Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24 tháng 7 năm 2014
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tình hình thế giới
Bước sang tháng 7/2014, thị trường hàng hóa thế giới đã chịu các tác động từ bất ổn về chính trị tiếp tục leo thang tại nhiều khu vực trên thế giới như giao tranh giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly khai tại miền Đông nước này, giao tranh giữa quân đội Isarel và phong trào Hamas tại dải Gaza, sự kiện máy bay của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi tại Ukraine… Theo đó, giá của các mặt hàng thiết yếu như dầu thô, khí đốt, phân bón, đường, gạo… đều có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế Mỹ cũng có những tín hiệu lạc quan khi thất nghiệp tiếp tục giảm, trong khi tại Châu Âu, lạm phát của khu vực đồng tiền chung Euro tiếp tục duy trì ở mức thấp gây nên những lo ngại cho quá trình phục hồi kinh tế của các nước thành viên. Tại Châu Á, kinh tế Trung Quốc và cả khu vực nói chung đang có dấu hiệu tăng tốc trở lại sau những thông tin kinh tế Quý II được công bố, tuy nhiên Ngân hàng phát triển Châu Á trong báo cáo triển vọng kinh tế 2014 công bố ngày 18/7 lại hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2014 từ mức dự đoán tăng 5% đưa ra hồi tháng 4 xuống 4,7%, do lo ngại diễn biến chính trị phức tạp tại một số quốc gia, cũng như nhu cầu nhập khẩu từ ngoài khu vực giảm.
2. Tình hình trong nước
Bước sang tháng 7, kinh tế nước ta tiếp tục phát triển ổn định sau những thông tin tốt về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Cụ thể, GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng ở mức 5,18%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (2013: 4,9%) với mức tăng trưởng khá cao của cả 3 khu vực: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96% (2013: 2,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33% (2013: 5,18%); dịch vụ tăng 6,01% (2013: 5,92%). Lạm phát tiếp tục được kiềm chế ở mức thấp, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Những vấn đề ảnh hưởng tới sản xuất tại các khu công nghiệp phía Nam đã cơ bản được khắc phục, hoạt động sản xuất tại các khu vực này đã đi vào ổn định trở lại. Việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 về nước từ ngày 15/7/2014 đã làm giảm bớt các yếu tố tâm lý tác động tới thị trường chứng khoán, vàng và Đô la Mỹ trong nước. Mặc dù vậy, hiện nay đã bắt đầu bước vào mùa mưa bão, dự báo sản xuất của ngành nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, cung – cầu về lương thực, thực phẩm sẽ có những xáo trộn.
Mặc dù giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ, cùng với việc cân đối cung – cầu trong nước được đảm bảo, sức mua chưa có gia tăng đột biến nên dự kiến giá hàng hóa, dịch vụ tiếp tục ổn định và chỉ tăng nhẹ so với tháng trước.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 7 NĂM 2014
1. Tình hình phát triển ngành du lịch
Tháng 7 tiếp tục là mùa du lịch cao điểm trong năm của nước ta đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng tắm biển. Thời gian này vẫn đang là thời điểm đi du lịch mùa hè, cộng với các công ty du lịch liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi giảm giá, trung bình giá tour giảm từ 10-20% nên số lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng. Nhiều điểm đến hấp dẫn như SaPa, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long…những ngày cuối tuần đều ”cháy” phòng khách sạn.
Mặt khác, tờ nhật báo Telegraph của Anh đã lựa chọn tuyến du lịch trên sông Mê Kông nằm trong top 5 tuyến du lịch trên sông hàng đầu Châu Á cho năm 2015 đã khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trong lòng du khách quốc tế.
Bên cạnh đó các địa phương trên cả nước cũng nỗ lực thu hút khách du lịch bằng các hoạt động thiết thực như: Lễ hội Nho và Vang quốc tế 2014 tại TP. Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Lễ hội Giao lưu văn hóa – ẩm thực Việt Nam và Nhật Bản nhân sự kiện Vietnam Airlines mở đường bay thẳng Đà Nẵng – Tokyo (Nhật Bản), v.v...
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7 ước đạt 564.736 lượt giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2013 và tăng 4,6% so với tháng 6/2014. Tổng số khách du lịch quốc tế trong 7 tháng ước đạt hơn 4,85 triệu lượt khách, tăng 15,6% so cùng kỳ năm ngoái.
Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong tháng 7 chủ yếu từ một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào, Malaysisa, Thái Lan, Philipin, Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Italy, Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Nga, Úc,…
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng bằng đường hàng không tăng 15,1% so với cùng kỳ, khách du lịch đi bằng đường bộ tăng 35% so với cùng kỳ.
Xét theo mục đích chuyến đi, số lượng khách du lịch đi theo mục đích nghỉ ngơi trong 7 tháng năm 2014, du lịch tăng 13,9% so với cùng kỳ, tiếp đến là khách đi theo mục đích công việc tăng 16,1% và cuối cùng là khách du lịch đi theo mục đích thăm thân nhân tăng 19,5% .
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
a. Xuất khẩu
Tháng 7 năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,4 tỷ USD, tăng nhẹ so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 0,5%.
7 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu ước đạt 83,5 tỷ USD, tăng 14,1%so với cùng kỳ năm 2013; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 51,2 tỷ USD, tăng 15,7% và chiếm 61,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 55,8 tỷ USD, tăng 15%. Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 12,2%.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 7 tháng năm 2014 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt gần 5,3 triệu tấn, tăng 5,8% về lượng và tăng 8,3% về kim ngạch; than đá ước đạt 4,9 triệu tấn, giảm 37,6% về lượng và giảm 33,9% về kim ngạch; điện thoại các loại và linh kiện đạt 13,2 tỷ USD, tăng 13,9%; dệt may đạt 11,5 tỷ USD, tăng 19,4%; da giày đạt 5,75 tỷ USD, tăng 21,8%; gỗ và sản phẩm gỗ 3,4 tỷ USD, tăng 14,9%; hàng điện tử và linh kiện điện tử đạt 5,5 tỷ USD, giảm 4,9%; thuỷ sản 4,2 tỷ USD, tăng 25,5%; gạo 3,9 triệu tấn, giảm 8% về lượng và giảm 4,7% về kim ngạch; cà phê 1,1 triệu tấn, tăng 27,8% về lượng và tăng 22,9% về kim ngạch; cao su 454 ngàn tấn, giảm 9,5% về lượng và giảm 32% về kim ngạch...
Về thị trường xuất khẩu 7 tháng năm 2014, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 21,9% và chiếm tỷ trọng 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 13,4% và chiếm tỷ trọng 18,6%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 0,4% và chiếm tỷ trọng 12,9%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 13,2% và chiếm tỷ trọng 10,1%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 16,9% và chiếm tỷ trọng 10,3%.
b. Nhập khẩu
Tháng 7 năm 2014, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,65 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 7,05 tỷ USD, tăng 3%.
7 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 82,25 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 46,05 tỷ USD, tăng 10,3% và chiếm 56% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 36,2 tỷ USD, tăng 13%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 7 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 5,3 triệu tấn, tăng 24,1% về lượng và tăng 25,1% về kim ngạch; sắt thép 5,84 triệu tấn, tăng 5,8% về lượng và giảm 1,2% về kim ngạch; phân bón 2,14 triệu tấn, giảm 14,6% về lượng và giảm 31,3% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt 12,65 tỷ USD, tăng 24,4%; máy tính và linh kiện 9,65 tỷ USD, giảm 3,1%; vải đạt 5,5 tỷ USD, tăng 16,7%; nguyên phụ liệu dệt may 2,73 tỷ USD, tăng 27,1%...
7 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu từ Châu Á chiếm 80,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 15,3%, tỷ trọng ước đạt 28,5%), ASEAN (tăng 8,7%, tỷ trọng 16,2%), Hàn Quốc (tăng 6,3%, chiếm tỷ trọng 14,9%), Nhật Bản (tăng 5,6%, chiếm tỷ trọng 8,35%) và EU (giảm 8,5%, chiếm tỷ trọng 6%).
c. Một số nhận xét về tình hình xuất nhập khẩu 7 tháng:
- Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung.Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 15,2% so với cùng kỳ, nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng 12,6% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản tăng 0,7%.
- Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2014 của cả nước tăng thêm 10,3 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng khoảng 6,94 tỷ USD (đóng góp khoảng 67,4% kim ngạch tăng thêm). Các mặt hàng có sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 99,5% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); máy vi tính linh kiện và điện tử (98,4%); giầy dép (77,2%); hàng dệt may (60%); máy ảnh (96%).
- Nhập khẩu của cả nước tăng 8,44 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI tăng 4,3 tỷ USD. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của khối doanh nghiệp FDI là điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 85% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước); máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện (91,3%); vải các loại (61%); nguyên phụ liệu dệt may, da giầy (68,5%).
- 7 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất siêu khoảng 1,26 tỷ USD, bằng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 5,17 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu khoảng 9,79 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 8,53 tỷ USD.
3. Phát triển thị trường trong nước
a) Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 7/2014 đạt 238.731 tỷ đồng, tăng 0,33% so với tháng 6/2014. Tính cả 7 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ đạt 1.654.871 tỷ đồng, tăng 11,42% so với cùng kỳ năm trước.
b) Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng Cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2014 tăng 0,23% so với tháng 6/2014, đưa CPI cả nước 6 tháng đầu năm tăng 1,62% so với tháng 12/2013.
Trong đó, nhóm tăng cao nhất là nhóm giao thông, tăng 0,44%, tiếp đó là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,43%, nhóm hàng văn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26%; riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%; các nhóm còn lại tăng từ 0,03%-0,24%.
3.3. Tình hình cung – cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Thị trường thế giới:
Kể từ đầu tháng 7 đến nay, giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động tăng giảm không ổn định. Trong khi nửa đầu tháng 7, giá dầu có xu hướng giảm nhiều hơn, có lúc xuống dưới 100 USD/thùng (16/7), tuy nhiên sau đó giá dầu có xu hướng tăng trở lại. Kết thúc phiên, giá dầu ngọt, nhẹ hợp đồng giao tháng 8 hết hạn vào ngày 22/7 giảm xuống 104,42 USD/thùng trên sàn Nymex. Hiện nay thị trường đã chuyển sang giao dịch hợp đồng giao tháng 9 với khởi điểm ở mức 103,12 USD/thùng trên sàn Nymex trong khi giá dầu Brent tăng ở mức 108,03 USD/thùng trên sàn ICE. Với những lo ngại do nguồn cung giảm liên tiếp trong 4 tuần qua, dự kiến giá dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thị trường trong nước:
Căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới, kể từ tối ngày 7/7, giá bán lẻ xăng dầu đã được điều chỉnh tăng 410 đồng/lít. Đây là lần thứ hai giá xăng dầu tăng kể từ ngày 23/6/2014, trong đó tổng mức tăng giá xăng của hai đợt là 740 đồng/lít. Hiện giá xăng A95 đã tăng lên 26.140 đồng/lít và giá xăng A92 lên 25.640 đồng/lít, dầu Diesel giá được điều chỉnh tăng 290 đồng/lít, 420 đồng lít/dầu hỏa và 130 đồng/kg dầu mazut. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của mặt hàng thiết yếu này. Đồng thời, Bộ Tài chính ban hành công văn số 9154/BTC-QLG trong đó cho phép các doanh nghiệp tăng mức sử dụng quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với mặt hàng xăng thêm 200 đồng/lít (từ 300 đồng/lít lên mức 500 đồng/lít); tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn giá 300 đồng/kg đối với dầu madut.
Ngày 18/7, sau khi giá xăng dầu thế giới giảm thì giá dầu trong nước cũng được điều chỉnh giảm, cụ thể dầu diesel giảm 140 đồng/lít, dầu hỏa giảm 140 đồng, dầu mazut giảm 180 đồng/kg. Trong khi đó, giá xăng giữ nguyên, mức chi quỹ bình ổn giá được tăng từ 500 đồng lên mức 670 đồng/lit.
Lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 7 ước đạt 700 nghìn tấn, tương đương 668 triệu USD, giảm 25% so với tháng trước; lũy kế 7 tháng đầu năm 2014 đạt 5.317 nghìn tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Lượng dầu thô xuất khẩu tháng 7 ước đạt 690 nghìn tấn, tương đương 580 triệu USD, giảm 13% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm đã xuất 5.276 nghìn tấn, tăng 5,8% so với sản lượng cùng kỳ năm 2013.
b) Sắt thép
Thị trường thế giới: Giá chào phôi thép thế giới 15 ngày đầu tháng 7/2014 nhìn chung tương đối ổn định so với tháng 6/2014. Hiện giá chào phôi thép tại thị trường Đông Nam Á dao động quanh mức 505-515 USD/tấn CFR; phôi nguồn CIS: ổn định quanh mức 490 USD/tấn FOB; Phôi Thổ Nhĩ Kỳ xuất tại cảng 520 USD/tấn FOB và nhập về tại cảng là 510 USD/tấn CFR; Nga: 510 USD/tấn CFR.
Thị trường trong nước: Ước sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng 7 có xu hướng giảm so với tháng 6 do đã bước vào thời kỳ mưa bão, hoạt động xây dựng không còn sôi động như những tháng trước.
Giá bán lẻ trên thị trường : Giá bán lẻ thép xây dựng 15 ngày đầu tháng 7/2014 cơ bản ổn định so với 15 ngày đầu tháng 6/2014; cụ thể: tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động từ 15.400 - 16.000 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam từ 15.300 -15.900 đồng/kg.
Sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 6/2014 đạt 495 nghìn tấn, ước tháng 7/2014 đạt 800 nghìn tấn, tăng 61,6% về lượng so với tháng trước. Tính cả 7 tháng đầu năm 2014, lượng thép nhập khẩu đạt khoảng 5.837 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
c) Xi măng
Ước sản lượng tiêu thụ và sản xuất xi măng tháng 6/2014 có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước do đã bước vào mùa mưa bão nên nhu cầu xây dựng nhà ở bắt đầu có xu hướng chững lại. Giá bán lẻ trên thị trường: Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, giá bán lẻ xi măng 15 ngày đầu tháng 7/2014 ổn định so với 15 ngày đầu tháng 6/2014; tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1.050.000 -1.500.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000 -1.800.000 đ��ng/tấn.
d) Phân bón
Trong 15 ngày đầu tháng 7, giá phân bón tiếp tục ổn định so với cùng kỳ tháng trước, cụ thể: giá phân bón tại miền Bắc phổ biến khoảng 8.200 - 8.400 đồng/kg; tại miền Nam, mức giá phổ biến khoảng 8.000 - 8.400 đồng/kg. Nguyên nhân là do nhu cầu phân bón tại các tỉnh miền Bắc và miền Nam vẫn ở mức thấp, trong khi nguồn cung vẫn đồi dào.
Trong tháng 7/2014, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 280 nghìn tấn với trị giá 90 triệu USD; tính cả 7 tháng đầu năm 2014, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 2.137 nghìn tấn với trị giá 675 triệu USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2013.
e) Lương thực, thực phẩm
Thị trường thế giới: Tháng 7/2014, giá gạo thế giới tăng nhẹ, phổ biến ở mức giá như sau: Gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán với giá 425-445 USD/tấn, tăng 40 USD/tấn so với tháng trước, nhưng giảm 45 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái; Ấn Độ 435-445 USD/tấn fob, tăng 5 USD/tấn so với tháng trước và so với cùng kỳ không thay đổi; Việt Nam 435-440USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng trước và cùng kỳ năm 2013; Mỹ 550-560USD/tấn fob, giảm 25 USD/tấn so với tháng trước và giảm 60 USD/tấn so với năm ngoái; Pakistan 435-445USD/tấn fob, giảm 10 USD/tấn so với tháng trước trong khi tăng 15 USD/tấn so với năm ngoái.
Thị trường trong nước:
Trong tháng 7/2014, giá lương thực, thực phẩm tăng nhẹ trong các ngày từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 7 do người dân ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh mua dự trữ thực phẩm phòng ngừa cơn bão số 2 đổ bộ vào miền bắc. Tuy nhiên, trong những ngày trở lại đây giá lương thực, thực phẩm tại Hà Nội và các thành phố tại miền bắc đã ổn định trở lại, không còn hiện tượng tăng giá đột biến và khan hàng ảnh hưởng xấu đến nhu cầu của nhân dân. Giá thóc gạo ổn định tại miền Bắc nhưng tăng nhẹ tại miền Nam, cụ thể như sau:
Tại miền Bắc, giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.000 - 6.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.000 - 12.500 đồng/kg. Tại Nam Bộ, giá lúa dao động ở mức 5.400 - 6.050 đồng/kg, tăng khoảng 50 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm mức giá trong khoảng 8.200 - 8.400 đồng/kg, tăng khoảng 325 đồng/kg; loại 25% tấm giá khoảng 7.450 - 7.600 đồng/kg, tăng khoảng 50 - 200 đồng/kg. Nguyên nhân là do giá lúa gạo thị trường Thái Lan tăng lên mức cao do nguồn cung khan hiếm. Giá lúa gạo trong mước tăng nhờ các hợp đồng xuất khẩu cho Malaysia và Philipines bắt đầu chuyển hàng sang các nước theo hợp đồng đã ký.
Giá thực phẩm tươi sống 15 ngày đầu tháng 7/2014 có biến động không đều giữa các mặt hàng so với cùng kỳ tháng trước. Thịt lợn hơi: Miền Bắc giá phổ biến khoảng 44.000 - 46.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; Miền Nam giá phổ biến khoảng 47.000 - 54.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do có hiện tượng các thương lái thu gom lợn xuất sang Campuchia đã tác động làm giá thịt lợn hơi tại các tỉnh phía Nam tăng nhẹ. Tại các tỉnh phía Bắc do có sự chênh lệch giá lợn hơi giữa hai vùng miền nên các thương lái đã thu gom lợn ở các tỉnh miền Bắc để vận chuyển vào miền Nam bán kiếm lời, khiến nguồn cung lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc giảm, tác động làm giá thịt lợn hơi tăng nhẹ trong 15 ngày đầu tháng 7/2014.
Thịt gà ta và gà công nghiệp làm sẵn có kiểm dịch: Miền Bắc giá phổ biến khoảng 115.000 - 120.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; Miền Nam giá phổ biến khoảng 110.000 - 115.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; gà công nghiệp làm sẵn ở mức 55.000 - 60.000 đồng/kg, ổn định.
Giá một số loại rau, củ, quả nhìn chung ổn định là do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của rau xanh. Cụ thể: bắp cải 8.000 - 10.000 đồng/kg; khoai tây 12.000 -15.000 đồng/kg; cà chua 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như cá chép, tôm, mực ống… ổn định so với 15 ngày tháng 6/2014: Cá chép 70.000 - 80.000 đồng/kg; tôm sú 180.000 - 185.000 đồng/kg; cá quả 110.000 - 120.000 đồng/kg.
Dự báo cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2014 giá lương thực và thực phẩm có thể tiếp tục xu hướng tăng nhẹ, sau đó sẽ ổn định.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2014
1. Về phát triển ngành du lịch
- Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền trong nước, chống tư tưởng bài trừ khách du lịch, đặc biệt khách du lịch đến từ thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông,v.v...
- Tăng cường mạnh mẽ hoạt động tuyên truyền thông tại các thị trường quốc tế qua các kênh ngoại giao, đại sứ quán, công ty lữ hành, các tổ chức du lịch nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ, giải thích về công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, giữ hình ảnh du lịch của Việt Nam.
- Tạo thuận lợi cho khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam;
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương, các Hiệp hội trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng giao thông vận tải, môi trường, văn hóa...
- Triển khai quyết liệt Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chương trình hành động quốc gia về du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2012-2015 đã được phê duyệt nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương, các vùng sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch.
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo, đặc trưng của du lịch từng vùng cũng như của du lịch Việt Nam; nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch và tăng cường xuất khẩu tại chỗ.
- Phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển du ịch. Đào tạo, tăng cường nhân lực, nghiệp vụ du lịch trong các hoạt động kinh doanh để thích ứng được yêu cầu phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, đặc biệt công tác kiểm tra giám sát.
- Tăng cường đầu tư phát triển du lịch, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển cơ sở vật chât kỹ thuật phục vụ du lịch.
- Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định về lệ phí visa và tiếp tục duy trì chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của du lịch Việt Nam; Kéo dài thời hạn visa du lịch tại Việt Nam đối với một số thị trường trọng điểm của Việt Nam như: Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản,v.v...
- Kích cầu du lịch nội địa như giảm giá Tour du lịch trong nước, có chính sách ưu đãi về thuế, phí đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí,v.v...
2. Một số giải pháp điều hành xuất nhập khẩu năm 2014
- Đối với mặt hàng nông sản, bên cạnh việc nâng cao khả năng dự trữ tạo điều kiện cho việc ứng phó và điều tiết trước những biến động về giá trên thị trường thế giới, cần chú trọng hơn nữa về chất lượng sản phẩm để tăng giá trị các nhóm hàng sản xuất truyền thống không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng cũng như nâng cao được khả năng cạnh tranh.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại với các hoạt động chủ yếu là: tổ chức các gian hội chợ, triển lãm chuyên ngành, hoạt động giao thương xúc tiến các ngành hàng xuất khẩu có tiềm năng như thực phẩm chế biến, thủy sản, nông sản nhằm củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống, tiềm năng như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... và khai thác thị trường xuất khẩu mới ở Tây Á; hỗ trợ công tác thông tin, dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh, ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm thủy sản.
- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.
- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
a. Các giải pháp phát triển thị trường và bảo đảm cung - cầu hàng hóa
- Nắm bắt kịp thời các diễn biến của thị trường, dự báo đúng và sớm các tình huống có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
- Tăng cường các biện pháp kiểm tra, quản lý thị trường bảo đảm cân đối cung cầu, chống đầu cơ, buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, sắt thép…
- Tiếp tục triển khai đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mở rộng thị trường, nâng cao thị phần của hàng nội.
- Tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường.
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng thiết yếu để đưa vào vận hành, tạo nguồn cung đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.
- Kịp thời trình Chính phủ phương án xuất cấp lương thực và các phương tiện tìm kiếm cứu nạn dự trữ nhà nước cho các địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung để hỗ trợ khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội.
b. Các giải pháp nhằm bình ổn, tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả
-Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2014.
- Tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục mở rộng các chương trình khuyến mại, giảm giá đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua nhằm kích thích tiêu dùng, tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước.
- Quản lý chặt chẽ việc cung cấp thông tin, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp tung tin thất thiệt, gây hoang mang trong tâm lý nhân dân, tạo biến động giá xấu, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
- Tính toán lộ trình điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá và là đầu vào của các ngành sản xuất (xăng dầu, điện, than, y tế, giáo dục...) đồng bộ với các chính sách liên quan để vừa đảm bảo theo tín hiệu thị trường vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá (đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá) gắn với kiểm tra, thanh tra, chấp hành chấp hành về thuế, phí, lệ phí; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đặc biệt là việc điều chỉnh giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu như thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, sữa dành cho trẻ em, thuốc chữa bệnh. Đối với một số mặt hàng thiết yếu, nghiên cứu phương án áp giá trần như đối với mặt hàng sữa trẻ em thời gian qua nhằm bảo đảm lợi ích người tiêu dùng và bình ổn thị trường.
- Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, về mở rộng thị trường, về thủ tục hành chính... để giúp các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, chuẩn bị đủ chân hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong các dịp lễ.
- Các Bộ chuyên ngành chỉ đạo các Tổng công ty và doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, giảm định mức tiêu hao từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm.
- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
3.2. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010 – 2020, định hướng đến năm 2025.
- Theo dõi sát sao thị trường dầu thế giới để kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước hợp lý, vừa đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp phân phối.
- Bảo đảm nguồn dầu nguyên liệu, đáp ứng tối đa yêu cầu về công suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
- Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu làm cơ sở cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu áp dụng trong từng thời điểm, đảm bảo tính ổn định, công khai, minh bạch.
b) Sắt thép
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước, khuyến khích các công ty ngoài quốc doanh bố trí thời gian sản xuất phù hợp để tiết kiệm chi phí sử dụng điện, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.
- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép.
- Xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép rẻ kém chất lượng thâm nhập thị trường trong nước.
c. Phân bón
- Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa vụ.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt.
d) Xi măng
-Theo dõi chặt chẽ giá phân bón thế giới để có biện pháp điều tiết nhập khẩu và sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón gây sốt giá cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
- Tăng cường công tác hải quan tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại phía Bắc nhằm giảm buôn lậu phân bón qua đường tiểu ngạch.
đ) Lương thực, thực phẩm
Tháng tới và các tháng tiếp theo là khoảng thời gian nước ta có thể phải hứng chịu thêm các cơn bão, lũ lụt và sạt lở đất khó lường, vì vậy, các địa phương cần chủ động trong mọi tình huống ứng phó với thiên tai, bão lũ...và cần tăng cường công tác quản lý, điều hành, giám sát nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống cung ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp theo Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 05/12/2013 và Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Thủ tướng chính phủ. Đồng thời tiến hành rà soát, khắc phục hậu quả cơn bão số 2 vừa qua tại các tỉnh phía bắc, hỗ trợ kịp thời các nhu cầu thiết yếu (gạo, mì, thuốc chữa bệnh...) cho nhân dân vùng lũ sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường./.
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư