PHẦN I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ SẢN XUẤT TOÀN NGÀNH NĂM 2009
Theo đánh giá của TCTK, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2009 theo giá so sánh 1994 ước đạt 219.887 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2008; trong đó nông nghiệp đạt 160.081 tỷ đồng, tăng 2,2%, lâm nghiệp đạt 7.008 tỷ đồng, tăng 3,8%, thuỷ sản đạt 52.798 tỷ đồng tăng 5,4%.
I. Nông nghiệp
1. Trồng trọt
Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 43,3 triệu tấn, tăng 24 nghìn tấn (+0,1%) so với năm 2008; trong đó:
Lúa cả năm: Diện tích gieo cấy lúa cả năm ước đạt 7.440,1 nghìn ha, tăng 39,9 nghìn ha (+0,5%) so năm 2008.
Năng suất đạt 52,3 tạ/ha, tương đương mức năng suất năm 2008. Tổng sản lượng lúa đạt 38,9 triệu tấn, tăng 165,7 nghìn tấn (+ 0,4%) so với năm 2008.
Cây ngô: Diện tích ngô đạt 1.086,8 nghìn ha, giảm 53,4 nghìn ha (- 4,7%) do ngô vụ đông ở các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng nặng bởi trận lụt lịch sử cuối năm 2008 (sản lượng ngô vụ đông giảm 271 nghìn tấn). Năng suất ước đạt 40,8 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha (+1,7%). Tổng sản lượng ước đạt 4,43 triệu tấn, giảm 141,3 nghìn tấn (- 3,1%) so với năm 2008.
Cây hàng năm khác
Sản lượng khoai lang đạt 1.207,6 nghìn tấn, giảm 118,0 nghìn tấn (- 8,9%) do diện tích giảm 16,2 nghìn ha (-10%). Sản lượng đỗ tương đạt 213,6 nghìn tấn, giảm 54 nghìn tấn (- 20,2%) do diện tích giảm 45,9 nghìn ha (-23,9%). Sản lượng lạc đạt 525,1 nghìn tấn, giảm 5,1 nghìn tấn (- 1,0%) do diện tích giảm 2,4%.
Diện tích mía 260 ngàn ha, năng suất đạt 586,2 tạ/ha, sản lượng đạt 15,24 triệu tấn, giảm 899 nghìn tấn (- 5,6%) so với năm 2008 do diện tích giảm 10,6 nghìn ha (- 3,9%), năng suất giảm 10,2 tạ/ha (- 1,7%).
Diện tích rau các loại đạt 734,5 ngàn ha tăng 1,7%, năng suất bình quân đạt 162 tạ/ha, tăng 1,6%; tổng sản lượng rau các loại đạt 11.897 ngàn tấn, tăng 3,3%. Sản xuất đậu các loại bị giảm 3,2% về diện tích (đạt 191,2 ngàn ha) nhưng sản lượng vẫn tăng 2,5% (đạt 191,6 ngàn tấn) do năng suất tăng 5,9%.
Cây công nghiệp lâu năm
So với năm 2008 giá cả các cây công nghiệp lâu năm giảm sút, tuy vậy vẫn có lãi nên đã kích thích nông dân sản xuất, tốc độ tăng trưởng khá: cây cao su ước đạt 674,2 nghìn ha và sản lượng 723,7 nghìn tấn, tăng 6,8% về diện tích và 9,7% về sản lượng; cây hồ tiêu đạt 50,5 nghìn ha và 105,6 nghìn tấn, tăng tương ứng 1,3% và 7,2%; cây chè ước đạt 128,1 nghìn ha và 798,8 nghìn tấn chè búp tươi, tăng tương ứng 2,1% và 7%; cây cà phê ước đạt 537 nghìn ha, tăng 1,1% nhưng sản lượng ước đạt 1.045 nghìn tấn, giảm 1% do thời tiết không thuận trong kỳ sinh trưởng làm năng suất giảm 1,7%; riêng cây điều đạt khoảng 398,1 nghìn ha, giảm 2,1% do đang trong giai đoạn thay đổi, cải tạo giống năng suất thấp bằng giống mới năng suất cao và khả năng cạnh tranh thấp hơn so với một số cây trồng khác ở vùng Nam Trung bộ.
Cây ăn quả
Diện tích và sản lượng một số cây ăn quả tăng nhẹ so với năm 2008: cây cam quýt tăng 1,4% về diện tích và 2% về sản lượng; bưởi tăng 3,7% và 8,5%; xoài tăng 2% về diện tích. Trong khi đó một số cây ăn quả chủ lực của các tỉnh phía Bắc như nhãn, vải, chuối giảm sản lượng do thời tiết không thuận lợi: cây nhãn đạt 95,7%; cây vải đạt 83%; cây chuối bằng 98,3%.
2. Chăn nuôi
Chăn nuôi năm 2009 tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất qui mô lớn, tập trung; các trang trại chăn nuôi có xu hướng tăng, các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ giảm dần. Theo kết quả điều tra trang trại, số trang trại chăn nuôi tại thời điểm 1/7/2009 tăng 18,5% so với thời điểm 1/7/2008, đáng chú ý là nhiều tỉnh ở vùng Đông Nam Bộ số trang trại chăn nuôi tăng trên 50% so với năm 2008.
II. Thuỷ sản
Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 4.847,6 nghìn tấn, tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước; trong đó cá đạt 3.654,1 nghìn tấn, tăng 5,3%; tôm đạt 537,7 nghìn tấn, tăng 7,2%.
III. Lâm nghiệp
Ước năm 2009, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 212 nghìn ha, tăng 5,9% (+12 nghìn ha) so năm 2008. Công tác chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng được quan tâm thực hiện đảm bảo cho rừng trồng phát triển tốt, tái sinh rừng nghèo để nâng độ che phủ rừng. Diện tích rừng trồng được chăm sóc ước đạt 486 nghìn ha, tăng 4,3% (+19,9 nghìn ha) so năm 2008; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 1.032 ha, tăng 5,2% (+51,1 nghìn ha). Trồng rừng phân tán đạt 180,4 triệu cây, bằng 98,2% so năm 2008. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 3.766,7 nghìn m3, tăng 5,7% so năm 2008.
IV. Thị trường trong nước
Năm 2009, mặc dù kinh tế có khó khăn, nhưng được hỗ trợ từ chính sách kích cầu của Chính phủ nên hầu hết các loại nông lâm thủy sản tiêu thụ tương đối thuận lợi, bảo đảm có lãi cho người sản xuất.
Trong năm, đã phối hợp tốt với Bộ Công Thương, Ban điều hành thị trường trong nước theo dõi chặt chẽ tình hình cân đối cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và vật tư sản xuất quan trọng (gạo, đường, muối, thịt, sữa và phân bón) bảo đảm đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, ngăn chặn các cơn “sốt” về giá gạo, đường, ổn định thị trường.
Đến nay, tiêu thụ các loại nông sản, thực phẩm tiếp tục thuận lợi đặc biệt vào những tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng trong các ngày lễ Tết tăng cao, giá các loại lương thực, thực phẩm đang có xu hướng tăng.
V. Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản
Kết quả chung, tổng kim ngạch xuất khẩu khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm ước đạt 15,46 tỉ USD, giảm 6% so với năm 2008 nhưng vượt mức chỉ tiêu 14 tỷ USD Chính phủ giao. Các mặt hàng nông sản đạt 7,9 tỷ USD giảm 9,5%, các mặt hàng lâm sản và gỗ đạt 2,74tỷ USD, giảm 11%; mặt hàng thuỷ sản đạt 4,2 tỷ USD, giảm 6,7%; các mặt hàng nông lâm sản khác đạt gần 600 triệu USD, bằng 4 lần so với năm 2008. Có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trở lên là: gạo (2,66 tỷ USD), cà phê (1,71 tỷ USD), cao su (1,2 tỷ USD), đồ gỗ (2,55 tỷ USD), tôm (1,7 tỷ USD), cá tra (1,3 tỷ USD).
VI. Đầu tư XDCB (Phần do Bộ NN&PTNTquản lý)
1. Kế hoạch giao
Tổng kế họach vốn năm 2009 Bộ NN&PTNT được giao gần 10 ngàn tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với các năm trước, bao gồm: 5.783 tỷ đồng vốn ngân sách tập trung và 4.150 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Vốn đầu tư đã được tập trung bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA thuỷ lợi, nông nghiệp, lâm nghiệp, ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm cần hoàn thành, các công trình cấp bách có liên quan đến hoạt động sản xuất nông, lâm thuỷ sản và thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư của Chính phủ.
2. Kết quả thực hiện
Đến hết tháng 12/2009, khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản đã hòan thành đạt 9.917,2 tỷ đồng, đạt 118% kế hoạch, trong đó vốn ngân sách tập trung đạt 5.767,2 tỷ đồng, đạt 135% kế hoạch; vốn trái phiếu Chính phủ năm 4.150 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Các dự án vốn ODA đạt 3.279 tỷ đồng, vượt 79% kế hoạch Chính phủ giao.
VII. Đánh giá chung
Năm 2009, mặc dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn ổn định và tiếp tục phát triển; nông thôn tiếp tục phát triển toàn diện, thu nhập và đời sống của đa số nông dân tiếp tục được cải thiện. Hầu hết các mục tiêu đề ra cho ngành nông nghiệp trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, KH 5 năm 2006-2010, đã về trước KH.
Tuy vậy, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản còn gặp nhiều khó khăn như hạn hán, dịch bệnh diễn biến phức tạp, sản phẩm còn tồn đọng trong dân, cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm công nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, nguồn nước phục vụ chưa đảm bảo, hệ thống điện chưa hoàn chỉnh, chất lượng con giống kém do chưa kiểm soát được hết, người dân vẫn còn thiếu vốn đầu tư sản xuất...Giá xăng dầu liên tục tăng, thị trường EU thực hiện truy suất nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản khai thác, các ngư trường đánh bắt truyền thống tại khu vực biển miền Trung không đảm bảo an ninh,...
PHẦN II. TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH 2010
I. Tìnhhìnhsản xuất nông, lâm, ngư quý I năm 2010
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quí I năm 2010 có những thuận lợi hơn so với quí I năm 2009: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 Về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại thiên tai, dịch bệnh; thời tiết thuận lợi cho sản xuất vụ đông các tỉnh phía Bắc; giá bán sản phẩm, giá thức ăn chăn nuôi ổn định; sản phẩm dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, sản xuất quí I cũng gặp một số khó khăn: hạn hán ở nhiều địa phương, cháy rừng xảy ra ở nhiều nơi, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến khai thác thuỷ sản,...
Giátrị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quí I năm 2010 (theo giá cố định 1994) ước đạt 48 178,02 tỷ đồng, tăng 5,81% so với quý I năm 2009, trong đó nông nghiệp đạt 36 110,75 tỷ đồng, tăng 6,14%; thuỷ sản đạt 10.572,27 tỷ đồng tăng 4,9%. GTSX nông nghiệp tăng cao do:
- Sản xuất vụ đông năm nay khá thuận lợi (sản xuất cây vụ đông năm trước bị thiệt hại nặng do mưa lũ lớn trên diện rộng). Sản lượng các cây vụ đông tăng rất nhiều so với năm trước như: đỗ tương gấp 4,6 lần, ngô tăng 66%, rau đậu tăng 17%, khoai lang tăng 23%,...Ngoài ra, lúa đông xuân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được mùa (ước tăng khoảng 117 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm 2009).
- Chăn nuôi tiếp tục duy trì mức tăng cao do giá bán sản phẩm, giá thức ăn ổn định, dịch bệnh diễn ra ở phạm vi nhỏ, thiệt hại không nhiều.
1. Trồng trọt
Lúa đông xuân
Tính đến 15/3 cả nước gieo cấy được 3.012,2 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 101,0% so cùng kỳ năm trước.
Các tỉnh Miền bắc gieo cấy được 1086,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,0% so cùng kỳ (Vĩnh Phúc bằng 98,0%; Hải Phòng bằng 98,6%; Nam Định bằng 99,5%; Hà Giang, Thái Nguyên bằng 94,0%). Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đã cơ bản kết thúc gieo cấy; các tỉnh Miền núi Phía bắc đang tiếp tục gieo cấy, nếu tình hình khô hạn vẫn kéo dài, khả năng các tỉnh Miền bắc sẽ không cấy hết diện tích và diện tích lúa đông xuân của Miền bắc sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất vụ đông xuân ở Miền bắc năm 2010 gặp nhiều khó khăn. Ngay từ đầu vụ Bộ Nông nghiệp và PTNT đã khuyến cáo tình trạng khô hạn sẽ kéo dài ở các địa phương Miền bắc dẫn đến thiếu nước sản xuất. Trước tình hình đó, để cung cấp nước kịp thời cho bà con nông dân có nước canh tác, các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt việc nào vét kênh mương, lưu thông dòng chẩy dẫn nước về đồng. Các địa phương cũng đã huy động các loại máy bơm dã chiến bám sát lịch xả nước của các hồ thuỷ điện để cung cấp nước cho bà con canh tác. Tuy nhiên, do tình trạng khô hạn kéo dài nên một số diện tích lúa đã cấy không đủ nước có khả năng bị chết hoặc bị ảnh hưởng đến năng suất (Nam Định 734ha; Bắc Kạn 1.731ha; Thái Nguyên 5.155ha; Hà Giang 1.000 ha).
Các tỉnh Miền nam gieo cấy được 1.925,4 nghìn ha, bằng 102,2% so cùng kỳ, trong đó các tỉnh ĐBSCL gieo cấy được 1562,9 nghìn ha, bằng 101,3%. Nguyên nhân tăng diện tích ở các tỉnh Phía nam là do giá lúa ổn định ở mức cao, nông dân sản xuất lúa có lãi nên nhiều hộ đã chuyển một số diện tích đất trồng màu sang trồng lúa.
Hiện nay các tỉnh trong vùng ĐBSCL đã thu hoạch được 953,4 nghìn ha, chiếm 61% diện tích gieo cấy và bằng 123,0% so cùng kỳ (Long An 87 nghìn ha, Đồng Tháp 126 nghìn ha, An Giang 200 nghìn ha, Kiên Giang 193 nghìn ha, Tiền Giang 35 nghìn ha). Theo báo cáo ban đầu của các địa phương năng suất lúa đông xuân có khả năng đạt 63,8 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt 9,973 nghìn tấn, tăng 117 nghìn tấn (+1,2%) so vụ đông xuân 2009. Năng suất tăng chủ yếu do một số địa phương tăng diện tích gieo cấy các giống lúa có năng suất cao, thích hợp với vụ đông xuân như IR 50404, OM 576 (Tiền Giang chiếm 38% diện tích gieo cấy; Đồng Tháp 37%; An Giang 20% so với những con số tương ứng của năm 2009 là 13%, 27% và 6%); bên cạnh đó thời tiết vụ đông xuân ở ĐBSCL tương đối thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây lúa. Tuy nhiên, một số tỉnh trong vùng bị giảm năng suất do bị nước mặn xâm nhập làm nhiều diện tích bị mất trắng hoặc giảm năng suất (Vùng U Minh thượng của Kiên Giang có 2922 ha bị mất trắng, 2179ha giảm năng suất từ 30-40% dẫn đến năng suất toàn tỉnh Kiên giang ước giảm 1,4 tạ/ha; Bến Tre năng suất giảm 2 tạ/ha; Bạc Liêu năng suất giảm 2,5 tạ/ha). Một số tỉnh khác do ảnh hưởng của sâu bệnh dẫn đến năng suất giảm nhẹ so cùng kỳ (An Giang giảm 0,1 tạ/ha; Sóc Trăng giảm 0,2 tạ/ha).
Mặc dù các địa phương ở Miền nam đã có chỉ đạo lịch thời vụ để né sâu bệnh nhưng sâu bệnh vẫn xuất hiện và diễn biến phức tạp trên cả lúa và rau màu, các bệnh phổ biến là rầy nâu, sâu đục thân; đạo ôn, sâu cuốn lá; chuột hại và các bệnh khác như: cháy lá; bọ trĩ; bệnh lùn sọc đen; vàng lùn, lùn xoán lá trên diện tích lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng... Tính đến ngày 15 tháng 3 có trên 110 nghìn ha diện tích lúa bị nhiễm bệnh rầy nâu, sâu đục thân; trên 80 nghìn ha diện tích lúa bị bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá.
Các tỉnh khác thuộc Duyên hải miền trung và Đông Nam Bộ cũng bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân. Đánh giá ban đầu, năng suất lúa đông xuân thu hoạch đạt xấp xỉ cùng kỳ năm trước.
Cây hàng năm khác
Cây vụ đông miền Bắc: Các tỉnh miền Bắc đã tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ đông, hỗ trợ giống và vật tư cho sản xuất kịp thời. Vụ đông 2009-2010 mặc dù đầu vụ hạn, thiếu nước ở một số tỉnh miền núi làm giảm diện tích gieo trồng ở các địa phương này nhưng các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng không bị ảnh hưởng lớn bởi lũ lụt như năm trước nên kết quả sản xuất vụ đông tăng khá so với năm trước, sản lượng các cây trồng chính tăng mạnh. Sản lượng ngô tăng 66%; khoai lang tăng 23%; sản lượng đỗ tương gấp 4,6 lần, lạc tăng 18%; rau đậu các loại tăng 17% so với vụ đông năm 2009.
Các cây trồng vụ xuân. Tiến độ gieo trồng của hầu hết các cây trồng vụ xuân đều nhanh hơn so cùng kỳ. Tính đến 15/3 cả nước đã gieo trồng được 357,5 nghìn ha ngô, bằng 104,4%; khoai lang 83,8 nghìn ha, bằng 104,1%;đậu tương đạt 89,5 nghìn ha, bằng 115,7%; rau đậu các loại đạt 367,8 nghìn ha, bằng 102,1% cùng kỳ.
Dịch hại lúa
a. Bệnh lùn sọc đen hại lúa ở các tỉnh phía Bắc:
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, bệnh lùn sọc đen xuất hiện trên lúa và lây lan trên diện rộng đầu tiên tại Nghệ An. Đến cuối vụ mùa 2009 đã có 12 tỉnh nhiễm bệnh, tổng diện tích bị nhiễm trên 33 nghìn ha, ước thiệt hại khoảng 200 nghìn tấn thóc bị thất do do bệnh này gây nên.
Tính đến ngày 15/3/2010, bệnh đã phát sinh tại 16 tỉnh (Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Cạn, Hải Dương, Hải Phòng, Hoà Bình, Hưng Yên, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi). Tổng diện tích bị nhiễm bệnh là 14.279 ha, trong đó nhiễm nặng là 525 ha. Trong thời gian tới, khả năng bệnh sẽ tiếp tục tăng nhanh và gây hại trên diện rộng.
Nguyên nhân: Đây là loại vi rút mới rất nguy hiểm, chưa có thuốc đặc hiệu, môi giới rầy lưng trắng mang vi rút có thể phát tán xa nên khả năng gây thành dịch trên diện rộng lớn. Bệnh này còn gây hại trên ngô, cỏ lồng vực, cỏ chát,... vi rút gây bệnh tồn tại trên lúa chét từ vụ này qua vụ khác, di chuyển theo gió và bão gây bệnh cho vùng khác hoặc các vụ tiếp theo và các cây trồng khác.
Do tính chất của bệnh dịch lây truyền từ vụ này sang vụ khác, từ lúa Đông Xuân sang Hè thu và Mùa 2010, do đó nguy cơ mất mùa là rất lớn đối với địa phương từ Quảng Ngãi trở ra nêu không có giải pháp quyết liệt ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.
Biện pháp triển khai:
- Thông tin tuyên truyền để người dân nhận biết và áp dụng biện pháp phòng trừ bệnh.
- Đối bới lúa non (dưới 40 ngày) tịch cực nhổ vùi cây lúa bệnh và cấy dặm lúa khoẻ, phun xịt thuốc trừ rầy. Trường hợp lúa trên 40 ngày, nhổ vùi cây lúa bệnh. Ruộng bị nhiễm bón bổ sung cân đối NPK để giúp lúa phục hồi. Trường hợp nhiễm nặng, tiêu huỷ toàn bộ. Ruộng nhiễm bệnh sau khi thu hoạch phải cày vùi ngay để diệt mầm bệnh.
- Ngày 16/3/2010, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã quyết định công bố dịch bệnh lùn sọc đen hại lúa từ Quảng Ngãi trở ra.
b. Tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở các tỉnh phía Nam:
Diện tích nhiễm rầy trên lúa Đông Xuân 2009-2010 là 35 nghìn ha, lúa hè thu sớm 1.300 ha. Bệnh và lùn và lùn xoắn lá trên lúa Đông Xuân 2,5 ha. Mức độ nhiễm bệnh không lớn, xu hướng giảm dần.
Biện pháp áp dụng: kiên quyết chỉ đạo xuống giống tập trung, né rầy nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan của bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.
2. Chăn nuôi
Nguồn cung thịt hơi các loại gia súc, gia cầm trong dịp Tết và sau tết dồi dào. Ước tính đàn lợn tăng 3-4%, đàn gia cầm tăng 7-8%, sản lượng thịt hơi các loại ước tăng trên 6%. Chăn nuôi tiếp tục tăng khá do dịch bệnh chỉ phát sinh rải rác ở qui mô nhỏ, không lây lan rộng, thiệt hại không nhiều trong khi đó giá bán sản phẩm và giá thức ăn chăn nuôi không biến động lớn nên đã khuyến khích người nuôi tái đàn. Khả năng đàn gia cầm tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đàn lợn cũng được khôi phục và phát triển dần ở những mô hình sản xuất hàng hóa gia trại, trang trại.
Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm tính đến ngày 21/3: Dịch cúm gia cầm còn 4 tỉnh là Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Bến Tre vẫn chưa qua 21 ngày. Dịch Lở mồm long móng còn 3 tỉnh là Hà Giang, Điện Biên, Sơn La chưa qua 21 ngày. Dịch Tai xanh hiện nay không phát sinh ở bất cứ địa phương nào trong cả nước.
Công tác phòng chống dịch bệnh đang được các địa phương tăng cường, việc tiêm vaccin một số bệnh chủ yếu thường hay xảy ra trên gia súc, gia cầm như lở mồm long móng, cúm gia cầm, tụ huyết trùng đang được các địa phương triển khai.
3. Thủy sản
Tổng sản lượng thuỷ sản quí I năm 2010 ước đạt 1067,7 nghìn tấn tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng cá ước đạt 808,4 nghìn tấn tăng 4,2%, sản lượng tôm ước đạt 93 nghìn tấn tăng 6,1%.
Nuôi trồng thuỷ sản:
Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý I năm 2010, ước đạt 463 nghìn tấn, tăng 5%; trong đó, cá đạt 345 nghìn tấn tăng 4,6%, tôm đạt 66,4 nghìn tấn tăng 7%. Tình hình nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, giá cá tra và tôm sú khá cao do xuất khẩu thuỷ sản có dấu hiệu khả quan, trong khi nguồn nguyên liệu bắt đầu khan hiếm. Các địa phương tiếp tục thực hiện chủ chương chuyển đổi và mở rộng các diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa canh, đa con kết hợp, hướng vào thị trường nội địa, tăng năng suất nuôi trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững. Phổ biến là các mô hình nuôi kết hợp tôm-cá, tôm-cua , tôm - lúa, lúa - cá…. Phát triển nuôi lồng, bè trên biển, với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá giò, tu hài… Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 Về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại thiên tai, dịch bệnh nên người nuôi trồng thủy sản phần nào an tâm đầu tư sản xuất.
Nuôi tôm sú tại các vùng có xu hướng khôi phục thả nuôi trở lại, nuôi tôm thẻ chân trắng tiếp tục tăng do năng suất cao và được giá xuất khẩu.Vì vậy, nhiều địa phương có diện tích nuôi tôm các loại tăng khá so cùng kỳ năm trước như: Bạc Liêu đã thả nuôi 111 nghìn ha, tăng 12%; Kiên Giang 63 nghìn ha, tăng 40%; Cà Mau 265 nghìn ha, tăng 0,24%;... Sản lượng tôm các loại thu hoạch trong kỳ tăng khá: Cà Mau đạt 21,5 nghìn tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; Bạc Liêu 9,8 nghìn tấn, tăng 26,7%.
Nuôi cá tra có xu hướng phục hồi, phát triển theo hình thức nuôi qui mô lớn, hiệu quả và thân thiện với môi trường, liên doanh liên kết với các nhà máy, nên diện tích thả nuôi đang tăng trở lại ở một số địa phương như: Bến Tre thả nuôi 715 ha, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; Tiền Giang 110 ha, tăng 10%; Đồng Tháp 895 ha, tăng 10,9%; Vĩnh Long 422 ha, tăng 37,9%;...Tuy nhiên, hiện tượng treo ao nuôi cá tra hoặc chuyển đổi đối tượng nuôi còn diễn ra ở một số địa phương như An Giang diện tích nuôi cá tra 950 ha, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; Cần Thơ 552 ha, giảm 29,9%;...
Khai thác thuỷ sản:
Sản lượng thủy sản khai thác đạt 604,7 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 559,8 nghìn tấn, tăng 4,2%. Khai thác biển trong vụ cá bắc, thời tiết biển tương đối thuận lợi, giá các mặt hàng hải sản tăng. Ngư trường khu vực biển miền Trung và Nam Bộ xuất hiện nhiều và dày đặc cá cơm, cá ngừ đại dương, ruốc, mực,…nên sau Tết Nguyên đán ngư dân tranh thủ ra khơi sớm hơn mọi năm, nhiều ngư dân còn đi khai thác trong cả những ngày Tết. Cá ngừ đại dương năm nay được mùa, được giá nên sản lượng khai thác tăng khá so cùng kỳ năm trước; riêng Phú Yên khai thác được 2213 tấn, tăng 51,6%; Bình Định 1704 tấn, tăng 38,5%. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng cao có phần ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác biển của ngư dân.
4. Lâm nghiệp
Quý I năm 2010, thời tiết tương đối thuận lợi, không có rét đậm kéo dài, nên nhiều địa phương đã triển khai trồng rừng tập trung, phát động phong trào trồng cây lâm nghiệp phân tán kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây. Công tác chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng được các địa phương quan tâm thực hiện, nên kết quả sản xuất lâm nghiệp đạt khá so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do nắng hạn và hanh khô nên nhiều nơi đã xảy ra tình trạng cháy rừng, có nơi nghiêm trọng.
Diện tích rừng trồng tập trung quý I năm 2010 đạt 26,8 nghìn ha, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 59,7 triệu cây, tăng 0,3%; diện tích rừng trồng được chăm sóc 128 nghìn ha, tăng 6,6%; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 268 nghìn ha, tăng 6,3%; sản lượng gỗ khai thác 761 nghìn m3, tăng 6,1%; sản lượng củi khai thác 6,8 triệu ste, tăng 2,4%.
Do nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài vào thời điểm người dân đốt nương làm rẫy, nên đã xảy ra một số vụ cháy rừng, trọng điểm ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Theo báo cáo của các địa phương, quý I năm 2010, diện tích rừng bị thiệt hại 1.763,6 ha, tăng 393,6 ha so cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích rừng bị cháy 1.621,6 ha gấp 2,5 lần, diện tích rừng bị chặt phá 242 ha bằng 33,6%. Vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất xẩy ra tại khu vực vườn quốc gia Hoàng Liên vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, làm cháy 700 ha rừng và 100 ha lau lách. Một số địa phương khác có diện tích rừng bị cháy nhiều như Hà Giang 262 ha, Cao Bằng 231 ha, Kon Tum 115 ha, Gia Lai 134 ha, Quảng Trị 45 ha, Đồng Nai 30 ha,...Đến trung tuần tháng 3, các điểm cháy rừng ở vùng núi phía Bắc đã cơ bản được khống chế, tuy nhiên một số địa phương ở Tây Nguyên và Nam Bộ lại trở thành trọng điểm có nguy cơ xẩy ra cháy rừng.
Trong thời gian tới khô hạn khả năng vẫn tiếp diễn, theo cảnh báo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống cháy rừng, cả nước có 23 địa phương nguy cơ cháy rừng ở cấp V và 16 địa phương ở cấp IV. Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 396/CĐ - TTg, ngày 05/3/2010 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
5. Tiến độ đầu tư XDCB (Phần do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý) sẽ gửi Quý Vụ sau.
II. DỰ BÁO KHẢ NĂNG THỰC HIỆN CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH
1. Dự báo khả năng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2010
Trên cơ sở đánh giá thực hiện 3 tháng đầu năm 2010, tình hình kinh tế trong nước và thế giới tác động đến sản xuất nông, lâm ngư, dự báo bước đầu về khả năng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch 2010 như sau:
Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm toàn ngành nông, lâm, ngư năm 2010 trong Nghị quyết số 36 của Quốc hội là 2,8%. Dự báo khả năng tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của ngành cả năm 2010 đạt khoảng 3-3,2%, trong đó:
- Sản lượng lương thực có hạt năm nay khả năng tăng 4,3% so với năm 2009, trong đó sản lượng lúa cả năm tương đương với 2009, ngô tăng 4,9%. Lương thực hiện chiếm tỷ trọng 32% toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Sản xuất vụ Đông Xuân năm 2010 ở ĐBSCL thuận lợi, ước sản lượng cả vụ 9,5-10 triệu tấn. Giá thành sản xuất 3.000 đồng/kg, giá bán 4500 đồng/kg, nông dân thu lãi trên 30%. Tuy nhiên, Vụ Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc đang gặp khó khăn do dịch lùn sọc đen, đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt. Nhu cầu lúa gạo trên thế giới vẫn lớn, giá ổn định, duy trì mức xuất khẩu 5-6 triệu tấn. Vì vậy, nếu mưa thuận, gió hoà, thì sản lượng lương thực năm 2010 vẫn tăng so với sản lượng lương thực của năm 2009, chủ yếu nhờ tăng ngô.
- Dự kiến kế hoạch 2010, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 5 triệu tấn, giá trị sản xuất tăng 7%, kim ngạch xuát khẩu tăng 10% so với 2009. Khả năng tăng trưởng của ngành thuỷ sản vẫn đạt do nuôi thuỷ sản vẫn phát triển theo hướng đa dạng hoá, thị trường xuất khẩu đã dần được tháo gỡ, mục tiêu đặt ra không cao, trong chỉ đạo điều hành xuất khẩu cần chú trọng giải quyết những vướng mắc, khó khăn tại các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ, Nhật, Đông Âu, Nga. Ngành thuỷ sản cheiesm tỷ trọng 23,4% toàn ngành nông, lâm, ngư.
- Ngành chăn nuôi kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm nay sẽ cao, khoảng 8-9%. Thị trường chính của sản phẩm chăn nuôi là tiêu thụ nội địa, tốc độ trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi 8-9% là khả thi nếu kiểm soát được dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi ổn định ở mức hợp lý. Chăn nuôi hiện chiếm tỷ trọng 15,3% toàn ngành nông, lâm, ngư nên sẽ không tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành.
Như vậy, riêng 3 ngành lương thực, thuỷ sản, chăn nuôi chiếm tỷ trọng khoảng 71% toàn ngành nông, lâm, ngư đạt tốc độ tăng trưởng cao nên sẽ kéo tốc độ tăng trưởng nông, lâm, ngư đạt cao.
- Các ngành khác chiếm tỷ trọng nhỏ, tốc độ tăng không lớn đến tăng trưởng toàn ngành.
Xuất khẩu 3 tháng đầu năm một số mặt hàng nông sản chủ lực vẫn tăng mạnh so cùng kỳ 2009: thuỷ sản tăng 14,5%, hàng rau quả tăng 11,2%, chè các loại tăng 8,7%, cao su 5,9%, gỗ và sản phẩm gỗ 26,3%. Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng kim ngạch vẫn thấp hơn so cùng kỳ là cà phê, gạo, tiêu, điều.
Với tình hình kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi như hiện nay, dự báo kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản 2010 đạt 15-15,5 tỷ USD, tăng 8-10% so với kim ngạch xuất khẩu của năm 2009 (14 tỷ USD). Trong đó: gạo 2,4 tỷ USD, cà phê 1,6 tỷ USD, cao su 1 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ 3 tỷ USD, thuỷ sản 5 tỷ USD.
Ngoài ra, một số chỉ tiêu chủ yếu khác như giá trị sản lượng ước tăng 4-4,5%; Độ che phủ rừng đạt trên 40%; Tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 83%.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Để sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phát triển thuận lợi và ổn định cần tập trung vào một số nội dung sau:
1. Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp
Đối với các vùng đồng bằng có lợi thế về trồng lúa, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng bằng việc sử dụng các giống mới năng suất cao, chất lượng phù hợp với yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời mở rộng chương trình lúa lai, bố trí cơ cấu giống, mùa vụ né tránh sâu bệnh và thời tiết xấu. Áp dụng đồng bộ các biện pháp đặc biệt là "3 giảm 3 tăng" nhằm giảm giá thành sản xuất lúa. Chỉ đạo quyết liệt phòng chống dịch bệnh lùn sọc đen hại lúa ở các tỉnh phía Bắc. Áp dụng chính sách hỗ trợ cho nông dân đảm bảo có lãi ít nhất 30% theo chỉ đạo của Chính phủ (cho vay ưu đãi đểmua trữ, thông báo giá thành sản xuất lúa, thúc đẩy xuất khẩu).
Tập trung đảm bảo về giống, kỹ thuật, chủ động nguồn thức ăn và các điều kiện cần thiết để khôi phục và phát triển nhanh đàn gia súc, gia cầm; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các phương án chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng, tai xanh ở gia súc và các loại dịch bệnh khác.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược thu mua, dự trữ các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu, đảm bảo thu mua hết sản phẩm trong dân với giá cả có lợi cho người sản xuất. Giải quyết mối quan hệ giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, theo hướng ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm để cùng chia sẻ lợi nhuận và cùng chia sẻ rủi ro.
Chú trọng giải quyết các vướng mắc, khó khăn tại các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ, Nhật, Đông Âu, Nga.
2. Phát triển thuỷ lợi và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh trước mắt và từng bước chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Với nguồn vốn được phân bổ trong kế hoạch 2010, tập trung hoàn thành các công trình dở dang sớm đưa vào khai thác sử dụng, các công trình đảm bảo an toàn các hồ chứa, các công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình vốn trái phiếu Chính phủ và các dự án vốn ODA.
Triển khai Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển. Trước hết tập trung khôi phục các tuyến đê bị hư hại trong các đợt bão lũ vừa qua; củng cố, nâng cấp các đoạn đê xung yếu quan trọng. Kết hợp nâng cấp đê với trồng tre, trồng cây chắn sóng.
Đặc biệt quan tâm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và nâng cao hiệu quả khai thác, bảo vệ các công trình thuỷ lợi.
Tiếp tục triển khai quy hoạch các khu bảo tồn thuỷ sản nội địa; khu neo đậu tránh trú bão, đẩy nhanh tiến độ thi công các Trung tâm Quốc gia giống hải sản, các Trung tâm thực hành nghề cá, các trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản; đầu tư các công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản tập trung, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, các bến cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão.
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và tăng thêm trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở nghiên cứu khoa học về biến đối khí hậu tác động đến ngành nhằm sớm có các giải pháp thích ứng.
3. Nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế
Thực hiện chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Tập trung rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vệ sinh, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản. Tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra chứng nhận thực hành sản xuất tốt (Viet GAP, GHAP, GMP, HACCP) cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản.
Triển khai thực hiện chương trình kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật và kiểm soát chất tồn dư, vi sinh vật gây hại đối với sản phẩm động vật.
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thực hiện quảng bá các sản phẩm nông lâm thuỷ sản ra thị trường thế giới; Chủ động phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương thúc đẩy đầu tư nâng cấp và đầu tư mới hạ tầng thương mại nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2015 hình thành hệ thống chợ bán buôn nông sản hoàn chỉnh trên phạm vi cả nước; hình thành và thực hiện giao dịch trực tuyến trên chợ thương mại điện tử; phát triển các sàn giao dịch nông sản; bước đầu hình thành hệ thống kho ngoại quan cho một số ngành hàng chủ lực ở một số thị trường trọng điểm quốc tế.
Hoàn thiện hệ thống tổ chức về thương mại nông lâm thuỷ sản trong cả nước đảm bảo đủ năng lực để quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động về thương mại nông lâm thuỷ sản trong đó có hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
4. Nâng cao năng lực, thể chế quản lý ngành
Tiếp tục hoàn thiện các Đề án, dự án luật, các chương trình, quy hoạch theo chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết TW 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Kiện toàn tổ chức quản lý ngành nông nghiệp và PTNT.
Triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Nghị quyết 48 của Chính phủ về hỗ trợ xử lý sau thu hoạch, Nghị quyết của Chính phủ về an ninh lương thực quốc gia…
Tăng cường công tác phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm./.
File đính kèm: BCNongnghiepT3.10.pdf
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư