Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/05/2012-15:57:00 PM
WEF Đông Á 2012: Định hướng tương lai qua kết nối

Ngày 31/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Diễn đàn kinh tế Thế Giới Đông Á năm 2012 (WEF Đông Á 2012) tại Bangkok, Thái Lan, theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Yingluck Shinawatra và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab.
Chủ đề của Hội nghị Diễn đàn kinh tế Thế giới Đông Á năm nay là "Định hướng tương lai khu vực thông qua kết nối." Dự kiến, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 3 nội dung chính: Vai trò các nền kinh tế tăng trưởng cao của ASEAN trong tái cân bằng triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực; Vai trò của các chính phủ và tổ chức trong đề xuất, triển khai các chính sách tài chính hiệu quả nhằm kiểm soát lạm pháp, chu chuyển vốn, biến động giá cả hàng hóa và tăng trưởng cân bằng; Tận dụng lợi thế dân số và công nghệ trong khu vực để phát triển các mô hình tăng trưởng thông qua đổi mới, cải thiện cơ chế huy động nhân tài, tinh thần kinh doanh và xây dựng kỹ thuật. Hội nghị WEF Đông Á 2012 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng khả quan hơn so với năm 2011.
Khu vực Đông Á vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao (8% trong năm 2011 và dự kiến 7,4 % trong năm 2012 theo dự báo của ADB). Tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế trong khu vực tiếp tục được thúc đẩy, đặc biệt là các nước ASEAN đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015, bao gồm triển khai kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN. Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF được biết đến là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết các lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới.
Hàng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu (các xu thế vận động của kinh tế thế giới, mô thức tăng trưởng, các vấn đề quản trị nền kinh tế quản trị doanh nghiệp, các vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu...) và cam kết tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng chung. Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh Hội nghị Davos, hàng năm, WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á, Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ Latinh, Hội nghị WEF về Trung Đông... Các diễn đàn khu vực này là nơi trao đổi và phân tích đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực.
Những năm gần đây, cùng với tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động các diễn đàn quốc tế, trong đó có việc tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng. Một trong những kỳ Hội nghị WEF được đánh giá cao và thành công nhất là Hội nghị WEF Đông Á 2010 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) tháng 6/2010 với chủ đề "Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển kinh tế toàn cầu". Với 20 phiên họp chính thức, Hội nghị xoay quanh bốn trục nội dung chính: Vai trò đang lên của Châu Á; Những rủi ro toàn cầu; Lộ trình tăng trưởng xanh của Châu Á; Năng lực cạnh tranh. Hội nghị WEF Đông Á 2010 đã thu hút số lượng đại biểu tham dự đông nhất từ trước tới nay với hơn 450 đại biểu gồm các chính khách cao cấp, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, học giả. Hơn 200 nhà báo trong và ngoài nước đã tham dự và đưa tin về Hội nghị.
Hội nghị cũng thu hút số lượng lãnh đạo chính phủ cấp cao đông nhất (6 lãnh đạo) gồm: Thủ tướng các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam; Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc (thông thường các Hội nghị WEF Đông Á chỉ có 1-2 lãnh đạo chính phủ tham dự); lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh; nhiều vị Bộ trưởng thuộc các tổ chức quốc tế lớn như Tổng Giám đốc WTO, Tổng thư ký UNCTAD, Tổng thư ký ASEAN, Phó Tổng thư ký OECD; các quan chức cao cấp của các tổ chức tài chính tiền tệ khu vực và quốc tế WB, IMF, ADB...
WEF Đông Á 2010 là kết quả của công tác ngoại giao kinh tế triển khai trong những năm qua. Hội nghị WEF Đông Á 2010 đã để lại dấu ấn mạnh mẽ đối với các lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị. WEF Đông Á 2010 góp phần quảng bá tốt cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các thị trường ổn định và có khả năng ứng phó tốt với các cuộc khủng hoảng.
WEF Đông Á năm 2011 được tổ chức tại Jakarta, Indonesia tháng 6/2011, với chủ đề " Thích ứng với Chủ nghĩa toàn cầu hóa kiểu mới", Hội nghị tập trung thảo luận 4 vấn đề chính: Xử lý các nguy cơ gây ngưng trệ; Đảm bảo việc làm và tăng trưởng cho mọi người; Nắm giữ vai trò lãnh đạo nhờ tính bền vững; Tìm hiểu các quy tắc mới ở châu Á.
WEF Đông Á năm 2011 là cột mốc đánh dấu 20 năm tổ chức Hội nghị WEF Đông Á đã cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của WEF Đông Á như một diễn đàn tập trung lãnh đạo các chính phủ và nhiều lĩnh vực, bàn những vấn đề cấp thiết của khu vực. Chủ đề của Hội nghị phù hợp với sự quan tâm chung của thế giới và khu vực. Hội nghị đã góp phần thúc đẩy hiểu biết về những cơ hội và thách thức đối với kinh tế Đông Á, giúp thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế.
Hội nghị WEF Đông Á năm 2011, Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã dẫn đầu tham dự các phiên họp về " Thúc đẩy Tầm nhìn mới về Nông nghiệp ở Đông Á", tập trung thảo luận về triển khai sáng kiến " Tầm nhìn mới về nông nghiệp" nhằm đảm bảo an ninh lương thực, bền vững về môi trường và có lợi về kinh tế. Với đề xuất của Việt Nam thành lập 5 nhóm công tác tại WEF Đông Á 2010, sáng kiến này đã được đẩy lên một bước phát triển mới và thực chất hơn.
Hội nghị Diễn đàn kinh tế Thế giới Đông Á năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia hội nghị. Đây cũng là dịp để các nhà lãnh đạo nhiều Bộ, công ty, doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực, thông qua chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài... đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - WEF./.
Bùi Thanh Hải
TTXVN

    Tổng số lượt xem: 1244
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)