực chấu Á ở Bangkok (Thái Lan); xúc tiến du lịch thành phố Hồ Chí Minh tại Myanma…
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2010 ước đạt gần 390.000 lượt khách, giảm 10% so với tháng trước và tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tổng số khách trong 11 tháng đạt hơn 4,4 triệu lượt tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các thị trường khách đều có sự tăng trưởng khá. Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong tháng 11/2010 chủ yếu từ một số thị trường như: Mỹ, Úc, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp…
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 chủ yếu vẫn bằng đường hàng không, tiếp đến là đường bộ và đường biển.
Xét theo mục đích chuyến đi, số lượng khách du lịch chủ yếu đi theo mục đích nghỉ ngơi, du lịch, tiếp đến là khách du lịch đi theo mục đích thăm thân nhân và cuối cùnglà khách đi theo mục đích công việc.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 11 năm 2010 đạt 6,45 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 3,25 tỷ USD.
11 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 64,3 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 30,3 tỷ USD, tăng 40,3% và chiếm 47,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xét về giá trị tuyệt đối, xuất khẩu của khu vực FDI (không kể dầu thô) 11 tháng đầu năm 2010 ước tăng 8,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2009; trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước tăng 12,7 tỷ USD. Như vậy, có thể nói trong 11 tháng đầu năm 2010 tăng trưởng xuất khẩu của cả nước phần lớn là do sự tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI.
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu 11 tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt gần 7,3 triệu tấn, giảm 42,2% về lượng và giảm 22,6% về kim ngạch; than đá 16,5 triệu tấn, giảm 26,8% về lượng và tăng 12,2% về kim ngạch; dệt may 10 tỷ USD, tăng 22,6%; da giày 4,5 tỷ USD, tăng 25,3%; sản phẩm gỗ 3 tỷ USD, tăng 33,1%; linh kiện điện tử 3,2 tỷ USD, tăng 28,6%; thuỷ sản 4,5 tỷ USD, tăng 16,3%; gạo 6,2 triệu tấn, tăng 10,5% về lượng và 15,8% về kim ngạch; cà phê hơn 1 triệu tấn, tăng 1,4% về lượng và tăng 2,3% về kim ngạch; sắn và sản phẩm sắn 1,5 triệu tấn giảm51,4% về lượng và giảm 10,8% về kim ngạch ... Đến hết tháng 11/2010, ước tính đã có 15 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD gồm dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, máy vi tính và linh kiện, đá quý kim loại quý và sản phẩm, cà phê, sắt thép và sản phẩm, than đá, cao su, hạt điều, dây điện và dây cáp điện; tăng 1 mặt hàng so với tháng trước là hạt điều. Như vậy, so với cùng kỳ, số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD đã tăng lên 3 mặt hàng là hạt điều, sắt thép và sản phẩm, dây điện và dây cáp điện.
Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đã góp phần vào sự tăng trưởng xuất khẩu của 11 tháng đầu năm: giá hạt điều tăng 21,1%, chè các loại tăng 11,1%, hạt tiêu tăng 39,8%, gạo tăng 4,9%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 82,8%, than đá tăng 50,9%, dầu thô tăng 33,8%, cao su tăng 81,1%. Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 3,1 tỷ USD. Như vậy, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm tăng 18,5% so với cùng kỳ.
Trong 11 tháng đầu năm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu ở các thị trường Châu Á tăng trưởng 30,6% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng khoảng 46,7%; xuất khẩu sang Châu Mỹ tăng trưởng 26,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng khoảng 23,3%; xuất khẩu sang Châu Âu tăng trưởng 18,5% và chiếm tỷ trọng ước đạt 21%.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 11 năm 2010 ước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 5,4% so với tháng trước. Nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,45 tỷ USD.
11 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 74,9 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 32,5 tỷ USD, tăng 40,3% và chiếm 43,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 11 tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm 2009 như sau: xăng dầu 8,7 triệu tấn, giảm 26,2% về lượng và giảm 4,3% về kim ngạch; thép các loại 8 triệu tấn, giảm 10,2% về lượng và tăng 14,7% về kim ngạch; phân bón 2,9 triệu tấn, giảm 26,7% về lượng và giảm 21,3% về kim ngạch; giấy các loại 927 nghìn tấn, giảm 1,1% về lượng và tăng 19,9% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 2,16 triệu tấn, tăng 7,7% về lượng và tăng tới 33% về kim ngạch, máy móc thiết bị 12,1 tỷ USD, tăng 7,7%, máy tính và linh kiện 4,6 tỷ USD, tăng 31,5%, vải 4,8 tỷ USD, tăng 26,2%, nguyên phụ liệu dệt may 2,4 tỷ USD, tăng 36,4%...
Cũng như xuất khẩu, giá nhập khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng đều tăng là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như: giá xăng dầu các loại tăng 29,9%, khí đốt hóa lỏng tăng 33,8%, chất dẻo nguyên liệu tăng 3%, sợi các loại tăng 23,4%, phôi thép tăng 27,6%, kim loại thường tăng 33,8%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng hơn 4,7 tỷ USD.
11 tháng đầu năm 2010, kim ngạch nhập khẩu từ Châu Á tăng 21% và chiếm tỷ trọng ước đạt 78,7%. Việt Nam vẫn nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc 11 tháng đầu năm ước đạt khoảng 17,7 tỷ USD, tăng tới 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái, và chiếm gần 25% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
2.3. Nhập siêu
Ước nhập siêu tháng 11 là 1,25 triệu USD, chiếm 19,4% kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu 11 tháng đầu năm ước tính đạt 10,7 tỷ USD, bằng 16,6% kim ngạch xuất khẩu. Nếu không tính kim ngạch xuất khẩu vàng, nhập siêu 11 tháng đầu năm là 13,5 tỷ USD, chiếm hơn 21%.
Xét theo khối doanh nghiệp, thâm hụt thương mại chủ yếu rơi vào khu vực các doanh nghiệp trong nước với 8,5 tỷ USD, chiếm 79,4% thâm hụt thương mại của cả nước. Các doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) chỉ thâm hụt 2,2 tỷ USD, chiếm 20,6%.
Mức thâm hụt thương mại của Việt Nam với Châu Á gần bằng mức kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, ước đạt khoảng 29 tỷ USD. Trong khi thặng dư thương mại với thị trường Châu Mỹ và Châu Âu trong 11 tháng đầu năm ước lần lượt là 9,8 tỷ và 6,1 tỷ USD.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Dự kiến tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 11/2010 đạt khoảng 141.046 tỷ đồng, tăng 1,94% so với tháng 10/2010. Như vậy sau 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá cả nước ước đạt 1.425.170 tỷ đồng, tăng 24,96% so với cùng kỳ năm trước.
Tính cả 11 tháng đầu năm 2010, trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 50,8%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 34,7% và 10,4%. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,1%.
(Theo số liệu của Tổng Cục thống kê)
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng Cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2010 tăng cao ở mức 1,86% so với tháng 10/2010, đưa CPI 11 tháng đầu năm 2010 tăng 9,58% so với tháng 12/2009.
Trong tháng 11/2010, chỉ có duy nhất nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông giảm nhẹ so với tháng trước (0,03%). Các nhóm hàng có tốc độ tăng giá cao gồm có: nhóm giáo dục -nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá tháng 10 tăng cao thì chỉ tăng thấp nhất trong các nhóm hàngvới mức 0,23%. Thay vào đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh ở mức 3,45% (riêng lương thực tăng cao tới 6,2%) và nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,74%. Các nhóm hàng còn lại đều tăng, dao động từ 0,29% đến 0,99%.
(Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê)
3.3. Tình hình cung – cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Giá dầu thô liên tục tăng từ đầu tháng 11/2010 và đã phá vỡ khoảng giá 70 – 85 USD/thùng. Ngày 11/10/2010 giá dầu thô WTI đã lên tới 88,63 USD/thùng, là mức cao nhất trong 2 năm qua kể từ ngày 9/10/2008 khi giá đạt tới 89,82 USD/thùng. Nguyên nhân dầu thô tăng giá mạnh chủ yếu là đồng đôla Mỹ mất giá khi Cục dự trữ liên bang Mỹ bơm thêm 600 tỷ đô la vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra các số liệu tích cực của kinh tế Mỹ và thế giới cũng ảnh hưởng tăng giá dầu do dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng thêm. Bên cạnh đó, số liệu báo cáo của EIA về tồn kho dầu các loại của Mỹ giảm mạnh, số liệu nhu cầu dầu của Trung quốc tăng vọt trong tháng 10/2010 làm tăng nhu cầu về dầu thô và góp phần đẩy giá dầu lên cao. Tuy nhiên kể từ đó, giá dầu giảm giá liên tục về mức giá của tháng 10 là khoảng 82 USD/thùng.
Thị trường trong nước:
Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý và vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất vừa ký hợp đồng phân phối với 4 đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn là Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petech) và Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco). Điều này có thể được xem là đã giải quyết được vấn đề tồn đọng xăng dầu tại nhà máy lọc dầu Dung Quất được nói đến từ hơn một tháng nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết họ còn gặp một số bất lợi khi phải mua xăng dầu trong nước thay vì nhập khẩu, như là lợi nhuận có thể giảm do phải mua USD với tỉ giá cao hơn.
Mặc dù tháng 11 giá dầu thế giới có sự tăng mạnh mẽ, nhưng giá xăng dầu trong nước không tăng do có sự quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiềm chế các doanh nghiệp xăng dầu tăng giá. Quỹ bình ổn xăng dầu chưa tỏ ra có hiệu quả trong việc giảm áp lực tăng giá cho doanh nghiệp. Từ giữa tháng 11 giá dầu thế giới liên tục giảm đã giúp giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 11 ước đạt 500 triệu tấn, với trị giá khoảng 355 triệu USD; tính cả 11 tháng đầu năm 2010, ước đạt 8.682 triệu tấn, trị giá khoảng 5.466 triệu USD, giảm 26,2% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái và đạt xấp xỉ 74,8% kế hoạch năm 2010.
b) Sắt thép
Bước sang đầu tháng 11, giá thép trên thị trường thế giới bắt đầu tăng do nhu cầu tăng. Giá phôi Biển Đen, FOB, dao động trung bình từ 550 – 560 USD/tấn, tăng 20 USD so với tuần cuối tháng 10. Nhu cầu phôi thép đã tăng trở lại từ thị trường Trung Đông và châu Phi và mạnh nhất là Iran. Thị trường phôi dù đã có tín hiệu hồi phục nhưng những người tham gia thị trường cho rằng đà tăng là rất mong manh và giá tăng thời gian qua chủ yếu bởi các nhà sản xuất đẩy lên chứ không phải bởi nhu cầu. Tiêu thụ thép hiện vẫn yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hồi phục chậm. Theo dự đoán của nhiều nhà phân tích, giá thép sẽ biến động đi lên trong phần còn lại của năm nay bởi chi phí sản xuất, bao gồm cả quặng sắt tăng.
Cùng với sự tăng giá trên thị trường thế giới, giá thép trên thị trường Việt Nam cũng có sự tăng nhẹ với mức tăng từ 200-400 đồng/kg tùy loại thép. Nhu cầu thép xây dựng tăng cao nên giá thép xây dựng trong 2 tuần cuối tháng 11 tăng liên tục gần 1 triệu đồng/tấn. Nhu cầu phôi nhập khẩu giảm vì các nhà cán lại đã quay về dùng phôi sản xuất trong nước với giá 12,6 triệu đồng/tấn (600 USD/tấn), còn nếu được chiết khấu, giá là 12,4-12,5 triệu đồng/tấn (590-595 USD/tấn). Giá thép tấm bán lẻ 6mm;8mm,10mmkhổ1500mmx6mm (tính barem) ở TP HCM cuối tháng lên ở mức 13.800 đồng/kg tăng 200-300 so với hồi đầu tháng. Riêng 12 mm đang ở mức giá 13.800-13.900 đồng/kg. Giá cho các loại hàng tấm mỏng 3mm,4mm,5mm ở mức 14.200-14.300 đồng/kg và cho loại hàng 18-25 giá khoảng 14.000-14.730 đồng/kg. Giá hàng cuộn chính phẩm sau khi được chốt hơn 1000 tấn với giá 13.800 đã được nâng lên mức giá 13.900 đến 14.000 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 10/2010 đạt 998 nghìn tấn, ước tháng 11 đạt 800 nghìn tấn, giảm 19,8% về lượng so với tháng 10/2010 và đạt trị giá 578 triệu USD; tính cả 11 tháng đầu năm ước đạt 8.025 nghìn tấn, giảm 11,2% về lượng so với cùng kỳ năm 2009.
