Trong quý I năm 2021, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục tái phát trở lại vào cuối tháng 01/2021 và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trong nước và các địa phương. Điểm tích cực là trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến nay chưa phát sinh ca bệnh. Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả khả quan: Thu ngân sách tăng so với cùng kỳ; đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm; sản phẩm chủ lực của tỉnh, cây dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao được chú trọng phát triển; sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng; hoạt động thương mại dịch vụ phát triển tương đối ổn định; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ; công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp được triển khai quyết liệt; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tình hình cụ thể ở các ngành, lĩnh vực như sau:
1. Tăng trưởng kinh tế
Tình hình tăng trưởng kinh tế trong quý I năm 2021 như sau:
- Thu ngân sách nhà nước ước khoảng 826 tỷ đồng, đạt 23,6% dự toán địa phương giao và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
- Chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.511,8 tỷ đồng, bằng 70,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 370 tỷ đồng, đạt 17,3 dự toán giao, bằng 37,28% so với cùng kỳ năm trước; Chi thường xuyên 1.141,9 tỷ đồng, tăng 7,32% so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 16.560 tỷ đồng tăng 0,07% so với cuối năm 2020; Tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn ước đạt 34.500 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cuối năm 2020.
- Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước.
- Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước tính đạt 4.112,537 tỷ đồng, tăng 16,87% so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 6.033,818 tỷ đồng, tăng 18,58% so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính đạt 504,989 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I năm 2021 tăng 0,18 % so với cùng kỳ năm trước.
2. Tài chính, ngân hàng
- Thu ngân sách: Ước thực hiện quý I năm 2021 thu 826 tỷ đồng đạt 23,6% dự toán địa phương giao và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa 786 tỷ đồng đạt 24,2% so với dự toán địa phương giao (thu nội địa trừ tiền sử dụng đất và XSKT đạt 34,2% dự toán), ước thu xuất nhập khẩu 40 tỷ đồng đạt 16,4% so với dự toán. Số ước thực hiện thu NSNN chưa đạt theo tiến độ dự toán được giao, nguyên nhân là do diễn biến thời tiết, khí hậu, nắng nóng và khô hạn làm tác động đến tiến độ nguồn thu thuế từ lĩnh vực thủy điện. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng nông sản trên địa bàn thường xuyên biến động, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh nông sản, do đó ảnh hưởng lớn đến số thu nội địa trên địa bàn.
- Chi ngân sách: Ước thực hiện quý I năm 2021 đạt 1.511,8 tỷ đồng, bằng 70,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 370 tỷ đồng đạt 17,3 dự toán giao, bằng 37,28% so với cùng kỳ năm trước; Chi thường xuyên 1.141,9 tỷ đồng, tăng 7,32% so với cùng kỳ năm trước.
- Hoạt động ngân hàng: Tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn quý I năm 2021 ước đạt 16.560 tỷ đồng tăng 0,07% so với cuối năm 2020; Tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn ước đạt 34.500 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cuối năm 2020; tổng nợ xấu ước khoảng 310 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,9% tổng dư nợ tín dụng. Nhìn chung, hoạt động tín dụng trong quý I đảm bảo cung ứng vốn kịp thời, chủ yếu tập trung cho vay các doanh nghiệp và người dân sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh, tránh tiếp cận tín dụng đen, đảm bảo an sinh và trật tự xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
3. Giá cả, lạm phát
3.1. Chỉ số giá tiêu dùng CPI
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2021 giảm 0,79% so với tháng trước; tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,26% so với tháng 12 năm trước; tăng 3,59% so với kỳ gốc 2019; CPI bình quân 3 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,18%.
Nhìn chung, trong tháng 3 chỉ số giá tiêu dùng của nhiều nhóm ngành hàng giảm so với tháng trước là do tháng trước có Tết Nguyên đán Tân Sửu nên giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tiêu dùng Tết tăng do tác động quy luật giá cả thị trường Tết, nay giá cả sau Tết đã giảm và ổn định trở lại.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 03 nhóm tăng: nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,55%; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,31%; nhóm Giao thông tăng 2,37%. Có 06 nhóm giảm là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,29%; nhóm nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,73%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,58%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 1,14%; nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,13%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 1,22%. Có 02 nhóm không biến động giá là nhóm Thuốc và dịch vụ y tế và nhóm Giáo dục.
3.2. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ
Giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và trong nước với xu hướng giảm so với tháng trước, giá vàng 9999 trên địa bàn tỉnh tháng 3/2021 được bán với giá bình quân khoảng 5.301.000 đồng/chỉ, giảm 1,76% so với tháng trước; Tỷ giá USD/VND bình quân giao dịch ở mức 23.142 đồng/USD tăng 0,08%.
4. Đầu tư và xây dựng
4.1. Vốn đầu tư
Ước tính vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum quý I năm 2021 là 4.112.537 triệu đồng, tăng 16,87% so với cùng kỳ năm trước.
- Phân theo nguồn vốn: Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện là 925.884 triệu đồng, tăng 27,16% so với cùng kỳ và chiếm 22,51% trong tổng nguồn vốn, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước do trung ương quản lý là 282.187 triệu đồng, nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý là 643.697 triệu đồng, chủ yếu đầu tư phát triển các chương trình mục tiêu, xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thủy lợi, giao thông, giáo dục, y tế, ...; Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực ngoài nhà nước là 3.183.983 triệu đồng, tăng 14,18% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 77,42% trong tổng nguồn vốn, trong đó: Vốn đầu tư của doanh nghiệp là 1.706.000 triệu đồng, vốn đầu tư của các hộ gia đình là 1.477.983 triệu đồng, chủ yếu đầu tư của khu vực hộ dân cư trong xây dựng, sửa chữa nhà, chăn nuôi; Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 2.670 triệu đồng, chiếm 0,06% trong tổng nguồn vốn, chủ yếu thực hiện các khoản mục đầu tư mua sắm máy móc thiết bị không qua XDCB, bổ sung vốn lưu động và sửa chữa nâng cấp tài sản cố định của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
- Phân theo khoản mục đầu tư: Vốn đầu tư XDCB đạt 3.176.707 triệu đồng, chiếm 77,24% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư mua sắm TSCĐ dùng cho sản xuất không qua XDCB đạt 562.543 triệu đồng, chiếm 13,68% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp TSCĐ đạt 248.097 triệu đồng, chiếm 6,03% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động: 93.846 triệu đồng, chiếm 2,28% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư khác đạt 31.343 triệu đồng, chiếm 0,76% trong tổng nguồn vốn.
- Ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum quý I năm 2021 là 337.071 triệu đồng, tăng 16,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, Chia ra:
Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước là 243.887 triệu đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ và chiếm 72,35% trong tổng số nguồn vốn, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, môi trường nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn... Trong đó: Vốn cân đối ngân sách tỉnh là 173.020 triệu đồng, chiếm 70,94%; Vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 28.979 triệu đồng, chiếm 11,88%; Vốn ODA là 24.865 triệu đồng, chiếm 10,20%; Vốn Xổ số kiến thiết là 13.737 triệu đồng, chiếm 5,63%; Vốn khác là 3.286 triệu đồng, chiếm 1,35% trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh.
Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện là 93.184 triệu đồng, tăng 5,45% so với cùng kỳ và chiếm 27,65% trong tổng số nguồn vốn, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách huyện là 62.247 triệu đồng, chiếm 66,80%; Vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 27.438 triệu đồng, chiếm 29,44% trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện.
Trong quý I năm 2021 nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông, kiên cố hóa các kênh mương, công trình cấp nước sinh hoạt; công trình giáo dục; y tế … Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tháo gở khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Bên cạnh đó sau hơn 01 năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nay tình hình dịch bệnh tại Tỉnh Kon Tum cơ bản được kiểm soát tốt, các nhà đầu tư tiếp tục tăng cường vốn nên tổng vốn đầu tư tăng cao.
4.2. Xây dựng
Trong quý I năm 2021, hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ, tập trung ở khu vực hộ dân cư, chủ yếu xây dựng nhà ở mới với mức đầu tư cao và sửa chữa các công trình khác. Trong quý các đơn vị hoạt động xây lắp triển khai thi công các công trình trọng điểm có vốn đầu tư cao chuyển tiếp trong năm 2020 và công trình mới trong năm 2021 như:
- Công trình kỹ thuật dân dụng: đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc Lộ 24, xây dựng cầu số 3 qua sông Đắk Bla, đường nội bộ QT khu Trung tâm Hành chính mới của tỉnh, Công trình tái định cư huyện Ngọc Hồi, đường Đông Trường sơn-Đ9, Đường tránh đi Quốc lộ 24, Nâng cấp đường GTNT huyện Sa Thầy, sửa chữa đường bộ QL14, nâng cấp sửa chữa quốc lộ 24 tỉnh Kon Tum.
- Công trình thủy lợi: Dự án thủy lợi làng Lung - Ia Xier - Sa Thầy, xúc dọn lòng hồ thủy điện Plei Krong, Thủy điện Đăk Diu ...
- Xây dựng công trình nhà không để ở: Xây dựng Trường Tiểu học Trần Phú, Trường học huyện Ia H D’rai, Trường học huyện Kon Plông..., sửa chữa nhà làm việc Trung tâm văn hóa thể dục thể thao huyện Đắk Tô ...
- Các loại hình kinh tế khác (hộ dân cư, xã/phường/ thị trấn) trong quý I năm 2021 hoạt động xây dựng chủ yếu do hộ dân cư đầu tư xây dựng nhà ở mới, sửa chữa nhà ở và các công trình liên quan (sân, tường rào, nhà kho, các công trình khác …).
5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
Trong tháng 3/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 21 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ khoảng 512,3 tỷ đồng; 04 doanh nghiệp hoạt động trở lại; 01 doanh nghiệp đã giải thể; 07 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Lũy kế đến ngày 20 tháng 3 năm 2021, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 57 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ khoảng 2.222,7 tỷ đồng; 68 doanh nghiệp hoạt động trở lại; 07 doanh nghiệp giải thể; 88 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong những tháng đầu năm 2021, các địa phương trên toàn tỉnh tập trung gieo trồng vụ đông xuân, tính đến nay tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ đông xuân 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh Kon Tum là: 9.181,79 ha, tăng 1,27% (+ 115,73 ha) so với cùng kỳ năm trước. Việc đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay, tổng diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh đạt 74.263 ha, diện tích cà phê 25.206 ha, toàn tỉnh có khoảng 1.531,26 ha trồng dược liệu, trong đó tiêu biểu nhất là diện tích rừng đã được trồng Sâm Ngọc Linh khoảng 629,71 ha; Đẳng Sâm 399,8 ha; Đương quy 52 ha... Chăn nuôi tiếp tục ổn định, tình hình sâu, bệnh hại trên các loại cây trồng được chủ động nắm bắt và triển khai các biện pháp phòng trừ kịp thời, không để lây lan trên diện rộng. Công tác phòng, chống dịch Lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi được triển khai kịp thời đến nay cơ bản được khống chế. Các dịch bệnh thông thường trên đàn gia súc, gia cầm được lực lượng thú y phát hiện và xử lý kịp thời. Công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật được triển khai quyết liệt, trọng tâm là tập trung kiểm tra, giám sát việc tận dụng lâm sản trên diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng của các dự án trên địa bàn tỉnh.
6.1. Trồng trọt
6.1.1. Nông nghiệp
a) Cây hàng năm
Tính đến nay tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ đông xuân 2020 - 2021 là: 9.181,79 ha, tăng 1,27% (+ 115,73 ha) so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể DTGT một số loại cây trồng như sau:
- Cây lúa DTGT: 7.149,87 ha, tăng 2,05% ( + 143,71 ha).
- Cây ngô DTGT: 692,4 ha, giảm 3,2 % ( - 22,9 ha ).
- Cây lạc DTGT: 24,68 ha, tăng 2,83% ( + 0,68 ha).
- Đậu các loại DTGT: 79,3 ha, giảm 0,92 % (- 0,74 ha).
- Rau các loại DTGT: 1.077,14 ha, giảm 1,14 % (- 12,42 ha).
b) Cây lâu năm
Cây trồng trọng điểm của tỉnh là cây cao su và cây cà phê. Hiện tại cây cà phê trong giai đoạn nở hoa, cho quả. Sản lượng cao su ước đến 31/3/2021 đạt 4.179 tấn.
Tỉnh Kon Tum có diện tích cây ăn quả không lớn, chiếm tỷ trọng thấp trong nhóm cây lâu năm. Khí hậu, thổ nhưỡng ở đây không phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả với quy mô lớn. Vì vậy, diện tích được trồng với quy mô nhỏ và rải rác ở các khu vườn hộ dân, sản lượng thu hoạch chủ yếu dùng để phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày.
6.1.2. Chăn nuôi
a) Tình hình chăn nuôi ước tính đến thời điểm 31/3/2021
- Tổng đàn trâu 24.380 con, tăng 1,5 % (+360 con) so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng đàn bò 81.405 con, tăng 2,5% (+1.985 con).
- Tổng đàn lợn 142.390 con tăng 1,39% (+ 1.950 con).
- Tổng đàn gia cầm 1.660.064 con tăng 4,35 % (+69.264 con).
b) Tình hình dịch bệnh
- Tình hình dịch bệnh trong tháng báo cáo (16/02/2021-15/3/2021)
Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): Trong tháng, trên địa bàn tỉnh ghi nhận phát sinh và tiêu hủy 24 con lợn thịt mắc bệnh với tổng trọng lượng 1.156 kg, tại huyện Đăk Tô (9 lợn thịt, tổng trọng lượng 471kg) và huyện Đăk Hà (15 lợn thịt, tổng trọng lượng 685kg). Đến nay, các ổ dịch trên đã qua 03 ngày không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh, chết và tiêu hủy.
Dịch bệnh Lở mồm long móng gia súc (LMLM): Trong tháng dịch bệnh LMLM đã xảy ra trên 244 con trâu, bò tại 02 ổ dịch mới thuộc huyện Kon Plong (01 ổ dịch mới, 60 con) và huyện Đăk Glei (01 ổ dịch mới, 184 con); ổ dịch LMLM cũ tại huyện Tu Mơ Rông (Đăk Rơ Ông, 39 con) không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh. Lũy kế đến ngày 15/3/2021, tại 03 ổ dịch trên, dịch bệnh LMLM đã xảy ra trên 283 con trâu, bò; đã chăm sóc khỏi triệu chứng lâm sàng cho 233 con trâu, bò; đang tiếp tục chăm sóc, điều trị cho 39 con trâu, bò; đã tiêu hủy 11 nghé với tổng trọng lượng 530kg.
Các dịch bệnh khác: Dịch bệnh thông thường trên đàn gia súc, gia cầm được lực lượng thú y phát hiện và xử lý kịp thời.
- Tình hình dịch bệnh Quý I năm 2021
Tình hình dịch tả lợn Châu phi: Trên toàn tỉnh có 81 con lợn bị mắc bệnh và đã được tiêu huỷ với trọng lượng 3.132 kg.
Tình hình lỡ mồm long móng: Trên toàn tỉnh có 345 con trâu, bò bị mắc bệnh tại 02 ổ dịch thuộc huyện Kon Plong (77 con), 02 ổ dịch tại huyện Đăk Glei (217 con), 02 ổ dịch tại huyện Tu Mơ Rông (51 con). Trong đó đã chăm sóc, điều trị khỏi các triệu chứng lâm sàng của bệnh LMLM cho 278 con gia súc; đang tiếp tục chăm sóc, điều trị cho 47 con trâu, bò; đã tiêu huỷ 13 con nghé, 7 con bê với tổng trọng lượng 1.005 kg.
Các dịch bệnh thông thường trên đàn gia súc, gia cầm được lực lượng thú y phát hiện và xử lý kịp thời.
6.2. Lâm nghiệp
Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 26/02/2021 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh, ngăn chặn vi phạm Luật Lâm nghiệp và tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý rừng trên địa bàn tỉnh; các ngành chức năng đã có kế hoạch chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong các tháng cao điểm mùa khô. phân công trực PCCCR theo quy định; thông báo cấp dự báo cháy rừng định kỳ 10 ngày/lần đến Tổ công tác liên ngành các huyện, thành phố và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân địa phương về phòng cháy chữa cháy rừng được tăng cường. Tính đến 15/3/2021, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.
Tính đến ngày 15/3/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 33,93 ha. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Ước tính đến thời điểm 31/3/2021, công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh chưa tiến hành, vì đang là thời điểm mùa khô ở Tây Nguyên.
Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 31/3/2021 sản lượng gỗ khai thác là 31.825 m3, tăng 3,1% (+955 m3). Sản lượng củi khai thác là 65.832 ste, tăng 0,4 % (+262 ste) so với cùng kỳ năm trước.
6.3. Thủy sản
Ước tính đến 31/3/2021, diện tích nuôi trồng thủy sản là 711 ha, tăng 0,9% (+6 ha) so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thuỷ sản là 1.205 tấn, tăng 6,3% (+72 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Sản lượng nuôi trồng nước ngọt là 789 tấn, tăng 7,6% (+56 tấn).
Sản lượng khai thác nước ngọt là 416 tấn, tăng 4% (+16 tấn).
Sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước là do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó việc khai thác đánh bắt của các hộ trên lòng hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối ... thuận lợi nên sản lượng thủy sản trong kỳ tăng lên.
7. Sản xuất công nghiệp
Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh trong quý I năm 2021 vẫn còn gặp nhiều khó khăn và có mức tăng trưởng không cao; chỉ số sản xuất toàn ngành trong quý I chỉ tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khó khăn nhất tập trung ở ngành khai thác khoáng sản và công nghiệp chế biến, chế tạo, kết quả chỉ số 2 ngành này giảm so với cùng kỳ. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo một số ngành sản xuất có chỉ số giảm sâu như ngành chế biến gỗ, sản xuất hóa chất, sản xuất các sản phẩm khoáng phi kim loại, nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguyên liệu hoạt động và khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm …
7.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
- Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 3 năm 2021:
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,77%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,04%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,06%; riêng ngành công nghiệp khai khoáng giảm 15,12% so với cùng kỳ năm trước.
- Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp quý I năm 2021:
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 12,82%, nguyên nhân chỉ số sản xuất ngành này giảm thấp chủ yếu do sản lượng đá xây dựng khai thác tăng mạnh vào các tháng cuối năm trước, hiện tại sản phẩm tồn kho lớn, sang năm 2021 lượng tiêu thụ thấp do các công trình xây dựng chưa triển khai nhiều nên các đơn vị hạn chế sản lượng khai thác; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,52%; trong đó giảm chủ yếu ở các ngành như sản xuất đường, chế biến gỗ…, nguyên nhân do thiếu nguyên liệu; Ngành sản xuất hóa chất giảm do khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm; một số ngành sản xuất có chỉ số giảm sâu nhưng không ảnh hưởng lớn đến chỉ số chung toàn ngành như ngành in, sản xuất đồ uống do quy mô nhỏ, chiếm tỷ trọng không đáng kể trong toàn ngành; Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,28%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước.
- Ước tính một số sản phẩm sản xuất quý I năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, như sau: Đá xây dựng khai thác 58.838 m3, giảm 13,28%; Tinh bột sắn sản lượng 98.122 tấn, tăng 1,05%; lượng đường 7.023 tấn, giảm 12,16%; ghế gỗ 36.664 chiếc, tăng 10,88%; bàn bằng gỗ các loại 18.394 chiếc, tăng 9,22%; điện sản xuất 336,08 triệu Kwh, tăng 9,47%.
- Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2021 tăng 18,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: một số nhóm ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 22,55%, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 27,93%, ngành sản xuất trang phục tăng 26,67%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như ngành in, sản xuất đồ uống, sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại…, đây là các ngành sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, chỉ số tiêu thụ giảm theo sản lượng sản xuất ra.
- Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính đến thời điểm 31/3/2021 giảm 9,73% so với cùng thời điểm năm trước; qua đó đánh giá chung được tình hình tiêu thụ sản phẩm sản xuất vẫn ổn định so với cùng kỳ; đa số các ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng thời điểm năm trước. Tuy nhiên chỉ số tồn kho của một số ngành như chế biến gỗ, sản xuất hóa chất có tăng, nguyên nhân các sản phẩm thuộc các ngành này chủ yếu xuất khẩu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên xuất khẩu chậm.
7.2. Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý I năm 2021
- Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I năm 2021 nhìn chung có thuận lợi hơn so với quý trước, tuy nhiên những khó khăn vẫn còn với 37,5% đơn vị đánh giá tốt hơn, 37,5% đánh giá giữ nguyên và 25% đơn vị đánh giá tình hình khó khăn hơn. Trong đó các đơn vị đánh giá khó khăn hơn chủ yếu ở một số nhóm ngành như sản xuất thực phẩm, chế biến gỗ. Trong quý tiếp theo, phần lớn các doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất sẽ được tăng lên, cụ thể tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất tăng lên chiếm 62,5%, tỷ lệ đánh giá tình hình sản xuất giữ nguyên chiếm 15,63%, số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất khó khăn hơn giảm còn 21,88%, các doanh nghiệp này chủ yếu ở các ngành sản xuất thực phẩm, sản xuất các sản phẩm khoáng phi kim loại.
- Xu hướng về khối lượng sản xuất ngành chế biến, chế tạo: Khối lượng sản phẩm sản xuất là yếu tố quan trọng để đánh giá tình hình sản xuất của doanh nghiệp; trong quý I có 37,5% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng hơn quý trước; 25% số doanh nghiệp đánh giá giữ mức ổn định sản lượng sản xuất; 37,5% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản phẩm sản xuất giảm đi. Trong quý tiếp theo đa số các doanh nghiệp có dự báo lạc quan hơn với 56,25% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất sẽ tăng hơn; 18,75% số doanh nghiệp đánh giá giữ mức ổn định sản lượng sản xuất và có 25% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản phẩm sản xuất giảm đi.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất tập trung nhất là tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước (có đến 59,38% số doanh nghiệp ảnh hưởng bởi yếu tố này và có 25% số doanh nghiệp cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất); yếu tố ảnh hưởng tiếp đến là nhu cầu thị trường trong nước thấp (có đến 56,25% số doanh nghiệp ảnh hưởng bởi yếu tố này và 25,00% số doanh nghiệp cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất); tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là các nguyên liệu có tính thời vụ (có 37,5% số doanh nghiệp ảnh hưởng bởi yếu tố này và cũng có đến 21,88% số doanh nghiệp cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất); Lãi suất vay vốn cao dẫn đến tình trạng khó khăn về tài chính cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp (có 46,8% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi yếu tố này và 9,38% số doanh nghiệp cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất). Ngoài các yếu tố trên, thiết bị công nghệ lạc hậu, yếu tố lao động… cũng ảnh hưởng đến tình hình sản xuất tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không lớn, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhiều và đều là các yếu tố không quyết định.
8. Thương mại, dịch vụ
Trong quý I năm 2021, là quý có tháng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu mua sắm hàng hóa phục vụ tiêu dùng như: lương thực, thực phẩm; hàng may mặc; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng cao. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ ăn uống tăng mạnh trong thời gian đầu tháng 02, nhưng hoạt động lưu trú ăn uống không sôi động bằng các năm trước tuy thời gian nghỉ Tết dài. Nhờ chủ động trong công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng,… đã chủ động mở cửa, tăng số lượng quầy giao dịch và thời gian bán hàng, nhất là những ngày giáp Tết nên tình hình lưu thông hàng hóa trên thị trường trong những ngày giáp Tết Tân Sửu đảm bảo thông suốt, nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân.
8.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 3 năm 2021 đạt 1.963,88 tỷ đồng, giảm 1,41% so với tháng trước và tăng 20,16% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.697,431 tỷ đồng, chiếm 86,43% trong tổng số, giảm 1,55% so với tháng trước và tăng 19,11% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 158,924 tỷ đồng, chiếm 8,09% trong tổng số, tăng 1,15% so với tháng trước và tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 107,524 tỷ đồng, chiếm 5,48% trong tổng số giảm 2,81% so với tháng trước và tăng 28,61% so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh quý I năm 2021 ước tính đạt 6.033,818 tỷ đồng, tăng 18,58% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 5.180,904 tỷ đồng, chiếm 85,86% trong tổng số, tăng 19,03% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 515,480 tỷ đồng, chiếm 8,6% trong tổng số, tăng 17,24% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 337,435 tỷ đồng, chiếm 5,63% trong tổng số tăng 13,92% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn trong quý I năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước là do: 3 tháng đầu năm là thời điểm tết Nguyên đán nhưng giá cả các mặt hàng tương đối ổn định và phù hợp với thu nhập của số đông người tiêu dùng nên sức mua tăng; một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã tăng cường triển khai các chương trình khuyến mại đối với một số mặt hàng, thay đổi mẫu mã và nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm kích thích lượng tiêu dùng cũng như sức mua của người dân.
8.2. Vận tải
- Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 3 năm 2021:
Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 3 năm 2021 đạt 169.500,7 triệu đồng, tăng 24,31% so với cùng kỳ năm trước và tăng 5,06% so với tháng trước, cụ thể so với tháng trước như sau:
- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 56.470,7 triệu đồng, tăng 5,62%; Vận chuyển ước đạt 1.060,65 nghìn lượt khách, tăng 5,4%; Luân chuyển ước đạt 136.679,31 nghìn lượt khách.km, tăng 5,46%.
- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 112.235 triệu đồng, tăng 4,8%; Vận chuyển ước đạt 1.255,25 nghìn tấn, tăng 4,95%; Luân chuyển ước đạt 63.702,91 nghìn tấn.km, tăng 5,1%.
- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 795 triệu đồng, tăng 1,4%.
Doanh thu và khối lượng vận chuyển hành khách tăng so với tháng trước là do trong tháng tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, một số địa phương đã dở bỏ giãn cách xã hội nên nhu cầu đi lại của người dân tăng, nhất là các sinh viên trở lại trường học và người dân về thăm quê.
Doanh thu và khối lượng vận chuyển hàng hoá trong tháng tăng so với tháng trước là do hoạt động vận chuyển hàng hóa vẫn hoạt động bình thường và thời gian hoạt động trong tháng nhiều hơn so với tháng trước.
- Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính quý I năm 2021:
Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính quý I năm 2021 đạt 504.988,7 triệu đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:
- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 169.392,5 triệu đồng, giảm 0,8%; Vận chuyển ước đạt 3.187,35 nghìn lượt khách, tăng 2,48%; Luân chuyển ước đạt 409.923,04 nghìn lượt khách.km, tăng 2,69%.
- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 333.242,2 triệu đồng, tăng 18,64%; Vận chuyển ước đạt 3.725,79 nghìn tấn, tăng 17,35%; Luân chuyển ước đạt 188.173,79 nghìn tấn.km, tăng 16,51%.
- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 2.354 triệu đồng, tăng 15%.
9. Thông tin về tình hình kinh tế thế giới
Năm 2020, Đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã khiến kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Tuy nhiên, trong đầu năm 2021, sau khi triển khai vắc xin hiệu quả và các nền kinh tế đối phó tốt hơn với dịch Covid-19, triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện rõ rệt trong những tháng gần đây. Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến tăng 4% trong năm 2021 sau khi giảm (- 4,3%) trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định, nền kinh tế toàn cầu sau khi tăng trưởng âm 3,5% vào năm 2020, dự kiến sẽ tăng 5,5% vào năm 2021. Các tổ chức kinh tế tài chính tư nhân như Conference Board và Fitch Ratings dự báo tăng trưởng thế giới năm 2021 tăng lần lượt là 5,0% và 6,1%. Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 5,6% trong năm 2021. Trong số các quốc gia phát triển, Hoa Kỳ được dự báo tăng trưởng 6,5%, khu vực đồng Euro tăng trưởng 3,9% trong năm 2021. Dự báo tăng trưởng của Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt là 2,7% và 7,8% trong năm 2021. Đối với khu vực Đông Nam Á, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo Việt Nam và Ma-lai-xi-a là động lực tăng trưởng của khu vực khi cùng đạt mức 7,0% trong năm 2021. Phi-li-pin, Thái Lan và In-đô-nê-xi-a được dự báo tăng trưởng tương ứng là 5,9%, 4,5% và 4,9% trong năm 2021. Trong ngắn hạn, Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP của thế giới trong Quý I/2021 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP Quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước của Hoa Kỳ giảm (- 0,2%); khu vực đồng Euro giảm (- 2,2%); Nhật Bản giảm (- 0,8%) trong khi Trung Quốc tăng 19,3%. Dự báo tăng trưởng GDP Quý I/2021 của Trading Economics đối với một số nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á gồm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Thái Lan và Xin-ga-po lần lượt là 1,9%, - 0,7%, -3,5%, -1,5%, 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến tình hình thế giới hiện nay mang lại tín hiệu tích cực cho kinh tế của tỉnh Kon Tum nhất là trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu (sản phẩm nông sản, sản phẩm công nghiệp chế biến).
10. Các vấn đề xã hội
10.1. Đời sống dân cư
10.1.1. Đánh giá chung về tình hình biến động đời sống của dân cư
Tình hình đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong quý I năm 2021 tương đối ổn định, giá cả thị trường của một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 tuy có tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng tăng giá đột biến và đã ổn định dần trở lại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho Nhân dân vui Xuân, đón Tết năm 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả; tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; đảm bảo phương tiện đi lại và thông tin liên lạc; tổ chức các hoạt động vui Xuân; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm...; Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định.
Công tác chăm lo Tết cho Nhân dân theo chủ trương mọi người, mọi nhà đều được vui Tết, đón xuân, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã triển khai đến các huyện, thành phố thực hiện thăm, tặng quà cho các đối tượng Người có công, đối tượng chính sách; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo; chúc tết các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức mừng thọ, chúc thọ cho người cao tuổi.
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên trên địa bàn tỉnh đã dừng tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa tập trung đông người; dừng tổ chức bắn pháo hoa trên địa bàn tỉnh.
Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa và bình ổn giá cả thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu dịp trước, trong và sau Tết năm 2021, có 03 đơn vị tham gia bình ổn nhưng không vay vốn ngân sách. Lượng hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu các nhóm hàng bình ổn giá, đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ định hướng ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 07 điểm bán hàng cố định, triển khai từ tháng 12 năm 2020 đến hết ngày 12 tháng 3 năm 2021. Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết, 02 Siêu thị Vin Mark và Coop. Mark đã mở cửa phục vụ đến 12 giờ ngày 30 âm lịch và phục vụ lại vào ngày mùng 4 âm lịch.
Về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, hiện chưa có trường hợp nào dương tính với virut Covid-19. Tính đến ngày 21 tháng 02 năm 2021, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tổ chức lấy và gửi mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm SARS-CoV-2 là 15.564 mẫu, toàn bộ mẫu đều cho kết quả âm tính (-) với SARS-CoV-2. Từ 17 giờ 00, ngày 02 tháng 3 năm 2021 tạm dừng hoạt động của tất cả các Chốt kiểm tra, Tổ liên ngành kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn địa bàn tỉnh.
Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ học tập trung tại các trường học để phòng, chống dịch Covid-19. Học sinh các trường trên địa bàn tỉnh đã trở lại học tập trung tại trường từ ngày 22 tháng 02 năm 2021. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, học viên khi đi học trở lại và triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục đồng thời phòng, chống Covid-19.
Đánh giá chung, dịch Covid-19 trong nước bùng phát trở lại vào cuối tháng 01 tại nhiều tỉnh trên cả nước, trong đó có tỉnh Gia Lai giáp với Kon Tum, vì vậy đã có những ảnh hưởng nhất định đến tình hình đời sống dân cư và các hoạt động sản xuất, giao thương hàng hóa. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid - 19 đã được kiểm soát kịp thời, đời sống dân cư và các hoạt động sản xuất đã ổn định trở lại; giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng nhẹ, chủ yếu là các mặt hàng thuộc nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu nhưng không đột biến; việc vui xuân, đón Tết của Nhân dân trên địa bàn tỉnh diễn ra đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, không có trường hợp nào đói và không có Tết, đồng thời đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch Covid-19; hoạt động cung ứng hàng hóa, vận tải hành khách, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, chính sách, an sinh xã hội... được thực hiện tốt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, không có vụ việc phức tạp xảy ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được,vẫn còn xuất hiện mới các ổ dịch trên gia súc; tai nạn giao thông chưa được kiềm chế.
10.1.2. Thực trạng đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương và giải quyết việc làm
a) Đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm 2021 đã tác động đến các lĩnh vực như: các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách chỉ hoạt động cầm chừng, số lượng xe kinh doanh giảm đáng kể vì tâm lý, nhu cầu của người dân và quy định phải giãn cách để phòng tránh lây nhiễm; các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đã bị hủy hoặc tạm dừng tổ chức đã ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, các điểm tham quan du lịch, do đó đã tác động trực tiếp đến đời sống và thu nhập của một bộ phận nhỏ người lao động trong một số ngành, lĩnh vực hoạt động kinh tế ...
Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành đã tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội nhằm nỗ lực phấn đấu thực hiện đến mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được khống chế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại đã thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc. Việc đi lại, giao thương diễn ra bình thường, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm của người dân và giao thương hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã chi trả đủ tiền lương năm 2020 cho người lao động và hầu hết đều thưởng Tết cho công nhân, người lao động với mức cao nhất là 20 triệu đồng/người, thấp nhất là 200.000 đồng/người.
Những tác động từ dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng cục bộ đến đời sống và thu nhập của một bộ phận người lao động trong một số ngành, lĩnh vực hoạt động kinh tế, nhưng theo đánh giá chung đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương mức độ ảnh hưởng là không lớn; tình hình lao động, việc làm tuy có ảnh hưởng nhưng tương đối ổn định; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức thấp.
b) Giải quyết việc làm
Tư vấn tìm việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động cho 92 lượt người; cung ứng giới thiệu 34 lao động đi làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tổng số lao động đã xuất cảnh từ đầu năm đến nay là 25 lao động (trong đó: Nhật Bản 12 lao động, Đài Loan 13 lao động). Tổng số lao động được giải quyết việc làm thông qua các chương trình là 59 lao động.
10.1.3. Thực trạng đời sống dân cư nông thôn
Ngay sau Tết Nguyên đán trên cơ sở kế hoạch ra quân phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, trồng cây xanh gắn với chỉnh trang khu dân cư nông thôn, đô thị trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã lựa chọn công trình, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, huy động nhân lực của địa phương để đồng loạt ra quân xây dựng nông thôn mới, với sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của các Sở, ngành, trong quá trình thực hiện đã đạt được những thành quả nhất định như: hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt; diện mạo nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực; nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã có những thay đổi, nhờ đó phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào thi đua sâu rộng trong toàn dân, được Nhân dân ủng hộ và đồng lòng triển khai thực hiện; đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng; Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tình hình kinh tế - xã hội của các xã đạt chuẩn nông thôn mới ngày càng khởi sắc và theo hướng phát triển bền vững, giá trị sản lượng nông nghiệp của toàn tỉnh liên tục tăng, chủng loại cây trồng, vật nuôi đa dạng hơn, nhiều sản phẩm nông nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận người dân thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh dần được cải thiện đáng kể. Song, kinh tế ở nông thôn vẫn là khu vực chậm phát triển, sản xuất nông nghiệp vẫn mang nặng tính chất của nền sản xuất nhỏ, manh mún, tự cung tự cấp, nguồn lực lao động, tài nguyên khai thác, sử dụng còn hạn chế. Thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với khu vực thành thị, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều hộ gia đình ở nông thôn tuy đã thoát khỏi hộ nghèo, nhưng thực tế thu nhập chỉ cao hơn mức chuẩn nghèo không đáng kể. Người nông dân chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các thành tựu khoa học phát triển, các dịch vụ cơ bản như: vệ sinh, môi trường, y tế, giáo dục... Hệ thống hạ tầng nông thôn còn lạc hậu, chất lượng tương đối thấp.
Ngành Y tế đã tổ chức tốt việc phân công cán bộ, nhân viên y tế công tác phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh trong dịp Tết. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Nhìn chung, trong dịp Tết đảm bảo đủ cơ số thuốc, vật tư y tế và các trang thiết bị y tế phục vụ tốt cho hoạt động khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh.
Công tác đào tạo nghề được quan tâm, đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục duy trì đào tạo các lớp trung cấp nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với mục tiêu đào tạo phải gắn với quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phải gắn với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Đối với người lao động sau học nghề đã áp dụng và phát triển nhiều mô hình kinh tế bền vững, có hiệu quả cao như: trồng cao su, cà phê, bời lời, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Sau học nghề người lao động có cơ hội tự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tự tạo việc làm tại chỗ thông qua canh tác, sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi phục vụ cho việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, thông qua công tác tư vấn giới thiệu việc làm người lao động được giới thiệu đến làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
10.1.4. An sinh xã hội
a) Công tác giảm nghèo
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, là nhiệm vụ trọng tâm vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài của cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các hộ nghèo, tạo cho hộ nghèo có cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản.
Đã triển khai thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách, dự án cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện đầy đủ chính sách cứu trợ xã hội (cứu trợ thường xuyên, cứu trợ đột xuất) cho các đối tượng đủ điều kiện, bảo đảm an sinh xã hội, không có người dân nào bị đói, rét. Triển khai lồng ghép thực hiện các chính sách, dự án của Đề án giảm nghèo tỉnh.
Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2020, tổng số hộ nghèo chung là 14.601 hộ (tỷ lệ 10,29%), số hộ thoát nghèo năm 2019 là 5.493 hộ (giảm 3,97%).
Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, từ nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện đã hỗ trợ 10.600 triệu đồng cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo (22.973 hộ), gồm 12.398 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập (mức hỗ trợ 600.000 đồng/hộ), 2.203 hộ nghèo theo tiêu chí thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản và 8.372 hộ cận nghèo (mức hỗ trợ 300.000 đồng/hộ). Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phân bổ tiền và hàng hoá trị giá 168 triệu đồng do Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương hỗ trợ để tặng quà cho 150 hộ nghèo trên địa bàn.
b) Bảo trợ xã hội
Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, để Nhân dân trên toàn tỉnh đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, nhất là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm, tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những đối tượng yếu thế… để tất cả mọi người, mọi nhà đều đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui tươi, đầm ấm, bảo đảm an sinh xã hội, cụ thể như sau:
Chúc tết các đối tượng bảo trợ xã hội 2.804 người với số tiền 1.230 triệu đồng; thăm, chúc thọ, mừng thọ 249 người cao tuổi với số tiền 251,6 triệu đồng.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã chủ động ngân sách và vận động xã hội hóa để hỗ trợ cho 2.002 hộ/6.700 khẩu với 100.500 kg gạo; cấp phát 91.350 kg gạo do Chính phủ hỗ trợ cho 1.660 hộ/6.090 khẩu.
Ủy ban nhân dân một số huyện đã chủ động ngân sách để hỗ trợ chăn đắp, áo ấm cứu rét cho 2.662 hộ/10.048 khẩu với tổng kinh phí 1.300 triệu đồng.
Thăm, tặng quà cho 2.804 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.200 triệu đồng. Thăm, tặng quà cho 7.542 trẻ em với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.700 triệu đồng. Thăm và gửi Thiệp mừng thọ của Chủ tịch nước đến 25 người cao tuổi tròn 100 tuổi với tổng kinh phí là 50 triệu đồng; thăm và gửi Giấy chúc thọ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho 224 người cao tuổi tròn 90 tuổi với tổng kinh phí là 201 triệu đồng; đồng thời, tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi thọ 70, 75, 80, 85, 95 và trên 100 tuổi.
Các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đã triển khai hoạt động từ thiện, thăm, tặng quà, tổ chức Ngày hội bánh chưng xanh đảm bảo kịp thời, hiệu quả, ý nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ là 11.200 triệu đồng. Các cơ quan kết nghĩa xây dựng xã của tỉnh, huyện, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn các xã đã cử cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ xuống các thôn cùng tham gia Ngày hội. Đồng thời, triển khai chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các địa phương tổ chức gói, nấu và trao tặng bánh cho người dân theo từng nhóm nhỏ (không quá 20 người/nhóm), không tổ chức phần hội và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong quá trình tổ chức.
c) Thực hiện chính sách với người có công
Các cấp, các ngành đã thăm, tặng 10.620 suất quà trị giá 2.872,51 triệu đồng cho người có công với cách mạng, trong đó: Quà của Chủ tịch nước là 1.595,4 triệu đồng, quà từ ngân sách cấp tỉnh 47 triệu đồng, quà từ ngân sách cấp huyện/thành phố là 881,56 triệu đồng, quà của xã/phường là 18,95 triệu đồng, quà xã hội hóa (của cá nhân, doanh nghiệp) là 181,1 triệu đồng.
Thường trực Tỉnh ủy đã trích ngân sách Đảng để hỗ trợ cán bộ, công chức các cơ quan khối Đảng tỉnh 436,5 triệu đồng; gửi quà tặng và Thiệp chúc Tết đến 213 cán bộ hưu trí.
Lực lượng vũ trang của tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà và động viên kịp thời đối với thân nhân các quân nhân đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo và chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; hỗ trợ cho các chiến sĩ, chi ăn thêm các ngày Tết, thăm hỏi mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình các chiến sĩ, tặng quà cho "con nuôi Biên phòng"… với tổng kinh phí là 2.100 triệu đồng.
Giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ cho 04 trường hợp; đính chính thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công cho 03 trường hợp của huyện Đăk Hà. Cắt giảm đối tượng từ trần: 14 người; giải quyết tăng: 15 đối tượng; trợ cấp một lần và mai táng phí: 10 người.
10.2. Tình hình ANTT – ATGT
10.2.1. Tình hình ANTT – ATGT tháng 02 năm 2021
- Tội phạm và VPPL về trật tự xã hội (TTXH): Phát hiện 37 vụ, trong đó: cố ý gây thương tích 09 vụ; giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi 02 vụ; cưỡng đoạt tài sản 01 vụ; trộm cắp tài sản 11 vụ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản 02 vụ; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản 01 vụ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ 01 vụ; gây rối trật tự công cộng 01 vụ; đánh bạc 04 vụ; chống người thi hành công vụ 01 vụ; làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức 02 vụ; vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 02 vụ. Hậu quả 09 người bị thương. Thiệt hại: mất 782,3 triệu đồng tiền mặt.
- Tội phạm và VPPL về kinh tế: Phát hiện 05 vụ, trong đó: sản xuất, buôn bán hàng cấm 01 vụ; vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản 03 vụ; vận chuyển lâm sản trái phép 01 vụ.
- Tội phạm và VPPL về môi trường: Không xảy ra.
- Tội phạm và VPPL về ma túy: phát hiện 11 vụ, trong đó: Tàng trữ trái phép chất ma túy 10 vụ, vận chuyển trái phép chất ma túy 01 vụ. Thu giữ 5 gram Hêrôin, 4,939 gram thuốc phiện, 1,531 gram cây có chứa chất ma túy, và 25,963 gram ma túy tổng hợp.
- Tình hình trật tự an toàn giao thông: Xảy ra 06 vụ, hậu quả bị thương 06 người, hư hỏng 02 ô tô, 08 mô tô.
10.2.2. Tình hình cháy, nổ
Trong tháng 02/2021: Xảy ra 03 vụ cháy, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 105 triệu đồng; nguyên nhân do sự cố chập điện 01 vụ, sơ xuất do sử dụng lửa 02 vụ.
10.3. Tình hình giáo dục
Chiều ngày 10/3/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức Khai mạc trực tuyến Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh lần thứ IX đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, năm học 2020-2021. Tại 39 điểm cầu Phòng GDĐT các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở có đại diện lãnh đạo của các đơn vị, các Thành viên thuộc Ban Tổ chức, Ban Giám khảo của Hội thi và các giáo viên tham gia dự thi. Tham dự khai mạc còn có 104 thành viên là Ban Tổ chức và 199 thành viên là Ban Giám khảo của Hội thi. Hội thi năm nay có 688 giáo viên tham gia. Trong đó, bậc mầm non có: 72 giáo viên; cấp tiểu học có 144 giáo viên, cấp THCS có 279 giáo viên, cấp THPT có 193 giáo viên. Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh lần thứ IX đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, năm học 2020-2021 nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội để giáo viên được rèn luyện, sáng tạo, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em đối với giáo viên mầm non; công tác giảng dạy đối với giáo viên phổ thông. Qua đó công nhận và tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.
10.4. Vi phạm môi trường
Trong tháng 02/2021, trên địa bàn tỉnh Kon Tum không phát hiện vụ vi phạm môi trường nào.
10.5. Văn hóa - Thể dục thể thao
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên trên địa bàn tỉnh đã dừng tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao tập trung đông người; dừng tổ chức bắn pháo hoa đón năm mới đêm giao thừa trên địa bàn tỉnh.
10.6. Y tế
10.6.1. Tình hình dịch bệnh
Tay - chân - miệng: Trong tháng, ghi nhận 02 ca mắc mới (Đăk Hà 01, Đăk Glei 01), bằng so với tháng trước và tăng 02 ca so với tháng 02/2020. Lũy tích đến 28/02/2021, ghi nhận 04 ca mắc (Đăk Hà 03, Đăk Glei 01), không có ca tử vong; tăng 04 ca so với cùng kỳ năm trước.
Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 26 ca mắc (Đăk Tô 09, Đăk Glei 01, Kon Rẫy 07, Kon Plông 02, Tu Mơ Rông 01, Sa Thầy 06), tăng 26 ca so với tháng trước và giảm 50 ca so với tháng 02/2020. Lũy tích đến 28/02/2021, ghi nhận 26 ca mắc, không có ca tử vong; giảm 86 ca so với cùng kỳ năm trước.
Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 02 ca mắc (Đăk Tô 01, Tu Mơ Rông 01), tăng 02 ca so với tháng trước, giảm 25 ca so với tháng 02/2020. Lũy tích đến 28/02/2021, ghi nhận 02 ca mắc, không có ca tử vong; giảm 35 ca so với cùng kỳ năm trước.
Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 02 ca mắc mới (Đăk Tô 01, Ngọc Hồi 01), giảm 06 ca so với tháng trước và giảm 01 ca so với tháng 02/2020. Lũy tích đến 28/02/2021, ghi nhận 10 ca mắc (Đăk Hà 03, Đăk Tô 02, Ngọc Hồi 04, Đăk Glei 01), không có ca tử vong; giảm 07 ca so với cùng kỳ năm trước.
Sốt rét: Trong tháng, không ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích đến 28/02/2021, không có ca tử vong, không có ca mắc sốt rét ác tính; ghi nhận 01 ca mắc (Đăk Hà 01), giảm 04 ca so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, không ghi nhận mắc mới các bệnh: Cúm A (H5N1, H7N9...), hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV), viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19), cúm A(H1N1), bệnh do vi rút Zika, viêm não Nhật Bản, viêm gan vi rút A, bạch hầu, dại, ho gà, sởi, phong.
Phòng chống lao, phong: Tổng số bệnh nhân lao đăng ký điều trị trong tháng 21người (trong đó: Lao phổi AFB (+) 09). Tổng số bệnh nhân phong đang quản lý 179 bệnh nhân (đa hóa trị liệu: 02, giám sát 24 và chăm sóc tàn tật 153 người).
10.6.2. Phòng chống HIV/AIDS
Trong tháng, ghi nhận 04 người mhiễm HIV (xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum 03, chuyển về từ tỉnh Ninh Bình 01) và 01 bệnh nhân HIV chuyển sang giai đoạn AIDS. Tổng số người nhiễm HIV/AIDS: 518 người, trong đó tử vong do HIV/AIDS 192 người và số nhiễm HIV/AIDS còn sống 326 người (đang quản lý được 167). Tổng số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV 131 người (08 trẻ em); điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid 14 người.
10.6.3. An toàn vệ sinh thực phẩm
Tiếp tục tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân năm 2021. Giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các khu vực cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19; hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi chế biến thức ăn cho các khu cách ly tập trung trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Trong tháng xảy ra 08 trường hợp ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ do ăn uống không bảo đảm vệ sinh./.
File đính kèm: Tinh_hinh_KTXH_thang_3_va_quy_I_nam_2021_tinh_Kon_Tum.pdf
Cục Thống kê tỉnh Kon Tum