I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tình hình thế giới
Bước sang tháng 5/2010, kinh tế thế giới vẫn đang diễn ra những xu hướng trái chiều, bên cạnh những tín liệu lạc quan là những quan ngại về các nguy cơ đổ vỡ tài chính mới. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Mỹ mà không tạo ra lạm phát cao đã khiến nhiều chuyên gia tin tưởng hơn vào khả năng phục hồi của cường quốc kinh tế số một này. Bên cạnh đó, Nhật Bản và Trung Quốc đều duy trì được đà phục hồi, là mảng sáng trong bức tranh kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tình hình tài chính của Hy Lạp cũng như khả năng khủng hoảng nợ công lan rộng tới các nước thuộc EU như Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... đang là những mối lo mới cho kinh tế thế giới. Mặc dù gói giải cứu trị giá 110 tỷ Euro cho Hy Lạp đã được IMF và EU thông qua hồi đầu tháng, nhưng vẫn chưa cải thiện được niềm tin đối với thị trường, khiến cho đồng Euro liên tục mất giá so với đồng Đô la Mỹ, đồng thời gây ra những diễn biến trái chiều của các thị trường vàng, dầu thô và ngoại tệ.
2. Tình hình trong nước
Tình hình kinh tế nước ta từ đầu năm 2010 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, kinh tế vẫn trên đà phục hồi và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2009. GDP tăng trưởng khá (GDP quý I/2010 đạt 5,8% cao hơn mức 3,1% cùng kỳ năm 2009), trong đó cả 3 khu vực dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp đều đạt được kết quả tốt, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Thu hút đầu tư nước ngoài đã đi vào chất lượng, số lượng dự án đầu tư có giảm so với cùng kỳ năm 2009, tuy nhiên tăng 58,5% về tổng vốn đầu tư. Tốc độ giải ngân vốn FDI và ODA cũng tăng so với cùng kỳ năm trước, góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển.
Mặc dù vậy, vẫn còn những hạn chế trong tăng trưởng như chỉ số giá tiêu dùng tuy đã được kiểm soát nhưng còn thiếu tính ổn định; tình hình xuất khẩu được cải thiện nhưng nhập siêu còn duy trì ở mức cao (4 tháng đầu năm nhập siêu bằng 23,1% tổng kim ngạch xuất khẩu). Bên cạnh đó vẫn là những tác động của nền kinh tế thế giới khiến thị trường một số hàng hóa quan trọng diễn biến phức tạp như thị trường vàng, ngoại tệ, dầu thô; các mặt hàng nguyên liệu sản xuất công nghiệp như phôi thép, quặng… Chính vì vậy, để đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, trong những tháng còn lại đòi hỏi nỗ lực trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/4/2010 về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2010
1. Tình hình phát triển ngành du lịch
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, do có đợt nghỉ kéo dài nên số lượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài và các địa danh du lịch nổi tiếng trong nước khá lớn, đặc biệt là ở hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng khách du lịch nội địa tăng đột biến ở các khu du lịch quen thuộc, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc, tình trạng quá tải đã diễn ra ở một số địa điểm như: Cát Bà, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn... giá tour tăng từ 20 - 30% một phần do giá xăng dầu, phương tiện vận chuyển và một số dịch vụ liên quan tăng. Đối với các Tour du lịch đi Hạ Long, Sapa, Cửa Lò, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết... số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đăng ký tăng gấp đôi ngày thường. Tháng 5 cũng là tháng bắt đầu các hoạt động du lịch sôi nổi do thời gian này bắt đầu vào giai đoạn mùa hè và là thời điểm thuận lợi để đi du lịch.
Trong tháng 5 nhiều hoạt động sôi nổi cũng diễn ra trên khắp cả nước như: lễ kỷ niệm 120 năm sinh nhật Bác Hồ diễn ra tại Nghệ An. Cũng trong dịp này, lễ hội làng Sen và Liên hoan tiếng hát làng Sen cũng được tổ chức từ ngày 15 – 19/5 tại huyện Nam Đàn và thành phố Vinh. Tại Đà Nẵng, festival Làng nghề Việt – Đà Nẵng 2010 đã chính thức khai mạc tối 19/5/2010 tại Công viên 29/3 với chủ đề “Hội tụ và phát triển”. Festival đã thu hút trên 60 làng nghề truyền thống ở cả ba miền và trên 100 gian hàng thương mại tiểu thủ công mỹ nghệ. Tại Thái Nguyên, tối ngày 18/5/2010 đã khai mạc tuần văn hoá các dân tộc Việt Nam, trong khuôn khổ tuần lễ có các hoạt động như: hội chợ, hội thảo, giao lưu ẩm thực các vùng miền, biểu diễn văn hoá nghệ thuật dân gian, trình diễn trang phục dân tộc... Ngoài ra, chúng ta cũng có những hoạt động xúc tiến du lịch: tuần lễ Việt Nam tại thành phố du lịch Acapunco của Mêhicôdiễn ra từ ngày 19 – 28/5/2010. Tuần lễ sẽ bao gồm nhiều hoạt động như: khai mạc triển lãm ảnh về đất nước và con người Việt Nam, giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, hội thảo, ký biên bản ghi nhớ về việc kết nghĩa giữa thành phố Hạ Long và Acapunco…
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 ước đạt 583.021 lượt khách, tăng hơn 35% so với cùng kỳ nămngoái, tổng số khách du lịch quốc tế trong 5 tháng ước đạt trên 2,3 triệu lượt khách. Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong 5 tháng chủ yếu từ một số thị trường như: Úc tăng 18,1% Canada tăng 12 % so với cùng kỳ năm mgoái, Malaysia tăng 11%,Mỹ 16%. Một số thị trường khách du lịch giảm như: Hàn Quốc giảm 7,1%, Nhật Bản giảm6%....
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng chủ yếu vẫn bằng đường hàng không, tăng 25 % so với tháng trước (do EU đã nới lỏng lệnh cấm bay), khách du lịch đi bằng đường bộ tăng 35%, khách du lịch đi bằng đường biển giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo mục đích chuyến đi, số lượng khách du lịch đi theo mục đích nghỉ ngơi, du lịch tăng 40% so với tháng trước, khách du lịch đi theo mục đích công việc tăng 5,2% so với tháng trước, khách du lịch đi theo mục đích thăm thân nhân tăng 12%.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 5 năm 2010 đạt 6,1 tỷ USD, tăng 14,4% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 2,45 tỷ USD. Nếu không kể kim ngạch xuất khẩu vàng, ước thực hiện xuất khẩu tháng 5 năm 2010 chỉ đạt 5,3 tỷ USD, giảm nhẹ so với tháng 4.
5 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 25,8 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 11,7 tỷ USD, tăng 39,1%.
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 3,4 triệu tấn, giảm 49,8% về lượng và giảm 17,4% về kim ngạch; than đá 8,6 triệu tấn, giảm 12,2% về lượng và tăng 34,5% về kim ngạch; dệt may 3807 triệu USD, tăng 17,1%; da giày 1784 triệu USD, tăng 7,7%; sản phẩm gỗ 1235 triệu USD, tăng 31,2%; linh kiện điện tử 1210 triệu USD, tăng 30,4%; thuỷ sản 1634 triệu USD, tăng 18,1%; gạo 2819 nghìn tấn, giảm 10,5% về lượng và giảm 3% về kim ngạch; cà phê 559 ngàn tấn, giảm 15,2% về lượng và 21% về kim ngạch, sắn và sản phẩm sắn giảm 51,3% về lượng và 11,3% về kim ngạch ... Như vậy, đến hết tháng 5/2010, ước tính đã có 8 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD là dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, máy vi tính và linh kiện, tăng 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm ngoái (số mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD của năm ngoái bao gồm cả vàng).
Kinh tế thế giới phục hồi sau khủng hoảng làm giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đã góp phần vào sự tăng trưởng xuất khẩu của 5 tháng đầu năm: giá hạt điều tăng 18,4%, chè các loại tăng 9%, hạt tiêu tăng 35%, gạo tăng 8,5%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 82%, than đá tăng 53%, dầu thô tăng 64%, cao su tăng 94%. Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 1,57 tỷ USD.
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu trong 5 tháng đầu năm là Mỹ (chiếm tỷ trọng ước đạt 20%), ASEAN (17%), EU (16%), Nhật Bản (11%) và Trung Quốc (9,5%).
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 năm 2010 ước đạt 6,85 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng trước. Nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2,95 tỷ USD.
5 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 31,2 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 13 tỷ USD, tăng 50,5%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 5 tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm 2009 như sau: xăng dầu 4386 nghìn tấn, giảm 23,5% về lượng và tăng 16,25% về kim ngạch; thép các loại 3311 nghìn tấn, tăng 6,7% về lượng và tăng 28,9% về kim ngạch; phân bón 1294 nghìn tấn, giảm 32,8% về lượng và giảm 33,7% về kim ngạch; giấy các loại 361 nghìn tấn, giảm nhẹ về lượng và tăng 23,3% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 887 nghìn tấn, tăng 8% về lượng nhưng tăng tới 50,5% về kim ngạch, máy móc thiết bị 4967 triệu USD, tăng 11,3%, máy tính và linh kiện 1743 triệu USD, tăng 39,1%...
Cũng như xuất khẩu, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao. Giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như: giá xăng dầu các loại tăng 52%, khí đốt hóa lỏng tăng 56,5%, chất dẻo nguyên liệu tăng 39,3%, sợi các loại tăng 33,6%, phôi thép tăng 23,9%, kim loại thường tăng 53%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng hơn 1,8 tỷ USD.
Các thị trường nhập khẩu chủ yếu 5 tháng đầu năm 2009 là Trung Quốc (tỷ trọng ước đạt 23%), ASEAN (20%), Hàn Quốc (10,5%), Nhật Bản (10,5%) và EU (8%).
Nhập siêu tháng 5 ở mức 750 triệu USD, bằng 12,3% kim ngạch xuất khẩu, mức thấp nhất kể từ đầu năm nay. Tuy nhiên, nếu không tính kim ngạch xuất khẩu vàng, nhập siêu tháng 5 là 1550 triệu USD, chiếm 29,2% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập siêu 5 tháng đầu năm ước tính đạt 5,37 tỷ USD, bằng 20,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nhập siêu từ Trung Quốc chiếm khoảng 75% tổng nhập siêu của cả nước.
2.3. Đánh giá chung về xuất nhập khẩu hàng hóa
- Nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh về lượng trong thời gian gần đây cho thấy sản xuất, xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng. Tuy nhiên, giá xuất khẩu sản phẩm công nghiệp tăng chậm hơn so với giá nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, giá bông tăng 25%, sợi tăng 33,6% nhưng giá mặt hàng dệt may xuất khẩu chỉ tăng 5-10%. Giá gỗ nguyên liệu tăng 25-30% nhưng giá xuất khẩu chỉ tăng 10%. Giá chất dẻo nguyên liệu tăng 39,3% nhưng giá sản phẩm nhựa chỉ tăng 20%...
- Lượng xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực có thống kê về lượng (chủ yếu là nông sản và khoáng sản) giảm mạnh làm cho kim ngạch giảm khoảng 1,8 tỷ USD. Trong khi sự tăng giá của các mặt hàng này góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu tăng gần 1,6 tỷ USD.
- Xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp đã có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2009. Đây là tín hiệu đáng mừng và là cơ sở để dự báo xuất khẩu năm nay sẽ tăng trưởng khá và bù đắp lại phần nào sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của nhóm nhiên liệu khoáng sản.
- Nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh hơn nhiều so với nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước, cụ thể trị giá nhập khẩu của khối này so với cùng kỳ 2009 tăng 4,36 tỷ USD, trong khi của doanh nghiệp trong nước chỉ tăng 2,79 tỷ USD. Nếu không tính dầu thô, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang nhập siêu 1,3 tỷ USD.
- Nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh chủ yếu ở nhóm các mặt hàng là nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, gồm sắt thép các loại, linh kiện điện tử vi tính, thức ăn gia súc và nguyên liệu, chất dẻo nguyên liệu, vải các loại...
- Nhập siêu vẫn chủ yếu từ các thị trường ở khu vực Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Còn đối với nền kinh tế phát triển khác như Mỹ, Úc và EU, Việt Nam lại đạt được mức thặng dư khá cao.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Dự kiến tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 5/2010 đạt khoảng 127.664 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng 4/2010. Như vậy sau 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá cả nước ước đạt 621.419 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 52,58%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 33,82% và 9,79%. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,76%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,05%.
(Theo số liệu của Tổng cục Thống kê)
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Sau mức tăng nhẹ 0,14% tháng 4/2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2010 tăng ở mức 0,27% so với tháng 4, với hầu hết các nhóm hàng hóa trên thị trường không có biến động đáng kể, bên cạnh đó là sự giảm giá của mặt hàng thép xây dựng sau một thời gian biến động mạnh.
Trong tháng 5/2010, có hai nhóm hàng giảm nhẹ so với tháng trước gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,12%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%. Nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có CPI tăng mạnh nhất là 1,46%, các nhóm hàng còn lại đều chỉ tăng nhẹ, dao động từ 0,07% đến 0,53%.
CPI tháng 5 đã đưa CPI 5 tháng đầu năm 2010 tăng 8,76% so với cùng kỳ năm 2009. Mặc dù mới đây, Chính phủ đã nới chỉ tiêu kiềm chế lạm phát cho năm 2010 lên 8%, tuy nhiên để đảm bảo thực hiện mục tiêu này vẫn đòi hỏi cần quyết liệt trong công tác điều hành thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa trong những tháng tiếp theo của năm 2010.
(Theo số liệu của Tổng cục thống kê)
3.3. Tình hình cung – cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
3.3.1. Xăng dầu
Tháng 5, thị trường dầu thô thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, do tác động của cú sốc thị trường chứng khoán Mỹ, sự lo ngại của giới đầu tư về tình hình tài chính của Hy Lạp cũng như gói giải cứu của EU và IMF đối với nước này làm giá đồng Euro giảm kỷ lục so với Đô la Mỹ, gây ra tác động mạnh tới các giao dịch dầu thô và khiến giá dầu thô trượt dài trong xu hướng giảm.Giá dầu thô đã liên tục sụt giảm, mất mốc 80 USD/thùng vào đầu tháng và tiếp tục đà giảm khi xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua, tại mức 69,41 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 19/5. Cho tới ngày 21/5/2010, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7 trên thị trường New York đóng cửa ở mức 70,04 USD/thùng, giá dầu Brent giao kỳ hạn tại London đạt 71,68 USD/thùng.
Thị trường trong nước:
Mặc dù giá dầu thô thế giới có xu hướng giảm, tuy nhiên giá mặt hàng xăng dầu các loại trong nước vẫn được duy trì ở mức: xăng A92 16.990 đồng/lít, xăng A95 17.490 đồng/lít, diasel 0,25S 14.850 đồng/lít, diasel 0,5S 14.900 đồng/lít, mazut 3,5S 13.300 đồng/lít, mazut 0,3S 13.600 đồng/lít và dầu hỏa 15.500 đồng/lít.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 5/2010 ước thực hiện đạt 900 nghìn tấn, tăng 1,4% so với tháng 4/2010. Tính cho cả 5 tháng đầu năm 2010, lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của nước ta ước thực hiện đạt 4.386 nghìn tấn, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2009 và đạt 37,8% kế hoạch năm 2010. Lượng xuất khẩu dầu thô tháng 5/2010 ước thực hiện đạt 614 nghìn tấn, bằng 107,5% so với tháng 4, tính hết 5 tháng đầu năm 2010 ước đạt 3.423 nghìn tấn, giảm 49,8% so với cùng kỳ năm 2009, và đạt 37,6% kế hoạch năm 2010.
3.3.2. Sắt thép
Thị trường thép thế giới tháng 5 đã hạ nhiệt hơn sau những đợt tăng giá mạnh vào tháng 3 và đầu tháng 4. Giá phôi thép và phế liệu thép sau thời gian tăng rất cao đã khiến cho cầu các nguyên liệu này giảm mạnh, giao dịch trầm lắng, từ đó tạo ra xu hướng giảm giá liên tục trong tháng 5. Giá phôi thép Biển Đen trung tuần tháng 5 giao dịch quanh 540 – 550 USD/tấn, so với 580 – 600 USD/tấn trước đó. Giá phế liệu nhập khẩu từ Nhật Bản tiếp tục giảm, giá nhập hiện tại khoảng 446 USD/tấn FOB, giá phế liệu giao tháng 6 tại Mỹ cũng giảm khoảng 40 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước:
Sau hơn hai tháng dồn dập tăng giá, tới cuối tháng 4 vàbước sang tháng 5, thị trường thép trong nước đã bắt đầu hạ nhiệt. Mức giá thép quá cao khiến cho cầu tiêu thụ thép giảm mạnh, giá phôi thép trên thị trường thế giới giảm, giới đầu cơ bắt đầu xả hàng, là những nguyên nhân tạo ra xu hướng giảm liên tiếp của giá thép nội địa. Giá thép tại các đại lý giảm từng ngày, giá thép trên thị trường có thời điểm còn xuống thấp hơn giá tại các nhà máy. Tuy vậy, các nhà máy cũng bắt đầu tiến hành các đợt giảm giá. Hiệp hội thép Việt Nam thông báo, trong tháng 5, một số các doanh nghiệp thành viên đã giảm giá thép 2 lần, mỗi lần giảm trung bình từ 200.000 – 500.000 đồng/tấn. Giá thép cuộn từ ngày 21/5 được công ty thép Miền Nam công bố dao động từ 13,07 – 13,16 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng Cục hải quan, sản lượng thép nhập khẩu tháng 5 ước đạt 780 nghìn tấn với trị giá 550 triệu USD, tăng 9,6% về lượng so với tháng 4/2010; tính cả 5 tháng đầu năm ước đạt 3.311 nghìn tấn với trị giá 2.171 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2009.
3.3.3. Xi măng
Thị trường xi măng trong nước tháng 5 biến động không lớn, nhu cầu xi măng tăng do đây vẫn đang là thời kỳ cao điểm của mùa xây dựng. Lượng cung xi măng hiện tại đang khá dồi dào, do đó giá bán xi măng ở đầu nguồn tiếp tục ổn định, giá bán lẻ trên thị trường tại một số địa phương chỉ tăng nhẹ. Theo Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, giá bán xi măng tại các nhà máy (chưa bao gồm VAT) của các đơn vị trực thuộc và liên doanh với tổng công ty hiện xoay quanh mức: xi măng PCB 30 từ 897 nghìn – 930 nghìn đồng/tấn, PCB40 từ 920 nghìn – 1,26 triệu đồng/tấn.
Tại thị trường phía Bắc thời điểm hiện tại, giá bán lẻ xi măng dao động ở mức từ 900 nghìn - 1,12 triệu đồng/tấn. Do có sự mất cân đối về nguồn cung xi măng tại hai miền, miền Bắc thừa trong khi miền Nam thiếu cục bộ, nên giá xi măng ở miền Nam ở mức cao hơn, trong khoảng từ 1,10 – 1,40 triệu đồng/tấn.
3.3.4. Phân bón
Thị trường phân bón tháng 5 trong nước nhìn chung ổn định, không có biến động đáng kể trong quan hệ cung – cầu – giá cả. Lượng phân bón nhập khẩu, hàng tồn kho và sản xuất của các doanh nghiệp trong nước khiến cho nguồn cung phân bón dồi dào. Nhu cầu phân bón tại các tỉnh miền Nam ổn định, trong khi tại các tỉnh miền Bắc đã bước vào cuối vụ Chiêm nên nhu cầu phân bón ở mức thấp. Chính vì vậy, giá phân bón trong nước được duy trì ổn định và một số loại giá còn giảm nhẹ.
Trong tháng 5, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 180 nghìn tấn với trị giá 60 triệu USD (trong đó phân ure là 40 nghìn tấn và trị giá 12 triệu USD), tăng 6,5% so với tháng 4/2010; tính cả 5 tháng đầu 2010, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 1.294 nghìn tấn với trị giá 408 triệu USD (trong đó phân ure ước đạt 379 nghìn tấn, trị giá 117 triệu USD), giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2009 và đạt 35,9% kế hoạch năm 2010.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2010
1. Về phát triển ngành du lịch
- Tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, Việt Nam là một điểm đến an toàn thân thiện đối với bạn bè quốc tế cần đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: CNN, BBC, Discovery…
- Hiện tại, Thái Lan đang rơi vào khủng hoảng chính trị, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam để đón khách du lịch quốc tế đến khu vực Đông Nam Á. Như vậy, để thu hút được khách du lịch trong thời gian tới Việt Nam cần thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá đối với các Tour du lịch, vấn đề này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan như: vận tải hàng không, hàng hải, khách sạn nhà hàng,....
- Xu hướng khách du lịch bằng đường biển đến Việt Nam ngày càng tăng, khách du lịch bằng đường biển thường là khách có mức chi tiêu cao, do đó cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt đối với các đối tượng khách du lịch này về visa, thời gian lưu trú trên bờ, khoảng cách được phép đi sâu vào nội địa…
- Cải cách các chính sách về xuất nhập cảnh, thủ tục xe ô tô du lịch qua biên giới cần thông thoáng hơn nữa để thúc đẩy phát triển mạnh khách du lịch thông qua con đường này.
2. Các giải pháp kiến nghị để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu
- Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cầu đường, kho cảng. Mở rộng hình thức cho thuê cảng biển, mở rộng đối tượng cho phép đầu tư dịch vụ cảng biển, đặc biệt dịch vụ hậu cần (logistic) để tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng biển Việt Nam.
- Đẩy mạnh kiểm tra việc nhập khẩu các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn hoặc tăng mạnh trong thời gian gần đây mà trong nước đã sản xuất được và có dấu hiệu dư thừa như sắt thép các loại, phân bón, một số loại máy móc thiết bị phụ tùng. Việc kiểm tra nên tập trung vào các vấn đề như gian lận thương mại, gian lận thuế và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
- Với các quốc gia Việt Nam có thâm hụt lớn trong quan hệ thương mại như Trung Quốc, Đài Loan và một số quốc gia ở châu Á khác, cần có giải pháp riêng để hạn chế nhập khẩu tùy thuộc vào đặc trưng trong thương mại buôn bán giữa Việt Nam và quốc gia đó.
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
- Chất lượng còn yếu kém của các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như vận tải, bảo hiểm, logistic ở Việt Nam hiện nay đang gây hạn chế cho việc đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là vấn đề cần được tập trung cải thiện trong thời gian trước mắt.
- Bên cạnh những giải pháp ngắn và trung hạn nêu trên, những giải pháp dài hạn hơn như phát triển nguồn nhân lực (có chính sách phát triển nguồn nhân lực trong những ngành cụ thể, có thế mạnh), phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ... cần được tập trung triển khai ngay trên thực tế.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
3.1.1.Nâng cao hiệu quả điều hành vĩ mô thị trường
- Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành trong việc cung cấp, tổng hợp, xử lý thông tin về thị trường, ngành hàng.
- Theo dõi sát sao diễn biến của thị trường thế giới cũng như thị trường trong nước để kịp thời có các chính sách điều hành nhằm cân đối cung – cầu hàng hóa, bình ổn giá các mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón, các nguyên vật liệu sản xuất, nhằm ngăn ngừa nguy cơ tăng giá hàng hóa.
- Tăng cường công tác kiểm tra thị trường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng niêm yết không đúng giá bán, găm hàng, kìm hàng, hiện tượng “tát nước theo mưa” gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
3.1.2. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách
- Rà soát và tăng cường biện pháp xử phạt đối với các hành vi gian lận thương mại; đầu cơ; cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại tới người tiêu dùng cũng như một bộ phận các nhà sản xuất, phân phối.
- Rà soát và hoàn thiện Quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, trong đó ưu tiên chú trọng chính sách phát triển các loại hình thương mại hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử.
- Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn đảm bảo tạo ra hành lang pháp lý đủ mạnh và hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, điều hành vĩ mô thị trường của Nhà nước.
3.1.3. Thực hiện linh hoạt các giải pháp khuyến khích tiêu dùng nội địa
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa đồng thời thiết lập hệ thống kênh phân phốitới tận địa bàn các huyện; xã; bản; làng nhằm tạo ra sự lưu thông hàng hóa thuận tiện và thông suốt.
- Thực hiện các chính sách hỗ trợ hợp lý cho các doanh nghiệp nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm hướng về người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện và nhân rộng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kết hợp với các chương trình giảm giá, khuyến mại hợp lý nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa.
- Đẩy mạnh chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao.
3.2. Đối với các mặt hàng trọng yếu
3.2.1. Xăng dầu
- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu tại các khu vực nhằm đảm bảo bình ổn thị trường cung – cầu, giá cả.
- Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường giám sát, đảm bảo việc điều chỉnh giá xăng dầu và điều tiết Quỹ bình ổn giá theo đúng quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
- Tổng công ty xăng dầu Việt Nam và các đơn vị được phép nhập khẩu xăng dầu cần theo dõi sát sao diễn biến của thị trường dầu thô, xăng, dầu hỏa thế giới nhằm xây dựng chiến lược nhập khẩu linh hoạt, góp phần ổn định giá xăng dầu trong nước.
3.2.2. Sắt thép
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường nhằm phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời các hiện tượng đầu cơ tích trữ, gian lận thương mại, không để giá thép tăng đột biến, gây méo mó thị trường làm tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.
-Rà soát và điều chỉnh quy hoạch ngành thép, tăng cường hiệu quả công tác thẩm định các dự án thép, đặc biệt là các dự án FDI, chỉ cấp phép các dự án có công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất phôi thép nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, từ đó chủ động được trong giá bán.
- Đề xuất Chính phủ có các giải pháp hữu hiệu về tài chính (đáp ứng nhu cầu về vốn, về ngoại tệ, về tỷ giá…) để các công ty thép tiếp tục triển khai các dự án đầu tư, có đủ vốn và ngoại tệ trong sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra, còn giúp các doanh nghiệp giảm rủi ro về tỷ giá trong nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, góp phần bình ổn giá bán thép thành phẩm.
3.3.3. Xi măng
- Kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối, đảm bảo cung ứng đủ, đúng đối tượng, đúng giá bán.
- Các nhà máy sản xuất xi măng, đặc biệt là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam cần xây dựng hệ thống các đại lý có thể đưa hàng hóa về tận chân công trình, tránh tình trạng qua quá nhiều khâu trung gian khiến giá bị đẩy lên cao.
- Tính toán và dự báo kỹ cung – cầu xi măng, điều tiết tốt lượng clinker và xi măng giữa hai miền Nam – Bắc, đảm bảo cân bằng cung – cầu ở các khu vực, không để xảy ra tình trạng sốt giá cục bộ.
- Rà soát và điều chỉnh quy hoạch ngành xi măng hợp lý, có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo ra công suất cao đồng thời nâng cao được chất lượng sản phẩm.
3.3.4. Phân bón
-Theo dõi chặt chẽ giá dầu thế giới, dự báo khả năng tác động tới giá phân bón, để có biện pháp điều hành kịp thời.
- Đảm bảo sản xuất kết hợp với nhập khẩu hợp lý nhằm đảm bảo cân đối cung – cầu. Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng giữa các vùng, miền được thông suốt.
- Tiếp tục rà soát, kiện toàn hệ thống cung ứng, phân phối phân bón tại các địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.
File đính kèm: BCKTDVT5.10.pdf
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư