I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 4 NĂM 2011
1. Tình hình phát triển ngành du lịch
Tháng 4/2011, hoạt động du lịch đã sôi động ngay từ những ngày đầu tháng do đây là thời gian khởi động chuẩn bị bước vào mùa nghỉ hè trên cả nước. Nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đã được tổ chức ở nhiều nơi như: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội Phủ Dầy, lễ hội Đền Đô, lễ hội Cố đô Hoa Lư, lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản 2011 tại Hà Nội, Festival diều quốc tế lần III tại Bà Rịa – Vũng Tàu... Bên cạnh đó, Lễ giỗ Tổ năm nay được nghỉ đến 3 ngày nên lượng khách du lịch nội địa tăng cao.
Trong những năm gần đây, lượng khách đi du lịch vào dịp lễ 30-4 và 1-5 ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, nhiều tour đầy khách, phải khóa sổ đăng ký trước ngày đi cả tháng. Nhưng do ảnh hưởng của 2 lần tăng giá xăng dẫn đến giá tour điều chỉnh tăng nên việc đăng ký tour năm nay tại các công ty du lịch diễn ra khá chậm. Nhằm cải thiện tình hình, các công ty du lịch đã đưa ra nhiều gói tour thích hợp để khách du lịch có thể lựa chọn.
Tuy nhiên, một số điểm “nóng” trong mùa du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Côn Đảo, Phú Quốc đều đã kín chỗ.
Trong dịp nghỉ lễ, lượng khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài khá lớn, đặc biệt là từ hai Thành phố: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Công tác tổ chức đón khách quốc tế cũng như việc đưa khách Việt Nam đi du lịch trong nước, nước ngoài được thực hiện tốt với sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan nhà nước và nhân dân.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 ước đạt khoảng 464 nghìn lượt khách, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 1,9 triệu lượt khách, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 năm 2011 chủ yếu từ một số thị trường truyền thống và đều có mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái: Trung Quốc (tăng 24,1%), Hàn Quốc (tăng 12,5%), Mỹ (tăng 5,3%), Nhật Bản (tăng 8,5%), Úc (tăng 6,7%), Pháp (tăng 8,2%).
Về thị trường Nhật Bản, do ảnh hưởng của động đất và sóng thần nên số lượng khách từ thị trường này sẽ giảm nhẹ trong một vài tháng tới. Tuy nhiên, có xu hướng một số lượng khách du lịch Nhật Bản sẽ đi du lịch nghỉ dưỡng để tránh phóng xạ hạt nhân, do đó, phía ta có chủ trương kéo dài hạn Visa lên 60 ngày thay vì 30 ngày như hiện nay để thu hút khách quay lại.
Xét về phương tiện đi lại, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không tăng 30%, đường bộ tăng 15%. Xét về mục đích chuyến đi, khách du lịch theo mục đích nghỉ ngơi tăng 32%, khách du lịch theo công việc giảm 18%, khách đi du lịch thăm thân nhân tăng 35%.
(Số liệu ước tính của Vụ Kinh tế dịch vụ)
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 4 năm 2011 đạt 7,3 tỷ USD, giảm 2%so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 3,5 tỷ USD.
4 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,9 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 12,7 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu 4 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 2879 nghìn tấn, tăng 2,5% về lượng và tăng 41,4% về kim ngạch; than đá 4004 nghìn tấn, giảm 40,2% về lượng và giảm 20% về kim ngạch; dệt may 3927 triệu USD, tăng 33,1%; da giày 1743 triệu USD, tăng 26,4%; cao su 209 nghìn tấn, tăng 32,3% về lượng và tăng 115,3% về kim ngạch; sản phẩm gỗ 1150 triệu USD, tăng 13%; linh kiện điện tử 1064 triệu USD, tăng 11,3%; thuỷ sản 1604 triệu USD, tăng 27,7%; gạo 2580 nghìn tấn, tăng 17,3% về lượng và 9,6% về kim ngạch; cà phê 650 nghìn tấn, tăng 37,4% về lượng và tăng 111,7% về kim ngạch; sắn và sản phẩm sắn 1503 nghìn tấn, tăng 72,6% về lượng và tăng 120% về kim ngạch...
Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đã góp phần vào tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu 4 tháng năm 2011 so với cùng kỳ: giá hạt điều tăng 40%, cà phê tăng 54,1%, chè các loại tăng 4,6%, hạt tiêu tăng 66,1%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 28,5%, than đá tăng 32,9%, dầu thô tăng 38%, cao su tăng 62,7%, sắt thép các loại tăng 26,1. Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 2,1 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 23,7% và chiếm tỷ trọng hơn 17,9%; xuất khẩu vào EU tăng 51,7% và chiếm tỷ trọng 17,7%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 19,9% và chiếm tỷ trọng 15,2%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 23,8% và chiếm tỷ trọng 10,3%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 57,3% và chiếm tỷ trọng gần 11%.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 năm 2011 ước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 1,8% so với tháng trước; trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,9 tỷ USD.
4 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, tăng 35,5%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 4 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 4088 nghìn tấn, tăng 17,9% về lượng và tăng 64,3% về kim ngạch; thép các loại 2390 nghìn tấn, giảm 8,6% về lượng và tăng 17,2% về kim ngạch; phân bón 1206 nghìn tấn, tăng 7,9% về lượng và tăng 30,1% về kim ngạch; giấy các loại 347 nghìn tấn, tăng 22,6% về lượng và tăng 36,1% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 816 nghìn tấn, tăng 18,1% về lượng và tăng 39,6% về kim ngạch; máy móc thiết bị 4,7 tỷ USD, tăng 17%; máy tính và linh kiện 1755 triệu USD, tăng 29,3%; vải các loại 2110 triệu USD, tăng 42,1%; nguyên phụ liệu dệt may 915 triệu USD, tăng 20,7%...
Cũng như xuất khẩu, giá nhập khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng đều tăng là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: giá xăng dầu các loại tăng 39,4%, khí đốt hóa lỏng tăng 31,7%, chất dẻo nguyên liệu tăng 18,3%, sợi các loại tăng 38,8%, thép các loại tăng 28,3%, phân bón các loại tăng 20,5%, lúa mỳ tăng 39,3%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng hơn 2,4 tỷ USD.
Các thị trường nhập khẩu chủ yếu 4 tháng đầu năm 2011 là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 24,8%, tỷ trọng ước đạt 21,7%), ASEAN (tăng 41,2%, tỷ trọng ước đạt 21,2%), Hàn Quốc (tăng 48,9%, chiếm tỷ trọng 12,2%), Nhật Bản (tăng 20,8%, chiếm tỷ trọng 9,7%) và EU (tăng 7%, chiếm tỷ trọng 7%).
Ước nhập siêu 4 tháng đầu năm 2011 là gần 4,9 tỷ USD, chiếm 18,2% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) nhập siêu 1,15 tỷ USD.
2.3. Nhận xét
- Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đều cao hơn tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
- Trong khi giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng thì giá gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2011 lại giảm khoảng 6,4% so với cùng kỳ.
- Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, ASEAN vẫn tiếp tục tăng mạnh, khiến nhập siêu từ các thị trường này 4 tháng đầu năm 2011 khá lớn. Nhập siêu từ Trung Quốc 4 tháng đầu năm 2011 là gần 3,9 tỷ USD, nhập siêu từ ASEAN khoảng 2,6 tỷ USD.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 4/2011 ước đạt khoảng 153.853 tỷ đồng, tăng 1,79% so với tháng 3/2011. Tính cả 4 tháng đầu năm 2011, tổng mức bán lẻ cả nước ước đạt 605.608 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2010.
Tính cả 4 tháng đầu năm 2011, trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 50,65%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 34,51% và 11,03%. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,75%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,06 %.
(Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê)
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2011 tăng 3,32% so với tháng 3/2011. Đây là mức tăng rất cao với cùng kỳ năm 2010 và nằm ngoài quy luật hàng năm.
Trong tháng 4, tất cả các nhóm hàng hóa đều tăng giá, ngay cả nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông cũng tăng nhưng chỉ tăng nhẹ (0,02%), nhóm giáo dục tăng 0,29%. Các nhóm hàng có tốc độ tăng giá cao gồm có: nhóm giao thông tăng mạnh nhất tới 6,04%; tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,5% (trong đó lương thực tăng 5,61%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,38%; 6 nhóm hàng hóa nhóm còn lại có mức tăng trên 1% dao động trong khoảng 1,01%- 1,63%.
Như vậy, tính cả 4 tháng đầu năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước đã tăng khoảng 9,64%, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu 7% của Quốc hội đề ra.
(Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê)
3.3. Tình hình cung – cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Thị trường thế giới:
Nối tiếp đà tăng từ nửa cuối tháng 3/2011, giá dầu thô thế giới tháng 4/2011 tiếp tục mạn. Ngày 8/4/2011, giá dầu WTI tăng lên mức 112,79 USD/thùng, dầu Bent lên mức 126,65 USD/thùng, là mức cao nhất trong 32 tháng qua. Sau ngày 12 và 13/4, do nhu cầu giảm sút nên giá dầu WTI giảm về mức gần 105 USD/thùng, giá dầu Brent về mức 119 USD/thùng. Tuy nhiên đến ngày 20/4, giá dầu lại được kéo lên mức 109 USD/thùng khi giá vàng đạt mức cao kỉ lục mới là 1.500 USD/ounce và giá USD giảm. Nguyên nhân chính của xu hướng tăng liên tục của giá dầu vẫn là cuộc khủng hoảng tại Libi. Quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới này hiện chỉ sản xuất khoảng 300.000 thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Thị trường trong nước:
Sau khi hai đợt tăng giá từ đầu năm, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tháng 4 vẫn giữ như sau thời điểm tăng giá ngày 29/3/2011.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 4 ước đạt 1.100 nghìn tấn, tăng 4,4% so với tháng 3, với trị giá khoảng 1.067 triệu USD; tính cả 4 tháng đầu năm 2011, ước đạt 4.088 nghìn tấn, trị giá khoảng 3.584 triệu USD, tăng 17,9% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
b) Sắt thép
Giá phôi thép, thép phế và các sản phẩm thép trên thị trường thế giới trong tháng 4 giảm do cầu thấp hơn cung. Vào tuần thứ 3 của tháng, giá thép phế Biển Đen đứng ở mức 418 - 447 USD/tấn, giảm khoảng 20 USD/tấn so với đầu tháng; tương ứng giá thép phế Châu Âu giảm 5-15 USD/tấn, thép phế của Mỹ giảm 2-3 USD/tấn, thị trường Đông Nam Á giảm 5-10 USD/tấn. Giá phôi cũng giảm khá mạnh, giá trên LME tuần thứ 3 của tháng chỉ còn 542 USD/tấn; giá phôi FOB biển Đen giảm xuống còn khoảng 560 USD/tấn.
Trong nước:
Mặc dù giá phôi thép thế giới giảm, tuy nhiên giá quặng, giá nhiên liệu và giá điện trong nước tăng cao khiến giá thép trong nước vẫn tiếp tục tăng. Đầu tháng 4, Tổng công ty thép Việt Nam khu vực phía Nam công bố giá thép bán ra tăng 500.000 đồng mỗi tấn. Thép cuộn giao tại nhà máy lên 13,77 triệu đồng/tấn, thép cây lên 13,87 triệu đồng/tấn. Một loạt các công ty thép cũng tăng giá bán ra 500.000 đồng/tấn. Hiện thép Pomina, thép liên doanh Việt Nhật ở các cửa hàng rơi vào khoảng 16,5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm nên đến cuối tháng 4 giá thép đã bắt đầu giảm và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm ở tháng tiếp theo.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 03/2011 đạt 634 nghìn tấn, ước tháng 4/2011 đạt 700 nghìn tấn, tăng 10,4% về lượng so với tháng 03/2011 và đạt trị giá 587 triệu USD; tính cả 4 tháng đầu năm ước đạt 2390 nghìn tấn, giảm 8,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2010.
c) Phân bón
Thị trường phân bón quốc tế tháng 4/2011 đã sôi động trở lại sau khi trầm lắng vào tháng trước, giá phân ure cũng đã tăng trở lại. Cụ thể, giá FOB ure hạt trong ngày 22/4: tại Yuzhny: 345 – 350 USD/tấn, tại Baltic: 335 – 350 USD/tấn, tăng trung bình từ 15 – 25 USD/tấn so với tháng 3/2011.
Tại thị trường trong nước:
Thị trường trong nước nửa đầu tháng 4 vừa qua diễn biến khá ổn định, giá các loại phân bón nhìn chung ở mức ổn định, một vài nơi có hiện tượng tăng nhẹ do lượng hàng tồn kho còn ít, nguồn cung hạn chế.
Dự báo trong tháng 5, giá phân bón trong nước có thể tiếp tục nhích lên theo chiều hướng tăng của giá phân bón thế giới.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2011, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 400 nghìn tấn với trị giá 164 triệu USD (trong đó phân ure là 70 nghìn tấn và trị giá 26 triệu USD); tính cả 4 tháng đầu năm 2011, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 1.206 triệu USD với trị giá 454 triệu USD (trong đó phân ure là 210 nghìn tấn, trị giá 79 triệu USD), tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2010.
d) Xi măng
Giá bán xi măng tại một số nhà máy đã được điều chỉnh tăng khoảng 150.000 đồng/tấn từ đầu tháng 4, giá bán lẻ xi măng tại nhiều địa phương cũng tăng từ 10 – 15%.
Dự báo trong tháng 5, nhu cầu tiêu thụ xi măng có khả năng tăng, nguồn cung đảm bảo. Tuy nhiên, trước các tác động tăng giá các nguyên nhiên liệu đầu vào giá xi măng có thể tăng nhưng do hiện lượng cung vượt cầu nên các doanh nghiệp ngành xi măng sẽ thận trọng trong việc tăng giá bán để không bị lỗ trong sản xuất cũng như bảo đảm được thị phần.
II. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2011
1. Về phát triển ngành du lịch
- Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan như: vận tải hàng không, đường bộ, hàng hải, khách sạn nhà hàng... để tránh việc giá tour tăng quá cao do ảnh hưởng của 2 lần tăng giá xăng dầu vừa qua. Bên cạnh đó, các công ty du lịch cần đưa ra các gói tour mới để phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn này.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các đơn vị kinh doanh du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trong và ngoài nước.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư bảo vệ tôn tạo di tích văn hoá lịch sử, môi trường sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch,... trong các vùng, khu, điểm du lịch nhằm phát huy cao độ nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch nước ngoài.
- Chú trọng việc xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam đối với du khách.
- Khuyến khích các nhà đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển các loại hình du lịch mới, mang tính chất khác biệt, đa dạng để thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
- Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc chú trong phát triển chất lượng dịch vụ.
- Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là hệ thống khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao, 5 sao, tập trung chủ yếu ở các trung tâm du lịch, các khu du lịch quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
- Xu hướng khách du lịch bằng đường biển đến Việt Nam ngày càng tăng, khách du lịch bằng đường biển thường là khách có mức chi tiêu cao, do đó cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt đối với các đối tượng khách du lịch này về visa, thời gian lưu trú trên bờ, khoảng cách được phép đi sâu vào nội địa.
2. Một số giải pháp điều hành xuất nhập khẩu năm 2011
- Thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển ngành, đẩy nhanh tiến độ đầu tư của những dự án sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu để thay thế một số sản phẩm nông nghiệp hoặc khoáng sản có khả năng giảm hoặc không tăng sản lượng xuất khẩu (lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, than đá, dầu thô...) bằng những sản phẩm mới như cơ khí, dây điện và dây cáp, linh kiện điện tử, máy móc... và những mặt hàng đang nhập khẩu lớn như giấy, phân bón, thép tấm, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy...
- Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua các chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tập trung vào các ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí.
- Phát triển các chương trình đào tạo nghề, giải quyết vấn đề thiếu hụt và nâng cao chất lượng nguồn lao động trong một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn về nguồn lao động như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí, điện tử...
- Rà soát cơ cấu đầu tư, xây dựng những chính sách nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa thay thế nhập khẩu, hạn chế đầu tư vào khu vực phi sản xuất
- Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước, phục vụ tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
- Các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP về 06 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
- Nắm bắt kịp thời các diễn biến của thị trường, dự báo đúng và sớm các tình huống có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Do diễn biến thị trường dự kiến sẽ phức tạp trong những tháng tiếp theo, đề nghị Tổ Điều hành thị trường trong nước phối hợp chặt chẽ với các Bộ và Hiệp hội ngành hàng, có báo cáo thường xuyên 15 ngày / lần đề tham mưu, trình Chính phủ kịp thời xử lý.
-Thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, đặc biệt tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo, đặc biệt là đối với các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, xi măng, sắt thép, dược phẩm.
- Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, sắt thép…
- Rà soát các dự án đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo phát hiện và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, sớm hoàn thành theo tiến độ để đưa vào vận hành, tạo nguồn cung đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.
- Đẩy mạnh chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao.
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
3.2. Đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Hiện nay giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn của các nước có chung đường biên giới nên vẫn xảy ra tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Cơ quan chức năng cần tiến hành mạnh hơn nữa các biện pháp kiểm tra để ngăn chặn tình trạng trên.
- Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu tại các khu vực nhẳm đảm bảo bình ổn thị trường trên hai khía cạnh quan hệ cung - cầu và giá cả.
b) Sắt thép
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước, cũng như khuyến khích các công ty ngoài quốc doanh bố trí thời gian sản xuất phù hợp để tiết kiệm chi phí sử dụng điện, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.
c) Phân bón
- Đẩy mạnh hoạt động sản xuất phân bón trong nước, nhằm giảm phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, qua đó từng chủ động được về giá cả.
- Cục Quản lý thị trường cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an kinh tế nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các đường dây sản xuất phân bón giả gây thiệt hại cho người nông dân, nhà sản xuất.
d) Xi măng
- Bộ Công Thương cần chỉ đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục cung cấp đủ than và điện cho các nhà máy xi măng hoạt động, không để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu sản xuất.
- Các doanh nghiệp cần chú trọng công tác đầu tư công nghệ hiện đại vừa nâng cao năng suất và tiết kiệm nhiên liệu sản xuất./.
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư