Căn cứ trên cơ sở 6 ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước, Bộ TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm 503 TTHC, cụ thể:
+ 257 thủ tục trong lĩnh vực Thành lập và hoạt động của doanh nghiệp;
+ 52 thủ tục trong lĩnh vực Thành lập và hoạt động của hợp tác xã;
+ 78 thủ tục trong lĩnh vực Đầu tư tại Việt Nam;
+ 10 thủ tục trong lĩnh vực Đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài:
+ 92 thủ tục trong lĩnh vực Đầu thầu:
+ 14 thủ tục trong lĩnh vực Đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Với kết quả này, có thể khẳng định rằng, các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được liệt kê một cách đầy đủ, chi tiết và đã được công bố công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Để thực thi các phương án đơn giản hóa quy định tại 25 Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đơn giản hóa 73/88 TTHC thuộc lĩnh vực đầu tư.
1/ Để đơn giản hóa các TTHC thuộc lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có kế hoạch đã khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ ban hành gồm: Nghị định số 24/2011/NĐ-CP ngày 05/4/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đang được hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, ban hành. Theo đó, các TTHC trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam đã được sửa đổi cơ bản theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể về thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ cấp, cấp điều chỉnh, các thủ tục khác quản lý đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh 04 mã hồ sơ TTHC (08 TTHC thực hiện ở các cấp) được giữ nguyên, dự thảo Nghị định quy định bổ sung thêm 03 mã hồ sơ TTHC mới (06 TTHC thực hiện tại 02 cấp UBND và cấp Ban Quản lý dự án), gồm các mã hồ sơ thủ tục: Chuyển đổi doanh nghiệp nước ngoài thành doanh nghiệp trong nước; Chuyển trụ sở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang tỉnh, thành phố khác và Thành lập văn phòng điều hành Hợp đồng hợp tác kinh doanh của Bên nước ngoài.
Số thủ tục sửa đổi, bổ sung so với quy định hiện hành là mã hồ sơ 20 TTHC (gồm 56 TTHC thực hiện ở tại 2 cấp, có những thủ tục thực hiện tại cả 3 cấp). Đó là việc quy định cụ thể, rõ ràng về đầu mục hồ sơ, thủ tục giải quyết, thẩm quyền giải quyết; điều chỉnh thời hạn giải quyết cho phù hợp với thời hạn xử lý hồ sơ trên thực tế; quy định cụ thể yêu cầu đối với việc thẩm tra lĩnh vực đầu tư có điều kiện; giúp nhà đầu tư dễ thực hiện thủ tục hơn (TTHC thành lập doanh nghiệp gắn với cấp giấy chứng nhận đầu tư); giúp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động đầu tư đối với những trường hợp thua lỗ nhiều năm việc điều chỉnh dự án (TTHC thông báo điều chỉnh dự án đầu tư); giúp hợp lý hóa hồ sơ, chỉ yêu cầu những tài liệu cần thiết và quy định cụ thể thủ tục điều chỉnh địa điểm; giúp cơ quan quản lý đầu tư có thể cập nhật được tình hình mới nhất về hoạt động đầu tư, phụ vụ việc hoạch định các chính sách vĩ mô trong quản lý đầu tư (TTHC báo cáo hoạt động của dự án đầu tư).
Sau khi đơn giản hóa các TTHC được quy định tại Nghị định 108, chi phí tuân thủ TTHC dự kiến giảm được gần 25% so với hiện nay.
2/ Để đơn giản hóa các TTHC thuộc lĩnh vực đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và đăng ký lại doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có kế hoạch đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Dự thảo Nghị định này sửa đổi cơ bản các TTHC trong lĩnh vực đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể về thủ tục cấp phép, hồ sơ xin cấp, cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và một số thủ tục khác quản lý đầu tư ra nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư ra nước ngoài, đồng thời bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước. Các nội dung sửa đổi bao gồm: quy định cụ thể thành phần hồ sơ phải nộp, nội dung hoặc biểu mẫu cụ thể của từng thành phần hồ sơ phải nộp. Đồng thời, Nghị định cũng cụ thể hóa quy trình xin chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài cũng như quy định cụ thể về thời gian xử lý hồ sơ ở cấp Thủ tướng Chính phủ. Những nội dung sửa đổi, bổ sung đã đáp ứng được hầu hết các yêu cầu về đơn giản hóa TTHC tại các Nghị quyết số 25/NQ-CP và Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ.
Dự thảo Nghị định bãi bỏ 04 TTHC gồm: Chấp thuận dự án đầu tư ra nước ngoài, Chấp thuận điều chỉnh dự án đầu tư ra nước ngoài, Thông báo thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài, Báo cáo tình hình hoạt động củ dự án đầu tư tại nước ngoài; có 06 TTHC được sửa đổi, bổ sung và 01 TTHC.
Sau khi Chính phủ sửa đổi bổ sung nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1775/2007/QĐ-BKH ngày 10/10/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành mẫu các văn bản thực hiện thủ tục đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 7412/BKHĐT-ĐTNN ngày 31/10/2011 xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn ban hành Nghị định này sau khi các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế và Luật Chứng khoán được sửa đổi. Theo quy định đến ngày 01/7/2011 thời hạn 5 năm cho việc đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hết. Việc kéo dài thời hạn đăng ký lại không thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên không thể sửa đổi tại Nghị định số 101/2006/NĐ-CP. Mặt khác, việc triển khai thực hiện đăng ký lại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua không nảy sinh nhiều vướng mắc về quy trình và thủ tục mà chủ yếu vướng mắc về nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Chứng khoán. /.