Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 20 tháng 12 năm 2013
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tình hình thế giới
Bước sang tháng 12, kinh tế thế giới đón nhận những tín hiệu phục hồi đáng mừng từ các nền kinh tế lớn. Tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III đạt 3,6%, đây là tốc độ tăng GDP mạnh nhất của Mỹ kể từ quý I/2012 (tốc độ tăng GDP này cao hơn cả mức tăng trưởng 2,5% trong quý II và 1,8% trong quý I/2013. Nguyên nhân chính là do sự gia tăng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, chi tiêu của người tiêu dùng trong khi xuất khẩu được đẩy mạnh.
Dự báo trong quý cuối cùng của năm nay, GDP của Mỹ có thể sẽ phát triển với tốc độ chậm hơn, có thể chỉ đạt 2,0%. Bên cạnh đó, các nền kinh tế Châu Âu cũng có những bước phục hồi đáng kể khi thị trường chứng khoán trở nên khởi sắc hơn, tốc độ tăng trưởng GDP của một số nền kinh tế như Anh, Pháp năm 2013 cũng dự kiến cao hơn các dự báo trước đó. Tại Châu Á, mức tăng trưởng kinh tế của khu vực Châu Á (trừ Nhật Bản) vẫn đang dẫn đầu, tuy nhiên cũng suy giảm hơn. Kinh tế Trung Quốc được coi là năng động và luôn có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, nhưng sau thời gian dài tăng trưởng cao, nay bắt đầu suy giảm, năm 2013 chỉ đạt mức 7,5% - 7,7%. Năm 2013 cũng được coi là thành công với các chính sách kinh tế mới được Chính phủ nước này đưa ra, dự kiến tốc độ tăng GDP của Nhật Bản năm 2013 đạt từ 1,8-2%. Khu vực Asean vẫn được coi là điểm sáng trong phát triển kinh tế của các nước mới nổi, đặc biệt là Myanmar với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,7% năm 2013, chỉ hai năm sau khi nước này thực hiện chính sách mở cửa.
2. Tình hình trong nước
Năm 2013, kinh tế nước ta vẫn gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, trong đó có khó khăn khách quan từ bên ngoài và khó khăn chủ quan từ nội tại nền kinh tế. Sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới mà đặc biệt là các nền kinh tế lớn tiếp tục tác động tới thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường hàng hóa thế giới cũng như cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài của các nền kinh tế mới nổi trên thế giới cũng như trong khu vực Asean cũng đã tạo ra những khó khăn, bất lợi cho kinh tế Việt Nam. Trong nước, những chính sách mà Chính phủ đưa ra cũng đã bước đầu phát huy được hiệu quả: việc thực hiện các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của bộ, ngành, địa phương theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ đã có những tín hiệu tích cực, lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, tỷ giá ổn định, bước đầu đã xuất siêu, các lĩnh vực đầu tư, chi tiêu ngân sách được tập trung hiệu quả hơn....Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, gói hỗ trợ mua nhà ở 30.000 tỷ của Chính phủ giải ngân chậm. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh năm 2013 diễn ra nhiều và phức tạp, đã gây những thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế nói chung mà đặc biệt là ngành nông nghiệp.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 12 NĂM 2013
1. Tình hình phát triển ngành dịch vụ
Ước thực hiện cả năm 2013 tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ ước đạt khoảng 6,56% (cao hơn kết quả thực hiện năm 2012 là 5,9%). Cơ cấu khu vực dịch vụ ước đạt khoảng 42%.
Xuất khẩu dịch vụ ước đạt 10,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 9,37% so với năm 2012. Nhập khẩu dịch vụ ước đạt 14 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ ước khoảng 4 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ tuy không đạt kế hoạch đề ra 6,9%-7,6% nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng của các khu vực khác và tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Dịch vụ cũng là khu vực có bước phục hồi rõ nét nhất trong năm 2013, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, du lịch, thông tin và truyền thông, vận tải và kho bãi.
1.2. Một số kết quả đạt được
Năm 2013 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với ngành du lịch của Việt Nam. Trước tình hình diễn biến phức tạp của thiên tai bão lụt, bệnh dịch, hậu quả kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo sâu sát và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời đưa ngành du lịch vượt qua khó khăn đạt được những kết quả nhất định. Toàn ngành du lịch triển khai mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, tham gia và tổ chức nhiều cuộc hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước,…
Tháng 12/2013, với không khí lễ hội mùa Nô-en và kỳ nghỉ tết dương lịch, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch được tổ chức để chào mừng năm mới 2014. Cũng trong tháng 12, Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam Vitours vừa tổ chức chương trìnhFamtrip"Dấu ấn miền Trung" với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp du lịch trong cảnước nhằm mở rộng thị trường, khai thác các sản phẩm du lịch mới. Ngoài ra, một loạt các hoạt động khác cũng được tổ chức như: Đêm hội xúc tiến du lịch Đà Nẵng - Hàn Quốc 2013 tại Đà Nẵng, Tuần văn hóa du lịch Đà Lạt năm 2013,v.v...
Cũng trong dịp cuối năm, một số lượng lớn khách du lịch kết hợp dự hội nghị, hội thảo và tìm kiếm cơ hội đầu tư đến Việt Nam tăng đáng kể. Nhiều dự án đầu tư cho ngành du lịch được ký kết và triển khai thực hiện.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong những tháng cuối năm có xu hướng tăng trở lại. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 12 ước đạt 700 nghìn lượt khách, tăng hơn 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách du lịch quốc tế cả năm 2013 ước khoảng 7,5 triệu lượt khách, tăng 9,5% % so với năm 2012. Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong năm 2013 chủ yếu từ một số thị trường như: Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Pháp, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 12 tháng chủ yếu từ một số thị trường như: Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Mỹ, Đức, Nga, Úc, Niu di lân.
Xét về mục đích chuyến đi du lịch, trong 12 tháng khách du lịch đi theo mục đích du lịch, nghỉ ngơi, theo mục đích công việc, thăm thân nhân.
Xét về phương tiện khách đến, khách đi du lịch chủ yếu đi bằng đường hàng không, đường biển và đường bộ tăng đáng kể.
Khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài trong dịp cuối năm khá lớn nhân dịp Noel và Tết dương lịch. Đặc biệt trong tháng 12, một lượng lớn khách du lịch Việt Nam sang Myanmar cổ vũ cho các tuyển thủ của Việt Nam tham dự Seagames.
Công suất sử dụng phòng trong tháng cuối năm tăng đáng kể 70-80%, bình quân cả năm công suất sử dụng phòng khách sạn đạt khoảng 70%.
Khối lượng vận tải hàng hoá năm 2013 dự kiến đạt 792 triệu tấn, tăng 13,24% so với năm 2012; khối lượng luân chuyển đạt khoảng 42.645 triệu T.Km, tăng 8,7% so với năm 2012. Sản lượng vận tải hành khách dự kiến đạt 2.748 triệu lượt hành khách, khối lượng luân chuyển đạt 94.000 triệu HK.Km.
Ước cả năm 2013, tổng doanh thu toàn ngành ước đạt khoảng: 510.000 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Tổng số máy điện thoại ước đạt 152 triệu máy đạt 105% kế hoạch, trong đó cố địnhước đạt 12 triệu máy. Ước số điện thoại trên 100 dân đạt 140 máy. Số thuê bao internet băng thông rộng cố định ước đạt 5 triệu thuê bằng 125% kế hoạch, số thuê bao internet/100 dân đạt 18 thuê bao, bằng 150% kế hoạch .
d. Dịch vụ ngân hàng:
Năm 2013, tăng trưởng tín dụng tuy thấp hơn chỉ tiêu định hướng 12% nhưng hoạt động tín dụng đã tập trung vào nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế. Tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế đã tăng 8,83% so với cuối năm 2012. Cơ cấu tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên; cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm dần cả về số tuyệt đối và tỷ trọng.
1. Về xuất, nhập khẩu
a. Xuất khẩu
Cả năm 2013, xuất khẩu ước đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4%so với năm 2012; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 81,2 tỷ USD, tăng 26,8% và chiếm 61,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 88,4 tỷ USD, tăng 22,4%. Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 43,8 tỷ USD, tăng 3,5%.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu năm 2013 so với năm 2012: dầu thô ước đạt gần 8,4 triệu tấn, giảm 9,3% về lượng và giảm 11,9% về kim ngạch; than đá ước đạt 12,8 triệu tấn, giảm 15,9% về lượng và giảm 25,7% về kim ngạch; điện thoại các loại và linh kiện đạt 21,5 tỷ USD, tăng 69,2%; dệt may đạt 17,9 tỷ USD, tăng 18,6%; da giày đạt 8,4 tỷ USD, tăng 15,2%; gỗ và sản phẩm gỗ 5,5 tỷ USD, tăng 17,8%; hàng điện tử và linh kiện điện tử đạt 10,7 tỷ USD, tăng 36,2%; thuỷ sản 6,7 tỷ USD, tăng 10,6%; gạo 6,7 triệu tấn, giảm 16,1% về lượng và giảm 18,7% về kim ngạch; cà phê 1,3 triệu tấn, giảm 25,7% về lượng và giảm 26,6% về kim ngạch; cao su 1,1 triệu tấn, tăng 6,7% về lượng và giảm 11,7% về kim ngạch...
Về thị trường xuất khẩu năm 2013, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 20,3% và chiếm tỷ trọng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 20,4% và chiếm tỷ trọng 18,5%; xuất khẩu vào ASEAN tăng khoảng 5% và chiếm tỷ trọng 14%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 4% và chiếm tỷ trọng 10,3%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 6% và chiếm tỷ trọng 9,9%.
b. Nhập khẩu
Cả năm 2013, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 131,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 74,5 tỷ USD, tăng 24,2% và chiếm 56,7% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 56,8 tỷ USD, tăng 5,6%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu năm 2013 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 7,4 triệu tấn, giảm 19,7% về lượng và giảm 22,1% về kim ngạch; sắt thép 9,45 triệu tấn, tăng 24,3% về lượng và tăng 11,5% về kim ngạch; phân bón 4,6 triệu tấn, tăng 15,5% về lượng và giảm 1,6% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt 18,6 tỷ USD, tăng 16%; máy tính và linh kiện 17,7 tỷ USD, tăng 34,9%; vải đạt 8,4 tỷ USD, tăng 19,4%; nguyên phụ liệu dệt may 3,75 tỷ USD, tăng 18,7%...
Năm 2013, nhập khẩu từ Châu Á chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 27,8%, tỷ trọng ước đạt 28%), ASEAN (tăng 3,4%, tỷ trọng 16,3%), Hàn Quốc (tăng 34,4%, chiếm tỷ trọng 16%), Nhật Bản (giảm 0,2%, chiếm tỷ trọng 8,8%) và EU (tăng 4,5%, chiếm tỷ trọng 7%).
c. Một số nhận xét về tình hình xuất nhập khẩu 12 tháng:
- Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung, trong đó có 2 mặt hàng là điện thoại các loại và linh kiện và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện góp phần làm kim ngạch tăng thêm 11,6 tỷ USD.Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 25,5% so với cùng kỳ, trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm 6,3% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 16,2%.
- Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của cả nước tăng thêm 17,65 tỷ USD so với năm 2012, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng 17,15 tỷ USD (đóng góp khoảng 97% kim ngạch tăng thêm). Các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao đều do sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 99% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); máy vi tính linh kiện và điện tử (98%); giầy dép (76%); hàng dệt may (60%); máy ảnh (99%).
- Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cả năm 2013 của khu vực FDI là 24,2% cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung (15,4%) của cả nước, do các mặt hàng chủ lực của khu vực này chủ yếu là gia công, lắp ráp, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.Nhập khẩu của cả nước tăng 17,5 tỷ USD so vớinăm 2013, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI tăng 14,5 tỷ USD. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của khối doanh nghiệp FDI là điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 88,5% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước); máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện (92,5%); vải các loại (61,2%); nguyên phụ liệu dệt may, da giầy (66,5%).
- Cả năm 2013, cả nước xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,65% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu hơn 6,72 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu khoảng 13,95 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt gần 13,1 tỷ USD.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Đánh giá chung
a. Thành tựu đạt được
Thương mại trong nước năm 2013 tuy không phát triển được như kỳ vọng, nhưng cũng đã có những thành tựu nhất định. Thứ nhất, cung cầu hàng hóa được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa tại các dịp lễ, tết, và trong các đợt mưa lũ. Thứ hai, thông qua các Chương trình giảm giá, khuyến mại, hội chợ, triển lãm hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, lượng hàng hóa Việt Nam tại các siêu thị trong nước đã tăng lên đáng kể (hiện chiếm khoảng 80%), uy tín của hàng Việt cũng được nâng cao, dần tạo lập được lòng tin với người tiêu dùng trong nước. Thứ ba, tình hình giá cả thị trường được kiểm soát, không gây ra hiện tượng sốt giá cục bộ, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước năm 2013 dự kiến ở mức dưới 6,5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
b. Những tồn tại, hạn chế
- Tốc độ tăng trưởng của Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 đạt thấp, dự kiến đạt 12,58%, thấp nhất kể từ năm 2010 trở lại đây, không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
- Cơ sở hạ tầng thương mại trên cả nước nói chung vẫn còn lạc hậu, chưa có sự cải thiện nhiều.
- Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn thiếu vốn, kinh nghiệm và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiệu quả; dịch vụ logistic hỗ trợ cho khu vực phân phối chưa phát triển dẫn đến chi phí tăng thêm qua hệ thống phân phối, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa; tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành phân phối cũng như nhà phân phối - nhà sản xuất chưa chặt chẽ. Vai trò của Hiệp hội bán lẻ trong việc tăng cường liên kết, hợp tác và hỗ trợ tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
- Doanh thu từ các hoạt động thương mại bán lẻ không tăng trưởng như kỳ vọng trong những năm gần đây mà chi phí đầu tư ban đầu lại vẫn giữ quá cao so với các nước trong khu vực thì lợi nhuận từ việc đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam không còn được các công ty khảo sát và nghiên cứu thị trường đánh giá là hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
- Việc tiếp cận nguồn hỗ trợ đối với các doanh nghiệp sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do tỉ lệ nợ xấu ngân hàng cao, chính sách tài chính tiền tệ thắt chặt.
- Các hoạt động quản lý thị trường còn hạn chế, chưa kiểm soát triệt để được các hoạt động nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong nước.
- Công tác truyền thông vẫn chưa được quản lý thống nhất, hiệu quả và là nguyên nhân dẫn đến việc các thông tin sai lệch ảnh hưởng xấu đến tâm lý người tiêu dùng.
c. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế
- Do tình hình kinh tế của đất nước năm 2013 chưa có nhiều khởi sắc, thu nhập của người lao động chưa được cải thiện, do đó sức mua của nền kinh tế còn thấp.
- Do khó khăn chung của nền kinh tế trong những năm qua, việc ưu tiên tập trung vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại chưa được các địa phương, doanh nghiệp chú trọng là nguyên nhân của sự tăng trưởng thiếu bền vững của dịch vụ phân phối, bán lẻ.
- Nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hạ tầng thương mại các địa phương hằng năm còn hạn hẹp, chưa có chương trình bổ sung có mục tiêu cho địa phương để phát triển thương mại nội địa.
- Lực lượng quản lý thị trường còn hạn chế cả về nhân lực và cơ sở vật chất, trong khi đó chế tài xử lý vi phạm còn chưa thỏa đáng.
- Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa được quy định rõ ràng, còn bị động, dẫn đến việc chậm triển khai thực thi các chính sách.
- Độ trễ của các chính sách vẫn còn lớn, chậm phát huy tác dụng.
- Chưa có sự gắn kết triệt để giữa quy hoạch ngành và vùng, đặc biệt là đối với hệ thống hạ tầng thương mại tại các địa phương.
3.2. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 12/2013 ước đạt khoảng 231.117 tỷ đồng, tăng 1,77% so với tháng 11/2013. Tính cả năm 2013, tổng mức bán lẻ cả nước ước đạt 2.617.963 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính cả năm 2013, trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 50,3%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 35,5% và 9,88%. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,43%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,04%.
3.3. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng trước trước, đưa chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2013 tăng 6,04% so với tháng 12/2012.
3.4. Tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Tại thị trường trong nước, cùng với xu hướng giá dầu thế giới tăng cao, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh tăng lên 380 – 650 đồng/lít. Cụ thể giá xăng A95, A92 tăng 580 đồng/lít lên mức 24.710 và 24.210 đồng/lít, dầu diesel tăng 650 đồng/lít lên mức 22.960 và 22.260 đồng/lít đối với Diesel 0,05S và Diesel 0,25S, mặt hàng dầu hỏa tăng 380 đồng/lít lên mức 22.400 đồng/lít kể từ ngày 18/12.
Lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 12 ước đạt 700 nghìn tấn, tương đương 660 triệu USD, lũy kế đạt 7.386 nghìn tấn, bằng 80,3% so với sản lượng năm 2012. Lượng dầu thô xuất khẩu tháng 12 ước đạt630 nghìn tấn, tương đương 540 triệu USD, lũy kế đạt 8.388 nghìn tấn, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2012.
b) Thép xây dựng
Kết thúc tháng 11/2013, sản xuất ngảnh thép giảm 5,77% so với cùng kỳ năm 2013, trong khi sức tiêu thụ thép tăng 1,52% so với cùng kỳ năm 2012, nguyên nhân là do doanh nghiệp giảm sản xuất để giải quyết hàng tồn kho từ năm trước trong bối cảnh ngành bất động sản chưa lấy lại được đà phục hồi.
Dự kiến sản lượng thép sản xuất tháng 12 tăng nhẹ trong khi tiêu thụ chưa thể phục hồi do tình hình không mấy sáng sủa của ngành bất động sản.
Nhập khẩu thép: Theo dự báo của liên Bộ, nhập khẩu thép năm 2013 đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 24,3% so với năm 2012, chủ yếu là thép nhập từ Trung Quốc, riêng tháng 12 nhập khoảng 750.000 tấn.
Về giá bán: trong 15 ngày đầu tháng 12, giá bán lẻ thép xây dựng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động từ 15.400 - 15.900 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam từ 15.300 -15.800 đồng/kg.
c) Xi măng
Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, giá điện và nguyên vật liệu đầu vào tăng, trong khi thị trường bất động sản bị đóng băng, làm cho mức tiêu thụ xi măng trong nước giảm đáng kể so với trước năm 2012. Chi phí tài chính cao cũng là một nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp xi măng gặp khó khăn lớn trong thời gian qua. Đẩy mạnh thị trường xuất khẩu là giải pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Năm 2013 toàn ngành dự kiến xuất khẩu trên 10 triệu tấn.
Về giá cả: Trong 15 ngày đầu tháng 12, giá bán lẻ xi măng tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung phổ biến từ 1.280.000 - 1.660.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.360.000 -1.740.000 đồng/tấn.
d) Phân bón
Hiện trên thị trường ure thế giới, các hồ sơ thầu mới liên tục được phát hành. Giá ure giao ngay và giá ure trong các phiên đấu thầu tiếp tục tăng. Đầu tháng 12/2013, thị trường thế giới ghi nhận giá ure tăng nhẹ. Giá ure hạt tại khu vực Đông Âu dao động khoảng 330-335 USD/tấn, tại Trung Đông khoảng 325-330 USD/tấn, tại Đông Nam Á khoảng 331-335 USD/tấn. Giá ure hạt đục tại Trung Quốc khoảng 345-355 USD/tấn, tại Đông Nam Á khoảng 325-335 USD/tấn…
Trong nước, nhu cầu phân bón cho vụ Đông Xuân đang tăng dần lên, tuy nhiên do nguồn cung phân bón vẫn khá lớn nên thị trường phân bón trong nước không xảy ra tình trạng khan hàng cũng như tăng giá đột biến. Trong 15 ngày đầu tháng 12, giá phân bón tại miền Bắc phổ biến khoảng 8.700 - 9.000 đồng/kg, tăng khoảng 100 đồng/kg; tại miền Nam, mức giá phổ biến khoảng 8.500 - 9.000 đồng/kg, tăng khoảng 100 đồng/kg.
Theo đánh giá của liên Bộ, ước tháng 12 năm 2013, Việt Nam nhập khẩu khoảng 350.000 tấn phân bón, bằng 97% so với tháng 11 năm 2013. Ước thực hiện 12 tháng năm 2013, Việt Nam nhập khoảng hơn 4,576 triệu tấn phân bón các loại, tăng 15,5% so với năm 2012.
e) Lương thực
Trên thị trường thế giới: Tháng 12/2013 giá gạo và các loại ngũ cốc có biến động tăng nhẹ đầu tháng 12 do ảnh hưởng của bão Haiyan khiến Philippine phải lên kế hoạch nhập khẩu gạo khẩn cấp, tuy nhiên do nguồn cung đang khá dồi dào từ các nước nên giá lúa gạo thế giới tháng 12 và năm 2013 ổn định không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến hoặc khan hàng ảo.Giá gạo thế giới (ngày 19.12.2013) phổ biến ở mức giá như sau:Gạo trắng hạt dài, chất lượng cao Thái Lan 100% B mức 390-400 USD/tấn fob; Ấn Độ 410-420 USD/tấn fob; Việt Nam 415-425 USD/tấn; Pakistan 455-465 USD/tấn; Argentina 625-635 USD/tấn; Uruguay 625-635 USD/tấn fob.
Tại thị trường trong nước, Giá lúa gạo tăng nhẹ, hiện giá lúa gạo phổ biến ở mức như sau: Tại miền Bắc, giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.000 - 8.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.000 - 12.500 đồng/kg. Tại Nam Bộ, giá lúa dao động ở mức 5.200 - 6.350 đồng/kg, tăng 200 - 400 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm, giá trong khoảng 8.300 - 8.950 đồng/kg, tăng 325 - 650 đồng/kg; loại 25% tấm, giá khoảng 7.650 - 8.150 đồng/kg, tăng 425 - 600 đồng/kg.
Về tồn kho gạo, tính đến nay tồn kho gạo cả nước ước tính khoảng 1,04 triệu tấn, chưa kể lượng gạo tồn kho trong dân.
Dự báo trong thời gian tới, giá lúa gạo có xu hướng tăng nhẹ đặc biệt là gạo chất lượng cao và gạo nếp do chuẩn bị bước vào dịp Tết Nguyên đán 2014.
f)Thực phẩm
Giá thực phẩm tươi sống có xu hướng tăng nhẹ hoặc ổn định (tùy loại) so với cùng kỳ. Thịt lợn hơi: Miền Bắc giá phổ biến khoảng 43.000-47.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 40.000-47.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.
Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch: Miền Bắc giá phổ biến khoảng 130.000-135.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 120.000-125.000 đồng/kg, tăng 5.000-10.000 đồng/kg; gà công nghiệp làm sẵn ở mức 65.000-70.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg.
Giá một số loại rau củ quả ổn định so với cùng kỳ tháng 10/2013: Bắp cải 13.000-16.000 đồng/kg; khoai tây 16.000-20.000 đồng/kg; cà chua 16.000-20.000 đồng/kg. Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như cá, tôm… ổn định. Cụ thể: Cá chép 70.000-85.000 đồng/kg; tôm sú 180.000-187.000 đồng/kg; cá quả 117.000-120.000 đồng/kg.
Dự báo giá thực phẩm trong tháng tới sẽ tăng nhưng không đột biến do các địa phương và doanh nghiệp chủ động và sử dụng Quỹ bình ổn giá dự trữ đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp tết.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2014
1. Về phát triển ngành dịch vụ
1.1. Giải pháp chung
Đẩy mạnh triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020, trong đó tập trung các nhiệm vụ:
- Nâng cao nhận thức về vai trò của khu vực dịch vụ.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực dịch vụ: Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, Nghị định hướng dẫn thị hành Luật nhà ở (sửa đổi), Luật đấu giá tài sản, Nghị định hướng dẫn Luật luật sư
- Xây dựng hoặc điều chỉnh Chiến lược hoặc Quy hoạch phát triển các lĩnh vực dịch vụ trọng yếu hoặc có liên quan đến các lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam như vận tải, logistics, giáo dục,v.v…
- Rà soát, đánh giá môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 và đề xuất các giải pháp thực hiện đến năm 2020.
- Xây dựng đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.
- Triển khai xây dựng mới hoặc điều chỉnh Quy hoạch phát triển du lịch của các địa phương theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương, các Hiệp hội trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng giao thông vận tải, môi trường, văn hóa...
- Triển khai quyết liệt Chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2012-2015 đã được phê duyệt nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo, đặc trưng của du lịch từng vùng cũng như của du lịch Việt Nam; nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch và tăng cường xuất khẩu tại chỗ.
- Phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển du lịch. Đào tạo, tăng cường nhân lực, nghiệp vụ du lịch trong các hoạt động kinh doanh để thích ứng được yêu cầu phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, đặc biệt công tác kiểm tra giám sát.
- Tăng cường đầu tư phát triển du lịch, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển cơ sở vật chât kỹ thuật phục vụ du lịch.
- Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia tổ chức năm du lịch quốc gia Tây Nguyên – Lâm Đồng năm 2014.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản pháp lý về đầu tư, xây dựng. Có chính sách đầu tư đồng bộ để phát huy hiệu quả đầu tư.
- Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch vận tải nói chung và quy hoạch từng lĩnh vực vận tải nói riêng, để có chính sách đầu tư, cơ chế áp dụng hợp lý.
- Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng biển, cảng hàng không theo hướng tập trung và hình thành cảng trung chuyển quốc tế. Nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải và cải thiện chất lượng dịch vụ.
- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành vận tải. Đồng thời, tăng cường nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo cho các cán bộ quản lý nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải và logistics.
- Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và logistics, sẵn sàng hội nhập dịch vụ trong khu vực ASEAN.
- Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn vận tải biển phối hợp với các chủ hàng xuất khẩu của Việt Nam để tăng thị phần vận tải biển của Việt Nam.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng thông tin. Xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan tới bưu chính, viễn thông.
- Tiếp tục điều chỉnh giá cước cho phù hợp, đa dạng hóa gói cước để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
- Các doanh nghiệp tăng cường đầu tư phát triển mạnh dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao.
- Nghiên cứu hoàn thiện công tác cấp phép và các biện pháp tổ chức, quản lý đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền.
- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong đời sống xã hội.
- Chú trọng công tác hội nhập quốc tế, tăng cường công tác thông tin đối ngoại, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển bưu chính viễn thông.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp.
2. Về xuất, nhập khẩu
Đẩy mạnh xuất khẩu
- Chú trọng nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thủy sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định xã hội.
- Tăng cường xúc tiến thương mại, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, không để lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường; sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
Kiểm soát nhập khẩu
- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường sử dụng máy móc vật tư, thiết bị sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
- Rà soát các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết và cẩn trọng trong việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định mới. Các Hiệp định thương mại quốc tế một mặt tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt Nam, mặt khác cũng gây nguy cơ nhập siêu nếu không đàm phán chặt chẽ.
- Tiếp tục nhấn mạnh nhóm biện pháp thông tin tuyên truyền, nhất là chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đây là một kênh gián tiếp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam, qua đó giảm tỷ lệ hàng nhập khẩu.
3. Về phát triển thị trường trong nước
- Tham gia tích cực vào việc đảm bảo ổn định thị trường; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, đảm bảo chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khoẻ nhân dân; thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, đặc biệt tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, hàng giả.
- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đổi mới hệ thống thu mua, tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Rà soát và gia tăng các chế tài xử phạt đối với các hành vi gian lận thương mại; đầu cơ; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm quản lý và đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối bán lẻ.
- Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng Quy hoạch phát triển thương mại của các vùng kinh tế trọng điểm theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt.
- Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển hệ thống đại lý phân phối tại các tỉnh, thành phố, hỗ trợ các địa phương xây dựng các chợ dân sinh...
- Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối trong việc tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đưa hàng hóa tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Tăng cường hiệu quả và quy mô của công tác quản lý thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng sản xuất và buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng giá bất hợp lý, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
(1) Xăng dầu
- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010 – 2020, định hướng đến năm 2025.
- Theo dõi sát sao thị trường dầu thế giới để kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước hợp lý, vừa đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp phân phối.
- Bảo đảm nguồn dầu nguyên liệu, đáp ứng tối đa yêu cầu về công suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
- Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về kinh doanh xăng dầu như Nghị định thay thế hoặc Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ xem xét, ban hành để có cơ sở điều hành về giá bán lẻ xăng dầu phù hợp trong thời gian tới.
- Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu làm cơ sở cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu áp dụng trong từng thời điểm, đảm bảo tính ổn định, công khai, minh bạch.
(2) Sắt thép
- Rà soát, tổ chức lại hệ thống lưu thông phân phối thép, giảm các tầng nấc trung gian.
- Thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, giảm định mức tiêu hao, hạ giá thành sản phẩm.
- Rà soát quy hoạch ngành thép, trong đó chỉ nên khuyến khích các dự án sản xuất các mặt hàng thép kỹ thuật cao, trong nước chưa sản xuất được.
(3) Xi măng
- Rà soát quy hoạch ngành xi măng, nhằm đảm bảo cân bằng cung – cầu, ổn định giá bán, không để tình trạng mất cung vượt cầu quá lớn gây lãng phí tài nguyên của đất nước, gây ô nhiễm môi trường trong khi xuất khẩu chưa thực sự hiệu quả.
- Đảm bảo việc phân phối giữa các vùng, miền thông suốt, tránh tình trạng mất cân đối cục bộ gây sốt giá.
(4) Phân bón
- Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp trên cả nước, nhằm đảm bảo cung – cầu, không gây ra tình trạng sốt giá cục bộ.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn luôn lậu phân bón, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người nông dân.
(5) Lương thực, Thực phẩm
- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất với cơ cấu gieo trồng hợp lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến lúa gạo, từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa kém chất lượng sang trồng ngô, đậu tương để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
- Sớm ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất (đặc biệt là đối với các lĩnh vực có tiềm năng phát triển như trồng và chế biến nông sản, chăn nuôi và giết mổ tập trung, đánh bắt và nuôi thủy sản xa bờ…): Chính sách liên kết các thành phần kinh tế ở nông thôn, chính sách hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch, tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp, thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn./.
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư