Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/02/2011-11:49:00 AM
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện của các ngành thương mại – dịch vụ tháng 1 năm 2011
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Tình hình thế giới
Kết thúc năm 2010 các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục khẳng định vai trò đầu tầu đối với sự hồi phục chung của kinh tế toàn cầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo công bố mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB), GDP toàn cầu năm 2010 tăng trưởng 3,9%, các nước có thu nhập cao chỉ tăng 2,8%, trong khi các nền kinh tế đang phát triển có tốc độ gia tăng GDP đạt tới 7%. Trong khi khủng hoảng nợ công tại các nền kinh tế EU có nguy cơ lan rộng, kinh tế Mỹ hồi phục chậm chạp thì Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với GDP tăng 10,3%. Thị trường hàng hóa, tài chính thế giới năm qua cũng đã trải qua nhiều biến động mạnh: giá vàng liên tục tăng và đạt mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử với giá 1429,4 USD/ounce (vào tháng 11) và liên tục duy trì ở mức cao; các bất đồng về chính sách tiền tệ nổ ra (đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ); giá cả các loại nguyên nhiên vật liệu (phôi thép, quặng, phân bón…) và lương thực biến động mạnh gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự hồi phục của kinh tế toàn cầu.
Bước sang năm 2011, kinh tế thế giới được dự báo vẫn sẽ tiếp tục hồi phục nhưng với tốc độ chậm hơn năm 2010 (3,3% theo dự báo của WB) bởi những khó khăn của năm 2010 để lại cùng với những vấn đề phức tạp mới có thể nảy sinh. Nguy cơ về các cuộc khủng hoảng nợ công tại các nước EU vẫn còn hiện hữu, tình hình giá cả hàng hóa thế giới vẫn có khả năng leo thang, trong khi nguy cơ về một cuộc chiến tiền tệ vẫn có thể xảy ra nếu các nền kinh tế lớn không tìm được sự đồng thuận... Bên cạnh đó, các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, động đất, hạn hán do tác động của biến đổi khí hậu cũng sẽ là những yếu tố gây bất lợi cho sự hồi phục của nền kinh tế thế giới năm 2011.
2. Tình hình trong nước
Năm 2010, kinh tế trong nước tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP cao đạt 6,78% so với năm 2009 (vượt chỉ tiêu đặt Chính phủ đề ra là 6,5%), trong đó tất cả các ngành – lĩnh vực đều có sự tăng trưởng khá: tốc độ tăng trưởng các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và dịch vụ lần lượt đạt 2,78%; 7,70% và 7,52%. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh năm 2010 kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, thiên tai, dịch bệnh, thời tiết xấu liên tiếp xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất nhiều vùng trong cả nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá cao tiếp tục là thách thức lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 đã tăng ở mức cao 11,75% so với tháng 12/2009, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là dưới 7% và mức điều chỉnh 8% của Chính phủ. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do diễn biến phức tạp của giá cả nhiều loại hàng hóa thế giới và thiên tai, dịch bệnh trong nước, thì hiệu quả công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục là tồn tại cần sớm được khắc phục.
Năm 2011, năm mở đầu và có ý nghĩa quan trọng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015, với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 7,0 – 7,5% và kiềm chế lạm phát dưới 7%. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2010, cùng với những quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, cơ hội để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định trong năm 2011 là rất sáng sủa.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 1 NĂM 2011
1. Tình hình phát triển ngành du lịch
Trong tháng 1 năm 2011 nhiều sự kiện văn hoá lễ hội đã diễn ra trên khắp các địa phương trong cả nước. Đầu tiên là lễ đón bằng của UNESCO công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng là di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức tại Gia Lâm, Hà Nội; tiếp đến là một loạt các hoạt động khác như: lễ hội đua bè tre trên hồ Ea Tam được tổ chức tại Tây Nguyên nhằm tôn vinh văn hóa của các dân tộc thiểu số Việt Bắc đang sinh sống tại Tây Nguyên; Đồng Tháp với lễ hội “Hội ngộ trên đất sen hồng”… Những sự kiện trên cộng với đây cũng là thời gian có kỳ nghỉ lễ Tết dương lịch nên chúng ta đã đón được một số lượng khách du lịch khá lớn như: tại Sa Pa chỉ trong 2 ngày đầu năm đã đón được hơn 4.000 lượt khách, tại Huế mỗi ngày đón hơn 3.000 lượt khách du lịch, tại Phú Thọ - đền Hùng chỉ trong 3 ngày đầu năm đã có 4.500 lượt lượt khách…
Cũng trong trong tháng 1 nhiều tầu du lịch nước ngoài cũng đã chọn Việt Nam là điểm đến như: tàu du lịch quốc tế Ocean Princess với 1.100 du khách đã cập cảng Nha Trang từ ngày 04/1. Tại Đà Nẵng trong hai ngày 01/01 và 11/01 đã đón tàu du lịch Amazara Quest mang quốc tịch Pahamas và tàu Seabourn Prise với hơn 850 du khách bắt đầu hành trình du lịch tại Đà Nẵng và thăm các di sản văn hóa thế giới tại miền Trung như Hội An, Huế, thánh địa Mỹ Sơn… tại Hải Phòng tàu 5 sao mang tên EUROPA chở hơn 450 khách du lịch châu Âu đã dừng chân thăm quan tại thành phố Cảng; tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đón hơn 530 du khách chủ yếu mang quốc tịch Australia cập cảng Sài Gòn… Ngoài ra, chúng ta còn đón hàng ngàn khách du lịch nhập cảnh Việt Nam thông đường hàng không và đường bộ.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy các hoạt động du lịch phát triển trong năm mới chúng ta cũng có nhiều hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước như: tổ chức họp báo giới thiệu các sự kiện du lịch Việt Nam năm 2011 tại Campuchia; Việt Nam – Nam Phi hợp tác trong lĩnh vực du lịch…
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 01/2011 ước đạt hơn 450.000 lượt khách, tăng 8 % so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các thị trường khách đều có sự tăng trưởng khá so với năm trước. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 01/2011 chủ yếu từ một số thị trường như: Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ.
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 01/2011 chủ yếu vẫn bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển.
Xét theo mục đích chuyến đi, số lượng khách du lịch đi theo mục đích nghỉ ngơi, du lịch là chủ yếu, tiếp đến là khách đi theo mục đích công việc và cuối cùng là thăm thân nhân.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 1 năm 2011 đạt 6 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên sụt giảm đáng kể so với các tháng cuốinăm 2010 do ảnh hưởng bởi Tết âm lịch; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 2,7 tỷ USD.
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu tháng 1 năm 2011 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt gần 669 nghìn tấn, giảm 17,2% về lượng và giảm 2,47% về kim ngạch; than đá 800 nghìn tấn, giảm 40,5% về lượng và giảm 5% về kim ngạch; dệt may 900 triệu USD, tăng 10,6%; da giày 400 triệu USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ; cao su 80 nghìn tấn, tăng 45,5% về lượng và tăng 146% về kim ngạch; sản phẩm gỗ 300 triệu USD, tăng nhẹ; linh kiện điện tử 300 triệu USD, tăng 28,2%; thuỷ sản 400 triệu USD, tăng 29,9%; gạo 350 nghìn tấn, giảm 7,9% về lượng và 5,4% về kim ngạch; cà phê 140 nghìn tấn, giảm nhẹ về lượng và tăng 30,4% về kim ngạch; sắn và sản phẩm sắn 250 nghìn tấn giảm nhẹ về lượng và tăng 41,2% về kim ngạch...
Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đã góp phần vào tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu tháng 1 năm 2011 so với cùng kỳ: giá hạt điều tăng 33,8%, chè các loại tăng 10%, hạt tiêu tăng 66,7%, gạo tăng 2,7%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 43,4%, than đá tăng 59,7%, dầu thô tăng 17,8%, cao su tăng 69,1%. Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 384 triệu USD.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 năm 2011 ước đạt 7 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2,9 tỷ USD.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 1 năm 2011 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 900 nghìn tấn, tăng 23,46% về lượng và tăng 58,4% về kim ngạch; thép các loại 600 nghìn tấn, tăng 12,15% về lượng và tăng 27,8% về kim ngạch; phân bón 350 nghìn tấn, giảm 31,4% về lượng và giảm 7,5% về kim ngạch; giấy các loại 110 nghìn tấn, tăng 61,8% về lượng và tăng 62,1% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 170 nghìn tấn, giảm nhẹ về lượng và tăng 16,1% về kim ngạch, máy móc thiết bị 1,1 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái; máy tính và linh kiện 470 triệu USD, tăng 26%; vải 400 triệu USD, tăng 24,2%; nguyên phụ liệu dệt may 180 triệu USD, tăng 17,7%...
Cũng như xuất khẩu, giá nhập khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng đều tăng là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như: giá xăng dầu các loại tăng 28,3%, khí đốt hóa lỏng tăng 25,1%, chất dẻo nguyên liệu tăng 16,8%, sợi các loại tăng 39,4%, phôi thép tăng 24,3%, phân bón các loại tăng 34,8%, cao su tăng 52,5%, lúa mỳ tăng 43,5%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng hơn 389 triệu USD.
Ước nhập siêu tháng 1 năm 2011 là 1 tỷ USD, chiếm 16,7% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nhập siêu của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) là 200 triệu USD.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 01/2011 ước đạt khoảng 149.763 tỷ đồng, tăng 3,16% so với tháng 12/2010 và tăng 22,07% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 49,74%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 34,94% và 11,31%. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,85%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,16 %.
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng Cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2011 tăng 1,74% so với tháng 12/2010. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2010.
Trong đó, chỉ có duy nhất nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông giảm nhẹ so với tháng trước (0,06%). Các nhóm hàng có tốc độ tăng giá cao gồm có: nhóm giáo dục tăng 2,89%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,47%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,81%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,67%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,33%. Ngoài nhóm giáo dục thì các nhóm còn lại tăng cao chủ yếu là do nhu cầu mua sắm của nhân dân tăng cao để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán nên kéo theo xu hướng tăng giá mạnh. Các nhóm hàng còn lại đều tăng, dao động từ 0,36% đến 1,04%.
3.3. Tình hình cung – cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Thị trường thế giới:
Trong nửa đầu tháng 01/2011, giá dầu thô tiếp tục tăng. Trong ngày 12/01/2011, giá dầu WTI có lúc đã tăng đến 92,39 USD/thùng, là mức cao nhất trong 27 tháng qua. Các nguyên nhân chủ yếu làm giá dầu tăng là kinh tế Mỹ và thế giới phục hồi, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm, nhu cầu dầu của Trung quốc tăng mạnh, đồng đôla giảm giá, đợt giá lạnh kéo dài tại vùng Đông bắc Mỹ, châu Âu và khu vực bắc Á. Bên cạnh đó, giá dầu tăng do ảnh hưởng bởi tin hệ thống đường ống vận chuyển xuyên Alaska công suất 640.000 thùng/ngày chiếm 15% lượng dầu thô của Mỹ ngừng hoạt động và Statoil đóng cửa 2 mỏ dầu ở Biển Bắc sản lượng 157.000 thùng/ngày do rò gỉ khí gas. Giá dầu thô WTI bình quân nửa đầu tháng 1/2011 là 90,14 USD/thùng, tăng 5,17 USD/thùng (5,14%) so với nửa đầu tháng 12/2010.
Thị trường trong nước:
Chính phủ vẫn kiên quyết chỉ đạo không tăng giá xăng dầu từ nay đến hết Tết Nguyên đán mặc dù giá nhiên liệu trên thị trường thế giới đang gây nhiều sức ép tăng giá lên giá xăng dầu trong nước, nhằm đảm bảo ổn định thị trường và kiềm chế lạm phát vào thời điểm gần Tết. Tuy nhiên tại thời điểm này, tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang Lào và Campuchia đang diễn ra mạnh, có khả năng gây ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 01/2011 ước đạt 900 nghìn tấn, với trị giá khoảng 700 triệu USD; tăng 23,49% so với tháng 01/2010.
b) Sắt thép
Giá thép, phôi và quặng sắt trên thị trường thế giới đồng loạt tăng những tuần đầu của năm mới 2011. Giá thép thanh vằn tại Thổ Nhĩ Kỳ dao động từ 690 – 700 USD/tấn, so với 600 USD/tấn hồi đầu tháng 12. Giá thép ở thị trường Cộng đồng Các quốc gia độc lập rẻ hơn, dao động trong khoảng 625 – 635 USD/tấn, đã bao gồm cước phí vận chuyển. Giá thép phế liệu thế giới tuần qua ở 495 – 520 USD/tấn, so với 430 – 495 USD/tấn CFR, hồi giữa tháng 12. Giá phôi cũng tăng mạnh. Giá phôi thép tại Luân Đôn dao động từ 557 – 560 USD/tấn, tăng 10 USD so với cuối tháng trước. Giá phôi Biển Đen tăng cao, ở quanh mức 660 USD/tấn, tăng so với mức 580 – 610 USD/tấn trước Lễ Giáng sinh bởi giá thép phế tăng cao. Giá quặng sắt cũng tăng nhẹ và tại châu Á trong tuần qua duy trì ở mức cao do cung yếu và những lo ngại về xuất khẩu từ Australia sẽ bị đình trệ do lũ lụt trầm trọng. Giá quặng loại 63,5% hàm lượng sắt của Ấn Độ giao ngay vào Trung Quốc đứng trên 180 USD/tấn, bao gồm cả cước phí, cao hơn 2 USD so với cuối tháng trước. Giá quặng hàm lượng 55% trong khi đó dao động từ 120 – 125 USD/tấn. Giá quặng giao dịch kỳ hạn tại Singapore cũng tăng nhẹ 2,5 USD lên 173,5 USD/tấn hợp đồng giao tháng 1, trong khi gia giao kỳ hạn tháng 2 và tháng 3 tăng nhẹ hơn, lần lượt ở mức 171,25 USD/tấn và 170 USD/tấn.
Trong nước:
Vào cuối tháng 12/2010, Tổng Công ty thép Miền Nam và công ty thép Vinakyoei đã có công văn gửi Cục quản lý giá của Bộ Tài chính đăng ký tăng mức giá thép trong nước với các lí do chi phí nguyên nhiên vật liệu, nhân công đều tăng. Tuy nhiên Bộ Tài chính đã trả lời, đề nghị hai công ty trên phấn đầu tiết kiệm chi phí nhằm ổn định giá thép, không để giá thép tăng trong thời gian cuối năm. Do đó, mặc dù có sức ép tăng giá từ thị trường thế giới, giá thép trong nước vẫn giữ ở mức khác ổn định. Hiện giá thép cuộn tại một số cửa hàng bán lẻ giữ ở trên mức 15,2 triệu đồng/tấn, thép cây dao động từ 15,8 - 27,5 triệu đồng/tấn. Dự báo cuối năm, cùng với việc đồng đô la và lãi suất vẫn tiếp tục giữ ở mức cao, nhu cầu về thép tăng trong dịp cận Tết, giá thép sẽ còn tiếp tục tăng.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 01/2011 đạt 600 nghìn tấn trị giá 432 triệu USD; tăng 12,15% so với cùng kỳ năm 2010.
c) Xi măng
Kết thúc năm 2010, sản lượng sản xuất của toàn ngành xi măng đạt 50,85 triệu tấn, tiêu thụ đạt 50,21 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn clinker và xi măng, đạt 100% kế hoạch. Về giá cả: nhìn chung giá xi măng không có biến động mạnh và giữ được ổn định trong phạm vi cả nước.
Bước vào tháng 1/2011: mặc dù nhu cầu tiêu thụ xi măng trong tháng giảm nhưng giá xi măng tại một số tỉnh miền Bắc được đẩy lên từ 20.000 – 50.000 đồng/tấn do tác động kéo của việc tăng giá bán thép tại nhà máy và giá thép bán lẻ trên thị trường (từ ngày 22/01/2011); tại các tỉnh phía Nam, giá bán xi măng ổn định so với tháng 12/2010.
Dự báo trong tháng 2, giá xi măng ổn định và có khả năng giảm nhẹ do nhu cầu tiêu thụ xi măng trong tháng dự kiến giảm mạnh do trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán trong khi nguồn cung ổn định.
d) Phân bón
Thị trường phân bón quốc tế tháng 1/2011 diễn ra khá ổn định, giá ure được giữ ổn định hoặc tăng nhẹ ở một số khu vực nhất định mặc dù mức độ bán hàng thấp. Tuy nhiên, dự kiến nhu cầu và giá phân bón sẽ tăng trở lại trong nửa sau của tháng 2 và tháng 3 khi các nước sản xuất nông nghiệp lớn bắt đầu vào cao điểm mùa vụ.
Thị trường ure quốc tế tới 18/01/2011: giá FOB ure hạt trong: tại Yuzhny ở mức 378 – 380 USD/tấn, tại Baltic : 355 – 365 USD/tấn; giá FOB ure hạt đục tại Vịnh Arập : 383 – 400 USD/tấn, tại Ai Cập : 417 – 425 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước:
Lượng phân bón tiêu thụ trong nước tháng 1/2011 có dấu hiệu tăng trở lại nhưng vẫn còn tăng chậm khi các địa phương bắt đầu xuống đồng cho vụ Đông – Xuân, nhưng chủ yếu vẫn là phân lân và NPK bón lót. Giá phân bón nhìn chung ổn định và tại một số địa phương cũng chỉ tăng nhẹ so với tháng 12/2010.
Dự kiến trong tháng 2, đặc biệt là sau dịp Tết, khi các địa phương đồng loạt gieo cấy, nhu cầu tiêu thụ phân bón sẽ gia tăng mạnh. Bên cạnh đó là các tác động tăng từ giá phân bón thế giới, tỷ giá…, dự kiến giá phân bón trong nước cũng sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Trong tháng 01/2011, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 350 nghìn tấn với trị giá 136 triệu USD (trong đó phân ure là 50 nghìn tấn và trị giá 19 triệu USD), giảm 31,37 % so với cùng kỳ năm 2010.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2011
1. Về phát triển ngành du lịch
- Khuyến khích các nhà đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trọn gói các điểm, khu du lịch có quy mô lớn tổng hợp kết hợp với vừa và nhỏ.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư bảo vệ tôn tạo di tích văn hoá lịch sử, môi trường sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch,... trong các vùng, khu, điểm du lịch nhằm phát huy cao độ nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch nước ngoài.
- Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là hệ thống khách sạn đủ tiêu chuẩn quốc tế 4 sao, 5 sao, tập trung chủ yếu ở các trung tâm du lịch, các khu du lịch quốc gia, các loại hình hệ thống khách sạn cao cấp được xếp hạng, có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
- Củng cố, xây dựng lại một số khu vui chơi giải trí cho người nước ngoài vào du lịch ở Việt Nam theo hướng tổng hợp quy mô lớn.
- Tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Khai thác có hiệu quả các Hiệp định đã ký kết hợp tác về du lịch với các nước, thúc đẩy ký kết một số hiệp định mới, phát huy mạnh mẽ các thị trường chính đã được Nhà nước cho phép miễn visa và nghiên cứu đề xuất Nhà ưnớc mở thêm diện miễn visa ở một số thị trường chính trên cơ sở tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh quảng bá tại các thị trường chính để thu hút khách đến Việt Nam, nơi đang được xem là điểm đến an toàn, thân thiện.
- Tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, Việt Nam là một điểm đến an toàn thân thiện đối với bạn bè quốc tế cần đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: CNN, BBC, Discovery,....
- Thực hiện các chương trình kích cầu du lịch như giảm giá đối với các Tour du lịch, vấn đề này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan như: vận tải hàng không, hàng hải, khách sạn nhà hàng,....
- Xu hướng khách du lịch bằng đường biển đến Việt Nam ngày càng tăng, khách du lịch bằng đường biển thường là khách có mức chi tiêu cao, do đó cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt đối với các đối tượng khách du lịch này về visa, thời gian lưu trú trên bờ, khoảng cách được phép đi sâu vào nội địa,.....
- Cải cách các chính sách về xuất nhập cảnh, thủ tục xe ô tô du lịch qua biên giới cần thông thoáng hơn nữa để thúc đẩy phát triển mạnh khách du lịch thông qua con đường này.
2. Một số giải pháp điều hành xuất nhập khẩu năm 2011
Do ảnh hưởng tích cực từ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2011 sẽ tiếp tục theo đà tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu năm 2010. Trong đó, xuất khẩu sẽ tăng khá nhưng nhập siêu vẫn là nguy cơ lớn của nền kinh tế. Trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay, cần sớm triển khai các giải pháp chung và dài hạn liên quan đến việc đổi mới cơ cấu xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại bao gồm:
- Thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển ngành, đẩy nhanh tiến độ đầu tư của những dự án sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu để thay thế một số sản phẩm nông nghiệp hoặc khoáng sản có khả năng giảm hoặc không tăng sản lượng xuất khẩu (lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, than đá, dầu thô...) bằng những sản phẩm mới như cơ khí, dây điện và dây cáp, linh kiện điện tử, máy móc... và những mặt hàng đang nhập khẩu lớn như giấy, phân bón, thép tấm, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy...
- Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua các chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tập trung vào các ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí.
- Phát triển các chương trình đào tạo nghề, giải quyết vấn đề thiếu hụt và nâng cao chất lượng nguồn lao động trong một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn về nguồn lao động như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí, điện tử...
-Triển khai, rà soát lại các dịch vụ logistics, xây dựng chiến lược giảm chi phí logistics để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão
Để đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão, cần tiếp tục triển khai đồng bộ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 1875/CT-TTg ngày 11/10/2010, số 2164/CT-TTg ngày 30/11/2010 và công điện số 2358/CĐ-TTg ngày 24/12/2010. Trong đó, cần tập trung vào một số biện pháp chủ yếu như sau:
- Tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, vốn, mạng lưới kinh doanh để các doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cung ứng đủ và ổn định giá cả đối với những mặt hàng thiết yếu: gạo, thịt gia súc, gia cầm; rau, củ, quả; sữa, xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng; thuốc phòng chữa bệnh; dịch vụ đi lại... không để xảy ra mất cân đối cung cầu giữa các vùng, miền, địa phương trong cả nước vào trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão.
- Rà soát cân đối cung cầu từng loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và thuộc diện bình ổn giá; kịp thời có ngay các giải pháp cân đối và điều hòa cung cầu; chỉ đạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia bình ổn giá mở rộng mạng lưới, tăng điểm bán hàng, tích cực đưahàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá.
- Tăng cường công tác quản lý thị trường, đặc biệt tại các thành phố lớn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm về niêm yết giá hàng hóa, tự ý đẩy giá lên cao, gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng... đặc biệt là đối với các hàng hóa thiết yếu và có nhu cầu tiêu thụ lớn trong dịp Tết.
3.2. Đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới, tránh nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước, phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm của các đại lý xăng dầu
b) Sắt thép
- Cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp thực hiện các biện pháp để không xảy ra tình trạng các đại lý cố tình găm hàng để tạo sốt ảo, khiến giá thép trong nước tăng cao, gây ảnh hưởng lớn tới sự ổn định của thị trường trong những tháng cuối năm.
c) Xi măng
- Bộ Công Thương cần chỉ đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục cung cấp đủ than và điện cho các nhà máy xi măng hoạt động, không để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu sản xuất.
d) Phân bón
- Chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung chuẩn bị nguồn hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân khi vụ Đông - Xuân sẽ vào cao điểm sau dịp Tết.
- Cục Quản lý thị trường cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an kinh tế nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các đường dây sản xuất phân bón giả gây thiệt hại cho người nông dân, nhà sản xuất./.

File đính kèm:
BC KTDicvu T1.11.pdf

Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1547
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)