I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 3 NĂM 2011
1. Tình hình phát triển ngành du lịch
Trong những tháng đầu năm của năm 2011 mặc dù có những khó khăn nhất định, hoạt động du lịch đã sội động ngay từ ngày đầu quý do thời gian này nằm trong mùa lễ hội chung của cả nước. Toàn ngành du lịch tích cực triển khai mở rộng khai thác thị trường du lịch trong nước và quốc tế, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, thu hút khách trên cơ sở nâng cấp hoàn thiện, bổ sung các chương trình du lịch như: các lễ hội du lịch đặc sắc (hội Chùa Hương, Hội Đền Trần, Hội Yên Tử, Festival thuyền buồm quốc tế tại Ninh Thuận), các hoạt động khởi động năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011...
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2011 ước tính đạt gần 512.000 lượt khách, giảm6% so với tháng 2 và đưa tổng lượng khách trong 3 tháng đầu năm đạt hơn 1,5 triệu lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2011 chủ yếu từ một số thị trường truyền thống và đều có mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái: Trung Quốc (tăng 40%), Hàn Quốc (tăng 18%), Mỹ (tăng 9%), Nhật Bản (tăng 20%), Úc (tăng 15%), Pháp (tăng 10%).
Xét về phương tiện giao thông, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I chủ yếu vẫn bằng đường hàng không; đường biển qua các cảng Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế,…và bằng đường bộ từ Thái Lan, Lào, Campuchia.
Riêng trong tháng 3 nhiều tàu khách du lịch quốc tế đã đến Việt Nam trong đó có một số tàu lớn như: tàu Queen Mary 2 - một trong những tàu chở khách du lịch lớn nhất thế giới - đã đưa 2.430 du khách và 1.230 thủy thủycập cảng Nha Trang (Khánh Hòa); tàu Legendof the Sea, quốc tịch Bahamas, chở theo 1.554 du khách quốc tế cập cảng SITV Phú Mỹ (Vũng Tàu); các tàu Seabourn Sojourne, Costa Classica và Princess Daphneđãđưa 2.150 khách mời thăm Vịnh Hạ Long.
Cũng trong tháng 3, hai tuyến bay thẳng quốc tế Hà Nội – Trùng Khánh (Trung Quốc) và Đà Nẵng - Narita (Nhật) cũng được đưa vào hoạt động, hứa hẹn triển vọng thu hút khách từ các thị trường này trong thời gian tới.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 3 năm 2011 đạt 7,05 tỷ USD, tăng 45,4%so với tháng trước do hoạt động xuất nhập khẩu đã trở lại bình thường sau Tết Nguyên đán; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 3,2 tỷ USD.
3 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,25 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 8,9 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu 3 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 1963 nghìn tấn, giảm 12,3% về lượng và tăng 15,8% về kim ngạch; than đá 1881 nghìn tấn, giảm 60,6% về lượng và giảm 38,4% về kim ngạch; dệt may 2,8 tỷ USD, tăng 27,9%; da giày 1,3 tỷ USD, tăng 29,6%; cao su 173 nghìn tấn, tăng 38,4% về lượng và tăng 134% về kim ngạch; sản phẩm gỗ 816 triệu USD, tăng 9,2%; linh kiện điện tử 791 triệu USD, tăng 13%; thuỷ sản 1,14 tỷ USD, tăng 30,4%; gạo 1686 nghìn tấn, tăng 17,1% về lượng và 7,2% về kim ngạch; cà phê 509 nghìn tấn, tăng 46,3% về lượng và tăng 115% về kim ngạch; sắn và sản phẩm sắn 1112 nghìn tấn, tăng 62,6% về lượng và tăng 101% về kim ngạch...
Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đã góp phần vào tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu 3 tháng năm 2011 so với cùng kỳ: giá hạt điều tăng 31,8%, cà phê tăng 47%, hạt tiêu tăng 58,1%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 23,6%, than đá tăng 57,7%, dầu thô tăng 31,9%, cao su tăng 69,2%. Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng gần 1,2 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ 3 tháng đầu năm 2011 tăng 18,6% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 17,5%; xuất khẩu vào EU tăng 37,5% và chiếm tỷ trọng 16,7%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 11,3% và chiếm tỷ trọng 14,8%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 6,2% và chiếm tỷ trọng 9,3%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 54,7% và chiếm tỷ trọng 11,4%.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 năm 2011 ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 37,6% so với tháng trước; trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,6 tỷ USD.
3 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 22,3 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt gần 9,5 tỷ USD, tăng 28,4%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 3 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 2884 nghìn tấn, tăng 12,7% về lượng và tăng 53,8% về kim ngạch; thép các loại 1637 nghìn tấn, giảm 7,2% về lượng và tăng 18% về kim ngạch; phân bón 730 nghìn tấn, giảm 23,1% về lượng và giảm 7,1% về kim ngạch; giấy các loại 261 nghìn tấn, tăng 25,5% về lượng và tăng 37% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 590 nghìn tấn, tăng 19,2% về lượng và tăng 40,1% về kim ngạch; máy móc thiết bị 3,4 tỷ USD, tăng 14,8%; máy tính và linh kiện 1,29 tỷ USD, tăng 29,8%; vải các loại 1,41 tỷ USD, tăng 42%; nguyên phụ liệu dệt may 623 triệu USD, tăng 22,4%...
Cũng như xuất khẩu, giá nhập khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng đều tăng là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: giá xăng dầu các loại tăng 44,8%, khí đốt hóa lỏng tăng 16%, chất dẻo nguyên liệu tăng 17,6%, sợi các loại tăng 33,9%, thép các loại tăng 27,2%, phân bón các loại tăng 20,6%, lúa mỳ tăng 34,4%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng hơn 1,64 tỷ USD.
Ước nhập siêu 3 tháng đầu năm 2011 là hơn 3 tỷ USD, chiếm 15,7% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) nhập siêu 588 triệu USD.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tháng 3, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) ước đạt khoảng 150.233 tỷ đồng, tăng khoảng 2,2% so với tháng 02/2011. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa 3 tháng đạt 451.837 tỷ đồng, tăng khoảng 22,6% so với cùng kỳ năm 2010.
(Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê)
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 2,17% so với tháng trước.
Trong tháng 3, tất cả các nhóm hàng hóa đều tăng giá, ngay cả nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông cũng tăng nhưng chỉ tăng nhẹ (0,02%). Các nhóm hàng có tốc độ tăng giá cao gồm có: nhóm giao thông tăng mạnh nhất tới 6,69%; tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,67%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,98%; các nhóm hàng hóa nhóm còn lại có mức tăng dao động trong khoảng 0,71%- 1,39%.
Như vậy, tính cả Quý I/2011, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước đã tăng khoảng 6,12%.
(Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê)
3.3. Tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Từ cuối tháng 2 cho tới tuần đầu tháng 3, giá dầu thô thế giới đã tăng mạnh. Đỉnh điểm là ngày 6/3, giá dầu thô trên thị trường New York đạt trên 105 USD/thùng, mức cao kỉ lục trong vòng 29 tháng, còn giá dầu Brent trên thị trường Luân Đôn cũng đạt trên 115 USD/thùng. Nguyên nhân là do thị trường thế giới lo ngại những bất ổn tại Lybia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 9, sẽ khiến nguồn cung dầu bị thu hẹp. T
uy nhiên, bước sang tuần thứ hai của tháng 3, sau khi OPEC thông báo các nước thành viên khác trong khối sẽ bù đắp nguồn cung dầu nếu xảy ra thiếu hụt, giá dầu đã giảm. Tuy nhiên, trước tình hình chiến sự tại Lybia, giá dầu đã tăng trở lại và dự báo giá dầu sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Trong nước, trước sự gia tăng sức ép của giá dầu thế giới, ngày 24/02/2011, Bộ Tài chính ra quyết định cho phép doanh nghiệp tăng giá bán xăng dầu trong nước như sau: xăng A92 từ 16.400 đồng/lít lên 19.300 đồng/lít, dầu diezel từ 14.750 đồng/lít lên 18.300 đồng/lít, dầu hỏa từ 15.100 đồng/lít lên 18.200 đồng/lít, dầu mazuts từ 12.690 đồng/kg lên 14.800 đồng/kg.
Theo Tổng cục hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 3 ước đạt 950 nghìn tấn, tăng 9.8% so với tháng 2, với trị giá khoảng 835 triệu USD; tính cả 3 tháng đầu năm 2011, ước đạt 2.884 nghìn tấn, trị giá khoảng 2.403 triệu USD, tăng 12.7% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
b) Sắt thép
Giá phôi thép, thép phế và các sản phẩm thép trên thị trường thế giới trong tháng 3 tiếp tục tăng nhẹ. Nguyên nhân là do những bất ổn ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông, thị trường phôi quan trọng của thế giới, khiến nguồn cung phôi thép giảm. Giá FOB phôi thép tại khu vực Biển Đen dao động từ 620 – 630 USD/tấn. Giá thép phế liệu thế giới dao động từ 455 – 465 USD/tấn. Giá thép phế tăng là bởi doanh số bán ra của các nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhà sản xuất phế liệu chủ lực, sụt giảm do dự trữ thấp. Trên sàn giao dịch kim loại London, giá phôi giao sau 3 tháng đứng ở mức trung bình 556 USD/tấn.
Trong nước, các công ty thép liên tục điều chỉnh tăng giá thép. Nguyên nhân là các yếu tố đầu vào của thép như điện, xăng, phôi thép, thép phế đều tăng giá. Tuy nhiên việc triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư xây dựng cơ bản đã khiến nhu cầu thép giảm, dẫn tới trong tuần thứ ba của tháng 3 một số công ty đã giảm giá bán thép để giảm lượng hàng tồn kho, đẩy nhanh quay vòng vốn. Đồng thời các đại lý kinh doanh thép cũng chủ động hạ mức chiết khấu để hạ giá bán. Giá thép cuộn hiện nay dao động quanh mức 18.5 triệu đồng/tấn, thép cây 18.4 triệu đồng/tấn (đã bao gồm thuế VAT).
Theo Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 02/2011 đạt 523 nghìn tấn, ước tháng 3/2011 đạt 580 nghìn tấn, tăng 10.9% về lượng so với tháng 02/2011 và đạt trị giá 500 triệu USD; tính cả 3 tháng đầu năm ước đạt 1637 nghìn tấn, giảm 7.2% về lượng so với cùng kỳ năm 2010.
c) Xi măng
Tháng 3, lượng xi măng sản xuất và tiêu thụ bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, dự kiến lượng xi măng sản xuất tháng 2 đạt khoảng 3 triệu tấn, tăng 0,5 triệu tấn so với tháng 2.
Trước tác động của việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào như điện, than, giábán xi măng trong nước đã được điều chỉnh tăng thêm khoảng 60.000 VND/tấn. Hiện giá bán lẻ xi măng tại các tỉnh phía Bắc dao động ở mức 1- 1,25 triệu/tấn và ở phía Nam là 1,3-1,42 triệu/tấn.
d) Phân bón
Giá ure trên thị trường thế giới tiếp tục được điều chỉnh giảm trong tuần đầu tháng 3 do nhu cầu vẫn trong tình trạng suy yếu.
Giá ure hạt trong tại Yuzhyy trong tuần đã giảm 10-14 USD/tấn so với tuần trước, xuống mức giao dịch 333-337 USD/tấn (FOB). Tại Baltic, giá ure cũng đã được điều chỉnh giảm 5 USD/tấn, còn khoảng 320-325 USD/tấn (FOB).
Giá ure hạt đục cũng cùng xu hướng giảm với giá ure hạt trong. Giá ure hạt đục tại thị trường Iran đã giảm khá mạnh, giảm từ 15-20 USD/tấn (tương đương giảm khoảng 5%) so với tuần trước, xuống mức giao dịch từ 335-340 USD/tấn (FOB). Giá ure hạt đục Inđônêxia cũng đã giảm từ 9-12 USD/tấn trong tuần này, ghi nhận tại mức giá dao động khoảng 372-378 USD/tấn (FOB).
Tháng 03/2011, lượng phân ure nhập khẩu ước đạt 45 nghìn tấn với trị giá 15 triệu USD, tăng 73% so với tháng trước, 3 tháng lượng ure nhập khẩu ước đạt 101 nghìn tấn với trị giá 36 triệu USD.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2011
1. Về phát triển ngành du lịch
- Chú trọng việc xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam đối với du khách.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các đơn vị kinh doanh du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trong và ngoài nước.
- Khuyến khích các nhà đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển các loại hình du lịch mới, mang tính chất khác biệt, đa dạng để thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư bảo vệ tôn tạo di tích văn hoá lịch sử, môi trường sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch,... trong các vùng, khu, điểm du lịch nhằm phát huy cao độ nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch nước ngoài.
- Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc chú trong phát triển chất lượng dịch vụ.
- Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là hệ thống khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao, 5 sao, tập trung chủ yếu ở các trung tâm du lịch, các khu du lịch quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
- Thực hiện các chương trình kích cầu du lịch như giảm giá đối với các Tour du lịch, vấn đề này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan như: vận tải hàng không, hàng hải, khách sạn nhà hàng,....
- Xu hướng khách du lịch bằng đường biển đến Việt Nam ngày càng tăng, khách du lịch bằng đường biển thường là khách có mức chi tiêu cao, do đó cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt đối với các đối tượng khách du lịch này về visa, thời gian lưu trú trên bờ, khoảng cách được phép đi sâu vào nội địa,.....
- Cải cách các chính sách về xuất nhập cảnh, thủ tục xe ô tô du lịch qua biên giới cần thông thoáng hơn nữa để thúc đẩy phát triển mạnh khách du lịch thông qua con đường này.
2. Một số giải pháp điều hành xuất nhập khẩu năm 2011
- Thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển ngành, đẩy nhanh tiến độ đầu tư của những dự án sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu để thay thế một số sản phẩm nông nghiệp hoặc khoáng sản có khả năng giảm hoặc không tăng sản lượng xuất khẩu (lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, than đá, dầu thô...) bằng những sản phẩm mới như cơ khí, dây điện và dây cáp, linh kiện điện tử, máy móc... và những mặt hàng đang nhập khẩu lớn như giấy, phân bón, thép tấm, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy...
- Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua các chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tập trung vào các ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí.
- Phát triển các chương trình đào tạo nghề, giải quyết vấn đề thiếu hụt và nâng cao chất lượng nguồn lao động trong một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn về nguồn lao động như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí, điện tử...
- Rà soát cơ cấu đầu tư, xây dựng những chính sách nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa thay thế nhập khẩu, hạn chế đầu tư vào khu vực phi sản xuất
- Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước, phục vụ tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
- Các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt và nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, xây dựng các phương án cụ thể cho đơn vị mình và phối hợp liên ngành chặt chẽ.
- Tăng cường công tác kiểm tra thị trường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng niêm yết không đúng giá bán, găm hàng, kìm hàng, hiện tượng “tát nước theo mưa” đặc biệt là đối với các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, xi măng, sắt thép, dược phẩm.
- Tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến lĩnh vực thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điểu kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn đảm bảo tạo ra hành lang pháp lý đủ mạnh và hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, điều hành vĩ mô thị trường của Nhà nước.
- Đẩy mạnh chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao.
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
3.2. Đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Hiện nay giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn của các nước có chung đường biên giới nên vẫn xảy ra tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Cơ quan chức năng cần tiến hành mạnh hơn nữa các biện pháp kiểm tra để ngăn chặn tình trạng trên.
- Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu tại các khu vực nhẳm đảm bảo bình ổn thị trường trên hai khía cạnh quan hệ cung - cầu và giá cả.
b) Sắt thép
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước, cũng như khuyến khích các công ty ngoài quốc doanh bố trí thời gian sản xuất phù hợp để tiết kiệm chi phí sử dụng điện, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.
c) Xi măng
- Đảm bảo tình hình cung – cầu xi măng thông suốt từ Bắc vào Nam, tránh tình trạng sốt giá cục bộ, đặc biệt khi mùa xây dựng đã cận kề.
- Các doanh nghiệp cần chú trọng công tác đầu tư công nghệ hiện đại vừa nâng cao năng suất và tiết kiệm nhiên liệu sản xuất.
- Bộ Công Thương cần chỉ đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục cung cấp đủ than và điện cho các nhà máy xi măng hoạt động, không để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu sản xuất.
d) Phân bón
- Đẩy mạnh hoạt động sản xuất phân bón trong nước, nhằm giảm phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, qua đó từng chủ động được về giá cả.
- Cục Quản lý thị trường cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an kinh tế nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các đường dây sản xuất phân bón giả gây thiệt hại cho người nông dân, nhà sản xuất.
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư