Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/11/2014-14:31:00 PM
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện của các ngành thương mại – dịch vụ tháng 11 và 11 tháng năm 2014
Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25 tháng 11 năm 2014

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Tình hình thế giới

Trong tháng 11, tình hình an ninh chính trị thế giới vẫn còn nhiều bất ổn và chưa có dấu hiệu cải thiện. Quan hệ giữa Nga, Mỹ và liên minh Châu Âu tiếp tục căng thẳng xoay quanh vấn đề của Uckraina. Phong trào sinh viên biểu tình đòi thay đổi chế độ bầu cử tại Hồng Kong đã kéo dài vài tháng và vẫn đang ở thế bế tắc. Cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS do Mỹ phát động với sự tham gia của nhiều nước đang trên đà leo thang. Dịch bệnh Ebola tiếp tục lây lan và có thêm những ca mắc bệnh bên ngoài khu vực châu Phi. Về kinh tế, do những ảnh hưởng của tình hình an ninh chính trị, các nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng thấp, thậm chí một số nước có mức tăng trưởng âm như Nhật, Ý. Một số nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, EU và Trung Quốc thể hiện rõ sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất, thể hiện ở chỉ số PMI (chỉ số đo lường sức khỏe kinh tế của khu vực sản xuất) trong tháng 11 giảm và ở mức thấp nhất trong nhiều tháng trở lại.

2. Tình hình trong nước

Tình hình kinh tế, xã hội tháng 11 tiếp tục duy trì được sự ổn định. Điều này có được một phần do trong tháng 11 không có dịp lễ lớn gây đột biến lên cung, cầu hàng hóa, một phần do ảnh hưởng của việc giá hàng hóa thế giới giảm khiến giá hàng hóa trong nước có xu hướng giảm theo, đặc biệt là giá xăng dầu. Ngoài ra, thời tiết ôn hòa, dịch bệnh không phát triển mạnh cũng góp phần tạo sự ổn định trong sản lượng và giá cả.

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 11 NĂM 2014

1. Tình hình phát triển ngành du lịch

Trong tháng 11 dịch bệnh Ebola tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trước tình hình đó, Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các địa phương, các doanh nghiệp du lịch trong toàn quốc về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh do virut Ebola trong ngành Du lịch. Mặt khác, tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng đã gây tác động không nhỏ đến ngành du lịch.

Nhiều cuộc hội chợ triển lãm và hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch được triển khai rộng khắp ở trong nước và quốc tế như: Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Tuần Văn hoá - Du lịch biển đảo Việt Nam - Hà Nội 2014, Những ngày "Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng" với chủ đề "Đoàn kết - Hợp tác - Phát triển" tại Hà Nội, Triển lãm Cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam năm 2014 tại Cần Thơ,v.v....

Cũng trong dịp này, TripAdvisor công bố Danh mục giải thưởng “Travelers’ Choice Awards” Asia 2014 – TripAdvisor, trong đó có danh sách các điểm đến cũng như các khách sạn, nhà hàng của Việt Nam. Đây là lợi thế để Việt Nam tiếp tục quảng bá, xây dựng hình ảnh và đề xuất xây dựng các sản phẩm phẩm du lịch được thế giới công nhận.

Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 ước đạt 608,671 nghìn lượt khách, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 8,9% so với tháng 10/2014, lượng khách du lịch quốc tế trong 11 tháng khoảng 7,22 triệu lượt khách, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng chủ yếu từ một số thị trường như: Hồng Kông, Hàn Quốc, Campuchia, Lào, Anh, Đức, Italy, Nga, Tây Ban Nha.

Xét về mục đích chuyến đi du lịch, trong 11 tháng khách du lịch đi theo mục đích du lịch tăng 3,9%, theo mục đích công việc tăng 5,7%, thăm thân nhân tăng 8,6%.

Xét về phương tiện khách đến, khách đi du lịch chủ yếu đi bằng đường hàng không tăng 5,3%, đường bộ tăng 17,3%.

2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

a. Xuất khẩu

Tháng 11 năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,2 tỷ USD, giảm 6,2% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 6,6%.

11 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu ước đạt 137 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 85,4 tỷ USD, tăng 15,1% và chiếm 62,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 92,2 tỷ USD, tăng 14,1%. Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 44,8 tỷ USD, tăng 13%.

Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 11 tháng năm 2014 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt gần 8,5 triệu tấn, tăng 9,4% về lượng và tăng 3,2% về kim ngạch; than đá ước đạt 6,8 triệu tấn, giảm 40,1% về lượng và giảm 37,9% về kim ngạch; điện thoại các loại và linh kiện đạt 21,7 tỷ USD, tăng 8,3%; dệt may đạt 19,2 tỷ USD, tăng 18,2%; da giày đạt 9,2 tỷ USD, tăng 23%; gỗ và sản phẩm gỗ 5,6 tỷ USD, tăng 13%; hàng điện tử và linh kiện điện tử đạt 10,3 tỷ USD, tăng 5%; thuỷ sản 7,3 tỷ USD, tăng 20,2%; gạo 6,1 triệu tấn, giảm 1,8% về lượng và tăng 2,9% về kim ngạch; cà phê 1,6 triệu tấn, tăng 35,4% về lượng và tăng 34,3% về kim ngạch; cao su 966 ngàn tấn, tăng 1,7% về lượng và giảm 26,2% về kim ngạch...

Về thị trường xuất khẩu 11 tháng năm 2014, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 21,3% và chiếm tỷ trọng 19,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 11,4% và chiếm tỷ trọng 18,1%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 2,9% và chiếm tỷ trọng 12,65%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 9,9% và chiếm tỷ trọng 10%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 13,1% và chiếm tỷ trọng 9,9%.

b. Nhập khẩu

Tháng 11 năm 2014, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước; trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 7,9 tỷ USD, giảm 4,1%.

11 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 135 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 76,7 tỷ USD, tăng 12,5% và chiếm 56,8% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 58,3 tỷ USD, tăng 12,7%.

Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 11 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 7,8 triệu tấn, tăng 16,5% về lượng và tăng 13,9% về kim ngạch; sắt thép 10,5 triệu tấn, tăng 21,1% về lượng và tăng 13,7% về kim ngạch; phân bón 3,6 triệu tấn, giảm 14,3% về lượng và giảm 23,5% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt 20,5 tỷ USD, tăng 21,1%; máy tính và linh kiện 17 tỷ USD, tăng 3,9%; vải đạt 8,7 tỷ USD, tăng 14,6%; nguyên phụ liệu dệt may 4,3 tỷ USD, tăng 25,4%...

11 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu từ Châu Á chiếm 81% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 18,9%, tỷ trọng ước đạt 29,6%), ASEAN (tăng 7%, tỷ trọng 15,5%), Hàn Quốc (tăng 4,2%, chiếm tỷ trọng 14,7%), Nhật Bản (tăng 9,7%, chiếm tỷ trọng 8,6%) và EU (giảm 4,5%, chiếm tỷ trọng 5,9%).

c. Một số nhận xét về tình hình xuất nhập khẩu 11 tháng

11 tháng đầu năm, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng khoảng 14,8% so với cùng kỳ; nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng 14,5% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 4,2%.

Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2014 của cả nước tăng thêm khoảng 16,5 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng 11,2 tỷ USD (đóng góp khoảng 68% kim ngạch tăng thêm). Các mặt hàng có sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 99,6% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); máy vi tính linh kiện và điện tử (98,7%); giày dép (76,9%); hàng dệt may (59,4%); máy ảnh (96,6%).

Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt mức tăng trưởng khá (13%), cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,1% của 11 tháng năm 2013. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.

Nhập khẩu của cả nước tăng 15,06 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI tăng 8,5 tỷ USD. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của khối doanh nghiệp FDI là điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 85,6% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước); máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện (90,9%); vải các loại (61,2%); nguyên phụ liệu dệt may, da giầy (68,1%).

11 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất siêu khoảng 2,06 tỷ USD, bằng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 8,68 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu khoảng 15,54 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 13,48 tỷ USD.

3. Phát triển thị trường trong nước

a) Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Ước tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 đạt khoảng 265.033 tỷ đồng, tăng khoảng 2,99% so với tháng trước; tính cả 11 tháng đầu năm ước tổng mức bán lẻ đạt khoảng 2.670.555 tỷ đồng, tăng khoảng 11,09% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, doanh thu từ Thương nghiệp bán lẻ tháng 11 có mức tăng 2,59% so với tháng 10; dịch vụ Lưu trú, Ăn uống tăng 4,34%; dịch vụ Du lịch giảm 3,00%, các Dịch vụ khác tăng 4,51%.

Như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 11 có mức tăng khá cao so với tháng 10. Nhóm dịch vụ Thương nghiệp bán lẻ, Lưu trú Ăn uống có mức tăng cao do giá lương thực thực phẩm, giá các mặt hàng gia dụng nhập khẩu có xu hướng giảm. Riêng nhóm dịch vụ Du lịch giảm do ảnh hưởng của các yếu tố an ninh chính trị trên thế giới và dịch bệnh Ebola.

(Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê)

b) Chỉ số giá tiêu dùng

Ước CPI tháng 11 giảm khoảng 0,26% so với tháng 10/2014. Ước 11 tháng đầu năm 2014 CPI cả nước tăng 2,09% so với tháng 12/2013. Giá các mặt hàng trong giỏ hàng hóa tháng 11 đều có mức tăng thấp hoặc giảm so với tháng trước là nguyên nhân khiến CPI tháng 11 thấp hơn tháng 10, cụ thể: nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 0,07%, trong đó, mặt hàng lương thực tăng 0.10%, thực phẩm giảm 0.15%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,03%; nhóm hàng may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0.37%; nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,17%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,06%. Bên cạnh các mặt hàng có chỉ số tăng, một số nhóm hàng có chỉ số giảm như nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0.66%, nhóm giao thông có mức giảm 2,67% (đây là nhóm có mức giảm mạnh nhất trong 11 nhóm hàng chính với mức giảm chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu và dịch vụ giao thông công cộng).

Giá cả trong tháng 11 có xu hướng giảm do năm nay có 2 tháng 9 âm lịch nên việc chuẩn bị hàng hoá sản xuất cho Tết Nguyên Đán cũng chậm hơn mọi năm nên chưa gây sức ép tăng giá và đặc biệt là giá xăng dầu trong nước nhiều lần điều chỉnh giảm đã gián tiếp tác động đến giá cả của các mặt hàng và dịch vụ khác duy trì ổn định.

(Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê).

c) Tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu

(1) Xăng dầu

Giá xăng dầu trên thị trường thế giới thời gian qua liên tục giảm. Giá dầu Brent đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm qua khi trong 2 tuần đầu tháng 11, giá dầu giao tháng 11 trên sàn ICE Futures Europe giảm xuống 89,9 USD/thùng, thấp nhất kể từ 21/6/2012, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 12 trên sàn Nymex giảm xuống 85,77 USD/thùng, thấp nhất kể từ 10/12/2012 và sau đó tiếp tục giảm xuống 79,78 USD/thùng, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Tuy nhiên, sau đó, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 12 trên sàn Nymex New York đã tăng trở lại lên 82,7 USD/thùng.

Tại thị trường trong nước, từ đầu năm đến ngày 22/11, thị trường xăng dầu trong nước cũng đã có 22 lần điều chỉnh giá. Riêng giá xăng tăng 5 lần, giảm 10 lần, với tổng mức tăng là 1.430 đồng và mức giảm là 5.390 đồng (hiện xăng RON 95 có giá 20.850 đồng/lít và xăng RON 92 là 20.250 đồng/lít).

Lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 11 ước đạt 450 nghìn tấn, tương đương 363 triệu USD, giảm 28,2% so với tháng trước; lũy kế 11 tháng đầu năm 2014 đạt 7.780 nghìn tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Lượng dầu thô xuất khẩu tháng 11 ước đạt 850 nghìn tấn, tương đương 540 triệu USD, tăng 10,4% so với tháng trước. Lũy kế 11 tháng đầu năm đã xuất 8.457 nghìn tấn, tăng 9,4% so với sản lượng cùng kỳ năm 2013.

(2) Sắt thép

Bước vào thời điểm thuận lợi cho xây dựng, lượng sản xuất và tiêu thụ thép tăng. Tuy nhiên, do giá nguyên nhiên vật liệu đang giảm nên giá các sản phẩm thép vẫn giữ ổn định.

Giá bán lẻ thép xây dựng 15 ngày đầu tháng 11/2014 cơ bản ổn định so với 15 ngày đầu tháng 10/2014, cụ thể: tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động từ 15.500-16.000 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam từ 15.400-15.900 đồng/kg.

(3) Xi măng

Bước vào mùa xây dựng nên sản lượng và tiêu thụ xi măng tăng. Giá xi măng do đó cũng có mức tăng nhẹ. Giá bán lẻ xi măng trên thị trường: tại miền Bắc và miền Trung hiện phổ biến từ 1.050.000-1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000-1.850.000 đồng/tấn.

(4) Phân bón

Thị trường phân bón trong nước thời gian nửa cuối tháng 10, đầu tháng 11 có một số chuyển biến đáng chú ý tuy nhiên về tổng thể lượng hàng tiêu thụ chưa cao. Giá các loại phân bón nhìn chung vẫn ở mức ổn định, giá Kali tăng nhẹ do giá thế giới liên tục tăng trong thời gian gần đây nhưng do nhu cầu tiêu thụ thấp nên giá kali trong nước vẫn chưa thật sự sôi động. Giá phân urê tại miền Bắc, phổ biến khoảng 8.400-8.450 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; tại miền Nam, phổ biến khoảng 8.000-8.430 đồng/kg, tăng 30 đồng/kg.

(5) Lương thực, thực phẩm

Thị trường trong nước: giá lúa gạo tại miền Bắc ổn định so với tháng trước, phổ biến ở mức 6.000-6.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường phổ biến ở mức 8.000-13.000 đồng/kg; tại miền Nam, giá lúa, gạo thành phẩm xuất khẩu giảm so với tháng 10/2014 là do nguồn cung khá lớn trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo thấp đã tác động làm giảm giá gạo trên thế giới và giá thóc, gạo trong nước, cụ thể: giá lúa dao động ở mức 5.300-5.900 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu (5% tấm) ở mức 8.850-9.000 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; loại 25% tấm ở mức 7.950-8.050 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg.

Giá thực phẩm tươi sống như: thịt lợn hơi, thịt lợn mông sấn, thịt bò thăn và thịt gà ta, gà công nghiệp làm sẵn ổn định là do nguồn cung ổn định, nhu cầu thị trường không có nhiều biến động. Cụ thể: Thịt lợn hơi: miền Bắc giá phổ biến khoảng 46.000-48.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 47.000-54.000 đồng/kg. Thịt bò thăn: miền Bắc giá phổ biến khoảng 250.000-260.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 250.000-265.000 đồng/kg. Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch miền Bắc giá phổ biến khoảng 115.000-120.000 đồng/kg, miền Nam giá phổ biến khoảng 110.000-115.000 đồng/kg; gà công nghiệp làm sẵn ở mức 55.000-60.000 đồng/kg.

III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2014

1. Về phát triển ngành du lịch

Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền trong nước, chống tư tưởng bài trừ khách du lịch, đặc biệt khách du lịch đến từ thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông v..v.

Tăng cường mạnh mẽ hoạt động tuyên truyền thông tại các thị trường quốc tế qua các kênh ngoại giao, đại sứ quán, công ty lữ hành, các tổ chức du lịch nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ, giải thích về công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, giữ hình ảnh du lịch của Việt Nam.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương, các Hiệp hội trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng giao thông vận tải, môi trường, văn hóa... đảm bảo an ninh, an toàn trên các tuyến đường vận chuyển khách du lịch.

Đề xuất kéo dài thời hạn visa du lịch tại Việt Nam đối với một số thị trường trọng điểm của Việt Nam như: Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản v..v.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp giấp phép hướng dẫn viên du lịch đối với một số số thị trường khách du lịch không nói tiếng Anh như: Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản v..v.

2. Một số giải pháp điều hành xuất nhập khẩu năm 2014

- Đối với mặt hàng nông sản, bên cạnh việc nâng cao khả năng dự trữ tạo điều kiện cho việc ứng phó và điều tiết trước những biến động về giá trên thị trường thế giới, cần chú trọng hơn nữa về chất lượng sản phẩm để tăng giá trị các nhóm hàng sản xuất truyền thống không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng cũng như nâng cao được khả năng cạnh tranh.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại với các hoạt động chủ yếu là: tổ chức các gian hội chợ, triển lãm chuyên ngành, hoạt động giao thương xúc tiến các ngành hàng xuất khẩu có tiềm năng như thực phẩm chế biến, thủy sản, nông sản nhằm củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống, tiềm năng như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... và khai thác thị trường xuất khẩu mới ở Tây Á; hỗ trợ công tác thông tin, dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.

- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh, ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm thủy sản.

- Ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch. Có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.

- Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.

- Các giải pháp về thuế: Trong ngắn hạn, đối với nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu, cần nghiên cứu bổ sung thêm số lượng mặt hàng cần tăng thuế suất; Xem xét phương án bổ sung số lượng mặt hàng có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan để kiểm soát chặt chẽ hơn số lượng nhập khẩu.

- Đối với kinh tế biên mậu: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, một mặt kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.

3. Về phát triển thị trường trong nước

a) Giải pháp chung

(1) Các giải pháp phát triển thị trường và bảo đảm cung - cầu hàng hóa

Nắm bắt kịp thời các diễn biến của thị trường, dự báo đúng và sớm các tình huống có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.

Tăng cường các biện pháp kiểm tra, quản lý thị trường bảo đảm cân đối cung cầu, chống đầu cơ, buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, sắt thép v..v.

Tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường.

(2) Các giải pháp nhằm bình ổn, tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2014.

Tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục mở rộng các chương trình khuyến mại, giảm giá đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua nhằm kích thích tiêu dùng, tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong nước.

Quản lý chặt chẽ việc cung cấp thông tin, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp tung tin thất thiệt, gây hoang mang trong tâm lý nhân dân, tạo biến động giá xấu, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá (đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá) gắn với kiểm tra, thanh tra, chấp hành chấp hành về thuế, phí, lệ phí; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đặc biệt là việc điều chỉnh giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu.

Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, về mở rộng thị trường, về thủ tục hành chính... để giúp các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, chuẩn bị đủ chân hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong các dịp lễ.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.

b) Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu

(1) Xăng dầu

Theo dõi sát sao thị trường dầu thế giới để kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước hợp lý, vừa đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp phân phối.

Bảo đảm nguồn dầu nguyên liệu, đáp ứng tối đa yêu cầu về công suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu làm cơ sở cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu áp dụng trong từng thời điểm, đảm bảo tính ổn định, công khai, minh bạch.

(2) Sắt thép

Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước, khuyến khích các công ty ngoài quốc doanh bố trí thời gian sản xuất phù hợp để tiết kiệm chi phí sử dụng điện, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.

Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép. Xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép rẻ kém chất lượng thâm nhập thị trường trong nước.

(3) Phân bón

Theo dõi chặt chẽ giá phân bón thế giới để có biện pháp điều tiết nhập khẩu và sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón gây sốt giá cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt. Kiểm soát chặt các cửa khẩu, đặc biệt là tại phía Bắc nhằm giảm buôn lậu phân bón qua đường tiểu ngạch.

(4) Xi măng

Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến.

(5) Lương thực, thực phẩm

Tăng cường công tác quản lý, điều hành, giám sát nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống cung ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân./.


Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2727
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)