Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26 tháng 02 năm 2014
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tình hình thế giới
Bước sang tháng 02/2014, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là từ các nền kinh tế lớn. Tại Mỹ, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều bang bị đình trệ do tác động của bão tuyết, trong khi đó, tại Nhật Bản, doanh số bán hàng tại các siêu thị cũng giảm tháng thứ hai liên tiếp, cho thấy cầu tiêu dùng nội địa – nhân tố thúc đẩy kinh tế Nhật Bản – đang suy giảm. Tình hình bất ổn chính trị tại Ukraine, Thái Lan và khu vực Bắc Phi cũng là các yếu tố tác động tới giá cả các hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới, đặc biệt là các mặt hàng lương thực và nhiên liệu.
2. Tình hình trong nước
Bước sang tháng 2/2014, tình hình kinh tế trong nước chưa có nhiều hoạt động sôi nổi do ảnh hưởng từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến bất lợi: rét đậm, rét hại ở miền Bắc gây thiệt hại nặng nề cho chăn nuôi gia súc và trồng trọt ở các tỉnh miền Bắc, thêm vào đó là sự bùng phát của dịch cúm gia cầm tại nhiều tỉnh trên cả nước, dịch lở mồm long móng trên đàn trâu bò… Đối với các ngành dịch vụ, do kinh tế khó khăn, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân có xu hướng giảm sút, ảnh hưởng tới doanh thu của các ngành dịch vụ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2/2014 đã giảm tới 2,28% so với tháng trước. Tình hình lạm phát trong 2 tháng đầu năm ở mức thấp, phản ánh sức mua thấp của người dân, đồng thời đặt ra bài toán thúc đẩy cầu tiêu dùng trong nước, nhằm tạo động lực kích thích kinh tế phục hồi và phát triển.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 2 NĂM 2014
1. Tình hình phát triển ngành du lịch
Tháng 2 năm nay trùng với Tháng Giêng âm lịch - là tháng người dân Việt Nam đón Tết Nguyên đán và nghỉ Tết dài ngày, đồng thời đây cũng là mùa các lễ hội lớn được tổ chức hàng loạt như hội chùa Hương, hội đền Trần, lễ hội Yên Tử, Cửa Ông…nên hoạt động du lịch đã diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, thu hút một lượng lớn khách nội địa, khách quốc tế và bà con Việt Kiều về nước ăn Tết. Đặc biệt, lượng khách quốc tế tăng mạnh ở những trung tâm du lịch lớn như Hà nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Quảng Ninh, Huế …
Năm nay, đón biết nhu cầu du lịch của khách nội địa sẽ tăng cao vì kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, các hãng lữ hành của Việt Nam đã thiết kế nhiều chương trình du lịch Tết hấp dẫn thu hút một lượng lớn khách tham gia. Ngoài các chương trình du lịch trong và ngoài nước thông thường, các công ty du lịch còn chú trọng tổ chức các tuyến du lịch chuyên biệt phục vụ nhu cầu hành hương, lễ chùa đầu năm, hay chương trình du lịch đến các vùng miền có nhiều lễ hội truyền thống diễn ra trước, trong và sau Tết.
Trong tháng 2/2014, nhiều sự kiện du lịch được tổ chức như: Lễ hội mùa đông Fuyu Matsuri tại Hà Nội, Quảng bá Việt Nam tại Pháp. Đặc biệt cũng trong tháng này tờ tạp chí Indiatimes của Ấn Độ giới thiệu danh sách những thành phố lãng mạn nhất thế giới, trong đó có thành phố Hội An của Việt Nam và Lễ vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đây là những sự kiến có tác động mạnh mẽ đến triển vọng phát triển du lịch của Việt Nam trong 2014.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 02/2014 ước đạt 842.026 lượt khách, tăng 8,48% so với tháng 01/2014 và tăng 47,60% so với tháng 02/2013. Xét theo phương tiện đi lại, lượng khách quốc tế đến bằng đường hàng không ước đạt 647.233 lượt khách, chiếm 76,87% (tăng 39,95% so với cùng kỳ năm 2013); khách đến bằng đường biển ước đạt 15.241 lượt khách, chiếm 1,81% (giảm 23,79% so với cùng kỳ năm 2013); khách đến bằng đường bộ ước đạt 179.552 lượt khách, chiếm 21,32% (tăng 104,04% so với cùng kỳ năm 2013).
Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 02 tháng đầu năm 2014 ước đạt hơn 1,6 triệu lượt khách, tăng 33,40% so với cùng kỳ năm 2013 (hoàn thành 20% kế hoạch so với mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2014). Trong 2 tháng đầu năm 2014 đa số các thị trường khách đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2013, cụ thể như thị trường Đức tăng 262,68%, Hồng Kông tăng 222,76%, Nga tăng 70,15%, Trung Quốc tăng 50,11%, Campuchia tăng 36,90%, Philippin tăng 27,53% và Italy tăng 26,59%…
Khách du lịch nội địa trong 02 tháng đầu năm 2014 ước đạt 9,5 triệu lượt khách, tăng 21,79% so với cùng kỳ năm 2013; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 47.000 tỷ đồng, tăng 34,28% so với cùng kỳ năm 2013.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
2.1. Xuất khẩu
2 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu ước đạt 21,06 tỷ USD, tăng 12,3%so với cùng kỳ năm 2013; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 15,6% và chiếm 61,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 13,85 tỷ USD, tăng 11,8%. Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 13,2%.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 2 tháng năm 2014 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt gần 1,06 triệu tấn, giảm 20,8% về lượng và giảm 23,2% về kim ngạch; than đá ước đạt 1,98 triệu tấn, giảm 21,3% về lượng và giảm 15,7% về kim ngạch; điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,3 tỷ USD, tăng 22,9%; dệt may đạt 3,2 tỷ USD, tăng 30,1%; da giày đạt 1,5 tỷ USD, tăng 27,4%; gỗ và sản phẩm gỗ 884 triệu USD, tăng 20,2%; hàng điện tử và linh kiện điện tử đạt 1,4 tỷ USD, giảm 4,9%; thuỷ sản 1,03 tỷ USD, tăng 38,9%; gạo 0,75 triệu tấn, giảm 6,3% về lượng và giảm 2,3% về kim ngạch; cà phê 0,3 triệu tấn, giảm 6,4% về lượng và giảm 16,9% về kim ngạch; cao su 110 ngàn tấn, giảm 20,5% về lượng và giảm 39,6% về kim ngạch...
Về thị trường xuất khẩu 2 tháng năm 2014, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 34,5% và chiếm tỷ trọng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 10,7% và chiếm tỷ trọng 19%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 3,5% và chiếm tỷ trọng 14%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 19,2% và chiếm tỷ trọng 10,6%; xuất khẩu vào Trung Quốc giảm 1,5% và chiếm tỷ trọng 8,8%.
2.2. Nhập khẩu
2 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 20,8 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,76 tỷ USD, tăng 17,1% và chiếm 56,5% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt gần 9,06 tỷ USD, tăng 16,8%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 2 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 1,34 triệu tấn, tăng 37,3% về lượng và tăng 31,5% về kim ngạch; sắt thép 1,43 triệu tấn, tăng 7,2% về lượng và tăng 2,4% về kim ngạch; phân bón 0,5 triệu tấn, giảm 1,3% về lượng và giảm 25,2% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt 3,34 tỷ USD, tăng 39,2%; máy tính và linh kiện 2,6 tỷ USD, tăng 0,6%; vải đạt 1,3 tỷ USD, tăng 26,7%; nguyên phụ liệu dệt may 0,62 tỷ USD, tăng 39,4%...
2 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu từ Châu Á chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 23,5%, tỷ trọng ước đạt 28%), ASEAN (tăng 12,2%, tỷ trọng 16,7%), Hàn Quốc (tăng 20,3%, chiếm tỷ trọng 17%), Nhật Bản (giảm 2%, chiếm tỷ trọng 7,7%) và EU (giảm 13%, chiếm tỷ trọng 6%).
2.3. Một số nhận xét về tình hình xuất nhập khẩu 2 tháng:
- Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung.Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 16,8% so với cùng kỳ, trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm 0,3% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 19,5%.
- Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2014 của cả nước tăng thêm 2,3 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng khoảng 1,75 tỷ USD (đóng góp khoảng 76% kim ngạch tăng thêm). Các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao đều do sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 99% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); máy vi tính linh kiện và điện tử (98%); giầy dép (71%); hàng dệt may (60%); máy ảnh (99%).
- Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 2 tháng năm 2014 của khu vực FDI là 17,1% xấp xỉ tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung (17%) của cả nước, mặc dù các mặt hàng chủ lực của khu vực này chủ yếu là gia công, lắp ráp, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.Nhập khẩu của cả nước tăng 3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI tăng 1,7 tỷ USD. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của khối doanh nghiệp FDI là điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 80,5% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước); máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện (91,8%); vải các loại (62%); nguyên phụ liệu dệt may, da giầy (71%).
- 2 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất siêu 244 triệu USD, bằng 1,16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu hơn 1,16 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt gần 1,85 tỷ USD.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 2/2014 ước đạt khoảng 234.308 tỷ đồng, giảm 2,28% so với tháng 01/2014. Tính 2 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ cả nước ước đạt tăng 11,59% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, có thể thấy tổng mức bán lẻ tháng 2 giảm mạnh so với tháng trước, nguyên nhân là do người dân tiếp tục cắt giảm chi tiêu sau Tết Nguyên đán, đồng thời việc tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng giảm do tác động của việc gia tăng lo ngại từ các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
2 tháng đầu năm 2014, trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 50,08%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 35,84% và 9,37%. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,66%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,05%.
(Theo số liệu của Tổng Cục thống kê)
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng Cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2014 tăng 0,55% so với tháng 01/2014. Đây là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.
Trong đó, có 02 nhóm gồm dịch vụ bưu chính viễn thông và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng giảm lần lượt là 0,02% và 0,64%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cũng chỉ tăng thấp: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,15%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,6%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,21%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,61%; nhóm giao thông tăng 0,66%. Như vậy, có thể thấy mặc dù kỳ tính CPI tháng 2 nằm trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và dịp sau tết, tuy nhiên giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng ở mức thấp hơn mức tăng của tháng trước, cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân đang ở mức thấp.
(Theo số liệu của Tổng cục thống kê)
3.3. Tình hình cung – cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Thị trường thế giới:
Giá xăng dầu thế giới đầu tháng 2/2014 biến động giảm so với những phiên giao dịch liền kề cuối tháng trước, tuy nhiên, đến cuối tuần và đầu tuần thứ 2 của tháng 2/2014, giá xăng dầu thế giới lại tăng trở lại, nhưng xu hướng không rõ rệt.
Thị trường trong nước:
Tối 21/2, Liên bộ Tài chính - Công Thương cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh giá bán xăng dầu từ 20h ngày 21/2.Theo đó, các doanh nghiệp được điều chỉnh tăng giá bán xăng tối đa 307 đồng/lít; đối với mặt hàng dầu diesel tăng tối đa: 247 đồng/lít; đối với mặt hàng dầu hỏa tăng tối đa 237 đồng/lít; đối với mặt hàng dầu mazut tăng tối đa 204 đồng/kg. Theo Liên bộ, điều chỉnh này dựa trên bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động ở mức cao như hiện nay, nguồn Quỹ Bình ổn giá không còn nhiều, căn cứ tình hình kinh tế xã hội trong nước và xu hướng biến động tăng của giá xăng dầu thế giới. Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng dầu hỏa, dầu mazut cũng được ngừng từ 20h00 ngày 21/2.
Giá xăng của tập đoàn Petrolimex hiện như sau:
Giá xăng RON 92 tăng lên mức 24.510 đồng/lít, tẳng 300 đồng so với giá cũ. Giá dầu diesel tăng 240 đồng/lít, lên mức 22.700 đồng/lít. Mỗi lít dầu hỏa tăng 230 đồng, lên 22.630 đồng/lít; dầu mazut tăng 200 đồng/lít...
Lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 2 ước đạt 550 nghìn tấn, tương đương 524 triệu USD, giảm 29,1% so với tháng trước. Lượng dầu thô xuất khẩu tháng 2 ước đạt 500 nghìn tấn, tương đương 430 triệu USD, giảm 14,9% so với tháng trước.
b) Sắt thép
Ước sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 02/2014 đạt khoảng 420 nghìn tấn, trong khi lượng tiêu thụ đạt khoảng 350 nghìn tấn, ổn định hơn so với tháng trước.
Về giá cả: giá thép xây dựng 15 ngày đầu tháng 2/2014 nhìn chung ổn định so với cùng kỳ tháng trước, tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung phổ biến trong khoảng từ 15.500 - 15.900 đồng/kg, tại các tỉnh miền Nam phổ biến trong khoảng 15.400-15.900 đồng/kg. Dự báo giá thép đến cuối tháng 2 vẫn tiếp tục ổn định.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 01/2014 đạt 582 nghìn tấn, ước tháng 02/2014 đạt 850 nghìn tấn, tăng 36,3% về lượng so với tháng 01/2014 và đạt trị giá 563 triệu USD.
c) Xi măng
Theo Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam, sản lượng sản xuất xi măng toàn ngành xi măng 15 ngày đầu tháng 2/2014 đạt khoảng 1,3 triệu tấn, tổng sản lượng tiêu thụ ước đạt 1,24 triệu tấn, đều giảm so với cùng kỳ tháng trước.
Về giá cả: giá bán xi măng tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1.240.000-1.650.000 đồng/tấn, tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.360.000-1.740.000 đồng/tấn, ổn định so với tháng 1/2014.
d) Phân bón
Thị trường phân bón quốc tế tháng 2/2014: giá phân ure tăng so với cùng kỳ tháng trước, từ khoảng 20-29 USD tại thị trường Yuzhny và Baltic.
Tại thị trường trong nước:
Giá ure 15 ngày đầu tháng 2/2014 tăng nhẹ so với cùng kỳ tháng trước, do giá thế giới tăng, đồng thời nhu cầu phân bón cho vụ Đông Xuân tại các tỉnh phía Bắc bắt đầu tăng.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 02/2014, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 320 nghìn tấn với trị giá 110 triệu USD; tính cả 2 tháng đầu năm 2014, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 521 nghìn tấn với trị giá 166 triệu USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2013.
e) Lương thực, thực phẩm
Lương thực
Trên thị trường thế giới: Tháng 02/2014 giá gạo và các loại ngũ cốc giảm nhẹ do chi phí ngũ cốc, đường, dầu thực vật và thịt giảm, duy chỉ có giá sữa tăng. Giá gạo thế giới (ngày 20.02.2014) phổ biến ở mức giá như sau: Gạo trắng hạt dài, chất lượng cao Thái Lan 100% B mức 440-450 USD/tấn fob; Ấn Độ 415-425 USD/tấn fob; Việt Nam 395-405USD/tấn; Pakistan 395-405USD/tấn; Argentina 625-635 USD/tấn; Uruguay 625-635 USD/tấn fob.
Tại thị trường trong nước: Những ngày đầu tháng 02/2014 trùng vào dịp Tết Nguyên Đán nhưng giá lúa gạo ổn định không có hiện tượng tăng giá đột biến do các địa phương và các doanh nghiệp thực hiện tốt chương trình bình ổn giá, hiện giá lúa gạo phổ biến ở mức như sau:
- Tại miền Bắc, giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.500 - 8.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 12.500 - 13.500 đồng/kg.
- Tại Nam Bộ, giá lúa dao động ở mức 5.500 - 6.000 đồng/kg, gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm, giá trong khoảng 8.200 - 8.800 đồng/kg.
Về tồn kho gạo, tính đến nay tồn kho gạo cả nước ước tính khoảng 0,70 triệu tấn, chưa kể lượng gạo tồn kho trong dân.
Dự báo trong tháng tới, giá lúa gạo tiếp tục ổn định.
Thực phẩm
Sau Tết, thị trường thực phẩm tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh thực phẩm dồi dào, giá cả ổn định, không sảy ra tình trạng tăng giá đột biến, khan hàng.
Giá các loại rau củ quả ổn định: Bắp cải 12.000-15.000đồng/kg; khoai tây 15.000-20.000 đồng/kg; cà chua 15.000-20.000 đồng/kg. Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như cá, tôm…tăng nhẹ. Cụ thể: Cá chép 75.000-85.000 đồng/kg; tôm sú 180.000-200.000 đồng/kg; cá quả 120.000-130.000 đồng/kg.
Dự báo giá thực phẩm trong tháng tới ổn định do nguồn cung dồi dào.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2014
1. Về phát triển ngành du lịch
- Triển khai xây dựng mới hoặc điều chỉnh Quy hoạch phát triển du lịch của các địa phương theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương, các Hiệp hội trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng giao thông vận tải, môi trường, văn hóa...
- Triển khai quyết liệt Chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2012-2015 đã được phê duyệt nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo, đặc trưng của du lịch từng vùng cũng như của du lịch Việt Nam; nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch và tăng cường xuất khẩu tại chỗ.
- Phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển du lịch. Đào tạo, tăng cường nhân lực, nghiệp vụ du lịch trong các hoạt động kinh doanh để thích ứng được yêu cầu phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, đặc biệt công tác kiểm tra giám sát.
- Tăng cường đầu tư phát triển du lịch, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển cơ sở vật chât kỹ thuật phục vụ du lịch.
- Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia tổ chức năm du lịch quốc gia Tây Nguyên – Lâm Đồng năm 2014.
2. Một số giải pháp điều hành xuất nhập khẩu năm 2014
- Đối với mặt hàng nông sản, bên cạnh việc nâng cao khả năng dự trữ tạo điều kiện cho việc ứng phó và điều tiết trước những biến động về giá trên thị trường thế giới, cần chú trọng hơn nữa về chất lượng sản phẩm để tăng giá trị các nhóm hàng sản xuất truyền thống không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng cũng như nâng cao được khả năng cạnh tranh.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại với các hoạt động chủ yếu là: tổ chức các gian hội chợ, triển lãm chuyên ngành, hoạt động giao thương xúc tiến các ngành hàng xuất khẩu có tiềm năng như thực phẩm chế biến, thủy sản, nông sản nhằm củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống, tiềm năng như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... và khai thác thị trường xuất khẩu mới ở Tây Á; hỗ trợ công tác thông tin, dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh, ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm thủy sản.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
- Tiếp tục rà soát, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng hàng hóa, bảo đảm kiểm soát được chất lượng, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế như: biên soạn 08 quy chuẩn Việt Nam cho sản phẩm, hàng hóa; triển khai các thủ tục xây dựng Thông tư quy định về quản lý chất lượng sản phẩm và Thông tư quy định hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn quốc gia; xây dựng và công bố Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra việc bảo đảm chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan và hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra, xác nhận chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
a. Các giải pháp phát triển thị trường và bảo đảm cung - cầu hàng hóa
- Nắm bắt kịp thời các diễn biến của thị trường, dự báo đúng và sớm các tình huống có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
- Các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá cho thời đầu năm 2014.
-Tăng cường các biện pháp kiểm tra, quản lý thị trường bảo đảm cân đối cung cầu, chống đầu cơ, buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, sắt thép…
- Tiếp tục triển khai đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mở rộng thị trường, nâng cao thị phần của hàng nội.
- Tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường.
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng thiết yếu để đưa vào vận hành, tạo nguồn cung đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.
- Kịp thời trình Chính phủ phương án xuất cấp lương thực và các phương tiện tìm kiếm cứu nạn dự trữ nhà nước cho các địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung để hỗ trợ khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội.
b. Các giải pháp nhằm bình ổn, tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2014.
- Tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh cần tiếp tục mở rộng các chương trình khuyến mại, giảm giá đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua nhằm kích thích tiêu dùng, tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước.
- Quản lý chặt chẽ việc cung cấp thông tin, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp tung tin thất thiệt, gây hoang mang trong tâm lý nhân dân, tạo biến động giá xấu, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
- Tính toán lộ trình điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá và là đầu vào của các ngành sản xuất (xăng dầu, điện, than, y tế, giáo dục...) đồng bộ với các chính sách liên quan để vừa đảm bảo theo tín hiệu thị trường vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá (đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá) gắn với kiểm tra, thanh tra, chấp hành chấp hành về thuế, phí, lệ phí; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đặc biệt là việc điều chỉnh giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu như thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, sữa dành cho trẻ em, thuốc chữa bệnh.
- Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, về mở rộng thị trường, về thủ tục hành chính... để giúp các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, chuẩn bị đủ chân hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong các dịp lễ.
- Các Bộ chuyên ngành chỉ đạo các Tổng công ty và doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, giảm định mức tiêu hao từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm.
- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
3.2. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010 – 2020, định hướng đến năm 2025.
- Theo dõi sát sao thị trường dầu thế giới để kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước hợp lý, vừa đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp phân phối.
- Bảo đảm nguồn dầu nguyên liệu, đáp ứng tối đa yêu cầu về công suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
- Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về kinh doanh xăng dầu như Nghị định thay thế hoặc Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ xem xét, ban hành để có cơ sở điều hành về giá bán lẻ xăng dầu phù hợp trong thời gian tới.
- Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu làm cơ sở cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu áp dụng trong từng thời điểm, đảm bảo tính ổn định, công khai, minh bạch.
b) S�t thép
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước, khuyến khích các công ty ngoài quốc doanh bố trí thời gian sản xuất phù hợp để tiết kiệm chi phí sử dụng điện, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.
- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép.
- Xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép rẻ kém chất lượng thâm nhập thị trường trong nước.
c. Phân bón
- Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa vụ.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt.
d) Xi măng
-Theo dõi chặt chẽ giá phân bón thế giới để có biện pháp điều tiết nhập khẩu và sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón gây sốt giá cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
- Tăng cường công tác hải quan tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại phía Bắc nhằm giảm buôn lậu phân bón qua đường tiểu ngạch.
đ) Lương thực, thực phẩm
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp theo Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 05/12/2013 và Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Thủ tướng chính phủ. Đối với ngành hàng lương thực, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu trong đời sống xã hội của nhân dân, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác quản lý, điều hành, giám sát nhằm bình ổn giá cả thị trường, các doanh nghiệp và địa phương chủ động bảo đảm cung ứng đủ lượng hàng phục vụ nhân dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất với cơ cấu gieo trồng hợp lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trong trồng trọt và chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Bộ Công thương (Cục Quản lý thị trường) phối hợp với các cơ quan liên quan tại các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, gia súc, gia cầm trên địa bàn và qua các cửa khẩu, đường tiểu ngạch biên giới, nhằm hạn chế nhập lậu các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống xã hội của nhân dân./.
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư