Báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 08 tháng 4 năm 2015.
I. Bối cảnh chung
Trong năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều có cải thiện. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo chuyển biến tích cực. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, giá cả, thị trường khá ổn định, cung - cầu hàng hóa được đảm bảo; thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán.Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn chưa thực sự ổn định. Đặc biệt, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép vào trong thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông và một số hành động gây rối, vi phạm pháp luật, manh động, phá hoại cơ sở sản xuất, trong đó có cơ sở sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư của nước ta.
Trong bối cảnh chung của nền kinh tế đất nước, hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN, KKT cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo về phát triển KKT, KCN với vai trò thường trực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt là sự chỉ đạo toàn diện và quyết liệt của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp sau sự kiện 14/5; tình hình xây dựng, phát triển các KCN, KKT và hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trong KCN, KKT trong năm 2014 đạt được một số kết quả khá tích cực, đặc biệt trong thu hút đầu tư và đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu.
Công tác quản lý và hoạt động của các KCN, KKT năm 2014 được thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP và tiếp tục theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 12/3/2012, trong đó tuân thủ chặt chẽ các điều kiện mở rộng, thành lập mới KCN, KKT, thường xuyên rà soát quy hoạch và thắt chặt việc thành lập mới và bổ sung quy hoạch KCN, KKT.
II. Tóm tắt kết quả phát triển KCN, KKT năm 2014
1. Tình hình thành lập KCN, KKT
1.1. Đối với KCN
Trong năm 2014, đã có 5 KCN mới được thành lập với quy mô 655 ha, mở rộng 7 KCN với quy mô 1.007 ha, thu hồi Giấy CNĐT của 02 KCN với quy mô 359 ha, và chuyển đổi 01 KCN với quy mô 92 ha sang mô hình CCN. Tổng diện tích đất KCN tăng thêm trong năm 2014 là 1.211 ha. Tính hết năm 2014, cả nước đã có 295 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 84 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 56 nghìn ha, chiếm khoảng 66% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 212 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 60 nghìn ha và 83 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 24 nghìn ha.
Trong năm 2014, các KCN đã cho các nhà đầu tư thuê mới 2 nghìn ha, nâng tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt 26 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 48%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 65%, tăng 2% so với năm 2014.
1.2. Đối với KKT
Trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định điều chỉnh ranh giới KKT Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An thêm 1.200 ha để bao gồm toàn bộ diện tích KCN Hoàng Mai và KCN Đông Hồi. Tính đến hết năm 2014, số lượng các KKT đã thành lập trên cả nước được giữ ổn định là 15 KKT, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 700 nghìn ha.
2. Tình hình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT
- Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KCN:
Đến cuối năm 2014, trong số 295 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN trên cả nước, có 212 dự án đã hoàn thành xây dựng cơ bản và đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang trong giai đoạn triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Các KCN đang xây dựng cơ bản chủ yếu là các KCN được thành lập từ năm 2009 trở lại đây.
Tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN tăng thêm trong năm 2014 là 6.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm trong năm 2014 là 4.300 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối năm 2014, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3.525 triệu USD và 184.370 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án đạt 2.022 triệu USD và 79.217 tỷ đồng, tương ứng 57% và 43% tổng vốn đầu tư đã đăng ký.
- Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KKT:
Đến hết năm 2014, trong các KKT cả nước có 175 dự án đầu tư hạ tầng đang được triển khai với tổng vốn đầu tư là 158 nghìn tỷ đồng, trong đó có 164 dự án đầu tư trong nước với quy mô 136 nghìn tỷ đồng và 11 dự án đầu tư nước ngoài với quy mô 22 nghìn tỷ đồng.
3. Tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, KKT
Trong năm 2014, các KCN, KKT của cả nước đã thu hút được 752 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 10,7 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn cho 515 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 4 tỷ USD; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 88 dự án với tổng vốn thu hồi 1 tỷ USD. Tính chung trong năm 2014, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT tăng thêm 13,7 tỷ USD, chiếm 47% tổng số lượt dự án và chiếm 72% tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm trong năm 2014 của cả nước[1]. Tính riêng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tổng vốn FDI vào các KCN, KKT chiếm hơn 90% tổng vốn FDI cả nước. Trong năm 2014, các dự án đầu tư trong KCN, KKT đã giải ngân hơn 13,5 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013.
Tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, KKT trong cả nước năm 2014 cụ thể như sau:
3.1. Tình hình thu hút đầu tư vào các KCN
a. Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN
Trong năm 2014, các KCN của cả nước đã thu hút được 697 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 9.600 triệu USD, tăng 40% về số lượng dự án, và tăng 12% về tổng vốn đầu tư so với năm 2013. Điều chỉnh tăng vốn cho 499 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là hơn 3.675 triệu USD. Thu hồi giấy CNĐT của 83 dự án với tổng vốn đầu tư là 1.053 triệu USD. Tính chung, tổng số vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm trong năm 2014 đạt 12.222 triệu USD (tăng 13% so với năm 2013). So sánh với tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2014 của cả nước, tổng vốn đầu tư tăng thêm (cấp mới và tăng vốn) trong năm 2014 của các KCN chiếm 60% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước.
Lũy kế đến hết tháng 12/2014, các KCN trên cả nước đã thu hút được 5.593 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đã đăng ký là 85.993 triệu USD, vốn đầu tư đã thực hiện đạt 48.647 triệu USD, bằng 57% vốn đầu tư đã đăng ký.
- Xét theo địa phương: Trong năm 2014, 3 vị trí dẫn đầu về thu hút vốn ĐTNN vào các KCN cả nước vẫn giữ nguyên so với năm 2013, cụ thể: Thái Nguyên là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 3.257 triệu USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1.580 triệu USD, chiếm 13%. Đồng Nai đứng thứ 3, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt hơn 1.487 triệu USD, bằng 12% cả nước.
Tính chung 5 địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư vào các KCN, tổng vốn đầu tư đã thu hút trong năm 2014 là 8.528 triệu USD, bằng 70% tổng vốn đầu tư đăng ký mới của cả nước năm 2014.
Biểu 1: Các địa phương dẫn đầu về thu hút ĐTNN vào các KCN
STT
|
Địa phương
|
Đầu tư nước ngoài trong KCN
|
Cấp mới
|
Tăng vốn
|
Thu hồi
|
|
Số DA
|
Vốn ĐK (tr. USD)
|
Số DA
|
Vốn ĐK (tr. USD)
|
Số DA
|
Vốn ĐK (tr. USD)
|
Tổng vốn tăng thêm (tr. USD)
|
1
|
Thái Nguyên
|
19
|
3.155
|
9
|
104
|
1
|
2
|
3.257
|
2
|
Bắc Ninh
|
98
|
1.313
|
66
|
274
|
7
|
8
|
1.580
|
3
|
Đồng Nai
|
72
|
601
|
84
|
991
|
11
|
10
|
1.487
|
4
|
Bình Dương
|
108
|
697
|
102
|
773
|
11
|
86
|
1.383
|
5
|
Tây Ninh
|
21
|
361
|
16
|
462
|
2
|
2
|
821
|
|
Tổng cộng
|
318
|
6.127
|
277
|
2.604
|
32
|
108
|
8.528
|
- Xét theo Vùng thì Vùng Đồng bằng sông Hồng là vùng thu hút được nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt trên 4.141 triệu USD, chiếm 34% tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước. Vùng Đông Nam Bộ đứng vị trí thứ hai, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trong năm 2014 đạt 3.801 triệu USD, chiếm 31%. Vùng Trung du miền núi phía Bắc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư năm 2014 là 3.418 triệu USD.
b. Tình hình thu hút đầu tư trong nước vào các KCN
Về tình hình thu hút đầu tư trong nước, trong năm 2014, các KCN đã thu hút được 431 dự án với tổng vốn đăng ký 48.631 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 180 dự án với tổng vốn tăng thêm 17.016 tỷ đồng, thu hồi 129 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư là 11.222 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư trong nước thu hút được trong năm 2014 đạt 54.425 tỷ đồng, tăng 20% so với tổng vốn đầu tư thu hút được trong năm 2013.
Tính lũy kế đến hết tháng 12/2014, các KCN cả nước đã thu hút được hơn 5.464 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 542 nghìn tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 265,4 nghìn tỷ đồng, bằng 50% vốn đăng ký.
Tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước vào KCN đạt gần 112 tỷ USD, tỷ suất vốn đầu tư bình quân là 4,3 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê, cao hơn tỷ lệ tương tự vào năm 2001 là 1,2 triệu USD/ha, năm 2005 là 2 triệu USD/ha, năm 2010 là 3,2 triệu USD/ha, năm 2013 là 4,2 triệu USD/năm.
Tính đến hết năm 2014, các KCN trên cả nước đã cho thuê được 26.036 ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 48%. Riêng các KCN đã đi vào hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 66%.
Biểu 2: Một số chỉ số phát triển của các KCN
STT
|
Vùng
|
Số lượng KCN
|
Diện tích (ha)
|
Tỷ suất ĐT hạ tầng/ha đất TN (tr.USD)
|
Tỷ suất ĐT 1 dự án /ha đất CN đã cho thuê
|
Tổng số lao động/ha đất CN đã cho thuê
|
Số lượng
|
Tỷ trọng vùng/cả nước (%)
|
Diện tích (ha)
|
Tỷ trọng vùng/cả nước (%)
|
Dự án FDI (tr.USD)
|
Dự án DDI (tỷ đồng)
|
1
|
TDMN phía Bắc
|
24
|
8
|
6.141
|
7
|
0,12
|
5,04
|
24,09
|
66
|
2
|
Đồng bằng sông Hồng
|
75
|
25
|
17.137
|
20
|
0.2
|
4
|
21,3
|
116
|
3
|
Duyên hải miền Trung
|
40
|
14
|
10.883
|
13
|
0,15
|
1.4
|
23.42
|
64
|
4
|
Tây Nguyên
|
7
|
2
|
1.065
|
1
|
0,08
|
0,32
|
20,3
|
14
|
5
|
Đông Nam Bộ
|
98
|
33
|
35.673
|
43
|
0,12
|
3,84
|
16,91
|
98
|
6
|
Tây Nam Bộ
|
51
|
17
|
13.035
|
16
|
0,20
|
1,28
|
29,92
|
74,7
|
|
Bình quân cả nước
|
295
|
100
|
83.873
|
100
|
0,15
|
3,3
|
20.8
|
92
|
3.2. Tình hình thu hút đầu tư vào các KKT
Trong năm 2014, cấp mới cho 55 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1.051 triệu USD, tăng vốn cho 16 dự án với tổng vốn tăng thêm là 300 triệu USD và thu hồi 5 dự án với tổng vốn giảm tương ứng là 34 triệu USD. Tổng vốn FDI trong các KKT tăng lên trong năm 2014 là 1.316 triệu USD.
Đối với vốn đầu tư trong nước, trong năm 2014, đã cấp mới cho 158 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 127.720 tỷ đồng; tăng vốn cho 16 dự án với vốn tăng thêm là 2.574 tỷ đồng; thu hồi 32 dự án với số vốn giảm tương ứng là 16.848 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư năm 2014 đã tăng 113.386 tỷ đồng so với năm 2012.
Luỹ kế đến nay, các KKT ven biển đã thu hút được 247 dự án đầu tư nước ngoài và 777 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36.980 triệu USD và 541.816 tỷ đồng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Vốn giải ngân đạt tương ứng là 36% và 30% tổng vốn đã đăng ký đối với FDI và DDI.
4. Tình hình sản xuất kinh doanh trong các KCN, KKT
Trong năm 2014, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của các KCN, KKT đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2013:
- Tổng doanh thu đạt hơn 118 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2013.
- Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt trên 73,4 tỷ USD, đóng góp 49% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng 43% so với năm 2013).
- Kim ngạch nhập khẩu đạt 67,6 tỷ USD, đóng góp 46% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước (tăng 43% so với năm 2013)[2].
Tính chung trong năm 2014, cán cân thương mại hàng hoá của các doanh nghiệp trong KCN, KKT thặng dư 5,8 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2013.
- Đóng góp vào NSNN: hơn 95,5 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2013.
- Trong năm 2014, các KCN, KKT đã tạo thêm 300 ngàn việc làm mới. Tổng số lao động trong KCN, KKT lũy kế đến hết năm 2014 là hơn 2,4 triệu lao động.
Biểu 3: So sánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các KCN, KKT năm 2013 và 2014
Biểu 4: Cơ cấu lao động trong KCN, KKT
5. Về công tác bảo vệ môi trường trong KCN, KKT
Trong năm 2014, đã khởi công mới 14 nhà máy xử lý nước thải tập trung, hoàn thành và đưa vào hoạt động 32 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý nước thải tăng thêm so với năm 2013 là 182.747 m3/ngày. đêm. Luỹ kế đến hết năm 2014, trên cả nước đã có 177 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động với tổng công suất 727.567 m3/ngày đêm, 34 nhà máy xử lý nước thải tập trung đang trong quá trình xây dựng với công suất 115.500 m3/ngày đêm. Số lượng các KCN có nhà máy XNLT đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường bằng 60% tổng số KCN đã thành lập và bằng 84% số KCN đang vận hành trên cả nước, cao hơn chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 là 4%.
III. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015
1. Mục tiêu phát triển năm 2015
1.1. Quy hoạch, thành lập KCN, KKT
Dự kiến trong năm 2015, tổng diện tích tăng thêm của các KCN khoảng 1.000 - 1.500ha, nâng tổng diện tích KCN đến cuối năm 2015 khoảng 85.500 -86.000 ha.
1.2. Thu hút đầu tư vào KCN, KKT
Dự kiến các KCN sẽ thu hút được thêm khoảng 9.000 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài và 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước vào KCN đến cuối năm 2015 lên khoảng 95.000 triệu USD và 592.000 tỷ đồng.
Dự báo trong năm 2015, các KKT thu hút được khoảng 2.000 triệu USD vốn FDI và 35.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước vào các KKT đến cuối năm 2015 lên khoảng 39.000 triệu USD và 575.000 tỷ đồng.
Tiếp tục duy trì vốn đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT chiếm khoảng 70% vốn FDI của cả nước
1.3. Sản xuất kinh doanh
Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của KCN, KKT dự kiến sẽ tăng nhẹ so với năm 2014. Dự kiến doanh thu của các doanh nghiệp KCN (kể cả trong và ngoài nước) trong năm 2015 ước đạt 120.000 triệu USD; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 80.000 triệu USD, giá trị nhập khẩu đạt 75.000 triệu USD; nộp ngân sách khoảng 95.000 tỷ đồng. Đóng góp của KCN vào kim ngạch xuất khẩu toàn quốc năm 2015 ước đạt khoảng 45%.
1.4. Thu hút lao động
Dự kiến các KCN, KKT thu hút khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp vào cuối năm 2015.
1.5. Mục tiêu môi trường
Đến cuối năm 2015, dự kiến 82% các KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
2. Giải pháp thực hiện
2.1. Giải pháp chung
- Nâng cao nhận thức của các cơ quan Nhà nước các cấp về vai trò, vị trí của các KCN, KKT trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thống nhất chủ trương tăng cường phân cấp, giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý Nhà nước KCN, KKT trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban quản lý KCN, KKT trở thành một cơ quan đầu mối quản lý nhà nước KCN, KKT ở địa phương theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
- Phát triển KCN với số lượng và quy mô phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất KCN, kiên quyết không phát triển KCN trên đất lúa có năng suất ổn định.
Tiếp tục rà soát Quy hoạch KCN cho phù hợp với tình hình thực tế; đảm bảo diện tích KCN phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ; không bỏ trống đất đai, gây lãng phí; không phát triển KCN khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy KCN theo quy định. Việc thành lập, mở rộng KCN phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các điều kiện quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP.
- Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 không phát triển thêm KKT và hạn chế bổ sung mới các KCN vào Quy hoạch phát triển các KCN của cả nước để tập trung nguồn lực để nâng cao hiệu quả đầu tư các KCN, KKT đã thành lập.
- Các Bộ, ngành tổ chức xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các văn bản pháp luật chuyên ngành phải trên cơ sở thống nhất với Nghị định số 164/2013/NĐ-CP tránh tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong quản lý Nhà nước KCN, KKT trên các lĩnh vực; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về môi trường, lao động trong KCN.
- Tiếp tục tập trung đầu tư các KKT có tiềm năng, thuận lợi nhất; huy động tổng hợp các nguồn vốn (ODA, FDI, Ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ) và nhiều hình thức đầu tư như (đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, PPP…) để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong các KKT để tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các KKT.
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực đã thu hút được và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các KKT để tạo tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp nòng cốt trong các KKT và thu hút các nhà đầu tư khác.
- Xây dựng chiến lược, kế hoạch vận động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; trong đó xác định cơ cấu đầu tư, dự án động lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
2.2. Giải pháp cụ thể
a) Quy hoạch KCN, KKT
- Kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển KCN tại một số địa phương sau khi đã được rà soát theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012.
- Tập trung rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển các KCN đối với các địa phương lập Đề án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển các KCN riêng.
b) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT và các công trình hạ tầng xã hội phục vụ công nhân KCN, KKT
- Xây dựng kế hoạch hỗ trợ vốn ngân sách trung ương trung hạn 2016-2020 và tiếp tục hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương nhằm đầu tư xây dựng hoàn thiện một số hạng mục hạ tầng thiết yếu của KCN, KKT, đặc biệt là các công trình xử lý nước thải của KCN và các công trình phúc lợi, xã hội khác tại KKT.
- Đánh giá tình hình tập trung hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương cho nhóm 05 KKT ven biển trong giai đoạn 2013-2015 để đưa ra các giải pháp phù hợp trong kế hoạch trung hạn 2016-2020.
- Nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo đề xuất chủ trương chương trình hỗ trợ mục tiêu KKT, KCN, CCN, KCNC, KNNCNC giai đoạn 2016-2020.
- Đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 74/2013/NĐ-CP ngày 05/12/2013 ban hành Quy chế thí điểm chuyển đổi Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân của các KCN theo quy định tại Nghị định số 164/2013/NĐ-CP tại một số địa phương tập trung nhiều KCN.
- Triển khai tích cực kết quả của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 5 về xây dựng môi trường sống cho người lao động trong KCN tại tỉnh Hưng Yên và Đồng Nai, làm cơ sở nhân rộng ra các địa phương khác.
c) Nâng cao hiệu quả đầu tư và thu hút đầu tư
- Tập trung xử lý dứt điểm các dự án đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, dự án vi phạm pháp luật; kiên quyết thu hồi các dự án không tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai, các dự án chậm triển khai theo tiến độ để đảm bảo hiệu quả đầu tư và thu hồi đất cho các dự án khác.
- Hỗ trợ triển khai các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng KCN, KKT để giao đất sạch cho chủ đầu tư.
- Tổ chức hướng dẫn Ban quản lý KCN, KKT thực hiện Luật Đầu tư mới sửa đổi, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 108/2006/NĐ-CP nhằm nâng cao chất lượng công tác thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo đúng quy trình; đẩy mạnh công tác thanh tra và kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan tại các doanh nghiệp trong KCN, KKT.
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách khuyến khích việc hình thành các loại hình KCN liên kết ngành và các KCN chuyên sâu của các đối tác đầu tư quan trọng đối với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc tại một số địa phương có điều kiện thuận lợi và khuyến khích thu hút các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, lĩnh vực có mối liên kết ngành vào các KCN, KKT.
- Tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư theo chủ đề (một số lĩnh vực và đối tác trọng tâm, xúc tiến đầu tư công nghiệp hỗ trợ, tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư riêng cho KCN, KKT, giới thiệu các hình thức hợp tác đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng KKT như BT, BOT, PPP...) với trọng tâm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc.
d) Vấn đề môi trường
- Nghiên cứu và xây dựng các giải pháp huy động vốn đầu tư và hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung trong KCN, KKT.
- Triển khai thực hiện Dự án quản lý ô nhiễm công nghiệp tại lưu vực sông Đồng Nai-Nhuệ Đáy vay vốn WB.
- Triển khai thực hiện Dự án triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam.
đ) Chính sách phát triển KCN, KKT
- Đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 164/2013/NĐ-CP để tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với thực tế áp dụng.
- Tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị về mô hình đặc khu kinh tế; xây dựng, trình Quốc hội Luật đặc khu kinh tế.
- Về ưu đãi thuế nhập khẩu đối với KKT: tiếp tục đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định ưu đãi về thuế nhập khẩu theo hướng các KKT và KCN thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu theo quy định áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như trước ngày 01/10/2010.
- Về việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư: xóa bỏ hạn chế về việc thắt chặt tín dụng đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng KCN vay vốn xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy định tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ.
- Về việc cho thuê lại đất, đơn giá cho thuê đất: nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN trong thực hiện quy định pháp luật đất đai về cho thuê lại đất, đơn giá cho thuê đất
- Về tổ chức bộ máy:
+ Ban hành Thông tư liên tịch Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý KCN, KKT.
+ Hoàn thành Đề án kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước KCN, KKT từ Trung ương tới địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Tình hình thực hiện Quý I/2015
Trong 3 tháng đầu năm 2015, đã cấp Giấy CNĐT cho hơn 50 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 800 triệu USD và 900 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 3.500 tỷ đồng. Các dự án đầu tư được cấp mới trong quý I/2015 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp. Các địa phương đạt kết quả khả quan trong thu hút đầu tư là Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng.
Lũy kế đến cuối quý I/2015, các KCN, KKT trong cả nước đã thu hút được 5.880 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 123 tỷ USD và 6.240 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 1.085 nghìn tỷ đồng.
III. Tình hình triển khai kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc NSNN năm 2015
1. Tình hình bố trí NSNN kế hoạch 2015
- Việc bố trí vốn kế hoạch 2015 đã dựa trên kết quả rà soát các công trình, dự án trong KKT, KCN, CCN tuân thủ hết sức nghiêm túc Chỉ thị 1792/CT-TTg; Chỉ thị 27/CT-TTg; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 25/6/2013; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 14/6/2014; căn cứ vào các mục tiêu và định hướng phát triển chung của giai đoạn 2011-2015, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc NSNN và nguồn vốn trung hạn đã thông báo cho các địa phương giai đoạn 2014-2015; và các hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với thứ tự tập trung ưu tiên cho các dự án hoàn thành nhưng chưa được bố trí vốn thanh toán, các dự án hoàn thành trong năm kế hoạch, sau đó đến các dự án chuyển tiếp.
- Việc giao kế hoạch đã đảm bảo tập trung, tránh được tình trạng dàn trải, không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với các dự án khởi công mới, loại bỏ các dự án không đáp ứng điều kiện, chưa cần thiết.
- Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vốn NSTW được bố trí tập trung cho 5 nhóm KKT Chu Lai, Dung Quất, Đình Vũ – Cát Hải, Nghi Sơn, Vũng Áng, Phú Quốc được lựa chọn ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2013-2015 với tổng số vốn bố trí được bố trí 2.210 tỷ đồng, bằng 65% tổng vốn NSTW hỗ trợ cho hạ tầng KKT ven biển trong KH2015 (cao hơn KH2014 là 56 tỷ đồng). Đối với các KCN, CCN cũng được bố trí ưu tiên hoàn thành mức vốn tối đa, theo đó có 23 KCN, CCN được bố trí hoàn thành mức tối đa theo quy định (cao hơn KH2014 là 5 KCN).
2. Tình hình thực hiện
2.1. Thuận lợi
- Việc triển khai tình hình kế hoạch năm 2015 có nhiều thuận lợi, trong đó việc phân khai vốn ngay từ đầu năm đã tạo sự chủ động cho các cơ quan quản lý và các chủ đầu tư tổ chức thực hiện. Dự kiến đến hết 31/01/2016, các địa phương sẽ hoàn thành khối lượng giải ngân đúng với tổng vốn NSTW bố trí.
- Do các công trình, dự án bố trí vốn được thống nhất giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và địa phương ngay từ đầu và giao từng danh mục với số vốn cụ thể nên nhìn chung các địa phương thực hiện rất nghiêm túc kế hoạch được giao. Các dự án được bố trí vốn đã rà soát chặt chẽ trong quá trình xây dựng kế hoạch nên trong quá trình triển khai, do vậy trong quý I/2015 không có địa phương nào đề xuất điều chuyển vốn từ công trình này sang công trình khác.
2.2. Khó khăn, hạn chế
Nhìn chung, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN, KCN, KKT tại các địa phương là lớn, trong khi đó việc huy động các nguồn vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu còn rất hạn chế. Các địa phương chưa có giải pháp quyết liệt và hiệu quả để huy động nguồn vốn khác, ngoài vốn hỗ trợ từ NSTW, để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT./.
[1] Trong năm 2014, cả nước đã cấp mới 1.588 dự án đầu tư và tăng vốn 594 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 20,63 tỷ USD
[2] Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước năm 2014 đạt hơn 298,24 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt kim ngạch 150,19 tỷ USD và nhập khẩu đạt hơn 148,05 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2014 đạt mức thặng dư 2,14 tỷ USD,