I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
Tháng Bảy sản xuất nông nghiệp với nhiệm vụ trọng tâm là tập trung thu hoạch cây trồng vụ đông xuân và gieo trồng vụ mùa; chăn nuôi phát triển tương đối ổn định, tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có tăng so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục tập trung vào công tác phòng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng và đẩy mạnh khai thác gỗ ở những diện tích rừng đã đến tuổi khai thác. Sản lượng thủy sản giảm so với cùng kỳ năm trước.
1. Nông nghiệp
Cây hàng năm
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 7 chủ yếu thu hoạch các cây trồng vụ đông xuân, đồng thời đẩy nhanh tiến độ làm đất gieo trồng vụ mùa và chăm sóc các loại cây trồng sớm. Tình hình thời tiết trong tháng nắng nóng kéo dài thuận lợi cho công tác thu hoạch, phơi khô bảo quản sản phẩm của người dân nhưng làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng vụ mùa.
Ước tính đến ngày 15/7, toàn tỉnh thu hoạch được 2.815,3 ha lúa đông xuân tăng 6,43% so với cùng kỳ năm trước và bằng 77,5% so với diện tích gieo trồng; ngô xuân thu hoạch được 19.870,28 ha, tăng 1,08% và bằng 76,8% so với diện tích gieo trồng; khoai lang thu hoạch được 232,27 ha, giảm 0,06%; đậu tương thu hoạch được 547,44 ha, giảm 0,62%; lạc thu hoạch được 296,61 ha, tăng 3,48%; rau các loại thu hoạch được 1.632,87 ha, tăng 2,29%. Bên cạnh công tác thu hoạch thì bà con nông dân vẫn đang khẩn trương gieo trồng các cây trồng vụ mùa như: Lúa, ngô, lạc, đỗ tương, rau màu các loại đảm bảo đúng kế hoạch mùa vụ.
Ước tính vụ mùa cây lúa gieo trồng được 15.091,82 ha, giảm 3,01% hay giảm 468,63 ha so với cùng kỳ năm trước; cây ngô trồng được 9.418,4 ha, giảm 2,76% hay giảm 267,1 ha; cây lạc trồng được 305,27 ha, tăng 3,35% hay tăng 9,89 ha; cây đỗ tương gieo trồng được 607,5 ha, tăng 1,51% hay tăng 9,05 ha; rau các loại trồng được 85,51 ha, tăng 2,46% hay tăng 2,05 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng lúa, ngô giảm so cùng kỳ năm trước do sau thu hoạch vụ đông xuân thời tiết nắng nóng kéo dài, khô hạn không chủ động được nguồn nước làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng.
Kết quả sơ bộ vụ đông xuân
Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 37.667,32 ha, tăng 1,26% hay tăng 470,04 ha so chính thức vụ đông xuân năm 2020. Diện tích tăng chủ yếu ở cây ngô, rau các loại và cây hàng năm khác (cỏ voi)... Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho các cửa khẩu hạn chế xuất nhập khẩu hàng hóa nên người dân đi làm bốc vác và sang Trung Quốc làm thuê giảm, vì vậy người dân quay trở lại đầu tư sản xuất nông nghiệp nhằm ổn định kinh tế gia đình.
Diện tích lúa đông xuân gieo trồng được 3.632,57 ha, giảm 0,17% hay giảm 6,04 ha so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,3% so với kế hoạch; diện tích giảm do đầu vụ thời thiết khô hạn, thiếu nước sản xuất nhiều diện tích lúa ruộng xa nguồn nước người dân không chủ động khâu làm đất gieo cấy; một số chuyển sang trồng các loại cây khác như đào, nho, … và xây dựng công trình cơ sở hạ tầng như khu du lịch sinh thái.
Cây ngô trồng được 25.862,46 ha, tăng 0,26% hay tăng 66,51 ha so cùng vụ năm trước và tăng 2,81% so với kế hoạch; ngô được coi là cây trồng chính vụ đông xuân, dễ trồng, sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh vì vậy bà con nông dân gieo trồng hết diện tích và tận dụng một số diện tích lúa, đỗ tương, lạc… không gieo trồng được chuyển sang trồng ngô.
Cây thuốc lá là cây trồng trọng điểm của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân vì vậy mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm là yêu cầu cấp bách đảm bảo cho việc phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững. Vụ đông xuân năm 2021 cây thuốc lá trồng được 3.054 ha, tăng 0,93% hay tăng 28,23 ha so với cùng kỳ; diện tích tăng chủ yếu ở Hà Quảng (+26,4 ha) do năm nay việc cam kết thu mua sản phẩm cũng như việc đầu tư, hỗ trợ bà con nông dân được cải thiện, tạo tâm lý an tâm sản xuất cho bà con nông dân vùng trồng nguyên liệu.
Cây lạc trồng được 301,81 ha, giảm 5,48% hay giảm 17,49 ha, diện tích giảm là do đầu vụ khô hạn làm tiến độ gieo trồng muộn hơn so với thời vụ nên chuyển sang trồng cây hàng năm khác. Cây đỗ tương trồng được 547,96 ha, giảm 9,93% hay giảm 60,43 ha do đỗ tương hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều hộ có hướng giảm diện tích để tăng diện tích các loại cây khác. Các loại cây khác như khoai lang trồng được 183,85 ha, tăng 11,7% so với cùng kỳ; rau các loại diện tích gieo trồng được 2.178,95 ha, tăng 3,8% hay tăng 79,76 ha.
Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân năm 2021 ước đạt 123.126,77 tấn, tăng 1,6% hay tăng 1.940,34 tấn so cùng vụ năm trước, so kế hoạch tăng 3,54% hay tăng 4.110,07 tấn. Năng suất và sản lượng một số cây trồng chính vụ đông xuân như sau: Cây lúa, năng suất bình quân ước đạt 51,54 tạ/ha, tăng 0,29% hay tăng 0,15 tạ/ha so với cùng vụ năm trước; sản lượng ước đạt 18.722,45 tấn, tăng 0,13% hay tăng 24,38 tấn. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm nhưng năng suất, sản lượng tăng hơn so với năm trước do bà con nông dân lựa chọn các giống lúa chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, kết hợp nhiều đợt bón phân cân đối, phun thuốc diệt trừ sâu bệnh gây hại đúng thời điểm vì vậy cây lúa phát triển tốt. Cây ngô, năng suất ước đạt 40,36 tạ/ha, tăng 1,61% so với cùng kỳ và đạt 101,87% so với kế hoạch; sản lượng ước đạt 104.385,85 tấn, tăng 1,87% so cùng kỳ và đạt 103,97% so với kế hoạch. Thuốc lá, năng suất ước đạt 25,34 tạ/ha, tăng 4,37% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 7.740,29 tấn, tăng 5,36% hay tăng 394,11 tấn. Cây đỗ tương, năng suất ước tính đạt 8,40 tạ/ha, tăng 2,94% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 460,46 tấn, giảm 7,28% hay giảm 36,14 tấn do diện tích gieo trồng giảm. Cây lạc, năng suất ước đạt 13,2 tạ/ha, giảm 3,01% so cùng vụ năm trước; sản lượng ước đạt 398,49 tấn, giảm 8,3% hay giảm 36,09 tấn. Rau các loại, năng suất ước đạt 89,55 tạ/ha, tăng 2,82% hay tăng 2,46 tạ/ha; sản lượng ước đạt 19.512,59 tấn, tăng 6,73% hay tăng 1.230,58 tấn so với cùng vụ năm trước.
Cây lâu năm
Trong tháng, các hộ gia đình tiếp tục thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường như chuối, dứa, đu đủ, thanh long, chanh, ổi, nhãn… Đồng thời, đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc các loại cây vừa thu hoạch xong, loại bỏ những cây già cỗi, cho năng suất thấp, sản phẩm kém chất lượng và trồng mới một số diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn như bưởi, mít, na, xoài… Cây ăn quả của địa phương chủ yếu là được trồng phân tán, phần lớn chỉ phục vụ cho gia đình, khối lượng sản phẩm trao đổi trên thị trường không nhiều.
Tình hình sâu bệnh hại cây trồng
Trong tháng thời tiết ngày nắng nóng, đêm có sương mù nhẹ tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển và gây hại như: Bệnh sâu đục thân bông bạc, sâu cuốn lá nhỏ, ốc bươu vàng trên cây lúa; bệnh châu chấu tre, sâu keo, bệnh khô vằn trên cây ngô. Trên cây ăn quả sâu đục cành, nhện đỏ, rệp sáp, bệnh phấn trắng, bệnh thán thư… tiếp tục gây hại. Các ngành chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng và khuyến cáo kịp thời người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng.
Chăn nuôi
Trong tháng tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định; đàn gia súc, gia cầm được người dân đầu tư chăm sóc, phòng ngừa và chữa trị các loại bệnh thông thường nên tổng đàn hiện có tăng so với cùng kỳ năm trước. Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò tiếp tục phát sinh thêm các ổ dịch mới do một số nơi người dân còn chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh; nhận định trong thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục theo chiều hướng phức tạp vì vậy các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương khoanh vùng, kiểm soát, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không để phát sinh thêm ổ dịch mới.
Tổng đàn trâu hiện có 101.879 con, tăng 0,48% hay tăng 491 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò hiện có 109.825 con, tăng 1,79% hay tăng 1.934 con; tổng số lợn hiện có 291.418 con, tăng 6,8% hay tăng 18.564 con; tổng số gia cầm hiện có 2.971 nghìn con, tăng 3,74% hay tăng 107,11 nghìn con so với cùng kỳ năm trước
Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 7 đạt 133,9 tấn, giảm 1,93%; lũy kế từ đầu năm 1.026,06 tấn, giảm 0,44% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò hơi xuất chuồng đạt 158,56 tấn, giảm 2,29%, lũy kế từ đầu năm 1.245,2 tấn, tăng 2,01%. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng tháng 7 giảm do một số địa phương như Bảo Lâm, Bảo Lạc… dừng hoạt động mua bán và trao đổi trâu, bò trên thị trường để phòng chống dịch bệnh. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 1.844,16 tấn, tăng 3,1%, lũy kế từ đầu năm 14.960,8 tấn, tăng 2,75%; thịt gia cầm các loại 517,65 tấn, tăng 1,03%, lũy kế từ đầu năm 3.517,69 tấn, tăng 0,64%; sản lượng trứng gia cầm các loại 2.151,21 nghìn quả, tăng 0,26%, lũy kế từ đầu năm 21.278,3 nghìn quả, tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm đến ngày 11/7/2021, trên toàn tỉnh có 6.429 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục, chết 389 con (tháng 7 chết 247 con), xảy ra tại 634 thôn/xóm thuộc 132 xã/phường/thị trấn trên địa bàn 10 huyện, thành phố; dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 134 thôn/xóm thuộc 62 xã/phường, thị trấn trên 10 huyện, thành phố làm mắc và tiêu hủy 2.491 con của 456 hộ chăn nuôi với hơn 118 tấn (tháng 7 làm mắc và tiêu hủy 1.344 con) các ngành chức năng phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật. Các dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại một số địa phương, lũy kế từ đầu năm làm chết 64 con trâu, bò (tháng 7 chết 10 con); 98 con lợn (tháng 7 chết 20 con); 2.624 con gia cầm các loại (tháng 7 chết 635 con).
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tháng 7 tập trung kiểm tra, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo và đôn đốc thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản và chặt phá rừng trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình; tuy nhiên, trong tháng do thời tiết nắng nóng kéo dài đã xảy ra 01 vụ cháy rừng tại huyện Hòa An với diện tích 0,08 ha. Diện tích rừng bị chặt phá là 3,94 ha tại các huyện: Bảo Lạc, Thạch An, Nguyên Bình, Hòa An.
Ước tính diện tích trồng rừng mới trong tháng là 207,52 ha, tăng 37,67% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm là 1.875,21 ha, giảm 2,61%; sản lượng gỗ khai thác ước tính khoảng 3.238,96 m3, tăng 65,62% so cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm là 14.780,96 m3, tăng 7,97%; sản lượng củi khai thác khoảng 71.022,6 Ste, giảm 0,09% so cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 427.391,6 Ste, tăng 0,14%.
3. Thuỷ sản
Trong tháng 7, nuôi trồng và khai thác thủy sản vẫn duy trì ổn định, các hộ gia đình tập trung vào chăm sóc diện tích nuôi trồng và diện tích mới thả giống, đồng thời khai thác tỉa những diện tích thả gối vụ từ cuối năm 2020. Việc đánh bắt các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt còn thấp do người dân dùng những phương tiện thô sơ để đánh bắt và chủ yếu mang tính chất phục vụ gia đình. Tổng sản lượng thủy sản tháng 7 ước tính đạt 35,55 tấn, giảm 0,57% hay giảm 0,21 tấn so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 301,09 tấn, tăng 14,71% hay tăng 38,6 tấn, trong đó: Sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 9,2 tấn, tăng 1,71% hay tăng 0,15 tấn, lũy kế từ đầu năm 66,59 tấn, tăng 30,19% hay tăng 15,44 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 26,35 tấn, giảm 1,35% hay giảm 0,36 tấn, lũy kế từ đầu năm 234,5 tấn, tăng 10,96% hay tăng 23,16 tấn.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 có phần khởi sắc hơn và sôi động trở lại sau đợt dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 4 ở các tỉnh miền Bắc được khoanh vùng, kiểm soát tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 ước tính tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 0,69% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 3,06%; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,01%.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 7/2021 ước tính tăng 28,28% so với tháng trước và tăng 5,56% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 14,15%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,25%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,06%; riêng ngành khai khoáng giảm 13,15% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng giảm 0,69% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 3,06%, số giảm chủ yếu ở ngành khai khoáng khác, giảm 24,36%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,01%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 1,89%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,55%.
Trong 7 tháng năm 2021, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước: Cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 17,86%; quặng manggan và tinh quặng manggan tăng 8,67%; điện thương phẩm tăng 4,93%; nước uống được tăng 2,23%; điện sản xuất tăng 1,14%. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Xi măng giảm 53,32%; cát tự nhiên giảm 46,49%; chiếu trúc, chiếu tre giảm 23,12%; gạch xây giảm 11,41%; đá xây dựng giảm 9,75%; sản phẩm in khác giảm 8,38%; manggan và các sản phẩm của manggan giảm 7,05%...
III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 7 năm 2021 thực hiện được 225,3 tỷ đồng, tăng 23,35% so với tháng trước, bằng 77,85% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 208,8 tỷ đồng, tăng 25,64%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 16,5 tỷ đồng, tăng 0,28% so với tháng trước.
Các công trình thực hiện trong tháng có khối lượng lớn thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước: Kè bờ trái sông Hiến; kè chống sạt lở, ổn định dân cư bờ trái sông Bằng - Thành phố Cao Bằng; kè chống sạt lở bờ sông Bắc Vọng, xã Cách Linh, Đại Sơn Phục Hòa; Cầu và đường dẫn Tà Lùng, Nà Thắm, Mỹ Hưng Phục Hòa; Đường 208 từ Thị trấn Đông Khê, Thạch An - Cách Linh, Triệu Ẩu, Phục Hòa - Thanh Nhật, Hạ Lang - Chí Viễn, Trùng Khánh...
Trong tháng, các dự án khởi công mới vẫn còn ít, chủ yếu thực hiện các công trình chuyển tiếp. Thời tiết trong tháng thuận lợi cho các công trình thi công, tuy nhiên giá mặt hàng sắt thép vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá xăng dầu có xu hướng tăng đã ảnh hưởng đến các công trình thực hiện hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, nhiều doanh nghiệp tạm giãn tiến độ thi công chờ thị trường vật liệu xây dựng bình ổn, giảm giá.
Tính chung 7 tháng năm 2021, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện được 961,68 tỷ đồng, giảm 20,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 872,25 tỷ đồng, giảm 19,91%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 89,43 tỷ đồng, giảm 24,77% so với cùng kỳ năm 2020.
IV. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên cả nước, tuy nhiên tỉnh Cao Bằng là một trong số ít tỉnh đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận ca dương tính với Covid-19. Hoạt động ăn uống, lưu trú, du lịch lữ hành và vận tải tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh; hoạt động thương mại, kinh doanh được duy trì đáp ứng nhu cầu của người dân.
1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 năm 2021 ước đạt 750,76 tỷ đồng, tăng 3,84% so với tháng trước và tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 612,95 tỷ đồng, tăng 3,36% so với tháng trước và tăng 4,62% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ doanh thu đều tăng so với tháng trước, một số nhóm tăng cao như: Nhóm hàng may mặc tăng 3,13%; nhóm vật phẩm, văn hoá, giáo dục tăng 8,6%; nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 3,95%; nhóm xăng dầu các loại tăng 6,4%; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 4,93%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 3,84%; nhóm hàng hóa khác tăng 3,22%; nhóm sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 5,66%.
Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 97,84 tỷ đồng, tăng 6,75% so với tháng trước và giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 0,3 tỷ đồng, tăng 3,16% so với tháng trước và giảm 63,05% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 39,67 tỷ đồng, tăng 4,34% so với tháng trước và giảm 2,79% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.045,69 tỷ đồng, tăng 9,47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.118,7 tỷ đồng, tăng 10,84%; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 646,29 tỷ đồng, tăng 2,76%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,58 tỷ đồng, giảm 20,22%; doanh thu hoạt động dịch vụ khác đạt 278,12 tỷ đồng, tăng 6,42%.
2. Hoạt động xuất nhập khẩu
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn quản lý tháng 7 năm 2021 ước tính đạt 133,5 triệu USD, tăng 63% so với tháng trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8,6 triệu USD, giảm 65%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 104,8 triệu USD, tăng 167%; trị giá hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan đạt 20,1 triệu USD, tăng 11% so với tháng trước.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hàng thủy sản ước đạt 11,4 triệu USD, tăng 5%; hàng rau quả ước đạt 4,2 triệu USD, giảm 5%; nhân hạt điều ước đạt 9,9 triệu USD, giảm 37%; cà phê ước đạt 0,079 triệu USD, tăng 33%; hạt tiêu ước đạt 4,0 triệu USD, tăng 13%.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Than các loại 4,9 triệu USD, giảm 47%; gỗ và sản phẩm gỗ 0,359 triệu USD, giảm 36%; vải các loại 1,9 triệu USD, giảm 25%.
3. Hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 7 năm 2021 ước đạt 24,95 tỷ đồng, tăng 7,43% so với tháng trước và tăng 12,69% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng năm 2021, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ vận tải ước đạt 177,91 tỷ đồng, tăng 17,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu hoạt động vận tải hành khách đạt 42,62 tỷ đồng, tăng 2,65%; doanh thu hoạt động vận tải hàng hóa đạt 131,75 tỷ đồng, tăng 28,35%; doanh thu hoạt động kho bãi đạt 3,55 tỷ đồng, giảm 55,21% so với cùng kỳ năm 2020.
Vận tải hành khách
Ước tính tháng 7 năm 2021 vận chuyển hành khách đạt 88,65 nghìn lượt hành khách, tăng 10,33% so với tháng trước, giảm 25,73% so với cùng kỳ năm trước; ước tính hành khách luân chuyển đạt 5,11 triệu HK.Km, tăng 3,7% so với tháng trước, giảm 20,38% so với cùng kỳ năm 2020.
Vận tải hành khách trong 7 tháng năm 2021 ước tính đạt 816,5 nghìn hành khách và đạt 48,07 triệu HK.Km, so với cùng kỳ năm trước số hành khách vận chuyển giảm 2,66% và số hành khách luân chuyển tăng 4,93%.
Vận tải hàng hoá
Dự ước vận chuyển hàng hóa tháng 7 năm 2021 đạt 142,04 nghìn tấn hàng hóa và luân chuyển hàng hóa đạt 4,02 triệu tấn.km, so với tháng trước tăng 9,52% hàng hóa vận chuyển và tăng 30,02% hàng hóa luân chuyển. So với cùng kỳ năm 2020 tăng 32,03% hàng hóa vận chuyển và tăng 41,32% hàng hóa luân chuyển.
Tính chung 7 tháng năm 2021, vận tải hàng hóa ước tính đạt 1.210,11 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 16,63%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 26,12 triệu tấn.km, tăng 23,56% so với cùng kỳ năm trước.
V. TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG
1. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 7 năm 2021 duy trì tiến độ. Thu ngân sách tăng khá so với cùng kỳ năm trước; chi ngân sách tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo hoạt động chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/7/2021 ước tính đạt 829.049 triệu đồng, bằng 121% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 703.821 triệu đồng, bằng 118%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 122.228 triệu đồng, bằng 145%. Trong thu nội địa, ngành thuế thu 650.696 triệu đồng, chiếm 92,5% tổng thu, thu khác ngân sách 53.125 triệu đồng, chiếm 7,5%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/7/2021 ước tính đạt 3.440.677 triệu đồng, bằng 85% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chi thường xuyên đạt 2.966.136 triệu đồng, bằng 96%; chi đầu tư phát triển 472.347 triệu đồng, bằng 49%; chi trả nợ lãi 893 triệu đồng, bằng 214% so với cùng kỳ năm trước.
2. Hoạt động tín dụng ngân hàng
Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ ngân hàng và nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền… cho các đối tượng khách hàng theo quy định. Nguồn vốn huy động tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vốn hợp pháp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Mặt bằng lãi suất huy động cho vay giảm nhẹ so với năm trước, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi biến động từ 0,1%-6,99% trên 1 năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên biến động từ 4,5%-10%; lãi suất cho vay kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7,5%-13% trên 1 năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói.
Tổng vốn quản lý và huy động trên địa bàn ước tính đến 31/7/2021 đạt 23.470 tỷ đồng, tăng 2,8 % hay tăng 669 tỷ đồng so đầu năm, trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 20.410 tỷ đồng, chiếm 87,5% tổng nguồn vốn và tăng 2,6% hay tăng 538 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 3.060 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng nguồn vốn, tăng 4,5% so với đầu năm.
Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 30/6/2021 ước đạt 12.360 tỷ đồng, giảm 148 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ xấu 86 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ và tăng 9,2 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2020. Nợ xấu tăng so với đầu năm do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế xã hội, nhiều khách hàng chưa hồi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính gặp khó khăn.
Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực, thanh khoản tốt, tỷ giá ngoại tệ diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng.
VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Trước tình hình dịch Covid-19 trong nước diễn biến ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều ca mắc và chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19; siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Tính đến 6h ngày 20/7/2021, tỉnh Cao Bằng chưa ghi nhận, phát hiện trường hợp nào nghi ngờ mắc Covid-19, các trường hợp cách ly đều chưa có biểu hiện viêm đường hô hấp, sức khỏe ổn định.
Về hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19: Tính từ ngày 14/6-18/7, toàn tỉnh tiêm chủng vắc xin Astrazeneca cho 10.229 người, trong đó có 7.798 người đã tiêm 2 mũi, còn 2.431 người đã tiêm mũi 1, chưa đủ thời gian tiêm mũi 2; Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Sinopharm cho 1.997 người, tất cả các trường hợp tiêm đều an toàn.
Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: Trong tháng ghi nhận 02 ca Rubella, 02 ca uốn ván khác tại huyện Trùng Khánh, 04 ca viêm não virut khác, không có trường hợp tử vong. Ngoài ra, ghi nhận một số bệnh dịch lưu hành tại địa phương như: Tay - chân - miệng 03 ca; Cúm thông thường 448 ca; Tiêu chảy 451 ca; Thủy đậu 08 ca; Quai bị 06 ca, bệnh do vi rút Adeno virus 46 ca… Các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện, điều trị và xử lý kịp thời, không có tử vong.
Trong tháng phát hiện 01 trường hợp nhiễm mới HIV, 03 người nhiễm HIV/AIDS tử vong, không có trường hợp mới chuyển AIDS.
Về việc thực hiện chương trình cai nghiện Methadone tính đến 12/7/2021, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số bệnh nhân đang điều trị là 1.448 người.
Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
2. Thiệt hại do thiên tai
Từ ngày 15/6/2021 đến ngày 14/7/2021 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 02 đợt thiên tai. Thiên tai làm 01 nhà bị hư hại; 15,85 ha lúa bị thiệt hại; 1,59 ha hoa màu bị thiệt hại; các tuyến QL34, đường tỉnh 202 sạt lở taluy dương, khối lượng đất đá sạt lở khoảng 940 m3; Đường giao thông nông thôn bị sạt lở, sói lở 08 tuyến tại huyện Nguyên Bình với khối lượng đất đá khoảng 1.564 m3. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 283 triệu đồng.
Sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện bị thiệt hại chỉ đạo các xã rà soát, thống kê thiệt hại và báo cáo theo quy định. Đồng thời, vận động bà con nhân dân giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả, ổn định sinh hoạt và sản xuất.
3. Trật tự an toàn giao thông
Trong tháng 7 (từ 15/6 - 14/7/2021) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 01 người chết và 04 người bị thương, giá trị thiệt hại tài sản ước tính 05 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 01 vụ, giảm 02 người chết, không tăng không giảm số người bị thương.
Tính từ đầu năm 2021 đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông đường bộ. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 14 người và bị thương 36 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 7 tháng năm nay giảm 42,55%; số người chết giảm 44%; số người bị thương giảm 33,33%.
4. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 15/6/2021 đến ngày 14/7/2021, cơ quan chức năng đã phát hiện 12 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 05 vụ với tổng số tiền phạt 60,5 triệu đồng. Tính chung 7 tháng năm 2021 đã phát hiện 85 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 46 vụ với tổng số tiền phạt là 369,3 triệu đồng.
Cùng khoảng thời gian từ ngày 15/6/2021 đến ngày 14/7/2021 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 01 vụ cháy siêu thị, không có người bị thương, giá trị thiệt hại ước tính 1.000 triệu đồng. Tính chung từ đầu năm 2021 đến thời điểm báo cáo, toàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ cháy, giá trị thiệt hại 2.919 triệu đồng, không có thiệt hại về người./.
Website Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng