1. Tình hình chung
Năm nay do hiện tượng El nino, khí hậu khô hạn trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung, nước mặn xâm nhập sâu tại các cửa sông, kết hợp với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp; Cháy rừng xảy ra ở nhiều nơi và luôn tiềm ẩn những nguy cơ cao; Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến khai thác thủy sản. Tuy nhiên, với nỗ lực cao của toàn ngành cùng với sự hỗ trợ của các cấp các ngành, sản xuất nông lâm thủy sản vẫn duy trì phát triển.
2. Tình hình sản xuất ngành trồng trọt
Lúa đông xuân trên địa bàn các tỉnh phía Bắc hiện có đủ nước tưới, chăm sóc bón phân đầy đủ nên sinh trưởng khá, nhưng ở một số địa phương, lúa có nguy cơ nhiễm sâu bệnh, đặc biệt là virus lùn sọc đen đã xuất hiện thành dịch.
Các tỉnh miền Nam đang vào thời kì thu hoạch rộ lúa đông xuân, tính đến ngày 15/4/2010, toàn miền ước đã thu hoạch đạt 1.745.7 ngàn ha, bằng 90,2% diện tích gieo cấy, bằng 107,1% cùng kỳ năm 2009. Trong đó vùng ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 1550 nghìn ha, bằng 98,1% diện tích gieo cấy và tăng 4,7% so cùng kỳ 2009. Đánh giá sơ bộ kết quả lúa đông xuân ở miền Nam đạt năng suất khá hơn năm trước, sản lượng sơ bộ toàn vụ đạt xấp xỉ 10 triệu tấn lúa, tăng khoảng 11 vạn tấn so với vụ trước.
Đồng thời với thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương thuộc vùng ĐBSCL đã triển khai xuống giống lúa hè thu đạt gần 475 ngàn ha, so với cùng kì này năm trước tốc độ xuống giống nhanh hơn 7,7%, trong đó ở ĐBSCL diện tích xuống giống đạt khoảng 454 nghìn ha.
Gieo trồng một số cây màu lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày đến ngày 15/4/2010 như sau: ngô đạt 510 ngàn ha tăng 6.7%; sắn đạt 162 ngàn ha, tăng 1.8%; khoai lang đạt 92 ngàn ha bằng 106% so với cùng kì này năm trước. Diện tích đậu tương đạt trên 130 ngàn ha, tăng 27.1%; lạc 165 ngàn ha, bằng 95.8%; gieo trồng rau, đậucác loại 440 ngàn ha, tăng 1.9% so cùng kỳ 2009.
3. Tình hình sâu hại cây trồng
Các tỉnh phía Bắc:
- Virus lùn sọc đen hại lúa đông xuân xuất hiện trên 14 tỉnh, trong đó có 2 tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ, với tổng diện tích nhiễm bệnh tính từ đầu vụ lên tới gần 15 ngàn ha. Thái Bình có diện tích nhiễm nhiều nhất (trên 14 ngàn ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 525 ha). Tỉnh đã công bố dịch vàáp dụng các biện pháp xử lý nhanh, và đã xử lý được hơn 2/3 diện tích lúa nhiễm bệnh, trong đó phải tiêu huỷ 29 ha.
- Ngoài ra, rầy nâu, rầy lưng trắng và rầy nâu nhỏcũng xuất hiện rải rác với mật độ thấp tạiQuảng Ninh, Hải Dương, Hoà Bình, Hà Giang, Thái Bình, Lai Châu, Thái Nguyên,...
Các tỉnh phía Nam:
- Sâu bệnh gây hại phổ biến là rầy nâu, vi rút lùn sọc đen (xuất hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Lâm Đồng), bệnh đạo ôn lá và cổ bông trên lúa. Ngoài ra, còn có sâu cuốn lá nhỏ hại chủ yếu trên lúa thời kì đẻ nhánh; bọ xít dài, bọ xít đen, sâu phao, sâu keo,... hại mức độ nhẹ trên lúa, rau màu và cây công nghiệp vụ đông xuân.
- Theo báo cáo của Cục BVTV ngày 16/4/2010, diện tích lúa nhiễm rầy nâu trong tuần là 16.294 ha. Mật độ rầy trên đồng ruộng phổ biến 750-1.500 con/m2. Diện tích nhiễm rầy xuất hiện ở các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bình Thuận.
4. Chăn nuôi
Sản xuất chăn nuôi trong tháng tương đối thuận lợi, đàn gia súc gia cầm phát triển ổn định, mặc dù giá thức ăn và con giống có tăng, nhưng giá đầu ra cũng tăng tương ứng nên người chăn nuôi vẫn có lãi. Đây là thời điểm thuận lợi để các trang trại nhập con giống trở lại.
Chăn nuôi tiếp tục tăng khá do dịch bệnh được khống chế tốt, chỉ phát sinh rải rác ở qui mô nhỏ, không lây lan rộng, thiệt hại không nhiều trong khi đó giá bán sản phẩm và giá thức ăn chăn nuôi không biến động lớn nên đã khuyến khích người nuôi tái đàn.
Tình hình dịch bệnh ở gia súc gia cầm tính đến ngày 20/04/2010:
Cúm gia cầm:Hiện nay, cả nước còn 02 tỉnh là Bắc Kạn và Quảng Ninh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
Lở mồm long móng: cả nước còn 03 tỉnh là Điện Biên, Sơn La và Hà Giang có dịch LMLM chưa qua 21 ngày.
Dịch tai xanh ở lợn: từ khi ổ dịch đầu tiên phát ra tại xã Tây Kỳ thuộc huyện Tứ Kỳ của tỉnh Hải Dương vào ngày 23/3/2010, dịch Tai xanh đã xuất hiện tại 66 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã thuộc các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình và Bắc Ninh. Tổng số lợn mắc bệnh 17.630 con, trong đó số bị tiêu hủy là 5.497 con (lợn con chiếm 50,5% lợn thịt chiếm 40,3%, còn lại là lợn giống).
Nhận định về tình hình dịch:
Về dịch cúm gia cầm: về cơ bản dịch cúm gia cầm vẫn được kiểm soát tốt, các ổ dịch đã được bao vây, dập tắt ngay không có hiện tượng lây lan. Hiện nay các địa phương đang đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 1/2010, nguy cơ phát dịch vẫn còn, tuy nhiên chủ yếu vẫn là các ổ dịch nhỏ, xuất hiện rải rác, lẻ tẻ.
Về dịch tai xanh: Mức độ dịch đã ở diện tương đối rộng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn trong khu vực có dịch. Nguy cơ dịch tiếp tục lây lan rộng trong thời gian tới là rất cao.
LMLM gia súc: Nguy cơ dịch tiếp tục xuất hiện trong giai đoạn tới là vẫn còn nếu không thực hiện tốt công tác quản lý đàn gia súc đã khỏi bệnh lâm sàng, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc.
Các biện pháp phòng chống dịch thời gian tới:
Đối với dịch cúm gia cầm:tổ chức giám sát dịch tại các địa bàn có nguy cơ cao phát dịch cúm gia cầm và tiêm phòng vắc xin cúm đợt 1 năm 2010; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia cầm, vệ sinh tiêu độc chuồng trại và môi trường chăn nuôi nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn gia cầm; Các cơ quan chức năng địa phương chủ động phối hợp với cơ quan thú y tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn.
Đối với dịch tai xanh: các tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT theo tinh thần công điện số 14/CĐ-BNN-TY về việc tăng cường công tác phòng chống Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; các tỉnh có dịch áp dụng khẩn cấp các biện pháp quyết liệt, phòng chống dịch tai xanh nhằm dập tắt ngay các ổ dịch, không để dịch lây lan diện rộng; chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch như: tiềm vắc xin phòng bệnh, kiểm soát các hoạt động vận chuyển lợn vào trong địa bàn; tổ chức tuyên truyền các biện pháp chăn nuôi an toàn cho người dân.
Đối với dịch LMLM: Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch LMLM tại các tỉnh trọng điểm;kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn, chấn chỉnh công tác kiểm dịch nội địa cũng như qua biên giới, đồng thời kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm mọi trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái pháp luật.
5. Lâm nghiệp
Ước tính đến hết tháng 4/2010, diện tích trồng rừng tập trung cả nước đạt 16.5 nghìn ha, bằng 8% kê hoạch, trong đó: trồng rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 3 nghìn ha, rừng sản xuất đạt 16.5 nghìn ha, giảm 4.6% so với cùng kỳ năm trước. Chăm sóc rừng trồng đạt 110 nghìn ha, bằng 73.8% kế hoạch. Trồng cây phân tán đạt 76.4 triệu cây. Khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng dặm đạt 620 nghìn ha, bằng 101,1% so với cùng kỳ năm trước. Khoán quản lý bảo vệ rừng đạt 1.800 nghìn ha, bằng 101% so với cùng kỳ năm trước. Khai thác gỗ đạt 900 nghìn m3, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước.
Từ trung tuần tháng 3 đến nay, các điểm cháy rừng ở vùng núi phía Bắc đã cơ bản được khống chế, tuy nhiên một số địa phương ở Tây Nguyên và Nam Bộ lại trở thành trọng điểm có nguy cơ xẩy ra cháy rừng.
6. Thủy sản
Khai thác: Thời tiết biển tháng 4 và 4 tháng tương đối thuận lợi cho việc khai thác thuỷ sản (vụ cá bắc), đặc biệt khu vực biển miền Trung và Nam Bộ. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu ở mức đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngư dân khai thác cá vụ Bắc. Sản lượng thủy sản khai thác 4 tháng năm 2010 ước đạt 800 nghìn tấn, giảm 1% so với với cùng kỳ năm trước.
Nuôi trồng:
Sản lượng nuôi trồng thủy sản 4 tháng ước đạt 587 nghìn tấn, tăng 5.8% so với với cùng kỳ 2009, trong đó sản lượng tháng 4/2010 ước đạt 110 nghìn tấn.
Việc phát triển nuôi thuỷ sản trên cả nước tháng 4/2010 đang phục hồi so với những tháng cuối năm 2009, đặc biệt là cá tra. Nuôi thủy sản nước ngọt, nước mặn phát triển ổn định do giá tôm cuối năm 2009 và đầu năm 2010 ở mức khá cao, giá tôm nguyên liệu tăng từ 20 – 40 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, loại 30 con: 130.000-140.000 đ/kg, tôm loại 40 con: 110.000-120.000 đ/kg; giá nghêu thương phẩm, cá điêu hồng thương phẩm tăng 1.000 đồng/ kg so với năm 2009. Giá cá tra nguyên liệu cũng đang ở mức cao có lợi cho nông dân, khoảng 16.500-17.500 đồng/kg.
Các địa phương đang chỉ đạo nông dân vệ sinh ao đầm chuẩn bị thả giống cho vụ nuôi tôm cá xuân hè. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng con giống trước khi xuất bán; kiểm tra chặt chẽ các loại thức ăn, các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thuỷ sản và tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho ngư dân.
7. Giá cả thị trường
Giá lúa gạo giảm nhẹ so với tháng 2 năm 2010: lúa tẻ thường phổ biến ở mức 3.800-5.100 tùy loại, giảm khoảng 100-200đ/kg. Mặt hàng thịt lợn giảm giá nhẹ so với tháng 3 năm 2010: lợn hơi khoảng 34.000-36.000đ/kg (giảm 2.000đ/kg), giá lợn đùi ở mức 60.000đ/kg (đứng giá); thịt nạc vai 65.000đ/kg (đứng giá). Các loại thực phẩm khác đã giảm nhiệt do nhu cầu ổn định và nguồn cung dồi dào.
Giá phân bón trong nước biến động nhẹ: Giá urê Trung Quốc khoảng 7.000đ/kg (tăng 200đ/kg), giá Urê Phú Mỹ sản xuất 7.200đ/kg (tăng 200đ/kg), Urê Liên Xô 7.200đ/kg (đứng giá); phân DAP (Philipin nhập khẩu) 10.500đ/kg (tăng 300đ/kg), DAP Trung Quốc 9.000đ/kg (tăng 800đ/kg).
8. Thiên tai
Từ đầu tháng 4 năm 2010 đến nay đã xuất hiện mưa lớn kèm theo lốc xoáy ở Lào Cai làm một người chết và hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, một số diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể; Các tỉnh miền Bắc tiếp tục bị khô khô hạn. Các tỉnh ĐBSCL hàng ngàn hecta cây ăn trái, hoa màu, tôm cá, lúa đang thiếu nước tưới, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nước mặn từ sông Cửa Đại, Hàm Luông và Cổ Chiên thâm nhập vào đất liền hơn 50 km. Tại Tiền Giang, mặn đã xâm nhập đến thành phố Mỹ Tho, cách biển gần 60 km. Toàn bộ các cống ngăn mặn ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây đã đóng kín, hàng ngàn hécta lúa đông xuân đang có nguy cơ giảm năng suất do thiếu nước ngọt.
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 03/3/2010 bổ sung 136,9 tỷ đồng hỗ trợ phòng chống và khắc phục hậu quả hạn hán vụ Đông Xuân năm 2009 cho các tỉnh: Hà Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hoà Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Đắc Lắc, Bạc Liêu và đang xem xét hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh khác khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn./.
File đính kèm: BaocaoNongnghiepT4.10.pdf
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư