I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 2 NĂM 2011
1. Tình hình phát triển ngành du lịch
Tháng 2 năm nay trùng với Tháng Giêng âm lịch - là tháng người dân Việt Nam đón Tết Nguyên đán và nghỉ Tết dài ngày, đồng thời đây cũng là mùa các lễ hội lớn được tổ chức hàng loạt như hội chùa Hương, hội đền Trần, lễ hội Yên Tử, Cửa Ông…nên hoạt động du lịch đã diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, thu hút một lượng lớn khách nội địa, khách quốc tế và bà con Việt Kiều về nước ăn Tết. Đặc biệt, lượng khách quốc tế tăng mạnh ở những trung tâm du lịch lớn như Hà nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Quảng Ninh, Huế …
Năm nay, đón biết nhu cầu du lịch của khách nội địa sẽ tăng cao vì kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài (phổ biến là 8 ngày), các hãng lữ hành của Việt Nam đã thiết kế nhiều chương trình du lịch Tết hấp dẫn thu hút một lượng lớn khách tham gia. Đặc biệt như: chương trình “Tây ăn tết ta” với chùm tour “Đón tết với sông nước miền tây“, “Đón tết với người Sài Thành” của công ty dịch vụ lữ hành Saigon Tourist. Ngoài các chương trình du lịch trong và ngoài nước thông thường, các công ty du lịch còn chú trọng tổ chức các tuyến du lịch chuyên biệt phục vụ nhu cầu hành hương, lễ chùa đầu năm, hay chương trình du lịch đến các vùng miền có nhiều lễ hội truyền thống diễn ra trước, trong và sau Tết.
Cũng trong tháng 2 này, số lượng khách quốc tế đến Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đạt kỷ lục. Theo Ban quản lý Vịnh Hạ Long, trong dịp Tết Tân Mão có hơn 48.000 lượt khách tham quan Vịnh, trong đó gần 45.000 là khách quốc tế. Lượng khách quốc tế đến Hạ Long bằng các chuyến tàu biển quốc tế dịp Tết cũng chiếm con số kỷ lục với khoảng 8.000 lượt khách. Ngoài ra, hai đoàn khách quốc tế của tàu biển Costa Classica đã mang theo tổng số 2.500 du khách và thuyền viên (đa số mang quốc tịch Trung Quốc và Hồng Kông) đến tham quan Hạ Long trong ngày vào ngày 16 và 20/02/2011.Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh ước tính có 310.000 lượt khách, tăng 8% so với với cùng kỳ năm 2010. Doanh thu ngành du lịch trong tháng ước đạt 4.300 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch 2 tháng đầu năm ước đạt 7.860 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ và đạt 16 % kế họach năm 2011. (nguồn: Sở VHTTDL TP Hồ Chí Minh)
Về khách quốc tế, lượng khách đến Việt Nam trong tháng 2/2011 ước đạt hơn 495.000 lượt, tăng 10,9 % so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các thị trường khách đều có sự tăng trưởng khá so với năm trước. Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong tháng 1/2011 chủ yếu từ một số thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, Đức, Anh, Nga, Pháp, Nhật…
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2011 chủ yếu vẫn bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển. Xét theo mục đích chuyến đi, số lượng khách du lịch đi theo mục đích nghỉ ngơi, du lịch là chủ yếu, tiếp đến là khách đi theo mục đích công việc và cuối cùng là thăm thân nhân.
Ngoài việc lượng khách trong tháng 2 tăng đột biến, ngành du lịch Việt Nam còn đón nhận một tin vui khi Chính phủ hai nước Australia và Việt Nam vừa ký kết Biên bản Ghi nhờ về việc sẽ có thêm tới 3.300 chỗ mỗi tuần cho hành khách bay giữa Australia và Việt Nam.
Tuy nhiên, trong tháng 2/2011 đã xảy ra một tai nạn đáng tiếc khi tàu du lịch Trường Hải 06 (Hạ Long, Quảng Ninh) bị đắm do lỗi của thủy thủ đoàn và làm 12 người thiệt mạng (trong đó có 10 người nước ngoài). Sự việc này sẽ tạo ra hình ảnh xấu về chất lượng và tính an toàn của du lịch Việt Nam.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành một đợt tổng kiểm tra các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long. Trong đợt tổng kiểm tra này, đoàn kiểm tra sẽ xem xét tiêu chuẩn kỹ thuật của tàu theo tiêu chuẩn đăng ký, đăng kiểm; các dịch vụ trên tàu; đội ngũ thuyền viên và nhân viên phục vụ; phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường; trang bị cứu sinh, cứu nạn, cứu hỏa...Các tàu đã qua kiểm tra sẽ được lệnh xuất bến trở lại.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 2 năm 2011 đạt 5,25 tỷ USD, giảm 26%so với tháng trước do ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết nguyên đán; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 2,55 tỷ USD.
2 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 6 tỷ USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu 2 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 1306 nghìn tấn, giảm 3,4% về lượng và tăng 23,2% về kim ngạch; than đá 807 nghìn tấn, giảm 71,2% về lượng và giảm 42,9% về kim ngạch; dệt may 2159 triệu USD, tăng 54,4%; da giày 925 triệu USD, tăng 37,9%; cao su 121 nghìn tấn, tăng 57,1% về lượng và tăng 169% về kim ngạch; sản phẩm gỗ 548 triệu USD, tăng 17,1%; linh kiện điện tử 529 triệu USD, tăng 24,8%; thuỷ sản 735 triệu USD, tăng 41,1%; gạo 1191 nghìn tấn, tăng 62,9% về lượng và 49,6% về kim ngạch; cà phê 235 nghìn tấn, tăng 5,4% về lượng và tăng 47% về kim ngạch; sắn và sản phẩm sắn 593 nghìn tấn, tăng 34,5% về lượng và tăng 72,7% về kim ngạch...
Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đã góp phần vào tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu 2 tháng năm 2011 so với cùng kỳ: giá hạt điều tăng 30,8%, cà phê tăng 39,5%, hạt tiêu tăng 50,6%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 28,4%, than đá gấp đôi, dầu thô tăng 27,6%, cao su tăng 71,2%. Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 700 triệu USD.
Về thị trường xuất khẩu, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 32% và chiếm tỷ trọng hơn 19%; xuất khẩu vào EU tăng 63% và chiếm tỷ trọng 20%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 9,5% và chiếm tỷ trọng 13,3%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 22,4% và chiếm tỷ trọng 10,5%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng hơn 62% và chiếm tỷ trọng gần 11%.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 2 năm 2011 ước đạt 6,2 tỷ USD, giảm 22,2% so với tháng trước; trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2,6 tỷ USD.
2 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 5,9 tỷ USD, tăng 31,9%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 2 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 2018 nghìn tấn, tăng 22,8% về lượng và tăng 60,5% về kim ngạch; thép các loại 983 nghìn tấn, giảm 13% về lượng và tăng 9,5% về kim ngạch; phân bón 498 nghìn tấn, giảm 33,7% về lượng và giảm 17,7% về kim ngạch; giấy các loại 162 nghìn tấn, tăng 32,8% về lượng và tăng 42,9% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 345 nghìn tấn, tăng 15,4% về lượng và tăng 34,1% về kim ngạch; máy móc thiết bị 2,2 tỷ USD, tăng 18,9%; máy tính và linh kiện 874 triệu USD, tăng 38,5%; vải các loại 859 triệu USD, tăng 47,8%; nguyên phụ liệu dệt may 358 triệu USD, tăng 26,1%...
Cũng như xuất khẩu, giá nhập khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng đều tăng là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: giá xăng dầu các loại tăng 30,7%, khí đốt hóa lỏng tăng 19,8%, chất dẻo nguyên liệu tăng 16,2%, sợi các loại tăng 36,1%, thép các loại tăng 25,8%, phân bón các loại tăng 24,1%, lúa mỳ tăng 40,1%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng hơn 900 triệu USD.
Ước nhập siêu 2 tháng đầu năm 2011 là 1,8 tỷ USD, chiếm 14,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu nhẹ.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 02/2011 ước đạt khoảng 149.735 tỷ đồng, giảm 3,15% so với tháng 01/2010. Tính cả 2 tháng đầu năm 2011, tổng mức bán lẻ cả nước ước đạt 304.342 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2010.
Tính cả 2 tháng đầu năm 2011, trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 50,4%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 34,8% và 10,9%. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,7%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,2 %.
(Theo số liệu của Tổng cục thống kê)
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng Cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2011 tăng 2,09% so với tháng 01/2011. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2010.
Trong đó, chỉ có duy nhất nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông giảm nhẹ so với tháng trước (0,01%). Các nhóm hàng có tốc độ tăng giá cao gồm có: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,65%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,14%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,38%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,24%; nhóm giao thông tăng 1,01%. Các nhóm hàng hóa này tăng mạnh nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán (vốn nằm trọn trong kỳ tính CPI của tháng 2). Các nhóm khác có mức tăng dao động trong khoảng 0,3%- 0,89%.
(Theo số liệu của Tổng cục thống kê)
3.3. Tình hình cung – cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Thị trường thế giới:
Giá dầu thô trên thị trường thế giới nửa đầu tháng 02/2011 diễn biến phức tạp. Kể từ giữa tháng 2, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục tăng đột biến. Ngày 22/02/2011, giá dầu thô kỳ hạn tháng 3 tại New York đã ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2008, lên tới 94,49 USD/thùng; tại London, dầu Brent kỳ hạn tháng 4 cũng đạt mức cao kỷ lục trong vòng 2,5 năm qua ở mức 108,70 USD/thùng. Nguyên nhân do những lo ngại về bạo lực ở Libya có thể làm giảm hơn nữa sản lượng dầu của nước thành viên OPEC này, và tình trạng tương tự cũng có thể xảy ra ở những nước sản xuất dầu lớn khác ở Bắc Phi và Trung Đông
Thị trường trong nước:
Ngày 22/02/2011, giá cơ sở của xăng RON 92 ở mức 19.342 đồng/lít, giá bán lẻ vẫn ở mức 16.400 đồng/lít. Trước sức ép từ giá thế giới, Chính phủ vẫn kiên quyết chỉ đạo không tăng giá xăng dầu trong nước để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ngày 23/02, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 24/2011/TT-BTC quy định mức thuế nhập khẩu là 0% đối với tất cả các mặt hành xăng dầu, thay cho mức 2%-5% hiện hành.
Tại Việt Nam xăng RON 92 đang bán ở mức 16.400 đồng/lít; thấp hơn Lào 7.952 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 6.809 đồng/lít, thấp hơn Singapore 14.209 đồng/lít, thấp hơn Trung Quốc 6.047 đồng/lít. Chênh lệch giá là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng xuất xăng dầu trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài. Hơn thế, gần đây xảy ra hiện tượng các đại lý bán lẻ xăng dầu đang cố tình găm hàng, bán cầm chừng với hi vọng giá xăng dầu trong nước sẽ tăng để kiếm lời.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 2 ước đạt 970 nghìn tấn, với trị giá khoảng 760 triệu USD; tính cả 2 tháng đầu năm 2011, ước đạt 2018 nghìn tấn, trị giá khoảng 1584 triệu USD, giảm 7,4% về lượng so với tháng 01/2011 và tăng 22,8% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
b) Sắt thép
Sau hai tuần đầu tháng 2 liên tục giảm, giá phôi thép trên thị trường thế giới đã tăng trở lại trong tuần từ 14-19/02 và có triển vọng tăng hơn nữa nhờ nhu cầu đã tăng trở lại. Tuy nhiên những lo lắng về bất ổn chính trị ở khu vực Trung Đông vẫn còn gây sức ép lên thị trường. Giá phôi tại Biển Đen, FOB, tuần từ 14-19/2 dao động từ 610 - 630 USD/tấn, so với 600 - 610 USD/tấn của tuần trước đó. Giá phôi các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ chào bán trong tuần này ở 630 USD/tấn, so với 630 – 640 USD/tấn của tuần trước. Tại Sở giao dịch Kim loại London, giá phôi giao sau 3 tháng giao dịch ở quanh mức 575 USD/tấn, so với 553 USD/tấn của tuần trước.
Trong nước:
Một số doanh nghiệp trong nước đã tiếp tục tăng giá thép cuộn và cây khoảng 300.000 - 500.000 đồng/tấn. Công ty cổ phần Thép Việt (thép Pomina) và liên doanh thép Vina Kyoei đều tăng thêm 500.000 đồng/tấn cho cả hai loại thép cuộn và thép cây; riêng thép miền Nam tăng thêm 300.000 đồng/tấn. Hiện giá thép bán ra của các công ty ở mức 17,7 triệu - 18 triệu đồng/tấn (bao gồm thuế VAT). Đây là đợt tăng giá lần thứ 2 trong tháng của các công ty sản xuất thép, với mức tăng tổng cộng từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng mỗi tấn. Trong lần đầu tăng giá, nhiều doanh nghiệp đã tăng giá từ 200 - 500 nghìn đồng/tấn.
Các công ty thép cho biết nguyên nhân tăng giá là do giá phôi thép trên thế giới đã tăng mạnh từ vài tuần nay. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng, tỷ giá USD đều tăng cao nên tác động làm tăng chi phí sản xuất. Dự báo trong thời gian tới, với việc giá điện tăng thì giá thép cũng sẽ tăng cao.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 01/2011 đạt 533 nghìn tấn, ước tháng 02/2011 đạt 450 nghìn tấn, giảm 15,6% về lượng so với tháng 01/2011 và đạt trị giá 350 triệu USD; tính cả 2 tháng đầu năm ước đạt 983 nghìn tấn, giảm 13% về lượng so với cùng kỳ năm 2010.
c) Xi măng
Bước vào đầu tháng 02/2011, các nhà máy thuộc Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam đã điều chỉnh giá bán xi măng tăng thêm 60.000 đồng/tấn với lý do bù đắp chi phí đầu vào tăng cao. Theo đó, giá bán xi măng tại các nhà máy đang ở mức 858 nghìn đồng - 1,4 triệu đồng/tấn, tùy loại và tùy khu vực.
Dự báo trong tháng 3, nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tăng trở lại, cộng thêm các tác động tăng giá điện, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng khác, giá xi măng có thể tiếp tục được điều chỉnh tăng.
d) Phân bón
Thị trường phân bón quốc tế tháng 2/2011 không có nhiều biến động, giá ure giảm nhẹ, hoạt động mua bán tại một số khu vực bị trì trệ do khủng hoảng chính trị tại Ai Cập. Thị trường ure quốc tế tới 20/02/2011: giá FOB ure hạt trong: tại Yuzhny ở mức 359 - 363 USD/tấn, tại Baltic : 355 – 370 USD/tấn; giá FOB ure hạt đục tại Iran : 375 - 380 USD/tấn, tại Nam Á : 414 – 416 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước:
Nhu cầu sử dụng phân bón trong nước tăng dần do đã tới thời vụ, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc đã xuất hiện tình trạng thiếu cung và giá cả tăng mạnh từ đầu tháng. Tỷ giá ngoại tệ cao và nguồn cung hạn chế từ phía Trung Quốc đang là khó khăn cho việc nhập khẩu phân bón của Việt Nam.
Dự báo trong tháng 3, giá phân bón trong nước có xu hướng tiếp tục tăng do nhu cầu tiêu thụ cao trong khi nguồn cung gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 02/2011, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 220 nghìn tấn với trị giá 85 triệu USD (trong đó phân ure là 25 nghìn tấn và trị giá 9 triệu USD); tính cả 2 tháng đầu năm 2011, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 498 triệu USD với trị giá 191 triệu USD (trong đó phân ure là 55 nghìn tấn, trị giá 20 triệu USD), giảm 33,7% so với cùng kỳ năm 2010.
II. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2011
1. Về phát triển ngành du lịch
- Chú trọng việc xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam đối với du khách.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các đơn vị kinh doanh du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trong và ngoài nước.
- Khuyến khích các nhà đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển các loại hình du lịch mới, mang tính chất khác biệt, đa dạng để thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư bảo vệ tôn tạo di tích văn hoá lịch sử, môi trường sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch,... trong các vùng, khu, điểm du lịch nhằm phát huy cao độ nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch nước ngoài.
- Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc chú trong phát triển chất lượng dịch vụ.
- Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là hệ thống khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao, 5 sao, tập trung chủ yếu ở các trung tâm du lịch, các khu du lịch quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
- Thực hiện các chương trình kích cầu du lịch như giảm giá đối với các Tour du lịch, vấn đề này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan như: vận tải hàng không, hàng hải, khách sạn nhà hàng,....
- Xu hướng khách du lịch bằng đường biển đến Việt Nam ngày càng tăng, khách du lịch bằng đường biển thường là khách có mức chi tiêu cao, do đó cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt đối với các đối tượng khách du lịch này về visa, thời gian lưu trú trên bờ, khoảng cách được phép đi sâu vào nội địa,.....
- Cải cách các chính sách về xuất nhập cảnh, thủ tục xe ô tô du lịch qua biên giới cần thông thoáng hơn nữa để thúc đẩy phát triển mạnh khách du lịch thông qua con đường này.
2. Một số giải pháp điều hành xuất nhập khẩu năm 2011
- Thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển ngành, đẩy nhanh tiến độ đầu tư của những dự án sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu để thay thế một số sản phẩm nông nghiệp hoặc khoáng sản có khả năng giảm hoặc không tăng sản lượng xuất khẩu (lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, than đá, dầu thô...) bằng những sản phẩm mới như cơ khí, dây điện và dây cáp, linh kiện điện tử, máy móc... và những mặt hàng đang nhập khẩu lớn như giấy, phân bón, thép tấm, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy...
- Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua các chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tập trung vào các ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí.
- Phát triển các chương trình đào tạo nghề, giải quyết vấn đề thiếu hụt và nâng cao chất lượng nguồn lao động trong một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn về nguồn lao động như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí, điện tử...
- Rà soát cơ cấu đầu tư, xây dựng những chính sách nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa thay thế nhập khẩu, hạn chế đầu tư vào khu vực phi sản xuất
- Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước, phục vụ tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
- Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc cung cấp, tổng hợp, xử lý thông tin về thị trường, ngành hàng.
- Tăng cường công tác kiểm tra thị trường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng niêm yết không đúng giá bán, găm hàng, kìm hàng, hiện tượng “tát nước theo mưa” đặc biệt là đối với các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, xi măng, sắt thép, dược phẩm.
- Tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến lĩnh vực thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điểu kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn đảm bảo tạo ra hành lang pháp lý đủ mạnh và hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, điều hành vĩ mô thị trường của Nhà nước.
- Đẩy mạnh chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao.
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
3.2. Đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn khả năng găm hàng của các đại lý bán lẻ xăng dầu trong nước và tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới, tránh nguy cơ nhiễu loạn thị trường xăng dầu trong nước.
- Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu tại các khu vực nhằm đảm bảo bình ổn thị trường trên hai khía cạnh quan hệ cung - cầu và giá cả.
b) Sắt thép
- Cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp thực hiện các biện pháp để không xảy ra tình trạng các đại lý cố tình găm hàng để tạo sốt ảo, khiến giá thép trong nước tăng cao.
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước, cũng như khuyến khích các công ty ngoài quốc doanh bố trí thời gian sản xuất phù hợp để tiết kiệm chi phí sử dụng điện, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.
c) Xi măng
- Bộ Công Thương cần chỉ đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục cung cấp đủ than và điện cho các nhà máy xi măng hoạt động, không để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu sản xuất.
- Các doanh nghiệp cần chú trọng công tác đầu tư công nghệ hiện đại vừa nâng cao năng suất và tiết kiệm nhiên liệu sản xuất.
d) Phân bón
- Đẩy mạnh hoạt động sản xuất phân bón trong nước, nhằm giảm phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, qua đó từng chủ động được về giá cả.
- Cục Quản lý thị trường cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an kinh tế nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các đường dây sản xuất phân bón giả gây thiệt hại cho người nông dân, nhà sản xuất./.
File đính kèm: BCKTDichvuT2.11.pdf
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư