I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2011
1. Tình hình phát triển ngành du lịch
Tháng 5 cũng là tháng bắt đầu các hoạt động du lịch sôi nổi do thời gian này bắt đầu vào giai đoạn mùa hè và là thời điểm thuận lợi để đi du lịch. Trước áp lực lớn về việc giá điện, xăng dầu, phương tiện vận chuyển và dịch vụ liên quan tăng mạnh, tuy nhiên các công ty lữ hành lớn đều cam kết chỉ tăng giá tour từ 5-10% để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, do đợt nghỉ kéo dài nên số lượng khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài và các địa danh du lịch nổi tiếng trong nước khá lớn, đặc biệt là ở hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đều tăng mạnh vào thời điểm này, tình trạng quá tải đã diễn ra ở một số địa điểm như: Cát Bà, Hạ Long, Nha Trang, Sapa... Dù lượng khách tăng đột biến vào dịp nghỉ lễ nhưng các địa phương đều chuẩn bị tốt, tổ chức chặt chẽ nên công tác đón tiếp, phục vụ du khách được thực hiện chu đáo, tận tình.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 ước đạt 482,2 nghìn lượt khách, tăng hơn 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng số khách du lịch quốc tế trong 5 tháng đầu năm ước đạt trên 2,4 triệu lượt khách. Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong 5 tháng chủ yếu từ một số thị trường truyền thống như: Trung Quốc tăng 6,5%, Hàn Quốc tăng 3,2%, Nhật Bản tăng 11,6%, Mỹ tăng 10,7%, Đài Loan giảm 3,1%, Úc tăng 4,3%...
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng chủ yếu vẫn bằng đường hàng không, tăng 10,8%, khách du lịch đi bằng đường bộ tăng 4,1%, khách du lịch đi bằng đường biển giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo mục đích chuyến đi, số lượng khách du lịch đi theo mục đích nghỉ ngơi, du lịch tăng 10,2% so với tháng trước, khách du lịch đi theo mục đích công việc tăng 5,2 %so với tháng trước, khách du lịch đi theo mục đích thăm thân nhân tăng 11%.
(Số liệu ước tính của Vụ Kinh tế dịch vụ)
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 5 năm 2011 đạt 7,5 tỷ USD, tăng 0,8%so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 3,4 tỷ USD.
5 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 34,7 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 16,03 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu 5 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 3448 nghìn tấn, giảm 2,8% về lượng và tăng 37,05% về kim ngạch; than đá 6640 nghìn tấn, giảm 23,8% về lượng và giảm 0,8% về kim ngạch; dệt may 5134 triệu USD, tăng 35,6%; da giày 2367 triệu USD, tăng 31,8%; cao su 240 nghìn tấn, tăng 31,1% về lượng và tăng gấp hơn 2 lần về kim ngạch; sản phẩm gỗ 1496 triệu USD, tăng 17,6%; linh kiện điện tử 1366 triệu USD, tăng 11,1%; thuỷ sản 2131 triệu USD, tăng 31,1%; gạo 3364 nghìn tấn, tăng 15,2% về lượng và 10,5% về kim ngạch; cà phê 808 nghìn tấn, tăng 40,5% về lượng và tăng gấp hơn 2 lần về kim ngạch; sắn và sản phẩm sắn 1612 nghìn tấn, tăng 57,9% về lượng và tăng gấp hơn 2 lần về kim ngạch...
Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đã góp phần vào tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu 5 tháng năm 2011 so với cùng kỳ: giá hạt điều tăng 42,9%, cà phê tăng 57,7%, chè các loại tăng 4,8%, hạt tiêu tăng 72,6%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 32,6%, than đá tăng 30,2%, dầu thô tăng 41%, cao su tăng 62,4%, sắt thép các loại tăng 23,8%. Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng gần 2,8 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 21,5% và chiếm tỷ trọng hơn 17,6%; xuất khẩu vào EU tăng 50,8% và chiếm tỷ trọng 17,4%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 20,8% và chiếm tỷ trọng 15,4%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 23,5% và chiếm tỷ trọng 10,2%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 63,6% và chiếm tỷ trọng 10,9%.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 năm 2011 ước đạt 9,2 tỷ USD, tăng 3% so với tháng trước; trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,87 tỷ USD.
5 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 17,6 tỷ USD, tăng 32,5%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 5 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 5142 nghìn tấn, tăng 15,6% về lượng và tăng 63,4% về kim ngạch; thép các loại 3099 nghìn tấn, giảm 9,9% về lượng và tăng 15,6% về kim ngạch; phân bón 1545 nghìn tấn, tăng 20,7% về lượng và tăng 44,4% về kim ngạch; giấy các loại 441 nghìn tấn, tăng 20,5% về lượng và tăng 35,9% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 1041 nghìn tấn, tăng 16,1% về lượng và tăng 37,8% về kim ngạch; máy móc thiết bị 5,9 tỷ USD, tăng 16,3%; máy tính và linh kiện 2260 triệu USD, tăng 27,1%; vải các loại 2883 triệu USD, tăng 44,2%; nguyên phụ liệu dệt may 1238 triệu USD, tăng 21,9%...
Cũng như xuất khẩu, giá nhập khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng đều tăng là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: giá xăng dầu các loại tăng 41,5%, khí đốt hóa lỏng tăng 25,2%, chất dẻo nguyên liệu tăng 18,7%, sợi các loại tăng 39,3%, thép các loại tăng 28,4%, phân bón các loại tăng 19,6%, lúa mỳ tăng 42%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng hơn 3,2 tỷ USD.
Tương tự như các năm trước, 5 tháng đầu năm 2011, nhập khẩu từ Châu Á vẫn chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, trong đó riêng nhậpkhẩu từ Đông Á (gồm các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc...) chiếm khoảng 54% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu 5 tháng đầu năm 2011 là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 24,4%, tỷ trọng ước đạt 22,2%), ASEAN (tăng 37,9%, tỷ trọng ước đạt 20,8%), Hàn Quốc (tăng 48,7%, chiếm tỷ trọng 12,3%), Nhật Bản (tăng 23,1%, chiếm tỷ trọng 9,7%) và EU (tăng 12,8%, chiếm tỷ trọng 6,7%).
Ước nhập siêu 5 tháng đầu năm 2011 là gần 6,6 tỷ USD, chiếm hơn 18,9% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) nhập siêu 1,61 tỷ USD.
2.3. Nhận xét
- Nếu như nhập siêu các tháng đầu năm được kiềm chế thì hiện nay nhập siêu đang có xu hướng tăng dần, dẫn đến tỷ lệ nhập siêu 5 tháng đầu năm 2011 gần chạm mức 19% kim ngạch xuất khẩu.
- Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đều cao hơn tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu của cả nước. 5 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ nhập siêu của khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 10,1%.
- Trong khi giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng và tăng mạnh thì giá gạo từ đầu năm đến nay vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2011 giảm khoảng 4,1% so với cùng kỳ.
- 5 tháng đầu năm 2011, Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với các nước như Trung Quốc (ước đạt gần 5,4 tỷ USD), ASEAN (hơn 3,2 tỷ USD), Hàn Quốc (hơn 3,1 tỷ USD), Đài Loan (gần 3,1 tỷ USD), Thái Lan (gần 1,8 tỷ USD).
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 5/2011 ước đạt khoảng 156.011 tỷ đồng, tăng 0,68% so với tháng 4/2011. Tính cả 5 tháng đầu năm 2011, tổng mức bán lẻ cả nước ước đạt 762.716 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2010.
Tính cả 5 tháng đầu năm 2011, trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 50,59%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 34,58% và 11,06%. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,76%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,01%.
(Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê)
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2011 tăng2,21% so với tháng 4/2011.
Trong tháng 5, chỉ có chỉ số giá nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông giảm 1,68%. Các nhóm hàng có tốc độ tăng giá cao gồm có: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất tới 3,19%; tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,01% (trong đó thực phẩm tăng 3,53%); nhóm giao thông tăng 2,67%; các nhóm hàng hóa còn lại có mức tăng dao động trong khoảng 0,25%- 2,06%.
Như vậy, tính cả 5 tháng đầu năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước đã tăng khoảng 12,07% so với tháng 12/2010.
(Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê)
3.3. Tình hình cung – cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Thị trường thế giới:
Trái ngược với xu hướng tăng mạnh của tháng 4, bước sang tháng 5, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm mạnh tới 17 USD/thùng ngay trong tuần đầu của tháng 5 trước khi tiếp tục giảm thêm 5,67 USD/thùng chốt phiên ngày 11/5/2011 xuống còn 98,21 USD/thùng. Mặc dù vậy, giá dầu đã kịp phục hồi nhẹ vào cuối tuần khi chốt ở mức 99,49 USD/thùng vào ngày 21/5/2011(giá dầu thô ngọt nhẹ, giao tháng 6 trên sàn giao dịch New York).
Thị trường trong nước:
Sau khi hai đợt tăng giá từ đầu năm, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tháng 5 vẫn giữ như sau thời điểm tăng giá ngày 29/3/2011.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 5 ước đạt 1.000 nghìn tấn, giảm 13,4% so với tháng 4, với trị giá khoảng 934 triệu USD; tính cả 5 tháng đầu năm 2011, ước đạt 5.142 nghìn tấn, trị giá khoảng 4.580 triệu USD, tăng 15,6% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
b) Sắt thép
Mặc dù đã bước vào mùa xây dựng nhưng sức tiêu thụ của thị trường thép trong nước tháng 5 vẫn ở mức thấp: ước đạt khoảng 440 ngàn tấn. Giá thép xây dựng xuất xưởng tại khu vực phía Bắc khoảng 15,5 – 16,1 triệu đồng/tấn và tại các tỉnh phía Nam dao động từ 15,8 đến 16,5 triệu đồng/tấn (chưa tính thuế VAT).
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 04/2011 đạt 696 nghìn tấn, ước tháng 5/2011 đạt 730 nghìn tấn, tăng 4,9% về lượng so với tháng 04/2011 và đạt trị giá 642 triệu USD; tính cả 5 tháng đầu năm ước đạt 3.099 nghìn tấn, 9,9% về lượng so với cùng kỳ năm 2010.
c) Phân bón
Thị trường trong nước nửa đầu tháng 5 vừa qua diễn biến khá ổn định: lượng hàng tiêu thụ khá ổn định và không có nhiều đột biến (do các tỉnh miền Bắc đã kết thúc giai đoạn bón thúc cho cây lúa của vụ Đông Xuân), tuy nhiên do giá phân bón qua đường tiểu ngạch vẫn có xu hướng tăng nhẹ làm cho giá phân bón trong nước cũng tăng nhẹ.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2011, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 320 nghìn tấn với trị giá 127 triệu USD (trong đó phân ure là 70 nghìn tấn và trị giá 22 triệu USD); tính cả 5 tháng đầu năm 2011, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 1.545 nghìn tấn với trị giá 576 triệu USD (trong đó phân ure là 345 nghìn tấn, trị giá 125 triệu USD), tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2010.
d) Xi măng
Bước sang tháng 5, thị trường xi măng trong nước diễn ra khá ổn định. Ước tính, tổng lượng xi măng tiêu thụ trong 5 tháng đầu năm 2011 đạt 20 triệu tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ. Nhìn chung, sức mua xi măng trên thị trường trong các tháng từ đầu năm đến nay ổn định hơn cuối năm ngoái.
II. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2011
1. Về phát triển ngành du lịch
- Phát triển các gói du lịch mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, tránh để xảy ra tình trạng bão hòa thị trường du lịch.
- Chú trọng chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với đối tượng khách du lịch bằng đường biển về visa, thường gian lưu trú trên bờ, khoảng cách được phép đi sâu vào nội địa ...
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các đơn vị kinh doanh du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trong và ngoài nước.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư bảo vệ tôn tạo di tích văn hoá lịch sử, môi trường sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch,... trong các vùng, khu, điểm du lịch nhằm phát huy cao độ nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch nước ngoài.
- Xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam đối với du khách.
- Khuyến khích các nhà đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng tổng hợp để thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
- Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc chú trong phát triển chất lượng dịch vụ.
- Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là hệ thống khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao, 5 sao, tập trung chủ yếu ở các trung tâm du lịch, các khu du lịch quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
2. Một số giải pháp điều hành xuất nhập khẩu năm 2011
- Thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển ngành, đẩy nhanh tiến độ đầu tư của những dự án sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu để thay thế một số sản phẩm nông nghiệp hoặc khoáng sản có khả năng giảm hoặc không tăng sản lượng xuất khẩu (lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, than đá, dầu thô...) bằng những sản phẩm mới như cơ khí, dây điện và dây cáp, linh kiện điện tử, máy móc... và những mặt hàng đang nhập khẩu lớn như giấy, phân bón, thép tấm, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy...
- Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua các chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tập trung vào các ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí.
- Phát triển các chương trình đào tạo nghề, giải quyết vấn đề thiếu hụt và nâng cao chất lượng nguồn lao động trong một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn về nguồn lao động như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí, điện tử...
- Rà soát cơ cấu đầu tư, xây dựng những chính sách nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa thay thế nhập khẩu, hạn chế đầu tư vào khu vực phi sản xuất
- Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước, phục vụ tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP về 06 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong 6 tháng cuối năm 2011.
-Thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, đặc biệt tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo, đặc biệt là đối với các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, xi măng, sắt thép, dược phẩm.
- Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, sắt thép…
- Rà soát các dự án đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo phát hiện và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, sớm hoàn thành theo tiến độ để đưa vào vận hành, tạo nguồn cung đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.
- Đẩy mạnh chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao.
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
3.2. Đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu tại các khu vực nhằm đảm bảo bình ổn thị trường.
b) Sắt thép
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước, cũng như khuyến khích các công ty ngoài quốc doanh bố trí thời gian sản xuất phù hợp để tiết kiệm chi phí sử dụng điện, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.
c) Phân bón
- Đẩy mạnh hoạt động sản xuất phân bón trong nước, nhằm giảm phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, qua đó từng chủ động được về giá cả.
- Cục Quản lý thị trường cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an kinh tế nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các đường dây sản xuất phân bón giả gây thiệt hại cho người nông dân, nhà sản xuất.
d) Xi măng
- Bộ Công Thương cần chỉ đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục cung cấp đủ than và điện cho các nhà máy xi măng hoạt động, không để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu sản xuất.
- Các doanh nghiệp cần chú trọng công tác đầu tư công nghệ hiện đại vừa nâng cao năng suất và tiết kiệm nhiên liệu sản xuất./.
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư