Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 01 năm 2014
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tình hình thế giới
Kinh tế thế giới bước sang năm 2014 được đánh giá là tiếp tục hồi phục với ba trụ cột chính là sự tăng trưởng nhanh hơn của các nền kinh tế phát triển, sự ổn định của các nước mới nổi và tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương các nước. Năm 2014, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 3,5%, tốt hơn năm 2013 (2,9%). Trong báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 do Liên Hợp Quốc vừa công bố cũng nhận định: Khu vực đồng Euro chấm dứt thời kỳ suy thoái kéo dài, kinh tế Mỹ cũng như một số nền kinh tế lớn đang nổi, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, đang hồi phục là những yếu tố kích thích kinh tế thế giới tăng trưởng. Yếu tố quan trọng đối với triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu đó chính là khả năng hỗ trợ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương lớn khác thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ.
Mặc dù vậy, bên cạnh các dự báo lạc quan trên, kinh tế thế giới 2014 cũng được dự báo sẽ gặp nhiều yếu tố bất lợi như tình hình bất ổn chính trị tại nhiều khu vực từ Trung Đông, Bắc Phi, cho tới các nước Châu Á; biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp, qua đó gây ra các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, động đất, hạn hán, dịch bệnh.
2. Tình hình trong nước và triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014
Kinh tế nước ta bước vào năm 2014 với bối cảnh kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2013: GDP năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012, trong đó quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54%; quý IV tăng 6,04%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,67%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,43%, khu vực dịch vụ tăng 6,56%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,04 % so với tháng 12/2013.
Năm 2014, năm thứ tư thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015, với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2013, cùng với những quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, cơ hội để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng kinh tế và ổn định trong năm 2014 là hiện hữu.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2014, các Bộ, ban, ngành và địa phương đang tích cực, chủ động trong việc triển khai kế hoạch tới các cấp, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch điều hành cụ thể trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách. Đối với ngành thương mại, các đơn vị cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, đảm bảo cân đối cung – cầu, không để giá cả tăng đột biến, đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết, tăng cường kiểm tra thị trường, ngăn chặn xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 1 NĂM 2014
1. Tình hình phát triển ngành du lịch
Trong tháng 1 năm 2014, xuất hiện những đợt rét đậm rét hại gây tác động tích cực và tiêu cực đến ngành du lịch. Một số địa phương (Sa Pa, Mẫu Sơn) có mưa tuyết đã trở thành những điểm thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế. Cũng trong thời gian này số ngày người dân được nghỉ Tết dài và là tháng chuẩn bị cho Tết cổ truyền của Việt Nam, lượng khách quốc tế và bà con việt kiều về nước ăn tết và tham dự các Lễ hội rất đông do các thủ tục xuất nhập cảnh ngày càng thông thoáng và thuận lợi hơn. Hơn nữa nhiều khách du lịch quốc tế chọn Việt Nam làm điểm dừng chân hấp dẫn của châu Á. Vì vậy, lượng khách quốc tế tăng đáng kể, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (tháng 1/2014, số lượt khách quốc tế đến TP.HCM ước tính khoảng 382.000 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó du khách đến bằng đường hàng không với mức chi tiêu cao và thời gian lưu trú tương đối dài ngày chiếm ưu thế, ước đạt 300.000 lượt, tăng 10%; khách đến bằng các đường khác ước đạt 82.000 lượt tăng 20%. Tổng doanh thu du lịch bao gồm các hạng mục lữ hành, nhà hàng, khách sạn trong tháng ước đạt 7.900 tỉ đồng tăng 17% so với cùng kỳ).
Thị trường du lịch Việt Nam trong tháng đầu năm được đánh giá là thị trường tiềm năng có nhiều cơ hội để phát triển. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch cũng được đẩy mạnh như: nhiều Hội thảo, lễ hội được tổ chức, các hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được tổ chức,....
Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1 đạt khoảng 776,174 nghìn lượt khách, tăng 7% so với tháng 12/2013 và tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do khách du lịch quốc tế có xu hướng tăng trưởng trở lại mặc dù nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn. Một số quốc gia điểm đến trong khu vực do bất ổn về chính trị (Thái Lan, Campuchia) nên khách du lịch quốc tế có xu hướng lựa chọn Việt Nam và một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 1 tháng năm 2014 chủ yếu từ một số thị trường như:
Trung Quốc tăng 19%, Đài Loan tăng 11%, Nhật tăng 12%, Malaysia tăng 23%, Philipines tăng 21%, Thái Lan tăng 14%, Mỹ tăng 12%, Canada tăng 15%. Anh tăng 18, Đức tăng 358%, Thụy sĩ tăng 14%, Italia tăng 15%, Nga tăng 89%, Bỉ tăng 15%, Na Uy tăng 20%. v.v...
Xét theo phương tiện đi lại, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, đường hàng không tăng 13%. Xét theo mục đích chuyến đi của khách du lịch, khách du lịch theo mục đích nghỉ ngơi tăng 20%, khách du lịch đi thăm thân nhân tăng 25%, khách du lịch theo công việc tăng 18%.
Trong dịp nghỉ Tết nguyên Đán, do có đợt nghỉ Tết kéo dài nên số lượng khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài và các địa danh du lịch nổi tiếng trong nước khá lớn. Công tác tổ chức đón khách quốc tế đầu năm và bà con việt kiều về quy vui tết cổ truyền của dân tộc cũng như việc đưa khách Việt Nam đi du lịch được thực hiện tốt với sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan nhà nước và nhân dân đã tạo hiệu ứng tích cực cho phát triển du lịch năm nay.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 1 năm 2014 đạt 10,3 tỷ USD, giảm 10,8%so với tháng 1 năm 2013; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 6,3 tỷ USD, giảm 6,4%.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 1 năm 2014 so với tháng 1 năm trước: dầu thô ước đạt 580 ngàn tấn, giảm 29% về lượng và giảm 34,8% về kim ngạch; than đá ước đạt 800 ngàn tấn, giảm 33,6% về lượng và giảm 34,6% về kim ngạch; dệt may đạt 1,55 tỷ USD, giảm 1%; da giày đạt 850 triệu USD, tăng 4,7%; gỗ và sản phẩm gỗ 500 triệu USD, tăng 2,5%; điện thoại các loại và linh kiện 1,35 tỷ USD, giảm 8,9%; linh kiện điện tử đạt 700 triệu USD, giảm 20,4%; thuỷ sản 540 triệu USD, tăng 13,1%; cao su 85 ngàn tấn, giảm 21,3% về lượng và giảm 39,5% về kim ngạch; gạo 350 ngàn tấn, giảm 21,3% về lượng và giảm 18,7% về kim ngạch; cà phê 135 ngàn tấn, giảm 39,7% về lượng và giảm 45,8% về kim ngạch...
Về thị trường xuất khẩu tháng 1 năm 2014, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm 2,9% và chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU giảm 14,4% và chiếm tỷ trọng khoảng 19%; xuất khẩu vào ASEAN giảm 10% và chiếm tỷ trọng khoảng 13%; xuất khẩu vào Nhật Bản giảm 6,6% và chiếm tỷ trọng 10,6%; xuất khẩu vào Trung Quốc giảm 2,2% và chiếm tỷ trọng khoảng 11%.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 năm 2014 ước đạt 10,4 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng 1 năm 2013, trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,8 tỷ USD, giảm 1,5%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 1 năm 2014 so với tháng 1 năm trước như sau: xăng dầu 600 nghìn tấn, tăng 22,4% về lượng và tăng 15,3% về kim ngạch; sắt thép các loại 650 nghìn tấn, giảm 14,9% về lượng và giảm 17,1% về kim ngạch; phân bón 250 nghìn tấn, giảm 20% về lượng và giảm 45,3% về kim ngạch; giấy các loại 130 nghìn tấn, tăng 6,6% về lượng và giảm 2,8% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 260 nghìn tấn, giảm 12,1% về lượng và giảm 8,3% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt 1,65 tỷ USD, tăng 16,1%; máy tính và linh kiện 1,3 tỷ USD, giảm 12,3%; vải đạt 620 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm trước; nguyên phụ liệu dệt may 280 triệu USD, tăng 4,5%.
Tháng 1 năm 2014, nhập khẩu từ Châu Á chiếm 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này giảm 3,3% so với tháng 1 năm 2013, tỷ trọng ước đạt 27,8%), ASEAN (giảm 14,7%, tỷ trọng 14,8%), Hàn Quốc (giảm 11,6%, chiếm tỷ trọng 13,9%), Nhật Bản (tăng 0,5%, chiếm tỷ trọng 7,8%) và EU (giảm 9%, chiếm tỷ trọng 8,6%).
Tháng 1 năm 2014, cả nước nhập siêu 100 triệu USD, bằng 1% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, ước nhập siêu từ thị trường Trung Quốc là 1,7 tỷ USD.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 ước tính đạt 2618 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012 và là mức tăng thấp nhất trong vòng bốn năm trở lại đây, loại trừ yếu tố giá năm 2013 tăng 5,6%.
Ước 1/2014, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 237.493 tỷ đồng, tăng khoảng 2,75% so với tháng 12/2013.
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2014 tăng 0,69% so với tháng 12/2013.
3.3. Tình hình cung – cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Thị trường trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có văn bản gửi liên bộ Tài chính – Công Thương đề nghị được tăng giá bán lẻ xăng dầu do giá hiện hành đang thấp hơn giá cơ sở. Tuy nhiên, ngày 15-1 Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp giữ ổn định giá bán, thuế suất thuế nhập khẩu, mức trích quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành. Đồng thời, để góp phần bình ổn giá trong dịp tết Nguyên đán, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục không tính lợi nhuận định mức đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa; chưa tính đủ lợi nhuận định mức đối với mặt hàng dầu diesel. Về quỹ bình ổn giá, Bộ yêu cầu ngừng sử dụng quỹ bình ổn giá với mặt hàng dầu diesel từ 100 đồng/lít xuống 0 đồng/lít; giảm sử dụng quỹ bình ổn giá với mặt hàng dầu hỏa từ 890 đồng/lít xuống 520 đồng/lít. Về lợi nhuận định mức, khôi phục 250 đồng/lít với mặt hàng dầu diesel. Theo tính toán bình quân giá cơ sở và giá bán lẻ hiện hành của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp đang lỗ từ 250 đồng đến 850 đồng/lít, kg xăng dầu.
Theo công bố của Bộ Tài chính, số dư Quỹ BOG đến hết Quý IV (đến hết ngày 31/12/2013): 169,219 tỷ đồng, trong đó: tổng số trích Quỹ BOG trong Quý IV (từ ngày 01/10/2013 đến hết ngày 31/12/2013) là 1.094,158 tỷ đồng. Tổng số sử dụng Quỹ BOG trong Quý IV (từ ngày 01/10/2013 đến hết ngày 31/12/2013): 983,540 tỷ đồng.
Lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 1 ước đạt 600 nghìn tấn, tương đương 555 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2013. Lượng dầu thô xuất khẩu tháng 1 ước đạt 580 nghìn tấn, tương đương 480 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2013.
b) Sắt thép
Kết thúc năm 2013, tổng cung sắt thép xây dựng ước đạt 5,92 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước đạt 5,09 triệu tấn, tăng 0,81% so với năm 2012, tổng nhu cầu tiêu thụ khoảng 5,68 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước ước đạt 5,06 triệu tấn. Về giá bán sắt thép trong năm 2013 có biến động giảm do tiêu thụ chậm.
Ngành thép trong năm 2014 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản chưa phục hồi. Theo Hiệp hội thép Việt Nam, tăng trưởng ngành thép sẽ chỉ đạt khoảng 3% so với năm 2013.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép các loại nhập khẩu thực hiện tháng 01/2014 đạt 650 nghìn tấn trị giá 450 triệu USD; giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2013.
c) Xi măng
Kết thúc năm 2013, sản xuất xi măng tăng khoảng 8%, tiêu thụ nội địa tăng khoảng 3% so với năm 2012, chỉ đạt 96,5% kế hoạch năm. Nguyên nhân là do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, cắt giảm đầu tư công, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng. Về giá cả: nguồn cung trong nước dư thừa, trong khi nhu cầu thấp nên giá xi măng năm 2013 liên tục giảm vào thời điểm đầu năm và tăng trở lại do chi phí đầu vào tăng vào thời điểm cuối năm.
Bước vào năm 2014, dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước tăng từ 3-4% so với năm 2013, trong khi sản xuất đạt từ 48,5-49 triệu tấn, xuất khẩu tương đương năm 2013.
d) Phân bón
Thị trường phân bón trong nước tháng 01/2014 và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ diễn biến ở mức ổn định do nguồn cung phân bón các loại vẫn tương đối dồi dào, giá các mặt hàng phân bón sẽ tiếp tục ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ trong thời gian nhu cầu đều tăng ở cả hai miền Nam và Bắc.
Dự báo tổng nhu cầu phân bón năm 2014 khoảng 10,76 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước khoảng 8,186 triệu tấn, nhập khẩu khoảng 2,8 triệu tấn.
Trong tháng 01/2014, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 250 nghìn tấn với trị giá 70 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013.
đ)Lương thực
Trên thị trường thế giới: Tháng 01/2014 giá gạo và các loại ngũ cốc có biến động tăng nhẹ, giá gạo thế giới (ngày 19.01.2014) phổ biến ở mức giá như sau: Gạo trắng hạt dài, chất lượng cao Thái Lan 100% B mức 445-455 USD/tấn fob; Ấn Độ 405-415 USD/tấn fob, (tăng bình quân từ 5-15USD/tấn; Việt Nam 400-415 USD/tấn giá ổn định; Pakistan 450-460USD/tấn; Argentina 625-635 USD/tấn; Uruguay 625-635 USD/tấn fob.
Tại thị trường trong nước, Giá lúa gạo tăng nhẹ, hiện giá lúa gạo phổ biến ở mức như sau: Tại miền Bắc, giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.500 - 8.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 12.500 - 13.500 đồng/kg. Tại Nam Bộ, giá lúa dao động ở mức 5.500 - 6.000 đồng/kg, gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm, giá trong khoảng 8.200 - 8.800 đồng/kg.
Về tồn kho gạo, tính đến nay tồn kho gạo cả nước ước tính khoảng 0,70 triệu tấn, chưa kể lượng gạo tồn kho trong dân.
Dự báo trong thời gian tới, giá lúa gạo có xu hướng tăng nhẹ đặc biệt là gạo chất lượng cao và gạo nếp do bước vào dịp Tết Nguyên đán 2014.
e) Thực phẩm
Giá thực phẩm tươi sống có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước. Thịt lợn hơi: Miền Bắc giá phổ biến khoảng 45.000-48.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 42.000-48.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.
Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch: Miền Bắc giá phổ biến khoảng 140.000-150.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 120.000-130.000 đồng/kg, tăng 5.000-10.000 đồng/kg; gà công nghiệp làm sẵn ở mức 70.000-75.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg.
Giá một số loại rau củ quả ổn định so với tháng trước: Bắp cải 12.000-15.000đồng/kg; khoai tây 15.000-20.000 đồng/kg; cà chua 15.000-20.000 đồng/kg. Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như cá, tôm…tăng nhẹ. Cụ thể: Cá chép 75.000-85.000 đồng/kg; tôm sú 180.000-200.000 đồng/kg; cá quả 120.000-130.000 đồng/kg.
Dự báo giá thực phẩm trong tháng tới sẽ tăng nhưng không đột biến do các địa phương và doanh nghiệp chủ động và sử dụng Quỹ bình ổn giá dự trữ đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp tết.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2014
1. Về phát triển ngành du lịch
- Triển khai xây dựng mới hoặc điều chỉnh Quy hoạch phát triển du lịch của các địa phương theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương, các Hiệp hội trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng giao thông vận tải, môi trường, văn hóa...
- Triển khai quyết liệt Chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2012-2015 đã được phê duyệt nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo, đặc trưng của du lịch từng vùng cũng như của du lịch Việt Nam; nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch và tăng cường xuất khẩu tại chỗ.
- Phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển du lịch. Đào tạo, tăng cường nhân lực, nghiệp vụ du lịch trong các hoạt động kinh doanh để thích ứng được yêu cầu phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, đặc biệt công tác kiểm tra giám sát.
- Tăng cường đầu tư phát triển du lịch, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển cơ sở vật chât kỹ thuật phục vụ du lịch.
- Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia tổ chức năm du lịch quốc gia Tây Nguyên – Lâm Đồng năm 2014.
2. Một số giải pháp điều hành xuất nhập khẩu
Đẩy mạnh xuất khẩu
- Chú trọng nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định xã hội.
- Tăng cường xúc tiến thương mại, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, không để lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường; sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
Kiểm soát nhập khẩu
- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường sử dụng máy móc vật tư, thiết bị sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
- Tiếp tục nhấn mạnh nhóm biện pháp thông tin tuyên truyền, nhất là chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đây là một kênh gián tiếp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam, qua đó giảm tỷ lệ hàng nhập khẩu.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
a. Các giải pháp phát triển thị trường và bảo đảm cung - cầu hàng hóa
- Nắm bắt kịp thời các diễn biến của thị trường, dự báo đúng và sớm các tình huống có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
- Các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá cho thời đầu năm 2014.
-Tăng cường các biện pháp kiểm tra, quản lý thị trường bảo đảm cân đối cung cầu, chống đầu cơ, buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, sắt thép…
- Tiếp tục triển khai đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mở rộng thị trường, nâng cao thị phần của hàng nội.
- Tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường.
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng thiết yếu để đưa vào vận hành, tạo nguồn cung đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.
- Kịp thời trình Chính phủ phương án xuất cấp lương thực và các phương tiện tìm kiếm cứu nạn dự trữ nhà nước cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Trung để hỗ trợ khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội.
b. Các giải pháp nhằm bình ổn, tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2014.
- Tiếp tục thực hiện các chương trình bình ổn giá, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hai thành phố có quyền số tính chỉ số giá lớn nhất trong cả nước, vì vậy, công tác bình ổn của hai thành phố này sẽ góp phần quyết định trong việc bình ổn giá trong phạm vi cả nước.
- Tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh cần tiếp tục mở rộng các chương trình khuyến mại, giảm giá đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua nhằm kích thích tiêu dùng, tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước.
- Quản lý chặt chẽ việc cung cấp thông tin, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp tung tin thất thiệt, gây hoang mang trong tâm lý nhân dân, tạo biến động giá xấu, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
- Tính toán lộ trình điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá và là đầu vào của các ngành sản xuất (xăng dầu, điện, than, y tế, giáo dục...) đồng bộ với các chính sách liên quan để vừa đảm bảo theo tín hiệu thị trường vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá (đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá) gắn với kiểm tra, thanh tra, chấp hành chấp hành về thuế, phí, lệ phí; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đặc biệt là việc điều chỉnh giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu như thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, sữa dành cho trẻ em, thuốc chữa bệnh.
- Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, về mở rộng thị trường, về thủ tục hành chính... để giúp các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, chuẩn bị đủ chân hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong các dịp lễ.
- Các Bộ chuyên ngành chỉ đạo các Tổng công ty và doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, giảm định mức tiêu hao từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm.
- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
3.2. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010 – 2020, định hướng đến năm 2025.
- Theo dõi sát sao thị trường dầu thế giới để kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước hợp lý, vừa đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp phân phối.
- Bảo đảm nguồn dầu nguyên liệu, đáp ứng tối đa yêu cầu về công suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
- Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về kinh doanh xăng dầu như Nghị định thay thế hoặc Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ xem xét, ban hành để có cơ sở điều hành về giá bán lẻ xăng dầu phù hợp trong thời gian tới.
- Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu làm cơ sở cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu áp dụng trong từng thời điểm, đảm bảo tính ổn định, công khai, minh bạch.
b) Sắt thép
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước, khuyến khích các công ty ngoài quốc doanh bố trí thời gian sản xuất phù hợp để tiết kiệm chi phí sử dụng điện, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.
- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép.
- Xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép rẻ kém chất lượng thâm nhập thị trường trong nước.
c. Phân bón
- Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa vụ.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt.
d) Xi măng
-Theo dõi chặt chẽ giá phân bón thế giới để có biện pháp điều tiết nhập khẩu và sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón gây sốt giá cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
- Tăng cường công tác hải quan tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại phía Bắc nhằm giảm buôn lậu phân bón qua đường tiểu ngạch.
đ) Lương thực, thực phẩm
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp theo Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 05/12/2013 và Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Thủ tướng chính phủ. Đối với ngành hàng lương thực, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu trong đời sống xã hội của nhân dân, nhất là trong dịp tết nguyên đán Giáp Ngọ, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, các doanh nghiệp và địa phương bảo đảm cung ứng đủ lượng hàng phục vụ nhân dân, hạn chế tối đa tình trạng khan hàng sốt giá ảo trong những ngày trước trong và sau tết.
Bộ Nông nhiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh và lực lượng Quản lý thị trường tại địa phương có đường biên giới tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, gia súc, gia cầm trên địa bàn và qua các cửa khẩu, đường tiểu ngạch biên giới, nhằm hạn chế nhập lậu các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tràn vào nước ta gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội của nhân dân.
Các địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, cung cầu mặt hàng lương thực, thực phẩm, đặc biệt là trong dịp tết Giáp Ngọ 2014, qua đó chủ động có phương án đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu tại các địa phương đặc biệt là các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh...
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư