Trong tháng 7/2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang chịu tác động bởi dịch Covid-19, khi Hậu Giang là tỉnh cuối cùng có ca mắc Covid-19, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường ở khu vực phía Nam. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ. Tỉnh Hậu Giang đã huy động cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân cùng thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng, thực hiện giãn cách xã hội theo quy định, tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh không cần thiết, tập trung mọi nguồn lực để chống dịch. Do đó, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế của tỉnh, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều có mức tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng trưởng của các tháng trước, nhất là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đây là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất của tỉnh và cũng chịu tác động lớn nhất. Cụ thể kết quả hoạt động của từng ngành, lĩnh vực như sau:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong tháng 7/2021, Ngành Nông nghiệp tập trung theo dõi, chỉ đạo chăm sóc tốt và thu hoạch vụ lúa Hè thu 2021 theo kế hoạch, chăm sóc rau màu và cây ăn trái; theo dõi dịch bệnh trên đàn chăn nuôi, ứng phó kịp thời với dịch tả lợn Châu Phi khi có dịch bệnh phát sinh; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các địa phương và nông dân tăng cường thực hiện các biện pháp để bảo vệ an toàn các diện tích thủy sản đang nuôi, chú ý các mô hình và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: Mô hình nuôi tôm và mô hình nuôi cá trong mương khóm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
1.1. Nông nghiệp
1.1.1. Trồng trọt
Lúa Hè thu: Hiện nay đã xuống giống được 76.616 ha, bằng 100,81% so với kế hoạch tỉnh (kế hoạch 76.000 ha), lúa đang ở giai đoạn mạ đến trổ chín. Hiện đã thu hoạch được 23.331 ha, diện tích thu hoạch chủ yếu tập trung ở các huyện: Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Các giống sử dụng chủ yếu trong vụ Hè Thu là: OM 18 chiếm 59,43%, OM 5451 chiếm 28,23%, IR 50404 chiếm 4,8%, Đài thơm 8 chiếm 4,67%, RVT chiếm 0,72%, giống khác (OM 4218, OM 576, OM 4496, OM 2517, OM 34, OM 6976,ST 24, ST 25) chiếm 2,15%. Giá bán lúa tươi tại ruộng một số giống như sau: OM 5451 (5.500-5.700 đồng/kg), OM 18 (5.800-6.000 đồng/kg), IR 50404 (5.300-5.500 đồng/kg).
Mía niên vụ 2020 - 2021: Hiện nay đã xuống giống được 5.040 ha, giảm 14,7% (bằng 869 ha) so với cùng kỳ. Phân bố ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Hiện đang ở giai đoạn phát triển chồi, thân lóng. Các giống sử dụng chủ yếu như: Roc 16, K88-92, KK3, Roc 22,... Hiện đã thu hoạch được 529 ha. Diện tích còn lại được 6-7 tháng tuổi, sinh trưởng và phát triển tốt.
Cây ngô: Diện tích gieo trồng được 1.898 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 14,04% (bằng 234 ha). Diện tích thu hoạch được 1.630 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 12,95% (bằng 187 ha).
Cây rau, đậu các loại: Diện tích gieo trồng được 18.638 ha, so với cùng kỳ tăng 11,55% (bằng 1.929 ha); diện tích thu hoạch được 15.293 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 11,27% (bằng 1.550 ha).
Diện tích, sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm ăn quả chủ yếu tính đến tháng 7/2021 so với cùng kỳ như sau:
- Cây dứa (khóm): Diện tích hiện có 2.846 ha, tăng 4,38% (bằng 119,37 ha). Sản lượng được 14.575,73 tấn, giảm 0,34% (bằng 49,88 tấn). Tập trung ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ.
- Cây xoài: Diện tích hiện có 3.211 ha, giảm 8,78% (bằng 309 ha). Sản lượng được 7.872,5 tấn, giảm 0,9% (bằng 71,2 tấn).
- Cây bưởi: Diện tích hiện có 1.640 ha, tăng 2,79% (bằng 44,5 ha). Sản lượng được 4.674,6 tấn, tăng 2,82% (bằng 128,04 tấn).
- Cây chanh không hạt: Diện tích hiện có 2.537 ha, tăng 6,73% (bằng 160 ha). Sản lượng được 9.450 tấn, tăng 6,84% (bằng 605 tấn).
- Cây mãng cầu: Diện tích hiện có 721 ha, tăng 1,58% (bằng 11,22 ha). Sản lượng được 3.650 tấn, tăng 4,92% (bằng 171 tấn).
- Cây mít: Diện tích hiện có 8.040 ha, tăng 15,42% (bằng 1.074,29 ha), diện tích tăng chủ yếu ở các huyện như: Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Sản lượng được 40.578,4 tấn, tăng 45,22% (bằng 12.635,7 tấn). Hiện nay, giá bán trên thị trường có chiều hướng giảm, gây khó khăn cho người trồng mít.
Về tình hình sinh vật gây hại: Nhìn chung tình hình sinh vật gây hại trong tháng 7/2021 giảm so với tháng trước. Nguyên nhân do một số loại cây trồng hầu hết đã cuối và qua vụ thu hoạch như: Xoài, nhãn, mít, khóm, mãng cầu, ... từ đó sinh vật gây hại có chiều hướng giảm.
1.1.2. Chăn nuôi
Ước tính đến tháng 7/2021, số đầu con gia súc, gia cầm so với cùng kỳ cụ thể như sau:
- Đàn trâu, bò: Đàn trâu ước được 1.500 con, tăng 3,45% (bằng 50 con); Đàn bò ước được 3.608 con, giảm 0,39% (bằng 14 con).
- Đàn heo (không tính heo con chưa tách mẹ): Ước được 104.617 con, tăng 12,26% (bằng 11.423 con)[1]. Trong đó: Heo thịt 91.556 con, tăng 9,62% (bằng 8.037 con). Ngành chức năng của tỉnh luôn chỉ đạo chặt chẽ việc tái đàn heo đúng theo thời điểm để phù hợp với tình hình thực tế địa phương cũng như rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn đảm bảo thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi.
- Đàn gia cầm: 4.514,27 ngàn con, tăng 5,83% (bằng 248,71 ngàn con). Trong đó: Đàn gà 1.798,48 ngàn con, tăng 26,82% (bằng 380,31 ngàn con). Nhìn chung đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có bước phát triển tương đối mạnh do tình hình dịch bệnh được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ, người chăn nuôi an tâm đầu tư chuồng trại và mở rộng quy mô sản xuất do hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại hình nuôi khác. Phương thức nuôi công nghiệp, nuôi gia công có xu hướng tiếp tục phát triển khá.
Về tình hình dịch bệnh: Hiện nay, tình hình chăn nuôi ổn định và thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, đàn gia súc, gia cầm được hộ dân phát triển tái đàn.
1.2. Lâm nghiệp
Tình hình hoạt động sản xuất lâm nghiệp trong tháng chủ yếu tập trung cho công tác bảo vệ rừng, kiểm tra việc thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng của chủ rừng và các địa phương. Từ đầu năm đến nay, công tác phòng cháy chữa cháy rừng được đảm bảo nên không xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa bàn tỉnh.
Ước tính 7/2021, sản lượng gỗ khai thác được 635,86 m3, tăng 1,43% (bằng 8,97 m3), sản lượng củi khai thác được 5.514,59 ste, giảm 2,76% (bằng 156,57 ste) so với cùng kỳ. Ước tính 7 tháng năm 2021, sản lượng gỗ khai thác được 6.411,86 m3, tăng 1,41% (bằng 88,97 m3 ), sản lượng củi khai thác được 56.129,59 ste, tăng 0,80% (bằng 443,43 ste) so cùng kỳ.
1.3. Thủy sản
Tình hình thời tiết không thuận lợi, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, giá thức ăn tăng, chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận không nhiều nên diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch không đạt cao so với kế hoạch.
Ước tính 7 tháng năm 2021, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh được 7.307,58 ha, đạt 90,22% so kế hoạch (kế hoạch 8.100 ha), tăng 2,45% (bằng 174,93 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích nuôi cá thát lát được 81,5 ha, tăng 2,97% so cùng kỳ. Diện tích nuôi lươn được 2.484 m3, tăng 15,97% so cùng kỳ.
Tổng sản lượng thủy sản 7 tháng năm 2021, ước được 34.154,65 tấn, đạt 42,69% so kế hoạch (kế hoạch 80.000 tấn), tăng 2,55% (bằng 849,37 tấn) so với cùng kỳ. Trong đó:
- Sản lượng thủy sản khai thác được 1.712,82 tấn, tăng 0,52% (bằng 8,84 tấn) so cùng kỳ.
- Sản lượng thủy sản nuôi trồng được 32.441,83 tấn, tăng 2,66% (bằng 840,53 tấn) so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng cá thát lát thu hoạch được 2.227 tấn; sản lượng lươn thu hoạch được 320 tấn.
2. Sản xuất công nghiệp
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng có dấu hiệu tăng chậm lại so với cùng kỳ năm trước. Do đó, ước tính tháng 7/2021, giá trị sản xuất công nghiệp: Tính theo giá so sánh 2010, được 2.772,37 tỷ đồng, giảm 8,19% so với tháng trước và tăng 9,84% so với cùng kỳ năm trước; tính theo giá thực tế, được 4.278,12 tỷ đồng, giảm 7,82%[2] so với tháng trước và tăng 9,22%[3] so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 7 tháng năm 2021:
- Tính theo giá so sánh 2010, được 17.241,33 tỷ đồng, tăng 12,40% so với cùng kỳ và đạt 54,35% so với kế hoạch năm.
- Tính theo giá thực tế, được 25.440,65 tỷ đồng, tăng 13,57% so với cùng kỳ và đạt 55,01% so với kế hoạch năm. Trong đó:
+ Khu vực kinh tế nhà nước, tạo ra được giá trị sản xuất 212,85 tỷ đồng, tăng 11,18% so với cùng kỳ, đóng góp 0,10 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
+ Khu vực kinh tế tư nhân, tạo ra được giá trị sản xuất 18.741,64 tỷ đồng, tăng 14,24% so với cùng kỳ, đóng góp 10,42 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
+ Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo ra được giá trị sản xuất 6.486,16 tỷ đồng, tăng 11,77% so với cùng kỳ, đóng góp 3,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Đại dịch Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay đã làm cho tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh chịu tác động không nhỏ. Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp trong 7 tháng đầu năm vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do sự phục hồi mạnh mẽ một số doanh nghiệp có giá trị sản xuất lớn, trước khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại như: Cty TNHH Lạc Tỷ II; Cty TNHH MTV Xi măng Cần Thơ - Hậu Giang; Cty CP thủy sản Minh Phú Hậu Giang; Cty TNHH Number One Hậu Giang… Bên cạnh đó, tăng một phần là do các doanh nghiệp mới đầu tư đi vào hoạt động ổn định từ đầu năm đến nay như: Cty Cp chế biến xuất khẩu gạo Quang Phát Hậu Giang (sản phẩm sản xuất gạo thành phẩm); Cty TNHH MTV Masan HG (sản xuất thực phẩm ăn liền và nước uống không cồn đóng chai); Cty CP điện mặt trời VKT- Hòa An (điện năng lượng mặt trời)…. Vì vậy, đã làm tăng giá trị sản xuất một số ngành như: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,64%; sản xuất đồ uống tăng 72,29%; sản xuất giày dép tăng 16,83% (chỉ số sản xuất sản phẩm tăng 3,43% nhưng giá trị sản xuất tăng cao do DN nhận được những đơn hàng có chất lượng và giá trị cao); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 30,17%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 35,87% (tính theo giá thực tế).
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2021 trên địa bàn tỉnh có tăng trưởng, nhưng vẫn có một số ngành nghề phát triển chưa bền vững do bị tác động về giá, thị trường xuất khẩu và một số yếu tố khác như: Điện, xăng dầu, lực lượng lao động,…một phần bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang bùng phát lần thứ 4 và đang diễn biến phức tạp. Do vậy, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để triển khai nhiều giải pháp mang tính phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần có kế hoạch và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp đang đầu tư sớm đi vào hoạt động đúng theo kế hoạch của doanh nghiệp đã đề ra như: Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1; Cty TNHH Sunpro Capital Group Limited,… để giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao trong những tháng cuối năm và phát triển ổn định trong những năm tới.
Đối với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Dự tính tháng 7/2021, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 1,83% so với tháng trước và tăng 10,09% so với cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,79% so với tháng trước và tăng 10,12% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 10,01% so với tháng trước và tăng 2,18% so với cùng kỳ[4]; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 4,69% so với tháng trước và tăng 10,51% so với cùng kỳ năm trước.
Dự tính 7 tháng năm 2021, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,72% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 4,23% của 7 tháng năm 2020 so với cùng kỳ. Trong đó, Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp với mức tăng 13,76%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,98%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,68%. Cụ thể, một số ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ như: Chế biến thực phẩm tăng 14,33%; sản xuất đồ uống tăng 71,52%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 38,13%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 38,59%; …
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ như: Tôm đông lạnh sản lượng sản xuất được 18.885 tấn, tăng 9,56%; gạo đã xay xát toàn bộ hoặc sơ bộ sản lượng sản xuất được 211.291 tấn, tăng 79,21%; thức ăn cho gia súc sản lượng sản xuất được 160.113 tấn, tăng 24,40%; bia đóng chai sản xuất được 53.545 nghìn lít, tăng 125,10%; nước có vị hoa quả (cam, táo,…) sản lượng sản xuất được 100.572 nghìn lít, tăng 61,75%; xi măng Portland đen sản lượng sản xuất được 369.107 tấn, tăng 9,92%.
Tình hình sử dụng lao động: Tính đến thời điểm 01/7/2021, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp giảm 5,84% so với tháng trước và giảm 0,85% so với cùng kỳ[5]. Tính chung 7 tháng, tăng 2,28% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành tăng cao hơn mức tăng chung toàn ngành so với cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 80,55% (do có một doanh nghiệp trên 160 lao động mới đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động ổn đinh đã làm chỉ số sử dụng lao động ngành này tăng đột biến); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 4,86%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 21,78%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 19,51%... Riêng ngành sản xuất chế biến thực phẩm sử dụng trên 31,89% trong tổng lao động toàn ngành công nghiệp nhưng giảm 2,38% so với cùng kỳ, nên làm chỉ số sử dụng lao động chung của toàn tỉnh trong 7 tháng năm 2021 tăng không cao so với cùng kỳ.
3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng 7/2021, toàn tỉnh có 35 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 177,70 tỷ đồng; số doanh nghiệp khó khăn tạm ngừng hoạt động là 09 doanh nghiệp, tổng vốn là 45,2 tỷ đồng; số doanh nghiệp giải thể là 03 doanh nghiệp, với tổng vốn là 16 tỷ đồng.
Tình chung 7 tháng, toàn tỉnh có 373 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn là 1.347,45 tỷ đồng; số doanh nghiệp khó khăn tạm ngừng hoạt động là 96 doanh nghiệp, với tổng vốn là 461,40 tỷ đồng; số doanh nghiệp giải thể là 55 doanh nghiệp, với tổng vốn là 50,60 tỷ đồng.
4. Vốn đầu tư
Tính đến ngày 16/7/2021, kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2021 là 16.361,95 tỷ đồng, bao gồm các nguồn như sau:
- Vốn ngân sách nhà nước: 2.435,95 tỷ đồng.
- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn: 1.020 tỷ đồng.
- Các nguồn vốn khác như: Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước: 12.906 tỷ đồng.
Ước tính tháng 7/2021, vốn đầu tư thực hiện được 1.705,49 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 97,79% và so với cùng kỳ năm trước bằng 87,19%.
Ước tính 7 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện được 10.956,76 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước (12.048,92 tỷ đồng) bằng 90,94% và so với kế hoạch năm đạt 66,96%. Hiện tại tổng kế hoạch được phân bổ là 16.361,95 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước thực hiện được 1.205,57 tỷ đồng, bằng 93,68% so với cùng kỳ năm trước và so với kế hoạch năm đạt 49,49%, kế hoạch điều chỉnh hiện tại là 2.435,95 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14,89% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
Ước tính đến 7 tháng năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn đạt khá thấp 49,49%. Do kế hoạch vốn đầu tư năm 2021 hầu hết phân bổ cho các dự án khởi công mới, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn thành thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, đang trong giai đoạn đấu thầu nên khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân chưa cao. Mặc dù kế hoạch vốn năm 2021 đã được HĐND tỉnh thông qua nhưng một số dự án chưa đảm bảo thủ tục để bố trí vốn triển khai (vì phải chờ quyết định phê duyệt dự án). Công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán các dự án khởi công mới năm 2021 còn chậm. Nguồn thu vượt ngân sách tỉnh năm 2020 là 106,229 tỷ đồng mới được bổ sung ngày 11/5/2021 phần lớn bố trí cho các dự án khởi công mới. Nguồn vốn trung ương (vốn nước ngoài) mới phân bổ 30 tỷ đồng, các đơn vị đang triển khai thực hiện.
5. Tài chính, tín dụng
5.1. Tài chính
Ước tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 7/2021 được 1.234,38 tỷ đồng, luỹ kế được 7.272,94 tỷ đồng, đạt 93,10% dự toán Trung ương, đạt 92,33% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó: Trung ương trợ cấp được 321,48 tỷ đồng, luỹ kế được 2.377,47 tỷ đồng, đạt 87,11% dự toán Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh giao; thu nội địa được 224,48 tỷ đồng, luỹ kế được 2.898,44 tỷ đồng, đạt 87,11% dự toán Trung ương và dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Ước tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 7/2021 được 992,74 tỷ đồng, luỹ kế được 4.136,55 tỷ đồng, đạt 59,56% dự toán Trung ương giao, đạt 59,75% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó: Chi xây dựng cơ bản được 237,39 tỷ đồng, luỹ kế được 1.956,22 tỷ đồng, đạt 69,54% dự toán Trung ương giao, đạt 70,56% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao; chi thường xuyên được 405,98 tỷ đồng, luỹ kế được 2.449,46 tỷ đồng, đạt 60,98% dự toán Trung ương giao, đạt 60,71% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
5.2. Tín dụng ngân hàng
Đến ngày 30/6/2021, tổng vốn huy động toàn địa bàn được 16.188 tỷ đồng, tăng trưởng 7,61% so với cùng kỳ năm 2020, tăng trưởng 1,29% so với cuối năm 2020. Vốn huy động đáp ứng được 57,18% cho hoạt động tín dụng. Trong tổng vốn huy động trên địa bàn thì khối Ngân hàng Thương mại nhà nước huy động được 10.444 tỷ đồng (chiếm 64,52%); khối Ngân hàng Thương mại cổ phần được 4.998 tỷ đồng (chiếm 30,87%); Ngân hàng Chính sách xã hội được 709 tỷ đồng (chiếm 4,38%) và Quỹ tín dụng Nhân dân được 37 tỷ đồng (chiếm 0,23%). Hiện, lãi suất không kỳ hạn đến dưới 1 tháng phổ biến từ 0,1-0,2%/năm; lãi suất từ 01 tháng đến dưới 06 tháng ở mức 3,5-4,0%/năm; lãi suất từ 06 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 4,9-5,1%/năm; lãi suất từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0-6,5%/năm. Ước thực hiện đến cuối tháng 7/2021, tổng vốn huy động trên toàn địa bàn đạt 16.267 tỷ đồng, tăng trưởng 0,49% so với cuối tháng 6/2021, tương ứng tăng trưởng 1,78% so với cuối năm 2020.
Đến ngày 30/6/2021, tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn là 28.310 tỷ đồng, tăng trưởng 18,76% so với cùng kỳ năm 2020, tăng trưởng 5,82% so với cuối năm 2020. Trong tổng dư nợ thì khối Ngân hàng Thương mại nhà nước được 19.714 tỷ đồng (chiếm 69,64%); khối Ngân hàng Thương mại cổ phần được 5.690 tỷ đồng (chiếm 20,10%); Ngân hàng Chính sách xã hội được 2.862 tỷ đồng (chiếm 10,11%) và Quỹ tín dụng Nhân dân được 44 tỷ đồng (chiếm 0,15%). Đến thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay luôn được giữ ở mức ổn định, đối với các lĩnh vực ưu tiên lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam phổ biến là 4,5%/năm; cho vay trung, dài hạn ở mức 10 -11%/năm; các lĩnh vực khác lãi suất cho vay ngắn hạn từ 9,0 - 9,5%/năm; trung, dài hạn từ 10,5 - 13%/năm. Ước thực hiện đến cuối tháng 7/2021 dư nợ đạt 28.359 tỷ đồng, tăng trưởng 0,17% so với cuối tháng 6/2021, tương ứng tăng trưởng 6,01% so với cuối năm 2020.
Nợ quá hạn đến ngày 30/6/2021 là 729 tỷ đồng, chiếm 2,58%/tổng dư nợ; nợ xấu là 406 tỷ đồng, chiếm 1,43%/tổng dư nợ; nợ cần chú ý là 323 tỷ đồng, chiếm 44,31%/tổng nợ quá hạn. Dự báo đến cuối tháng 7/2021, nợ xấu toàn địa bàn vẫn được kiểm soát ở mức an toàn theo mục tiêu đề ra.
6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
6.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó kiểm soát ở nhiều địa phương; đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng và trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, công sở,… gây khó khăn cho việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Các tỉnh, thành phố có số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp,…Tại Hậu Giang, với phương châm chỉ đạo kiên trì thực hiện mục tiêu kép, ưu tiên phòng, chống dịch, đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội. Dự báo trong thời gian tới xu hướng người dân Hậu Giang đang làm việc, học tập ở các tỉnh, thành có ca mắc Covid-19 trở về địa phương sẽ tăng nhanh (nhất là người lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,…) làm cho nguồn nguy cơ lây nhiễm càng trở nên phức tạp. Thực hiện Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 18/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng chính phủ, đã ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng và sinh hoạt của người dân, làm cho doanh thu ngành thương mại, dịch vụ giảm, đặc biệt là các ngành dịch vụ.
Ước tính tháng 7/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 3.249,09 tỷ đồng (Trong đó, doanh thu chi nhánh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh là 242,34 tỷ đồng), so với thực hiện tháng trước bằng 93,39% và so với cùng kỳ năm trước bằng 95,78%. Chia ra:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa được 2.577,79 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 97,35% và so với cùng kỳ năm trước bằng 98,13%. Cụ thể một số nhóm hàng:
+ Lương thực, thực phẩm tăng 6,51% so tháng trước, do giá cả các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn tăng như: Lạp xưởng, xúc xích, mì, sữa, thịt cá hộp,… đặc biệt các loại rau xanh, củ quả tươi giá tăng mạnh, khi người dân có tâm lý mua lương thực, thực phẩm để dự trữ trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
+ Hàng may mặc giảm 0,73% so tháng trước, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên người dân có tâm lý tiết kiệm chi tiêu vào những mặc hàng không thiết yếu, các hội chợ thương mại tập trung đông người cũng tạm ngừng tổ chức.
+ Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 2,49% so với tháng trước, do ảnh hưởng một phần của dịch Covid-19 nên thu nhập của người dân giảm và mùa mưa đã đến làm thời tiết bớt nắng nóng nên sức mua ở các mặt hàng điện máy như: máy quạt, máy lạnh, tủ lạnh, … giảm so với tháng trước.
+ Vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 3,97% so với tháng trước, tháng 7 học sinh tích cực ôn tập và tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên nhu cầu mua sắm các mặt hàng nhóm này có tăng so tháng trước.
+ Gỗ và vật liệu xây dựng giảm 6,81% so với tháng trước, do giá cả các mặt hàng cát, đá, xi măng, sắt thép,… giảm và thời tiết mưa càng nhiều không thuận lợi cho xây dựng các công trình dân dụng nên nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng giảm so với tháng trước.
+ Xăng dầu các loại giảm 16,59% so tháng trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh người dân hạn chế đi lại, các cơ sở kinh doanh vận tải cũng hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động nhất là vận tải hành khách. Nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) so tháng trước tăng 1,77% do giá gas tăng.
- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành được 456,96 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 84,08% và so với cùng kỳ năm trước bằng 93,89%. Chia ra: Ngành lưu trú được 8,48 tỷ đồng, so tháng trước giảm 13,05%, so cùng kỳ tăng 4,69%; ngành ăn uống được 448,48 tỷ đồng, so tháng trước giảm 15,98%, so cùng kỳ giảm 6,30%.
- Doanh thu dịch vụ khác được 214,34 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 74,52% và so với cùng kỳ năm trước bằng 76,94%. Trong tháng 7/2021, các ngành dịch vụ đều giảm so với tháng trước như: Dịch vụ vui chơi giải trí giảm 34,05%, do công ty xổ số kiến thiết Hậu Giang ngừng phát hành 2 kỳ (ngày 10/7 và ngày 17/7) nên làm doanh thu giảm mạnh; dịch vụ khác giảm 4,08%; dịch vụ hành chính hỗ trợ giảm 20,10%, do dịch bệnh diễn biến phức tạp học sinh được nghỉ học, hạn chế tập trung đông người nên nhu cầu dịch vụ hỗ trợ đám tiệc, hội nghị, cho thuê xe và dịch vụ hành chính giảm; dịch vụ y tế giảm 11,65%, do người dân chỉ đến các phòng khám và bệnh viện khi thật cần thiết, bên cạnh đó một số phòng khám chủ động tạm dừng hoạt động để phòng ngừa dịch bệnh; dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 7,07%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 6,40%.
Ước tính 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 25.606,34 tỷ đồng (Trong đó, doanh thu chi nhánh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh là 2.039,92 ỷ đồng), so với cùng kỳ năm trước bằng 113,54%. Chia ra: Doanh thu bán lẻ hàng hóa được 19.529,47 tỷ đồng, so với cùng kỳ bằng 111,88%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành được 3.871,30 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 120,70%; doanh thu dịch vụ khác được 2.205,57 tỷ đồng, so với cùng kỳ bằng 116,63%.
6.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, không chỉ trong khu vực địa bàn tỉnh mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều tỉnh thành đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, quá trình lưu thông vận chuyển hàng hóa trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, từ vận chuyển nguyên liệu phục vụ sản xuất đến các thành phẩm đi xuất khẩu. Thêm vào đó, số lượng công nhân làm việc tại các doanh nghiệp xin nghỉ dài hạn để phòng chống dịch cũng diễn ra nhiều, khiến năng lực hoạt động sản xuất của các nhà mày không thể hoạt động hết công suất. Vì vậy, với tình hình hiện tại dự đoán trong tháng 7 giá trị xuất, nhập khẩu sẽ giảm.
Ước thực hiện tháng 7/2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp thực hiện được 105.110 nghìn USD so với tháng trước bằng 92,23% và so với cùng kỳ năm trước bằng 104,83%. Chia ra:
- Xuất khẩu ước thực hiện được 60.449 nghìn USD, so với tháng trước bằng 94,46% và so với cùng kỳ năm trước bằng 115,62%.
- Nhập khẩu ước thực hiện được 44.661 nghìn USD, so với tháng trước bằng 89,37% và so với cùng kỳ năm trước bằng 93,07%.
Ước thực hiện 7 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện được 620.883 nghìn USD so với cùng kỳ năm trước bằng 112,61% và so với kế hoạch năm đạt 57,43%. Chia ra:
- Xuất khẩu ước thực hiện được 351.814 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 110,75% và so với kế hoạch năm đạt 47,84%.
- Nhập khẩu ước thực hiện được 238.958 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 119,59% và so với kế hoạch năm đạt 84,86%.
- Uỷ thác xuất khẩu ước thực hiện được 487 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 39,59% và so với kế hoạch năm đạt 40,58%.
- Dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ước thực hiện được 29.624 nghìn USD so với cùng kỳ năm trước bằng 90,74% và so với kế hoạch năm đạt 47,02%.
Về xuất khẩu, đặc biệt mặt hàng giày thể thao có giá trị tăng rất cao, tăng 16,66%. Hiện nay, mặt hàng xuất khẩu này đã vượt qua nhóm hàng thủy sản trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu, chiếm 39,26%, trong khi hàng thủy sản xuất khẩu chỉ còn chiếm 37,79% giá trị xuất khẩu chung toàn tỉnh. Đây là sự thay đổi cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu có được từ trước đến nay tính từ khi thành lập tỉnh.
Về nhập khẩu, giá trị các nhóm hàng xăng dầu, hóa chất, máy móc thiết bị và một số nhóm hàng khác phục vụ sản xuất được các doanh nghiệp nhập rất nhiều và có giá trị tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước, lần lượt ở mức 119,68%, 52,01%, 69,03% và 89,93%.
Nhìn chung, hoạt động xuất, nhập khẩu trong 7 tháng năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do từ những tháng đầu năm đến nay giá trị xuất, nhập khẩu các mặt hàng chủ lực vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định.
6.3. Vận tải hành khách và hàng hóa
Ước tính tháng 7/2021, tổng doanh thu vận tải, kho bãi thực hiện được 82,47 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 93,25% và so với cùng kỳ năm trước bằng 84,41%. Trong đó, đường bộ thực hiện được 25,78 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 83,37% và so với cùng kỳ năm trước bằng 80,82%; đường thủy thực hiện được 28,02 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 94,59% và so với cùng kỳ năm trước bằng 87,33%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải được 28,67 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 102,80% và so với cùng kỳ năm trước bằng 85,03%.
Ước tính 7 tháng năm 2021, tổng doanh thu vận tải, kho bãi thực hiện được 658,44 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 101,73%. Trong đó: Đường bộ thực hiện được 243,36 tỷ đồng, bằng 115,83% so với cùng kỳ năm trước; đường thủy thực hiện được 222,93 tỷ đồng, bằng 98,04% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải được 192,15 tỷ đồng, bằng 91,60% so với cùng kỳ năm trước.
6.3.1. Vận chuyển - luân chuyển hàng hóa
Ước thực hiện tháng 7/2021, toàn tỉnh vận chuyển được 467,09 nghìn tấn hàng hóa các loại (37.475,21 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 92,20% (91,32%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 83,17% (84,46%). Chia ra:
- Đường bộ thực hiện được 91,59 nghìn tấn (8.624,35 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 97,25% (97,64%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 123,13% (99,39%).
- Đường sông thực hiện được 375,50 nghìn tấn (28.850,87 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 91,05% (89,58%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 77,07% (80,83%).
Ước thực hiện 7 tháng năm 2021, toàn tỉnh vận chuyển được 3.756,22 nghìn tấn hàng hóa các loại (310.169,93 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 101,69% (104,81%). Chia ra:
- Đường bộ thực hiện được 691,25 nghìn tấn (68.137,91 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 146,98% (126,97%).
- Đường sông thực hiện được 3.064,97 nghìn tấn (242.032,02 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 95,08% (99,91%).
6.3.2. Vận chuyển - luân chuyển hành khách
Ước thực hiện tháng 7/2021, toàn tỉnh thực hiện được 2.290,76 nghìn lượt hành khách (22.011,21 nghìn HK.km), so với tháng trước bằng 93,66% (76,86%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 94,52% (57,06%). Chia ra:
- Đường bộ vận chuyển được 233,83 nghìn lượt hành khách (12.212,84 nghìn HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 89,23% (66,91%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 68,10% (45,20%).
- Đường sông vận chuyển được 2.056,94 nghìn lượt hành khách (9.798,38 nghìn HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 94,19% (94,34%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 98,88% (84,81%).
Ước thực hiện 7 tháng năm 2021, toàn tỉnh vận chuyển được 19.397,43 nghìn lượt hành khách (251.482,69 nghìn HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 106,19% (96,10%). Chia ra:
- Đường bộ thực hiện được 3.308,55 nghìn lượt hành khách (173.656,34 nghìn HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 92,92% (93,75%).
- Đường sông thực hiện được 16.088,88 nghìn lượt hành khách (77.826,35 nghìn HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 109,41% (101,80%).
1. Một số tình hình xã hội
7.1. Giáo dục
Trong tháng, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung chủ yếu vào hoạt động chuyên môn của các ngành học, cấp học như sau:
- Giáo dục tiểu học - mầm non: Hoàn chỉnh Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Hậu Giang dành cho học sinh lớp 2 trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện công tác tuyển sinh mầm non, mẫu giáo và lớp 1 năm học 2021-2022; tiếp tục tổ chức, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 các nội dung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên: Triển khai công văn số 922/UBND-NCTH tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trước diễn biến mới; hướng dẫn tập huấn triển khai môn Ngoại ngữ trong chương trình giáo dục phổ thông 2018; tập huấn lập trình Sratch nâng cao và Python cơ bản cho giáo viên năm 2021; triển khai thực hiện Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; chương trình “Lớp học không khoảng cách”; triển khai thực hiện Chương trình giáo dục trung học năm học 2021 -2022.
7.2. Văn hóa, thể thao
Trong tháng, toàn hệ thống Trung tâm Văn hóa tập trung tuyên truyền ý nghĩa các ngày Lễ lớn của đất nước, các nhiệm vụ chính trị, các công tác trọng tâm của địa phương theo chỉ đạo như: Tuyên truyền chuyên đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; đặc biệt, là tập trung tuyên truyền kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021). Kết quả: In và lắp mới: 1.050 m2 pano, 80 băng rol, phóng thanh cổ động 107 buổi; tăng cường tổ chức tuyên truyền cổ động về phòng, chống dịch Covid-19, phóng thanh cổ động 09 buổi; thực hiện xong đĩa CD tuyên truyền phòng, chống mưa lũ, thiên tai với 13 tác phẩm dân ca, nhạc cổ truyền.
Hoạt động thư viện: Trong tháng, hệ thống Thư viện tỉnh và huyện, thị xã, thành phố đã phục vụ 81.579 lượt người với 163.158 lượt sách báo, truy cập máy tính; cấp 343 thẻ bạn đọc. Trưng bày tại Thư viện tỉnh 125 quyển sách: Sách kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7; Sách kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt nam 28/7; Sách kỷ niệm Sách mới các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội; Tủ sách Bác Hồ; Sách chuyên đề về cải cách hành chính.
Hoạt động bảo tồn - bảo tàng và phát huy giá trị di sản văn hóa: Sưu tầm tài liệu, hiện vật, hình ảnh bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử: Khu tưởng niệm liệt sĩ Lữ đoàn Pháo binh 6, Quân khu 9 và nơi ở thời niên thiếu của luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở Hậu Giang. Khách đến xem triển lãm và tham quan các di tích, nhà truyền thống huyện, phòng truyền thống các xã văn hóa đạt 4.500 lượt người.
Sự nghiệp thể dục thể thao: Theo kế hoạch trong tháng 7 đơn vị sẽ tham dự các giải: Bóng rổ U16 quốc gia tại Khánh Hòa, Cờ vua trẻ xuất sắc toàn quốc tại Lâm Đồng, vô địch Điền kinh trẻ toàn quốc tại Đồng Nai, vô địch Đua thuyền trẻ toàn quốc tại Hà Nội, vô địch Judo trẻ toàn quốc tại Hậu Giang. Nhưng do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Tổng cục Thể dục thể thao đã có công văn tạm hoãn các giải đấu trên.
7.3. Lao động và an sinh xã hội
Trong tháng, giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho 1.301 lao động, đạt 75,64% kế hoạch năm. Đào tạo nghề được 852(5.194)/6.500 lao động, đạt 80% kế hoạch năm; trong đó: đào tạo Cao đẳng, Trung cấp 207 lao động; đào tạo nghề thường xuyên 4.942 lao động.
Đối với lĩnh vực người có công với cách mạng: Tiếp nhận mới 256(1.364) hồ sơ các loại. Đã xét giải quyết 202(1.256) hồ sơ. Trong đó, đạt 181(1.080) hồ sơ; không đạt 21(176) hồ sơ. Còn lại 108 hồ sơ đang tiếp tục xem xét, giải quyết; hỗ trợ, giải quyết trên 40 trường hợp hồ sơ còn gặp khó khăn trong quá trình thiết lập trên địa bàn huyện Phụng Hiệp; rà soát, phê duyệt danh sách 12.629 người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ thuộc diện nhận quà từ nguồn kinh phí Trung ương với số tiền 3.840,3 triệu đồng.
Công tác bảo trợ xã hội và giảm nghèo: Thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 34.254 (237.638 lượt) đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 14.383,29(92.834,735) triệu đồng. Hỗ trợ mai táng phí cho 215(1.262) trường hợp với số tiền 1.161(6.814) triệu đồng; hỗ trợ đột xuất cho 05(27) trường hợp với số tiền 61(231) triệu đồng.
Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội: Phát 2.516 tờ rơi, treo 77 băng gôn tuyên truyền về phòng, chống ma túy hưởng ứng “Tháng hành động phòng chống ma túy (tháng 6) và Ngày phòng, chống ma túy (26/6); tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nội bộ và ra dân được 101(390) cuộc với 3.017(11.692) lượt người tham dự. Phát thanh được 253(515) cuộc với 1.788(4.014) phút tuyên truyền về tác hại của các loại tệ nạn xã hội. Tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh tại thời điểm báo cáo là 1.744 người; số người nghiện đang có mặt tại cơ sở cai nghiện là 240 người.
7.4. Y tế
Trong tháng, có 05 ca mắc mới bệnh sốt xuất huyết, tăng 01 ca so với tháng trước, cộng dồn là 51 ca, giảm 35 ca so với cùng kỳ; bệnh tay chân miệng có 09 ca mắc mới, giảm 55 ca so với tháng trước, cộng dồn là 382 ca, tăng 286 ca so với cùng kỳ; bệnh sởi, bệnh dịch lạ, bệnh viêm gan do virut, quai bị và các bệnh truyền nhiễm khác chưa ghi nhận ca mắc trên địa bàn tỉnh.
Tình hình dịch Covid-19: Tính đến ngày 22/7/2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 61ca mắc Covid-19, đã điều trị khỏi 10 ca, hiện còn 51 ca, đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh và Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 huyện Vị Thủy.
Số trẻ dưới 1 tuổi được miễn dịch trong tháng là 940 trẻ, cộng dồn là 7.134 trẻ, đạt 54,71%; tiêm sởi mũi 2 trong tháng là 1.067 trẻ, cộng dồn là 6.741 trẻ, đạt 58,80%; Tiêm ngừa uốn ván trên thai phụ (VAT2 (+)TP) trong tháng là 986 thai phụ, cộng dồn là 6.385 thai phụ, đạt 56,40%.
Số nhiễm HIV mới phát hiện trong tháng là 00 ca, cộng dồn là 55 ca (tương đương với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.875 ca (người còn sống 1.261 người); số bệnh nhân AIDS phát hiện trong tháng là 00 ca, cộng dồn là 07 ca (giảm 08 ca so với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.050 ca. Số bệnh nhân tử vong do AIDS trong tháng là 00 ca, công dồn là 09 ca (giảm 05 ca so với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 614 ca. Số người hiện đang điều trị Methadone là 60 người, tổng số bệnh nhân điều trị ARV là 903 người (trong tỉnh: 821, ngoài tỉnh: 82).
Trong tháng, tổng số lần khám là 128.001 lượt, cộng dồn là 1.027.773 lượt, đạt 54,32% kế hoạch, giảm 7,3% so với cùng kỳ. Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 11.373 lượt, cộng dồn là 64.908 lượt, đạt 48,04% kế hoạch, tăng 15,07% so với cùng kỳ. Số ngày điều trị trung bình là 5,83 ngày, tăng 0,02 ngày so với cùng kỳ. Tổng số tai nạn ngộ độc, chấn thương là 3.507 trường hợp, giảm 780 trường hợp so với cùng kỳ.
7.5. Tai nạn giao thông
Trong tháng 7/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 07 người, bị thương 02 người. So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông tăng 03 vụ, số người chết tăng 04 người và số người bị thương tăng 02 người. So với cùng kỳ năm trước số vụ tương đương, số người chết tăng 04 người, số người bị thương giảm 02 người (tất cả đều tập trung ở đường bộ).
Tính chung 7 tháng (từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/7/2021), toàn tỉnh xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 32 người, bị thương 09 người. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ tương đương, số người chết tăng 06 người, số người bị thương giảm 04 người. Nguyên nhân vi phạm nồng độ cồn, không chú ý quan sát, vượt sai quy định, không đi đúng phần đường, không nhường đường.
7.6. Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn: Theo dõi tình hình khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh để có thông báo kịp thời đến người dân.
Về Sạt lở: Trong tháng xảy ra 03 điểm điểm sạt lở tại huyện Châu Thành. Lũy kế đến nay xảy ra 28 điểm sạt lở (huyện Châu Thành 26 điểm, thành phố Ngã Bảy 02 điểm). Tổng chiều dài sạt lở 710 m, diện tích mất đất 4.342 m2; ước tổng thiệt hại 2.417 triệu đồng; so với cùng kỳ chiều dài sạt lở năm 2020 (892,5 m) giảm 279,5 m; diện tích mất đất năm 2020 (5.234,5 m2) giảm 892,5 m2; ước thiệt hại năm 2020 (2.241 triệu đồng) tăng 176 triệu đồng.
Về giông lốc: Trong tháng tốc mái 01 căn nhà. Lũy kế: Nhà sập 08 căn, tốc mái 17 căn, tốc mái 01 xưởng sản xuất, hư 01 trạm biến điện, tăng 13 căn so cùng kỳ năm 2020, ước thiệt hại: 2.259 triệu đồng.
Ngành chức năng tiếp tục giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở có thông tin phản ánh để kịp thời xử lý theo quy định. Trong tháng, ngành chức năng phát hiện 04 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 05 vụ, với tổng số tiền xử phạt là 17 triệu đồng. Tính chung 7 tháng, đã phát hiện 40 vụ, xử lý 38 vụ, tổng số tiền xử phạt khoảng 711 triệu đồng.
Công tác phòng, chống cháy, nổ luôn được các ngành chức năng quan tâm thực hiện, định kỳ có kiểm tra, hướng dẫn người dân, các cơ sở kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, trong tháng đã xảy ra 01 vụ cháy nổ, làm thiệt hại khoảng 900 triệu đồng./.
[1] Nguyên nhân tổng đàn heo trên địa bàn tăng là do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ, những hộ nuôi nhỏ lẻ bắt đầu tái đàn trở lại, những hộ nuôi quy mô gia trại, trang trại tiếp tục sản xuất, tái đàn và mở rộng quy mô chuồng trại. Từ đó tổng đàn từng bước được khôi phục góp phần tăng về số lượng và sản lượng.
[2] Nguyên nhân do diễn biến dịch covid-19 phức tạp, làm ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất công nghiệp của tỉnh, do lo ngại chung, người lao động ngoài tỉnh của một số doanh nghiệp xin nghỉ có thời hạn và cam kết sẽ trở lại làm việc khi hết dịch bệnh, đã làm tác động đến tình hình sản xuất một số ngành như: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm, chỉ số sử dụng lao động giảm 18,90%, giá trị sản xuất giảm 15,70% so với tháng trước; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, chỉ số sử dụng lao động giảm 2,71%, giá trị sản xuất giảm 0,64%... Vì vậy, ước thực hiện tháng 7/2021 giảm so với tháng trước.
[3] Nguyên nhân tăng so với cùng kỳ năm trước là do hiện nay một số ngành đang tận dụng được nguồn nguyên, vật liệu dồi dào trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Chế biến thủy sản; xay xát; chế biến rau củ quả đông lạnh; sản xuất thức ăn gia súc,… Bên cạnh đó, tăng một phần là do các doanh nghiệp cùng ngành ở một số nước như; Ấn Độ, Trung Quốc, Châu Âu,… bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, làm cho lượng hàng hóa trên thị trường xuất khẩu khan hiếm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không bị ảnh hưởng dịch bệnh tăng sản lượng sản xuất, nên giá trị sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước.
[4] Nguyên nhân do một số doanh nghiệp và cơ sở cá thể tạm ngưng hoạt động, nên lượng điện năng tiêu thụ giảm, sản lượng điện truyền tải được 69,62 triệu kwh, giảm 8,08 triệu kwh so với tháng trước và tăng 2,09 triệu kwh so với cùng kỳ.
[5] Nguyên nhân là do trong tháng 7/2021 có một số ca bệnh SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh, nên lao động một số doanh nghiệp xin nghỉ có thời hạn và cam kết sẽ trở lại làm việc khi hết dịch bệnh. Vì vậy, chỉ số sử dụng lao động dự báo giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang