Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/03/2021-16:02:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2021 tỉnh Lạng Sơn

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh trong Quý I/2021 tương đối ổn định; nông dân đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Đông 2020 - 2021; khẩn trương làm đất, gieo trồng vụ Xuân 2021 đảm bảo đúng thời vụ. Cơ quan chuyên môn chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng cho Nhân dân về cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích, sản lượng các loại cây trồng có tính chất hàng hoá, lợi thế cạnh tranh, giá trị kinh tế cao; kết hợp các biện pháp thâm canh, đưa giống mới, quy trình kỹ thuật sản xuất mới vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng.

1.1. Nông nghiệp

Diện tích gieo trồng vụ Xuân 2021

* Cây ngô: Diện tích gieo trồng trong quý I ước thực hiện: 6.251,99 ha, tăng 0,07% so với cùng kỳ, diện tích trên chủ yếu trồng các huyện: Bắc Sơn, Văn Quan, Lộc Bình phần lớn sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

* Cây khoai lang: Diện tích gieo trồng trong quý I ước thực hiện: 256,69 ha, tăng 0,18% so với cùng kỳ năm trước. Giống cây khoai lang ruột vàng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cho năng suất ổn định, được trồng nhiều nhất ở huyện Lộc Bình.

* Cây mía: Diện tích gieo trồng ước 0,1 ha giảm 80% so với cùng kỳ Diện tích mía ngày càng thu hẹp vì giá trị kinh tế không cao, cây mía trồng chủ yếu để ăn nên người dân không mở rộng diện tích, hiện nay trồng nhiều ở huyện Cao Lộc.

* Cây rau, đậu: Diện tích gieo trồng trong quý I ước thực hiện: 2.368,87 ha, tăng 3,55% so với cùng kỳ, các giống rau chủ yếu là rau diếp, cải các loại, bắp cải, su hào...

* Cây thuốc lá: Diện tích gieo trồng được 253,32 ha, tăng 18,05% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây thuốc lá tăng là do huyện Chi Lăng năm nay bà con trồng tập trung gieo trồng ở vụ Xuân. Năng suất đạt 21,95 tạ/ha, tăng 4,19% so với cùng kỳ, năng suất cây thuốc lá tăng do thời tiết ấm thuận lợi cho cây phát triển. Sản lượng đạt 556,04,10 tấn, tăng 22,99% so với cùng kỳ. Sản lượng cây thuốc lá tăng là do diện tích, năng suất gieo trồng tăng.

Chăn nuôi

Từ đầu năm đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh tương đối thuận lợi, ít đợt rét đậm, rét hại. Người dân tận dụng rơm khô, cỏ khô tích trữ từ đầu vụ Đông làm thức ăn cho trâu, bò, đảm bảo cho đàn trâu, bò có đủ thức ăn trong mùa đông.

* Tổng đàn trâu: Hiện nay, đàn trâu có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu sử dụng sức kéo giảm, xuất bán trâu để đầu tư cho trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, cụ thể: Số con trâu xuất chuồng đạt 6.569 con, tăng 0,98% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 1.560,81 tấn, tăng 0,48% so với cùng kỳ.

* Tổng đàn bò: Do có chính sách hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế, một số chương trình đã được tổ chức và thực hiện có hiệu quả như chương trình Lục lạc vàng, Chương trình xóa đói giảm nghèo đưa bò sinh sản đến các hộ dân nên tổng đàn bò tăng nhẹ so với cùng kỳ. Số con bò xuất chuồng ước đạt 2.027 con tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 388,86 tấn, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, nuôi bò theo hướng nhốt chuồng, vỗ béo lấy thịt đang được người chăn nuôi thực hiện có hiệu quả, theo định hướng phát triển và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

* Tổng đàn lợn: Hiện tại tình hình dịch tả lợn châu Phi đã ổn định, người dân tiếp tục tái đàn trở lại. Số con xuất chuồng ước 97.313,4 con, tăng 7,05% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 7.622,33 tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

* Tổng đàn gia cầm: Tổng đàn gia cầm tăng so với cùng kỳ, một mặt, do nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm tăng vào dịp Tết Nguyên đán, người chăn nuôi tập trung phát triển đàn gia cầm. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Nhà nước về con giống, giúp cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế nên tổng đàn gia cầm tăng cao. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia cầm đạt 4765,35 tấn, tăng 7,29%. Sản lượng trứng gia cầm đạt 14.228,79 nghìn quả, tăng 6,87% do sử dụng giống gà siêu trứng.

1.2. Lâm nghiệp

Phát triển lâm nghiệp

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng, chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng tiếp tục được các chủ rừng thực hiện thường xuyên theo quy chế quản lý của từng loại rừng. Triển khai thực hiện xác định ranh giới ba loại rừng trên bản đồ và trên thực địa, đã hoàn thành công tác khảo sát thiết kế vị trí cắm mốc được 1.435 mốc (đạt 100%), đã sản xuất được 1.228/1.435 mốc (đạt 85,5%), hiện nay đang thi công được 363/1.435 mốc (đạt 25,2% khối lượng) ngoài thực địa.

- Đối với trồng rừng tập trung: Từ đầu năm đến nay đã trồng được 3.811,73 ha, tăng 2% so với cùng kỳ.

Khai thác và thu nhặt lâm sản

- Khai thác gỗ tròn các loại trong quý I ước 33.093,7 m3, tăng 3,7% so cùng kỳ. Khác thác gỗ từ đầu năm tăng cao diện tích trồng rừng sản xuất ngày càng mở rộng do trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, cây lâm nghiệp được trồng chủ yếu là keo, mỡ, bạch đàn; các cơ sở chế biến gỗ ép ngày càng tăng công suất, đáp ứng được đầu ra cho người dân tại địa phương.

- Củi các loại: Ước 286.328,55 ste, giảm 0,44% so cùng kỳ. Do nhu cầu sử dụng củi đun trong sinh hoạt giảm, người dân chuyển sang sử dụng các chất đốt khác thay thế củi như ga, điện... nhằm giảm ô nhiễm môi trường.

1.3. Thủy sản

Nuôi trồng thủy sản

Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai; chuyển từ chăn nuôi quảng canh, tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa có đầu tư đạt hiệu quả kinh tế cao vì giá bán các sản phẩm thủy sản ổn định hơn so với các sản phẩm nông nghiệp khác, rủi ro thấp, dịch bệnh ít xảy ra do được áp dụng phương pháp nuôi an toàn sinh học. Tiến hành thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản vào một số hồ chứa và dự án nuôi cá lồng giống trắm cỏ, chép lai và cá thịt ghép trong ao. Diện tích nuôi cá không sử dụng lồng, bè, bể bồn đến nay ước đạt 1.285,31 ha, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm trước.Trong tháng thả 700.000 con cá chép bột. Tiếp tục thực hiện chăm sóc các ao cá giống và tẩy dọn ao để ươm nuôi vòng tiếp theo.

Khai thác thủy sản

Ước tính khai thác thuỷ sản các loại trong quý I ước đạt 34,2 tấn, tăng 0,33% so với cùng kỳ năm trước, sản phẩm khai thác thủy sản chủ yếu là đánh bắt ở sông, suối, hồ ...

2. Sản xuất công nghiệp

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 năm 2021 so với tháng trước

Nhìn chung, ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động trở lại, khối lượng sản phẩm tăng so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 tăng 10,02%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 12,87%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,35%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 7,03%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 2,06%.

Sản phẩm của công nghiệp khai khoáng như: khai thác than cứng và than non tăng 15,87%, ước đạt 58,36 nghìn tấn; khai khoáng khác (sản phẩm đá xây dựng khác) tăng 9,38%.

Các sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn có chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước, do người lao động tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu về chất lượng, số lượng sản phẩm. Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 38,94% (Công ty cổ phần chè Thái Bình tháng Tết doanh nghiệp tập trung tiêu thụ sản phẩm, sang tháng 3 đầu vụ chè dự tính bắt đầu sản xuất); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 18,22% (tăng chủ yếu ở sản phẩm Xi măng Portland đen và hạt đá mài); sản xuất kim loại tăng 52,76%, sản xuất máy bơm, bút bi, bật lửa ga, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất dụng cụ thể dục thể thao… đều có xu hướng tăng trong tháng 3. Bên cạnh đó, vẫn có sản phẩm có chỉ số giảm như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 24,59% so với tháng trước do Công ty Cổ phần Thương mại Sản xuất Da Nguyên Hồng trong tháng 3 chủ yếu nhận gia công sản phẩm cho đơn hàng trong nước, đơn hàng trong tháng giảm.

Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất tăng 7,03% so với tháng 02/2021, trong đó sản lượng điện sản xuất tăng 8,5% do nhu cầu sử dụng điện của các cơ sở sản xuất kinh doanh tăng; điện thương phẩm giảm 4,29% so với tháng trước.

Ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,06% so với tháng 2/2021. Giảm chủ yếu hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu do qua Tết Nguyên đán lượng rác thải ra giảm so với tháng trước. Công nghiệp khai thác, xử lý và cung cấp nước cung cấp đủ nhu cầu nước sinh hoạt của dân cư.

2.2. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 năm 2021 so với cùng kỳ

So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự phát triển về số lượng và chất lượng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 so với cùng kỳ tăng 7%. Trong đó, công nghiệp khai thác tăng 2,36%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,76%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 8,59%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 7,79% so với cùng kỳ.

Ngành công nghiệp khai khoáng trong tháng 3/2021 so với cùng kỳ không có biến động lớn do sản phẩm tiêu thụ chủ yếu trong nước, nhu cầu sử dụng sản phẩm tương đối ổn định.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số tăng 6,76% so với cùng kỳ, trong đó các sản phẩm từ gỗ có chỉ số sản xuất tăng 41,14% do các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này đã chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh nên đơn hàng sản xuất nhiều, ổn định. Đối với sản phẩm sản xuất da và các sản phẩm có liên quan của Công ty Cổ phần Thương mại Sản xuất Da Nguyên Hồng so với cùng kỳ tăng 19,16% do cùng kỳ năm trước sản phẩm của công ty chủ yếu gia công và xuất khẩu sang Trung Quốc, do dịch bệnh Covid-19, đơn hàng không xuất khẩu được, công ty giảm sản lượng sản xuất, trước những khó khăn về khâu tiêu thụ doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường trong nước và trong tháng 3/2021doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước nên sản lượng sản xuất tăng. Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 35,13%, chủ yếu tăng ở sản phẩm Colophan của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Tân do nhu cầu tăng từ thị trường xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như sản xuất sản phẩm điện tử, công nghiệp chế tạo chế biến khác do những ngành này phụ thuộc lớn vào Trung Quốc về nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động dựa theo đơn đặt hàng, cụ thể: Sản xuất đồ uống giảm 8,03%, ngành sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 30,6%, sản xuất máy bơm giảm 8,88%, ….

Riêng ngành điện, sự tăng giảm sản lượng phụ thuộc vào lệnh điều độ sản xuất của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Sản lượng điện sản xuất tháng 3/2021 tăng 7,39%; điện thương phẩm tăng 20,94% so với cùng kỳ do nhu cầu sử dụng điện phục vụ đời sống ngày càng cao. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của các doanh nghiêp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng nên nhu cầu sử dụng điện tăng.

Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 7,79%. Cụ thể: Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 12,35%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 3,7%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 4,04%.

2.3. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2021 so với cùng kỳ

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2021 tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ với mức tăng toàn ngành công nghiệp: 11,38%. Trong đó: Ngành khai khoáng tăng 8,65%; ngành chế biến, chế tạo tăng 16,99%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 7,47%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,68% so với cùng kỳ.

Công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là khai thác đá các loại, đất sét phục vụ cho sản xuất xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác than nâu phục vụ cho sản xuất điện. Ngoài ra còn khai thác quy mô nhỏ ở một số loại quặng để làm phụ gia cho sản xuất xi măng, sản xuất phân bón, hạt mài và xuất khẩu. Nhu cầu sử dụng từ những ngành tiêu thụ sản phẩm khai khoáng tăng nên sản lượng khai thác khoáng sản tăng.

Đối với ngành công nghiệp chế tạo, chế biến là nhóm ngành chịu tác động lớn từ khi dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020. Một số doanh nghiệp không nhập được linh kiện để sản xuất, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn dẫn đến sản lượng đạt thấp. Sang năm 2021, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt doanh nghiệp nâng cao năng suất tăng sản lượng: khuôn đúc bằng kim loại màu tăng 59,94%; móc khóa tăng 12,48%; bật lửa bỏ túi dùng ga một lần tăng 36,97%; colophan tăng 62,92%... Sản phẩm xi măng portland đen tăng 15,99% chủ yếu do Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành đầy mạnh tiêu thụ nội địa, sản xuất cung ứng cho các công ty, chi nhánh trong tập đoàn, đẩy mạnh công suất sản xuất xi măng.

Một số sản phẩm giảm so cùng kỳ do không có đơn hàng, sản phẩm tiêu thụ chậm như: sản phẩm muối công nghiệp giảm 7,63%; bóng thể thao giảm 34,05%; dụng cụ đo khác giảm 32,02%.

Trong sản xuất và phân phối điện, sản lượng điện sản xuất tăng 6,61%; điện thương phẩm tăng 15,16% so với cùng kỳ.

Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải: nước uống được tăng 9,71%; rác thải không độc hại đã thu gom không thể tái chế tăng 3,99%.

2.4. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 3/2021 giảm 0,02% so với tháng trước và tăng 5,45% so với cùng kỳ. Trong đó: So với cùng kỳ ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động giảm 4,97%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,76% chủ yếu tăng ở lao động khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Công ty cổ phần Kim Loại Màu Bắc Bộ tăng 41,78% lao động để đảm bảo sản xuất); ngành sản xuất và phân phối điện giảm 4,52%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,14%. Bình quân, 3 tháng đầu năm 2021, chỉ số sử dụng lao động tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước.

2.5. Xu hướng sản xuất kinh doanh quý I năm 2021

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên tổng số 35 doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo hỏi về xu hướng kinh doanh. Đánh giá chung về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2021 so với quý trước, có 80% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2021 so với quý IV/2020 của doanh nghiệp tốt lên và giữ ổn định (31,43% doanh nghiệp đánh giá tốt lên và 48,57% doanh nghiệp giữ ổn định), 20% số doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Trong đó, khu vực FDI có 60% doanh nghiệp đánh giá tốt lên và giữ ổn định, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 83,33 đánh giá tốt lên và giữ ổn định.

Dự báo quý II/2021 so với quý I/2021 có 40% số doanh nghiệp cho rằng xu hướng sẽ tốt lên; 8,57% số doanh nghiệp dự báo kém đi và 51,43% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2021: Nhu cầu thị trường trong nước thấp vẫn là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi có tới 68,57% doanh nghiệp cho rằng yếu tố này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cần có những định hướng, chính sách để kích cầu tiêu dùng; đẩy mạnh tuyên truyền và hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường.

3. Đầu tư, xây dựng

3.1. Dự ước vốn đầu tư thực hiện quý I năm 2021

Ngay từ đầu năm, các Sở, ngành tập trung triển khai thực hiện các dự án; đôn đốc chủ động chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các chủ đầu tư chủ động trong công tác chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án xây dựng nông thôn mới ngay sau khi nguồn vốn được phân bổ. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Hoàn thành việc dọn sạch lòng hồ chứa nước Bản Lải để dẫn dòng tích nước.

Sở Công Thương tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn nhà đầu tư để hoàn thành xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương giai đoạn 2 công suất 100 MW hoàn thành vào năm 2025. Tiếp tục quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, hoàn thành phát diện dự án thủy điện Bản Nhùng thuộc huyện Văn Quan, công suất 13 MW vào năm 2022; thủy điện Vằng Puộc thuộc huyện Bình Gia, công suất 14 MW trong năm 2025 và các dự án thủy điện khác.

* Phân theo nguồn vốn:

Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.183,7 tỷ đồng, tăng 6,29% (tương đương tăng 188,5 tỷ đồng) so với cùng kỳ, trong đó:

- Vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn: Thực hiện ước đạt 615,4 tỷ đồng, tăng 1,28% (tương đương tăng 7,8 tỷ đồng) so với cùng kỳ.

- Vốn ngoài Nhà nước: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngoài Nhà nước quý I năm 2021 ước đạt 2550,2 tỷ đồng, tăng 7,58% (tương đương tăng 179,7 tỷ đồng). Trong đó, vốn của các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện đạt 1.279,6 tỷ đồng; vốn đầu tư của khu vực dân cư đạt 1.270,5 tỷ đồng.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn đầu tư trưc tiếp nước ngoài quý I năm 2021 ước đạt 18.2 tỷ đồng tăng 5,82% (tương đương tăng 1tỷ đồng) so với cùng kỳ.

* Phân theo khoản mục đầu tư:

Đầu tư xây dựng cơ bản quý I năm 2021 ước đạt 2684,0 tỷ đồng, chiếm 84,30%; đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản ước đạt 153,3 tỷ đồng, chiếm 6,82%; vốn đầu tư sửa chữa lớn nâng cấp tài sản cố định ước đạt 252,6 tỷ đồng, chiếm 8,21%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động ước đạt 1,0 tỷ đồng, chiếm 0,30%; vốn đầu tư khác đạt 422 triệu đồng, chiếm 0,34% so với tổng vốn đầu tư thực hiện.

3.2. Đăng ký kinh doanh

- Từ đầu năm đến đầu tháng 3/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 73 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 73,80% so với cùng kỳ.

- Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 439,02 tỷ đồng, tăng 19,62% so với cùng kỳ.

- Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động 65 doanh nghiệp, tăng 27,45%, doanh nghiệp thông báo giải thể 42 doanh nghiệp.

4. Tài chính, ngân hàng

4.1. Tài chính[1]

- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện quý I năm 2021 là 2.159.8 tỷ đồng, đạt 37% so với dự toán tỉnh giao, bằng 163,2% so với cùng kỳ năm 2020.Trong đó: Thu nội địa: 759,3 tỷ đồng, đạt 31,8% so với dự toán tỉnh giao, bằng 107,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 1.400 tỷ đồng, đạt 40,6% so với dự toán tỉnh giao, bằng 228,4% so với cùng kỳ năm 2020.

- Về chi ngân sách địa phương

Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện quý I năm 2021 là 2.119.4 tỷ đồng, đạt 19,7% dự toán tỉnh giao đầu năm, bằng 92,6% so với cùng kỳ năm 2020, Trong đó: Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 1.815.6 tỷ đồng, đạt 20,5% dự toán giao đầu năm và bằng 93,9% so cùng kỳ năm 2020; Chi đầu tư phát triển là 351,5 tỷ đồng, đạt 24% dự toán, bằng 87,6% so với cùng kỳ năm 2020; Chi thường xuyên là 1.454 tỷ đồng, đạt 20,1% dự toán, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2020; Chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác là 303,8 tỷ đồng đạt 16,3% dự toán, bằng 85,3% so với cùng kỳ năm 2020.

4.2. Ngân hàng[2]

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn thực hiện tốt Quy chế phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh kịp thời thông tin các giải pháp nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nắm bắt thông tin, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp với ngân hàng để khắc phục tháo gỡ khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19; giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến thời điểm báo cáo, không còn kiến nghị tồn đọng.

Tổng huy động vốn ước thực hiện đến 31/3/2021 là 32.119 tỷ đồng, tăng 2,95 % so với cùng kỳ; tăng 2,60% so với 31/12/2020.

Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước thực hiện đến 31/3/2021 là 33.495 tỷ đồng, tăng 9,51 % so với cùng kỳ; giảm 0,38% so với 31/12/2020.

5. Thương mại và dịch vụ

5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 năm 2021 ước đạt 1.883,66 tỷ đồng, giảm 1,03% so với tháng trước, tăng 27,32% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.644,91 tỷ đồng, tăng 15,34% so với cùng kỳ năm trước.

* Doanh thu chia theo ngành hoạt động:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 3 năm 2021 ước đạt 1.688,69 tỷ đồng, giảm 1,32% so với tháng trước, tăng 26,07% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương và công tác tuyên truyền kịp thời nên các hoạt động trao đổi mua bán, sản xuất, kinh doanh thương mại vẫn hoạt động bình thường, số lượng hóa lưu thông và sức mua của người tiêu dùng tăng mạnh.Trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng khan hiếm hàng hoá, tăng giá đột biến, đảm bảo nguồn hàng cung ứng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, công tác bình ổn giá trên thị trường trong dịp Tết cũng được các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 30/10/2020 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 202; Chỉ thị 06/CT-BTC ngày 21/12/2020 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Dự ước tổng mức bán lẻ quý I/2021 đạt 5.060,42 tỷ đồng, tăng 15,08% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu tăng ở các nhóm ngành hàng hóa sau: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 19,54%; nhóm hàng may mặc tăng 5,51%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,26%; Vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 0,91%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 15,27%; Ô tô các loại tăng 7,53%; Phương tiện đi lại tăng 2,18%; Xăng, dầu các loại tăng 6,37%; nhiên liệu khác tăng 15,2%; Đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 5,71%; Sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng 24,58%; Hàng hóa khác tăng 27,14%.

- Đối với ngành dịch vụ:

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 3 năm 2021 ước đạt 8,97 tỷ đồng, tăng 0,91% so với tháng trước và tăng 39,20% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2021 ước đạt 26,99 tỷ đồng, tăng 14,85% so với quý I/2020.

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 3 năm 2021 ước đạt 144,26 tỷ đồng, tăng 1,21% so với tháng trước và tăng 46,72% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2021 ước đạt 434,44 tỷ đồng, tăng 20,94% so với quý I/2020.

Doanh thu du lịch lữ hành tháng 3 năm 2021 ước đạt 1,07 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 61,13% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2021 ước đạt 2,55 tỷ đồng tăng 2,43% so với quý I/2020.

Doanh thu dịch vụ khác tháng 3 năm 2021 ước đạt 40,67 tỷ đồng, tăng 2,59% so với tháng trước, tăng 17,42% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2021, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 120,51 tỷ đồng, tăng 7,85% so với quý I/2020.

Hầu hết các hoạt động dịch vụ trong quý I/2021 đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Các cửa hàng spa, trung tâm thể dục thẩm mỹ, cửa hàng cắt tóc gội đầu, các quán hát karaoke và dịch vụ sửa chữa đồ dùng cá nhân trong tháng trước và sau Tết Nguyên đán diễn ra bình thường.

5.2. Vận tải

So với cùng kỳ năm trước, doanh thu toàn ngành vận tải tăng cao (tăng 39,45%). Trong đó: Vận tải hàng hóa tăng 55,83%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 46,76%; hoạt động bưu chính, chuyển phát tăng 146,88%; riêng hoạt động vận tải hành khách doanh thu chỉ bằng 88,37% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân hoạt động vận tải trong kỳ tăng, giảm cao so với cùng kỳ:

Do có sự chủ động đối phó với dịch bệnh, nên mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán tương đối ổn định, hoạt động vận tải được duy trì và vẫn theo chu kỳ hằng năm. Tranh thủ doanh nghiệp vận tải một số tỉnh miền Trung, miền Nam thiếu nguồn hàng do dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải trong tỉnh tích cực tìm nguồn hàng (chủ yếu vận chuyển hàng hoá đường dài, sang một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á như: Lào, Campuchia, Thái Lan và một số lái xe là người của tỉnh Lạng Sơn vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại).

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn diễn ra khá sôi động để phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản, hoa quả tăng, trung bình mỗi ngày tại đường chuyên dụng Tân Thanh - Pò Chài xuất hơn 250 xe chở nông sản, chủ yếu là thanh long, dưa hấu, mít ... Hiện tại, trên địa bàn tỉnh thực hiện thông quan hàng hóa tại 07/12 cửa khẩu, gồm: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma và các cửa khẩu phụ: Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình, Pò Nhùng. Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán tại các cửa khẩu từ ngày 11-17/02/2021 (tức từ ngày 30 tháng Chạp năm Canh Tý đến hết mùng 6 tháng Giêng năm Tân Sửu 2021) và thông quan bình thường từ ngày 18/02/2021 (mùng 7 tháng Giêng năm Tân Sửu 2021). Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đã chủ động tăng thời gian làm việc, phối hợp điều tiết, phân luồng phương tiện vận tải, bảo đảm hoạt động thông quan diễn ra thuận lợi, không để xảy ra tình trạng ùn tắc tại khu vực ngoài cửa khẩu. Đồng thời đang tích cực phối hợp giải quyết các xe hàng còn tồn tại bãi ở cửa khẩu phía Tân Thanh (Việt Nam) và Pò Chài (Trung Quốc).

Hiện nay hệ thống đường giao thông kết nối đến các cửa khẩu và cơ sở hạ tầng nhà làm việc của các lực lượng chức năng nhất là các cửa khẩu phụ như Bình Nghi, Nà Nưa, Ba Sơn, Pò Nhùng, Bản Chắt, Nà căng còn thấp kém do vậy chưa thu hút được các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn. Tại một số cửa khẩu phụ, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bến bãi có quy mô tương đối lớn, tuy nhiên lượng hàng hóa, phương tiện vận tải còn hạn chế do chính sách biên mậu của Trung Quốc gây khó khăn cho doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh thấp, thậm chí còn thua lỗ. Nếu cơ sở hạ tầng của một số cửa khẩu phụ được cải thiện, dịch bệnh tiếp tục được khống chế tốt, chính sách biên mậu của Trung Quốc được nới lỏng hơn thì hoạt động vận tải hàng hóa, kinh doanh bến bãi sẽ còn đạt hiệu quả cao hơn.

Riêng đối với hoạt động vận tải hành khách, doanh thu vẫn đạt thấp so với cùng kỳ, mặc dù dự ước tháng 3/2021 doanh thu vận tải hành khách tăng cao hơn tháng cùng kỳ 23,17% ( hầu hết các trường đại học đã cho sinh viên đi học trở lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu và phòng chống dịch), do hiện nay phương tiện cá nhân nhiều, một số địa phương dịch chưa được khống chế hoàn toàn, do vậy tâm lý người dân còn e ngại khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

6. Chỉ số giá

6.1. CPI chung toàn tỉnh tháng 03 năm 2021 giảm 0,33% so với tháng trước; tăng 0,09% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3% so với năm gốc 2019, cụ thể:

a. Một số nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm:

* Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%: Những mặt hàng trong nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng chủ yếu ở các mặt hàng: Giường, tủ, bàn ghế...

* Nhóm giao thông tăng 2,27%: Tính đến 15giờ ngày 12/3/2021 giá xăng A95 là 18.936đ/lít, giá dầu Diezen là 14.459đ/lít. Chỉ số giá chung nhóm nhiên liệu tăng 6,8% so với tháng trước. Giá vé tàu hỏa giảm 12,34%. Giá vé máy bay giảm 4,1%. Các mặt hàng còn lại của nhóm giá ổn định.

b. Một số nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước, cụ thể:

* Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,5%, trong đó:

+ Lương thực giảm 0,17%: Chỉ số giá nhóm lương thực giảm chủ yếu ở nhóm mặt hàng bột mì và ngũ cốc khác trong đó mặt hàng ngô giảm 6,47%, bột mì giảm 3,12% …

+ Thực phẩm giảm 2,1%: Chỉ số giá của các mặt hàng trong nhóm thực phẩm biến động so với tháng trước, cụ thể: (1) Giá thịt gia súc tươi sống giảm 1,14%, (riêng giá thịt lợn giảm 1,25%). Giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường bình quân dao động ở mức từ 128.000đ/kg – 148.000đ/kg (giảm từ 2.000đ/kg – 5.000đ/kg so với tháng trước). Giá thịt lợn giảm kéo theo giá dầu mỡ và chất béo, thịt chế biến giảm. (2) Giá thịt gia cầm tươi sống giảm 0,22%. (3) Giá trứng các loại giảm 1,78%. (4) Giá rau tươi giảm mạnh 8,51%. Giá các loại rau củ trong tháng giảm từ 5.000đ – 7.000đ/kg các loại. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết năm nay thuận lợi, năng suất cao nên sản lượng các loại rau, củ tăng mạnh. Bên cạnh đó tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều người dân ở nhà (chưa đi các công ty) sản xuất nông nghiệp dẫn đến tình trạng thừa nguồn cung ứng sản phẩm.

+ Ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ 0,01%: Do nhu cầu ăn uống của người dân sau Tết Nguyên đán tăng nên các nhà hàng, quán ăn phục vụ dịch vụ ăn uống đều gia tăng đáp ứng nhu cầu ăn uống của người dân.

* May mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,13%: Chỉ số giá nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép giảm với tháng trước chủ yếu giảm ở các mặt hàng như: quần áo ấm, găng tay, bít tất, khăn quàng, mũ... nhu cầu mua sắm những mặt hàng trên thường giảm vào tháng sau tết.

* Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,13%: Chỉ số giá nhóm hàng trên biến động chủ yếu ở một số mặt hàng sau: Giá điện sinh hoạt giảm 1,49%. So với tháng trước nhu cầu tiêu thụ điện của người dân có phần giảm. Giá nước sinh hoạt tăng 0,15%. Giá dầu hỏa tăng 8,2%. Giá gas tăng 1,26%. Các mặt hàng khác trong nhóm giá ổn định.

c. CPI chung toàn tỉnh tháng 03/2021 tăng 0,09% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: (1) Nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 1,47%; (2) Nhóm giao thông tăng 2,88%; (3) Nhóm giáo dục tă ng 0,3%; (4) Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 2,81% ; (5) Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,45%.

d. Quý I năm 2021 CPI chung toàn tỉnh giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: (1) Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,43%; (2) Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,67%; (3) Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,72%; (4) Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,25%; (5) Nhóm giao thông giảm 2,4%; (6) Nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,42%; (7) Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,93%.

6.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

- Chỉ số giá vàng tháng 3/2021 so với tháng trước giảm 2,2% và tăng 15,89% so với cùng kỳ: trong tháng giá vàng thế giới biến động mạnh hơn các tháng trước, thị trường vàng trong nước giao dịch điều chỉnh giá tăng, giảm theo giá thị trường. Quý I/2021 chỉ số giá vàng tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.

- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2021 giảm 0,22% so với tháng trước và tăng 0,47% so với cùng kỳ. Quý I/2021 chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,33% so với cùng kỳ năm trước.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội[3]

Trong Quý I năm 2021, ước tạo việc làm mới cho 4.323 người, đạt 30,8% so với kế hoạch. Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho vay vốn 19,629 tỷ đồng với 427 dự án, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 427 người lao động.

Thẩm định hồ sơ, thông báo chấp thuận vị trí công việc sử dụng người lao động nước ngoài cho 09 doanh nghiệp với tổng số người lao động được chấp thuận là 19 người; Cấp 23 giấy phép lao động, trong đó cấp mới 16 giấy phép, cấp lại 07 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Trung tâm Dịch vụ việc làm: Tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách pháp luật lao động 872 người, số người đăng ký tìm việc làm: 57 người; số người được giới thiệu việc làm: 16 người.

Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp 465 người, 519 người có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng với tổng số tiền chi trợ cấp thất nghiệp theo Quyết định là 7.079 triệu đồng.

7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng[4]

7.2.1. Công tác phòng, chống dịch bệnh

Trong quý I năm 2021, Sở Y tế tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về đảm bảo công tác y tế trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 theo Chỉ thị của UBND tỉnh và Bộ Y tế.

Kết quả thực hiện:

Công tác giám sát dịch bệnh được duy trì thực hiện từ tuyến tỉnh đến huyện, xã; đảm bảo các điều kiện phục vụ công tác thu dung bệnh nhân và cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn về phòng chống dịch, bệnh của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm túc chế độ báo dịch theo quy định. Đến thời điểm hiện nay không có vụ dịch nào xảy ra trên địa bàn tỉnh.

* Công tác phòng, chống dịch COVID-19

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh Covid -19 tại cửa khẩu; duy trì các chốt kiểm dịch; khai báo y tế điện tử, cài đặt mã QR-CODE khai báo y tế và truy vết tại 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Bước đầu thực hiện tổ chức khám sàng lọc, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế.

Phối hợp với Sở Tài chính hoàn việc xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện hướng dẫn liên ngành số 436/HDLN-STC-SYT ngày 26/02/2021 của Sở Tài chính, Sở Y tế về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng chống dịch CoVid-19 tại các trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại lớp học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Tăng cường truyền thông các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; khuyến cáo người dân thực hiện “Thông điệp 5K” và truyền thông kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.

+ Tình hình cách ly tính đến 15h00, ngày 08/3/2021:

- Cách ly tại cơ sở y tế (cộng dồn 792 người): 03 người đang cách ly, 789 người đã hoàn thành cách ly.

- Cách ly tại khu Quân sự (cộng dồn 14.734 người): Hiện có 335 người đang cách ly (Khu vực 2-Trung đoàn 123: 205 người, Khu vực 3-Trung đoàn 123: 130 người) 14.337 người đã hoàn thành cách ly, 43 người Trung Quốc được trao trả về nước, 19 chuyển cách ly tại khách sạn.

- Cách ly tại khách sạn (cộng dồn 10.631 người): 850 chuyên gia Trung Quốc đang cách ly (tổng số nhập cảnh: 35.554 người), 9.776 người đã hoàn thành cách ly, 04 người Trung Quốc được trao trả về nước, 01 người Trung Quốc chuyển cách ly.

- Tổng số người hoàn thành cách ly y tế và cách ly tập trung: 24.902.

+ Tình hình xét nghiệm: Số mẫu xét nghiệm Covid-19: 68.822; kết quả âm tính: 68.626, chờ kết quả: 151; số dương tính: 04 làm xét nghiệm 2 lần (đã điều trị khỏi và hết thời gian theo dõi tại cộng đồng).

* Công tác phòng, chống dịch bệnh khác

Tiếp tục kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm gây dịch; không để dịch lớn xảy ra; không có ca bệnh tử vong do bệnh truyền nhiễm. Trong quí I có 03 bệnh có số mắc tăng[5] và 06 bệnh có số mắc giảm hoặc tương đương so với cùng kỳ[6]

7.2.2. Thực hiện các chương trình mục tiêu Y tế - Dân số

a. Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR)

Thực hiện tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi trên 11 huyện, thành phố. Đảm bảo thực hiện nghiêm quy định, quy trình tiêm chủng. Không có tai biến xảy ra trong tiêm chủng. Cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin và vật tư phục vụ cho TCMR trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin (từ 01/01-28/02/2021) là 1.245/2.232 trẻ đạt 55,8%; thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (năm 2020 đạt 78%). Số trẻ em được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B< 24 giờ là 1.609/1.866 trẻ đạt 86,2%; cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (năm 2020 là 84,5%). Số phụ nữ có thai tiêm đủ AT2+ là 878/1.866 người đạt 43,7% (chỉ tiêu giao >80%); thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (năm 2020 là 67,7%).

b. Phòng chống HIV/AIDS

Tổng số mẫu xét nghiệm: 7.547 mẫu, trong đó số mẫu xét nghiệm dương tính: 04 mẫu; Số HIV mới phát hiện được quản lý: 04 (03 nam; 01 nữ); Số chuyển AIDS: 04 (02 nam; 02 nữ); Số tử vong: 01 (01 nam); Số trẻ em mới phát hiện: 0. Tổng số xã, phường có người nhiễm HIV trong toàn tỉnh là 139/200 xã, phường, thị trấn. Lũy tích các trường hợp nhiễm HIV là 3.062 trường hợp, trong đó số còn sống là: 935 (524 nam, 411 nữ); số bệnh nhân quản lý được tư vấn, chăm sóc tại nhà và cộng đồng: 868/935 người người, đạt 92,8%; trong đó số bệnh nhân hiện đang quản lý và dùng thuốc ARV: 738 bệnh nhân (715 bệnh nhân điều trị tại tỉnh; 23 bệnh nhân đang điều trị ở ngoại tỉnh), trong đó: 719 bệnh nhân người lớn; 16 trẻ em <15 (04 trẻ > 15 tuổi). Duy trì 10 cơ sở điều trị và 9 điểm cấp phát thuốc trên địa bàn tỉnh. Tổng số bệnh nhân đang điều trị tính đến ngày 28/02/2021: 1.606/1.650 bệnh nhân, đạt 97,33% so với chỉ tiêu giao.

c. Dự án Dân số và Phát triển

Số trẻ mới sinh trong quí I là 2.845 trẻ mới sinh, trong đó trẻ nam là 1.520; trẻ nữ là 1.325 (tỷ số giới tính khi sinh 114,7/100). Trẻ mới sinh là con thứ 3 trở lên là 270 trẻ chiếm 9,5%. Tổng số người sử dụng biện pháp tránh thai: 52.383/51.000 = 102,7%[1], tương đương so với cùng kỳ 2020. Duy trì các mô hình, đề án về cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số.

d. Dự án An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)

Trong quý I/2021 không có vụ ngộ độc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được 03 đợt, với tổng số 34 người. Phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức 01 lớp tập huấn phổ biến kiến thức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho 90 người là Chi hội trưởng chi hội phụ nữ tham gia. Kiểm tra đột xuất đối với 03 cơ sở thực phẩm. Xử phạt vi phạm hành chính 01 cơ sở, số tiền 30.000.000đ. Kiểm tra liên ngành ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu trên địa bàn tỉnh: Tổng số cơ sở thực phẩm được kiểm tra: 2144 ; số cơ sở vi phạm: 264 cơ sở (chiếm 12,3 %); số cơ sở vi phạm bị xử phạt VPHC: 111 cơ sở; số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 93.775.000 đồng. Tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Y tế quản lý được kiểm tra: 1.217/3.174 cơ sở (đạt 38,3% kế hoạch giao). Cấp giấy Chứng nhận cơ sở Đủ điều kiện ATVSTP: 06 cơ sở. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm: 05 sản phẩm.

7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch[7]

7.3.1. Hoạt động văn hóa

Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa: Xây dựng báo cáo công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của Người Việt; khảo sát hiện trạng thôn Pò Kít, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng điểm du lịch cộng đồng; tham gia ý kiến việc tôn tạo cảnh quan lũy Ải Chi Lăng; cho ý kiến việc sửa chữa Lầu Cô Sáu tại di tích Đền Chầu Lục, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng.

Hoạt động bảo tàng: Tổ chức thành công cuộc triển lãm chuyên đề “Đảng Cộng sản Việt Nam - Từ Đại hội đến Đại hội” chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kỷ niệm 91 năm thành lập Đảng (03/2/1930 - 03/02/2021); Lập hồ sơ di tích đình Đồng Bụt, xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng trình xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2021; hoàn thành thủ tục tiếp nhận 45 hiện vật gốc, 22 hiện vật phục chế, 70 tư liệu lịch sử cách mạng (1.576 trang), 353 file ảnh; 36 tài liệu chuyên môn.

Mở của nhà trưng bày, phòng triển lãm chuyên đề đón tiếp 4.214 lượt khách tham quan.

Hoạt động chiếu phim: Các đội chiếu bóng lưu động thực hiện được 406/1.670 buổi chiếu (đạt 24,31% kế hoạch năm), 2.786 lượt tuyên truyền, phục vụ 39.280 lượt người xem phim và nghe tuyên truyền đến được 62 lượt xã, 406 lượt thôn. Trong đó: Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 được 12 buổi, đến 12 lượt xã, phục vụ khoảng 6.000 người nghe tuyên truyền; Rạp Đông Kinh: Luôn chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, quảng cáo bằng pa nô và trang thông tin điện tử, xe ô tô; hợp đồng được những phim hay, hợp thị hiếu, tăng suất chiếu để tăng doanh thu; chủ động tiếp thị với các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp, các trường học... trên địa bàn thành phố để tổ chức xem phim tập thể. Đồng thời, cũng trong quý I năm 2021, Rạp Đông kinh đã thực hiện được 85 suất chiếu, 21phim (06 phim Việt Nam, 15 phim nước ngoài), phục vụ 345 lượt người, doanh thu đạt 31.000.000 đồng.

Hoạt động thư viện: Tiếp nhận và xử lý nghiệp vụ sách từ nguồn biếu tặng được 50 tên sách; 100 bản sách; xử lý kỹ thuật sách được bổ sung từ các nguồn biếu tặng, xử lý kho báo, xử lý sách ngoại văn; xây dựng cơ sở dữ liệu sách, tổng số có 40.669 biểu ghi (nhập mới 534 biểu ghi); cơ sở dữ liệu trích báo đạt tổng số: 11.315 biểu ghi (Trong đó nhập mới 150 biểu ghi); số hóa tài liệu được 400 trang; phục vụ trên 28.300 lượt độc giả; luân chuyển 63.590 lượt sách; độc giả truy cập thư viện điện tử đạt 23.550 lượt; cấp mới và đổi 86 thẻ (trên tổng số 4.422 thẻ).

7.3.2. Hoạt động thể dục, thể thao

Duy trì các hoạt động tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện vận động viên năng khiếu, tập huấn đội tuyển tham dự các giải thi đấu thể thao khu vực và toàn quốc. Tổ chức tuyên truyền phòng, chống bệnh Covid-19 cho vận động viên trong các buổi tập luyện và sinh hoạt; xây dựng kế hoạch tập huấn và thi đấu giải Vô địch Cup Kick boxing; giải vô địch Wushu quốc gia, giải vô địch Muay toàn quốc năm 2021 và Giải vô địch Cử tạ Thanh thiếu niên quốc gia năm 2021.

7.3.3. Hoạt động du lịch

Tổng lượng khách du lịch trong tháng 3/2021 đạt 310.450 lượt khách. Trong đó:

- Khách quốc tế đạt 568 lượt khách.

- Khách trong nước đạt 309.882 lượt khách.

7.4. Giáo dục[8]

Trong tháng 3 năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực thực hiện xây dựng các dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, Nghị quyết Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tổ chức thành công các cuộc Hội nghị tập huấn, hội thảo về thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6. Tiếp tục triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của tỉnh, văn bản hướng dẫn của ngành tới các đơn vị trực thuộc. Chỉ đạo về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.

7.5. Trật tự - An toàn giao thông[9]

Ban An toàn giao thông phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền. Lực lượng cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải tăng cường, tập trung kiểm tra các phương tiện vận tải, xe quả tải trọng xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ và các bến xe, đặc biệt là tuyến quốc lộ 1 đi qua địa bàn tỉnh.

Trong tháng 3, đã xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, không có người chết và bị thương. Cộng dồn 03 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, hậu quả làm chết 08 người (giảm 02 người so với cùng kỳ) và bị thương 02 người (giảm 02 người so với cùng kỳ). Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng chất kích thích, ý thức chấp hành luật giao thông kém, không làm chủ được tốc độ...

7.6. Môi trường

Trong tháng 3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 09 vụ cháy, giá trị thiệt hại ước tính khoảng 1.225 triệu đồng; không có vi phạm môi trường. Lũy kế 3 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ cháy, không thiệt hại về người, ước tổng thiệt hại khoảng 1.925 triệu đồng.

7.7. Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng 3 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không xảy ra thiệt hại do thiên tai; quý I năm 2021, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra 01 vụ thiệt hại do sương muối, sương mù, rét hại. Số gia súc bị chết: 18 (con). Ước tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh trên 39 triệu đồng.

[1] Nguồn: Sở Tài chính

[2] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn

[3] Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.

[4] Nguồn: Sở Y tế.

[5] Bệnh do virut Adeno 82 (tăng 21 ca); Lỵ trực trùng 05 (tăng 03 ca); Quai bị 44 (tăng 34 ca).

[6] Sởi 0 ca (giảm 02 ca); Tay chân miệng 0 ca (giảm 03 ca); Cúm 1.357 ca (giảm 157 ca); Thủy đậu 77 ca (giảm 13 ca); Tiêu chảy 517 ca (giảm 41 ca); Viêm gan virut khác 02 ca (giảm 04 ca).

[7] Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh.

[8] Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo

[9] Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh


File đính kèm:
Tinh_hinh_KTXH_quy_I_nam_2021_tinh_Lang_Son.pdf

Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

    Tổng số lượt xem: 620
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)