Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/08/2011-13:14:00 PM
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện của các ngành thương mại – dịch vụ tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2011
Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24 tháng 8 năm 2011
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 8 NĂM 2011
1. Tình hình phát triển ngành du lịch
Mặc dù được xem là tháng thấp điểm trong mùa du lịch hè, nhưng tháng 8 năm nay du lịch vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Các công ty du lịch tiếp tục đưa ra nhiều gói tour mới cùng các chương trình giảm giá để thu hút khách du lịch.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động được tổ chức tại các địa phương trên cả nước để phục vụ khách du lịch như: liên hoan Làng biển Việt Nam 2011 tại tỉnh Ninh Thuận; tuần Văn hóa, du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn với các hoạt động như: Festival khèn Mông lần đầu tiên, lễ hội chọi bò và các hoạt động khác; ngày hội du lịch “Qua miền Tây Bắc” được tổ chức Sơn La...
Trong tháng 8, việc quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các sự kiện lớn tại nước ngoài; tuyên truyền quảng bá trên kênh truyền hình tiếp tục được đẩy mạnh, tại các thị trường như: Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Slovakia và Thái Lan.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 ước đạt khoảng 450 nghìn lượt khách, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 8 tháng năm 2011, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,8 triệu lượt khách, chủ yếu từ một số thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Campuchia, Mỹ, Nhật...
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng chủ yếu vẫn bằng đường hàng không, tăng 5% so với tháng trước, khác du lịch đi bằng đường bộ tăng 8%, khách du lịch đi bằng đường biển giảm nhẹ.
Xét theo mục đích chuyến đi, số lượng khách du lịch chủ yếu đi theo mục đích nghỉ ngơi, du lịch, tiếp đến là khách du lịch đi theo mục đích thăm thân nhân và cuối cùnglà khách đi theo mục đích công việc.
2. Về xuất, nhập khẩu
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 8 năm 2011 đạt 8,3 tỷ USD, giảm 11%so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 3,8 tỷ USD.
8 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60,8 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 27,7 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 8 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 5726 nghìn tấn, tăng 4,6% về lượng và tăng 51,5% về kim ngạch; than đá 11,13 triệu tấn, giảm 15,9% về lượng và tăng 1,1% về kim ngạch; dệt may 8984 triệu USD, tăng 28,6%; da giày 4184 triệu USD, tăng 29,2%; cao su 454 nghìn tấn, tăng 5,6% về lượng và tăng 66% về kim ngạch; gỗ và sản phẩm gỗ 2429 triệu USD, tăng 12,9%; linh kiện điện tử 2657 triệu USD, tăng 20,5%; thuỷ sản 3775 triệu USD, tăng 26,7%; gạo 5314 nghìn tấn, tăng 6,5% về lượng và 11% về kim ngạch; cà phê 958 nghìn tấn, tăng 11,4% về lượng và tăng 71,4% về kim ngạch; sắn và sản phẩm sắn 1892 nghìn tấn, tăng 46,9% về lượng và tăng 88,3% về kim ngạch...
Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đã góp phần vào tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2011 so với cùng kỳ: giá hạt điều tăng 48%, cà phê tăng 53,8%, chè các loại tăng 5,7%, hạt tiêu tăng 67,8%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 28,2%, than đá tăng 20,3%, dầu thô tăng 44,9%, cao su tăng 57,2%. Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng 3,95 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 20,2% và chiếm tỷ trọng 17,9%; xuất khẩu vào EU tăng 46,8% và chiếm tỷ trọng 16,7%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 23,6% và chiếm tỷ trọng 14%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 30,5% và chiếm tỷ trọng 10,4%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 61% và chiếm tỷ trọng hơn 10,7%.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 năm 2011 ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng trước; trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 4,4 tỷ USD.
8 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 67 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt hơn 30,1 tỷ USD, tăng 31,1%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 8 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 7547 nghìn tấn, tăng 5,7% về lượng và tăng 55,1% về kim ngạch; sắt thép các loại 4738 nghìn tấn, giảm 13% về lượng và tăng 8,9% về kim ngạch; phân bón 2545 nghìn tấn, tăng 29,6% về lượng và tăng 61,5% về kim ngạch; giấy các loại 689 nghìn tấn, tăng 13,5% về lượng và tăng 23,2% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 1616 nghìn tấn, tăng 5,6% về lượng và tăng 27,7% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt hơn 9,6 tỷ USD, tăng 9,5%; máy tính và linh kiện 3911 triệu USD, tăng 28%; vải các loại 4495 triệu USD, tăng 33,1%; nguyên phụ liệu dệt may 1956 triệu USD, tăng 16%...
Cũng như xuất khẩu, giá nhập khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng đều tăng là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: giá xăng dầu các loại tăng 46,8%, khí đốt hóa lỏng tăng 25,6%, chất dẻo nguyên liệu tăng 20,9%, sợi các loại tăng 33,3%, sắt thép các loại tăng 25,1%, phân bón các loại tăng 24,6%, lúa mỳ tăng 41,5%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng hơn 5,1 tỷ USD.
8 tháng đầu năm 2011, nhập khẩu từ Châu Á chiếm tới 79,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 20,4%, tỷ trọng ước đạt 22,5%), ASEAN (tăng 31,7%, tỷ trọng 20,3%), Hàn Quốc (tăng 36,6%, chiếm tỷ trọng 11,9%), Nhật Bản (tăng 18,5%, chiếm tỷ trọng 9,9%) và EU (tăng 15,2%, chiếm tỷ trọng 6,9%).
Ước nhập siêu 8 tháng đầu năm 2011 là hơn 6,2 tỷ USD, chiếm 10,2% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) nhập siêu gần 2,37 tỷ USD. Nếu không tính kim ngạch xuất khẩu vàng vào tổng kim ngạch xuất khẩu, thì nhập siêu 8 tháng ước hơn 8,73 tỷ USD, bằng 15% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với khu vực Châu Á.
2.3. Nhận xét
- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 8 tháng tiếp tục cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đã góp phần làm giảm dần tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu.
- Hầu hết các mặt hàng nông sản giá đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
- Nhập siêu 8 tháng đầu năm 2011 tiếp tục ở mức thấp là 10,2%, nguyên nhân là do mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm xuất khẩu tháng 7 đạt hơn 1,1 tỷ USD.
- 8 tháng đầu năm 2011, Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với các nước như Trung Quốc (ước đạt 8,5tỷ USD), ASEAN (5,1 tỷ USD), Hàn Quốc (hơn 5tỷ USD), Đài Loan (hơn 4,8 tỷ USD).
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và so với kế hoạch đề ra. Nhiều mặt hàng công nghiệp chủ yếu đã có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và giá cả nhiều mặt hàng khoáng sản, nông sản tăng đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu không có việc xuất khẩu vàng trong 4 tháng gần đây thì tỷ lệ nhập siêu ở mức 15%, thấp hơn 1% so với mức phấn đấu đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 8/2011 ước đạt khoảng 157.343 tỷ đồng, tăng 1,11% so với tháng 7/2011. Tính cả 8 tháng đầu năm 2011, tổng mức bán lẻ cả nước ước đạt 1.224.390 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2010.
Tính cả 8 tháng đầu năm 2011, trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 50,4%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 34,7% và 11%. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,8%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,1%.
(Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê)
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2011 tăng0,93% so với tháng 7/2011.
Trong tháng 8, chỉ có chỉ số giá nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông giảm 0,06%. Các nhóm hàng có tốc độ tăng giá cao gồm có: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,35% (trong đó thực phẩm tăng 1,55%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,59%); nhóm giáo dục tăng 1,13%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,89%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,79%; các nhóm hàng hóa còn lại có mức tăng dao động trong khoảng 0,21%- 1,01%.
Như vậy, tính cả 8 tháng đầu năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước đã tăng khoảng 15,68% so với tháng 12/2010.
(Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê)
3.3. Tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Thị trường thế giới:
Từ cuối tháng 7 tới giữa tháng 8, giá dầu thô thế giới có sự sụt giảm mạnh. Giá dầu thô WTI thị trường New York giảm từ 98 USD/thùng xuống xấp xỉ 84 USD/thùng. Giá dầu thô thị trường Luân Đôn giảm từ 118 USD/thùng xuống 109 USD/thùng. Ngày 19/8 đánh dấu mức giá thấp kỷ lục của dầu thô sau 4 tuần liên tiếp giảm, còn 80,9 USD một thùng tại thị trường New York. Tuy nhiên trong ngày trở lại đây, giá dầu tăng liên tiếp tại New York do các nhà đầu tư lo ngại việc Mỹ thiếu nguồn cung dầu sẽ khiến nhu cầu tăng tại quốc gia này.
Thị trường trong nước:
Mặc dù giá xăng dầu tại thị trường Singapore đã giảm cùng nhịp với giá thế giới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tháng 8 vẫn giữ ở mức như sau thời điểm tăng giá ngày 29/3/2011.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 8 ước đạt 1.000 nghìn tấn, tăng 96,1% so với tháng 7, với trị giá ước khoảng 976 triệu USD; tính cả 8 tháng đầu năm 2011, ước đạt 7.547 nghìn tấn, trị giá ước khoảng 4.445 triệu USD, tăng 5,7% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
b) Sắt thép
Giá phôi thép trên thị trường thế giới trong tháng 8/2011 ổn định hơn so với tháng trước. Tại thị trường Đông Nam Á, giá chào phôi thép ở mức 600 – 685 USD/tấn (CFR).
Trong nước, các nhà máy sản xuất kinh doanh thép tiếp tục giữ giá bán và có nhiều chương trình hỗ trợ cho các đại lý cấp 1 như hỗ trợ vốn, tăng chiết khấu, chi phí vận chuyển. Giá thép xây dựng bán lẻ trên thị trường hiện dao động ở mức 17.500 – 18.300 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với tháng trước.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 7/2011 đạt 656 nghìn tấn, ước tháng 8/2011 đạt 500 nghìn tấn, giảm 23,8% về lượng so với tháng 7/2011 và đạt trị giá 450 triệu USD; tính cả 8 tháng đầu năm ước đạt 4.738 nghìn tấn, giảm 13% về lượng so với cùng kỳ năm 2010.
c) Phân bón
Thị trường quốc tế:
Giá Ure trên thị trường thế giới có xu hướng tăng nhẹ so với thời điểm cuối tháng 7. Cụ thể, giá FOB ure tại một số thị trường vào ngày 15/8: Giá FOB ure tại Yuzhny: 480-485 USD/tấn; tại Baltic: 470-475 USD/tấn; tại Trung Đông: 495-500 USD/tấn.
Thị trường trong nước:
Giá một số loại phân bón trong nước có xu hướng tăng so với tháng 7. Tại miền Bắc, giá Ure Trung Quốc tăng từ 200-500 đồng/kg, dao động khoảng 10.000 – 10.500 đồng/kg; miền Nam tăng từ 200 – 1.100 đồng/kg, dao động khoảng 10.200 – 11.500 đồng/kg.
Theo số liệu sơ bộ, trong tháng 8/2011, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 330 nghìn tấn với trị giá 136 triệu USD (trong đó lượng ure nhập khẩu đạt 95 nghìn tấn, trị giá 33 triệu USD), giảm 12% so với tháng 7/2011. Tính cả 8 tháng đầu năm 2011, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 2.545 nghìn tấn với trị giá 1.024 triệu USD (trong đó ure đạt 508 nghìn tấn, trị giá 180 triệu USD), tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2010.
d) Xi măng
Thị trường xi măng đầu tháng 8 đã có sự phục hồi sau nhiều tháng trầm lắng. Theo Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam, sản xuất và tiêu thụ xi măng nửa đầu tháng 8 đều tăng, trong đó tiêu thụ tăng 514.715 tấn so với cùng kỳ tháng 7.
Về giá cả: giá bán xi măng tại các nhà máy vẫn được giữ theo mức giá đã điều chỉnh vào đầu tháng 7. Giá bán lẻ trên thị trường nửa đầu tháng 8 tại một số tỉnh phía Bắc khoảng 1,3 đến 1,6 triệu đồng/tấn, tăng 50.000 đồng/tấn; tại một số tỉnh phía Nam khoảng 1,4 đến 1,7 triệu đồng/tấn, tăng 10.000 đồng/tấn so với cùng kỳ tháng 7.
II. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2011
1. Về phát triển ngành du lịch
- Nghiên cứu, phát triển các hình thức du lịch mới như MICE (du lịch kết hợp khen thưởng, hội nghị, khảo sát, team building…); du lịch mạo hiểm, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái...
- Chú trọng chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với đối tượng khách du lịch bằng đường biển về visa, thường gian lưu trú trên bờ, khoảng cách được phép đi sâu vào nội địa ...
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các đơn vị kinh doanh du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trong và ngoài nước.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư bảo vệ tôn tạo di tích văn hoá lịch sử, môi trường sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch,... trong các vùng, khu, điểm du lịch nhằm phát huy cao độ nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch nước ngoài.
- Xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam đối với du khách.
- Khuyến khích các nhà đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng tổng hợp để thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
- Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc chú trong phát triển chất lượng dịch vụ.
- Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là hệ thống khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao, 5 sao, tập trung chủ yếu ở các trung tâm du lịch, các khu du lịch quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
2. Về xuất, nhập khẩu
- Thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển ngành, đẩy nhanh tiến độ đầu tư của những dự án sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu để thay thế một số sản phẩm nông nghiệp hoặc khoáng sản có khả năng giảm hoặc không tăng sản lượng xuất khẩu (lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, than đá, dầu thô...) bằng những sản phẩm mới như cơ khí, dây điện và dây cáp, linh kiện điện tử, máy móc... và những mặt hàng đang nhập khẩu lớn như giấy, phân bón, thép tấm, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy...
- Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua các chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tập trung vào các ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí.
- Phát triển các chương trình đào tạo nghề, giải quyết vấn đề thiếu hụt và nâng cao chất lượng nguồn lao động trong một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn về nguồn lao động như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí, điện tử...
- Rà soát cơ cấu đầu tư, xây dựng những chính sách nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa thay thế nhập khẩu, hạn chế đầu tư vào khu vực phi sản xuất
- Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước, phục vụ tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP về 06 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội những tháng cuối năm 2011.
- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, dự trữ hàng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, thực hiện chương trình «Bình ổn vào dịp Tết Nguyên đán» trên nguyên tắc doanh nghiệp và nhà nước cùng làm, doanh nghiệp không bị lỗ, trong khi phát triển được thương mại trong nước, đảm bảo ổn định cung cầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mua sắm của người dân, không để giá cả tăng đột biến vào các dịp cao điểm.
- Tập trung kiềm chế tốc độ tăng giá của các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
- Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo, đặc biệt là đối với các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, xi măng, sắt thép, dược phẩm.
- Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu…
- Rà soát các dự án đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo phát hiện và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, sớm hoàn thành theo tiến độ để đưa vào vận hành, tạo nguồn cung đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.
- Đẩy mạnh chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao.
3.2. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Từ 15/7/2011 nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ nghỉ bảo dưỡng trong hai tháng, do vậy Bộ Công Thương cần phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, lên kế hoạch nhập khẩu đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.
- Các cơ quan chức năng nghiên cứu đưa ra các biện pháp hiệu quả cho việc đưa xăng sinh học E5 vào sử dụng thử nghiệm một cách rộng rãi.
- Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
b. Sắt thép
- Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2025.
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước, cũng như khuyến khích các công ty ngoài quốc doanh bố trí thời gian sản xuất phù hợp để tiết kiệm chi phí sử dụng điện, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.
- Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh sắt thép.
c. Phân bón
- Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa vụ.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt.
d) Xi măng
- Các doanh nghiệp cần chú trọng công tác đầu tư công nghệ hiện đại vừa nâng cao năng suất và tiết kiệm nhiên liệu sản xuất.
- Đảm bảo việc phân phối giữa các vùng, miền thông suốt, trành tình trạng mất cân đối cục bộ gây sốt giá, đặc biệt là trong mùa xây dựng cuối năm./.

File đính kèm:
BCKTDVT8.11.pdf

Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1582
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)