Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/07/2010-09:05:00 AM
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện của các ngành thương mại - dịch vụ tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2010
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tình hình thế giới
Trong tháng đầu tiên của quý III/2010, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới vẫn đang rất lạc quan, được thể hiện trong báo cáo vừa công bố của QuỹTiền tệQuốc tế với dựbáo tăng trưởng kinh tếthếgiới năm 2010 sẽđạt 4,6%, cao nhất kểtừnăm 2007 (cũng cao hơn so với 4,2% dự báo hồi tháng 4).
Tại châu Âu, các chuyên gia kinh tế đánh giá thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu lục này đã qua. Bằng chứng là chính phủ Hy Lạp đang sử dụng tốt gói cứu trợ của EU, đồng thời phát hành thành công ngoài dự kiến trái phiếu chính phủ; Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đã lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư bằng các chính sách tiền tệ hợp lý.
Tuy nhiên, tình hình nền kinh tế lớn nhất thế giới – Hoa Kỳ lại đang có những diễn biến xấu: tình trạng thất nghiệp cao vẫn chưa được cải thiện; trong khi đó, doanh thu bán lẻ tháng 6 so với tháng 5 giảm 0,5% (giảm tháng thứ 2 liên tiếp và mạnh gấp 2 lần so với dự kiến). Hơn nữa, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới đây cũng đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của nước này trong năm 2010 xuống còn từ 3-3,5% so với dự báo 3,2-3,7% hồi tháng 4.
Tại châu Á, trong quý II/2010, kinh tế Trung Quốc – một trong những trụ cột của phục hồi kinh tế thế giới – đang trải qua giai đoạn suy thoái nhẹ sau mức tăng trưởng 11,9% hồi quý I, tuy nhiên các nhân tố kinh tế vĩ mô của Trung Quốc vẫn rất ổn định và khả năng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 9,5% năm 2010 vẫn rất cao. Ngoài ra, cần kể tới sự tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Singapore, khi kinh tế nước này tăng trưởng tới 45,9% trong quý I và 26% trong quý II, góp phần tạo nên sự khởi sắc của kinh tế châu Á thời gian qua.
Những diễn biến trái chiều trên đã gây ra biến động cho hầu hết các thị trường chứng khoán lớn; thị trường dầu thô, tiền tệ, vàng cũng như các nguyên liệu sản xuất vẫn sẽ tiếp tục có những diến biến phức tạp, khó lường.
Như vậy, có thể thấy, các nền kinh tế đầu tầu của thế giới nói riêng, cũng như kinh tế toàn cầu nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm 2010.
2. Tình hình trong nước
Cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, kinh tế nước ta vẫn đang tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá. Tăng trưởng GDP của nước ta so với cùng kỳ năm 2009: quý I/2010 tăng 5,83%, quý II đạt 6,6% và 6 tháng đầu năm đạt khoảng 6,27%. Giá trị sản xuất các ngành công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ đều gia tăng trong 2 quý đầu năm 2010, lần lượt đạt khoảng 13,6%; 3,6% và 6,7% so với cùng kỳ năm 2009. Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm đã có 438 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt 7,9 tỷ USD, giảm 20% về số dự án nhưng tăng 43% về tổng vốn đầu tư mới so với cùng kỳ năm 2009. Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát cũng đã giảm dần khi chỉ số giá tiêu dùng CPI so với cùng kỳ năm trước đã có xu hướng giảm từ tháng 4 (CPI tháng 5 và tháng 6 tương ứng chỉ tăng 0,27% và 0,25% với tháng trước, mặc dù từ 1/5/2010 Chính phủ thực hiện tăng lương cơ bản trên 12% và trước đó giá điện, xăng dầu đã tăng cao…).
Mặc dù vậy, tình hình kinh tế của nước ta trong những tháng cuối năm sẽ còn gặp nhiều khó khăn đến từ nhiều phía:
Một mặt, do là nền kinh tế có độ mở lớn, kinh tế Việt Nam khó tránh khỏi những tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới như: (1) Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào EU gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh với các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt; (2) Do quá trình hồi phục của nền kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến tích cực, là nguyên nhân khiến mặt bằng giá của hầu hết các mặt hàng, đặc biệt là nhóm nguyên nhiên liệu có chiều hướng tiếp tục tăng, gây áp lực không nhỏ đối với chi phí đầu vào của các ngành sản xuất – kinh doanh.
Mặt khác, các ngành sản xuất của Việt Nam cũng sẽ gặp phải nhiều khó khăn: (1) ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với tình hình biến động lớn của thời tiết, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp…; (2) ngành công nghiệp dự báo tiếp tục gặp khó khăn từ sự tăng giá và nguy cơ khan hiếm nguyên vật liệu đầu vào; việc cắt giảm ưu đãi theo cam kết WTO sẽ khiến nhiều doanh nghiệp chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài; (3) ngành thương mại – du lịch được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh, đầu tư phát triển du lịch tăng nhưng vẫn thiếu tính bền vững do tồn tại nhiều rào cản.
Ngoài ra, công tác điều hành thị trường trong nước trong những tháng đầu năm mặc dù đã có nhiều cố gắng, song vẫn chưa thực sự theo kịp những diễn biến phức tạp của thị trường. Các biện pháp xử lý, giải quyết còn chưa kịp thời, quyết liệt đã làm giảm hiệu quả công tác điều hành.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 7 VÀ 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2010
1. Tình hình phát triển ngành du lịch
Tháng 7 tiếp tục là mùa du lịch cao điểm trong năm của nước ta đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng tắm biển. Thời gian này vẫn đang là thời điểm đi du lịch mùa hè, cộng với các công ty du lịch liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi giảm giá, trung bình giá tour giảm từ 10-20% nên số lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng. Nhiều điểm đến hấp dẫn như Sa Pa, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long… những ngày cuối tuần đều chật cứng khách. Để thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển hơn nữa, Tổng cục du lịch tiếp tục triển khai Chương trình kích cầu du lịch và Chương trình hành động “Việt Nam - điểm đến của bạn”. Với chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ du lịch nội địa và thu hút khách quốc tế, các hoạt động trên đã mang lại những kết quả nhất định từ đầu năm tới nay.
Bên cạnh đó các địa phương trên cả nước cũng nỗ lực thu hút khách dulịch bằng các hoạt động thiết thực như: Liên hoan văn hoá ẩm thực – Sầm Sơn 2010 với chủ đề “Hương vị biển” diễn ra tại Sầm Sơn - Thanh Hoá từ ngày 18/7; tại Lạng Sơn diễn ra liên hoan du lịch Mẫu Sơn 2010; tại Vũng Tàu diễn ra lễ hội Văn hoá ẩm thực thế giới 2010 với sự tham gia của 31 đoàn khách nước ngoài đến từ các nước như: Thái Lan, Philipines, Palestine, Đức, Brazil…
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7 tăng nhẹ so với tháng trước khoảng 2%. Tổng số khách du lịch quốc tế trong 7 tháng ước đạt gần 2,6 triệu lượt khách, tăng 19% so cùng kỳ năm ngoái. Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong tháng 7 chủ yếu từ một số thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, Campuchia, Malaixia, Úc… Một số thị trường khách du lịch giảm như: Hàn Quốc, Nhật Bản...
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng chủ yếu vẫn bằng đường hàng không, tăng 8% so với tháng trước; khách du lịch đi bằng đường bộ giảm 1,3%; khách du lịch đi bằng đường biển tăng 30%.
Xét theo mục đích chuyến đi, số lượng khách du lịch đi theo mục đích nghỉ ngơi, du lịch tăng nhẹ so với tháng trước 2%, tiếp đến là khách du lịch đi theo mục đích thăm thân nhân và cuối cùng là khách đi theo mục đích công việc.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 7 năm 2010 đạt 5,8 tỷ USD, giảm 8,2% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 2,88 tỷ USD. Nếu không tính kim ngạch xuất khẩu vàng, ước thực hiện xuất khẩu tháng 7 năm 2010 tăng nhẹ so với tháng 6 (kim ngạch xuất khẩu vàng tháng 6 đạt hơn 500 triệu USD).
7 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,3 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 17,7 tỷ USD, tăng 40,1%.
Xét về giá trị tuyệt đối, xuất khẩu của khu vực FDI (không kể dầu thô) 7 tháng đầu năm 2010 ước tăng hơn 5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2009; trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước tăng 5,7 tỷ USD. Như vậy, có thể nói trong 7 tháng đầu năm 2010 tăng trưởng xuất khẩu của cả nước chủ yếu là do sự tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI.
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt gần 5 triệu tấn, giảm 44,8% về lượng và giảm 18,9% về kim ngạch; than đá 12 triệu tấn, giảm 14,3% về lượng và tăng 29,2% về kim ngạch; dệt may 5,9 tỷ USD, tăng 17,4%; da giày 2,75 tỷ USD, tăng 13,8%; sản phẩm gỗ 1,8 tỷ USD, tăng 33,4%; linh kiện điện tử 1,8 tỷ USD, tăng 29%; thuỷ sản 2,44 tỷ USD, tăng 11,2%; gạo 4,1 triệu tấn, giảm 2,5% về lượng và tăng 3,4% về kim ngạch; cà phê 749 ngàn tấn, giảm 5,9% về lượng và 10,4% về kim ngạch; sắn và sản phẩm sắn 1,25 triệu tấn giảm 51,9% về lượng và 16,4% về kim ngạch ... Đến hết tháng 7/2010, ước tính đã có 11 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD gồm dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, máy vi tính và linh kiện, đá quý kim loại quý và sản phẩm, cà phê, sắt thép và sản phẩm. Như vậy, so với cùng kỳ, số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD đã tăng lên 2 mặt hàng là máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng và sắt thép và sản phẩm.
Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đã góp phần vào sự tăng trưởng xuất khẩu của 7 tháng đầu năm: giá hạt điều tăng 19%, chè các loại tăng 10%, hạt tiêu tăng 37%, gạo tăng 6%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 75%, than đá tăng 49%, dầu thô tăng 47%, cao su tăng 91%. Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 2,1 tỷ USD.
Trong 7 tháng đầu năm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu ở các thị trường Châu Á với tỷ trọng khoảng 48%, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ, trong đó tỷ trọng khu vực ASEAN là 16,5%, tăng 15%. Xuất khẩu sang Châu Mỹ chiếm tỷ trọng khoảng 23%, tăng 24% so với cùng kỳ (trong đó xuất khẩu vào Mỹ chiếm tỷ trọng 19,5% và tăng 23%). Xuất khẩu sang Châu Âu chiếm tỷ trọng ước đạt 22%, giảm 4,4%, trong đó xuất khẩu vào EU chiếm tỷ trọng 15% và tăng 7%.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 năm 2010 ước đạt 6,95 tỷ USD, giảm nhẹ so với tháng trước. Nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,1 tỷ USD.
7 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 45,7 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 19,5 tỷ USD, tăng 46,4%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 7 tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm 2009 như sau: xăng dầu 6,2 triệu tấn, giảm 21,9% về lượng và tăng 8,4% về kim ngạch; thép các loại 4,7 triệu tấn, giảm 5,9% về lượng và tăng 22,9% về kim ngạch; phân bón 1,6 triệu tấn, giảm 35,3% về lượng và giảm 37,7% về kim ngạch; giấy các loại 533 nghìn tấn, giảm 5,2% về lượng và tăng 20,6% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 1,29 triệu tấn, tăng 3,5% về lượng và tăng tới 38,5% về kim ngạch, máy móc thiết bị 7,36 tỷ USD, tăng 14%, máy tính và linh kiện 3 tỷ USD, tăng 55,5%, vải 2,98 tỷ USD, tăng 25,8%, nguyên phụ liệu dệt may 1,46 tỷ USD, tăng 35,5%...
Cũng như xuất khẩu, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao. Giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như: giá xăng dầu các loại tăng 38,6%, khí đốt hóa lỏng tăng 43,3%, chất dẻo nguyên liệu tăng 33,7%, sợi các loại tăng 31%, phôi thép tăng 30%, kim loại thường tăng 46,5%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng hơn 3,5 tỷ USD.
Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ một số đối tác chủ yếu trong 7 tháng đầu năm là: Trung Quốc 23,5%, ASEAN 20%, Hàn Quốc 10,8%, Đài Loan 8,5%, EU 7,5%, Mỹ 4,5%.
2.3. Nhập siêu
Ước nhập siêu tháng 7 là 1,15 tỷ USD, chiếm 19,8% kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu 7 tháng đầu năm ước tính đạt 7,4 tỷ USD, bằng 19,45% kim ngạch xuất khẩu. Nếu không tính kim ngạch xuất khẩu vàng, nhập siêu 7 tháng đầu năm là 8,9 tỷ USD, chiếm 24,2%.
Xét về châu lục, Việt Nam vẫn chỉ nhập siêu với Châu Á và xuất siêu với tất cả các châu còn lại. Cụ thể, nhập siêu với Châu Á hiện nay là khoảng 17,5 tỷ USD, gấp hơn 2 lần nhập siêu của cả nước. Trong khi đó, xuất siêu với Châu Âu ước đạt 3,5 tỷ USD, với Châu Mỹ là 5,2 tỷ USD, Châu Đại Dương là gần 900 triệu USD.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Dự kiến tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 7/2010 ước đạt khoảng 129.493 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng 6/2010. Như vậy sau 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá cả nước ước đạt 877.516 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính cả 7 tháng đầu năm 2010, trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 51,75%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 34,14% và 10,16%. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,88%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,07%.
(Theo số liệu của Tổng cục Thống kê)
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2010 chỉ tăng nhẹ, so với tháng 6/2010, CPI tháng 7/2010 tăng 0,06%, mức tăng thấp nhất trong các tháng đã qua của năm 2010, đưa CPI 7 tháng đầu năm 2010 lên 4,84% so với tháng 12/2009.
Trong tháng 7/2010, có 3 nhóm hàng giảm so với tháng trước gồm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,47%; nhóm giao thông giảm 0,94%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%. Các nhóm hàng còn lại đều chỉ tăng nhẹ, dao động từ 0,11% đến 0,41%.
(Theo số liệu của Tổng cục Thống kê)
3.3. Tình hình cung – cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
3.3.1. Xăng dầu
Thị trường dầu thô thế giới trong quý I - giai đoạn dầu thô được giao dịch quanh ngưỡng 83,76 USD/thùng, thì sang quý II, giá đã sụt mạnh tới 9,7% và đứng ở mức 75,63 USD/thùng. Diễn biến thị trường dầu thô trong tháng 7/2010 cũng không có gì khởi sắc hơn, khi dầu liên tiếp mất giá ở những phiên giao dịch đầu tháng: chốt phiên giao dịch ngày 5/7, giá dầu thô xuống 71,46 USD/thùng tại thị trường New York. Mặc dù vậy, thời điểm giữa tháng, giá dầu thô đã tăng giá trở lại và đứng vững trong những ngày gần đây cùng đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ và lạc quan về triển vọng thu nhập trong quý III. Ngoài ra, các nhà đầu tư dầu hy vọng kinh tế đi lên sẽ kéo theo nhu cầu nhiên liệu tăng theo. Phiên giao dịch ngày 20/7: tại New York, dầu thô kỳ hạn tháng 8 ở mức 76,43 USD/thùng, tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 25 cent tương đương 0,3% lên 75,62USD/thùng.
Thị trường trong nước:
Kể từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ xăng trong nước đã được điều chỉnh 4 lần (tăng 2 lần và giảm 2 lần tính đến thời điểm ngày 8/6). Trong tháng 7, mặc dù giá dầu thô thế giới liên tục giảm so với trước đó, tuy nhiên giá các mặt hàng xăng dầu bán lẻ vẫn được duy trì sau thời điểm giảm giá ngày 8/6.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 7 ước đạt 900 triệu tấn, với trị giá khoảng 550 triệu USD; tính cả 7 tháng đầu năm 2010, ước đạt 6.154 triệu tấn, trị giá khoảng 3.822 triệu USD, giảm 21,9% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái và đạt xấp xỉ 53,1% kế hoạch năm 2010.
3.3.2. Sắt thép
Trong tháng 7, giá thép nguyên liệu trên thị trường thế giới đang có những diễn biến trái chiều nhau. Giá thép phế liệu vẫn ổn định ở mức khoảng từ 330 – 340 USD/tấn, giá quặng sắt đang giảm do các nhà máy sản xuất thép Trung Quốc giảm sản lượng: giá quặng giao ngay Ấn Độ xuất sang Trung Quốc (thành phần 63,5% hàm lượng sắt) đã giảm từ 142 USD/tấn xuống còn 132 USD/tấn (gồm cả phí vận chuyển). Trong khi đó, giá phôi thép đang có xu hướng tăng nhẹ trở lại nhờ nhu cầu từ các khách hàng ở vùng Viễn Đông, Vịnh Ba Tư và Bắc Phi: giá chào bán FOB phôi Biển Đen ngày 19/7 ở 490 – 500 USD/tấn, so với 470 – 480 USD/tấn tuần truớc; giá phôi Địa Trung Hải giao sau 3 tháng tại Luân Đôn ở 445 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với tuần trước đó.
Tại thị trường trong nước:
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy sức tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 6 đạt 350.000 tấn; nhu cầu thép trong tháng 7 cũng ở mức khá, dự kiến từ 350.000 tấn - 380.000 tấn. Nguyên nhân là do giá thép giảm, thấp hơn giá thành sản xuất nên nhiều người xây nhà trở lại. Mặc dù vậy, từ đầu tháng 7 tới nay, giá bán thép thành phẩm tại các nhà máy thuộc Tổng công ty thép Việt Nam đã được điều chính tăng 2 lần: cụ thể thép cuộn tăng ở mức 350.000 đồng/tấn ngày 7/7 và 500.000 đồng/tấn vào ngày 13/7. Lý do của sự tăng giá này, theo phía doanh nghiệp, là để bù đắp những thiệt hại do bán dưới mức giá thành trong thời gian qua.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng Cục hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 6/2010 đạt 712 nghìn tấn, ước tháng 7 đạt 600 nghìn tấn giảm 10,5% về lượng so với tháng 6/2010 và đạt trị giá 484 triệu USD; tính cả 7 tháng đầu năm ước đạt 4.710 nghìn tấn, giảm 5,9% về lượng so với cùng kỳ năm 2009.
Dự kiến trong Quý III, nhu cầu về sắt thép trong nước sẽ chững lại do nhu cầu xây dựng giảm trong mùa mưa bão, đặc biệt là thị trường miền Trung và miền Nam. Thị trường sắt thép dự kiến sẽ được duy trì ổn định, giá dự kiến sẽ dao động nhẹ.
3.3.3. Xi măng
Thực hiện 6 tháng đầu năm 2010, lượng xi măng sản xuất trong nước đạt khoảng 24,92 triệu tấn; lượng tiêu thụ đạt khoảng 24,49 triệu tấn. Dự tính trong tháng 7, lượng xi măng sản xuất ước đạt khoảng 4,3 triệu tấn trong khi sản lượng tiêu thụ ước đạt xấp xỉ 4 triệu tấn (giảm khoảng 0,32 triệu tấn so với tháng 6).
Giá bán lẻ mặt hàng xi măng trên thị trường trong tháng qua nhìn chung ổn định, và giảm nhẹ ở một số địa phương do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ giảm do đã bước vào mùa mưa bão.Giá bán xi măng tại các nhà máy thuộc Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam hiện vẫn được duy trì ổn định: giá xi măng PCB 30 từ 897.600 – 930.000 đồng/tấn và PCB 40 từ 920.000 – 1.260.000 đồng/tấn.
Dự báo trong quý III/2010, sản xuất và tiêu thụ xi măng sẽ giảm nhẹ, giá bán có xu hướng ổn định.
3.3.4. Phân bón
Thị trường phân bón thế giới tháng 7 có xu hướng sôi động hơn tháng 6 khi nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ phân bón tăng nhẹ tại các thị trường chính. Giá ure tiếp tục tăng, thị trường phân bón quốc tế ngày 13/7: giá FOB ure hạt trong tại Yuzhny là 245-250 USD/tấn, tại Baltic là 242-245 USD/tấn (tăng so với tháng 6 từ 26-30 USD/tấn); giá FOB ure hạt đục tại tại Mỹ là 254-264 USD/tấn (tăng 20-30 USD/tấn so với tháng 6).
Tại thị trường trong nước:
Thị trường phân bón trong nước tháng 7 nhìn chung có khởi sắc hơn so với tháng 6, tuy nhiên có sự khác biệt giữa các vùng miền. Mặc dù đã bước vào vụ Hè – Thu, nhưng nhu cầu tiêu thụ phân bón tại các tỉnh miền Bắc vẫn đang ở mức thấp, giá phân bón ổn định; trong khi tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, lượng hàng tiêu thụ đạt khá, giá phân bón tại các tỉnh này có xu hướng tăng nhẹ. Trong thời gian tới, đặc biệt khi bước vào chính vụ, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước tăng, cùng với xu hướng giá Ure thế giới liên tục tăng trong những ngày gần đây, giá các loại phân bón tại Trung Quốc tăng khá nhiều do nhu cầu thị trường nội địa tăng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường phân bón Việt Nam.
Trong tháng 7, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 200 nghìn tấn với trị giá 68 triệu USD (trong đó phân ure là 40 nghìn tấn và trị giá 24 triệu USD), tăng 58,7% về lượng so với tháng 6/2010; tính cả 7 tháng đầu năm 2010, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 1.601 nghìn tấn với trị giá 505 triệu USD (trong đó phân ure ước đạt 403 nghìn tấn, trị giá 121 triệu USD), giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2009 và đạt 44,5% kế hoạch năm 2010.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2010
1. Về phát triển ngành du lịch
- Tiếp tục thực hiện tốt chương trình kích cầu du lịch như: tổ chức các chương trình giới thiệu quảng bá về điểm đến Việt Nam thông qua khẩu hiệu “Việt Nam - điểm đến của bạn”; phát động chiến dịch bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm để thu hút cả khách du lịch quốc tế và nội địa; phát động chiến dịch hướng về cội nguồn dành cho Việt kiều…
- Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá và thực hiện tốt lễ hội du lịch lớn, trọng đại của quốc gia như Năm du lịch quốc gia Hà nội với chủ đề “Thăng Long – Hà Nội – Hội tụ ngàn năm” nhằm quảng bá các sự kiện văn hoá dân tộc, gắn du lịch với văn hoá.
- Hiện tại, Thái Lan đang rơi vào khủng hoảng chính trị, đây là cơ hội rất lớn cho du lịch Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần phải thực hiện linh hoạt các hoạt động quảng bá du lịch và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan như: vận tải hàng không, hàng hải, khách sạn nhà hàng... để đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
- Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, khuyến khích các sản phẩm du lịch mới, đa dạng, khai thác tiềm năng, đặc thù của từng vùng, miền.
- Tập trung hỗ trợ, phát triển hạ tầng du lịch cấp tỉnh, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các điểm du lịch có quy mô vừa và nhỏ nhằm phát huy du lịch nội tỉnh, nội vùng.
2. Các giải pháp kiến nghị để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu
- Đẩy mạnh kiểm tra việc nhập khẩu các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn hoặc tăng mạnh trong thời gian gần đây mà trong nước đã sản xuất được và có dấu hiệu dư thừa như sắt thép các loại, phân bón, một số loại máy móc thiết bị phụ tùng. Việc kiểm tra nên tập trung vào các vấn đề như gian lận thương mại, gian lận thuế và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
- Với các quốc gia Việt Nam có thâm hụt lớn trong quan hệ thương mại như Trung Quốc, Đài Loan và một số quốc gia ở châu Á khác, cần có giải pháp riêng để hạn chế nhập khẩu tùy thuộc vào đặc trưng trong thương mại buôn bán giữa Việt Nam và quốc gia đó.
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
- Chất lượng còn yếu kém của các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như vận tải, bảo hiểm, logistic ở Việt Nam hiện nay đang gây hạn chế cho việc đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là vấn đề cần được tập trung cải thiện trong thời gian trước mắt.
- Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cầu đường, kho cảng. Mở rộng hình thức cho thuê cảng biển, mở rộng đối tượng cho phép đầu tư dịch vụ cảng biển, đặc biệt dịch vụ hậu cần (logistic) để tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng biển Việt Nam.
- Bên cạnh những giải pháp ngắn và trung hạn nêu trên, những giải pháp dài hạn hơn như phát triển nguồn nhân lực (có chính sách phát triển nguồn nhân lực trong những ngành cụ thể, có thế mạnh), phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ... cần được tập trung triển khai ngay trên thực tế.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
- Nâng cao hiệu quả điều hành vĩ mô thị trường thông qua việc duy trì cũng như đổi mới cơ chế phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các Bộ, các ban ngành, hiệp hội ngành hàng trong việc nắm bắt thông tin, quản lý thị trường, dự báo đúng các tình huống có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
- Thực hiện quyết liệt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, giám sát việc thực hiện các quy định về lưu thông hàng hóa để ngăn chặn kịp thời và hiệu quả đối với các hiện tượng đầu cơ nâng giá và gian lận thương mại. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vác quy định về quản lý giá.
- Theo dõi diễn biến cung – cầu thị trường trong và ngoài nước để kịp thời áp dụng các giải pháp điều tiết cung – cầu và bình ổn thị trường. Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thuộc Nhà nước phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, sắt thép…
- Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ thuế để bình ổn giá xăng dầu, không để giá xăng tăng liên tục gây tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng; giữ ổn định giá bán cho các hộ sản xuất, tiêu dùng và giá bán than cho điện năm 2010.
- Rà soát và đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng hạ tầng thương mại như chợ, các khu trung tâm thương mại, khu mua sắm hiện đại nằm trong quy hoạch nhưng bị chậm tiến độ.
- Cần chỉ đạo tiếp tục duy trì và mở rộng các chương trình khuyến khích tiêu dùng nội địa như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức các hội chợ uy tín như “Hàng Việt Nam chất lượng cao” tại nhiều địa điểm hơn ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Một mặt, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, mặt khác sẽ mở rộng được thị trường tiêu thụ cho hàng hóa nội địa.
3.2. Giải pháp cụ thể với các mặt hàng trọng yếu
3.3.1. Xăng dầu
- Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ thuế để bình ổn giá xăng dầu, không để giá xăng tăng liên tục gây tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng, đảm bảo việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp trong nước một cách hợp lý theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
- Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu tại các khu vực nhẳm đảm bảo bình ổn thị trường trên hai khía cạnh quan hệ cung – cầu và giá cả.
- Điều hành hiệu quả hoạt động của nhà máy lọc dầu Dung Quất nhằm đạt được mục tiêu sản xuất đã đề ra, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
- Các Bộ, ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
3.3.2. Sắt thép
- Bộ Công Thương cần chỉ đạo Tổng Công ty điện lực Việt Nam có kế hoạch điều độ điện hợp lý cho các nhà máy sản xuất thép, hạn chế việc cắt điện, nhằm giảm thiệt hại cho các nhà máy (do đặc thù trong sản xuất của ngành thép), từ đó tránh nguy cơ tăng giá bán sản phẩm.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường nhằm phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời các hiện tượng gian lận thương mại, không để giá thép tăng đột biến như trong quý I/2010, làm tổn hại tới lợi ích người tiêu dùng.
- Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch ngành thép, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, hạn chế cấp phép cho các dự án đầu tư sản xuất thép xây dựng mới, tuy nhiên cần khuyến khích các dự án sản xuất các mặt hàng thép trong nước chưa sản xuất được, nhằm hạn chế nhập khẩu thép.
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước, cũng như khuyến khích các công ty ngoài quốc doanh xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian, nhằm hạ giá thành sản phẩm.
3.3.3. Xi măng
- Khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu, nhằm giảm lượng xi măng dư thừa trong nước, tiến tới thu hẹp chênh lệch cung – cầu xi măng trong nước.
- Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất cần nâng cao chất lượng xi măng, triệt để áp dụng phương án sử dụng nhiệt thừa để tự phát điện phục vụ sản xuất, nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, kết hợp xử lý môi trường triệt để hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch dùng clinker sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu trong các tháng cuối năm 2010 và các năm tiếp theo.
- Đảm bảo việc phân phối giữa các vùng, miền thông suốt, tránh tình trạng mất cân đối cục bộ gây sốt giá, đặc biệt là trong mùa xây dựng cuối năm.
3.3.4. Phân bón
- Rà soát tình hình sản xuất của các doanh nghiệp và cân đối với nhập khẩu phân bón, nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt; đáp ứng tốt nhu cầu phân bón của người nông dân khi bước vào mùa vụ.
- Tiếp tục rà soát, kiện toàn hệ thống cung ứng, phân bón tại các địa phương, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ lợi ích của người nông dân./.

File đính kèm:
BCKTDVT7.10.pdf

Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1383
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)