c) Xi măng
Tháng 11, do đang vào mùa xây dựng cuối năm các công trình xây dựng đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án, dự kiến nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tăng khoảng 10% so với tháng 10/2010, ước đạt khoảng 4 triệu tấn.
Trên thị trường: giá bán xi măng tại các đại lý trong cả nước nhìn chung tăng nhẹ so với tháng 10. Tại phía Bắc ở mức 970.000 - 1.170.000 đồng/tấn, tại phía Nam giao động tại mức 1.260.000 - 1.360.000 đồng/tấn.
Dự báo trong tháng 12, giá xi măng có thể tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ xi măng cuối năm tăng, trong khi nguồn cung ổn định.
d) Phân bón
Tiếp tục xu hướng trong tháng 10, giá phân bón trên thị trường quốc tế trong tháng 11 tiếp tục tăng, đặc biệt là phân ure. Một mặt, do nhiều nước đang gia tăng sản lượng lương thực nên nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng cao, mặt khác, nước xuất khẩu phân bón lớn như Trung Quốc giảm sản lượng (nhằm đẩy mạnh nguồn cung đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và giảm giá một số hàng hóa).
Tại thị trường trong nước:
Nhu cầu tiêu thụ phân bón bắt đầu tăng do đã bước vào vụ Đông, bên cạnh đó, giá phân bón trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng, cùng với việc lo ngại về khả năng thiếu cung, nên giá phân bón trong nước nhìn chung tăng so với tháng 10. Trung tuần tháng 11, giá phân bón tại một số địa phương biến động như sau: tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh, giá phân ure tăng cao tới 700 đ/kg (tương đương tăng 8,97%) đạt 8.500 đ/kg, trở thành thị trường có mức giá Ure cao nhất cả nước, tại thị trường Hà Nội giá Ure cũng tăng 600 đ/kg đạt 8.200 đ/kg; hai thị trường Cần Thơ và Đà Nẵng đều có mức tăng 350 đ/kg (tương đương tăng 4,58%) so với mức trung bình tuần trước lên tới 8.000 đ/kg.
Do chủ trương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, nên lượng phân bón nhập khẩu trong tháng tăng đột biến so với tháng 10. Tháng 11, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 430 nghìn tấn với trị giá 163 triệu USD (trong đó phân ure là 130 nghìn tấn và trị giá 50 triệu USD), tăng 37,4% so với tháng 10/2010 (trong đó ure tăng 165,3%); tính cả 11 tháng đầu năm, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 2.923 nghìn tấn với trị giá 980 triệu USD (trong đó phân ure ước đạt 766 nghìn tấn, trị giá 240 triệu USD), giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2009 và đạt 81,2% kế hoạch năm 2010.
II. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2010
1. Về phát triển ngành du lịch
- Tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, Việt Nam là một điểm đến an toàn thân thiện đối với bạn bè quốc tế cần đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: CNN, BBC, Discovery...
- Để thu hút được khách du lịch trong thời gian tới Việt Nam cần thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá đối với các Tour du lịch, vấn đề này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan như: vận tải hàng không, hàng hải, khách sạn nhà hàng...
- Xu hướng khách du lịch bằng đường biển đến Việt Nam ngày càng tăng, khách du lịch bằng đường biển thường là khách có mức chi tiêu cao, do đó cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt đối với các đối tượng khách du lịch này về visa, thời gian lưu trú trên bờ, khoảng cách được phép đi sâu vào nội địa...
- Cải cách các chính sách về xuất nhập cảnh, thủ tục xe ô tô du lịch qua biên giới cần thông thoáng hơn nữa để thúc đẩy phát triển mạnh khách du lịch thông qua con đường này.
2. Một số giải pháp điều hành xuất nhập khẩu
a. Đẩy mạnh xuất khẩu
- Nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định xã hội.
- Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng không hạn chế về khả năng sản xuất, dùng nhiều nguyên liệu trong nước. Tăng nguồn kinh phí cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
- Khai thác chiều sâu, chiều rộng thị trường truyền thống cùng với thị trường có chung biên giới. Ðẩy mạnh công tác thông tin, dự báo với thị trường ngoài nước, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí. Mở rộng đối tượng thụ hưởng tín dụng từ Ngân hàng Phát triển.
b. Kiểm soát nhập siêu
- Nhằm kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu cần triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
-Dự báo, trong thời gian tới, giá dầu và các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất vẫn có khả năng tăng, do vậy, cần theo dõi sát sao diễn biến các thị trường này để có các chính sách chỉ đạo, điều hành kịp thời.
- Tăng cường công tác kiểm tra thị trường vào những tháng cuối năm nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm về niêm yết giá hàng hóa, tự ý đẩy giá lên cao, găm hàng... đặc biệt là đối với các hàng hóa thiết tại các thành phố lớn và các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai.
- Sở Công thương các tỉnh, thành phố cần đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực chuẩn bị hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng phục vụ cho nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong tháng cuối năm, cũng như chuẩn bị cho tết Tân Mão; tránh tình trạng thiếu cung gây sốt giá, tạo điều kiện cho các tiểu thương tăng giá bất hợp lý.
- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phiên chợ Việt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện và nhân rộng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kết hợp với các chương trình giảm giá, khuyến mại hợp lý nhằm kích thích tiêu dùng nội địa trong tháng cuối năm.
3.2. Đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Bộ Công Thương đánh giá lại về cơ chế hoạt động và tính hiệu quả của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
- Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu tại các khu vực nhằm đảm bảo bình ổn thị trường trên hai khía cạnh quan hệ cung - cầu và giá cả.
- Cơ quan chức năng nghiên cứu về những vấn đề được doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nêu ra, liên quan đến tỷ giá mua USD, khi doanh nghiệp mua xăng dầu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất.
b) Sắt thép
- Cơ quan chức năng phối hợp thực hiện các biện pháp tránh để giá thép trong nước tăng quá cao, gây ảnh hưởng lớn tới tỉ lệ lạm phát, đặc biệt trong tháng cuối năm.
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước, cũng như khuyến khích các công ty ngoài quốc doanh xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian, nhằm hạ giá thành sản phẩm.
c) Xi măng
- Điều tiết tốt lượng clinker và xi măng giữa hai miền Nam – Bắc, đảm bảo cân bằng cung – cầu ở các khu vực, không để xảy ra tình trạng sốt giá cục bộ trong tháng cao điểm xây dựng cuối năm.
- Bộ Công Thương cần chỉ đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục cung cấp đủ than và điện cho các nhà máy xi măng hoạt động, đảm bảo nguồn cung xi măng cho thị trường.
d) Phân bón
-Đánh giá nhu cầu tiêu thụ phân bón phục vụ cho vụ Đông của cả nước, đồng thời rà soát kỹ khả năng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, từ đó đưa ra phương án nhập khẩu phân bón phù hợp, nhằm đảm bảo nguồn cung và không để giá phân bón tăng cao.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu phân bón lớn phân phối phân bón hợp lý cho các địa phương, tránh tình trạng mất cân đối cung – cầu và sốt giá cục bộ tại một số địa phương.
- Cục Quản lý thị trường cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an kinh tế nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các đường dây sản xuất phân bón giả gây thiệt hại cho người nông dân, nhà sản xuất./.
File đính kèm: Bao cao thang 11 Vu KTDV.pdf
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư